HAI  KHUÔN MẶT

_________________________________________

Chúa nhật II Mùa Chay, C

 

I. LỜI CHÚA.

 

        Chúa Giêsu báo trước cho các Tông đồ là Ngài sẽ bị bắt, bị đánh đòn, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại. Các ông không thể hiểu được lời tiên báo của Chúa bởi vì các ông đang có những ý nghĩ riêng tư về một cuộc sống vinh quang sắp tới trong Nước Chúa sắp lập. Chính ông Phêrô đã theo làm môn đệ Đức Giêsu ba năm, tuy ông rất yêu mến Ngài, nhưng thực ra ông chưa biết rõ Ngài, chưa hiểu được lời Ngài. Khi Ngài báo tin sắp chịu nạn chịu chết, ông không chịu nghe theo, trái lại còn kéo Ngài ra và trách Ngài (Mt 18,22).

 

        Hôm nay, Đức Giêsu đưa ông Phêrô, Giacôbê và Gioan lên núi Tabor, cao khoảng 600 mét. và cho các ông chứng kiến vinh quang Ngài để chuẩn bị cho các ông chấp nhận cuộc khổ nạn của Ngài, đồng thời cũng báo cho các ông phải chấp nhận đau khổ và qua đau khổ đó sẽ tới vinh quang. : per crucem ad lucem.

 

        Thánh Luca kể : “Khoảng tám ngày sau khi nói những lời ấy, Đức Giêsu lên núi cầu nguyện, đem theo ông Phêrô, Giacôbê và Gioan. Đang lúc Ngài cầu nguyện, dung mạo người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa “(Lc 9,28-29).

 

        Đức Giêsu vừa là Chúa vừa là người. Đứng về phương diện loài người, Ngài giống hệt chúng ta ngoại trừ tội lỗi.  Khuôn mặt Người cũng rất bình thường, có lúc biến đổi khi phải trách mắng những bọn Luật sĩ và Biệt phái giả hình. Hôm nay, khuôn mặt Người biến đổi khác thường, sáng láng đẹp đẽ quá sức, đến nỗi ông Phêrô ngây ngất  không muốn xuống núi nữa mà muốn cắm lều đểø ở lại trên đó.

 

        Nói rằng khuôn mặt Người sáng chói như mặt trời thì không chỉ có ý nói là khuôn mặt sáng chói đẹp đẽ mà còn có ý nói rằng cả con người của Người sáng chói đẹp đẽ được được biểu lộ trên khuôn mặt Người.  Chúng ta cũng có khuôn mặt như Đức Giêsu, nhưng khuôn mặt của chúng ta có phản chiếu sự tốt lành của tâm hồn không, hay chỉ là chiếc mặt nạ che giấu sự xấu xa trong tâm hồn.

 

II. HAI KHUÔN MẶT : THẬT VÀ GIẢ.

 

        Bài Tin Mừng hôm nay nói khi Chúa Giêsu ở trên núi trở nên sáng chói như mặt trời. Mặt Ngài sáng chói không phải chỉ có cái mặt sáng chói nhưng cả con người của Ngài sáng chói vì nét mặt biểu lộ cả con người của Ngài.

 

        Chúng ta thường nói “mất mặt”, điều đó chứng tỏ người ấy mất uy tín, mất danh dự.  Nếu nói “mát mặt” hay “đẹp mặt” thì chứng tỏ người ấy được vinh dự, sung sướng.  Khi nói người đó “hai mặt” tức là nói người ấy có lá mặt lá trái nghĩa là con người dối trá.

 

        Thường con người chúng ta có “hai khuôn mặt”, đó là khuôn mặt thật và khuôn mặt giả. Trong cuộc sống, tùy hoàn cảnh lúc thì chúng ta dùng khuôn mặt thật, lúc thì dùng khuôn mặt giả

 

        1. Khuôn mặt thật.

 

        Những sắc thái của nét mặt diễn tả được rất nhiều điều đến độ đáng ngạc nhiên, bởi đó nét mặt là đối tượng nghiên cứu rất thú vị. Nét mặt luôn biểu lộ cho biết ta là ai và cuộc sống của ta như thế nào :

                        Xem mặt mà bắt hình dong,

                       Con lợn có béo thì lòng mới ngon.

                                (ca dao)

        Theo các nhà tâm lý học thì có sự tương quan tâm sinh lý rất rõ ví dụ khi buồn thì nét mặt u sầu, các đường trên mặt chảy xuống, khi vui thì nét mặt tươi, hồng hào, các đường nét trên mặt vươn lên, vì người ta thường nói :

 

                        Hữu ư trung, xuất hình ư ngoại (thành ngữ}

                        Có bên trong mới giàn ra bên ngoài

.

        Đức Giêsu cũng đề cập đến vấn đề này :”Cây mà tốt thì quả cũng tốt; cây mà xấu thì quả cũng xấu, vì xem quả thì biết cây.Loài rắn độc kia, xấu như các ngươi, thì làm sao nói điều tốt được ? Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra. Người tốt thì rút cái tốt từ kho tàng tốt của mình; kẻ xấu thì rút cái xấu từ kho tàng xấu của mình” (Mt 12, 33-35).

 

        Người ta hay xem tướng mạo để biết tâm tính con người như thế nào. Ta nghĩ sao khi người ta nói về khuôn mặt của một người : người này thông minh, khôn ngoan hay ngược lại :

 

                        Mặt nạc đóm dầy,

                            Mo nang trôi sấp biết ngày nào khôn ?

                                (ca dao)

        Thường nét mặt diễn tả đời sống nội tâm của con người không nhiều thì ít vì có sự tương quan tâm sinh lý như đã nói trên.

 

                        Truyện : Khuôn mặt kẻ phản bội.

        Một trong những giai thoại nổi tiếng nhất trong lịch sử hội họa, đó là câ truyện danh họa Leonardo da Vinci đi tìm người mẫu để họa lại khuôn mặt của Giuda, kẻ phản bội.

        Leonardo đang miệt mài trên bức tranh “Bữa ăn cuối cùng” của Chúa Giêsu với các môn đệ. Tất cả các khuôn mặt từ Chúa Giêsu đến các môn đệ đều đã hiện hình trên khung vải.  Nhưng đến lúc phải tô vẽ cho khuôn mặt của Giuđa, danh họa Leonardo đã tỏ ra lúng túng vì ông không biết phải tìm một người nào làm mẫu cho con người phản bộ này.  Ông đã phải đi rảo khắp nơi để tìm một khuôn mặt xấu xí, hiện thân của phản bội, gian trá. Sau mấy tháng trời tìm kiếm, cuối cũng ông cũng đã gặp một khuôn mặt mà ông cho là ưng ý nhất, một khuôn mặt có đầy đủ những đường nét của tội ác.  Ông đã lần mò đến gần người đó trong khu xóm lầy lội, nghèo nàn, sau khi đã giải thích về bức tranh mình đang thực hiện, ông đã đề nghị người đó đến xưởng vẽ của ông để bắt tay vào công việc.

        Người được chọn làm người mẫu cho Giuđa nhìn nhà danh họa hồi lâu.  Cuối cùng ông đốt lên một ngọn đuốc sáng và mời nhà danh họa nhìn thẳng vào khuôn mặt của ông... Leonardo ngạc nhiên vô cùng, bời vì người đàn ông này cũng chính là người đã làm mẫu cho ông vẽ chân dung Chúa Giêsu...  Cũng khuôn mặt đó nhưng có lúc Leonardo thấy  những đường nét của Chúa Giêsu, vào lúc khác, ông lại thấy nó xấu xí như gương mặt của Giuđa.

                        (Thiên Phúc, Tất cả là hồng ân, tr 95-96)

 

        Mỗi người chúng ta có nhiều nét mặt, được biểu lộ trong nhiều tình huống khác nhau : khi thì hạnh phúc, khi thì buồn rầu, khi thì bạo dạn, khi thì đau đớn, khi thì nhút nhát, khi thì bình thản, khi thì sợ sệt, khi thì đau đớn, khi thì vui mừng, khi thì thân thiện, khi thì giận dữ... Điều này chẳng có gì đáng xấu hổ cả, vì đó là một phần của thân phận làm người của chúng ta. Điều duy nhất đáng xấu hổ là  nét mặt giả tạo, vì tất cả những nét mặt được kể trước đó đều nói lên sự thật, còn nét mặt giả tạo nói lên sự dối trá.

 

          2. Khuôn mặt giả.

 

        Trong đời sống hằng ngày, người ta lại ngại cho kẻ khác thấy nét mặt thật của mình. Tại sao người ta hay mang mặt nạ ? Phải chăng vì người ta sợ người khác biết sự thật yếu kém của mình. Chúa Giêsu đã trách móc người Luật sĩ và Biệt phái về thái độ giả hình của họ:”Khi các ngươi ăn chay, thì đừng làm như bọn giả hình thiểu não : họ làm cho mặt mũi ủ dột, để có vẻ ăn chay trước mặt người ta” (Mt 6,18).

 

        Vì người ta hay đóng kịch để che giấu những cái xấu bên trong mà phô trương ra bên ngoài cái hay của mình, trong khi đó cái hay ấy không có thật bên trong., cái hay được biểu lộ ra đó chỉ là cái mặt nạ. Vì vậy, người ta vẫn thắc mắc, chưa tin tưởng, còn có nhiều nghi vấn :

 

                                Trông anh như thể sao mai,

                        Biết rằng trong có như ngoài hay không.

                                           (ca dao)

        Thiếu gì những người giả nhân giả nghĩa đánh lừa người khác bằng những mánh khóe tinh vi, hấp  dẫn làm cho nhiều người phải điêu đứng ; anh chàng Giuđa đã dùng cái hôn nghĩa thiết mà bắt nộp Chúa Giêsu. Đúng là :                               

                                Bề ngoài thơn thớt nói cười,

                        Mà trong nham hiểm giết người không dao.

                                      (Nguyễn Du)

                hoặc

                                Lỗ miệng thì nói Nam mô,

                        Mà lòng thì chưa một bồ dao găm.

                                       (ca dao)

 

        Dân gian dùng rất nhiều câu để diễn tả tâm trạng giả dối trong cách xã giao của con người trong xã hội, thời nào cũng vậy, ví dụ :

                        Khẩu Phật tâm xà     hoặc   Lá mặt lá trái.

 

        Những con người nào bị gán cho cái nhãn hiệu “Lá mặt lá trái” thì chứng tỏ con người đó lật lọng, hay tráo trở, lúc thế này, lúc thế khác, không trung thực, lòng dạ đổi thay tráo trở. Câu tục ngữ này cũng tương đương với câu “Thò lò sáu mặt”, con người tráo trở thì không biết đâu mà lường, chỉ còn biết phải đề phòng.

               

III. KHUÔN MẶT CỦA TA.

 

        1. Tránh khuôn mặt giả.

 

        Chúng ta đừng đóng kịch, đừng đeo mặt nạ, đừng sống giả hình. Đức Giêsu đã nhiều lần công kích cái thói giả hình của Luật sĩ và Biệt phái như thổi loa khi bố thí (Mt 6,2), khoe khoang việc ăn chay (Mt 6,16), cầu nguyện nơi công cộng (Mt 6,2), thờ phượng bôi bác (Mt 15,7-9 ; Mc 12, 13-17 ; Lc 20,20-26), dạy dỗ luật mà không giữ (Mt 23, 1-7. Mc 12,33-40 ; Lc 11,39-54).

 

        Đứng trước những việc làm của những con người đó người ta luôn thắc mắc và thường đi đến kết luận là không tốt : nội ngoại bất nhất :

                                Xem tướng ngó dạng anh hào,

                                  Suy ra nết ở khác nào tiểu nhân.

                                        (ca dao)

 

        2. Sống với khuôn mặt thật.

 

        Muốn sống với khuôn mặt thật, muốn cho khuôn mặt mình hấp dẫn, muốn cho khuôn mặt mình  biểu lộ sự tốt đẹp bên trong cần phải có đời sống nội tâm cho vững vì nếu bên trong trống rỗng thì làm sao cho nó tràn ra bề ngoài được. !

 

        Mùa Chay là thời gian vật lộn với ma qủi. thế gian và xác thịt,  nhưng Mùa Chay lại là lúc thuận tiện, là ngày cứu độ (2Cr 6, 2b). Ai cũng muốn đến thẩm mỹ viện để làm đẹp con người mình với một khoản tiền đáng kể mà có khi lại tiền mất tật mang. Tại sao người ta không làm đẹp tâm hồn mình sau những lần sa ngã phạm tội, linh hồn đã trở nên nhơ bẩn trước mặt Chúa ?

 

        Thân xác đã bị khuyết điểm, nhiều khi không sửa chữa được, các chuyên gia thẩm mỹ cũng đành chịu bó tay mà chỉ phải chịu số phận hẩm hiu với nét mặt chẳng hấp dẫn chút nao :

                                Mặt rỗ như tổ ong bầu,

                        Cái răng khấp khểnh như cầu rửa chân.

                                    (ca dao)

 

                        Truyện : Bốc cát cọ da đen.

        Người ta thuật rằng cả một khu đất kia có một gia quyến người da đen ở. Gia quyến đó gồm có một bà vợ, một người chồng và một đứa con trai chín tuổi. Cậu bé đi học, nhưng giữa bọn trẻ da trắng, riêng mình đen thủi đen thui, nên lắm phen bị chê cười, chế nhạo. Cậu luôn luôn bị chọc ghẹo nên khó chịu, giống như một tấm lòng non nớt bị một vết thương sâu. Sau hết, cậu tự hỏi mình có thể thay đổi nước da chăng, rồi nhất định làm theo ý nghĩ đó.

        Bữa nọ, thầy giáo thấy cậu vắng mặt, bèn hỏi đám học sinh về cậu. Một trò thưa rằng thấy cậu đi đằng sau trường, giữa khu rừng nhỏ có rạch chảy qua. Thầy giáo ra công tìm kiếm và thấy cậu ở sát bờ rạch, đang dùng cát ướt kỳ cọ hai cánh tay đen.  Thỉnh thoảng cậu dừng tay, rửa cát dính vào da, rồi nhìn coi màu da đen mất chưa. Trời, màu đen quá sậm cậu mất công toi.

        Vài phút sau, thầy giáo gọi cậu :

        - Này em làm gì đấy ?

        Cậu giật mình thưa :

        - Con cố sức trừ bỏ màu đen để nên người da trắng, song không sao được.

                (Ms  Lê văn Thái, Những tia sáng, Tập 2, tr 94-95)

       

        Những khuyết điển của thân xác rất khó sửa chữa, nhiều khi phải bó tay, nhưng linh hồn có thể sửa chữa được, có thể làm lại được hoàn toàn mới. Chúng ta có thể chuyển từ tình trạng tội lỗi sang tình trạng thánh thiện như con sâu biến thành con bướm xinh đẹp.  Sâu là một loại côn trùng ăn hại cây, người ta phải dùng mọi phương pháp để diệt trừ loại sâu ăn hại này, người ta diệt hết, diệt không thương. Thế mà sau một quá trình thay hình đổi dạng, con sâu đã trở thành con bướm xinh đẹp nhởn nhơ bên vườn hoa, làm đẹp cho mùa xuân tươi sáng.

 

        Muốn thay hình đổi dạng tâm hồn, ta hãy chọn Chúa Giêsu làm thần tượng, là mô hình tuyệt vời để bắt chước.  Hãy chiêm ngắm cuộc đời Ngài, hãy suy ngắm những điều Ngại dạy và đem ra thực hành. Hãy học cùng Ngài vì Ngài đã nói :”Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt11,29-30). Một khi đã thấm nhuần lời Ngài, ta sẽ có một cuộc đời hao hao giống như Ngài, ta sẽ sống tốt lành thánh thiện để làm chứng cho Ngài (x. Lc 24,41-48) để thực hiện lời Ngài đã dạy :”Các con là ánh sáng thế gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn lên rồi lấy thùng úp lại, nhưng đặt trên đế, và nó soi sáng cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của các con phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp các con làm, mà tôn vinh Cha của các con, Đấng ngự trên trời” (Mt 5, 14-16).

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Tháng 3/2004


Mục Lục