CHÚA NHẬT 26 TN 2018

 

Anh chị em và các gia đình trẻ thân mến,

Hôm nay chúng ta hãy cùng nhau đặc biệt suy nghĩ về Lời Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng “nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn” bởi vì quả thực trong mọi gia đình, cách riêng trong các gia đình trẻ của chúng ta đang có quá nhiều những “cớ vấp phạm” cho con cái chúng ta, “những kẻ bé mọn” của Chúa.

Trước hết theo thánh Giacôbê, chúng ta có lẽ đang hăng say tích trữ cho gia đình “Của cải …, áo quần …, vàng bạc…” thậm chí còn theo cách “gian lận”, hoặc “đã ăn uống say sưa …, đã tận hưởng khoái lạc …. đã lên án và giết chết người công chính…” đó chẳng phải là “những cớ vấp phạm” cho con trẻ của chúng ta đó sao. Và nếu nói theo bài sách Dân Số thì còn đó những thái độ ghen tỵ phen bì cũng chẳng là “những cớ vấp phạm” hay sao. Và còn nữa thánh vịnh đáp ca nói đến “tính kiêu căng” đã thực sự là nguyên nhân của bao “điều tội lỗi lớn lao” trong đó phải kể đến việc khinh thường đường lối Cứu Độ của Chúa qua lề luật thánh và các bí tích mà Người đã dùng chính cái chết của Con Yêu Dấu Người thiết lập.

Hôm nay tôi muốn suy nghĩ một “cớ vấp phạm”, đã trở nên quá phổ biến giữa chúng ta : việc tổ chức lễ Vu Quy hay lễ Tân Hôn của mọi gia đình. Mọi bữa tiệc tuy có bắt đầu với việc mời linh mục làm phép của ăn, nhưng lúc đó cha mẹ đôi bên cũng như cô dâu chú rể ở đâu, có quan tâm để mọi người nhận ra họ thực sự đang tha thiết cầu xin chúc lành của Chúa, hay là họ d8ang mải lo tiếp đón khách mời. Không lạ gì khi linh mục làm phép của ăn biết bao người kitô hữu dự tiệc cũng không quan tâm cầu nguyện. Làm như thế chẳng rõ ràng chúng ta coi việc chúc lành của Chúa cho bữa ăn quan trọng này của gia đình chỉ là hình thức chẳng đặng đừng, và thực sự làm cho Danh Chúa bị “vấp phạm” nơi mọi người đó sao?

Tôi thiết nghĩ những bữa tiệc như thế phải bắt đầu với việc giới thiệu cha mẹ đôi bên, các người đại diện 2 họ nhà trai nhà gái, cô dâu chú rể, và linh mục đại diện. Sau đó mời linh mục làm phép bánh, rượu mà cô dâu chú rể sẽ phân chia, rồi làm phép bữa ăn. Rồi mới tới những phát biểu vắn gọn của đại diện đôi bên và lời mời cô dâu chú rể cắt bánh và khui rượu… Tất cả gói gọn trong 5,10 phút. Làm như vậy mới là tôn trọng Danh Chúa và những người dự tiệc.

Nói đến tổ chức đám cưới hỏi, chúng ta có lẽ đã hành xử đúng như Chúa nói “Các ngươi chỉ chú trọng tuân giữ lề thói phàm nhân”, mà “bỏ qua lề luật Chúa” : khi chúng ta giữ tiệc tối hôm trước ngày chính tiệc. Thực ra tiệc đó là vì hoàn cảnh xưa kia phải dựng rạp cho chính tiệc hôm sau, cho nên có tên gọi là bữa dựng rạp, và gồm những người thân của gia đình đến giúp đỡ công việc nặng nhọc này. Bữa ăn có tính cách phục vụ bác ái. Ngày nay rạp do thuê mướn rồi, việc giữ bữa tiệc này không còn ý nghĩa của việc phục vụ yêu thương như Chúa dạy mà thuần túy chỉ còn là “ăn uống say sưa” để lại thêm gánh nặng cho gia đình và nhất là cho đôi bạn trẻ sau này.

Thay vì biết bao “cớ vấp phạm” chúng ta đã làm, chớ gì các gia đình hãy nghe lời khuyên thật giản đơn của Chúa là “nhân danh Thầy mà cho các kẻ bé mọn một ly nước vì lẽ chúng thuộc về Đấng Kitô”, dù đó chỉ là ly nước lã nhưng chan chứa tình yêu phục vụ nhân Danh Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ đẩy lui được mọi cớ vấp phạm ra khỏi gia đình, và nhờ đó các con cháu chúng ta được lớn lên trong NIỀM TIN VÀO CHÚA.

 

Lm. Giuse Nguyễn Hưu Duyên

 


GỢI Ý GIẢNG LỄ B