THÔNG CẢM
______________________________________
Vui cùng kẻ vui, khóc cùng kẻ khóc (Rm 12,
14)
Tôi đã có dịp đọc cuốn “ No man is an island”
của Thomas Merton, cái nhan đề này đã nói lên rất nhiều về nội dung của cuốn
sách cũng như về tư tưởng chính yếu của tác giả. Nó chính là một câu trả lời
gián tiếp cho những ai chủ trương rằng con người là một thế giới khép kín, là
một con vật bị đày đọa, bỏ rơi, một mình đương đầu với số mệnh mù quáng và phũ
phàng trong một thế giới mà mọi người và mọi vật khác đều xa lạ nếu không là
thù địch với mình.
Nhưng “ No man is an island” (không ai là một
hòn đảo). Con người chỉ tìm thấy ý nghĩa đích thực của cuộc sống khi nào nó ý
thức được mối tương liên giữa nó với Thiên Chúa, giữa nó với tha nhân. Và tình
yêu này chính là lý do hiện hữu của nó. Vì thế, con người chỉ sống đích thực
khi nào đáp trả tình yêu đó bằng cách sống như người con Thiên Chúa, và như
người anh em đối với tha nhân.
I. BÀI HỌC TRONG
THÁNH KINH
Đọc Thánh Kinh chúng ta thấy rõ Thiên Chúa
hằng luôn săn sóc đến chúng ta như con ngươi trong mắt Ngài. Chúng ta là con
Ngài, có lý nào người cha lại không thương yêu, săn sóc và thông cảm với con
cái mình? Chúng ta hãy lần lượt nhìn vào Thánh Kinh để xem Thiên Chúa đã tỏ ra
thông cảm với loài người chúng ta như thế nào.
1. Thiên Chúa thương loài người sa ngã.
Thiên Chúa đã cho nguyên tổ Adong Evà ở trong vườn Địa Đàng, được hưởng
mọi đặc ân hồn xác, nhưng ông bà đã không tuân lệnh Chúa đã cả dám phạm tội
không vâng lời đến nỗi Thiên Chúa phải ra hình phạt cho ông bà… Tuy phạt vì tội
theo sự công bằng nhưng Thiên Chúa cũng vì thông cảm với sự đau khổ của loài
người dưới hình phạt nặng nề đó nên đã sai Đấng Cứu Thế đến để chuộc tội loài
người… Nếu không thông cảm với những sự đau khhổ của loài người, đâu Thiên Chúa
có sai Đấng Cứu Thế đến ? (x. Stk, 3).
2. Chúa Giêsu thông cảm với chúng ta:
Trong sách Phúc Âm, các Thánh ký đều nhất loạt ghi lại những phép lạ
Chúa làm để chữa bệnh hồn xác cho các bệnh nhân. Chúa Giêsu còn tỏ ra ba lần
thông cảm với sự đau khổ của con người khi Chúa khóc thảm thiết: đó là khóc
thành Giêrusalem sẽ bị tàn phá (Lc 19, 44), khóc thương đứa con trai góa phụ
thành Naim khi người ta mang chàng đi chôn (Lc 7, 11- 17), và khóc thương bên
mồ Ladarô đã chết bốn ngày (Ga 11,1 -14). Đó là ba trường hợp đặc biệt Chúa
Giêsu tỏ ra thông cảm bề ngoài với những giọt nước mắt nóng hổi như chúng ta.
3. Mẹ Maria ở tiệc cưới Canna:
Mẹ Maria cùng được đi dự tiệc cưới với Chúa Giêsu. Theo lệ thường, Mẹ
Maria cứ việc ngồi dự tiệc cho vui với tư cách là một người khách dự tiệc,
nhưng Mẹ đã lưu ý đến gia chủ, lo lắng cho họ và Ngài tỏ ra rất thông cảm với sự lo lắng của họ khi giữa tiệc mà hết
rượu. Đối với phong tục của người Dothái ăn tiệc phải có nhiều rượu, phải để dư
là khác, đàng này giữa bữa mà hết rượu thì cả là một sự nhục nhã cho gia chủ.
Cảm thông với sự lo lắng bối rối của họ, Mẹ Maria đã xin Chúa Giêsu can thiệp
và lời cầu xin của Ngài đã được chấp nhận trước sự vui mừng của mọi người (Ga
2, 1 – 11)
4. Lời khuyên của Thánh Phaolô:
Thánh Tông đồ Phaolô đã đưa ra một học thuyết mới mẻ về thân thể Đức
Kitô: Giáo hội là thân thể, Chúa Kitô là đầu và chúng ta là các chi thể của
thân thể ấy, tức là chi thể của nhau. Các chi thể liên lạc mật thiết với thân,
với đầu và với nhau, nên anh em có một giây liên lạc với nhau một cách đặc
biệt. Vì thế, Thánh Tông đồ đã khuyên chúng ta hãy biết thông cảm với nhau khi
ngài nói: hãy vui cùng kẻ vui, khóc cùng kẻ khóc (Rm 12,14).
II. QUAN NIỆM CỦA
NGƯỜI ĐỜI
1. Quan niệm chung của nhân gian:
Mọi người đều nhận thấy rằng mình không thể sống đơn độc được cả về
phương diện vật chất đến tinh thần. Không ai có thể sống tự lập được mà phải
nhờ vả nhau. Xã hội cần thiết cho con người để trao đổi cho nhau những nhu cầu
vật chất, những tình cảm vui buồn… Nhờ đó, đời sống con người mới quân bình
được. Quan niệm này được diễn tả ra qua những câu ca dao, tục ngữ:
* Một con ngựa đau
cả tàu chê cỏ.
* Lá lành đùm lá
rách.
* Chị ngã em nâng.
* Máu chảy ruột
mềm.
* Không ai khen
đám cưới, ai nỡ cười đám ma.
2. Sự thông cảm cần thiết:
Sống ở đời, con người cần có sự thông cảm để nâng đỡ nhau về mọi phương diện.
Sự thông cảm cần cho con ngừơi về cả phương diện vật chất lẫn tinh thần, vì con
người là một tinh thần nhập thể, có xác, có hồn cần được thỏa mãn nhu cầu vật
chất cũng như tinh thần.
a.
Về phương diện vật chất:
Không ai được phép sống cho mình mà bỏ quên người khác. Tất cả của cải
vật chất trên thế giới này được dành cho mọi người, không ai được chiếm độc
quyền. Nhưng trong thực tế của cải trên thế giới không được chia đồng đều mà đã
rơi vào một số người để họ tòan quyền thao tùng, trong khi đó tới 2/3 người
trên thế giới đang bị nạn đói hoành hành. Thực sự mọi người cần nhờ vả nhau,
giúp đỡ nhau về phương diện vật chất. Khốn cho ai sống mà lấy mình làm đủ.
Những người ấy cần phải qua cơn ác mộng của nhà thi sĩ xã hội Sully –
Prud’homme mới được. Trong một bài nhan đề là “một giấc mộng” thi sĩ viết:
Nhà nông đến bảo tôi trong giấc mộng:
- Ta
không nuôi mày nữa, mày phải cào đất đi để cấy cày mà lấy cơm. - Người thợ nề
bảo tôi, mày hãy xây nhà đi mà ở – Người thợ may dạy tôi: May áo đi mà mặc. Tất
cả mọi người đều ruồng bỏ tôi, tôi đi lang thang mắt nhìn lên trời để van nài
thựơng đế, thì thú dữ lại ra chặn đường. Tôi hỏang hốt, tôi ngã lòng, tôi muốn
chết. Tôi mở mắt, ánh nắng soi tỏ giang sơn. Sung sướng nhìn thấy trên tường
thợ hồ đang còn xây gạch, ngoài đồng văng vẳng tiếng tắc ri của nông phu, và
tôi tin rằng ở đời ta phải nhờ vả lẫn nhau .
Đỗ Bá Ái,Đờiđángsống,trang24)
Nước Inđônêsia có tới 13 ngàn hòn đảo lớn nhỏ, còn nước Phi Luật Tân
cũng có tới 7100 hòn đảo. Không lẽ mỗi người chúng ta chỉ là một hòn đảo đứng
trơ trơ bất động giữa biển cả sao? Không thể được, con người đâu có phải là vật
chất vô hồn, trơ trơ bất động mãi ? con người còn có nhu cầu tình cảm nữa chứ.
b.
Về phương diện tinh thần:
Con
người ngoài nhu cầu vật chất còn có nhu cầu tinh thần cần được chia sẻ nữa. Nói
đúng ra đó là nhu cầu của tình yêu: yêu và được yêu. Các nhà triết học định
nghĩa người là con vật có lý trí (homo est animal rationale). Và cũng có nhà xã
hội lại định nghĩa “người là con vật có xã hội tính” (Homo est animal sociale),
ta thấy ngay nhu cầu trao đổi: trao đổi vật chất và tình cảm. Người ta muốn
chia sẻ cho nhau những tâm tình vui buồn để cho người khác cùng cảm thông với
mình, không lẽ cứ:
Ngồi buồn mà trách ông xanh,
Khi vui muốn khóc buồn tênh lại cười.
(Nguyễn công Trứ)
Con người nhờ sống bên nhau mà tâm hồn lại
thăng tiến, đời sống được bảo đảm. Không có sự liên lạc với nhau, con người dễ
trở thành dã thú. Câu chuyện dưới đây sẽ làm chứng điều đó :
Truyện : người thành vật.
Một
em nhỏ 18 tháng, mẹ đem đi làm để ở ven rừng, báo tha đi mất. Ba năm sau một
nhà săn bắn người Anh bắn chết con báo mẹ bắt được bầy con đem về, trong số có
thằng nhỏ. Thằng nhỏ hóa ra như con vật: đi bốn chân, mắt rất kém, nhưng đánh
hơi rất nhạy. Nó tuy nhỏ chạy bằng bốn chân nhưng người lớn khó mà đuổi kịp.
Một vụ khác: một mục sư Thệ phản, năm 1942 bắt được hai cô gái ở
Midnapore xứ Ấn Độ. Cô lớn lên 6 tuổi, cô bé lên 2 tuổi. Mục sư đem về nuôi
trong cô nhi viện. Hai cô nhỏ này được chó sói nuôi nên hòan tòan giống chó
sói: đi bốn chân, đi mau và cũng nhảy. Thấy hai ông bà mục sư tới thì lủi thủi
trốn và nhe răng, chỉ thích ăn thịt và ham những mồi săn, thích cắm mặt nhìn
vào trong đất … không dùng tay cầm, uống thì liếm như mèo, ban đêm thì cứ giờ
nhất định tìm cách thoát ra và hú lên như chó sói. Sau 1 năm cô em chết, và cô
chị (Kamala) có nhỏ ra giọt nước mắt, và lâu ngày tìm kiếm có vẻ áy náy. Kamala
còn sống thêm 8 năm rồi chết. Nhờ tập tành nó cũng có tiến bộ đôi chút và thích
nghi phần nào.
(Văn
Quy, Đi về đâu, 1968, trang 18)
Điều đó chứng tỏ muốn cho đời sống tiến bộ,
cần phải có những tương quan liên lạc với những người khác.
3. Những sự kiện thực
tế chứng minh:
Sự thông cảm đã có trong đời sống hằng ngày, không những trong đời sống
con người mà cả động vật và thảo mộc nữa. Đây là một khám phá mới mẻ trong đời
sống thực vật.
a.
Nơi loài người:
Ta thường nghe thấy những tin người này,
người nọ tự tử. Ta sao họ tự tử?Buồn vìlý do, nhưng lý do chính là vì người ta
chưa được thông cảm với mình. Biết bao người đau khổ, buồn chán muốn quyên
sinh, nhưng nhờ có người yên ủi mà đã bỏ ý định. Những cô gái già thì hay khó
tính vì thiếu sự chia sẻ tình cảm trong đời sống gia đình, cảnh dì ghẻ con
chồng … Ở Âu Mỹ người ta thí nghiệm cách nuôi trẻ bằng máy Dưỡng nhi thay
người. Mặc dầu được nuôi cách rất khoa học và vệ sinh, các em ấy ngày càng kém
ăn biếng ngủ, tiều tụy rầu buồn và xuống cân. Nhưng khi người ta thêm vào trong
phòng Dưỡng nhi một cái máy phát ra những âm thanh như tiếng đập của quả tim
người mẹ, các em liền được bình tĩnh, vui vẻ hơn, sung sướng hơn, ăn ngon, ngủ
ngon hơn.
(Vũ
Minh Nghiễm, Sống sống, 1971, trang 180 – 181).
Ai cũng muốn người khác chú ý đến mình, chia
sẻ với mình những tâm tình vui buồn, những người nào được người khác thông cảm
với thì cảm thấy sung sướng, như được một vật gì quý giá không nói lên được, và
dĩ nhiên sẽ có phần đền bồi cân xứng.
Truyện: Được gia tài
lớn.
Haus Bergen là một người Hà Lan ở làng Ide.
Anh có bộ mặt quá xấu xí, do đó người trong làng coi rẻ anh, không ai buồn giao
tiếp, chuyện vãn với anh. Anh đã phải sống đời cô độc cho tới khi anh chết.
Nhưng khi anh chết, người ta thấy trong di
chúc anh có một gia tài khá lớn, trị giá 40.000 mỹ kim, và trong chúc thư anh
đã tặng tất cả số tiền này cho một thiếu nữ nhỏ tổi tên là Anne Martin. Tại sao
Anne Martin không có họ hàng gì với anh mà lại được Bergen để lại cho gia tài
đó ? Trong di chúc Bergen đã nói rõ lý do. Bergen viết: “ Tất cả các ông bà
trong làng đã cau mày hay nhìn đi nơi khác khi gặp tôi ở ngoài đường. Nhưng một
ngày kia khi tôi gặp em bé Anne, thì em đã tặng tôi một nụ cười khả ái, nụ cười
duy nhất tôi nhận được trong đời tôi”
(Đỗ
Đình Tiệm, 1968, Muốn thành công, tr 36 -37)
b.
Nơi con vật:
Chắc đã có lần chúng ta thấy con chó thương
chủ như thế nào! Có những con chó rất khôn biết thông cảm với người, dường như
chúng có trí khôn vậy. Người ta kể có những con chó khôn đến nỗi khi ông chủ
chết thì nó buồn rầu đến nỗi không ăn gì và sau cùng đã chết. Đoàn voi cũng
biết bênh nhau ra phết. Người ta kể có một con voi đứng một mình vào giữa đường
ra xe hòa trong ban đêm, không may xe hỏa đè chết con voi ấy thế là cả đàn voi
trong rừng tức tốc chạy đuổi theo và thay nhau lấy vòi quật nát mấy toa xe hỏa
ra. Ngoài ra kinh nghiệm của mọi người cũng chứng tỏ rằng con vật cũng biết
thông cảm với nhau khi người ta nói: “ Một con ngựa đau, cả tàu chê cỏ”.
c. Nơi cây cối:
Xưa nay ai cũng bảo là cây cỏ vô hồn, nhưng
gần đây người ta đã thí nghiệm và đưa đến câu hỏi: “Phải chăng cây cỏ cũng có
linh hồn” vì chúng biết thông cảm với con người ?
Truyện : cây hoa lan.
Ông Backster trồng cây ÁiLan (Philodendron)
trong chậu nhỏ đặt trên bàn làm việc và gắn một chiếc máy mà ông gọi là Monitor
vào cành lan. Đó chỉ là một loại điện kế rất nhạy, có pin nội bộ để đo điện trở
qua cành lá cây lan.
Một hôm, đang lúc tưới các chậu kiểng trong
vườn, Backster có ý kiến dùng điện kế để đo sức lan truyền của nước vào thân
cây qua cành lá khi cây được tưới mát. Backster suy luận rằng: khi có nước vào
tức thì điện trở trong thân cây phải thay đổi. Và ông đã gắn điện kế vào mạch
từ gốc đến ngọn của một cây lan để dò xét. Kết quả thật là lạ lùng. Điện kế chỉ
một biểu đồ đặc biệt giống như dòng điện qua cân não con người khi bị kích
thích. Phản ứng của đệin kế khi gắn trên thân cây cũng không khác gì khi được
gắn trên con người vậy.
Tiếp tục cuộc thí nghiệm, Backster quyết định
đốt cháy ngọn lá: vừa móc túi lấy hộp quẹt, chưa quẹt ra lửa (nghĩa là ý định
sắp được thực thi) thì kim điện kế nhảy vọt lên một cách kinh khủng. Backster
cho rằng chỉ mới cái quyết định của ông cũng đã làm cho cây khiếp đảm rồi.
Nghĩa là không những cây cảm giác được với sự kiện bên ngoài mà còn biết được
những tư tưởng của chúng ta. Nói một cách khác, nếu bạn biết thương cây cỏ của
bạn thì chúng sẽ xinh tươi tốt đẹp hơn. Bởi vì, cảm tình của bạn rất cần thiết
cho sinh lực và sức khỏe của chúng.
Backster còn đi xa hơn nữa và nhận thấy rằng:
riêng đối với những cây mà ông đã đặc biệt chăm sóc hằng ngày chúng lại còn
phản ứng trung thành trước mọi tư tưởng thầm kín của gia chủ. Backster đã gắn
một loại điện ký hiệu vào cây Ái Lan để thu lại những tín hiệu trong lúc ông ta
đi vắng. Backster nhận thấy trong những lần ông ta đi ra và quyết định trở lại
văn phòng, thì ông ta thấy chiếc kim ở điện ký hiện ghi nhân một xung hiệu nhảy
vọt vào đúng lúc ông ta có quyết định. Và có một lần ông ta thoát khỏi một tai
nạn nguy hiểm thì khi trở về nhà, ông ta thấy đúng vào lúc thời điểm ấy, kim
điện ký hiệu đã nhảy vọt lung tung vì xúc động.
Một hôm, Backster làm một cuộc thí nghiệm
khác trước đông người để kiểm chứng sự việc ông đã trình bày về cây cối. Ông ta
mời 6 nhân chứng, bịt mắt và bốc mỗi người một lá thăm. Sau đó, họ vào trong
phòng riêng mở mắt ra đọc mệnh lệnh đã ghi trong tờ giấy thăm để thi hành cho
đúng. Một trong 6 người nhận được mệnh lệnh “ phải chặt cho chết cây Ái Lan”
nhưng không ai biết rõ được “kẻ tàn sát” ngoại trừ chính đương sự và cây Ái
Lan. Bây giờ, Backster mới gắn máy điện kế vào cây và mời từng người đến “thi
hành” mệnh lệnh họ đã nhận được. Kim điện kế nhảy vọt không ngần ngại khi thấy
bóng “kẻ tàn sát” tiến đến gần cây Ái Lan … (trích trong báo Khoa học huyền bí,
bài của Kim Hoàng Sơn, trang 64)
Qua những thí nghiệm của Backster ta thấy
nhận xét của Nguyễn Du rất đúng khi ông nói:
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu,
Người buồn cảnh có vui
đâu bao giờ.”
4. Hậu quả của sự thông cảm:
Một khi người ta đã biết thông cảm với nhau
tự nhiên sẽ đi đến những kết quả rất tốt đẹp như phá bỏ hết sự dửng dưng, làm
giảm bớt đau khổ, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của tha nhân. Và sau
cùng thực hiện được Luật Chúa.
*
Hết sự dửng dưng:
Chúng ta là con người sống trên mặt đất mỗi
người một phương, xa lạ nhau nhưng chính sự thông cảm sẽ nối kết chúng ta lại
với nhau, coi nhau như người thân thuộc, anh em một nhà. Chính cái bắt tay
trong Thánh lễ cũng nói lên sự thông cảm của con cái Chúa mà một người dự lễ đã
mô tả lại cảm tưởng ấy:
… và dưới nghinh đài theo lệnh xướng ngôn
viên, hơn 1 triệu người Giáo hữu cũng bắt chước làm theo: họ bắt tay nhau trong
niềm hân hoan không thể tả được.
Thưa cha, cũng là một cái bắt tay trong mọi
lần khác khi gặp người quen, nhưng sao con cảm thấy có một cái gì thành thật,
thông cảm, bằng an, nhẹ nhàng, khoan khoái. Thưa cha sau đó không thể tả nên
lời được.
Vâng, có cảnh tượng nào cảm động hơn, rộng
rãi hơn, ý nghĩa hơn khi một người Mỹ da trắng nắm chặt lầy tay một người Mỹ da
đen, đôi mắt như nhìn vào người ấy, như van lơn tha thứ vì những rẻ rúng khinh
miệt mà mình đã vô tình bộc lộ ra, trong những cuộc biểu tình kỳ thị chủng tộc…
( Đỗ Bá Ái, Đời đáng sống, in lần hai, trang 160)
*
Giảm bớt sự đau khổ:
Chúa không chủ ý dựng nên các đau khổ cho con người nhưng đấy là một
hình phạt bất đắc dĩ theo sự công bình của Chúa. Ngoài ra, không phải mọi tai
họa, mọi sự đau khổ đều do Chúa gửi đến, mà do chính con người độc ác đã tạo ra
cho nhau. Gần đây người ta phân tích nguyên do đau khổ của loài người thì được
biết:
- 85%
đau khổ là do người làm khổ người (nghĩa là tà thần xúi dục người làm khổ
người)
- 5%
là do thiên tai như mưa, gió, lụt lội…
- 10%
là do ngẫu nhiên.
Nếu người không yêu người, người thực hiện
tình người thì 85% đau khổ sẽ không còn, chỉ còn 15% do thiên tai và ngãu
nhiên. 15% đau khổ này, khi loài người yêu thương nhau, yên ủi giúp đỡ nhau,
thì đau khổ coi như không đáng kể nữa.
(Nguyễn văn Minh, Nguyệt san tinh thần, số
xuân 1975, tr 8)
*
Đời sống tinh thần và vật chất đã tốt đẹp:
Đây
là một hậu quả tất nhiên của sự thông cảm: nếu người ta thương yêu nhau, giúp
đỡ nhau, chia sẻ cho nhau những sự vui buồn thì làm gì còn hằn thù chia rẽ, ẩu
đả, làm gì còn chiến tranh. Nếu người ta biết chia sẻ của cải vật chất cho mọi
người, đừng để cho 2/3 người trên thế giới bị đói khát, đừng để cho 400 triệu
thanh thiếu niên nữa thiếu ăn, đừng để cho 800 triệu người chưa hề thấy mặt
thầy thuốc… thì đời sống sẽ trở nên tốt đẹp ngay:
Xinh thay là cảnh anh em
Cùng nhau chung sống
dịu êm một nhà.
(Tv 133,2)
*
Thực thi được luật Chúa:
Chúa dạy
chúng ta phải thương yêu nhau, như chính Chúa đã yêu thương chúng ta. Tình yêu
đòi đi ra khỏi mình và chia sẻ cho người khác. Nếu đã yêu nhau, tất nhiên phỉa
có những liên hệ với nhau. Sự thông cảm này được dựa trên một nền tảng thần học
vững chắc đó là “ Nhiệm Thể Chúa Kitô”. Thánh Phaolô không dùng chữ “nhiệm thể”
mà chỉ dùng chữ “thân thể”dựa trên Giáo lý về thân thể Chúa Kitô ngày nay Công
đồng Vatican II đã khai thác ý niệm này trong hiến chế Lumen gentium nhưng dùng
từ ngữ “ Nhiệm Thể Chúa Kitô”, ý niệm này cũng đã được Đức Giáo Hòang Piô XII
đế cập đến trong thông điệp Mystici Corporis.
III. CHÚNG TA SỐNG
THÔNG CẢM
Theo những điều chúng ta đã bàn ở trên, mỗi
người chúng ta không thể là một hòn đảo lẻ loi, cô độc nhưng là một chi thể của
một thân thể và có liên hệ mật thiết với nhau. Không ai có thể sống lãnh đạm
với người khác được, lãnh đạm là một thái độ bì ổi trong đời sống con người.
Trước thái độ ấy, một mục sư người Anh
Studdert Kennedy, có viết một bài thơ nhan đề là “ Lãnh đạm” như sau:
Khi Chúa Giêsu phải treo dựng trên thập giá ở
đỉnh Gôlgôtha,
Người ta đóng đinh chân tay Ngài,
Người ta đày Ngài trên con đường khổ giá,
Người ta lấy mũ gai cuốn vào đâu Ngài,
Từ đỉnh đầu cho đến bàn chân, bao nhiêu vết
thương rớm máu,
Vì thời đó thế gian độc ác và rắn rỏi,
Và người ta coi rẻ cái xác của con người.
…
Nhưng khi Giêsu đến thành Birmingham tráng
lệ,
Dân thành sáp mặt Ngài mà chẳng ai buồn để ý,
Họ không nỡ đụng đến sợi tóc trên đầu Ngài,
Họ chỉ muốn cho Ngài chết mòn mỏi,
Thật ra họ không bao giờ muốn Ngài đau khổ,
Vì bây giờ đa cảm hơn.
Nhưng họ để Ngài thơ thẩn một mình ngoài
đường cái, dưới cơn mưa lạnh,
Và Chúa Giêsu vẫn thầm thì cùang Cha Ngài:
“ Lạy Cha, xin Cha tha cho họ vì lầm chẳng
biết”
Và trời vẫn mưa tầm tã, cơn mưa lạnh buốt của
mùa động ảm đạm,
Dân đâm xéo Ngài từ đầu đến chân,
Ngoài đường cái kẻ qua người lại,
Rồi ai về nhà nấy.
Mà không một ai buồn đưa mặt nhìn Chúa Giêsu
ngồi bệt giữa đất tựa lưng vào tường lạnh
Đang xin người ta dựng cho Ngài một núi Canvê
mới.
(Đỗ Bá Ái, Đời đáng sống, tin lần 2, trang 111 –
112)
Bài thơ trên đã nói lên thái độ hờ hững của
chúng ta đối với tha nhân. Thực sự không phải chúng ta hờ hững đối với tha
nhân, nhưng là hờ hững với Chúa Giêsu vì chúng ta là chi thể của Ngài. Nếu chúng
ta làm gì cho chi thể thì cùng là làm cho đầu, đầu đây là Chúa Giêsu. Thật trớ
trêu!
Trong phần thực hành sự thông cảm, chúng ta
sẽ chú trọng tới hai phương diện tích cực và tiệu cực. Nghĩa là những thái độ
phải tránh, và những việc phải làm để thực thi sự thông cảm với tha nhân.
1. Thái độ tiêu
cực:
Tính vị kỷ, tính lãnh đạm, ngưới nội hướng và
tính ghen tương là những trở lực ngăn cản ta thi hành sự thông cảm. Giai đọan
đầu cần phải tập sửa các nết xấu đó trước và cố gắng làm dần những việc tốt
trong đời sống hằng ngày để chia sẻ với tha nhân.
a. Người ích kỷ:
Lúc nào cũng chỉ nghĩ đến họ, lo cho họ và
không muốn kẻ khác làm phiền mình. Họ chủ chương “sống chết mặc bay” nghĩa là
đừng động đến tôi. Cái tôi của họ lúc nào cũng được nhắc tới và đưa lên hàng
đầu. Trong những câu chuyện hằng ngày họ nói rất vô duyên vì lúc nào cũng chỉ
nghĩ đến mình, đến cái tôi đáng ghét của Pascal. Câu chuyện sau đây chứng tỏ
:
Truyện
: thông cảm trái mùa
Hai người đàn bà ngồi trong xe hỏa nói
chuyện. Bà mặc áo đen kể lể với người bạn về những sự khổ cực trong gia đình
mình: nào là làm ăn thua thiệt, con cái bướng bỉnh … nhất là mình mới mất người
chồng thân yêu, làm cho đời trở nên buồn tẻ, cô đơn …
Bà mặc áo vàng ngồi bên tỏ vẻ thông cảm với
người đàn bà đau khổ kia đã nói: tôi cũng rất buồn vì tôi mới mất một con chó
Vện, con chó này khôn lắm, nó biết canh nhà cẩn thận, tôi đi đâu xa nó cũng tìm
đến được, thật là một con chó đánh hơi rất tài tình. Nay nó chết, tôi buồn quá
… Như vậy hai chị em mình cùng chia sẻ nỗi buồn với nhau !!!
b. Người lãnh
đạm:
Tính
lãnh đạm cũng bắt nguồn từ tính ích kỷ, người lãnh đạm là người không quan tâm
đến kẻ khác. Họ chủ trương rằng tôi không làm thiệt hại ai là đủ còn vấn đề
chia sẻ với nhau đâu có cần thiết. Họ nói cũng đúng một phần nào vì họ đã thực
hành sự công bình, nhưng còn thiếu đức bác ái. Có rất nhiều hoàn cảnh nói lên
tính lãnh đạm đó: trong một dãy phố, hai nhà đối diện nhau mà coi nhau như hai
đại dương, không biết gì đến nhau. Hai nhà sát vách nhau mà cũng chẳng thăm
nhau bao giờ. Ngày Tết, họ chỉ viết thiệp Tết bỏ vào thùng thư bưu điện chứ
không hề tới thăm. Hai người ngồi sát nhau mà lòng trí để ở đâu, mỗi người gửi
lòng đi một phương trời, hai người như hai hòn đỏa lẻ loi cô độc.
Truyện: tính
lãnh đạm
Bên
Tây Phương, các nhà trắc nghiệm tâm lý đã làm những cuộc thí nghiệm xem tình
liên đới, sự thông cảm giữa con người đến mức độ nào: người ta trói một người
vào cột đèn trong lúc mọi người đang vội vàng đi làm việc buổi sáng. Máy quay
phim đã được bố trí sẵn sàng để ghi lại thái độ của những người đi qua … Nhưng
kết quả cho thấy, người ta cứ thản nhiên đi qua, không ai đứng lại hỏi người bị
trói được một câu, vì ai nấy đang vội đến sở làm việc.
Hoặc một câu chuyện khác: ngày 10/9/1962 tại
Mouza, nước Ý, trong cuộc đua xe hơi, một chiếc xe hơi lật nhào vào đám khán
giả. Kết quả: 14 người bị tử thương… mấy người trong ban trật tự chạy lại
khiêng xác nạn nhân ra: đang khi đó đòan xe cứ vùn vụt chạy vòng quanh như sao
băng được một vòng lại kéo lên một lá cờ làm hiệu … Thế là hơn 100000 ngàn khán
giả thản nhiên trước 14 nạn nhân đang giãy giụa trong vũng máu … Cũng là những
khán giả đó sung sướng đến ngây ngất trước cái nét mặt của một cô đào giả bộ
chết ngất.
c. Tính ghen tương:
Tính ghen tương đã xuất hiện cùng với con
người, đó là bệnh chung của mọi người, khó ai có thể tránh khỏi: trong lớp
chẳng ai mong cho bạn mình giỏi, vì nếu không mình sẽ bị đội sổ mất. Hai cô ca sĩ
không khen nhau bao giờ. Người ta ít ca tụng người khác mà phần lớn hay chê
bai, cũng như ít ai vui mừng vì thành công của người khác. Chúng ta sợ kẻ khác
tốt hơn chúng ta như Bàng Quyên sợ Tôn Tẫn giỏi hơn mình. Họ Bàng sợ họ Tôn
giỏi hơn mình đến nỗi đem lòng ghen ghét mà khép người bạn đồng môn của mình
vào tội chặt cả hai chân, đổ mực vào mặt để trừ hậu hoạ !
Có khi ghen tương đưa đến chỗ trả thù cho bõ
ghét vì những thành công của kẻ khác:
Truyện : hai sinh viên
Có hai sinh viên cùng lớp, một anh thông minh
đặc biệt được nhà trường khen thưởng, còn một anh khác thì trí khôn tầm thường.
Anh chàng này muốn hạ bệ anh sinh viên thông minh kia, nhưng không tìm được dịp
nào thuận tiện để làm nhục anh này một phen … Tình ghen ấy đã xui khiến anh
chàng này tìm các trả thù anh chàng sinh viên thông minh kia cho bõ ghét. Một
hôm, có cuộc hội thảo giữa các anh em sinh viên và giáo sư. Anh chàng này xin
làm xiếc góp vui. Anh ta mời anh sinh viên thông minh kia ra đng giữa để anh làm
trò xiếc. Mọi người trố mắt nhìn xem anh chàng này làm cái trò trống gì. Sau
khi lấy giấy, lấy vải trang hoàng cho anh sinh viên thông minh kia, anh ta dắt
đi một vòng xung quanh mọi người và tuyên bố: “Tôi đã biến anh chàng sinh viên
thông minh trở thành con chó …!
Nếu
đã có tính ghen tương thì không bao giờ người ta có thể thông cảm với người
khác, làm thế nào họ có thể chia sẻ niềmvui của kẻ khác, trong khi họ đang hậm
hực vì thành công của người ấy? Làm sao họ không vui trong khi người khác phải
buồn vì họ đã trả thù được cho người kia.
2. Thái độ tích cực:
Chúng ta hãy bắc một nhịp cầu thông cảm giữa
chúng ta và tha nhân, làm như thế tức là chúng ta đã bắc nhịp cầu với Thiên
Chúa. Hiện nay trên thế giới có một nhà kiến trúc trứ danh chuyên môn xây cầu,
đã được rất nhiều huân chương do các vị Tổng thống trao tặng. Ông đã xây những
chiếc cầu vữa mỹ thuật vừa kiên cố, lại không kém công phu và tài tình, có cái
cầu dài tới 8 cây số. Cả nửa cuộc đời ông chỉ chăm chú xây cầu trong khắp các
nước Âu Mỹ. Ông thật là một đại ân nhân của nhân loại. Ông đã phá tan vự thẳm,
sông bể, núi non ngăn cản nhân tâm, ông đã làm phát triển việc giao thông,
thương mại, đã giúp phương tiện thông cảm cho bao tâm hồn.
Nói đến đây, chúng ta sực nhớ có một Đấng
khác đã bắc một cái cầu dài nhất thế giới, một cái cầu vô địch nối từ đất lên
trời. Chính con người ấy đã mở con đường độc nhất giao dịhc giữa Thiên Chúa và
nhân loại, đó chính là Chúa Giêsu Kitô, Người Thiên Chúa, Ngôi Hai đã xuống cắm
lều giữa chúng nhân. Suốt cuộc đời Ngài là chuyên lo xây cất muôn nhịp cầu
thông cảm nơi các linh hồn nhân loại với Thiên Chúa và Ngài đã xây bằng Máu
Ngài: đó là nhịp cầu giao hảo thông cảm giữa nhân loại tội lỗi và Thiên Chúa
chí thánh mà Chúa Giêsu là trung gian, là chiếc cầu độc nhất cứu rỗi. Chúa đã
đến phá tan bóng tối của sự chết, Ngài đã vượt thắng bao cản trở, bao vự thẳm
đã làm ly gián giữa trời và đất. Sứ mệnh của Chúa là đến xây dựng, để cứu rỗi,
để giao hảo, đem hòa bình và hạnh phúc cho các tâm hồn.
(Báo Thanh Trúc, số 18 – 19, năm 1959, trang
1)
* Chúng ta hãy biết bắt chước Chúa Giêsu để biết chia
sẻ với tha nhân tất cả những gì chúng ta có, tất cả những gì chúng ta muốn
người khác làm cho chúng ta. Hãy để ý đến kẻ khác, hãy hòa hợp với họ trong
điệu bộ, nét mặt, giọng nói, giống như loài mực nang ở biển thay đổi màu da tùy
theo chỗ ở. Khi chúng nằm trên phiến đá xám thì màu da chúng cũng xám. Khi
chúng nằm trên phiến đá xanh thì màu da chúng cũng trở nên xanh. Sự thay đổ màu
da là một phương pháp thiên nhiên mà loài mực được hưởng thụ để tự vệ đối với
người và các thủy vật thù địch.
Chúng ta cũng thế, đừng dửng dưng trước những
đau khổ cũng như vui mừng của người khác. Nét mặt chúng ta cũng phải thay đổi
theo nhịp độ vui buồn của anh em, đừng trơ trơ bất động như phiến đá lạnh ngắt.
Tây Phương có câu ngạn ngữ rất hay: “ Tôi sẽ nhìn nghiêng nếu bạn tôi chột
mắt”. Tại sao lại phải nhìn nghiêng ? Vì bạn tôi chột mắt nên chỉ nhìn được có
một bên và cũng nhìn nghiêng. Câu này chỉ ý nói rằng: tôi phải biết cố gắng
thích nghi với hòan cảnh của bạn tôi, chia sẻ với họ những tình cảm vui buồn…
Ba chị em Matta, Maria và Lazarô là ba môn đệ
của Chúa. Cả ba mồ côi mẹ từ nhỏ. Lúc đó Matta độ 32 tuổi, Maria độ 30 tuổi.
Hình như ba chị em cũng có nàh tại Galilê, sau này dọn đến Bêtania. Nơi đây
Chúa Giêsu hay ghé thăm để nghỉ ngơi sau những giờ rao giảng mệt nhọc …
Tại sao Chúa Giêsu không thích lối phục vụ,
săn sóc, lo cơm nước cho Chúa như kiểu của Matta mà lại thích lối xử sự của Maria: “Maria đã chọn phần tốt nhất
không ai lấy đi được”.
Theo một nhà chú giải Thánh Kinh: hồi đó, chỉ
còn một tuần nữa, Chúa Giêsu phải lên Giêrusalem để chịu nạn, tâm hồn Ngài thấy
buồn sầu lo lắng. Ngài muốn có người ngồi chia bầu tâm sự, nghe Chúa nói để
thông cảm với Chúa … Theo tâm lý tự nhiên của con người, những lúc buồn sầu lo
lắng như thế, những cảnh tưng bừng nhộn nhịp bên ngoài không làm cho vui mà chỉ
làm tăng sự cô đơncho lòng mình. Vì thế, bữa cơm thịnh soạn mà Matta đang dọn
không làm cho Chúa vui, mà Chúa chỉ cần người ngồi bên để tâm sự. Nói rõ
hơn,Chúa Giêsu cần người biết thông cảm.
* Chúng ta cũng phải biết thông cảm với những yếu
đuối sa ngã của người khác. Chúa Giêsu không tìm để lên án người tội lỗi nhưng
chỉ tìm cách khuyến khích họ cải tà quy chính, để giúp họ trở nên tốt lành hơn.
Câu chuyện người đàn bà ngoại tình đã không chứng tỏ điều ấy sao ? trường hợp
ông Giakêu có như vậy không ?
Truyện: nhờ một câu
Thánh kinh
Tạp chí Sélection đã thuật lại ông chủ nhà
hàng có tiếng kia ở Mỹ chỉ trưng một câu
Thánh Kinh, mà đã làm cho mấy trăm nhân viên của ông sống trong đòan kết, thông
cảm với nhau.
Nhà hàng ấy có một nữ thư ký gặp trường hợp
“khôn ba năm, dại một giờ”. Bạn bè nàng khinh bỉ, xì xào và định xin ông chủ sa
thải cho khỏi bị tiếng lây. Ông chủ biết ý, nên trong một buổi làm việc, ông đã
qua phòng và nói với họ: “Ai trong các anh vô tội, hãy ném đá nó trước đi”. Rồi
ông đi về chỗ mình. Nàng nức nở khóc, các nhân viên im lặng. Và sau khi xong
việc, người ta thấy mỗi một người đều đến bắt tay cô, và từ đó không ai có ý
định xin sa thải cô nữa.
(Đỗ Bá Ái, Đời đáng sống, in lần 2, tr 161)
* Sau cùng, chúng ta hãy biết nói, biết cười với tha
nhân vì hai cái đó là đặc điểm Thượng đế dành riêng cho con người.
Hoàng Xuân Việt nói: “Nếu bạn và chúng tôi
muốn thiên hạ mau gớm mình như một con chó ghẻ, thì chúng ta cứ vụng xài ba tậc
lưỡi của mình. Gặp ai chúng ta cũng câm như hến. Đi ngoài đường sớn sác đạp đế
giày da trên chân một người nọ rớm máu, ta làm thinh, lủi thủi đi. Ai làm ơn
cho ta điều gì, ta cắn răng lại, lấy mắt ngó. Lúc ta bệnh đau, bè bạn, bà con
đến thăm ta, hỏi bệnh ta thế nào, ta lườm lườm họ mà không hở môi. Trong khi
cộng tác cùng kẻ khác, khi sống với người xung quanh, ta xử sự với thái độ sầu
thảm. Khi cần thiết cũng không chịu nói nửa lời. Lúc kẻ khác cần biết ý kiến
của ta, cần sự biểu lộ lòng chân thật của ta, ta giả bộ ít nói rồi im luôn.
Trong những trường hợp kẻ dưới hay người lạ cậy nhờ lòng tốt của ta giúp đỡ, ta
không buồn nói hay thốt ra vài lời cụt ngủn …”
(Hoàng Xuân Việt, Rèn nhân cách, 1971, tr305
– 306)
Chúa đã ban cho chúng ta có khả năng nói cười
thì hãy cố gắng dùng nó để trao đổi tâm tình với tha nhân. Không dùng những khả
năng ấy là làm phí của Chúa đi ! Thà rằng dành cho con nhòng, con vẹt, con sáo
còn hơn … Ai không biết cười nói với tha nhân thì giống như một pho tượng được
mô tả ở trong Thánh Kinh:
Có miệng đó mà không biết nói
Có mắt đó mà không biết trông
Có tai đó mà không biết nghe
Có mũi đó mà không biết ngửi
Có tay đó mà không biết sờ
Có chân đó mà không biết di chuyển. (Tv 115)
Cần phải trao đổi với tha nhân bằng lời nói
vì đó là phương tiện diễn tả tâm tình và ý muốn một cách thích hợp nhất. Theo
ước lượng, thì một ngày người đàn ông nói chừng 25000 chữ, còn đàn bà thì nói
nhiều hơn khoảng 300000 chữ. Tuy nhiên, không thể ấn định số lời cần nói vì tùy
theo nhu cầu của từng người, từng trường hợp:
Lời nói không
mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng
nhau.
(ca dao)
KẾT LUẬN
Chúng ta là con cái Chúa, là anh em với nhau.
Chúa đã tỏ ra thông cảm rất nhiều với con người chúng ta. Chúng ta được ví như
con ngươi trong mắt Chúa, được Người giữ gìn cẩn thận. Chúa đã dạy chúng ta bài
học về sự chia sẻ, sự thông cảm với nhau. Chúa đã thực hành trước khi dạy chúng
ta: Ngài đã biết chia vui trong tiệc cưới Canna, Ngài cũng biết chia buồn với
cái chết của Lazarô, của con trai góa phụ thành Naim…
Truyện: anh em thương nhau
Người ta nói rằng chỗ xây cất nhà thờ trong
thành phố Giêrusalem ngày nay, xưa kia chỉ là thửa ruộng của hai anh em nhà
kia, do cha mẹ để lại và cùng cấy lúa chung nhau.
Đến mùa gặt, hai người đánh lúa lại thành
từng bó, chia đều nhau rồi để giữa ruộng chưa kịp gánh về.
Nửa đêm hôm đó, người em nghĩ bụng: “Anh ta
đã có gia đình, phải lo nuôi vợ và các cháu nhỏ. Còn ta, ta chưa có ai, nếu
chia phần lúa đếu nhua thật là vô lý. Thôi, ta phải trở dậy ra đồng, san thêm
cho anh ta ít bó, anh không nhìn thấy nên không biết đâu mà từ chối”. Nói rồi,
anh liền chạy vội ra đồng thi hành đúng như đã định.
Cũng trong đêm đó, người anh cả thức dậy và
bàn với vợ rằng: “Này mợ nghĩ coi, chú hai còn trẻ dại chưa có gia đình: không
có ai giúp chú ấy làm công việc hoặc yên ủi chú những khi mệt nhọc, nếu chia phần
lúa đều nhau thì chẳng hóa ra bất công lắm sao ? Hay là chúng mình ra đồng lén
bỏ thêm cho chú ấy ít bó lúa nữa. Ngày mai chú ấy đâu có biết mà nỡ từ chối”.
Nói rồi, hai vợ chồng thi hành đung như
lời đã bàn.
Sáng mai, hai anh em ra ngoài đồng và mỗi
người đều lấy làm ngạc nhiên vì thấy hai phần lúa vẫn đều nhau. Đêm sau họ lại
thi hành lại ý định đêm trước, và cả những đêm sau nữa cũng làm như vậy. Mà lạ
thay, hai đống lúa vẫn cứ đều nhau. Một đêm cả hai cùng ngồi chờ rình xem cớ sự
ra sao. Hai anh em liền bắt gặp nhau lúc mỗi người tình đem lúa của mình sang
cho đống lúa của người kia. Lúc này hai người mới hiểu lòng thương của nhau và
cùng cảm động ôm chầm lấy nhau mà khóc (Louis Veuillot)
Ngọt ngào tốt đẹp
lắm thay,
Anh em được sống vui
vầy bên nhau.
(Tv 133,2)
LM Giuse Đinh lập
Liễm
Chủng viện Simon Hoà
Đà lạt , 1978