GỢI Ý GIẢNG LỄ THỨ NĂM TUẦN THÁNH

Ngày 13-4-2006

Ngày xưa, cũng vào tối thứ năm như lúc này, Dân Dothái đang ở trong bầu khí đại lễ Vượt qua.

Mỗi lần đến lễ Vượt qua, họ đều nhó lại nhiều ý nghĩa của nó : nó là dịp họ tưởng niệm cuộc giải phóng khỏi Ai cập – tưởng niệm sự kiện Thiên Chúa  ký kết Giao ước với dân tộc họ ở núi Si-na-i và ban 10 giới răn cho họ qua trung gian ông Môsê. Trong dịp mừng lễ này, trước khi ăn chiên vượt qua, người gia trưởng trong mỗi gia đình Dothái đều phải nói lại cho thế hệ con cháu hiểu ý nghĩa của ngày lễ, để nhớ ơn Thiên Chúa .

Mỗi lần đến lễ Vượt qua, chính Thiên Chúa  thể nói, cũng nhớ lại mong ước của Người : mong ước dân Israel càng ngày càng trở nên xứng danh là Dân của Người, càng ngày càng sống đúng đòi hỏi của 10 giới răn.

Bởi vì khi giao ước với họ, Thiên Chúa  đã muốn yêu riêng họ, muốn tách họ ra khỏi các dân, kéo họ vào vòng thân mật đặc biệt với Người. Khi ban cho họ 10 giới răn – gọi là bộ luật dành cho đoàn dân mới được giải phóng – Thiên Chúa  muốn họ nhân bản hơn, đạo đức hơn, văn minh hơn mọi dân khác. Mười giới răn còn được gọi là 10 Lời của Thiên Chúa , lúc đầu giống như một cái khung Thiên Chúa  dặt ra cho đời sống luân lý của Dân : cái khung, tức là cái ranh giới, cái vòng vây, họ được mời gọi đừng ra khỏi đó, còn ở bên trong cái khung, họ muốn làm gì thì làm. Ví dụ : điều răn thứ năm cấm giết người. Giết người là cái khung. mức giới hạn cuối cùng. Nếu họ chưa giết người thì kể là vẫn giữ điều răn thứ 5. Miễn là đừng giết người, còn chửi mắng, đánh đập không sao. Rồi dần dần, họ vừa vẫn không được ra khỏi cái khung vừa phải tiến tới thêm, cho đến mức tránh cả tức giận anh em mình như Chúa Yêsu dạy (Mt 5, 22)

Thế nhưng, tuy Thiên Chúa  kỳ vọng thật nhiều, dân Israel đâu có sống Giao ước và giữ 10 giới răn được bao nhiêu. Lịch sử của họ là một chuỗi dài những bất trung, những vi phạm, những kiểu sống xoàng xĩnh, những lãnh đạm với Thiên Chúa  coi thường Giao ước.

Chỉ có chính Con Một Thiên Chúa  đã đến và đã sống được Giao ước và các giới răn đến cùng

        Mười giới răn nêu ra cho con người cái lý tưởng là đề cao Thiên Chúa  trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân như chính mình và một cách tuyệt đối. Thì đây, Chúa Yêsu thật sự yêu mến Cha hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn. Và Ngài yêu mến tha nhân đến nỗi cúi xuống rửa chân cho Phêrô và các tông đồ, tức là đến nỗi trở thành nô lệ phục vụ con người.

        Giao ước Si-na-i nhắm tới cái lý tưởng là Thiên Chúa  sống hết mình cho IsraelIsrael gắn bó tuyệt đối với Thiên Chúa , không còn bao giờ phân lìa đôi ngả. Thì đây, khi thiết lập bí tích Thánh Thể, khi làm cho bánh hoá nên Mình Ngài, làm cho rượu hoá nên Máu Ngài, để người ta có thể ăn Ngài, uống Ngài, Đức Yêsu là Thiên Chúa  đã gắn kết nên một với con người, đã thành máu thành thịt trong mỗi người rước Mình Máu Ngài, cũng như con người, nhờ bí tích Thánh thể, nên một với Thiên Chúa , không phân lìa, không tách biệt nữa .

Chính vì thế, khi chúng ta cử hành lại Bữa Tiệc Ly của Chúa là chúng ta công bố rằng Đức Yêsu đã sống đến cùng Lời Chúa và Ý Chúa được diễn tả nơi Giao ước Si-na-i và nơi 10 Lời, tức 10 giới răn.

Điều đó nhắc nhở chúng ta

        trân trọng các Lời Chúa phán dạy và ra sức thực thi theo gương Đức Yêsu

        mộ mến bí tích Thánh Thể, nơi Đức Yêsu lấy Máu Thánh Ngài để Thiên Chúa  ký kết với ta Giao ước tình yêu, gắn kết Thiên Chúa  với ta và ta với Thiên Chúa

Điều đó cũng mời gọi ta nhớ đến chức linh mục mà Đức Yêsu đã thiết lập và cầu nguyện nhiều cho hàng giáo sĩ biết sống tinh thần của Đức Yêsu tư tế và tôi tớ.

Giờ dây là nghi thức rửa chân, thể hiện lại chính hành vi của Đức Yêsu……….

Lm. Antôn Trần thế Phiệt


Về trang Mục Lục Trở Về Trang Nhà