THỨ SÁU TUẦN THÁNH
Ngày 14-4-2006
Trong sách ngôn sứ Ysaya, có 4 bài
ca về Người Tôi Tớ. Người Tôi Tớ đó là một nhân vật bí nhiệm. Người ta không
biết tác giả ám chỉ về ai : về một vị ngôn sứ, một người đạo đức nào đó chịu
đau khổ thay cho kẻ khác, hay về một cộng doàn trải qua nhiều thử thách. Điều
chủ chốt của đòi sống Người Tôi Tớ này là chịu muôn vàn đau khổ vì người khác,
vì lợi ích và hạnh phúc của tha nhân. Có thể nói cõi lòng Người Tôi Tớ này sôi
sục tình mến và Người sống tình mến đến cùng, qua việc như trở thành sự đau khổ,
sự tội, cốt để muôn người được bình an, được chữa lành, được nên công chính.
Nơi Người Tôi Tớ, có cái gì thật khó giải thích, thật mâu thuẫn như trong tình
yêu vậy. Người thí mạng mình đi vì hạnh
phúc của kẻ khác.
Mỗi khi đọc các đoạn sách về Người
Tôi Tớ, người ta lại phải thắc mắc và ao ước chúng được ứng nghiệm.
Đối với kitô hữu chúng ta,
không ai đã có những điểm giống hệt với
Người Tôi Tớ đó bằng Chúa Yêsu, nhất là trong những giờ khắc Ngài chịu thương
khó và chịu chết. Hồi nãy, khi nghe lại bài thương khó theo thánh Yoan, chúng
ta đã thấy Đức Yêsu phải chịu chính những điều mà Người Tôi Tớ đã trải qua :
như Người Tôi Tớ, Ngài bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải nhục nhã ê chề, bị kết
án, bị đánh đòn, đến nỗi mặt mày tan nát chẳng ra người, chẳng còn dáng vẻ,
chẳng còn oai phong, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích. Như Người
Tôi Tớ, chính Ngài đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã bị đâm thâu vì
chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm. Đức Chúa đã đổ trên đầu
Ngài tội lỗi của tất cả chúng ta. Hay nói như tác giả thư Dothái : khi còn sống
kiếp phàm nhân, Đức Yêsu đã phải lớn
tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn
nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Ngài khỏi chết. Ngài đã nên vị Thượng
Tế biết cảm thương, vì đã chịu thử thách
về mọi phương diện cũng như ta.
Vậy khi chiêm ngắm Đức Yêsu trong
cuộc khổ nạn, ta xác tín rằng Ngài chính là Người Tôi Tớ mà ngôn sứ Ysaya đã
báo trước. Và với việc chịu biết bao nhục nhã, đớn đau và đắng cay, Ngài vừa
đích thân sống Lời Chúa trong Cựu Ước liên quan đến số phận Đấng Mêsia, vừa mạc
khải cho ta hai điều lớn lao, đó là
định luật của tình yêu
và con đường làm người trọn nghĩa
a) định luật của tình yêu chính là chấp nhận
mọi thiệt thòi về phía mình, để cho người mình yêu được hạnh phúc – chính là đi
đến mức thí mạng sống mình vì những người mình thương mến
b) còn
con đường làm “người” lộ rõ vào chính lúc Đức Yêsu được quan Philatô đưa ra
trước công chúng và giới thiệu “này là
người”
• tình
trạng lúc đó của Đức Yêsu là không còn hình tượng người ta, là bị thất thế, bị
đớn đau và nhục nhã tột cùng, thế mà theo đánh giá của đức tin, đây lại chính
là lúc làm “người” trọn vẹn hơn cả
• nghĩa
là chính khi Đức Yêsu “không còn hình tượng người ta nữa, lại là khi lời Yavê
“Ta hãy dựng nên con người giống hình ảnh Ta” trở nên đúng nhất. Đúng nhất bởi
vì đúng với Thiên Chúa nhất, đúng với
Thiên Chúa là Tình Yêu, Thiên Chúa Đấng trọn kiếp mình – nói theo kiểu loài
người - chỉ trở nên nhỏ đi, thiệt thòi đi, đắng cay đi vì đoàn con và muốn cho đoàn
con được hạnh phúc. Đời đời, Thiên Chúa
đã sống định luật đó của tình yêu, đã sống cái mâu thuẫn đó của tình
yêu. Và con người chỉ trở nên hoạ ảnh, hiện thân của Thiên Chúa như Thiên Chúa muốn, khi ở trong định luật đó của tình yêu,
khi cũng như Thiên Chúa , bỏ mình đi,
khi cũng như Đức Yêsu , tự huỷ đi, thí mạng và chịu treo trên thập giá vì yêu,
vì hạnh phúc của nhân loại
Đó là mạc khải thẳm sâu của chiều
thứ sáu hôm nay. Ước gì Chúa Yêsu trên thập giá kéo tất cả chúng ta lên ngang
tầm với Ngài, kéo tất cả chúng ta vào con đường tình yêu của Ngài. Ước gì nụ
hôn lát nữa chúng ta đặt lên chân Chúa đốt lên trong con tim ta ngọn lủa tình
yêu của Chúa. để con người ích kỷ của ta mở ra cho Lời Chúa và cho tinh thần bỏ
mình, thí thân của Chúa, để chân chúng ta cũng bước đi cùng một con đường như chân Chúa đã bước, khuôn mặt chúng ta
cũng nên giống khuôn mặt Chúa, vì chúng ta biết yêu, biết chịu thiệt thòi, biết
chấp nhận mọi đau khổ vì lòng mến đối với Thiên Chúa và vì hạnh phúc của muôn người.
Lm. Antôn Trần Thế Phiệt, DCCT