THỨ BẢY TUẦN THÁNH

Ngày 15-4-2006

   

          Khi ông Nicôđêmô và các môn đệ Đức Yêsu mai táng Ngài trong một ngôi mộ và lăn một tảng đá lớn lấp cửa mồ lại, có vẻ như mọi sự đã kết thúc. Nhưng không : đúng vào lúc mọi sự bí thì lại thông, đúng vào lúc nhiều kẻ thiết nghĩa của Đức Yêsu tuyệt vọng thì bỗng dưng họ lại hy vọng. Đúng vào lúc đời tối đen bi đát, thì lại sáng và hân hoan.

  

   Lúc đầu lễ, nghi thức lấy lửa mới, kiệu nến Phục Sinh và công bố Tin Mừng Phục Sinh đã diễn tả những điều đó. Cộng doàn chúng ta đang chìm ngập trong bóng đêm, thì ánh lửa bùng lên, càng lúc càng toả chiếu, vừa soi sáng vừa tạo niềm phấn khởi. Nghi thức kiệu nến Phục Sinh biểu tượng cho 2 cuộc Vượt qua : cuộc xuất hành vượt qua ngày xưa của Dân Do thái ra khỏi Ai cập, và cuộâc Vượt qua của Đức Kitô từ cõi chết sang cõi sống.

 

   Cả hai cuộc Vượt qua đều xảy ra như lời Chúa báo trước : lời Yavê báo cho Dân Dothái qua trung gian ông Mosê, trước khi Người ra tay đánh phạt quan quân vua Pharaông để dẫn Dân Riêng của Người qua Biển Đỏ ráo chân – cũng như lời Đức Yêsu  báo trước cho các tông đồ : Ngài phải đi Yêrusalem và chịu nhiều đau khổ do hàng niên trưởng và các thượng tế cùng ký lục, và bị giết đi và ngày thứ ba sẽ sống lại (Mt 16,21).

 

Cả hai cuộc Vượt qua ấy đều vừa là biến cố đã xảy ra, vừa diễn tả điều kiện và con đường cứu độ :  muốn được cứu độ, nhất thiết người ta phải vượt qua  : dân Dothái xưa nhất thiết phải lên đường ra khỏi Ai cập, Vượt qua Biển Đỏ, mới được đặt chân lên miền sa mạc tự do. Cũng như Đức Yêsu  phải bỏ thế gian này, phải ra khỏi kiếp phàm nhân mới về cùng Chúa Cha, vào Nước Trời và sự sống thần linh viên mãn.

Có “mất” mới có “được”. Có chết mới sống. Có từ bỏ mới nhận phần thưởng bội hậu. Đó là qui luật của ơn cứu rỗi.  Đức Yêsu không những đã loan báo, đã mạc khải qui luật đó, mà còn sống qui luật đó : Ngài đã sống  chính đường lối Yavê vạch ra suốt Cựu Ước và thực thi những lời chính Ngài loan báo.

 

Trong phần canh thức lúc đầu, ôn nhắc lại lịch sử cứu độ từ xa xưa, các bài đọc Cựu Ước đã nhắc lại điều kiện và đường lối ấy : Abrahm bị Yavê thử thách bằng việc đòi ông tế hiến Isaac, người con một, và khi ông tùng phục vì tin mến, khi ông sẵn sàng mất con vì mến Yavê, Yavê hứa sẽ thi ân giáng phúc cho ông, sẽ làm cho dòng dõi ông nên nhiều như sao trên trời, như cát ngoài bãi biển. Trong sách Baruc, Thiên Chúa  cũng nói rõ với Dân Chọn : “Nếu ngươi cứ bước đi theo đường Đức Chúa, hẳn muôn đời ngươi đã được an vui. Hãy học cho biết đâu là khôn ngoan, đâu là sức mạnh, đâu là thông hiểu, đâu là trường thọ và sự sống, đâu là ánh sáng soi con mắt và đâu là bính an. Ai gắn bó với Lề luật thì  sẽ được sống, còn ai lìa bỏ ắt sẽ phải chết” (3, 13.14 ; 4, 1b). Và thánh Phaolô quả quyết với giáo đoàn Rôma : “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người : dó là niềm tin của chúng ta” (6,8)

 

Vậy đêm nay, khi hát mừng tung hô Chúa Phục Sinh, chúng ta cũng ngợi khen Chúa là Đấng đã sống Lời Chúa : Lời Yavê phán suốt thời Cựu Ước cho Dân Israel và Lời chính Ngài đã rao giảng trước khi chịu khổ nạn. Đồng thời, chúng ta xác tín vào lòng trung tín của Thiên Chúa  và vào hiệu năng của Lời Chúa : Thiên Chúa  luôn giữ những Lời Người đã nói ra và luôn thực hiện như Lời Người đã nói. Thiên Chúa  nói điều Người làm và làm điều Người nói.

 

Chính vì tin vào Người mà chúng ta đã gia nhập Hội thánh, đã lãnh nhận bí tích Rửa tội, thề nguyền từ bỏ thế gian, tội lỗi, ma quỷ và tin mến Ba Ngôi. Giờ đây, trong ánh sáng chan hoà của màu nhiệm Phục Sinh, chúng ta cùng tuyên lại những lời thề nguyền ấy và xin ơn được cùng chết đi với Đức Kitô cho con người cũ, để sống lại với Ngài trong đời sống mới : đời một đoàn người xuất hành, vượt qua trong khải hoàn và phục sinh trong vinh quang. Giờ đây, chúng ta thắp nến và cầm trên tay : xin Đức Kitô Phục Sinh biến chúng ta nên giống những ngọn nến sáng, vừa chan hoà ánh sáng Phục Sinh nơi mình, vừa là những chứng nhân chói sáng của Ngài.

 

Lm. Antôn Trần Thế Phiệt, DCCT

 


Về trang Mục Lục Trở Về Trang Nhà