BỒI  DƯỠNG

____________________________________________________

Hỡi người gồng gánh lao lung,

Đến đây Ta sẽ bổ sung sức người” (Mt 11,28)

 

          Trên thế giới có gần 15 triệu  người mắc bệnh lao và sẵn sàng để lây bệnh 50 triệu trẻ con và người lớn khác.  Hơn hai phần ba những người lao thuộc các quốc gia kém mở mang. Mỗi năm lại có thêm từ 2 đến 3 triệu người mới mắc bệnh lao, và mỗi năm một hoặc hai triệu người lao từ trần.  Những khám phá mới cùng với những phương cách trị liệu mới cho phép chúng ta hy vọng rằng trong tương lai, ngay tại các quốc gia kém mở mang, bệnh lao có thể bị đẩy lui (Báo Thời nay, số   ,tr 79).

 

          Tại sao trên thế giới lại có nhiều người mắc bệnh lao như vậy ? Chúng ta có thể trả lời ngay rằng : những người mắc bệnh đó phần nhiều do làm việc nhiều quá mà thiếu ngủ nghỉ, thiếu chất dinh dưỡng và bổ dưỡng.  Trung bình mỗi người lớn một ngày phải được cung cấp 2.600 calories,  nhưng trong thực tế trừ một số nước tiên tiến như Hoa kỳ, Thụy sĩ... mỗi ngày được tới 3.130 calories, còn đa số dân chúng ở các nước kém mở mang không được cung cấp tới mức trung bình ấy.  Một số nước mỗi người chỉ được cung cấp 1.700 calories một ngày, và tệ hơn nữa, dân Phi châu chỉ được 1.200 calories một ngày.

 

          Muốn diệt trừ bệnh lao, ngoài việc chích ngừa lao BCG,  người ta còn phải được ngủ nghỉ cho hợp lý, ăn uống đầy đủ và còn phải bồi dưỡng nữa.

 

          Trong đời sống thiêng liêng cũng có những người mắc phải bệnh lao, vì linh hồn họ quá mỏi mệt trong cuộc chiến với ba thù mà không có thì giờ để cho linh hồn tĩnh dưỡng và bồi bổ. Chính vì thế, Chúa đã dặn bảo các tông đồ sau khi làm việc mệt nhọc :”Anh em hãy hãy tìm nơi thanh vắng để nghỉ ngơi một chút “(Mc 6,31).  Hơn nữa, Chúa Giêsu còn kêu gọi mọi người đang phải miệt mài trong cuộc chiến  trên đường đời hãy đến với Ngài để được bồi dưỡng :”Hỡi những người gồng gánh nặng nhọc, hãy đến đây, Ta sẽ bổ sức cho” (Mt 11,28).

 

I. CHÚA MỜI GỌI CHÚNG TA.

 

          Trong khi đi giảng dạy cho dân chúng, Chúa Giêsu làm việc mệt nhọc bất kể ngày đêm. Các tông đồ đi theo Chúa cũng phải chung một hoàn cảnh. Tại sao ?  Hồi đầu Chúa Giêsu vừa giảng cho dân chúng, vừa huấn luyện các tông đồ, nhưng sau khi đã tạm dùng được, Chúa Giêsu sai các ông đi từng hai người một vào các làng mạc lân cận để truyền giáo. Sau thời gian làm việc, các tông đồ trở về báo cáo với Chúa Giêsu về những kết quả công việc mình làm. Thánh Marcô kể lại :”Các tông đồ hội họp cùng Chúa Giêsu, tường thuật cho Ngài mọi việc đã làm và đã giảng dạy. Ngài phán bảo môn đệ :”Anh em hãy đi biệt ra nơi nào thanh vắng mà nghỉ ngơi một chút.Vì đông người đi lại, nên Thầy trò không có thì giờ ăn nghỉ. Vậy, Thầy trò xuống thuyền đi biệt đến nơi vắng vẻ” (Mc 6,30-32).

 

          Chúa Giêsu thương dân chúng đang bơ vơ như chiên không có người chăn, đói khát của ăn thiêng liêng nên không quản ngại khó nhọc dạy dỗ, đem đến cho họ chân lý ngàn đời, ơn cứu rỗi nhưng không  và chữa lành tật nguyền phần xác cho họ.  Tuy vất vả như thế,  Chúa Giêsu cũng phải tìm lấy những giây phút thanh vắng (Mt 11,23 ; Mc 6,47; Lc 4,42 ; Ga 6,15). Việc nghỉ ngơi phần xác cần thiết để lấy sức, thì việc nghỉ ngơi cũng cần cho linh hồn. Cái công lệ này cần cho mọi người trong mọi lãnh vực, các tông đồ không được ở ngoài cái công lệ đó.

 

          Chỗ khác, Chúa Giêsu còn nói mạnh hơn : không những làm việc mệt nhọc phải nghỉ ngơi dưỡng sức để bồi tâm dưỡng tính, nhưng Chúa còn làm hơn nữa , đó là : “Hỡi những kẻ mỏi mệt gánh nặng, hãy đến, Ta sẽ bổ sức cho” (Mt  11,28).

 

          Lời mời gọi này không chỉ nhằm cách riêng các tông đồ, nhưng nhằm tới mọi người. Cái từ ngữ “Si quis” trong tiếng La tinh là một đại từ bất định, không nhằm vào một người nào mà nhằm vào bất cứ ai. Vậy những ai đã mệt mỏi vì những công việc phần xác và phần hồn, những ai phải mang gánh nặng tội lỗi, hối hận, kinh khiếp, sợ chết, lo lắng, tham vọng, nghèo khổ, buồn bực, bị áp chế... trên đường đời, tất cả hãy đến với Chúa, Ngài sẽ an ủi, đỡ đần và tăng sức cho.

 

          Lời mời gọi này nhằm cách riêng đến đời sống linh hồn.  Những ai đang phải chiến đấu với ba thù : ma qủi, thế gian, xác thịt , những ai thấy mình mệt mỏi, chán nản trong cuộc chiến nội tâm cần phải đến với Chúa để được Ngài yên ủi, vỗ về và ban ơn thêm sức để tiếp tục cuộc chiến gây cấn và trường kỳ của linh hồn mình. Có lẽ Chúa không muốn chữa bệnh tập thể trong cảnh ồn ào náo nhiệt của chốn đô hội, nhưng Ngài muốn đem từng người ra chốn vắng vẻ để trực tiếp trông nom từng người ; và ở đây, chỉ còn có Chúa và ta, không một tạo vật nào có thể làm ồn ào được.  Nói đúng ra,  ta hãy đi vào sa mạc của lòng mình để lắng nghe tiếng Chúa phán bảo chúng ta  như đã phán với Samuel trong đêm thanh vắng.

 

          Tác giả Hugo de San Victore nói :”Chúng ta hãy khảo cứu Thánh Kinh, ắt chúng ta sẽ nhận thấy ít khi hoặc không bao giờ Thiên Chúa phán với đám đông người ; trái lại, hễ lần nào Chúa muốn mạc khải điều gì, thì Chúa không tỏ mình ra với đám quần chúng, một với từng người riêng biệt, hoặc với một số rất ít người tụ họp với nhau miễn là các người ấy ở xa đám xôn xao náo động thế gian, trong giữa lúc yên lặng tăm tối, hoặc trong cảnh cô đơn tịch mịch trong tu phòng, trong chốn rừng thanh núi thẳm.  Chúa đã phán như vậy với các tổ phụ Noe, Abraham, Isaac, Giacop, Moisen, Samuel, Đavít và với tất cả các đấng tiên tri.  Sự Chúa luôn luôn phán bảo riêng biệt như vậy có nghĩa chi ?  Nếu không phải để kêu gọi chúng ta tĩnh tâm, cô độc ?  Và sự Chúa phán với số ít người như vậy có nghĩa chi nếu không phải để liên kết họ nơi tĩnh tâm tu viện.

 

          Vậy chúng ta hãy đi vào sa mạc của lòng mình để nghe tiếng Chúa, để truyện vãn với Ngài và xin Ngài sửa chữa những khuyết điểm, bồi bổ cho linh hồn chúng ta bằng ơn thánh, bằng lời của Ngài, để chúng ta có đủ sức và lòng hăng hái tiếp tục con đường tận hiến  mà chúng ta đang theo đuổi.

 

II. LÀM VIỆC VÀ SỰ MẤT  SỨC.

 

          1. Nhu cầu làm việc.

 

          Làm việc là điều kiện cần thiết cho con người, cho từng cá nhân và cả xã hội.  Đây không phải là một lý luận viển vông nhưng thực sự đã có nền tảng trong Thánh Kinh và trong kinh nghiệm thường ngày trong đời sống con người từ cổ chí kim. Đây là một thực tại hiển nhiên không ai có thể chối cãi được.

 

          a) Theo Thánh Kinh.

 

          Đọc sách Sáng thế, chúng ta thấy còn ghi lại chi tiết : sau khi nguyên tổ phạm tội không vâng lời Chúa mà ăn quả cấm, Chúa đã ra hình phạt cho nguyên tổ và phán riêng với Adong rằng:”Đất sẽ trổ sinh gai góc vì ngươi, phải ăn rau đồng, phải đổ mồ hôi trán mới có cơm ăn cho đến khi ngươi phải trở về với bụi đất, vì ngươi từ đó mà ra : ngươi là bụi tro, và dĩ nhiên phải trở về tro bụi” (St 3,18-19).

 

          Trong Tân ước, chúng ta cũng thấy Chúa Giêsu nói lên sự làm việc, Cha Ngài và Ngài luôn làm việc :”Cha Ta làm việc mãi đến rầy, Ta cũng làm như vậy” (Ga 5,17).  Suốt cuộc đời trần thế, Chúa Giêsu đã để lại gương mẫu làm việc trong thời gian ẩn dật tại Nazareth và trong đời sống truyền giáo.  Và thánh tông đồ Phaolô cũng khuyên :”Ai không làm việc thì đừng ăn” (2 The 3,10). Chính thánh Phalô đã làm gương về sự làm việc trong khi ngài đi truyền giáo cho dân ngoại.

 

          b) Theo kinh nghiệm.

 

          Mọi người phải làm việc để sống. Không ai có thể chấp nhận cho một số người ăn không ngồi rồi, ăn bám vào thiên hạ như những cây tầm gửi. Chẳng thế, người ta đã có những câu ca dao tục ngữ nói về sự làm việc mà được truyền tụng nơi nhân gian sau :

 

                                      . Tay làm hàm nhai, tay quai hàm trễ.

                                      . Có cấy có trông, có trồng có ăn.

                                       . Ăn nể ngồi không, non đồng cũng lở.

                                      . Thế gian chuộng của chuộng công,

                                        Nào ai có chuộng người không bao giờ.

 

          Không ai chấp nhận cho người “ngồi mát ăn bát vàng”. Chính lao động đã thăng hóa con người, làm cho con người trở nên cao qúi.

 Ông Cervantes nói chí lý :”Người này không hơn gì người khác nếu anh ta không làm việc hơn người khác”.

Người thời nay chủ trương :Giá trị của con người không phải LÀ gì mà đã LÀM được gì. Như vậy giá trị không nằm ở chỗ “” mà ở chỗ “làm”.

          Một nhà hiền triết nói :”Sự làm việc là món ăn của những tâm hồn thanh cao”.

          Những tư tưởng trên đã được mọi người chấp nhận và nó cũng đã được diễn tả trong bài thơ ngụ ngôn “con ve và con kiến” của Lafontaine.

 

          Sự làm việc giúp con người có thể tránh được những nết xấu và tập được những đức tính tốt.     

          Tục ngữ Tây phương có câu :”L!oisiveté est la mère des vices” : sự ở nhưng là mẹ sinh ra các nết xấu.

          Người Đông phương cũng có câu tương tự :”Nhàn cư vi bất thiện”: ở nhưng không thể làm được việc tốt.

          Nhà văn hào J.J. Rousseau đã cực lực lên án những người không chịu làm việc :”Giầu hay nghèo, sang hay hèn, tất cả những ai ăn không ngồi rồi đều là kẻ ăn cắp”.

 

          Vì thế, trên thế giới này có biết bao nhiêu nghề nghiệp, từ trí óc cho đến chân tay, từ nghềà lớn đến nghề nhỏ, nhưng không có nghề nào đáng khinh cả .Tục ngữ Pháp : Il n!y a pas un sot métier). 

          Theo những thống kê chính thức của Mỹ, thì bên Mỹ hiện nay có tới 23.559 nghề khác nhau để kiếm cơm.  Có người chuyên làm nghề gỡ râu mép. Số là dưới những đường tầu điện ngầm bên MỹÕ, có dán nhiều tấm hình quảng cáo của các hãng buôn, và những hình quảng cáo này phần lớn là hình phụ nữ dđẹp. Do đó mà có những hành khách xe điện ngầm hay nghịch tinh  bằng cách lấy những bộ râu giả dán lên mặt những cô gái trên các hình quảng cáo. Người làm nghề gỡ râu có bổn phận phải đi gỡ các bộ râu ấy.

 

          2. Làm việc và mất sức.

 

          Chúng ta có thể phân biệt thành hai loại lao động : Lao động chân tay và lao động trí óc. Loại lao động nào cũng mất sức tùy theo từng phưong diện.

 

          a) Lao động tay chân.

 

          Ông Albert Ducoq nói :”Năng lực lao động trung bình của một người là một phần mười mã lực (máy nổ, máy điện hay máy hơi nước) năng xuất 1/10 mã lực và ta cho chạy 2000 giờ một năm, như thế là ta có một tên nô lệ máy trung thành hơn nô lệ bằng xương thịt”.

 

          Khi làm việc, con người phải tốn mất nhiều calories. Viện sinh lý học ở Dortmund (Phổ) vừa làm một bản thống kê như sau :

 

                   . Một người đi trong một phút mất 2,1 calories.

                   . Đ xeo đạp trong một phút mất 6,3 calories.

                   . Đào đất mất 7,5 calories.

                   . Leo thang gác mỗi phút tốn 15 calories.

 

          b) Lao động trí óc.

 

          Một người trung bình nặng 65 ký, có 5 lít máu, chứa 25 triệu hồng huyết cầu. Trung bình cứ một phút, trong một phân khối máu có 100.000 hồng huyết cầu bị tiêu hủy để nhường chỗ cho 100.000 hột khác thay thế.  Ông Nayrac quan sát thấy sự làm việc trí thức làm giảm số lượng hồng huyết cầu trong máu.  Quan sát : một học sinh 19 tuổi, thức dậy 5 giờ sáng, ngủ 9 giờ tối, học chăm, đã được quan sát 8 ngày liên tiếp.  Và đây là số hồng huyết cầu phân tách thấy :

 

          Ngày thứ nhất   :   sáng  :  6.019.000      chiều  :  5.186.000

          Ngày thứ hai     :   sáng  :  5.947.000      chiều :   4.926.000

          Ngày thứ ba      :   sáng  :  5.412.000      chiều :    4.622.000

 

          So sánh ngày thứ nhất ban sáng và chiều ngày thứ tám, số hồng huyết cầu bị tiêu hao  đi là 1.397.000. Đây là chưa kể lúc phải suy nghĩ nhiều, lo lắng hay mất ăn mất ngủ. Như thế, những người làm việc trí óc cũng bị hao hụt sức khỏe không kém gì những người làm việc tay chân.

 

          c) Nguyên nhân sự mệt nhọc.

          Có nhiều nguyên nhân khiến cho người làm việc chóng bị mệt, ở đây ta chỉ đưa ra vài ba trường hợp điển hình như làm việc lâu, thiếu ánh sáng, quá ồn ào.

 

          * Thời gian làm việc, nghỉ ngơi : Ở Mỹ và Anh trong chiến tranh thế giới thứ nhất, ở các xưởng chế tạo vũ khí, khi giảm số giờ lao động từ 12 xuống 10 giờ, tỷ lệ tai nạn lao động cũng giảm 20% và năng xuất lao động mỗi giờ cũng tăng. Cũng chỉ trong một thời gian như nhau, nhưng nếu nghỉ xen kẽ thì vừa có lợi cho sức khỏe, vừa bảo đảm tăng năng xuất lao động.  Thí dụ đạp xe đạp lực kế 20 kilogrammet/giây trong 5 phút rồi nghỉ 7 phút rưỡi thì sau 10 phút đã mệt nhoài và tổng số công sinh ra chỉ là 12.000 kilogrammét.  Nhưng nếu đạp xe 2 phút và nghỉ 3 phút,  thì chỉ mết sau 24 phút và tổng số công là 228.000 klogrammét.

 

          * Thiếu ánh sáng : Một xí nghiệp ở Mỹ (có 1000 thợ) đã tăng cường ánh sáng tốn hết 5000 đôla, nhưng trợ cấp tai nạn lại giảm đi 9000 đôla, vì số tai nạn mỗi năm giảm được 225  trường hợp. Trong 81.000 tai nạn khai báo ở công ty bảo hiểm Mỹ.

 

          * Nhiều tiếng ồn : Công ty liên hợp điện báo phương Tây thấy rằng khi giảm tiếng ồn, tỷ lệ sai sót giảm 42%. Ở những người phải chịu tiếng ồn khoảng 95-105 decibel, diện nhìn được mầu đỏ thu hẹp lại :  điều này gây tác hại về mặt an toàn đối với người lái xe, lái tầu. Tiếng ồn khoảng 100 đến 114 décibel làm kém tỉnh táo, giảm sức nhìn trong đêm, dễ gây tai nạn lao động.

                             (Báo Lao động, ngày 1/5/1977, tr 4)

 

          3. Trong đời sống thiêng liêng.

 

          Trong đời sống vật chất, công việc làm ăn gây tác hại cho thể xác và tinh thần. Đó là một công lệ, không ai có thể tránh được. Nhưng con người không bị bó tay, người ta cố tìm ra những nguyên nhân gây ra sự mệt nhọc để tìm phương cứu vãn.  Ngày nay các nhà khoa học đã tìm ra được những nguyên nhân và đang tổ chức lại  lề lối làm việc cho hợp lý, đem lại kết quả tối đa cho con người để con người có thể làm việc ít mà năng xuất cao.

 

          Trong đời sống tiêng liêng, chúng ta cũng phải chịu cái công lệ đó. Con người toàn diện gồm có xác và hồn : mỗi phần đó có liên hệ đến nhau, có mối tương quan đặc biệt mà triết học gọi là tương quan tâm sinh vật lý học. Không ai có thể phủ nhận ảnh hưởng của thân xác đối với linh hồn.  Tại sao chúng ta bị sa sút trong đời sống thiêng liêng ?  Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân đáng chú ý nhất là hoàn cảnh chung quanh chi phối con người chúng ta.

 

          Tư tưởng trên được chứng minh trong Thánh Kinh :

                                      Nơi con chôn giấu kho tàng,

                                   Trí lòng con hẳn tấc gang không lìa.

                                             (Mt 6,21)

          Người đời cũng không thiếu kinh nghiệm về vấn đề này khi người ta nói “Hoàng kim hắc thế tâm” : tiền của làm đen tối lòng người. Có người đã quên đi tất cả gia đình, danh giá và quên cả linh hồn để theo đuổi tiền bạc. Họ coi tiền là trên hết. Tiền là MAMMON mà Chúa Giêsu đã nói đến trong Thánh kinh (Mt 4,24 ; Lc 16,13).

 

          Chúng ta cần ý thức về tình trạng sa sút của linh hồn mình.  Tìm ra được nguyên nhân là một điều khó vì ai cũng muốn bênh vực mình, cho mình là tốt nên không tìm ra được khuyết điểm. Hơn nữa, có một điều mà không ai tránh được đó là “Bàng quan giả tỉnh, đương cục giả mê” : việc người thì sáng, việc mình thì quáng. Chính vì yếu điểm này, chúng ta mới cần có những giờ trầm lặng trong ngày, để chúng ta có thể sáng suốt nhận định về thực trạng của linh hồn ta, nhờ ơn Chúa soi sáng, nhờ sự hướng dẫn của những người khôn ngoan và nhờ phương pháp xét mình, để chúng ta tìm ra phương thế mà sửa chữa những khuyết điểm của linh hồn và tăng bổ nó bằng những nhân đức, những việc thiện.

 

III. HÃY TĨNH DƯỠNG VÀ BỒI BỔ.

 

          1. Số ngày và giờ làm việc.

 

          Con người làm việc có chừng mực sẽ làm việc bền bỉ và có thể tăng năng xuất. Sức con người có hạn, không thể làm việc như một cái máy, và chính máy móc cũng chỉ có hạn chứ không phải ta muốn xử dụng thế nào cũng được. Theo luật lao động quốc tế, mỗi tuần người ta làm việc sáu ngày và có thể chỉ làm 5 ngày, và mỗi ngày làm việc 8 tiếng trong những điều kiện bình thường. Đối với những công việc quá nặng nhọc, người ta có thể bớt số giờ đi. Nhờ những ngày nghỉ việc hay nhờ những giờ giải lao, con người lấy lại được sức để tiếp tục công việc được lâu hơn và nhiều hơn.

 

          Nhưng linh hồn chúng ta có ngày nào , giờ nào được nghỉ không ? Có lẽ linh hồn không được nghỉ ngơi phút nào. Linh hồn phải làm việc liên tục vì linh hồn có một sức chịu đựng dẻo dai ; hơn nữa, ba thù luôn luôn tấn công tư bề không phút nào ngơi, nên linh hồn không thể nghỉ ngơi được.  Chúng ta có thể nói được : cho linh hồn nghỉ ngơi một chút, đó là có ý nói :”Chúng ta hãy tạm gác những công việc phần xác một chút để linh hồn khỏi bị chi phối hầu có thể kết hợp, chuyện vãn với Chúa một cách thân mật hơn”. Linh hồn được nghỉ ngơi khỏi những bận rộn của thế tục nhưng linh hồn phải làm việc tích cực hơn lúc nào hết.  Nhưng cách làm việc này lại là một cách nghỉ ngơi giải trí vì linh hồn được nếm sự ngọt ngào bên Chúa.

 

          2. Cần phải tĩnh dưỡng.

 

          Lý do đưa người ta đến bệnh lao ở trên chúng ta đã bàn tới, đó là làm việc nhiều quá mà lại thiếu ngủ nghỉ, ăn uống và bồi dưỡng cho thân xác. Có những người ham làm việc quá đến nỗi căng thẳng dây thần  kinh và có người đã mắc bệnh thần kinh trước khi bị lao. Do đó, sau những giờ làm việc, người ta phải nghỉ ngơi cho thần kinh bớt căng và thân thể được thoải mái.

 

          Âm nhạc cũng giúp người ta tĩnh dưỡng. Tiếng đàn violon giúp cho dây thần kinh  bớt căng thẳng. Âm nhạc lại giúp cho bò cái thêm sữa. Ở Anh quốc,  vừa rồi một nghị sĩ đảng Bảo thủ có đề nghị đài phát thanh nên tổ chức những buổi âm nhạc đặc biệt dành riêng cho... bò cái.  Vì theo ông nghị thì bò sữa rất thích nhạc, và nếu chúng được nghe, chúng sẽ sản xuất nhiều sữa hơn. Đặc biệt là chúng chỉ thích nhạc êm dịu như bản Le beau Danube bleu chẳng hạn, còn loại nhạc như Jazz, Calypso... chúng rất ghét.

 

          Cũng thế, mầu sắc cũng có ảnh hưởng đến việc tĩnh dưỡng của ta. Muốn có cảm tưởng nghỉ ngơi thanh thản, ta không thể dùng mầu đỏ chói,  một mầu sắc làm cho bò tót hăng tiết vịt lên. Trái lại, cần những mầu sắc êm dịu, nhẹ nhàng như mầu xanh nhạt, vàng nhạt khiến người ta có cảm giác êm ái, mát dịu, thảnh thơi.

          Thân xác cần tĩnh dưỡng thế nào, linh hồn cũng cần được tĩnh dưỡng như vậy. Ta đã nói : linh hồn không nhọc mệt bao giờ, cũng như trí óc không bao giờ biết mệt.  Trí óc tự nó không mệt nhưng vì thân xác mệt nhọc mà ảnh hưởng đến nó thôi. Linh hồn ta thiêng liêng, làm thế nào có thể mệt được, nhưng vì linh hồn sống trong thân xác, bị thân xác chi phối, bị những hoàn cảnh chung quanh gây xáo trộn.

 

          Những công việc hằng ngày có ảnh hưởng nhiều đến linh hồn chúng ta . Sở dĩ có như vậy là vì linh hồn và thể xác chúng ta có liên quan mật thiết với nhau, cả hai cùng cộng tác hoạt động để làm nên một con người hoàn toàn. Tại sao linh hồn không sống một cách thiêng liêng để bay bổng lên với Chúa,  để kết hợp mật thiết với Ngài mà phải chịu số phận hẩm hiu như vậy ?  Thưa đó là số phận của con người dương thế.  Chỉ khi nào linh hồn lìa khỏi thân xác thì mới có thể sống như vậy được.

 

          Vì thế, đôi lúc chúng ta cũng phải để cho linh hồn được thoát khỏi những xáo trộn của công việc hằng ngày để linh hồn có thể kết hợp mật thiết với Chúa, truyện vãn với Ngài như cha với con, như bạn với bạn. Hãy để cho hồn lắng xuống mà nghỉ ngơi một chút, để nếm thử sự ngọt ngào nơi Chúa. Còn gì sung sướng hơn giây phút được ngồi bên Chúa để truyện vãn với Ngài như Thánh vịnh đã diễn tả :

 

Lạy Chúa, êm dịu thay khi được gần Chúa. Linh hồn con khát khao tìm Chúa. Chúa là ThiênChúa hằng sống. Lòng và xác con hân hoan khi nghĩ tới sẽ được về thăm viếng Chúa, như chim sẻ tìm được chỗ ẩn náu, và như đàn bồ câu tìm được ổ để ấp ủ đàn chim con, cũng thế, con ao ước được an nghỉ nơi Chúa. Kẻ sống trong nhà Chúa và không ngớt lời ca tụng Chúa thì hạnh phúc biết bao.

 

Lạy Chúa, xin nhận lời khẩn nguyện của con ; xin cho con cảm thấy sự có mặt và cái nhìn âu yếm của Chúa. Một ngày sống  gần Chúa còn hơn ngàn ngày sống ở nơi khác .

 

          3. Cần bồi bổ sức khoẻ.

 

          Các công chức, cán bộ và công nhân, ngoài những ngày nghỉ phép để tĩnh dưỡng, nhà nước còn cung cấp thêm lương thực để bồi dưỡng cơ thể. Các thức ăn đó không những có mục đích cung cấp đủ 2.600 calories cho mỗi người mà còn mong đạt tới mức 3.150 calories cho mỗi người như ở Thụy sĩ và Hoa kỳ.

 

          Thức ăn nào cũng cần cho sức khỏe để nuôi dưỡng và bồi bổ, nhưng lại có những thức ăn bổ riêng cho từng cơ thể. ví dụ : những thức ăn có mầu đỏ thì giúp ích nhiều cho mắt, tai, mũi, họng nghĩa là có chất dương ; cũng có những thức ăn mầu xanh, nhiều chất âm, lại bổ cho ruột gan... Các thức ăn làm sao phải cung cấp đủ những chất cần thiết cho cơ thể như nước, chất khô acít amin, chất béo... Chất béo rất quan trọng. Người ta nói :”Đẹp vàng son, ngon mật mỡ”, có chất béo mới có thể nấu nướng được nhiều món ăn ngon. Chất béo còn giúp cơ thể hấp thụ được các vitamin hoà tan trong dầu, giữ thức ăn ở lại dạ dầy lâu hơn, tạo ra cảm giác no lâu, vì thế rất cần  đối với lứa tuổi trẻ đang phát triển mạnh mẽ về thể lực, đang độ ăn, rất chóng đói.

 

          Trong chất béo cần có tỷ lệ nhất định về chất béo nguồn thực vật và cá trong đỗ tương, vừng, lạc, ngô, cá, có dầu, nhiều acít béo không no và acít linolêic. Khoa học dưỡng sinh đã nghiên cứu thấy rằng các chất dầu này có tác dụng rất lớn trong việc đảm bảo sức bền bỉ, dẻo dai trong lao động căng thẳng, nhất là trong hoạt động thể dục, thể thao như đua xe đạp, chạy maraton, đá bóng...

 

          Con người phải được ăn uống đầy đủ mới có đủ sức để làm việc, nhưng vì hoàn cảnh, con người không thể cung cấp cho mình đầy đủ những chất cần thiết cho toàn cơ thể hay cho riêng một cơ quan nào. Do đó, các nhà khoa học đã nghiên cứu để bào chế ra những thuốc sinh tố nhằm bồi bổ cơ thể, mỗi sinh tố cung cấp cho ta  một chất bổ đặc biệt. Sau đây là mấy sinh tố mà chúng ta năng dùng:

 

          . Sinh tố A : cần cho những người bị chứng quáng gà, ung nhọt. Trẻ con thiếu sinh tố này sẽ không lớn được.

          . Sinh tố B1 : chữa những người mắc bệnh phù thũng.

          . Sinh tố B2 : cần cho sự dinh dưỡng và hô hấp của các mô. Thiếu sinh tố B2 mọi sự tăng trưởng ngừng, nhiệt độ cơ thể giảm, thân thể ốm yếu và dễ sinh bệnh.

          . Sinh tố B12 : giúp cho da dẻ hồng hào. Nhiều khi chúng ta đang ăn mà bị căn vào luỡi, vào má, vào môi : theo ông lang Hoàng thì đó là triệu chứng thiếu sinh tố B12, chỉ cần uống  6 viên B12, mồi ngày 2 viên là khỏi.

          . Sinh tố C : dùng để trị các chứng bệnh như : chứng bầm tím, hôi miệng, răng chảy máu và chứng đau khớp xương.

          . Sinh tố D : có nhiệm vụ giữ muối calci lại trong xương để xương có thể tăng trưởng. Thiếu sinh tố D trẻ con sẽ sinh ra bệnh ốm còi.

          . Sinh tố E : có thể nói sinh tố E là sinh tố ân nhân cho con người. Thiếu sinh tố này đàn bà dễ bị  sẩy thai.

          . Sinh tố K : sinh tố này ít cần thiết, nó chỉ có nhiệm vụ làm đông huyết.

          . Sinh tố PP : thiếu sinh tố này sẽ sinh bệnh : lở loét, nổi mụn đỏ trên da, bộ máy tiêu hóa rối loạn, hệ thần kinh bị ảnh hưởng xấu, ngứa da.

          . Sinh tố H : đầu thế kỷ 20, các nhà khoa học tìm ra đuợc một hoạt chất kỳ diệu. Đó là vitamin H hay còn gọi là biotin. Khi xử dụng chất này với liều lượng thích hợp người trẻ sẽ có da dẻ mịn màng, tóc đen mượt khỏe khắn hơn. Người có tuổi dùng nó, da sẽ bớt nhăn, tóc ít bạc, mắt tinh hơn, tinh thần sảng khoái và cảm thấy thêm...xuân. Bởi thế, có người đã không ngần ngại gọi vitamin H là “vitamin của tuổi trẻ” (Báo Nhân dân, số 8350, tr 2).

          . Sinh tố C : ta nên đặc biết lưu ý đến sinh tố C. Theo một thăm dò mới nhất của đại học đường New South thì ít nhất 77% dân Úc dường như đang bị đe dọa bởi bệnh hoại huyết vì họ không dùng đủ sinh tố C.  Cuộc nghiên cứu mới nhất của Mỹ cho thấy  triệu chứng bệnh hoại huyết sẽ xuất hiện  nếu ngưng bồi dưỡng hoàn toàn sinh tố C trong vòng 26 ngày.  Ngoài ra, nếu dùng đủ số lượng sinh tố C, người ta có thể ngăn ngừa được bệnh cúm.

                             (Khoa học phổ thông, số 6, tr 6).

 

IV. THỨC ĂN VÀ SINH TỐ CHO ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG.

 

          Chúng ta đã thấy thức ăn và sinh tố cần cho đời sống thể xác để giúp cho thể xác có đủ sức để làm việc. Vậy linh hồn ta có cần phải dùng thức ăn và sinh tố thiêng liêng để bồi dưỡng không ?  Chúng ta phải khẳng định ngay rằng, trong đời sống thiêng liêng, các thức ăn và sinh tố cũng cần thiết để bồi bổ cho linh hồn, không có nó, linh hồn không thể sống được, hoặc chỉ èo uột.

 

          Trong đời sống thiêng liêng, biết bao nhiêu lần  ta cảm thấy chán nản không muốn cố gắng nữa vì thấy bị nhiều thất bại trong việc chiến đấu với ba thù. Gương thánh Têrêsa thành Avila đã chứng minh điều đó. Thánh nữ bị khô khan nguội lạnh suốt 20 năm trường, không còn thấy hứng thú gì trong các việc đạo đức, trái lại, còn cảm thấy khô khan, chán nản. Nhưng thánh nữ không thất vọng nản chí, ngài cứ bám riết lấy Chúa, cứ cố gắng, cầu xin tha thiết với Chúa để xin Chúa cho mình được vượt qua khỏi đêm tối giác quan. Sau những thử thách trường kỳ đối với đứa con ngoan, Chúa đã thương nghe, và cho thánh nữ được những ơn phi thường trong đời sống thiêng liêng.

          Chúng ta cũng không thoát khỏi cảnh đó, mỗi người một hoàn cảnh, sự thử thách lớn hay nhỏ là tùy sức chịu đựng của mỗi người. Đời sống thiêng liêng của chúng ta không phải lúc nào cũng im lìm như nước hồ thu, nhưng có lúc phong ba bão táp nổi lên như trường hợp các tông đồ đi trên biển với Chúa. Lòng chúng ta nhiều khi khô khan như sa mạc, cằn cỗi như đất bỏ hoang đầy sỏi đá, như con nai khát nước đi tìm suối. Chúng ta hãy tìm đến Chúa để Ngài nuôi dưỡng và bổ sức cho, để lòng chúng ta được no thoả, mầu mỡ hơn.

 

          Trong khuôn khổ bài này, chúng tôi chỉ xin đưa ra một thức ăn cần thiết nhất, đó là Thánh Thể và Lời Chúa. Ngoài ra, để bồi dưỡng linh hồn, tôi xin đề nghị một thứ sinh tố tổng hợp cần thiết, đó là sinh tố Cầu nguyện.

 

          1. Phép Thánh Thể.

 

          Khi Chúa Giêsu còn đi rao giảng cho dân Do thái, Ngài đã nói đến Thánh Thể Ngài, một lời tiên báo mà không ai hiểu được ý nghĩa sâ xa của nó ; trái lại lời tiên báo ấy còn nên cớ vấp phạm cho nhiều người :”Ta là bánh hằng sống, ai đến cùng Ta không khi nào đói, ai tin kính Ta chẳng bao giờ khát” (Ga 6,35). Chúa Giêsu còn nói mạnh hơn nữa “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi : nếu các ngươi không ăn thịt cùng uống máu Con người thì các ngươi chẳng được sống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta sẽ được sống đời đời, và Ta sẽ làm cho kẻ ấy sống lại trong ngày sau hết” (Ga 54-55).

 

          Để bảo tồn sự sống, mọi sinh vật cần phải có một thức ăn thích hợp với bản tính riêng.  Linh hồn chúng ta đã được thần hóa, nên cũng cần một thứùc ăn thích hợp với nếp sống mới đó. Thức ăn này phải là do việc hiệp thông vào thịt máu Chúa Giêsu ban cho :”Ta là bánh hằng sống. Các ngươi hãy cầm lấy mà ăn, vì này là mình Ta. Các ngươi hãy lãnh nhận mà uống, vì này là máu Ta. Ai ăn mình Ta và uống máu Ta sẽ được sống. Vì mình Ta thực là của ăn, máu Ta thực là của uống.”. Dĩ mhiên đời sống thiêng liêng chúng ta có thể được nuôi dưỡng bằng nhiều thức ăn khác, nhưng dầu sao Thánh Thể vẫn là món ăn thường xuyên có nhiều sức bổ dưỡng.

 

          Bà Têrêsa Newman trong suốt 40 năm trường không ăn uống gì, bà chỉ rước lễ hằng ngày thế mà bà vẫn sống, vẫn tốt tươi vì Mình Thánh Chúa là của ăn cho hồn và xác bà. Như vậy, phải chăng. lời Chúa phán trước kia “Thịt Ta là của ăn, máu Ta là của uống” đã được ứng nghiệm nơi bà Newman.

                                      Truyện : Quan Thomas More chịu lễ.

          Trong đền vua Henry VIII, lúc nhà vua chưa bỏ đạo Công giáo, có mấy ông quan nịnh thần thấy quan Thomas More chịu lễ hằng ngày, họ nói với nhau rằng : một người bổn đạo vướng mắc trăm ngàn việc và luôn luôn phải lo nghĩ, thiết tưởng chẳng nên rước lễ hằng ngày như vậy. Quan Thomas More trả lời rằng :”Chính vì mắc vướng nhiều và lo nghĩ lắm, tôi thấy mình càng cần phải rước lễ :

          . Tôi lo sợ nhiều. Thánh Thể sẽ thêm sức cho tôi mạnh bạo.

          . Mỗi ngày tôi gặp dịp phạm tội, mỗi ngày Mình thánh Chúa cho tôi sức lực mới để khỏi sa ngã.

          . Trong những vấn đề khó khăn, tôi cần sáng suốt và khôn khéo. Thánh thể sẽ ban sự sáng và cho các ý kiên hay.

                               (Trần công Hoán, Truyện hay 2, tr 135-136)

 

          2. Cầu nguyện.

 

          Thánh Thể Chúa là của ăn chính yếu và cần thiết để cho linh hồn ta được sống. Nhưng chỉ ăn để sống không, chưa đủ, còn phải được bổ dưỡng để lấy sức. Muốn tăng bổ cho đời sống thiêng liêng, ta cần phải dùng đến một thứ sinh tố C phổ thông, đó là CẦU NGUYỆN. Thiếu sinh tố này, đời sống linh hồn ta sẽ èo ọt và dễ sa ngã.

 

          Trong đời sống thiêng liêng chúng ta phải vất vả hơn trong đời sống vật chất vì không có thì giờ nghỉ ngơi.  Chúng ta phải luôn chiến đấu với ba thù là thế gian, ma qủi và xác thịt. Linh hồn chúng ta được ví như một chiếc thuyền trên dòng nước, phải luôn chèo chống để tiến lên, hay ít ra cũng đứng yên một chỗ chứ không chịu để nó lùi. Nếu muốn cho đời sống đứng yên một chỗ ta phải chèo chống vất vả luôn.

 

          Địch quân luôn bao vây chúng ta tư bề không lúc nào ngơi. Ma qủi, thế gian đôi lúc còn xa chúng ta một chút, còn xác thịt thì luôn luôn dính liền với chúng ta với tất cả tình tư dục, với những tính mê nết xấu cần phải sửa trị. Đây là kẻ thù nguy hiểm và khó trị nhất. Muốn thắng nó, ta cần phải có ơn Chúa và một đề cao cảnh giác triệt để.

 

          Thánh Francois de Sales nói :”Nếu một em bé thấy một con chó dữ từ  đàng xa đang hung hăng nhào tới em, em sẽ làm gì ? Chạy trốn ư ? Không thể được vì em chưa đi vững.Em sẽ làm gì ? Em la lên, em gọi mẹ đến, mẹ em sẽ bênh vực em và cứu sống em.  Em bé chính là mỗi nguời chúng ta với sức riêng mình, không thể bước tới một bước trên đường phần rỗi. Con chó dữ chính là ba thù lợi hại cho linh hồn. Phải làm gì ? Phải kêu cứu, phải cầu nguyện”.

 

Chính Chúa Giêsu đã nhiều lần khuyên nhủ chúng ta cầu nguyện :”Hãy cầu nguyện liên không thôi” (Lc 18,1), hoặc đứng trước ba thù hung hãn, Chúa Giêsu cũng khuyên chúng ta hãy cầu nguyện vì đó là phương tiện tối hảo để chúng ta thắng quân thù :”Các con phải tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ”(Mt 26,41 ; Mc 14,38). Chính Chúa đã làm gương cho chúng ta về sự cầu nguyện : sau khi rao giảng Tin mừng cho dân chúng, Ngài vào nơi thanh vắng mà cầu nguyện, ban đêm Ngài cũng cầu nguyện cùng Cha Ngài trong cảnh thanh vắng, và đặc biệt Ngài cầu nguyện tha thiết trong vườn Cây Dầu trước khi vào cuộc thụ nạn.

 

          Ở đây, chúng ta không cần bàn đến định nghĩa cũng như bàn đến cách cầu nguyện, nhưng chỉ có ý nói rằng : phải cầu nguyện liên lỉ, không được ngưng. Lệnh Chúa truyền “Cầu nguyện không ngừng”(Lc 19,1) phải được thực hiện như thế nào trong đời sống thường nhật của ta ? Đây,  ta hãy nghe bài khuyên dụ của thánh Gioan Chrysostomo nói về vấn đề đó :

 

“Việc tốt nhất là cầu nguyện, là tâm sự với Chúa, vì cầu nguyện là hiệp thông và hiệp nhất với Người. Như mắt xác thịt khi thấy sự sáng, thì được sáng lên thế nào, thì khi linh hồn chăm chú vào Chúa cũng được ánh sáng khôn lường của Người soi cho như vậy. Việc cầu nguyện nói đây, không phải vì thói quen nhưng bởi tự đáy lòng phát ra, không bị hạn chế bởi thời gian, giờ khắc nhất định, nhưng diễn tiến liên lỉ đêm ngày.

 

          Quả vậy, không phải chi khi nghĩ đến cầu nguyện, ta mới vội hướng tâm hồn lên cùng Chúa, nhưng cả khi bận bịu vào bất cứ công việc nào, như săn sóc người nghèo khó, hoặc chăm lo việc từ thiện và quảng đại hữu ích nào khác, ta cũng cần phải khát khao nhớ Chúa, để mọi việc được ướp bằng tình yêu mến, như của ăn được ướp bằng muối, trở nên mỹ vị trước mặt Chúa Cả trời đất. Chúng ta sẽ được lợi suốt đời, nếu chúng ta biết để khá nhiều giờ cho việc cầu nguyện”

                                      (Bài đọc Mùa chay, tr 8)

 

          Chúng ta không thể tách rời việc cầu nguyện ra khỏi việc làm, vì theo lý thuyết thì cầu nguyện và làm việc là hai việc khác nhau hoàn toàn, và có vẻ mâu thuẫn nhau nữa, nhưng nếu ta hiểu cầu nguyện chỉ là một tác động của tình yêu của chúng ta đối với Chúa, thì trong khi làm việc ta cóthể làm tác động tình yêu đó như lời thánh Gioan đã nói ở trên.

 

                                      Truyện : hai mái chèo

          Một ông cụ già dẫn một thanh niên xuống thuyền của mình. Thuyền này có hai mái chèo : một cái có đề chữ “cầu nguyện”, chiếc kia đề chữ “làm việc”.

          Người thanh niên nói kháy cụ già :

          - Ông cụ ơi, chèo thế này chậm lắm. Người đã làm việc thì không cần phải cầu nguyện nữa (có ý nói : chỉ cần chèo một chiếc chèo có chữ “làm việc” thôi).

          Ông cụ không nói gì, chỉ buông chiếc chèo có chữ “cầu nguyện” ra thôi, rồi cứ chèo chiếc chèo có hai chữ “làm việc” kia.

          Ông cụ cố sức chèo nhưng thuyền không đi được bước nào, chỉ quay tròn đi thôi.

          Thấy thế người thanh niên mới hiểu rằng : ngoài chiếc chèo làm việc ra, còn cần phải có chiếc chèo cầu nguyện nữa, thuyền mới đi được.

                   (Tihamer Toth, Dieu, la Providence, sermons, tr 81)

 

          KẾT LUẬN

 

          Chúa phán :”Ai khát hãy đến với Ta” (Ga 7,37). Lời mời gọi này nhằm đến tất cả mọi người đang khao khát Chúa, khao khát đời sống trọn lành, khao khát sự công chính. Hãy đến với Chúa thì sẽ được thỏa mãn như đất khô gặp mưa rào, như nai khát gặp nước suối trong. Mạch nước vọt ra từ núi đá và nước giếng Gia-cóp là tượng trưng ơn thánh Chúa chảy xuống lan tràn trên chúng ta. Chúa bảo “Ai khát hãy đến mà uống”, đây chỉ là một lời mời gọi, còn việc thực hiện hay kkhông thì cần phải có sự cộng tác của ta.  Bàn tiệc đã dọn sẵn, mọi người được mời đến dự tiệc, nhưng điều cần là mọi người phải tự nguyện đến dự, không ai bị bó buộc, không ai đem cơm đến đút vào miệng cho.

 

          Chúng ta đang vất vả, mệt nhoài trên đường đời, chúng ta hãy chạy đến cùng Chúa Giêsu Thánh Thể để múc lấy nguồn sinh lực cho đời sống linh hồn, vì “thịt Chúa là của ăn và máu Chúa là của uống” (x. Ga 6,56), nếu không ăn thịt và uống máu Chúa, linh hồn chúng ta sẽ chết đói chết khát, vì trong đời sống thể xác, ai không ăn uống thì sống sao được.

 

          Ngoài ra, chúng ta cũng cần bồi bổ sức khỏe linh hồn bằng sự cầu nguyện theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp.  Chúng ta hãy biến việc làm thường ngày trở thành kinh nguyện sốt sắng và liên lỉ như thánh Gioan Chrysostomo đã nói ở trên. Nếu có thời giờ cầu nguyện, ta hãy âm thầm lặng lẽ qùy bên nhà tạm truyện vãn với Chúa Giêsu Thánh Thể trong cảnh tịch mịch của đêm vắng để nếm sự ngọt ngào của tình Chúa :

 

Ôi ! Lạy Chúa là Chúa Trời con, xin Chúa hãy cho con được cảm thấy giá trị của những phút êm đềm như vậy !... Xin Chúa đừng để con lấy giờ phút nào làm qúi báu hơn, đừng lấy sự gì làm yên nghỉ hơn, đừng lấy lúc nào êm dịu và đáng mơ hơn những giờ cầu nguyện ban đêm, trong yên lặng

 

Hơn nữa, xin Chúa hãy dạy cho con biết kéo dài những giờ mà trong khi mọi sự đều yên nghỉ, con được tỉnh thức một mình dưới chân Chúa, trong khi không ai biết và chia sẻ hạnh phúc của con thì con được sự hiện diện của Chúa Trời con giữa sự vắng lặng của đêm trường...

 

Lạy Chúa Trời con, nếu những giờ canh thức một mình và hạnh phúc thế này làm cho sinh lực con lần lần phải hao mòn đi, thì con cũng lấy làm hạnh phúc biết bao”!

                   (Trích trong Écrits spirituels của cha C. de Foucauld)

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Mục Lục