GỢI Ý GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH NĂM B

Antôn Trần thế Phiệt, DCCT

 

Nối tiếp ý tưởng của Chúa Nhật trước, các bài Kinh thánh hôm nay đề cập đến quá trình củng cố và phát triển niềm tin Phục sinh.

 

I. Trong cuốn Tin Mừng Luca, đoạn Tin Mừng ta vừa nghe tiếp vào câu chuyện Đức  Kitô Phục sinh  hiện ra cho hai môn đệ làng Emmau. Hai ông đã nhận ra Ngài khi cùng vào quán với Ngài và trông thấy Ngài bẻ bánh, trao cho các ông. Ngài vừa biến mất, hai ông vội trở lại Yêrusalem cốt báo tin vui cho các Tông đồ  có lẽ chưa biết gì cả. Nhưng trước khi hai ông nói, các Tông đồ kia đã lên tiếng trước, báo cho hai ông biết Đức Yêsu  đã hiện ra cho Phêrô, nghĩa là Ngài đã sống lại thật. Kế đó, hai ông mới thuật lại sự việc  liên quan đến mình. Chính lúc đó, Đức Yêsu  hiện đến. Vậy mà thật đáng ngạc nhiên, các Tông đồ lại kinh hồn bạt vía, chẳng một ông nào hồ hởi vui mừng. Rõ ràng các ông vẫn chưa tin. Chúa thấy ngay hai nỗi khó của các Tông đồ : một là khó tin có chuyện người chết sống lại

 

          Có lẽ, cũng như nhiều người Á Đông chúng ta , người Do thái và các Tông đồ chỉ có một niềm tin lờ mờ về đời sau, họ quan niệm khi chết là con người  đi vào kiếp khác, thỉnh thoảng hồn một số người chết hiện về. Tuyệt nhiên không bao giờ có người đã chết còn sống lại. Do đó khi Đức Yêsu  hiện ra, các ông khiếp vía, chỉ tưởng đó là hồn của Ngài, hoặc đó là ma hiện. Để đánh tan nghi ngờ này của các ông, thuyết phục các ông và làm cho các ông tin,  Ngài đã dùng những cách cụ thể : Ngài cho họ xem chân tay, xem thân mình bằng xương bằng thịt của Ngài và ăn thật sự trước mặt các ông.

 

          Nhưng Ngài lại thấy nỗi khó thứ hai , các Tông đồ chưa hiểu vì sao Ngài phải chịu thương khó rồi mới được phục sinh vinh quang, Ngài giải toả bằng cách nhắc lại các sách Cựu ước, giúp các ông hiểu rằng suốt lịch sử Israel, Thiên Chúa đã từng dày công dạy cho Dân Chọn biết con đường hy sinh, chịu gian khó, để được sống và đạt hạnh phúc. Chẳng hạn qua việc cho dân Israel thấy giữ luật Người và trung thành với Giao ứoc thì được hưởng bình an thịnh vượng, phản bội Giao Uớc, ưa sự thong dong, chiều theo các đam mê thì gặp khốn đốn hay bị lưu đầy, nhất là qua khuôn mặt của người Tôi tớ thống khổ, bị bắt bớ, phải ô nhục nhưng sẽ đạt vinh quang và thực thi kế hoạch cứu thế.

 

          Vậy Chúa đã cố gắng đánh tan 2 nỗi hoang mang nghi ngờ của các Tông đồ và ân cần củng cố niềm tin Phục sinh cho các ông.

 

          Sở dĩ Ngài ân cần với các ông, chính vì Ngài ưu ái các ông, dành cho các ông một tình thương đặc biệt, và Ngài muốn sau khi vững tin, các ông sẽ trở nên những chứng nhân kiên cường, lên đường loan báo Tin Mừng, để tất cả nhân loại được biết Tin Mừng ấy và được cứu độ. Đó là mục tiêu chủ chốt Ngài nhắm. Có điều là khi hành động, Chúa tỏ ra dịu hiền, tế nhị, không rùm beng, không áp đặt, mà tôn trọng sự tự do phía các Tông đồ cũng như phía mỗi người sau này.

 

Và ta thấy Chúa đã thành công : sau lúc đầu kinh hoàng nghi ngờ, các Tông đồ đã tin thật và ít lâu sau, các ông được đầy Thánh Thần, sẽ hoàn toàn đổi thay : thánh Phêrô mạnh dạn làm chứng và quả quyết : “Thiên Chúa đã tôn vinh Tôi Trung của Người “. Rồi cũng như Đức Yêsu  Phục sinh, Người sẽ giải thích cho những người dồng hương Do thái hiểu đường lối lạ lùng của Thiên Chúa , từng khiến họ sai lầm, không nhận ra Đấng Thiên sai, còn ruồng rẫy Ngài và đòi đóng đinh Ngài vào thập giá. Nhờ tình thương của Chúa, niềm tin Phục sinh được củng cố và được truyền đạt đến chúng ta .

 

          Thái độ của chúng ta hôm nay trước hết là tạ ơn Chúa vì sự xác thực của niềm tin Phục sinh . Nhờ Chúa hiện ra nhiều lần, mạc khải ngày càng rõ hơn và dùng nhiều cách thức chứng minh, thuyết phục, các thánh Tông đồ đã đạt tới một đức tin vững vàng, có nền tảng chắc chắn. Do đó ta hãy tin vững, bám chắc Mầu nhiệm Phục sinh . Rất nhiều người thời nay cho là niềm tin của ta có tính cách mê tín hoặc hoang đường, ta không việc gì khủng hoảng và mặc cảm. ta đã nhận lời chứng rõ ràng của các thánh Tông đồ rồi. Phía ta cũng không lý luận theo lý sự của con người để nghi ngờ những tín điều trong Hội Thánh. đặt lại vấn đề về những điều mình đang tin. Trái lại, trước mọi chê bai, tấn công, thậm chí bách hại nếu có, ta hãy cứ vững như đồng trong niềm tin Phục sinh .

 

Thái độ thứ hai là ta chấp nhận đường lối lạ lùng của Chúa đối với   Hội Thánh hoặc đối với cá nhân ta. Khi hiện ra với các Tông đồ, Chúa đã giúp các ông hiểu một điều khó chấp nhận là Ngài phải chịu thương khó và chết nhục nhã trên thập giá rồi mới được phục sinh vinh quang. Cũng thế, nhiều lúc Hội Thánh bị chỉ trích, bị bắt bớ. Ta khó hiểu tại sao lại có sự kiện ấy. Hoặc trong đời ta, có khi Thiên Chúa cũng làm những điều khó hiểu, ví dụ gởi đến cho ta một cơn bệnh, một thất bại, một thua thiệt, ta khó chấp nhận rằng đó là những điều do Chúa an bài, và đó chính là những hồng ân Chúa ban. Rồi ta cũng khó chấp nhận anh chị em bên cạnh ta, những người ăn xin, những kẻ nghèo khó, lại chính là hiện thân của Chúa. Đó là những điều khó chấp nhận. Nhưng nhìn vào Chúa Yêsu, ta hãy hiểu cách hành động của Thiên Chúa , hãy nhớ lại Kinh thánh và lịch sử Israel, trong đó Thiên Chúa đã dạy con người suốt hàng ngàn năm trường, đã kiên trì giúp con người hiểu về con dường hẹp, đưa đến vinh quang, hiểu về tinh thần từ bỏ, khiêm nhường, hèn hạ, để ta bình tâm chấp nhận những điều khó hiểu do Thiên Chúa gởi đến.

 

Và cuối cùng,, trong nămthánh hoá gia đình, mỗi gia đình công giáo chúng ta hãy có chương trình và quyết tâm đọc và tìm hiểu Kinh thánh nhiều hơn, lắng nghe các bài Lời Chúa trong các thánh lễ một cách chú ý hơn, cũng như giúp mọi phần tử trong nhà tập luyện tinh thần hãm mình, hy sinh, để

                                     hiểu về Chúa

                                     hiểu gía trị của đường lối và tinh thần Chúa

                                     và để nên chứng nhân cho Chúa trong thời đại ngày nay.

 

Đó chính là cách chứng tỏ ta tin và sống mầu nhiệm Phục sinh , ta hiểu và thể hiện tinh thần của Đấng Phục sinh .

 

25/4/03


Về trang Mục Lục Trở Về Trang Nhà