TRÁI  TIM  CHÚA  GIÊSU

_________________________________________________

Tháng kính Thánh Tâm Chúa

 

        Giáo hội muốn dùng cả tháng sáu này để giáo hữu tôn sùng trái tim Chúa Giêsu trong lòng và bằng những việc thờ phượng bên ngoài để tỏ lòng tôn sùng và phạt tạ Thánh Tâm Chúa vì những sự vô ơn tệ bạc loài người đã làm cho Chúa. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu về Trái Tim Chúa để rút ra bài học thực hành cho đời sống chúng ta.

 

I. LỊCH SỬ THÁNG THÁNH TÂM CHÚA.

 

        Khi Chúa trỏ trái tim Người ra cho bà thánh Maria Margarita Alacoque thì bà thấy sốt sắng kính mến Chúa hết sức và hằng tìm mọi cách để tăng thêm lòng kính mến ấy lên hơn nữa.

 

        Một hôm, sau khi rước lễ bà ước ao rằng : giá dâng một tháng nào để kính thờ rất thánh Trái Tim Chúa thì rất hay và hợp lý lắm. Bà đem ý nghĩ ấy trình bầy với Đức Giám mục thành Paris. Đức Giám mục luận lý rằng : yêu mẹ thì phải kính con. Chúng ta đã có tháng kính Đức Mẹ thì tại sao lại không có tháng kính Đức Chúa Giêsu, nhất là Người mới hiện ra truyền phải kính mến trái tim Người, thì ý nghĩ lập một tháng để kính Người phải là ý nghĩ Người muốn. Tuy nhiên,  Đức Giám mục cũng chỉ ưng thuận trên nguyên tắc và cho phép nhận tháng sáu để làm việc ấy trong dòng của bà thôi.

 

        Công việc đã bắt đầu đem lại nhiều ơn  ích, nên ngài lại ban phép cho giáo dân trong địa phận Ngài đuợc làm theo. Rồi việc dâng kính tháng sáu ấy đã lan ra nhiều nước, nên năm 1899 Đức Giáo hoàng Lêô XIII đã ra sắc công nhận việc ấy, đồng thời làm thêm ba ngày nữa là 33 ngày để kính 33 năm Chúa sống ở thế gian.

 

        Cách thức kính tháng này không nhất định. Tại Paray-le-Moniale chị em ăn chay kiêng thịt và cầu nguyện nhiều giờ hơn trong tháng sáu, ấy là chưa kể việc làm giờ thánh vào đêm thứ năm sang ngày thứ sáu đầu mỗi tháng như ý Chúa muốn khi hiện ra nói rõ với thánh Margarita.

                        (Nguyễn duy Tôn, Cây đòng vấy máu, 1973, tr 101-102)

 

        Đến đây ta lại thắc mắc đặt câu hỏi : tại sao không kính thờ óc, miệng, mắt , cạnh nương long hay đầu gối Chúa Giêsu  như người Hồi giáo thờ cái râu của Đức Mahomed, màø lại tôn thờ trái tim Chúa ?

 

        Câu trả lời trước tiên phải nói là chính Chúa Giêsu muốn vậy khi Người hiện ra nói rõ cho bà thánh Margarita biết về nguyện ước đó.

 

        Câu trả lời thứ hai là : trái tim là trung tâm điểm của tình yêu, trái tim tượng trưng cho tình yêu, mà thánh Gioan tông đồ nói : Thiên Chúa là tình yêu, nên nói tới tình yêu Chúa thì chúng ta liên tưởng ngay tới trái tim Chúa Giêsu.  Ai còn hồ nghi về tình yêu của Chúa đối với chúng ta ? Chúa đã nói : không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người chết cho người mình yêu. Vậy nếu Chúa Giêsu đã chịu chết trên thánh giá để cứu chuộc nhân loại và cách riêng cho chúng ta, thì ai trong chúng ta còn hồ nghi về tình yêu ấy ? Để đáp lại trái tim đã thương yêu chúng ta vô ngần, chúng ta cũng phải yêu trái tim ấy vì “có đi có lại mới toại lòng nhau” !

 

II. NHỮNG HOẠT ĐỘNG CỦA TRÁI TIM .

 

1.      Mô tả trái tim.

 

Đáng lẽ chúng ta cần mô tả trái tim để tìm hiểu một cách tỉ mỉ hơn nhưng đứng về mặt

sinh lý và khoa học  thì hầu hết chúng ta đã có quan niệm tổng quát về trái tim rồi.  Chúng ta chỉ cần nói rằng trái tim là nguồn phát máu đi nuôi thân thể con người, khi nào trái tim ngừng đập, lúc ấy không còn sự sống nữa.  Trái tim làm việc kinh khủng để cung cấp máu, không hề nghỉ một giây phút, từ lúc con người sinh ra cho đến lúc chết.  Tính ra mỗi phút trái tim chuyển được 10 lít máu, mỗi giờ được 600 lít, một ngày được 14.000 lít, một năm được 5.110.000 lít.  Và nếu ai sống được 60 tuổi thì trái tim đã làm việc để chuyển đi được 30.000.000 lít máu.  Một ngày, tim đập được 100.000 lần, có một sức mạnh tổng cộng có thể nâng được một toa xa hỏa nặng 45 tấn lên cao một mét.  Thật là quả tim có sức mạnh phi thường, không ai ngờ được.

 

2.      Trái tim cần thiết cho đời sống.

 

Theo một tờ báo chuyên về khoa học ở Mỹ cho biết, bác sĩ Kerbank có thể làm cho  người

chết hồi sinh được. Ông thay một quả tim tươi trong bộ ngực của người mới tắt thở hay là chích máu tươi vào trong quả tim vừa ngưng đập.

 

        Theo sự nghiên cứu của nhiều bác sĩ, khi người ta vừa tắt thở, quả tim thôi đập, thân thể trở nên lạnh ngắt và cứng đờ. Máu từ mầu đỏ biến ra mầu đen sậm, đoạn thành ra mầu trắng bệch.

 

        Hồi năm ngoái (1956 ?), bác sĩ đã chữa bệnh trong ba nhà thương tại New York và Chicago. Ông đã cứu được lối 225 người vừa chết hay là chết dưới hai giờ đồng hồ sống lại. Trong số những người được bác sĩ cứu sống, có một ông lão quá lục tuần.

 

        Người ta chứa sẵn những quả tim tươi của những người thanh niên chết vì sự rủi ro, tai nạn xe cộ, những tên tù vừa bị xử tử và những người vừa mới chết. Có điều quan hệ là những người đau gần chết hứa chịu hiến trái tim của mình cho khoa học xử dụng.

 

        Nếu gặp trường hợp của những người đau tim, bác sĩ Kerbank chỉ có việc chích lấy hết chất máu ở trong quả tim của người đó ra. Sau đó, ông tìm chất máu tốt của một quả tim ướp sẵn để thay vào trong quả tim của người vừa mới chết, không cần đến thuật giải phẫu. Theo lời bác sĩ Kerbank, trong số 100 bệnh nhân, có 90 người bị thiếu máu trong tim.

 

        Người ta hy vọng áp dụng phương pháp của bác sĩ để cứu thoát nhiều người bệnh sắp chết hay chết dưới hai giờ đồng hồ. Bác sĩ lại cho biết ông sẽ khám nghiệm những người còn trẻ tuổi mắc bệnh yếu tim, đau tim. Ông sẽ dùng khoa giải phẫu để cắt bỏ trái tim xấu và thay một quả tim mạnh vào. Người đó sẽ sống tới 100 tuổi hay hơn nữa. Tóc của anh ta không bị bạc, răng không bị rụng, không nhăn da và máu huyết vẫn hồng hào, đi đứng mạnh mẽ như người mới tứ tuần.

                        (Trích báo Đời Mới, số 87, tr 29)

 

3.      Ảnh hưởng của trái tim.

 

Óc là trung tâm điểm của đời sống lý trí, còn tim là trung tâm của đời sống tình cảm.

Nhưng trong thực tế, trong mọi sinh hoạt của con người, bao giờ cũng có phần tham dự của quả tim hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp.

 

        Nhiều khi tiếng nói của lý trí không thắng nổi được tiếng nói của con tim vì quả tim có lý lẽ riêng của nó (theo Blaise Pascal). Bao giờ lý trí cũng bị quả tim chi phối hoặc ít hoặc nhiều. Nhưng ta có thể nói : người ta hay hành động theo tiếng nói của con tim vì nếu người ta cứ sống theo lý trí thì chẳng ai dại gì mà phạm tội, chẳng dám làm gì hại cho mình, đúng như lời nhà hiền triết Socrate đã nói :”Không ai cố tình làm điều gì xấu”. Như thế có nghĩa là nếu theo đúng tiếng nói của lương tâm, của lý trí thì không ai cố tình làm điều gì xấu, nhưng vì người ta bị mù quáng bởi sức lôi kéo của con tim mà làm điều xấu.

 

        Trong lịch sử, chúng ta thấy còn để lại biết bao gương của những người thuộc loại tai to mặt lớn đã bán cả danh giá, bán cả cuộc đời, bán cả cái chết ô nhục bỉ ổi, chỉ vì chỉ biết nghe theo tiếng gọi của con tim mà mù quáng trước tiếng nói của lý trí, của lương tâm.

 

        Đọc Tam quốc chí, chúng ta thấy có ba vị anh hùng đã lập nên ba nước theo thế chân vạc : nước Ngụy, nước Ngô và nước Thục do Tào Tháo, Tôn Sách (và Tôn Quyền) và Lưu huyền Đức. Theo sử để lại, chúng ta thấy những vị đó là những người biết sống, biết trọng cái danh dự của mình, biết thương dân yêu nước, dám hy sinh thân mình để bảo vệ... Nhưng than ối ! Về sau này Lưu Thiện thế Lưu Bị cai trị nước Thục, Tôn Hưu cai trị nước Ngô đã sống một đời gian dâm vô độ, người nhu nhược, tâm trí mù quáng, không còn biết gì đến dân nước. không biết tới chính sự, không còn biết mở mắt ra lắng tai nghe những lời can gián của các bậc trung thần.mà chỉ biết chúi đầu vào tửu sắc, vào những đam mê thấp hèn, để sau cùng phải dâng nước đầu hàng vua Ngụy Tấn võ Đế (Tư mã Viêm) một cách nhục nhã.

 

        Con người ai cũng biết yêu, không yêu kể như đã chết rồi.  Người ta định nghĩa : người là con vật biết yêu. Sắt đá lạnh nhạt, giết người trong các lò sát sinh dã man ghê rợn, như Himmler, con hùm xám của Đức quốc xã, vậy mà Heinrich Himmler, trước khi uống thuốc độc tự tử (tháng 5 năm 1945) cũng đã để lại 300 bức thư tình lâm ly thắm thiết, tỏ rõ con người ướt át cuồng si. Đã là người, dù sang hèn, giầu nghèo, là em gái hậu phương hay anh trai tiền tuyến, tất cả đều mang trong dòng máu, trong thớ thịt, trong hơi thở một tình yêu sâu xa, khi ẩn khi hiện.

 

        Theo Dante, tình thương ở trung tâm vạn vật, vì là nguyên tắc sáng tạo mọi vật.  Dante nói:”Tình thương làm cử động mặt trời và mọi tinh tú”.

 

        Đúng vậy, chính vì tình yêu của Chúa đối với ta mà Người đã bỏ trời xuống thế, làm lay chuyển cả trời và đất, để cho đất trời se chữ đồng.  Thánh Augustinôâ nói :”Tình yêu có sức mạnh ghê gớm đến nỗi nó kéo ta đi đâu thì ta phải đi đấy”.  Kinh Thánh cũng nói :”Tình yêu mạnh hơn sự chết”.   Vì thế trong đời sống chúng ta, tình yêu là một vấn đề quan trọng lắm, chính tình yêu sẽ chi phối mọi công việc chúng ta, chi phối cả con người chúng ta, nên phải biết điều khiển con tim, phải biết yêu vì thánh Augustinô đã nói :”Yêu ai thì nên giống người đó : yêu đất thì trơ nên đất, yêu Chúa thì trơ nên Chúa”.

 

III. TRÁI TIM CHÚA GIÊSU.

 

1.      Chúa kêu mời.

 

Cách đây gần 300 năm, Chúa Giêsu đã hiện ra nhiều lần với thánh nữ Margarita. Khi hiện

ra lần thứ hai, Chúa đã mở ngực ra và chỉ trái tim Người như một tòa lửa sáng rực hơn mặt trời, trong suốt như thủy tinh, chung quanh có vòng gai và trên cùng là thánh giá.Thánh nhân kể : Chúa đã cho tôi biết lòng Chúa nóng nảy khát khao được nhân loại mến yêu, và Người muốn giải thoát nhân loại khỏi vòng trụy lạc.  Vì thế, Chúa có ý trỏ trái tim Người cho nhân loại, trái tim chan chứa tình yêu, đầy tràn ân sủng và sự cứu rỗi.

 

        Lần khác, đang sốt sắng chầu Mình Thánh Chúa, Margarita lại được xem thấy Chúa, toàn thân Người sáng láng vinh quang với năm vết thương chói lòa như vầng đông, và nhất là trái tim đáng kính của Chúa tựa như lò than hồng. Chúa đã thông cảm cho thánh nữ biết những việc lạ lùng khôn tả của tình yêu Chúa và Người đã yêu nhân loại vô ngần.  Thế mà Chúa đã nhận được những gì ?  Chúa chỉ nhận được những vô ân tệ bạc !

 

        Thật thế, Chúa đã yêu thương loài người hết cách, đến tuyệt độ, đến chết trên thập giá, ta thấy Chúa hằng giang tay ra ngày đêm như muốn ôm cả nhân loại vào lòng. Chúa nghiêng đầu cúi xuống như tha thiết kêu gọi người ta trở về cùng Chúa.  Trái tim Người mở toác ra để chứng tỏ lòng yêu thương không bờ bến. Tình yêu thương vô cùng ấy chưa được nhận biết, Người Yêu chí thánh ấy chưa được yêu lại mà còn bị khinh dể và phản bội nhiều lắm. Kìa,  chúng ta thấy còn hàng tỉ người chưa nhận biết Cúa, còn biết bao bao kẻ tội lỗi khô khan còn xúc phạm đến Chúa.

 

2.      Ta đáp trả.

 

Chúa Giêsu đã yêu ta trước vì từ đời đời Chúa đã thương ta nên mới dựng nên ta, chúng ta

là sản phẩm của tình yêu Chúa. Đáp lại,  chúng ta phải biết tha thiết yêu Chúa vì tình yêu bao giờ cũng phải song phương, phải cho đi rồi lấy lại vì “có đi có lại mới toại lòng nhau”.  Những người yêu thì tìm đến với nhau, Chúa yêu nên đã tìm đến với ta, ta yêu nên ta tìm đến với Chúa vì người ta nói :”Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” (similis similem quaerit).

 

        Chúa yêu ta nên đã chết trên thập giá cho ta. Người còn tỏ tình yêu ra bằng cách để người lính đâm lưỡi đòng thâu qua cạnh nương long để cho nước và máu chảy ra để rửa sạch tội lỗi và nước giải khát cho linh hồn chúng ta.

 

                        Truyện : nước và máu

        Hôm ấy trên ngọn đồi Golgotha náo nhiệt rồi im dần. Lý hình  cũng như dân chúng đã lần lượt xuống hầu hết, vì bản án đã thi hành xong. Hai người trộm cướp còn đang ngắc ngoải trên thập giá liền bị đánh giập ống chân cho chết, còn Chúa Giêsu lúc ấy đã từ trần. Ông Longinô – tên người lính ấy – cầm đòng đâm vào cạnh sườn Chúa, tức thì có nước và máu chảy ra (Ga 19,34).  Có lời tương truyền rằng ông này vốn bị mù  một mắt, và khi máu chảy theo cán đòng xuống tay ông, ông lấy tay vấy máu ấy dụi vào mắt mình, liền được sáng tức thì.

 

        Chúng ta hãy dùng máu và nước từø cạnh nương long Chúa chảy ra để rửa sạch linh hồn :

“Lạy ông, xin cho tôi đựoc sạch” (Mc 10,51 ; Lc 18,41)

 

IV. TRÁI TIM CHÚA VỚI CHÚNG TA.

 

        Chúa Giêsu yêu chúng ta, không những Người để trong lòng, nhưng vì yêu ta quá đến nỗi không che giấu trong lòng nữa mà còn phơi bầy ra cho nhân loại thấy. Ngày mà tình yêu củaNgười phải tỏ bầy cho nhân loại là ngày 27.12.1673 với thánh nữ Margarita. Trái tim của Người không còn ở trong lồng ngực nữa, mà vượt ra ngoài để tỏ cho nhân loại biết vẫn còn thật nhiều tình yêu đối với nhân loại.

 

        Ôi ! “Hữu ư trung, xuất hình ư ngoại”. Tình yêu của Người chất chứa trong lòng bao thế kỷ qua, nay đã  “xuất hình ư ngoại” không còn ngôn từ nào mô tả, để ca ngợi khi trái tim của Người phải xuất hình ư ngoại. Ôi ! Tình yêu Chúa, một lần nữa lại tỏ biểu cho nhân loại được tường tận. Trái tim của Người đã vượt ra khỏi lồng ngực đã hiển nhiên minh chứng cho tình yêu của Người.

 

        Lạy Chúa, chúng con đã làm gì có tình yêu đối với Chúa ở trong lòng “hữu ư trung” thì làm sao chúng con ban phát cho anh em chúng con, cho những người cần nếm hương vị của Chúa, qua trung gian là chúng con để “xuất hình ư ngoại”.

 

        Lạy Chúa, trong cuộc đời của chúng con chỉ “xuất hình ư ngoại” mà thật ra chẳng hề “hữu ư trung”. Tình yêu mà chúng con “xuất hình ư ngoại” đóù, chỉ đặt trên môi miệng, trên tư lợi của đời sống trần gian này, mà không nương tựa nơi Chúa để tạo cho nó có “hữu ư trung”. Xin cho chúng con có tình yêu thật bên trong như Chúa đã ban phát ra cho những người khác.

 

                        Truyện : xuất hình ư ngoại

        Năm 1597 lệnh bắt đạo trên đất Nhật thật gắt gao. Chỉ trong một tuần lễ, mọi cơ sở công giáo đều bị triệt hạ, giáo sĩ bị bắt gần hết, giáo dân bị phân tán và khủng bố tàn tạ.

 

        Tại vùng Odawara, Kamakura, người ta bắt được hai Linh mục trẻ tuổi là Simauchi và Uzawa cùng nhiều ảnh tượng giải về Tokyo. Quan đại thần Tsukamoto nhặt trong đống ảnh tượng một mẫu ảnh thật kỳ cục : người gì mà để trái tim ra ngoài !

 

        Tsukamoto là một nhà nho uyên bác có óc thực tế, thích tìm hiểu. Ông cầm mẫu ảnh trái tim coi qua rồi vứt vào sọt rác, nhưng đến tối, ông nhớ lại và nghĩ bức ảnh kỳ lạ kia hẳn có một ý nghĩa nào đó. Ông lượm lại bức ảnh để trên bàn  và suy nghĩ. Trời đã về khuya mà quan vẫn còn ngồi bất động một mình với bức ảnh trước mặt. Mãi đến gần một giờ sáng, vị đại thần mới thở ra nhẹ nhàng khoan khoái, tay cầm bút lông ghi dưới bức ảnh mấy chữ :”đối ngoại hữu kỳ tâm – đối nội vô tâm giả”.

 

        Từ đó Tsukamoto đặt bức ảnh trái tim trên bàn làm việc một cách kín cẩn. Một hôm có ông bạn Osaki đến chơi, thấy vậy hỏi :

-       Thế nào, bạn lại thích ảnh tượng của bọn tả đạo rồi sao ?

-       Đứng về mặt chính trị của triều đình thì tôi không dám phản kháng. Nhưng về mặt văn

hóa và nhân đạo thì tôi rất thích bức ảnh này. Phải chăng bức ảnh này đã nói lên chương trình và hành động cùng lối xử thế tổng quát của Kitô giáo.  Để ông bạn coi : đối với thiên hạ, tha nhân bên ngoài thì “Hữu Tâm”, còn với bản thân mình thì “Vô Tâm”.  Cho nên họ mới vẽ trái tim để ra ngoài... Nghĩa là phải đem hết trái tim của mình mà phục vụ xã hội, giúp ích cho đời; còn về phần mình thì hy sinh xả kỷ, đừng bao giờ lo riêng cho mình, phải diệt cái ngã vị kỷ.  Đem hết trái tim ra giúp đời giúp người. Nội bức ảnh này tôi thấy đầy đủ hơn cả cái học Từø Bi của Phật, khoan dung hơn cái Nhân Thứ của Khổng, cao siêu hơn cái Vô Ngã của Lão, mạnh mẽ hơn cái học Dũng thuật của Thần Đạo Nhật bản vậy.  Một tôn giáo dạy phụng sự nhân loại, yêu thương mọi người, không quan tâm đến tư ợi, thì quả là ngay chính của Thiên hạ vậy.

        Osaki cảm phục sự diễn đạt của bạn. Không ngờ Đạo Công giáo lại hàm chứa một triết lý nhân sinh cao siêu như vậy. Từ đó hai ông trở nên những người bạn chí thân và đã âm thầm nhận phép rửa tội,  đồng thời vận động triều đình thả hai linh mục...

                        (Hồ bạc Xái, Hạt giống nảy mầm, CN B, tr 85-86)

 

        Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu đã có tình yêu “hữu ư trung” đó. Cả cuộc đời thánh nữ gồm tóm trong chữ  y ê u  , yêu Chúa tận tình. Trong bức thư thứ hai gửi cho chị em họ Marie Gúerin,

thánh nữ say sưa viết :

                “Tôi chỉ biết một phương thế đạt đến sự trọn lành : đó là yêu Chúa. Chúng ta hãy

                yêu Chúa bởi vì trái tim chúng ta chỉ được dựng nên để cho tình yêu” !

 

        Tất cả cuộc đời của thánh nữ lại được tóm lại trong một tiếng YÊU. yêu mãi, yêu hơn nữa, yêu cho đến khi nào trái tim ngất đi và ngã quỵ. Thế là không những sống trong tình yêu mà còn chết vì tình yêu như bài thơ “được chết vì yêu” mà thánh nữ đã viết.

 

        Trái tim Chúa phải là sức mạnh cho chúng ta. Mỗi khi chúng ta thấy mệt mỏi, chán nản trên đường thiêng liêng, giao động trước những thử thách, hãy nhìn vào trái tim Chúa để múc lấy nguồn sức mạnh mà chiến đấu.

 

                        Truyện : Đại úy La Tour d’Auvergne

        Năm 1800, đại úy La Tour d’Auvergne đã chết oanh liệt trên chiến trường Neugourg cạnh sông Danube.  Quân lính mổ ngực ông, lấy quả tim rồi ướp thuốc thơm, đặt vào trong chiếc hộp vàng.  Một quân nhân mang cờ danh dự và treo hộp ấy trước ngực.  Mỗi khi kích thích tinh thần quân sĩ, viên tướng hô to : Đại úy La Tour d’Auvergne. Tức thì, tất cả đạo binh đồng thanh ứng lại :”Người đã chết anh dũng trên chiến trường, nhưng trái tim còn ở giữa chúng ta”.  Và tất cả đều cảm thấy hăng hái lạ thường.

 

        Qủa tim của vị đại úy đã kích thích được tinh thần quân sĩ chỉ vì đại úy đã anh dũng hy sinh vì tổ quốc và hiện giờ quả tim còn hiện diện giữa quân đội.  Cũng thế, Chúa Giêsu đã anh dũng hy sinh chịu chết trên thánh giá cho nhân loại, cho chúng ta, và gần hai nghìn năm nay, trái tim Chúa vẫn còn ở giữa chúng ta. Chúng ta hãy nhìn vào trái tim Chúa Giêsu mà chiến đấu với ba thù, để sẵn sàng hy sinh cho Người, bất chấp gian khổ :

 

                        Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo,

Thất bát sông cũng lội,

                        Tứ cửu tam thập lục đèo cũng qua.

                                       (ca dao)

        KẾT LUẬN

 

        Chúa Giêsu đã trao ban trái tim Người cho chúng ta, để đáp lại sự trao ban ấy, chúng ta cũng phải dâng trái tim của ta cho Người để từ nay trái tim ta, lòng ta thuộc trọn về Chúa, không bị chia sẻ cho mộ tạo vật nào nữa.

 

        Thánh Benoit Joseph Labre là đấng thánh đã đi ăn xin và đã qua đời tại Roma năm 1783. Ngày kia, khi đi thăm một người đau nặng, Ngài dạy cho ông ta phải biết dâng của lễ gì cho đẹp lòng Chúa. Ngài nói : phải dâng cho Chúa ba quả tim ;

-       Quả thứ nhất bằng lửa, nghĩa là quả tim đầy tình yêu đối với Chúa.

-       Quả thứ hai bằng thịt, nghĩa là quả tim đầy tình yêu đối với tha nhân và năng hướng về sự cầu nguyện.

-       Qủa thứ ba bằng đồng, nghĩa là quả tim mạnh mẽ để chống các đam mê của ta, nhất là chống lại tình dục của ta và lo hãm mình để phạt thân xác.

 

Hằng ngày ta hãy nhắc lại sự phó dâng ấy để luôn luôn lúc nào lòng ta cũng hướng về Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta tình yêu chân thật và nồng say mỗi khi ta đọc lời nguyện tắt này :

               

        LẠY TRÁI TIM CỰC THÁNH ĐỨC CHÚA GIÊSU,

          XIN BAN CHO CON KÍNH MẾN TRÁI TIM CHÚA MỘT NGÀY MỘT HƠN.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Ngày 24 Tháng 5 năm 2004


Mục Lục