Gợi ý : BÀI GIẢNG THỨ SÁU THÁNH

 

Lm. Antôn Trần Thế Phiệt, DCCT

 

I. Chắc chắn người Do thái càng theo Đức Yêsu  trong những ngày cuối đời của Ngài thì lại càng thất vọng. Và khi ở sân phủ đường Philatô, có thể nói họ đã thực sự vỡ mộng. Bao nhiêu đợi chờ và hy vọng của họ đều như tan thành mây khói

 

- thay vì được reo hò tung hô một vị vua oai hùng, thì họ đang phải chứng kiến một kẻ thất thế, một khuôn mặt thảm thương, không còn vẻ người, đúng như những gì các ngôn sứ từng mô tả về Người Tôi tớ thống khổ (như ta vừa nghe trong bài đọc I)

 

- thay vì được nhìn thấy Ngài và chính mình trong cảnh chiến thắng, trong vinh quang, trong quyền lực, thì kìa họ chẳng thấy Ngài thực hiện  một cuộc Vượt Qua , một cuộc giải phóng nào cả, mà lại thấy Ngài từ bỏ vinh hoa, thậm chí đời Ngài sắp kết thúc nơi đích điểm là cái chết cầm chắc trong  tay .

 

II. Họ đâu có ngờ là đúng lúc họ vỡ mộng như thế, một biến cố lớn lao đang xảy ra, đâu có ngờ là chưa khi nào và chưa một thế hệ nào có phúc như họ hôm đó, bởi vì chính hôm đó Thiên Chúa thực hiện  cuộc Vượt Qua mới  đích thực. So với cuộc Vượt Qua xưa kia,  cuộc Vượt Qua mới  có ba sự khác biệt lớn :

 

l/ Trước hết là lần này , Thiên Chúa ở cùng hơn khi xưa : hồi ở Ai cập, chắc chắn  ai trong số những người Do thái  cũng đều quí mến và nể phục ông Mosê, nhưng đồng thời ai cũng biết rằng  đàng sau ông và bên trên ông, đang có Đức Chúa vô hình, Đấng lớn lao hơn và đang điều khiển mọi sự . Qua khuôn mặt, lời nói, hành động của ông Môsê, họ thấy Thiên Chúa thật gần họ và thấy như mình rờ đụng được sự hiện diện của Người

          Thế nhưng ở sân phủ đường Philatô, qua Đức Yêsu , Thiên Chúa của họ còn gần hơn nữa , vì Người đang ngự sờ sờ ra đó ngay trước mặt họ. Khi Philatô chỉ vào Đức Yêsu  và nói “này người đó”, cả ông ta lẫn chính họ đâu có biết nghĩa của câu đó là : này là chính Thiên Chúa bằng xương bằng thịt, Thiên Chúa hiện ra rành rành, Thiên Chúa tỏ mình tỏ tường, Thiên Chúa đã đến nơi đây, đang ngồi đây, tại sân phủ đuờng này, thành một con người bằng xương bằng thịt. Thiên Chúa gần hơn, thật hơn, rõ hơn xưa kia biết bao. Họ đâu có ngờ được.

 

2/ Sự khác biệt thứ hai là hôm nay, cuộc Vượt Qua đích thực đang xảy ra, không còn chỉ là biểu tượng, không còn chỉ là kỷ niệm. Tuy đối với họ, cuộc Vượt Qua  khỏi Ai cập ngày xưa là biến cố vô cùng lớn lao, đáng mọi thế hệ mừng nhớ, nhưng thật ra nó chỉ là hình ảnh báo trước về cuộc Vượt Qua lần này mà thôi. Nó chưa phải là cuộc Vượt Qua đích thực. Nó có mang lại cho Israel sự tự do và sự tồn tại đã nhiều thế kỷ, nhưng chắc chắn nó không có tính cách đời đời. Đồng thời người Do thái mừng lễ  Vượt Qua một cách long trọng và họ coi trọng lễ sát tế chiên  Vượt Qua  đang diễn ra ở đền thờ Yêrusalem , nhưng cuộc lễ ấy  và việc tế hiến ấy cũng chỉ là kỷ niệm về một biến cố đã qua, đâu có phải là thực tại, như khi Đức Yêsu  chết trên thập giá, khi Ngài là chiên  Vượt Qua  chính hiệu (vì Ngài giống con chiên  Vượt Qua, không bị đánh dập cái xương nào, mà chỉ bị đâm thủng cạnh sườn)  khi Ngài là Thượng tế đích thực.

         

Các cử hành ở đền thờ chỉ là nghi lễ và kỷ niệm, còn lúc Đức Yêsu  tắt thở trên thập giá, thực tại đã xảy đến, đó chính là thời điểm Con Thiên Chúa và  cả nhân loại vượt từ cõi chết sang cõi sống

 

3/ Sự khác biệt thứ ba, vô cùng đáng buồn, đó là trong cuộc Vượt Qua khi xưa, toàn dân phấn chấn quây quần chung quanh Môsê, vồn vã đón chờ từng mệnh lệnh một của Đức Chúa  và sẵn sàng lên đường, không một phút chậm trễ, còn trong hiện tại, họ không nhận ra thời điểm mình sắp được đời đời giải phóng và đang thẳng thừng từ khước Môsê mới của mình. Đối với Đức Yêsu vô tội cũng là chính Đức Chúa đang sờ sờ trước mặt, họ điên cuồng la lên “đóng đinh nó vào thập giá”

 

 

Đúng là không có ngày nào bẽ bàng cho Thiên Chúa cho bằng hôm thứ sáu ấy. Sau hàng ngàn năm yêu thương và chuẩn bị con người  cho Ngày vĩ đại, Người đã gặt hái sự phản trắc của đoàn con nghĩa thiết. Lời lên án và cái chết thập giá họ dành cho Đức Yêsu  tố giác sự chọn lựa sai lầm của họ đúng vào dịp may ngàn năm một thuở. Nhưng không phải chỉ người Do thái mới phản ứng như thế, mà rất có thể chính chúng ta cũng đang phản ứng như thế , qua đưc tin sa sút, qua nếp sống tầm thường của mình. Thập giá Chúa luôn luôn còn là câu hỏi, là sự cật vấn đối với chúng ta .

 

Lát nữa đây, chúng ta sẽ lên hôn kính Thánh giá. Mỗi người hãy tự nghĩ về cái hôn mà mình sắp dành cho Chúa. Mình muốn cái hôn ấy của mình mang ý nghĩa một cái hôn phản bội, giả hình, hay một cái hôn yêu mến và gắn bó ?

 

16-4-2003


Về trang Mục Lục Trở Về Trang Nhà