MỒNG HAI TẾT

_______________________________

Báo hiếu tổ tiên

 

          Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ, theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa : Để ngươi được hạnh phúc và trường thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1).

 

                             Truyện mở đầu : nắng chiều.

          Đây là vở kịch được trình diễn tại nhà hát thành phố Hồ chí Minh trong liên hoan sân khấu quần chúng năm 1994.

          Nội dung : đứa con trai đạt được danh vọng cao trong xã hội, về đưa mẹ từ nhà quê lên ở chung cho có mẹ và con. Nhưng tính tình người già không phù hợp với vợ chồng trẻ, anh đã đưa mẹ vào viện dưỡng lão và luôn chu cấp đầy đủ.

          Người mẹ luôn chỉ nhận được những gói quà và món tiền chu cấp, chứ không gặp được mặt con...

          Vậy mà anh vẫn vô tình, vẫn thản nhiên mỉm cười nhìn cuộc đời trôi đi một cách an bình. Anh không hề biết, đi bên sự thờ ơ của anh, là nỗi cồn cào, xót đau, chờ đợi của mẹ.

          Nỗi đau khổ làm trĩu nặng thêm trái tim héo úa của mẹ.  Sức lực không còn nên mẹ không đợi được anh... chút NẮNG CHIỀU ít ỏi còn lại đã tắt.

                             (Tuổi trẻ Chủ nhật, số 4 / 94 (535), tr 18)

 

          Ai xem vở kịch này chắc cũng cảm động đến rỏ nước mắt và thấy rõ sự thờ ơ và vô tình của con cái trước sự cô đơn của cha mẹ. Thực sự cha mẹ không chỉ cần thỏa mãn những nhu cầu vật chất mà còn cần tình nghĩa, cần sự săn sóc của con cái. Chỉ có tình mẫu tử mới làm cho cha mẹ được ấm lòng. Khi về già, cha mẹ sợ nhất là cảnh cô đơn.

 

          Khi cha mẹ còn sống mà con cái không phụng dưỡng thì khi cha mẹ chết rồi thì chỉ còn biết phàn nàn hối hận :

 

                             Mẹ già như chuối chín cây,

                             Gió rung mẹ rụng con rầy mồ côi.

                                      (ca dao)

 

I. GIỚI RĂN CỦA CHÚA.

 

          Hiếu thảo đối với cha mẹ không phải chỉ là một cảm tình hay là một qui định của xã hội mà là một điều răn của Chúa dạy :”Thứ bốn thảo kính cha mẹ”.  Thiên Chúa đã nâng điều răn thứ bốn lên ngang hàng với các điều răn khác ; điều đó chứng tỏ con cái phải hiếu kính đối với cha mẹ đến mức nào.

 

          Bên Đông phương người ta đề cao chữ HIẾU và nâng lên thành ĐẠO, đó là ĐẠO HIẾU. Theo truyền thống Nho giáo, trong các tội người ta phạm thì tội bất hiếu là tội nặng nhất.

 

                             Mẹ cha vất vả nuôi mình

                     Từ khi trứng nước công trình biết bao.

                             Làm con phải nhớ công lao,

                     Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

                                       (ca dao)

 

II. CÔNG ƠN CHA MẸ.

 

          Không ai có thể phủ nhận được công ơn cha mẹ trong việc sinh thành và dưỡng dục con cái, người ta đã ví :

 

                                        Công  cha như núi Thái sơn,

                               Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

 

          1. Công ơn sinh thành.

 

          Thiến Chúa đã dựng nên con người, nhưng không trực tiếp mà phải qua trung gian cha mẹ. Đầu tiên Thiên Chúa dựng nên ông Adam và bà Evà, rồi từ đó con cháu nối tiếp :

 

                             Người ta có cha có mẹ

                             Không ai ở chỗ nẻ chui lên.

                                      (tục ngữ)

 

          Không ai còn lạ với câu ca dao :

 

                             Người ta có cố có ông,

                   Như cây có cội như sông có nguồn

 

          2. Công ơn nuôi dưỡng.

 

          Bình thường không ai sinh con rồi đem vất đi vì đó là hòn máu mủ của cha mẹ nên phải nâng niu nuôi dưỡng cho chóng lớn khôn mặc dầu phải vất vả khó nhọc :

 

                             Cha tôi hai buổi đi làm,

                   Dãi dầu mưa nắng khổ kham đủ bề.

                             Sớm chiều cực nhọc chẳng nề,

                   Mong sao con trẻ đặng bề ấm no.

                             (ca dao)

                            

                             Truyện : công việc của người mẹ.

          Người ta nghiên cứu một gia đình có hai con, trung bình một năm phải rửa :

                             18.000 dao, nĩa và thìa ăn.

                             13.000 đĩa

                               6.000 tách

                               3.000 nồi.

          Nếu một phụ nữ đặt thức ăn lên bàn, ăn xong lại dọn đi rửa, rồi lại đặt vào chạn, thì trong một năm người đó phải mang tổng cộng 5 tấn, và mỗi năm phải đi lại trên quãng đường 2000 km để mua hàng.

 

          3. Công ơn dạy dỗ.

 

          Sinh ra không phải chỉ nuôi ăn cho béo như con vật mà còn phải dạy dỗ để con nên thân nên người. Nếu không dạy dỗ thì người ta nói :

 

                             Dưỡng tử bất giáo như dưỡng lư

                             (Nuôi con mà không dạy thì như nuôi lừa)

         

Vì thế ca dao mới nói :

 

                             Nuôi con chẳng dạy chẳng răn,

                               Thà rằng nuôi lợn cho ăn lấy lòng.

 

          Cha mẹ có nhiệm vụ dạy dỗ con cái vì dù sao cha mẹ cũng có kinh nghiệm hơn con cái.

 

                             Truyện : con không hơn cha.

          Một mục sư nói với đứa con 15 tuổi của ông :

          - Từ 15-20 tuổi : cha cho con có quyền tin tưởng là con hơn cha.

          - Từ 20-25 tuổi : con thông minh bằng cha.

          - Nhưng từ 25-30 tuổi : thì cha bắt buộc con phải nhìn nhận là cha thông minh hơn con một một cách tuyệt đối.

           

          Người ta cũng nói : người 70 phải học với người 71.

          Giáo dục cần thiết và qúi giá biết bao !

          Algarotti nói :”Một nền giáo dục tốt là gia tài giầu sang người cha có thể trối lại cho con

                              mình”.

 

III. THỰC HÀNH CHỮ HIẾU.

 

Trong ngày mồng hai Tết năm nay chúng ta hãy nhìn qua lại lòng hiếu thảo của chúng ta đối với cha mẹ.

Vậy thảo kính cha mẹ là gì ?

          Thảo kính cha mẹ là yêu mến, biết ơn, vâng lời và giúp đỡ cha mẹ khi còn sống và đã qua đời (theo sách giáo lý Tân định).

          Chúng ta hãy đặc biệt nói đến việc giúp đỡ cha mẹ.

 

          1. Khi cha mẹ còn sống.

 

          Khi cha mẹ còn sống nếu con cái chỉ tỏ lòng yêu mến và biết ơn thì chưa đủ, còn phải thực hiện bằng việc làm là giúp đỡ cha mẹ, nhất là khi các ngài đã về già. Con cái hay bỏ mặc cha mẹ như trong câu truyện “Nắng chiều” ở trên.

 

                             Truyện : con tính tiền với mẹ.

          Mỗi lần giúp việc, bà mẹ thường thưởng tiền cho em bé. Một hôm mẹ em bị bệnh, em phải giúp mẹ và thay mẹ trong nhiều công việc. Sau một thời gian giúp việc, không thấy mẹ tính tiền thù lao, nên em viết một hóa đơn ghi những công việc chưa được nhận tiền thưởng, gồm :

                   - xách nước : 2 đồng USD

                   - nấu cơm : 3 đồng.

                   - giặt quần áo : 5 đồng.

          Tất cả các cái tính chung trong một tuần lễ là 80 đồng, rồi đưa cho mẹ.

          Ba phút sau, bà mẹ đưa cho em 80 đồng kèm theo một tờ hoá đơn khác, trong đó ghi : công sinh thành, nuôi dưỡng, công dạy dỗ, công học hành, công thầy thuốc mỗi khi đau... x 10 năm : chưa có mục nào được thanh toán.

          Đứa bé vội vàng xin lỗi mẹ.

                   (Góp nhặt 4, tr 79)

 

          Chúng ta có hiểu công ơn trời bể của cha mẹ không ?

 

                             Mẹ nuôi con như trời như bể,

                             Con nuôi mẹ con kể từng ngày ?

 

          2. Khi cha mẹ đã qua đời.

 

          Người ta thường nói :”Cách mặt xa lòng”. Điều đó rất đúng trong đời sống thực tế hằng ngày bởi vì xa nhau thì mối tình dễ bị nhạt nhòa, dễ bị quên lãng. Nếu cha mẹ còn sống mà chúng ta còn ít nhớ đến thì làm sao ta có thể nhớ đến hằng ngày ?  Chỉ có ngày giỗ chạp mới giúp chúng ta nhớ đến công ơn cha mẹ.

 

          Hôm nay, ngày mồng hai Tết dành riêng để kính nhớ cha mẹ, ông bà, tổ tiên.  Đây là dịp thuận tiện để chúng ta hâm lại lòng yêu mến của chúng ta đối với các ngài, đồng thời Lời Chúa nhắc cho chúng ta phải thi hành bổn phận thảo hiếu của chúng ta.

 

                             Ai mà phụ nghĩa quên công

                   Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm.

                                      (ca dao)

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt

 

 

 


Mục Lục