N Ê N    T H Á N H

____________________________________________

Lễ kính các thánh nam nữ

 

          Khi nói “Nên thánh” chúng ta thấy ngay ý nghĩa năng động của nó : con người ta không phải thánh, nên phải làm cho nó trở nên thánh. Điều đó chứng tỏ ra nên thánh là điều cần thiết và là điều có thể.  Mọi người phải nên thánh theo lờiThiên Chúa phán với dân riêng của Ngài :”Các ngươi phải thuộc về Ta, phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Ta là Đấng thánh, và Ta đã tách biệt các ngươi ra khỏi các dân để các ngươi thuộc về Ta” (Lv 20,26). Sách Khải huyền cũng thêm :”Ai đã nên thánh, hãy gắng nên thánh hơn” (Kh 22,11).

 

I. MỌI NGƯỜI ĐƯỢC MỜI GỌI NÊN THÁNH .

 

          1. Ơn gọi chung.

 

          Trong Giáo hội, mỗi người được Chúa gọi hoặc ở một bậc hoặc ở một địa vị nào đó... nhưng có một ơn kêu gọi chung, cho tất cả mọi người, từ trên xuống dưới, từ Đức Giáo hoàng cho đến người rốt cùng trong hàng giáo hữu, đó là ƠN GỌI NÊN THÁNH.  Chúa gọi tất cả mọi người chúng ta nên thánh. Ngay từ đạo cũ, quen gọi là đạo ông Moisen Chúa đã truyền cho họ phải nên thánh :”Các ngươi phải nên thánh vì Ta là Đấng thánh” (Lv 20,26). Thế rồi trong đạo mới, chúng ta thấy Chúa Giêsu căn dặn chúng ta bằng những lời lẽ còn thống thiết hơn :”Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5,48).  Thánh Phaolô thu tóm lại tất cả trong câu vắn tắt này :”Thánh ý Chúa là  muốn cho anh em nên thánh” (Ep 1,4). Ngài còn khuyên bảo thêm :”Anh em phải sống xứng đáng là các vị thánh” (Ep 5,3).

 

          2. Giáo huấn của Giáo hội.

 

          Trong Hiến chế tín lý về Giáo hội, công đồng Vatican II dạy :

“Chúa Giêsu, thầy dạy và mẫu mực thần linh của mọi sự trọn lành, đã giảng dạy

cho tất cả và cho mỗi một môn đệ, bất luận thuộc cảnh vực nào, một đời sống thánh

mà chính Người vừa là Đấng ban phát, vừa là Đấng hoàn tất :”Vậy các con hãy trở

nên trọn lành như Cha các con ở trên trời”(Mt 5,48)... Cho nên, với ơn Chúa, họ

phải luôn gìn giữ và hoàn thành trong đời sống sự thánh thiện mà họ đã lãnh nhận.

Họ được thánh Tông đồ khuyên  “sống xứng đáng” như những vị thánh...(LG , 40).

 

          3. Ý nghĩa từ ngữ nên thánh.

 

          Theo ngôn ngữ semita danh từ qodès có nghĩa là vật thánh, sự thánh thiện. Danh từ này xuất phát từ một ngữ căn có nghĩa là “cắt, tách rời” và muốn  nói lên ý tưởng tách rời khỏi cái phàm tục. Vật thánh là vật người ta không dám chạm đến hoặc chỉ đến gần sau khi hoàn tất  một vài điều kiện vềø sự trong sạch theo nghi thức.  Dân tộc Israel được tuyển chọn, nên được tách riêng khỏi chư dân để trở thành vật sở hữu riêng của Thiên Chúa, dân tư tế, “dân thánh” .Với một tình yêu bao la, Thiên Chúa đến sống và đi giữa dân Ngài (Xac 33,12-17)

 

          Trong Cựu ước, tiếng “thánh” khi dùng một mình, có một nghĩa đặc biệt; nó được dành để chỉ những kẻ được tuyển chọn thời cánh chung . Còn trong Tân ước, nó chỉ người Kitô hữu. Khởi thủy, nó được dùng để gọi những thành phần của cộng đoàn tiên khởi tại Giêrusalem, và đặc biệt, nhóm người của ngày Lễ Ngũ tuần (Cvsd 9,13; 1Cr 16,1; Ep 3,5), sau được nới rộng để chỉ các anh em ở Giuđêa (Cvsđ 9,31-41), rồi chỉ tất cả mọi Kitô hữu

 

          Sự thánh thiện của người Kitô hữu, bắt nguồn từ việc được tuyển chọn (Rm 1,7; 1Cr 1,2), đòi buộc họ phải đoạn tuyệt với tội lỗi, họ phải hành động theo sự thánh thiện đến từ Thiên Chúa, chứ không theo sự khôn ngoan xác thịt (2Cr 1,12; x. 1Cr 6,9tt; Ẽp 4,3)

 

II. NÊN THÁNH LÀ CẦN THIẾT VÀ CÓ THỂ.

 

          1. Nên thánh cần thiết.

 

a)    Theo Cựu ước.

 

          Thiên Chúa đã tuyển chọn dân Israel là dân riêng của Ngài nên Ngài buôc họ phải nên thánh :”Các ngươi phải nên thánh, vì Ta là Đấng thánh “ (Lv 20,26) .   Israel phải đáp lại sự tuyển chọn của Thiên Chúa. Đấng muốn họ phải nên thánh, bằng cách tự thánh hoá mình.

 

          Trước tiên họ phải thanh tẩy mình, nghĩa là phải rửa sạch mình mọi tỳ ố không phù hợp với sự thánh thiện của Thiên Chúa, trước khi dự những buổi thần hiến hay tham gia vào việc phụng tự (Xac 19,10-15). Nhưng rút cục chỉ một mình Thiên Chúa mới ban cho họ sự trong sạch, nhờ máu của hy lễ (Lv 17,11) hay bằng cách thanh tẩy tâm hồn họ (Tv 51).

 

          Các ngôn sứ và sách đệ nhị luật đã không ngớt lặp đi lặp lại rằng các hy lễ đền tội không đủ sức làm vừa lòng Thiên Chúa nhưng cần phải có sự công chính, vâng lời và tình yêu (Is 1,4-20,

Đnl 6,4-9).  Như vậy giới luật :”Hãy nên thánh vì Ta, Giavê là Đấng thánh” (Lv 19,2; 20,6) không những muốn nói đến một sự trong sạch phụng tự mà còn phải hiểu là một sự THÁNH THIỆN SỐNG chiếu theo nhiều huấn giới về gia đình, xã hội và kinh tế, cũng như về nghi thức, được ghi lại trong các bộ luật (td Lv 17-26).

 

                   b) Theo Tân ước.

 

          Đức  Giêsu là Đấng thánh. Sự thánh thiện của Đức Kitô liên kết mật thiết với tử hệ thần linh của Ngài và với sự hiện diện của Thần khí trong Ngài : được thụ thai bởi Chúa Thánh Thần, Người  là thánh và sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1,35). Lúc chịu phép rửa của Gioan “Con rất yêu dấu “ nhận sự xức dầu của Chúa Thánh Thần (Cvsđ 10,38; Lc 3,32). Người xua đuổi thần ô uế, và chúng đã xưng Người là “Đấng thánh của Thiên Chúa” (Mc 1,24; 3,11)... Sự thánh thiện của Đức Giêsu đồng nhất với sự thánh thiện của Thiên Chúa, Cha chí thánh Người (Ga 17,11).

 

          Ngày nay những người đã được chịu phép rửa tội tức là các Kitô hữu được gọi là các thánh (Rm 16,2; 2Cr 1,1; 13,12). Sự thánh thiện của người Kitô hữu bắt nguồn từ việc được tuyển chọn một cách nhưng không của Chúa đòi buộc họ phải đoạn  tuyệt với tội lỗi, sống trong sạch để đáp lại sự thánh thiện của Thiên Chúa.

 

c)     Theo đòi hỏi tự nhiên.

 

Người ta thường nói : “nhân vô thập toàn”, không ai là người không có lỗi hoặc nhiều hoặc

ít, hoặc lớn hoặc nhỏ.

          Thánh Gioan tông đồ nói :”Ai nói mình không có tội, đó là kẻ nói dối và sự thật không có ở trong họ” (x.1Ga 1,10)

          Thánh Phaolô tông đồ cũng tự thú :”Tôi ăn ở như một người ngu, còn sự lầm lạc của tôi thì vô kể” (Ep 4,11)

          Ông Elbert Hubbard nói :”Người nào cũng là kẻ chí ngu ít ra trong 5 phút mỗi ngày. Bậc thánh là kẻ cố gắng và thành công trong sự không để cái ngu của mình vượt quá thời hạn ấy”.

 

                             Truyện : học làm người.

          Một gãcôn đồ đến chất vấn một nhà tu hành :

          - Tôi xin ông giải thích điều này : tại sao trong cuộc sống, không ai dạy thú vật làm thú vật, chẳng hạn như chẳng ai dạy chó làm chó, ngựa làm ngựa, heo làm heo... mà ông lại cực nhọc đứng ra để dạy người ta làm người ?  Tại sao thú vật không ai dạy mà chúng biết làm thú vật, còn người tại sao nếu không dạy thì không biết làm người ?

          Nhà tu hành trả lời :

          - Con người có hai phần hợp lại : một là thú vật, hai là thiên thần. Nếu không ai nhắc nhở thì nhiều kẻ quên bản tính của mình, có kẻ thích làm thú vật, mà cũng có người ưa thích làm thánh.

 

          Câu trả lời của nhà tu hành phù hợp với lời nói của nhà đại tư tưởng Blaise Pascal:”Con người không phải là một vị thiên thần, cũng không phải là một con vật, và kẻ nào muốn làm thiên thần, lại làm con vật” (L’homme n’est ni ange, ni bête, et qui veut faire l’ange fait la bête). Câu này có ý nói : con người đâu phải hoàn toàn là bậc thánh, cũng đâu phải hoàn toàn là con vật. mà vừa là thánh, vừa là vật. Cho nên đề cao cái ông thánh của mình mà không nghĩ đến hoặc phủ nhận sự hiện diện của con thú trong lòng mình, không khéo kẻ ấy lại bị sa vào cảnh chỉ trở thành một con thú đáng thương hại. Phải thật biết mình, biết cái sở trường sở đoản của lòng mình thì mới khỏi sa vào chỗ lầm lạc vì đã quá khinh thường con thú trong lòng mình...

                   (Báo Trách Nhiệm, số 14, năm I, tr 14)

 

          2. Nên thánh là điều có thể.

 

          Việc Chúa đã mời gọi ta nên thánh chứng tỏ việc nên thánh là điều có thể.  Trong phạm vi triết học, chúng ta đã học nguyên tắc bất hủ này : Nemo ad impossibile tenetur : không ai buộc làm điều không có thể.  Khấn với Chúa một điều không có thể, lời khấn không thành.  Một cuộc ưng thuận hôn nhân đòi hỏi một điều kiện không thể thực hiện được, không thành hôn nhân.

 

          Theo nguyên tắc này, nếu ta không nên thánh được, thời hoặc là Chúa không buộc (điều đó không đúng), hoặc là Chúa buộc vào cổ ta một ách không thể vác đuợc, điều đó trái với lòng lân mẫn và nhân hậu của Chúa, của Đấng đã phán :”Ách của Ta thì êm ái, gánh của Ta thì nhẹ nhàng” (Mt 11,30). Điều đó còn trái luân lý, và phá hủy trách nhiệm, vì chỉ có trách nhiệm, khi nào điều tôi có thể làm tôi lại không làm.

                   (Trần văn Hiến Minh, Sứ mệnh Linh mục, 1958, tr 49-50)

 

                             Truyện : rất dễ nên thánh

          Ngày kia, cha Dan nói truyện với một thợ nhà in, Ngài nói :

-          Con có bao giờ nghĩ rằng mình phải nên thánh không ?

-   Thưa cha, con không bao giờ dám nghĩ như vậy vì nên thánh khó lắm. Cha xem : từ sáng

đến tối, con phải sắp chữ in, con không có thời giờ để nghĩ đến việc nên thánh.

-          Con đừng lầm, nên thánh có gì khó đâu. Không cần phải làm gì lạ để nên thánh. Khi

con sắp chữ, con sắp chữ vì Chúa, vì lòng kính mến Chúa là đủ.

-          Dạ, để con thử xem.

Vài ngày sau, người thợ đến tìm cha Dan :

-          Lạy cha, bây giờ con mới biết : nên thánh không khó như con đã tưởng.

(Nguyễn hài Đồng, Từ điển câu  truyện, 1969, tr 82-83)

 

          Nếu bạn sống ở Galilée, đời Hêrođê hay Augustô, chắc một buổi chiều nào đó, bạn đã gặp người thợ mộc khoác tấm áo mầu cam, đang trở về nhà. Đó là thánh Giuse Nagiaret.

          Nếu bạn sống gần biển hồ Tibériade, bạn đã thấy những bác ngư phủ vá lưới, bàn tán về mẻ lưới hôm truớc, giữa mùa cá : đó là Phêrô và Anrê.

          Nếu bạn sống ở Corinthe dưới đời trấn thủ Gallion, hẳn bạn đã gặp một người Do thái, mảnh khảnh làm nghề đan bạt : đó là Phaolô thành Tarse.

          Hẳn bạn đã thấy ở Roma, đời Dioclétien hai y sĩ mới ở Ả rập tới, đang đi tìm khách hàng : đó là Cosme và Damien.

          Nếu bạn đã sống ở miền bắc của nước Ý vào hồi thế kỷ 16, hẳn bạn đã gặp thấy một thanh niên con nhà quyền qúi rất đơn giản và chăm chỉ, đó là Louis Gonzague.

          Nếu những lúc đó người ta bảo bạn : Họ sẽ là Thánh đấy... liệu mà thờ... bạn có tin không ?

          Như thế mà là thánh được : một người đàn ông, một người nhà quê, một thư sinh, nhưng đã được thánh sủng cải hoá. Chúng ta đều có thể nên thánh cả,  và đừng nên quên rằng chúng ta PHẢI nên thánh nữa đó ! (J.E.C).

                             (Lm Ducasse, cuộc đời chiến đấu, 1959, tr 290-291)

 

          Vườn hoa của Giáo hội phô muôn sắc mầu. Mỗi vị thánh là một bông hoa với một mầu sắc đặc biệt, không thiếu một hương vị hay một mầu sắc nào. Điều đó chứng tỏ rằng : Chúa đã kêu gọi mọi người nên thánh và đã có rất nhiều người nghe theo tiếng Chúa.

 

          Thánh nữ Têrêsa Hài đồng cũng có cái nhìn như thế khithánh nữ viết :”Chúa mở ra trước mắt con quyển sách thiên nhiên là phong cảnh trời đất. Ngắm cảnh thiên nhiên, con nhận thấy rằng tất cả những hoa Chúa dựng nên đều xinh đẹp hết, mầu hồng hoa Mân côi và sắc trắng phau phau hoa huệ không át được mùi thơm hoa má tím, cũng không làm mất vẻ đơn sơ xinh tươi hoa cúc tây. Phải rồi, nếu tất cả những hoa ti tí ấy lại muốn làm hoa hồng cả, thì cảnh thiên nhiên sẽ mất vẻ đẹp lý thú mùa xuân, các cánh đồng sẽ chẳng còn muôn hoa rực rỡ nở.

          Ấy cảnh trời thiêng liêng của giới linh hồn cũng thế.

          Trong vườn sống này, Chúa dựng nên những vị đại thánh để sánh với hoa huệ, hoa hồng. Chúa lại dựng nên những thánh nhỏ, giống như hoa cúc đơn, hoa má tía để Chúa vui lòng lúc nhìn xuống chân thấy cảnh trời đất tưng bừng đẹp đẽ...

          Hoa nào càng vui theo thánh ý Chúa, càng nên trọn lành tốt đẹp.

                    (Thánh nữ Têrêsa – Kim Thiếu, Một tâm hồn, 1960, tr 12)

 

          Chúng ta thấy trong vườn hoa của Giáo hội có đủ mọi loại thánh nhân. Tuy mỗi người nên thánh một cách, nhưng điều chắc chắn là tất cả đã được Chúa mời gọi nên thánh ngay từ lúc mới mở mắt chào đời. Chúa đã soi sáng cho Giáo hội đưa lên bàn thờ đủ mọi hạng thánh. Thánh Talbot là một phu khuân vác, thánh Isodore là một nhà nông, thánh Phaolô ở Verdum làm bánh mì, thánh Crépin thợ đóng giầy, thánh Alexandre ở Comane làm than, thánh Euphrosynos làm bếp, thánh Antonin làm thợ nề... Và còn biết bao nhiêu thánh khác trong hàng giáo phẩm,giáo sĩ, tu sĩ và trong các bậc khác.        

                   (Nguyễn hài Đồng, Tự điển câu truyện, 1969, tr 83)

 

IV. ĐIỀU KIỆN NÊN THÁNH.

 

1.     Phải biết ước muốn.

 

Nên thánh tuy là một việc rất dễ nhưng cũng rất khó, vì nó đòi chúng ta phải cố gắng luôn

luôn, giống như con thuyền lội ngược dòng nước, ngơi tay chèo thì con thuyền sẽ lui.  Nên thánh là một cuộc chiến đấu trường kỳ với chính con người của mình, một sự ước muốn mãnh liệt, một ý chí cao .  Tục ngữ Tây phương có câu :”vouloir c’est pouvoir” (muốn là được) , nên chúng ta cũng có thể nói : muốn nên thánh thì có thể nên thánh được.

 

          Bạn nói bạn muốn, muốn chứ không phải ước, muốn nghĩa là tiến tới hành động, nhất định thành công mới thôi. Thánh Francois de Sales nghe tin phong thánh Francois Xavier liền nói :

-          Đó là thánh Francois thứ ba, tôi sẽ là Francois thứ bốn.

Qủa thực, bây giờ trong hạnh hiển thánh công giáo, ngài là thánh Francois thứ bốn.  Đấy bạn thấy hiệu lực phi thường của hai tiếng “TÔI MUỐN” chưa ?

 

Bạn quên sao cuộc Bắc tiến của Nguyễn Huệ để tiêu diệt bầy ngoại xâm Tôn sĩ Nghị. Thấy núi Alpes đầy tuyết lạnh thấu xương, ai không bảo rằng qua không nổi. Nhưng Annibal đã nói :”Tôi sẽ qua núi Alpes” và ông  đã thành công.  Vậy từ đây, trong bất cứ việc gì khi suy nghĩ kỹ rồi bạn sẽ nói “Tôi muốn, tôi muốn thành công”.

                   (Hoàng xuân Việt, Rèn nhân cách, 1971, tr 116)  

 

2.     Phải biết mình.

 

Muốn nên thánh phải thắng chính con người mình, phải  làm chủ nó, bắt nó phải theo  một

kỷ luật và hướng nó vào một mục đích cao đẹp. Muốn thắng được mình, cần phải biết mình trước đã vì “vô tri bất mộ” mà.

 

          Trong binh pháp, Tôn Tử đã đưa ra một nguyên tắc căn bản :”Tri kỷ tri bỷ bách chiến bách thắng” : biết mình biết người thì trăm trận trăm thắng.  Biết mình để mình không kiêu, không khinh thường, biết người để đo sức mình.

 

          Socrate, một hiền triết Hy lạp, đã  mở đầu triết thuyết của mình bằng câu châm ngôn :”Connais-toi, toi même” : anh hãy tự biết mình. Câu châm ngôn này của Socrate đã đi ngược lại với chủ trương của phái Nguỵ biện, họ cho rằng họ biết tất cả mọi cái trong vũ trụ, họ có thể giải đáp được mọi câu hỏi, mọi thắc mắc. Nhưng thực sự, họ chẳng biết gì, họ chỉ dùng  ba thấc lưỡi để phỉnh gạt thiên hạ. Sau này chính Pascal, một nhà đại tư tưởng, cũng phải nói rằng :”Tôi chỉ biết một điều là tôi chẳng biết gì cả”(Je ne sais q’une chose, c’est que je ne sais rien).

 

3.    Phải thắng chính mình.

 

Muốn nên thánh, phải làm chủ được mình, nghĩa là phải thắng được chính mình. Thắng

được mình là một chuyện khó. Chính hoàng đế Napoléon đã có kinh nghiệm này khi ông nói :”Thắng được cả Âu châu còn dễ hơn thắng được chính  bản thân mình”.  Nên thánh thì phải biết những nết xấu để sửa, biết những cái hay để mà tập luyện hay dinh dưỡng.   T

 

          Thánh Phaolô đã thúc giục tín hữu Êphêsô hãy làm một cuộc cách mạng bản thân :

                             “Hãy lột bỏ con  người cũ

                             Mặc lấy con người mới.

                             Hãy để Thánh Thần Thiên Chúa

                             canh tân đến tận tâm linh của anh em”.

                                      (Eph 4,22,24)

          Theo ý thánh Phaolô, chúng ta cần gột bỏ con người cũ  tội lỗi để mặc lấy con người mới thánh thiện. Vậy phải lột bỏ con người cũ là lột bỏ cái gì ? Đây là lột bỏ các tính hư nết xấu đang chi phối con người ta, làm cản bước đường tiến của ta, bắt ta làm nô lệ cho chúng.

 

                             Truyện : thầy dòng dạy mãnh thú.

          Một buổi chiều, Bề trên nhà dòng kia hỏi một tu sĩ :

-          Hôm nay con đã làm gỉ ?

Cũng như những ngày khác, tu sĩ trả lởi :

- Thưa cha, con rất bận bịu mà nguyên sức con không thể nào làm nổi, ngoài sự giúp đỡ của

Chúa.  Ngày nào con cũng phải coi hai con chim ưng, giữ hai con nai, kìm hãm hai con diều hâu để rèn ý chí, thắng một con sấu, trị được con gấu và săn sóc cho một bệnh nhân.

          Bề trên cười hỏi lại :

-          Con nói gì thế ? Những việc như thế làm gì có trong nhà Dòng ?

-          Thưa cha, thật đúng như thế.  Hai con chim ưng tức là hai mắt của con, mà con phải giữ

gìn luôn để khỏi nhìn những vật cấm.  Hai con nai tức là hai chân mà con phải trông coi từ bước đi để nó khỏi đi vào con đường xấu. Hai con diều hâu tức là hai bàn tay, con phải luôn luôn bắt nó làm điều phải. Con sấu tức là cái lưỡi, con phải kìm hãm hằng ngày để khỏi nói những lời vô ích và thô bỉ.  Con gấu tức là trái tim con, con phải trừng trị, để khỏi ích kỷ và khoe khoang. Còn bệnh nhân là chính thân thể con, con phải canh phòng ráo riết để cho nhục dục khỏi xâm nhập vào.

                   (GM Tihamer-Toth, Chí khí người thanh niên, 1957, tr 53)

 

          Tu sĩ này có lý lắm. Sự tranh đấu với bản năng lộn xộn cũng giống như công việc người dạy mãnh thú, và tất cả những ai muốn nên thánh, đều phải hằng ngày luyện tập như thế.

 

          Những người muốn nên thánh đừng bao giờ tha thứ cho tật xấu của mình mà nói rằng : Không phải làm gì cả, tôi được sinh ra như thế, đó là sự tự nhiên của tôi. Nhưng muốn cố gắng làm cho linh hồn trong sạch trả lời lại ngay rằng : Nếu linh hồn tôi chứa đầy mãnh thú tôi phải trừng trị nó. Tôi sẽ không thể để như tôi đã sinh ra, tôi phải trở nên con người mà tôi muốn.

 

          Con người chúng ta ai cũng có cái tốt và cái xấu. Tốt xấu nhiều khi lộ ra trên nét mặt, trong cử chỉ, hay trong chữ viết mà chúng ta không thể che giấu được. Phải công nhận rằng ai cũng có những nết xấu, đấy là điều tự nhiên, chỉ có một điều là phải nỗ lực sửa trị nó thôi.

 

                             Truyện : xem bút tích của các thanh.

          Linh mục Girolamo Moretti thuộc dòng Anh em hèn mọn, là một nhà tu hành có biệt tài và uy tín lớn về khoa chiết tự (graphologie)ï, nhất là tại Ý là quê hương của ngài.  Ngài sinh năm 1905 và đến nay, ngài đã phân tích trên 300.000 nét bút, được mọi người ca tụng là rất chính xác. Ngài đã đề xướng ra một phương pháp rất vững chắc để đọc ra tính tình qua các tài liệu bút tích.

 

          Nhưng điểm đáng chú ý nhất, là ngài đã xem cả bút tích của các thánh nhân. Một hôm, giáo sư Clementi, sử gia danh tiếng tại Vatican,  có nhờ cha Moretti nghiên cứu nét bút trên một bức thư do thánh Giuseppe de Cupertino (1603-1663) viết.  Vị thánh này vừa được tôn phong làm bổn mạng giới phi công.  Vừa xem nét bút của vị thánh, cha Moretti rất đỗi ngạc nhiên, vì thấy nét bút nói lên tính tình nhu nhược và xu hướng trả thù... Nhưng giáo sư Clementi vội vàng trấn an và giải thích : những nhận xét của cha rất đúng, chúng tôi biết về sự cố gắng của thánh nhân để chống lại hai khuynh hướng đó.

 

          Thấy công việc hiệu nghiệm, cha Moretti nảy ra mong ước nghiên cứu bút tích các thánh. Giáo quyền giao cho cha một số văn tự do tay 58 thánh nhân thảo ra, nhưng không lộ tên các vị này để dư luận khỏi nghĩ cha Moretti bị ảnh hưởng của tiểu sử các đấng.   Những phát giác qua các kiểu chữ làm cho vị tu hành Phan sinh hoảng sợ đến nỗi ba năm liền cha không dám động đến khoa chiết tự.  Song vì giáo phẩm yêu cầu, nên cha mới lại tiếp tục tra tay vào việc và mãi tới năm 1956, nghĩa là sau 40 năm khảo tầm, công chúng mới được biết kết quả,  qua cuốn sách của cha soạn : I Santi dalla scrittura.

 

          KHÔNG AI BẨM SINH MÀ ĐÃ LÀ THÁNH.

 

          Trong số 58 vị thánh mà cha Moretti nghiên cứu chữ viết, chỉ có 3 người mà bản tính có thể coi là thanh bạch, trong trắng : ấy là thánh Maguerite-Marie Alacoque (1647-1690), thánh Jean Berchmans (1599-1621) và thánh Pie X (1835-1914). Còn lại 55 vị thì đều có tính mê nết xấu gớm ghiếc, dễ sợ. Nếu các vị ấy đã NÊN THÁNH là vì các vị ấy đã CHIẾN ĐẤU.

 

          Với kinh nghiệm đều đặn trong khoa chiết tự cho phép cha Moretti quả quyết rằng không ai bẩm sinh mà đã là thánh. Thánh nhân cũng như ai, đều mang vết tích di truyền trong huyết quản, hàm chứa xu hướng ngang trái trong tính nết, lại cũng có tình dục nơi lòng không nhiều thì ít. Xét theo phương diện tự nhiên, nhìn theo khía cạnh loài người, các vị đó với bấy nhiêu yếu tố vừa kể trên, thật ra cũng rất có thể thành kẻ tiểu nhân man trá, đê hèn; hoặc nếu có vóc trượng phu thì cũng bị dầy vò bởi tham vọng, bởi kiểu cách hay là rơi vào những vui thú cuồng loạn của nhục dục. Tuy nhiên có điều này làm thánh nhân khác người thường : đó là trước những khuynh hướng khả nghi dễ sợ đó, các ngài đã phản ứng rất mạnh, nhất nhất chẳng nhượng bộ.  Cùng với thái độ bất khuất, thánh nhân còn xử dụng khí giới vô cùng lợi hại, là sự CẦU NGUYỆN liên tiếp, thiết tha. “Điều gì các con xin cùng Cha thì Ngài sẽ ban cho nhân danh Thầy” (Ga 16,23) như Chúa Giêsu đã hứa cùng môn đệ.

 

          KHUYNH HƯỚNG NGANG TRÁI NƠI THÁNH NHÂN.

 

          Cha Moretti còn giới thiệu trường hợp của 30 vị thánh : 5 thuộc phái nữ, 25 thuộc phái nam.  Các vị đó chia thành phần như sau : 2 giáo hoàng, 3 giám mục, 11 sáng lập dòng tu, 7 tiến sĩ Giáo hội, 1 linh lục triều, 9 tu sĩ.

          Sau đây là trường hợp mấy vị :

 

          1. THÁNH PHANXICÔ  ASSISI (1181-1226) tổ phụ dòng Anh em Hèn mọn thì có ước mong chân thành phục vụ tha nhân và ngài quả có lòng quảng đại rất cao, nhưng cái tinh thần vị tha đó lại bị giằng co bởi tham vọng ép người khác phải theo mình và được dư luận tán thưởng. Đó là tính hướng hành động theo tư lợi, thiếu khiêm nhường và ít ưa thích chính quyền, vì chỉ nhằm sao thuyết phục kẻ khác làm như ý riêng mình đã xếp đặt.  Thực ra thánh Phanxicô đã lật hẳn thế cờ để trở nên một người trung thành phục vụ Giáo hội theo tinh thần Tin Mừng,  nghĩa là khiêm tốn,  xả kỷ, bác ái.

 

          2. THÁNH INHAXIÔ LOYOLA (1491-1556) sáng lập dòng Tên, một dòng trí thức trên thế giới, có ai ngờ lại có khuynh hướng độc tài, không chịu chấp nhận kẻ khác không đồng ý kiến với mình, dễ hờn và tức mình, muốn trả đũa ngay tức thì nếu có ai lên tiếng phê bình việc mình làm, lời mình nói.  Nhưng thánh nhân đã biết xoay xở để không cho khuynh hướng đó trở nên thực tại nhờ một kỷ luật đanh thép giúp ngài thắng nổi mình và huy động mọi khả năng vào công trình phục vụ danh Chúa.

 

          3. THÁNH ANPHONGSÔ LIGORI (11695-1787) sáng lập dòng Chúa Cứu thế. Xu hướng của vị này là xu hướng kiêu ngạo, hiếu danh, ưa “bầy tỏ sự sáng mình ra”. nếu đối phưong thất bại thì lấy làm vui, việc riêng của mình thì chăm lo kỹ lưỡng, tính tình không quảng đại lắm nhưng rất khéo vận động để đạt tới mục đích theo đuổi...

 

          4. THÁNH VINH SƠN PHAOLÔ (1581-1660) sáng lập tu hội Nữ tử Bác ái và hội Linh mụctruyền giáo, chuyên lo các việc từ thiện. Ngài là con người láu cá, tinh lanh, mưu mô và quanh co, nhưng ngài đã vật lộn với những nết xấu ấy và đã thắùng.

 

          5. THÁNH GIOAN BOSCÔ (1715-1888) lập dòng Salésiens và hội Con Đức Mẹ Maria trợ tá. Xu hướng bẩm sinh của ngài là thiếu thành thật, sự thiếu thành thật đó ẩn nấp khéo léo đến nỗi có thể gây hại cho cả một thế hệ. Ngài còn có khuynh hướng chuẩn bị bằng đủ mọi cách để gài họ vào bẫy cho vỡ mặt...

 

          6. THÁNH TÊRÊSA AVILA (1515-1582) Giáo hội vừa phong tước hiệu Tiến sĩ Hội thánh là vị nữ tu cải tổ dòng Cát Minh.  Thánh nữ thông minh siêu thăng, rất phong phú, hồn nhiên và độc đáo, khi hành động thì đặt rõ mục đích rồi quyết định đạt cho tới được.  Nhưng mặt khác, khuynh hướng đa tình nơi bà rất mạnh và nếu không nhờ vào ân sủng để siêu thoát, một người tính tình như vậy khó mà không rơi vào chế độ “đa phu”.

 

          7. THÁNH PHANXICÔ XAVIE (1506-1552) dòng Tên, nhà truyền giáo trứ danh đã rao giảng Tin Mừng bên Ấn độ và Nhật.  Thánh nhân có một bẩm tính xem ra hơi kỳ dị, có thể đưa con người bất chấp hợp lệ và thói tục của xã hội, để sống xa tha nhân, theo một kiểu sống riêng tư. Mặt khác, tuy ưa cuộc đời cô đơn, con người đó cũng có thể lưu ý đến “phái bên kia” hơi nhiều...

 

          CHÚNG TA RẤT GIỐNG CÁC THÁNH.

 

          Khoa chiết tự (graphologie) chỉ nói đến những khuynh hướng tự nhiên nhận thấy được nơi thánh nhân. Tiểu sử và bút tích của các vị này để lại có thể bổ túc những gì khoa chiết tự tìm không ra, và giúp ta đoán được phần nào công trình huyền nhiệm, bí mật của ân sủng thần linh.  Công trình này cải tạo nhưng không hủy diệt nhân tính. Nhờ đó, những gì hay được nên hoàn hảo, những gì dở được thanh luyện để qui về Chúa. Khi ấy khuynh hướng đa tình chẳng hạn có thể giúp con người vươn tới giao nhiệm, cao vọng sẽ hướng về tinh thần, trong khi tính phung phí lại biến thành lòng quảng đại hy sinh.  Ý chí con người trở nên thuộc hạ trung thành của hiền hòa, khó nghèo.  Như vậy đã chẳng mất  mát gì, mà còn là được cả. Đây mới là tự do, dũng cường, độc đáo.    

          Con người tự nhiên ai cũng có những khuynh hướng xấu, phải chiến đấu để thắng các nết xâu, bắt nó làm nô lệ cho mình, qui hướng nó về việc phụng sự Chúa, như các thánh đã làm. Nghe ra thì việc nên thánh là một công trình vĩ đại, khó khăn lắm, nhưng chúng ta thử phân tích một tiến trình nên thánh xem nó có khó khăn lắm không :

          Vị thánh

                   Thánh thiện

                             Nhân đức

                                      Tập quán tốt

                                                Thói quen tốt

                                                          Lặp đi lặp lại thói quen tốt.

                                                                   Trở thành vị thánh.

          Như vậy, vị thánh là gì ? Vị thánh chỉ là người chịu khó lặp đi lặp lại những việc lành, những thói quen tốt., như lặp đi lặp lại những hành vi khiêm nhường, hiền hoà, quảng đại hay hy sinh. Hoặc lặp đi lặp lại hành vi nhằm chống lại tính khoe khoang, ích kỷ, trả thù... Các thánh không làm gì khác, mà chỉ làm những việc tương tự như chúng ta làm. Nhưng với ơn Chúa và với sự cố gắng của mình, các ngài đã thành công.

 

                             Truyện : anh đã nên thánh chưa ?

          Ngày kia, một giáo hữu đi nghe giảng về, gặp người vô tín hỏi :

-          Anh đi đâu về ?

-          Tôi đi nghe giảng về.

-          Bữa nay giảng gì ?

-          Giảng về sự nên thánh.

-          Anh đã nên thánh chưa ?

-          Coi cái mặt tôi đây thì đủ biết mà – Coi thử mới biết chứ !

Nói rồi, người vô tín bèn tát cho một cái thật mạnh. Thế là người giáo dân quạu cọ, chửi mắng om sòm. Người vô tín nói :

-Ủa, tự xưng là mặt nên thánh sao còn chửi mắng tôi ?

-          Tôi xưng cái mặt nên thánh, chớ có xưng cái miệng đâu.  Nên thánh ở trong óc, trong bụng, chớ ở ngoài mặt đâu ? Sao anh thử tôi ?

-          Ủa,  bây giờ cái “thánh” nó chạy vô óc vô bụng rồi sao. Thôi, để tôi cú óc, thoi bụng, coi nó có thánh không nhé !

Người giáo dân lúc ấy mới nói :

-          Mày đánh tao lần nữa, thì tao cho một thoi, mày chết đó.

-          Ủa, nói nên thánh ơ óc, ở bụng, sao còn đòi đánh tôi ?

-          Cái tay, cái chân chưa nên thánh, nên tao đánh.

-          Ôi, tưởng anh nên thánh trọn vẹn, chứ anh mới nên thánh có nửa người. Xin anh hãy nên thánh trọn vẹn, mới phải là người có đạo, bằng không thì tính anh còn xấu hơn tôi nữa. Thế mà xưng là đạo đức gì

      (Mục sư Lê văn Thái, Những tia sáng 1, 1965, tr 50)

                  

V. NÊN THÁNH BẰNG CÁCH NÀO ?

 

          Nên thánh là một điều cần thiết và có thể, bằng chứng là đã có nhiều người nên thánh, có đủ mọi loại thánh, mọi giai cấp.  Nên thánh là thắng được chính mình, chủ trị được các tính mê nết xấu, bắt nó phục vụ Thiên Chúa. Nên thánh là một việc có thể, nhưng cách nên thánh thì không ai giống ai, mỗi người có một đuờng lối riêng, tùy theo hoàn cảnh. Nhưng dù sao, đường lối nên thánh của ta phải là đường lối thông thường của nhiều người, không cầu kỳ khó khăn.

 

1.     Những cách đặc biệt.

 

Ta thấy, có một số người nên thánh bằng những phương pháp đặc biệt mà có lẽ chúng ta

không thể học đòi được, hơn nữa, cũng không phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của chúng ta.

 

+ Có người tự giam mình trong một nơi kín, có khi mấy chục năm liền, chỉ sống nhờ lòng

hảo tâm của dân chúng để tạm đủ lương thực mà nhà tu hành lãnh nhận qua một lỗ hổng : đó là trường hợp Gioan Lycopolis và Alexandria.

 

          + Kẻ khác ẩn tu trong ngôi mả hoang đào trên sườn núi cạnh con sông hay mạch suối : nhưng tuy sống đặc biệt như vậy, tu sĩ cũng không tuyệt đối tránh mọi tiếp xúc với tha nhân.

 

          + Đây là một kiểu độc đáo : ẩn sĩ Simong một thời sống dưới đáy giếng đạt tới mức khiêm hạ uyên thâm đã leo lên cột đá cao dựng lều trên đỉnh chót vót để chiêm niệm huyền nhiệm thần linh, lại cứ đúng giờ thì thuyết giáo cho khách thập phương tuôn đến đón nghe. Như vậy tại Antioche bên Syria, suốt 37 năm trường, từ năm 423 đến 459, thánh nhân vì vậy được gọi là Simong Cột.

                   (Nguyễn huy Lịch, Nhà Chúa, số 12, th 12/69, tr 24)

 

          Ngoài ra, một số thánh nhân có những lối hãm mình đặc biệt mà chắc không ai trong chúng ta dám bắt chước :

-          Thứ người gọi là Stylites, sống ngày đêm trên cái cột cao, bất chấp mưa nắng sương gió.

-          Sideraphares : mang luôn trên mình suốt trong cả đời cái xiềng nặng làm cho khó đứng

thẳng.

-          Stationnaires : chuyên môn đứng yên một chỗ, không xê dịch đổi nơi.

-          Brouteurs : chỉ ăn hoa quả, không hề động tới thịt, cá, trứng.

-          Sabinos : chuyên ăn thịt ươn , cá thối.

(Trần công Hoán, Tìm hiểu ít nhân đức, 1966, 174-175)

 

          Không ai sinh ra đã là thánh.  Sự nên thánh đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực sửa các tính mê nết xấu, bắt nó tuân phục linh hồn, phụng sự Thiên Chúa. Nên thánh là kết quả của một nỗ lực không ngừng của cuộc sống chứ không phải là việc tự nhiên mà có. Chúng ta không nên thánh theo kiểu sinh ra mà đã làm thánh như được ghi trong nhiều tiểu sử các thánh.

 

                             Truyện : sinh ra đã là thánh.

          Hồi còn bé tôi được đọc hạnh các thánh qua bản dịch việt ngữ ấn hành vào khoảng năm 1928 hay 1930 tại “nhà in Nazareth – Hồng kông” hay tại “nhà in Trung hoà – Hà nội” – tôi không nhớ rõ – và được nghe kể lại cuộc đời các thánh hoặc các vị ẩn tu sống nơi sa mạc hẻo lánh hoang vu, và có những hành động phi thường, kỳ diệu : có nhà tu hành phải qua sông Nil – một con sông lớn ở nước Ê-díp-tô – thì đã leo thẳng lên lưng con cá sấu nằm vùng rất lợi hại, sau khi đọc lời nguyện xin Chúa che chở, rồi điều khiển ác vật này như một chiếc “ca-nô” nhanh nhẹn.

 

          Vị ẩn sĩ khác hay bị kẻ trộm dòm ngó túp lều ông ở, nghĩ luôn được giải pháp là giao nhà cho hai con rắn canh gác mỗi khi mình đi vắng, gian phi mon men trở lại thấy rắn giữ nhà thì thất kinh đến nỗi... trở lại đạo.

 

          Lại còn chuyện con rắn khổng lồ nuốt ực nổi cả con bò mộng, dùng sức hút kéo về nó cả từng đàn chiên với kẻ chăn dắt, nhưng – may thay – lại bị nhà tu hành kia ra lệnh bò lên giàn lửa đang ngun ngút cháy để... tự thiêu.

 

          Hoặc có thánh mới có sáu tháng mà cứ ngày thứ sáu thì không bú để hiệp thông với sự thương khó của Chúa Giêsu. Lại có vị khác mới một tuổi mà trong mùa chay không chịu nằm trong lòng mẹ hay nằm trong giường ấm mà cứ choài xuống đất nằm để hãm mình.

 

          2. Cách thông thường.

 

                   a) Nên thánh tại gia.

 

          Mỗi người một bổn phận, nếu chu toàn bổn phận một cách đầy đủ cùng với lòng mến Chúa nồng nàn thì đủ nên thánh rồi.  Thuyết chính danh của Khổng Tử cũng rất phù hợp với việc nên thánh của ta., đó là, quân, thần, phụ, tử : ai nấy hãy sống theo bậc của mình; vua sống cho ra vua, quan ra quan, cha sống xứng đáng bậc làm cha, con sống xứng phận con. Thuyết chính danh cũng cần kèm theo với chương trình giáo dục theo từng bậc : tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Nhưng căn bản nhất là tu thân. Tu thân là sửa mình cho nên tốt, mà tu thân cần nhất phải được thực hiện ngay từ nhà mình vì nó khó khăn hơn:

 

                                      Thứ nhất là tu tại gia,

                                      Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa.

                                                (ca dao)

 

                             Truyện : làm thánh tại gia.

          Vào thế kỷ thứ 5, tại nước Syria, có một vị ẩn sĩ tên là Simon rất nổi tiếng về sự thánh thiện và khổ hạnh. Simon đã làm một căn nhà nhỏ ở trên một cây cột và đã sống trên căn nhà đó suốt 35 năm.  Sau khi Simon chết, để nêu gương về sự thánh thiện và khổ hạnh của Simon, Giáo hội đã phong thánh cho Simon và người ta thường gọi Ngài với biệt hiệu là thánh Simon Cột.

          Một em nhỏ kia, sau khi đọc truyện thánh Simon Cột cũng đã muốn bắt chước thánh nhân. Thế là em đã chồng những chiếc ghế trong nhà lên một chiếc bàn ở giữa nhà. Đang lúc em tính leo lên những chiếc ghế kia, thì mẹ em trông thấy. Bà la con và cấm không cho con được leo lên, rồi bà nói tiếp :”Con ơi, làm thánh ở trong nhà khó lắm con à !

 

          Đây là một lời nói đùa của người mẹ đối với đứa con nhưng lại là một lời thật có ý nghĩa.

          “Làm thánh ở trong nhà khó lắm”.

          Tại sao ?

          Có những người đi ra khỏi nhà, ai cũng phải cảm phục về cách sống, về lối cư xử, về lời ăn tiếng nói của những người ấy. Thế nhưng khi về đến nhà thì những người trong nhà không sao chịu nổi lối sống của những người đó. Bởi ở trong gia đình mọi chân tướng thường được để lộ ra hết.

          Nên thánh ở trong gia đình, đó là một điều khó. Nhưng đó là điều có thể và lại còn là bắt buộc. Chúng ta có thể và còn phải trở thành một vị thánh, và trước hết là thánh nhân trong gia đình.     (Báo Đồng hành, số 10, tr 67-68)

 

                   b) Đường thơ ấu thiêng liêng.

 

          Nên thánh không cần phải làm những việc đại sự, phi thường hay kỳ diệu mà chỉ làm những việc nhỏ của bổn phận một cách đầy đủ với lòng mến Chúa nồng nàn, nghĩa là làm việc nhỏ với một lòng mến lớn lao (communia non communiter). Cuộc đời của ta đuợc ví như một vở trường kịch, mỗi người đóng một vai, mà ai đóng vai nào cho đúng, cho tốt thì người ấy thành công. Còn việc đóng vai nào thì không can hệ.

 

          Thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu đã tìm ra được một đường lối nên thánh dễ dàng mà thánh nữ giới thiệu cho  ta trong “Truyện một tâm hồn”, đó là “Đường thơ ấu thiêng liêng”. Khi Mẹ Bề trên hỏi thánh nữ “đường thơ ấu thiêng liêng” là thế nào, thánh nữ trả lời :

 

Thưa mẹ, chính là đạo Thần đồng, chính là đàng hoàn toàn cậy trông Chúa và phó

thác mặc thánh ý Người. Xưa nay con đã dùng phương thế này hiệu nghiệm; con

cũng muốn truyền lại cho các linh hồn, làm các linh hồn hiểu biết ở trên trần gian

có một việc phải làm là tế lễ mình trong những việc nhỏ mọn, dường như những hoa

thơm tho dâng tiến Chúa,  và tỏ hết tình ái thắm thiết cùng Người. Với những việc

nhỏ mọn tình tứ đó, con đã được lòng Chúa lắm, và Chúa yêu con vô cùng, Người

sẵn sàng ẵm bế con cách tình nghĩa dường nào.

 

Còn Têrêsa đã khẳng định cùng các chị em nhà Tập rằng :

 

Ví bằng con đường Tình Ái em dẫn chị em đi là đường lạc, chị em chớ ngại, em

không để chị em lầm lạc lâu đâu. Em sẽ hiện về cải chính để chị em bỏ mà theo

đường khác; nhưng nếu em chẳng trở lại cùng chị em nữa, thì chị em cứ chắc tâm

tiến hành những điều em đã nói. Đức Chúa Trời phép tắc và lòng lành vô cùng, ta

trộng cậy Người chẳng khi nào phải lo quá !  Ta trông cậy Chúa ngần nào, ta được

phỉ nguyền ngần ấy.

                                      (Truyện Một tâm hồn, Ra khơi, 1966, tr 266-267)

 

          Dựa theo cuốn Truyện Một tâm hồn và những cách chú giải đáng tin cậy nhất, chúng ta có thể trình bầy sau đây những nét cơ bản của “Con đường thơ ấu thiêng liêng” theo thánh nữ Têrêsa Hài đồng Giêsu đã sống và dạy cho chúng ta. Những nét cơ bản này có thể chia làm hai nhóm bổ túc lẫn nhau : một tiêu cực và một tích cực.

 

A.     Những đặc điểm tiêu cực :

1.     Không hãm mình khác thường.

2.     Không đặc sủng siêu nhiên.

3.     Không phương pháp cầu nguyện.

4.     Không bận rộn nhiều công việc.

 

B.    Những đặc điểm tích cực :

1.     Lòng mến trên hết được biểu lộ :

. Lòng hiếu thảo trọn vẹn và đơn sơ.

. Chiều lòng Chúa Giêsu.

. Hoàn toàn vô vị lợi.

. Thao thức việc cứu rỗi các linh hồn.

2.     Tín thác hoàn toàn vào Chúa với tinh thần con thảo.

3.     Khiêm nhường và đơn sơ.

4.     Trung thành trong các việc nhỏ.

                                (Xem thêm Lược sử linh đạo Kitô giáo của Lm Gs Đoàn Thiện O.P tr 158)

 

          Theo tinh thần nên thánh của thánh nữ Têrêsa Hài đồng được gói ghém trong cuốn “Truyện Một tâm hồn” ấy, ta thấy Têrêsa luôn coi mình như con nhỏ trước mặt Chúa. Têrêsa thấy mình nhỏ nên cứ “nhõng nhẽo” với Chúa, mà xem chừng càng nhõng nhẽo, Chúa càng thích. Cái nhõng nhẽo của Têrêsa được diễn tả ra trong những công việc hằng ngày : có ai trong chúng ta dám có tư tưởng táo bạo như thánh nữ không ? Thánh nữ coi mình như con quay, cứ quay tít thò lò đi để cho Chúa xem... Thánh nữ còn kiếm nhiều dịp để tặng cho Chúa những món quà nhỏ nhoi nhưng rất dễ thương.  Món quà đó là những hy sinh chịu đựng trong việc vâng phục bề trên, chịu đựng chị em, trung thành làm các việc bổn phận...

 

          Ngày nay Giáo hội giới thiệu cho chúng ta đường thơ ấu thiêng liêng này, một đường lối nên thánh  theo lối trẻ thơ, , rất đơn sơ, dễ dàng, ai cũng có thể thực hiện được.  Nhưng đường lối này đòi hỏi chúng ta hy sinh rất nhiều trong đời sống hằng ngày.  Tất cả mọi công việc chỉ có mục đích là để yêu mến Chúa hơn, không phải “thương miệng thương môi, thương miếng xôi miếng thịt”, mà yêu Chúa với những hy sinh thảo lảo được thể hiện trong việc từ bỏ mình hằng ngày, sống vui tươi, đơn sơ, phó thác hoàn toàn vào trong tình thương yêu của Chúa.

 

                                                                             Lm Giuse Đinh lập Liễm

                                                                             Giáo xứ Kim phát,

                                                                             Đà lạt 

                                     


Mục Lục