ĐÓA  HỒNG  TƯƠI  NỞ

____________________________________________

Lễ thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu

 

Vâng, con sẽ hát, con còn hát mãi,

Dù trăm gai con vẫn hái hoa hồng,

Gai càng nhọn, tiếng con hát càng trong,

Gai càng dài, lời ca càng thánh thót.

 

I. MỘT BÔNG HỒNG CHO TÊRÊSA.

 

        Đọc  cuốn truyện “Một tâm hồn” của thánh nữ Têrêsa Hài đồng, ta nhận thấy ngài luôn nhắc tới hoa hồng, tỏ ra thích đặc biệt thứ hoa hồng có gai., và hứa khi đã về trời sẽ tiếp tục làm mưa hoa hồng xuống trần gian. Hôm nay ngày lễ kính thánh nữ và cũng là đầu thánh Mân côi Đức Mẹ, chúng ta cùng tìm hiểu ý nghĩa của bông hoa hồng thiêng.

       

            1. Têrêsa yêu thích hoa hồng.

 

        . Ngay khi còn nhỏ ở nhà, Têrêsa đã tỏ ra yêu thích hoa, cô bé đã chăm sóc một vườn hoa nho nhỏ xinh xắn. Khi vào trong dòng Kín, lòng yêu hoa còn phát triển mạnh hơn. Tâm lý chung của con người, ai cũng thích hoa, những người yêu nhau muốn tặng nhau những bông hoa thật đẹp vì mỗi thứ hoa, mỗi màu sắc hoa nói lên một ý nghĩa thầm kín. Têrêsa yêu Chúa nồng nàn nên cũng muốn tặng chúa Giêsu một thứ hoa, hoa đó là hoa hồng. Ý nghĩa thầm kín mà thánh nữ muốn gửi gắm vào bông hoa đã được diễn tả  trong bốn câu thơ ở trên. Chúng ta thấy thánh nữ luôn để bông hoa hồng bên cạnh nhữ gai nhọn, phải chăng hình ảnh đó nói lên đời hy sinh của thánh nữ ?

 

        2. Lý do Têrêsa thích hoa hồng.

 

        Trên thế giới có tới 1.700.000 thảo mộc mà có tới một nửa thứ thảo mộc có hoa và nhiều màu sắc khác nhau. Các màu hoa được chia ra như sau :

        . 234 hoa màu trắng

        . 220 hoa màu vàng

        . 144 hoa màu chàm

        .   72 hoa màu tím

        .   39 hoa màu xanh

        .   12 hoa màu vàng cam

        .     4 hoa màu da mận

        .     2 hoa màu đen.

 

        Mỗi màu hoa và mỗi thứ hoa lại có một ý nghĩa riêng mà

øngười ta tặng cho nó, chúng ta có thể đưa ra đây vài thứ hoa tượng trưng :

 

        . Hoa thược dược : biết ơn

        . Hoa glaieul : hò hẹn

        . Hoa huệ : trong trắng

        . Hoa trinh nữ : kín đáo

        . Hoa mai và forget-me-not : đừng quên nhé

        . Hoa mẫu đơn : chia buồn

        . Hoa hướng dương : trung thành.

 

        Chưa có thứ hoa nào giầu màu sắc bằng hoa hông, gọi là hoa hồng mà thực sự không phải chỉ có màu hồng mà còn có màu trắng, vàng, đỏ, xanh. Màu sắc đã phong phú, hương thơm cũng đáng yêu, dáng điệu quí phái. Phải chăng hoa hồng đáng được gọi là “Nữ hoàng các thứ hoa” ? Có lẽ thánh nữ Têrêsa đã nghĩ như thế.

 

        3. Ý nghĩa bông hoa hồng.

 

        Người ta muốn tặng cho hoa hồng ý nghĩa nào mặc kệ, Têrêsa đã tặng cho nó một ý nghĩa riêng.  Thánh nữ không chú trọng tới màu sắc hay hương thơm của nó mà chú trọng tới cái gai vây chung quanh cành hồng.  Cây hồng càng có nhiều gai thì hoa càng đẹp ví dụ như hồng barkara hay B.B. Có lúc ta gặp cây hồng không có gai, nhưng thứ này thì họa hiếm và hoa không đẹp, không thơm, lại mau tàn.

 

        Người ta luôn quan niệm rằng cây hồng bao giờ cũng phải có gai, có hoa và có mùi thơm; thiếu ba yếu tố đó, không đáng gọi là cây hồng.   Thi sĩ Phan Khôi đã diễn tả những yếu tố đó bằng những vần thơ như sau :

                       

                        Hoa hồng nào chẳng có gai,

                        Miễn đừng là thư hồng rài không hoa.

                        Là hồng thì phải có hoa,

                        Không hoa chỉ có gai mà ai chơi ?

                        Ta yêu hồng lắm hồng ơi !

                        Có gai mà cũng có mùi, hương thơm.

                                        (Phan Khôi)

 

        Thánh nữ yêu thích hoa hồng nhưng cũng thích luôn cái gai nhọn của nó; cái gai nhọn ấy nói lên tinh thần hy sinh và chấp nhận đau khổ  của vị thánh trẻ.

Như bao nhiêu người khác, Têrêsa cũng tìm hiểu tại sao con người phải đau khổ. Chính ngài đã viết :”Sao Chúa nhân thừ yêu thương chúng ta dường ấy lại có thể hạnh phúc đang khi chúng ta phải đau khổ...” ? Nhưng thánh nữ đã chóng giải quyết được vấn đề và đã công nhận thử thách phát sinh những lợi ích vô giá. Ngài nói :”Không, không bao giờ Chúa vui sướng trên đau khổ của chúng ta; nhưng đau khổ cần thiết cho chúng ta. Vì thế, Chúa làm ngơ để cho đau khổ xẩy ra”.

 

        Thánh nữ còn tìm ra một lý do khác : chúng ta chưa được sống nơi quê hương mình, nên cám dỗ phải tinh luyện chúng ta như vàng thử lửa. Lúc thiếu thời Ngài đa viết :”Trong các chén ta uống đều có mật đắng pha  vào; nhưng con nhận thấy những gai nhọn giúp ta sống siêu thoát cách đắc lực và hướng tầm mắt chúng ta khỏi thế giới hữu hình này”..

 

        Cái nhìn đó xoa dịu lòng thánh nữ, đã chiếu giọi trên đau khổ của Ngài một tia sáng hồng phúc vĩnh cửu đến nỗi vui mừng chấp nhận đau khổ và nói một cách mạnh bạo rằng :”Một ngày không có đau khổ là một ngày phí đi”.

        Động lực thúc đẩy thánh nữ chấp  nhận đau khổ trong đời mìmh, chính là Tình yêu đối với Chúa. Nếu không có tình yêu Chúa thì thái độ chấp nhận đau khổ không thể cắt nghĩa được và trở nên hoàn toàn phi lý.  Thánh nữ đã cắt nghĩa cho chúng ta cái động lực thúc đẩy ấy trong mấy vần thơ :

 

                        Sống yêu đương chính là cho tất cả,

                        Trên dời này không đòi trả công lao,

                        Không tính toán, không kể cho là bao,

                        Vì đã  yêu có khi nào tính toán.

 

II . ĐÓA HỒNG ĐỜI TÊRÊSA TƯƠI NỞ.

 

        1. Bông hoa tình yêu.

 

        Cuộc đời thánh nữ Têrêsa được ví như đóa hoa hồng tươi nở trước mặt Chúa, một bông hoa đẹp, trinh khiết để cho Chúa thưởng lãm và sẵn sàng để cho Chúa vùi dập và ngắt đi lúc nào tùy ý. Têrêsa là một bông hoa tình ái, nhưng bông hoa ấy đã tươi nở thế nào trong đời sống dòng Kín suốt chín năm trường ?

 

                a) Khuôn vàng thước ngọc.

               

                Trong đời sống của thánh nữ, Tình yêu được đề cao và tình yêu được coi như khuôn vàng thước ngọc cho mọi hoạt động của thánh nữ. Trong nhiều trường hợp ta thấy thánh nữ  đã diễn tả tư tưởng ấy như sau :

 

. Ơn kêu gọi của con chính là Tình yêu.

. Con ước ao được yêu Chúa Giêsu như chưa từng có ai yêu đến thế.

. Xin cho con được yêu Chúa Giêsu vô bờ bến.

. Con mốn chiếm đoạt cành thiên tuế với bất cứ giá nào; nếu không bằng máu thì cũng bằng Tình yêu.

. Khoa học yêu thương ? – Vâng con chỉ muốn học khoa đó... vì con chẳng muốn chi hơn là được yêu Chúa Giêsu đến điên dại.

 

        Đến khi gần chết, Têrêsa đã nói được rằng :”Trót đời con chỉ dâng hiến Chúa duy có tình yêu thôi”. Thánh nữ biết rằng Chúa Giêsu “khao khát ngự vào lòng ta” và Ngài qúi trọng tình yêu của ta hơn mọi qúi vật.

       

        Vì thế, thánh nữ đã viết :”Không có tình yêu, mọi việc dù vĩ đại đến đâu cũng chỉ là hư không. Chúa Giêsu không đòi ta phải làm những việc trọng đại, Ngài chỉ muốn ta phó thác và biết ơn, nghĩa là yêu mến mà thôi”.

 

        Thánh nữ còn nhắc lại lời của thánh Tông đdồ dân ngoại :”Không có tình yêu, những ơn hoàn thiện nhất cũng chẳng ra gì, yêu là con đường hoàn hảo chắc chắn đưa tới Thiên Chúa” . (1Co. 13)”, và khi nói về phần mình đã chọn, thánh nữ kết luận :”Con hiểu rõ, nguyên tình yêu cũng có thể làm cho ta trở nên đẹp lòng Thiên Chúa và tình yêu này chính là kho tàng qúi báu độc nhất con hằng khát vọng.  Nhưng đối với Chúa một khi con đã dâng hiến cho ngài tất cả kho tàng ấy, con vẫn tưởng là mình chưa dâng gì cả” (Dc 8,7). Thánh nữ còn nhấn mạnh hơn :”Con chẳng hề mơ ước phú qúi vinh hoa, dù là vinh hoa trên trời, con chỉ khấn xin một điều : là tình yêu”. Phải, tình yêu đó chính là đường duy nhất, là cùng đích và sau cùng là phần thưởng của thánh nữ. Tình yêu đó đã tinh luyện tâm hồn thánh nữ, tăng sức mạnh cho Ngài trong cơn đau khổ và giúp Ngài kiên trì bền vững.

                (Tinh thần thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu, 1970, tr 2,6)

 

                b) Nguyên tắc hành động của tình yêu.

 

                Thánh Têrêsa đã nói :”Con luôn luôn sống bé mọn, vì con chỉ lo hái hoa tình yêu và hy sinh dâng cho Chúa để làm vui lòng Ngài”.  Mấy ngày trước khi qua đời, thánh nữ đã tóm tắt quãng đời yêu thương của mình thế này :”Con cố gắng làm việc chỉ cốt làm vui lòng Chúa”. Cũng nên lưu ý, những tư tưởnh như làm đẹp lòng Chúa, yên ủi Chúa, làm vui lòng Chúa trổi vượt hơn những ý nghĩ khác của thánh nữ.

 

        Nơi khác Ngài viết :”Những vị đại thánh  đã làm việc cho vinh danh Chúa, nhưng con, con chỉ làm tâm hồn bé mọn, con làm việc chỉ cốt làm vui lòng Chúa. Con chỉ muốn làm bó hoa bé nhỏ thơ dại, một bông hồng vô ích trong tay Chúa, nhưng hương sắc của nó cũng đem lại cho Ngài thêm đôi chút niềm vui”.

 

        Lần khác thánh nữ đã quả quyết :”Con không muốn nhặt một cọng rác để làm giảm bớt lửa luyện hình cho con, con chỉ có ý làm mọi việc để làm vui lòng Chúa và cứu vớt nhiều linh hồn cho Chúa”.  Nơi khác Ngài còn nói rõ hơn :”Con không muốn lập công để được nước thên đàng đâu, nhưng lạy Chúa,  con chỉ muốn làm việc lành vì yêu Chúa, yên ủi Thánh tâm Chúa và cứu các linh hồn, để đời đời họ yêu mến Chúa”.

 

                c) Tình yêu quảng đại và vô vị lợi.

 

                Đối với Chúa, thánh nữ quên hết mọi sự, quên cả chính mình để Chúa được người ta hiểu biết và yêu mến.  Ngài viết :”Khi con vừa được biết con đường thánh thiện thì con đã hiểu rằng muốn nên thánh, phải chịu đau khổ nhiều, phải tìm cách tiến lên và phải quên mình mãi mãi.  Con hiểu rằng đường thánh thiện có nhiều bậc và mỗi linh hồn được tự do đáp lại tiếng Chúa gọi. Họ có hể hành động ít nhiều, tùy theo mức độ tình yêu của họ. Tắt một lời,  họ được hoàn toàn tự do  lựa chọn những hy sinh Chúa đòi hỏi. Con đã phải kêu lên : Lạy Chúa, con không muốn nên thánh nửa vời, con không sợ đau khổ vì Chúa ! Con chỉ sợ một điều là không bỏ được ý riêng con. In Chúa hãy nhận ý riêng con, con chọn tất cả những gì Chúa muốn.”.

 

        Thánh nữ đã có tập quán quảng đại với Chúa từ khi còn nhỏ. Chính thánh nữ khi gần chết đa tuyên bố rõ ràng :”Từ khi lên ba cho tới giờ, em chưa hề từ chối Chúa điều gì”, và trước khi rước lễ vỡ lòng, Têrêsa đã viết cho Mẹ Agnès de Jésus:”Ngày nào con cũng cố gắng hy sinh nhiều việc nhỏ mọn. Con cố gắng không bỏ sót một hy sinh cỏn con nào. Con muốn thấy Chúa Giêsu được hài lòng khi ngự vào lòng con, nga2y mồng tám thánh năm tới ước gì con không còn muốn về thiên đàng nữa”..

 

        Sau này trong thư gửi chị Celine, Têrêsa viết :”Chúng ta hãy dâng cho Chúa Giêsu, hãy dâng cho Ngài tất cả, hãy quảng đại với Ngài”. Và mấy tuần trước khi chết, thánh nữ đã tâm sự với một trong các chị của mình thế này :”Em đã hy sinh rất nhiều điều nhỏ mọn”.

        Tình yêu quảng đại luôn đi kèm theo lòng yêu vô vị lợi. Thánh nữ đã khẳng  định rằng :”Con không ích kỷ vì con yêu Chúa chứ không yêu mình”. Hai tháng trước khi chết Têrêsa đã nói thế, và cuộc sống của ngài đã minh chứng diều đó.

 

        Khi còn ở nhà Tập, Têrêsa đã viết cho Mẹ Agnès de Jésus thế này :”Xin Mẹ cầu cùng Chúa Giêsu cho con biết yêu mến Ngài bằng một mối tình vô vị lợi; con không ước ao được cảm thấy yêu, miễn là Chúa Giêsu thấy con yêu Ngài là đủ”.

 

        Tinh thần ấy làm cho linh hồn Têrêsa phải qua một cuộc thử thách nặng nề, nhưng thánh nữ vẫn giữ được lòng yêu vô vị lợi. Những dòng sau đây làm cho ta thấy rõ những điều ấy :”Lạy Chúa, đau khổ càng dữ dội, và càng được ít người biết đến, thì càng làm cho Chúa hài lòng! Và giả như chính Chúa cũng không biết đến đau khổ con phải chịu thì con càng vui sướng hơn nữa, vì hy vọng với những hạt lệ con để rơi, may ra con có thể sửa lại hay tránh được lỗi phạm đến Đức tin “.

 

        Cũng tư tưởng ấy, trong thư gửi cho Mẹ Agnès de Jésus, Ngài viết :”Thưa Mẹ, tất cả ước vọng của con là được lo cho vinh danh Chúa Giêsu, phần con, con xin phó thác cho Ngài hết vinh dự của con, và nếu Ngài có quên con thì cũng tùy Ngài, vì con không còn thuộc về con nữa, nhưng con đã trao phó trót thân con cho Ngài. Để con phải chờ đợi chắc Ngài sẽ chán trước con”.

 

        2. Bông hoa hy sinh.

 

        Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu là bông hoa tình yêu tươi nở trong đời sống dòng Kín, nhưng bông hoa ấy phải trở nên bông hoa hy sinh. Bông hoa hy sinh này không héo tàn nhưng đã tươi nở giữa mùa đông của đời sống tu trì, đời sống đầy gian nan thử thách.  Chúng ta hãy xem bông hoa hy sinh này tươi nở như thế nào.

 

                a) Những tư tưởng chủ yếu.

 

                Trong sách Thánh có  lời :”Nước lớn không thể dập tắt được tình yêu. Sông cả cũng không đàn áp được tình ái” (DC 8.7). Sách Gương phúc nói :”Tình yêu tận hiến cho Chúa và luôn đầy cảm mến; dù thấy như mình bị bỏ rơi, tình yêu luôn luôn tin tưởng vào Chúa” III,5,7). Đó là tình yêu của thánh nữ Têrêsa Hài đồng khi Ngài chấp nhận đau khổ. Chính đó mà nhân đức anh hùng của Ngài triển nở một cách diệu kỳ.

 

        Tin vào ý nghĩa và hiệu lực cây Thánh giá, thánh nữ đã nói :”Giữa nơi đất khách này chúng ta còn gặp nhiều cây hoang dại,  nhiều gai góc, nhưng đó chẳng phải là phần mà chính Bạn Thánh chúng ta đã nhận lấy cho mình sao ?  Đó cũng là phần của chúng ta, nên chúng ta phải xem là phần tốt đẹp, đẹp tuyệt vời”. Thánh nữ còn tỏ ra khao lhát chịu đau khổ vì “tuy gai nhọn đâm xé chúng ta, nhưng nó để cho hương thơm tình yêu tỏa ra”.

 

                        Dưới gánh nặng đè con đau khổ

                        Con chứng minh Chúa cả tình yêu

                        Sướng vui con chẳng muốn nhiêu

                        Hy sinh dâng hiến sớm chiều mà thôi.

 

        Thánh nữ biết rằng Thầy chí thánh đã dùng thánh giá để cứu chuộc, và để cộng tác với Chúa trong việc cứu rỗi thế gian, chúng ta cũng phải chịu khổ với Ngài. Thánh nữ nhận xét với những dòng sau đây :”Chúa Giêsu đã yêu chúng ta bằng một tình yêu không thể hiểu được và rất tế nhị đến nỗi Ngài không muốn làm việc gì mà không có chúng ta cộng tác với  Ngài.  Vì thế Ngài đã muốn cho chúng ta thông phần với Ngài trong việc cứu rỗi các linh hồn. Đấng tác tạo vũ trụ mong đợi kinh nguyện và hy sinh của một linh hồn nhỏ bé nghèo hèn để cứu chuộc muôn người, như Chúa đã dùng Máu thánh mình để cứu chuộc nó vậy.

 

        Trong thư gửi chị Léonie, thánh nữ viết :”Chúng ta phải sống hy sinh, nếu không, cuộc đời đâu còn gì là hạnh phúc”. Chính vì thế mà thánh nữ đã dám nói một cách mạnh mẽ :”Một ngày không có đau khổ là một ngày phí đi”

 

          tưởng của thánh nữ rất hợp lý hợp tình, không những trong phương diện thiêng liêng nó đúng mà cả phương diện tự nhiên cũng không sai.  Trong cuốn tự điển Hàn lâm Pháp có câu :”Không thể làm một món trứng rán mà không đập bể các quả trứng”.  Cũng thế, trong việc nên thánh, trong việc cứu chuộc các linh hồn thì Thánh giá và hy sinh là một điều không thể tránh được, nó còn là một điều kiện thiết yếu nữa.

 

                b) Hy sinh trong dòng Kín.

 

                Những tư tưởng đẹp đẽ ở trên đã hướng dẫn đời sống của thánh nữ, và ta thử xem thánh nữ đã thực hiện ra sao trong đời sống thực tế hằng ngày. Nói một cách chung, thánh nữ không tạo cho mình những việc hy sinh gì đặc biệt mà chỉ cố gắng chấp nhận những hy sinh do Chúa, do việc bổn phận và của chị em mang lại cho.  Ta hãy đưa ra mấy trường hợp điển hình :

 

        . Giữ luật phép nhà : Trong truyện Một tâm hồn thánh nữ viết :”Đức Chúa Trời không muốn Mẹ Bề trên cho phép em ghi chép ngay những bài thơ em nghĩ ra đưự«c trong ngày, và em cũng không muốn xin Mẹ phép đó, sợ làm lỗi đức khó khăn. Em cứ rán đợi giờ nào việc ấy, và đợi thế thật là khó lắm mới khỏi quên, vì đợi mãi đến 8 giờ tối, mới được phép chép bài thơ đã nghĩ được từ sáng sớm.

 

        Khi ai bấm chuông kêu ta hay gõ cửa bảo gì, ta phải lanh lẹ trả lời ngay, đừng rùi rắng viết cho xong chữ, dù ngoáy thêm một nét cũng không. Em đã thực hiện điều ấy, và xin thực tình tỏ cùng chị em rằng : chính đó là nguồn cội bình an thư thái.

                        (Một tâm hồn – Kim Thiếu dịch, 1960. tr 291)

 

        . Bị hiểu lầm : Ai cũng cho rằng Têrêsa là người sướng nhất trong dòng vì có chị ruột làm Mẹ Bề trên, chắc được cưng chiều lắm, nhưng thực tế lại khác hẳn, chính cái đó làm cho Têrêsa phải cực lòng hơn. Ngài viết :”Chúa để Mẹ Bề trên xử với con rất thẳng nhặt ma chính người cũng không ngờ. Chẳng lần  nào con gặp Người mà không bị một vài lời quở rách.  Con nhớ một lần quét nhà để sót màng nhện trong hiên, Người đã quở trách con trước mặt chị em  rằng :”Ai chả biết  trẻ 15 tuổi đã quét nhà ! Thật là tội nghiệp ! Thôi, con đi nhặt màng nhện ấy đi, và từ rầy phải làm kỹ lưỡng hơn”.

 

        Thoảng hoặc khi có việc phải lên Người từng giờ, con cũng bị mắng hầu cả giờ, nhưng cái khổ ấy chưa bằng cái khổ con không biết cách phải sửa mình làm sao, thí dụ : sửa tính chậm chạp, sửa thói ít nhiệt thành trong các việc phải làm.

 

        Một ngày kia, trong thời kỳ thử, chiều nào cũng tư rưỡi, Mẹ coi nhà Tập sai con ra vườn làm cỏ, làm cỏ thì khó gì, nhưng cái khó cho con là ra được tới vườn, hầu như lần nào cũng gặp Mẹ Gonzague ở lối đi. Một lần Người trách con rằng :”Thế thì trẻ này không làm gì à ! Tập tành chi mà ngày nào  cũng phải cho đi chơi như thế này” !

                        (Một tâm hồn, op, cit. tr 131-132)

 

        . Chịu nhận lời móc họng. : Khi mẹ đáng kính Genevìere de sainte Thérèse lập nhà kín Lisieux qua đời, gia quyến chúng tôi và những người giúp việc nhà Dòng có gửiû phúng nhiều vòng hoa. Têrêsa bầy biện đã khéo, thế mà một chị nhà dưới, với giọng chua chát khó chịu đã nói ;

- Ai chả  biết vòng hoa to kia là của nhà chị, còn những vòng của các nhà nghèo không đáng được trưng bầy sao ?

        Chị thánh đã trả lời bằng một nụ cười gọn ghẽ lắm, rồi đi bầy lại ngay, lấy vòng hoa của những gia đình người nghèo đặt lên trên, mặc dầu cách bầy lại thế làm kém vẻ bài trí mỹ thuật rất nhiều.

        Ngạc nhiên trước  lòng nhân đức cao thượng của Têrêsa, chị kia hối hận  chạy đi thú lỗi cùng Mẹ Bề trên, và hết lòng khen ngợi cảm phục đức nhẫn nại và khiêm nhường của chị thánh.

 

        Đọc qua câu chuyện này, ta thấy tầm thường không có gì đáng để ý, nhưng nếu xét cho kỹ, ta thấy nhân đức nhịn nhục của Têrêsa đã đến chỗ cao độ, phải là con người nhân đức lắm mới có thể nhịn nổi, hay ít ra cũng phải cải chính bằng mấy lời, nhưng đàng này, Têrêsa tuyệt nhiên không nói một câu mà chỉ mỉm cười thông cảm :

 

                        Roi song đánh đoạn thì thôi,

                        Một lời xiết cạnh muôn đời chưa quên.

                                        (Ca dao)

 

        Đối với Têrêsa, hy sinh không còn giữ được vẻ mặt khắc khổ của nó nữa mà đã trở nên hiền từ đáng yêu.

Chính René Bethléem cũng nói thế :”Trên mặt đất này, ta càng sống hy sinh ta càng được hạnh phúc”. Cũng trong chiều hướng ấy, thánh nữ nói :”Tình yêu chân thật được những hy sinh nuôi dưỡng”.

 

          3. Bông hoa biết cười.

       

        Người ta thường ví người phụ nữ như bông hoa, và gọi là bông hoa biết nói, biết cười. Trường hợp thánh nữ Têrêsa đã minh chứng cho lối ví von ấy. Xen vào bức ảnh của thánh nữ, ta thấy lúc nào cũng mỉm cười, một nụ cười hồn nhiên và thánh thiện. Hai tay thánh nữ ôm thánh giá và bó hoa hồng. Hai hình ảnh trái ngược nhau : thánh giá thì khẳng khiu, trần trụi, đầy vẻ man rợ, còn bó hoa hồng thì tươi mát, đáng yêu. Nhưng hình ảnh ấy nói lên rằng Thánh giá tuy trần trụi đầy vẻ man rợ ấy ngày kia sẽ nở hoa tươi thắm.

 

        Cái nụ cười của thánh nữ là hậu quả của những suy tư dựa theo Thánh kinh :”Thiên Chúa thích những kẻ hiến dâng một cách vui vẻ (2 Cr 9,8)Thánh Phao lô đã nói thế để ứng nghiệm lời tiên tri Malachie :”Các ngươi hãy lấy nước mắt mà bao phủ bàn thờ Chúa, hãy vây quanh bàn thờ Chúa mà khóc lóc, than vãn để Chúa chẳng còn nhận của lễ và chẳng thèm đoái nhận của các ngươi nữa” (Mal. 2,13).

 

        Điều Chúa muốn  là “người đến dâng của lễ với bộ mặtë hân hoan vui sướng (Eccl. 35,8), là lễ  được dâng lên giữa muôn lời ca tiếng hát” (2Par 23,18). Vì chỉ mong dâng cho Chúa những gì Ngài muốn, những gì làm đẹp lòng Ngài, nên thánh nữ chú tâm luôn luôn Mỉm cười trước hy sinh.

 

        Một chị khi hồ nghi lòng nhẫn nại chịu khó của Têrêsa, khi vào thăm thấy dong nhan  chị thánh  tươi tỉnh niềm nở lạ lùng, chị muốn biết duyên cớ làm sao. Chị thánh đã trả lời :

        - Em vui vẻ vì trong mình đang phải đau khổ lắm, em vẫn phải cố gắng yêu qúi sự đau khổ và tiếp nhận các đau khổ cách niềm nở tươi tỉnh.

        Chị thánh nói thêm :

        - Khi phải đau khổ lắm hay khi lâm lụy những điều cực phiền quá, thay vì tỏ mặt buồn bã, em hằng mỉm cười chịu đựng.  Khi đầu nhiều lần chẳng sao  giữ được, nhưng nay mỉm cười trước đau khổ và trong đau khổ, với em đã là tập quán rồi.

 

        Tiếng hát là biểu lộ một tâm hồn vui tươi phấn khởi. Trong cuộc đời hy sinh đau khổ, thánh nữ sống hồn nhiên như đứa trẻ, lúc nào cũng sống tin tưởng phó thác vào Chúa, coi thường mọi nghịch cảnh, miệng cứ hồn nhiên ca hát, ca tụng Thiên Chúa, Người Cha khả ái thương yêu con mình :                                     

 

                         Vâng, con sẽ hát, con còn hát mãi,

                        Dù trăm gai con vẫn hái hoa hồng,

                        Gai càng nhọn, tiếng con hát càng trong,    

                        Gai càng dài, lời ca càng thánh thót.

 

        . Biện chứng của niềm vui.     

        Trong mọi sự, bao giờ cũng có cái tiêu cực và cái tích cực của nó : trăng tròn để mà khuyết, hoa nở để mà tàn, mây hợp để mà tan... Thi sĩ Xuân diệu cũng nhận xét : “Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt”. Thời tiết cũng luôn phiên thay đổi. Thi sĩ Nguyễn Khuyến cũng khẳng định :”Cơ thường đông hết hẳn sang xuân”.  Ta nhận thấy mùa đông là mùa chết, cây cối trụi lá, nhưng một sức sống mảnh liệt đang tiềm ẩn bên trong để chờ mùa xuân tới sẽ nảy nở. Ai dám bảo cây đào trụi lá mùa đông là cây chết ? Nó không chết nhưng vẫn sống, nó đã báo trước một sự nảy chồi đâm lộc tốt tươi. Bác Hồ đã cho nhận xét :

 

                        Ví không có cảnh đông tàn,

                        Thì sao có cảnh huy hoàng ngày xuân.

 

        Thánh nữ Têrêsa cũng tâm sự  :”Thực khi ấy thế gian niềm nở cùng con quá ! Mọi cái mọi vui tươi : con đi bước nào cũng gặp hoa, hoa nở tưng bừng. Lại cái tính vui vẻ của con càng giúp vui cho đời sống : người vui cảnh lại vui thêm.

        Nhưng một giai đoạn mới sắp sửa vén màn.

        Chúa Giêsu, đã chọn con làm vị hôn thê sởm lắm, nên tự sớm lắm, con đã phải chịu đau khổ. Ví như hoa tiết xuân bắt đầu nảy mầm dưới suơng tuyết, đợi ánh nắng mặt trời mọc  mới nở bông thế nào, thân hoa mọn viết truyện đây cũng phải trải qua một tiết đông đau lạnh, phải chịu đựng trong đài hoa non những hạt sương lệ sầu thể ấy.

                        (Một tâm hồn, op. cit. tr 25)

 

        Cây thánh giá mà thánh nữ đang ôm ghì lấy một cách âu yếm, tuy coi có vẻ trần trụi, khẳng khiu, đáng sợ, nhưng bên trong chứa đầy sức sống và sẽ nảy nở hoa tươi thắm trong một mùa xuân thiên quoấc. Như vậy, ta thấy trong chính cái đau khổ đã ngầm chứa sẵn cái mần hoan lạc. Với cái nhìn sâu xa về tương lai, thánh nữ có thể sẵn sàng chấp nhận một cách vui vẻ tất cả mọi thánh giá, mọi hy sinh đau khổ trong mùa đông để chờ mùa xuân tương lai sẽ nở hoa va kết quả. Mùa xuân ấy, theo thánh nữ,  không có trên trần gian này, mà chỉ có trên thiên quốc.

 

        Dưới trần gian này, không có sự sung sướng nào được toàn vẹn, vì trong sự sung sướng đã có sự đau khổ hoặc trước hoặc sau nó : người nông phu ra đi gieo giống trong mồ hôi nước mắt nhưng trở về sẽ vui mừng, hạt giống phải mục nát ra để có thể mọc lên và sinh hoa kết quả...  Đối với cô gái, ngày lên xe hoa về nhà chồng là ngày sung sướng nhất đời cô. Lúc lên xe hoa cô khóc sụt sùi. Tại sao trong giây phút sung sướng như vậy mà cô lại khóc ? Thưa vì cô nhớ gia đình, nhớ cha mẹ và các em. Thi sĩ Nguyễn Bính đã diễn tả lại tâm trạng ấy :

 

                        Gái lớn ai không phải lấy chồng,

                        Can gì mà khóc, nín đi không !

                        Nín đi  ! mặc áo ra chào họ,

                        Rõ qúi con tôi các chị trông.

                                (Nguyễn Bính)

 

        Têrêsa thật là một nữ anh hùng, một anh hùng không tên tuổi. Đấng trượng phu là bậc anh hùng phải coi thường đau khổ, chấp nhận những hy sinh, những nghịch cảnh và cả những thất bại nữa. Những người ẻo lả, ngại hy sinh,  gặp một chút khó khăn đã khóc lóc than van, nét mặt rầu rĩ,,, thì không đáng làm anh hùng. Không những chỉ chấp nhận hy sinh, anh hùng còn phải vui vẻ chấp nhận trong một  nụ cười tự hào.

 

                        Vàng tâm xuống nước còn tươi,

                        Anh hùng lâm nạn cứ cười, cứ vui.

                                        (Ca dao)

 

III. ĐOÁ HỒNG CỦA ĐỜI TA.

 

        Chúng ta đã có một gương sán lạn để bắt chước mà nên thánh. Đường lối nên thánh của thánh nữ thật là đơn sơ, hợp với khả năng của mọi người. Nó lại đặc biệt giống cho các nữ tu, những người đang chấp nhận một cuộc sống trong tu viện. Chúng ta sẽ nên thánh bằng con đường thơ ấu thiêng liêng của thánh nữ, nhưng dầu sao nó cũng đòi hỏi chúng ta nhiều điều kiện phải  theo.

 

        1. Nhiệm vụ phải nên thánh.

 

        Trong Giáo hội, mỗi người được Chúa gọi vào ở một bậc hay một địa vị nhưng có một ơn kêu gọi chung cho mọi nguời đó là nên thánh (x. Mt 5,48 ; Eph 1,4 ;5,3). Trong hiến chế giáo lý về Giáo hội, công đồng Vatican đã dạy :

 

        Chúa Giêsu, thầy dạy và mẫu mực thần linh của mọi sự trọn lành, đã giảng dạy cho tất cả và cho mỗi một môn đệ, bất luận thuộc cảnh vực nào, một đời sống thánh thiện mà chính Người là Đấng ban phát, vừa là Đấng hoàn tất :”Vậy các con hãy trở nên trọn lành như Cha các con ở trên trời” (Mt 5,48)... Cho nên, với ơn Chúa, họ phải luôn luôn gìn giữ và hoàn thành trong đời sống sự thánh thiện mà họ đã lãnh nhận. Họ được thánh Tông đồ khuyên :”sống xứng đáng như những vịthánh...” (Lumen gentium số 40)

 

        Nhiệm vụ nên thánh đã rõ ràng, nhất là đối với các tu sĩ, những người chuyên lo việc sửa mình để nên hoàn thiện. Nhưng bản chất sự thánh thiện hệ tại sự gì ? Phải chăng ở sự cầu nguyện, sự ăn chay hãm mình, đánh tội, làm việc bác ái ? Tất cả những cái đó chỉ là phụ thuộc, yếu tố chính của sự thánh thiện phải là tình yêu Chúa. Thiếu tình yêu này, mọi sự sẽ trở nên vô ích. Thánh Têrêsa đã thâm tín điều này khi Ngài nó :”Trót đời con chỉ dâng hiến cho Chúa duy có tình yêu thôi”. Ngài coi tình yêu là khuôn vàng thước ngọc cho mọi hánh động của mình. Chẳng thế mà Ngài đã viết thư trả lời cho người em họ thế này :”Em muốn xin chị chỉ cho một phương thế để nên trọn lành ư ? Chỉ có một phương thế duy nhất, đó là TÌNH YÊU”.

 

        Nhưng đối với thánh nữ, yêu không phải là cảm thấy sung sướng khi mình làm việc gì yêu Chúa, hay được Chúa ban cho sự ngọt ngào âu yếm, nhưng yêu là hy sinh, là được chết cho tình yêu Chúa như Ngài đã viết :”Cũng như Chúa, vị Hôn phu chí thánh của con, con muốn được chịu đánh đòn, chịu đóng đinh ... Con muốn chịu lột da như thánh Bartôlômêô, con muốn được bỏ vào vạc dầu sôi  như thánh Gioan tông đồ, con muốn được răng thú vật nghiền nát ra như thánh I-nha-xi-ô thành Antiokia để trở nên bánh miến xứng đáng cho Chúa; cùng với hai thánh Agnès và Cecilia con muốn đưa cổ cho lý hình chém, và nhu thánh Jeanne d’Arc con muốn được thiêu sinh trên đống lửa hồng trong khi miệng kêu thánh danh cực trọng Giêsu...”

                        (Tinh thần thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, 11970, tr 30)

 

        Thánh Gioan Tông đồ đã quả quyết :”Không có tình yêu nào lớn lao bằng chết cho người yêu” (Ga 15,5). Thánh Têrêsa cũng hiểu như vậy, nên đã không ngần ngại hy sinh cả đời mình cho tình yêu Chúa. Pierre l ‘Ermite đã hiểu ý nghĩa ấy khi nói :”Muốn thí nghiệm tình yêu, hãy bỏ chữ yêu  vào máy ép. Nếu nó tiết ra chất hy sinh vô vị lợi, thì đó mới chính là tình yêu chân chính”.

 

        Trong đời sống gia đình, tình vợ chồng thắm thiết, nhưng tình yêu không phải là sự âu yếm giữa hai vợ chồng mà là sự hy sinh mà hai vợ chồng làm cho nhau, càng hy sinh nhiều, càng chứng tỏ tình yêu vợ chồng đậm đà. Chính người vợ đã than thở với chồng về tình yêu ấy :

               

                        Vì chàng thiếp phải bắt cua,

                        Những như thân thiếp thì mua ba đồng.

                        Vì chàng thiếp phải long đong,

                        Những như thân thiếp cũng xong một bề.

                                            (ca dao)

 

        2. Nên thánh bằng đường thơ ấu thiêng liêng.

 

        Từ trước tới nay, chúng ta cho việc nên thánh là khó và chỉ có những linh hồn đặc biệt mới nên thánh được, vì các thánh đã nên thánh bằng những cách thức khác nhau, nhưng cách nào cũng khó khăn, vượt trên khả năng của chúng ta. Nhưng nay thánh nữ đã vạch cho chúng ta con đường mới để nên thánh, đó là “đường thơ ấu thiêng liêng”.

 

        a) Con đường mới.

        Chúng ta gọi là con đường mới vì con đường nên thánh này khác hẳn với lối nên thánh cổ truyền mà chúng ta đã biết. Con đường này có những đặc tính tiêu cực và tích cực như ta sẽ thấy dưới đây. Dù tích cực hay tiêu cực, nó cũng khác với đường lối xưa và thích hợp cho hết mọi người để nên thánh.  Chúng ta có thể nói được rằng đây là con đường nên thánh của thời đại mới, của thế kỷ 20.

 

        Về phương diện tiêu cực, ta thấy Đường thơ ấu thiêng liêng này có những đặc điểm sau đây :

 

        . Không có những việc hàm mình kỳ lạ.

       

Ngày xưa, bất cứ truyện thánh nào cũng ưa kể lại cho chúng ta những việc hy sinh hãm mình rùng rợn của các thánh nhân. Và ngày nay trong đám giáo hữu thơ ngây, đôi khi người ta còn thích đồng hóa sự thánh thiện anh hùng với những việc khổ hạnh đẫm máu. Đối với họ, một vị thánh tức là một người không ăn, không uống, không ngủ, kiệt sức vì thức khuya, vì đánh tội đủ mọi cách và hủy diệt hay hành hạ thân xác trong những công việc nặng nhọc để chỉ lo nguyên đến việc rỗi linh hồn. Không còn sự sai lầm nào tác hại hơn ! Một số đông tín hữu vì không thể ăn chay, không thể thức khuya và không thể mặc áo nhặm, đã nghĩ mình không thể nên trọn lành được.

 

        Riêng vị đại thánh thành Lisieux, chị đã nhất định gạt bỏ những điều mà thánh nữ quen gọi là “những khổ hạnh của các thánh nhân”. Hơn thế, chị còn tỏ thái độ đối lập rõ rệt, ngoại trừ vài rường hợp đặc biệt. Thoạt đầu Têrêsa đã tưởng là phải dấn thân vào con đường khổ hạnh vượt sức mình ấy... Không cần bàn cãi, nhiều bản văn đã chứng tỏ thánh nữ đã loại ra khỏi đường thơ ấu thiêng liêng của Ngài những hãm mình phạt xác kỳ lạ và những lối quá khổ hạnh của các thánh.

                        (Philipon. Op, Sứ điệp của thánh Têrêsa thành Lisieux, 1967, tr 54)

 

        . Không có những đặc ân thần bí

       

        Trái ngược với đa số tiểu sử các thánh, chỉ dựa trên những ân thần bí thuộc đủ mọi loại : xuất thần , thị kiến, nạc khải, in dấu thánh, thần thuật trừ qủi, có thiên thần hiện ra, hiểu biết mọi tâm hồn. Ơn nói tiên tri và làm phép lạ...

 

        Trái lại, nơi Têrêsa Hài đồng hoàn toàn không có xuất thần, dấu thánh, thị kiến, trừ qủi hay phép lạ. Con người cần phải trở nên  nhà pháp thuật kỳ tài nhất của “thế hệ tận hiến” lại không thực thi một dấu lạ nào trong đời sống.

Thực ra, nếu để ý quan sát đời sống thánh nữ, chúng ta cũng tìm ra những dấu vết, những hiện tượng lạ thường, ít ra là năm sáu hiện tượng. Nhưng nhiều nếp sống tầm thường cũng có thể có bằng ấy hiện tượng lạ ! Những bằng chứng nêu lên trong tòa án phong thánh đủ để các khía cạnh tiêu cực này, khía cạnh rất đặc saá¨c về sự thánh thiện của Têrêsa Hài đồng.

                        (Op, cit. tr 60, 62)

 

        . Không có phương pháp cầu nguyện.

       

        Vấn đề chúng ta đề cập ở đây thật quan trọng bởi vì đời sống cầu nguyện là linh hồn của việc tu đức. Hơn tất cả yếu tố khác, nó mạc khải cho chúng ta cái bí thuật kết hợp với Thiên Chúa của các thánh.

 

        Theo thánh Têrêsa Avila, người cải tổ có công nhất của dòng Kín,” cầu nguyện là tất cả”. Chị Têrêsa Hài đồng đã đọc đi đọc lại trong các tác phẩm của Mẹ thánh những đoạn viết rất hay về các điểm : cầu nguyện bằng lời, cầu nguyện bằng trí, cầu nguyện tâm niệm, cầu nguyện tĩnh niệm, cầu nguyện kết hợp. Theo Mẹ thánh, bảy nơi ở các linh hồn cũng là bảy bậc thang chính của đời sống cầu nguyện và kết hợp, kể từ những hình thức sơ luợc của sự cầu nguyện hoạt động, đến những phân tích tỉ mỉ về những bậc sống cao siêu trong hôn ước thiêng liêng. Nơi Têrêsa Hài đồng không có một dấu vết của một cấp bậc, một tầng lớp, một thứ hạng nào nhất định ! Truyện Một tâm hồn không giống cuốn Lâu đài linh hồn, vì tuy hai thánh nữ cùng thuộc về một dòng nhưng năng khiếu thiên phú rất khác nhau.

 

        Về điểm căn bản của đời sống cầu nguyện này, cũng như của đời hy sinh khổ hạnh và những đặc ân thần bí, Têrêsa phải là khuôn mẫu thích hơp với “mọi linh hồn thơ ấu”. Phúc âm là linh hồn đời sống cầu nguyện của chị. Đối với chị và số đông  linh hồn Kitô hữh, tìm về với Chúa bằng con đường thông thường, thì cầu nguyện phải là “một đà tiến của trái tim”, một cái nhìn ngây thơ hướng về trời, một tiếng gọi tri ân và yêu mến, thốt ra trong cơn thử thách cũng như giữa lúc an vui; nghĩa là một sự gì cao thượng siêu nhiên, có sức phấn khởi linh hồn và nối kết linh hồn vơi Thiên Chúa.

                                (Op cit. tr 65-66, 73)

 

        . Không có những hoạt động hiển hách.

       

        Nhiều vị hiển thánh đã sống theo hình ảnh của Thầy chí thánh,  ngay giữa lớp người có “thế lực hoạt động và ăn nói”.  Chính các ngài có ảnh hưởng sâu xa trong việc hướng dẫn vận mạng quốc gia và xã hội, đã có công rất nhiều trong việc thực hiện những tổ chức cơ sở bác ái. Chúng ta phải ngỡ ngàng trước sự thông thái phi thường  của thánh Augustinô, thánh Albertô cả, và thánh Tôma Aquinô... trước sức mạnh của lời rao giảng và những phép lạ huy hoàng của thánh Vinh sơn Phêriê, trước chiến công lẫm liệt của thánh nữ Jeanne d’Arc, trước lòng nhiệt thành truyền giáo của thánh Phanxicô Xavie, và sau cùng hoạt động cảm hóa dân chúng bằng gương sáng của cha sở họ Ars... Chúng ta còn có thể kể những bằng chứng rõ ràng của một số lớn các vị lập Dòng, các nhà truyền giáo và các thánh tử đạo. Đời sống thánh thiện của các ngài vẫn còn sáng chói như một thành quả vô song của nhân loại.

 

        Trái lại, trong cuộc sống âm thầm của chị dòng Kín thành Lisieux không có lấy một hoạtđộng hiển hách hay một công trình bên ngoài nào. Ngay ở toà án phong thánh, chỉ vỏn vẹn một trang kể lại những việc làm nhỏ mọn của chị trong suốt đời dòng kín : lần lượt chị đảm nhận chu đáo những việc nhà giặt, phòng ăn, phòng khách và giữ cửa. Nhiệm vụ đáng chú ý nhất của chị là – chức vụ không được chỉ định rõ – làm phụ tá coi sóc ba hoặc bốn chị đệ tử và tập sinh khó tính. Sống  với các chị này, Têrêsa phải luôn luôn cố gắng tận tụy và giữ thái độ cởi mở vui tươi.

 

        Người ta đã lầm trước sự tương phản giữa vẻ tầm thường của những việc Têrêsa làm hằng ngày với sự trọn hảo thần linh thánh nữ dùng để kiện toàn công việc thường nhật ấy. Rồi người ta có thể tự hỏi xem ngoài tấm gương trinh nữ Nazareth, còn có mẫu đời nào cũng siêu vời thánh thiện như những công việc bên ngoài rất tầm thường như thế không ?

 

        b) Đăc tính của con đường mới.

       

        Trong các đặc tính của con đường thơ ấu thiêng liêng của thánh nữ, ta thấy có mấy đặc tính nổi vượt, đó là : bé nhỏ, đơn sơ, khiêm nhường và vui vẻ chấp nhận mọi hy sinh gian khổ.

 

        . Bé nhỏ, đơn sơ, khiêm nhường.

       

        Thánh nữ luôn suy niệm lời Chúa với câu :”Hãy học cùng Thầy vì Thầy hiền lành và khiêm nhường trong lòng”  Với một trực giác kỳ lạ về địa vị thiết yếu của đức khiêm nhường trong đời sống thiêng liêng, thánh Terêsa đã nhấn mạnh về sự thực hành nhân đức này. “Hãy luôn sống như trẻ thơ” theo ý muốn của Chúa Giêsu trong Phúc âm, Ngài chẳng muốn nói với ta rằng :”Nước Trời thuộc về người giống như trẻ nhỏ” sao ? Người có đặc ân của Chúa Giêsu là kẻ bé thơ.

 

        Tự đáy lòng, Têrêsa cảm thấy rằng chướng ngại đầu tiên và lớn nhất của  sự thánh thiện là tính kiêu ngạo. Kẻ thù mạnh nhất của chúng ta là bản ngã riêng của ta. Để đưa ta đến sự trọn lành, ta quá tin tưởng vào sức riêng và tưởng phải làm những việc kỳ lạ, cho đến khi sa ngã, ta mới có kinh nghiệm là mình bất lực và hư vô. Chỉ lúc đó ta mới hiểu lời Thầy Chí thánh “Không có Thầy các con không thể làm gì được”. Trẻ nhỏ đã ý thức được sự yếu hèn của mình, nó cảm thấy mình nghèo khó, thiếu thốn mọi sự và hoàn toàn lệ thuộc.

 

         Chiếm hữu được chân lý nền tảng này, thánh nữ đã lấy TRẺ THƠ làm mẫu mực cho đến cuối đời.

 

        Chị hướng dẫn các linh hồn đến sự thánh thiện là bằng đức tính khiêm như Chúa đã chẳng nói :”Kẻ giống trẻ nhỏ sẽ lớn nhất trong nước trời” sao ? Và khi người ta bảo rằng điều đó không hợp với mọi người, Têrêsa trả lời :”Nếu tôi chết lúc , tám, mười tuổi, nếu tôi ở trong nhiều tu viện,  lãnh nhiều trách nhiệm, tôi cũng cảm thấy rõ ràng tôi vẫn nhỏ bé như ngày nay”. Người ta có thể được cất lên địa vị rất cao mà vẫn nhỏ bé trước mặt Thiên Chúa.

 

        . Từ bỏ mình.

       

        Thánh nữ quên mình đi, coi mình là hèn mọn hư vô và đặt tất cả sự tin tưởng của mình vào tình thương vô biên của Chúa. Người muốn sống để làm đẹp lòng Chúa, yêu mến và làm cho người ta yêu mến Chúa. Nhưng muốn được thế, thánh nữ đã sống hết sức quảng đại đối với Chúa, đã từ bỏ mình đi để sống cho Chúa và với chị em.  Thánh nữ luôn ví mình như bông hoa hồng được dâng tiến Chúa :

 

                        Chúa ơi, này đóa hoa hồng,

                        Trên bàn thờ Chúa hương nồng sắc tươi,

                        Con đây mơ ước này thôi :

                        Tách từng cánh một, Chúa Trời, hiến dâng.

 

        Thánh nữ đã cảm nghiệm thấy lời Chúa “Nếu ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo Ta” là cần thiết,  nên việc cắt tỉa ý riêng mình là cần thiết để cho phù hợp với ý Chúa. Người làm vườn mà vì thương hại cây hồng không muốn bạo tay cắt những cành sâu đi, thì không phải là một người làm vườn khéo : cây hồng được “nuông chiều” như thế cũng không thể nở hoa được. .. Người không muốn quên mình cũng không bao giờ có ý chí vững chắc.

 

        Người ta nói : 3 với 4 là 7, có đúng không ? Chưa đúng. Muốn thực hiện 3 với 4 là 7 thì phải làm sao cho tan rã hai con sô 3 và 4, rồi đúc nó lại thành con số 7 mới được. Chớ cứ để 3 với 4 kề nhau mãi thì làm sao thành 7 được, mà vẫn là 3,4. Thánh Têrêsa đã biết quên mình đi, hòa tan ý riêng của mình vào thánh ý Chúa để hoàn toàn sống cho Chúa và chỉ làm những điều gì Chúa muốn.

 

        Sự từ bỏ mình đã thúc đẩy Têrêsa yêu mến thánh giá như ngài đã viết trong Một tâm hồn :”Khi ai muốn đạt tới đích kỳ vọng, dĩ nhiên người ấy phải dùng phương thế, Đức  Giêsu đã cho con biết phương thế cứu rỗi các linh hồn là THÁNH GIÁ, cho nên càng gặp nhiều thánh giá, lòng ái mộ äächịu đau khổ của con càng thêm nồng nàn hăng hái. Trong 5 năm qua, con đã bước đi con đường ấy, con đi thì con biết, chớ chẳng ai biết con đi. Ấy chính là một hoa mọn mọc nơi xó xỉnh chẳng ai thèm biết tới mà con muốn dâng tiến Chúa đấy. Hoa mọn này còn chút hương thơm nào, chỉ bốc theo đường thẳng lên trời thôi”.

                                (Một tâm hồn, tr 132)

 

        . Chấp nhận trong vui tươi.

       

        Đường lối nên thánh của thánh nữ gạt bỏ tất cả những việc hãm mình lớn lao mà mình tự tạo ra, trái lại, Têrêsa chỉ cố gắng chấp nhận tất cả mọi sự việc trong hiện tại, dù muốn hay không. Thái độ đó là thái độ  CHẤP NHẬN. Nhưng chấp nhận có thể là thái độ chấp nhận miễn cưỡng hay tự ý, vui tươi hay rầu rĩ ! Đối với thánh nữ, việc gì xẩy đến cũng là do thánh ý Chúa, cho nên Ngài nhận lấy cách thực tình và vui tươi. Tinh thần vui tươi phấn khởi trước những hy sinh  còn được thánh nữ ghi lại trong nhiều vần thơ :

 

                        Nếu Chúa chẳng đoái hoài ve vuốt,

                        Con vẫn tươi cười trước khổ đau.

                Hay :

                        Mỉm cười với Chúa tôi thờ,

                        Đó là thiên quốc thỏa mơ ước rồi.

 

        Thiết tưởng không cần làm gì thêm để hãm mình, để nên thánh, cứ vui lòng chấp nhận cảnh sống hiện tại với muôn vàn việc xẩy đến vui cũng như buồn, vừa ý cũng như trái ý. Nên thánh ở chỗ chấp nhận mọi hy sinh đau khổ mà nét mặt vẫn vui tươi, không cho ai biết mình đang phải đau khổ. Chính Terêsa ở vào trong hoàn cảnh đó : ai cũng cho là Têrêsa sung sướng vì có chị làm Mẹ Bề trên chắc chắn được nuông chiều, hơn nữ nét mặt của Têrêsa  lúc nào cũng tỏ ra vui tươi hớn  hở ; nhưng Têrêsa cho biết : chính cái đó cũng làm cho mình đau khổ thêm mà không ai biết.

 

        Hãy nhớ lời thánh Phanxicô Salêsiô nói : “Vị thánh buồn rầu là vị thánh chẳng ra gì” (un saint triste , c’est un triste saint). Ta phải vui vẻ, phải vui cười luôn vì đã có lời Chúa phán :”Hãy vui lên, hãy hát lên” (Mt 5,12) và lời thánh Phaolô :”Hãy vui lên, hãy vui lên nữa” (Phil 4,4).

 

        Tại sao không lạc quan vui vẻ mà lúc nào cũng có nét mặt buồn rầu như đám tang ?  J. Braude nói :”Một kẻ lạc quan thực sự là kẻ biết chấp nhận sự buồn rầu, sự lo lắng, sự thất bại, sự không may của cuộc đời, những sự bất công và những sự bất bình đẳng của nó”.

 

                        Đếm hoa vườn bạn là hơn,

                        Đừng trông chiếc lá rụng vờn trong sân.

                        Đếm ngày bằng phút giờ vàng,

                        Đừng trông mây xám lang thang bốn trời.

                        (J.Braude, Thuật nói trước đám đông, 1972, tr 189)

 

        Trong cuốn “Nửa chừng xuân” của Khái Hưng có tả : khi cụ Tú sắp chết, cụ cho gọi Huy và chị nó đến và căn dặn :

        Lẽ tất nhiên, ai cũng phải chết. Các con không nên buồn. Lúc nào cũng      phải vui thì mới đủ can đảm, đủ nghị lực mà sống với đời. Hai con nên theo gương cha. Cha vui đến giờ cuối cùng. Cha hy vọng các con thế nào cũng làmvẻ vang cho cha, cho linh hồn cha ở nơi chín suối. Cha hy vọng thế nào em Huy cũng thành tài và trở nên một người hữu dụng cho xã hội. Cha mất đi chẳng còn của cải gì để lại cho hai con, nay cha truyền lại cho hai con mà thôi là

                . Giữ lòng vui vẻ,

                . Giữ linh hồn trong sạch,

                . Và đem hết nghị lực ra làm việc “.

 

        Sự vui vẻ trong lòng được biểu lộ ra nét mặt “xem mặt mà bắt hình dong” hay “Nhân hiền tại mạo, có trắng gạo thì mới ngon cơm”. Sự vui vẻ phải được biểu lộ trong nụ cười, không phải là cái cười toe toét, cái cười làm duyên yểu điệu, nhưng là cái cười tự nhiên phát xuất từ tâm hồn mình.

 

Chả tham nhà ngói rung rinh,

Tham vì một nỗi anh xinh miệng cười.

Miệng cười anh đáng mấy mươi,

Chân đi đáng nén, miệng cười đáng tăm.

 

        Nụ cười không những đáng giá những trăm mà còn hơn nữa. Ai không biết  câu “nhất tiếu thiên kim” ? Nghĩa là nếu có phải bỏ ra đến cả nghìn vàng để mua lấy một nụ cười, một nụ cười thôi, thì Vương tăng Thu cũng sẽ không chút ngần ngại.  U vương nhà Châu thực sự đã mở kho lấy nghìn vàng để thưởng cho Quách thạch Phủ, vì đã biết dâng diệu kế làm cho nàng Bao Tự cười lên được một tiếng.  Lý diên Niên kể rằng : ở phương Bắc, có người đẹp lại hay cười. Cười lần thứ nhất là thành nghiêng. Cười lần thứ hai là đổ nước.

                                (Vũ minh Nghiễm, Dừng, tr 267)

 

        3. Tập hái nhiều hoa hồng dâng Chúa.

 

        Thánh nữ Terêsa Hài đồng là người thích hoa, đặc biệt là hoa hồng. Hoa hồng có gai và có màu hồng đỏ. Gai châm vào da thịt làm chảy máu ra.  Vào trong bụi hồng hái hoa thế nào cũng bị gai đâm, xác thịt tuy bị đau, máu chảy ra nhưng nhờ đó mà hái được hoa.

       

      Chúng ta hãy yêu hoa hồng, hái nhiều hoa hồng dâng cho Chúa. Vườn hoa của đời ta đầy hoa, muốn hái lúc nào cũng có. Vườn hoa của ta chỉ có những hoa nhỏ, nhưng vẫn đẹp, vẫn thơm, vẫn qúi. Cứ việc hái dâng Chúa. Những bông hoa nhỏ đây là những hy sinh nhỏ mọn bao vây chúng ta đêm ngày, chúng ta không muốn chấp nhận mà lại tạo ra những hy sinh lớn lao  hơn mới cho là đáng giá. Nhưng như thế là lầm, những hy sinh mình tạo ra tuy to thật nhưng không đáng giá bằng những thánh giá Chúa gửi cho.; ngoài ra những hy sinh mình tạo ra bao giờ cũng dễ làm hơn những hy sinh nhỏ mọn mình phải chịu. Vì thế thi hào Goethe đã nói rất đúng :”Một sự hy sinh to lớn là dễ, chính những hy sinh bé nhỏ và liên tục mới là khó khăn”. Chính thánh nữ Terêsa đã theo con đường này : làm tròn bổn phận một cách chu đáo, chịu đựng sự trái ý do kẻ khác làm cho mình.

 

        Hãy tập dâng cho Chúa những bông hoa hy sinh bé nhỏ trong đời sống ta., nhưng phải hái dâng Chúa những bông hoa tươi, chứ đừng dâng Chúa những bông hoa héo. Hoa tươi đây được hiểu là những hy sinh ta chịu vì lòng mến Chúa, với nét mặt vui tươi dịu dàng; còn những bông hoa héo là những hy sinh ta chịu một cách miễn cưỡng, buồn rầu, cực chẳng đã phải chịu.

 

        Một khi đã mến Chúa thực tình, ta sẽ không cảm thấy đau khổ nữa vì chính tình yêu đã làm cho đau kổ trở nên êm đềm, nhẹ nhàng và vui sướng, với ý tưởng là người yêu đựoc hài lòng. Ai không có kinh nghệm này trong tình yêu ? Người bình dân cũng cảm thấy và diễn tả trong câu thơ sau :

 

                        Thương em vô giá quá chừng,

                        Trèo non quên mệt, ngậm gừng quên cay.

 

        Thánh Têrêsa Hài đồng đã có kinh nghiệm trong tình mến Chúa, ngài đã biến tất cả những đau khổ thành niềm hoan lạc cho mình. Tư tưởng và kinh nghệm ấy đã được thánh nữ diễn tả trong mấy vần thơ như sau :

 

                        Nếu đôi lần đắng cay đau khổ,

                        Đến viếng thăm gõ cửa lòng con,

                       Hãy nên vui sướng cho con

                       Đau khổ vì Chúa, dịu êm nào bằng.

 

KẾT LUẬN

 

        Hôm nay lễ kính thánh Têrêsa Hài đồng và cũng là đầu thánh Mân Côi Đức Mẹ, chúng ta hãy yêu mến hoa Mân côi tức hoa hồng.  Theo gương thánh nữ Têrêsa, hoa hồng chỉ sự hy sinh, một thứ hoa mà hằng ngày ta có thể dâng kính Chúa và đặc biệt tháng này dâng kính Mẹ Maria.  Một khi chúng ta đã hiểu ý nghĩa của sự hy sinh, chúng ta sẽ thấy mọi đau khổ sẽ trở nên nhẹ nhàng cho ta. Tại sao ? – vì tình yêu, vì quan niệm lạc quan vui tươi sẽ làm cho ta vui tươi phấn khởi.

 

        Chàng Lévine (trong cuốn Anna Karénine của Léon Tolstoi) đã phấn khởi lên như điên tàng, quên ăn quên ngủ, sau khi được nàng Kitty chấp nhận lời cầu hôn của chàng. Mọi sự chung quanh dưới con mắt chàng, hôm nay đột ngột đầy vẻ tình tứ :

 

        Mặt trời hôm nay sáng hơn hôm qua,

        Phố xá nhà cửa hôm nay đẹp hơn hôm qua,

        Bầy bồ câu hôm nay sao mà tưng bừng thế ?

        Anh lái xe ngựa hôm nay sao mà dịu dàng thế ?

        Bác gác cổng hôm nay sao mà dễ thương thế ?

        Phải chăng mọi sự chung quanh chàng hôm nay đã lột xác thật ?

        - Thưa, chính là tình yêu đã thi vị hóa, lạc quan hóa, lưu luyến hóa vạn sự đó. Chính đương sự đã nói :”Khi ta yêu thì luôn hạnh phúc. Vì hạnh phúc ta, chính là ta vậy”.

                        (Vũ minh Nghiễm, Sống sống, 1971, tr 321)

 

                        Truyện : Thánh giá của riêng mình.

       

        Thánh giá ta đang mang là thánh giá rất vừa sức ta. Câu truyện dụ ngôn sau đây giải thích cho điều đó : Có người luôn than van về những khổ cực của mình. Một tối kia, thiên thần hiện đến phán bảo :

        - Con hãy theo ta ra nghĩa địa, nơi đó người ta để lại thánh giá của mình. Con hãy mang thánh giá của con ra để đó và hãy lựa thánh giá vừa sức con.

        Ông ta đưa thánh giá của mình ra quăng nơi nghĩa địa, ông bắt đầu chọn cái khác nhẹ hơn, ông tìm mãi mà không đuợc : có cây quá dài, cây qúa ngắn, có cây thì nhẹ nhưng su si, khó vác, có cây thì trơn tru nhưng nặng quá, sau cùng ông nói với thiên thần :

        - Thưa thiên thần, cây nào cũng khó vác quá, chỉ có cây con định vứt đi là vừa với con thôi.

        - Phải, Chúa đã trao cho con một cây thánh giá vừa sức, con hãy vui lòng vác đi, đừng than van gì nữa.

                 (Nguyễn hài Đồng, Tự điển câu truyện, 1968, tr 135-136)

 

        Bí quyết làm cho đời ta vui là hãy thuận theo thánh ý Chúa : cây thập giá có hai thanh gỗ thẳng đứng và nằm ngang. Thanh đứng thẳng là thánh ý Chúa và thanh ngang là ý ta. Nếu ý ta cứ nằm ngang mãi thì lúc nào cũng có thập giá; nếu ý ta cùng thẳng đứng với Chúa thì lúc đó không còn thập giá nữa vì ý ta và ý Chúa là một rồi.

 

        Hãy bắt chước thánh Têrêsa Hài đồng mà tung hoa . Người đã dùng chiến thuật tung hoa khi còn ở đời này và Ngưới còn hứa ở trên trời sẽ còn làm mưa hoa hồng xuống trần gian. Hãy làmcho hoa đời của ta tươi nở để dâng kính Chúa :

                       

                        Từ khi e lệ bước vào đời,

                        Một đoá hương xuân đã nở rồi,

                        Một ngọn lửa thiêng lòng ấm áp,

                        Giêsu tình ái của đời con.

                                (Vũ đình Trác)

 

                               

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ  Kim Phát

Đà lạt


Mục Lục