VÂNG PHỤC THÁNH Ý CHÚA
Nhân lễ suy tôn Thánh giá
I. Ý NGHĨA SỰ VÂNG PHỤC THÁNH Ý
CHÚA.
Đức
Kitô đã vâng lệnh thánh ý Chúa Cha, xuống thế mặc xác phàm để thực hiện ơn cứu
độ. Vì sự bất tuân của Adong mà nhân lọai đã hư đi, nhưng nay nhờ sự vâng phục
của Đức Kitô mà nhân lọai được cứu thóat. Trong phương diện thần học, ta phải
hiểu vâng phục không phải là cam chịu cưỡng bách và lụy phục tiêu cực, mà là tự
do chấp nhận ý định Thiên Chúa còn giữ kín trong mầu nhiệm, nhưng được Lời đề
xướng để chúng ta tin. Vâng phục giúp con người phụng sự Thiên Chúa bằng cả
cuộc sống và tìm được nguồn vui nơi Ngài.
1.
Tạo vật vâng phục Thiên Chúa.
Không
kể đến con người, nhưng ngay trong tạo vật, chúng ta cũng dự cảm được sự vâng
phục và nguồn vui ấy. Chúa buộc một
chiếc móc nơi hàm Bêhêmoth (Gb 40,24), hoặc phân thây Rahab (Tv 89,11), cả hai
đều chứng tỏ chủ quyền tối cao của Ngài.
Đức Giêsu khiến bão yên lặng hoặc trừ qủi thì cũng chứng tỏ “gió và biển
cũng như quỉ dữ đều vâng phục Người” (Mt 8,27), và những cử chỉ uy quyền đó gợi
lên niềm kính sợ có tính cách tôn giáo. Không những Thánh Kinh chỉ nhận ra vị
Chủ tể của vũ trụ qua sự yên lặng của nó, mà còn ngỡ ngàng và tỏ lòng tạ ơn vì
tạo vật đều phấn khởi vui mừng đáp lại tiếng của Thiên Chúa:”Các tinh tú vui
mừng chiếu sáng…”; Ngài gọi chúng và chúng thưa lại :”Chúng tôi đây” và “chúng
vui mừng chiếu sáng cho Đấng đã sáng tạo nên mình”(Tv 104,4; Hđ 42,23;
43,13-26).
Đứng
trước sự kiện các tạo vật mỹ miều nhất đã nhiệt liệt chu tòan sứ mạng Thiên
Chúa giao phó trong vũ trụ, thì nhân lọai lại “dồn vào đàng bất mãn”(Rm 11,32),
một cách vô ý thức và đau đớn nghĩ rằng đáng lẽ mình phải biết vâng phục, và
Thiên Chúa cho họ thóang thấy cũng như hy vọng
sẽ có sự vâng phục tự phát và đồng nhất của tạo vật được cứu thóat nhờ
sự vâng phục của Con Ngài”(Rm 8,19-22).
2.
Đức Kitô, gương mẫu sự vâng phục.
Đức
Kitô là Adong thứ hai đã hành động trái ngược hẳn với Adong thứ nhất. Ngài đã làm nổi bật sự vâng phục tuyệt đối ở
nơi Ngài, đến nỗi thánh Phaolô đã nói
:”Người tự tiêu diệt mình, tự nhận hình thể tôi tớ, trở nên giống như người ta,
có dạng mạo như lòai người. Người đã tự hạ vâng phục cho đến chết và chết trên
thập giá”(Ph 2,8).
Vì
phần rỗi nhân lọai, Đức Kitô đã tự hủy mình đi
để cứu lấy thân phận đau khổ của con người sa ngã.
Lịch sử nhân lọai đã trải qua một
tấm kịch bi đát, và nhân lọai không thể thóat khỏi tấm thảm kịch này nếu không
có sự can thiệp của Thiên Chúa qua Đức Kitô, người Tôi Tớ của Giavê (Is 50,4).
“Cũng như vì một người không vâng phục, muôn người hóa thành tội nhân, thì bởi
một Đấng phục tòng khiến nhiều người trở nên chính trực”(Rm 5,19). Sự vâng phục của Đức Giêsu Kitô là phần rỗi
chúng ta và cho chúng ta tìm lại được sự vâng phục Thiên Chúa.
Đời
sống của Đức Giêsu Kitô “từ khi bước vào thế gian”(Dt 5,10) “cho đến khi chết
trên thập giá”(Ph 2,8) là sự vâng phục, nghĩa là gắn bó với Thiên Chúa xuyên
qua một lọat trung gian : các nhân vật, biến cố, định chế văn tự của dân tộc
Người, các quyền thế. Đến “không phải thi hành ý muốn của mình mà là ý muốn của
Đấng đã sai mình”(Ga,6,38; x.Mt 26,39), trong suốt đời sống.
Người
thi hành những bổn phận thông thường như vâng lời cha mẹ (Lc 2,51), và tuân
phục quyền bính hợp pháp (Mt 17, 27). Lúc chịu thương khó, Ngài vâng lời tuyệt
đối, tự nộp mình, không phản kháng những quyền lực bất nhân và bất công,”thực
tập đức vâng phục qua các đau khổ của Người”(Dt 5,8), chịu chết để làm hy tế
quý trọng nhất dâng lên Thiên Chúa, chính là hy tế của sự vâng phục”(Dt
10,5-10; x.Sm 15,22)
3.
Sự vâng phục của bậc tu trì.
Nhờ
sự vâng phục mà Người được tôn lên làm “Chúa” (Ph 2,11), được ban mọi quyền
trên trời dưới đất (Mt 28,18), Đức Giêsu Kitô có quyền buộc mọi thụ tạo vâng
lời Người. Chính nhờ Người, nhờ vâng phục Tin mừng của Người, và lời giảng dạy
của Giáo hội Người, mà con người đạt tới Thiên Chúa trong đức tin (Cvtđ 6,7; Rm
1,5; 10,3).
Tu
sĩ là người hiểu hơn ai hết lời khuyên của Thầy Chí thánh :
Xả
thân nếu muốn theo Thầy,
Vác
cây khổ giá hằng ngày mà theo.
(Mt 15,24)
Muốn
theo Chúa thì phải bỏ con người mình đi, nghĩa là quên mình đi để chỉ thi hành thánh ý Chúa vì “Ai không vác
thập giá mình mà theo Ta, kẻ đó không thể làm môn đệ Ta”(Lc 14,27). Qua câu
Phúc âm đó, Chúa muốn đưa ra điều kiện tiên quyết để chúng ta biết thế nào là
theo Ngài : đó là phải từ bỏ mình. Từ bỏ
mình để vâng phục Chúa trong mọi biến cố, trong việc thi hành bổn phận, trong
sự vâng phục Bề trên…
Công
đồng Vatican II đã nhấn mạnh vào điểm này khi nói :”Nhờ khấn giữ đức Vâng lời,
các tu sĩ tận hiến ý muốn mình như của lễ bản thân dâng lên Thiên Chúa, nhờ đó,
được kết hợp với ý muốn cứu rỗi của Ngài
cách kiên trì và chắc chắn hơn. Vậy, theo gương Chúa Kitô, Đấng đã đến
để làm theo ý Chúa Cha “tự nhận thân phận tôi tớ”(Ph 2,7) và đã học tập đức Vâng
lời với những điều phải chịu đựng (x.Dt 5.8), các tu sĩ, được Chúa Thánh Thần
thúc đẩy, lấy đức tin tùng phục các bề trên, đại diện Thiên Chúa, và nhờ các
ngài hướng dẫn, họ phục vụ mọi anh em trong Chúa Kitô, vì tuân phục Chúa Cha đã
phục vụ anh em và hiến mạng sống để cứu chuộc mọi người (x.Mt 20,28). Như thế,
họ được liên kết chặt chẽ với sứ mệnh phục vụ của Giáo hội và nỗ lực đạt đến
mức tuổi sung mãn của Chúa”(DT 14)
II. Ý NGHĨA CỦA ĐAU KHỔ VÀ THỬ
THÁCH.
Chúng
ta đã thấy bổn phận của chúng ta là
những vật thụ tạo đối với Chúa, bổn phận đó là vâng phục Thiên Chúa, nhưng vâng
phục Chúa như thế nào, làm sao biết được thánh ý Chúa ? Chúng ta có thể nói
rằng thánh ý Chúa được thể hiện trong đời sống hằng ngày của ta qua việc bổn phận, qua mọi biến cố, nhất là
trong đau khổ và gian nan thử thách… Trong bài này, chúng ta chỉ chú trọng tới
việc tuân phục thánh ý Chúa qua các đau khổ và gian nan thử thách để dọn lòng
chúng ta mừng lễ Suy tôn Thanh giá Chúa.
1.
Sự cần thiết của nó.
a)
Theo sự hiểu biết thông thường của người đời, thì đau khổ và gian nan thử thách
là một sự rủi ro, sự bất hạnh đáng tránh. Đau khổ xem ra không giúp ích gì cho
con người mà chỉ phá họai hạnh phúc thôi. Vì thế, trong các lời cầu chúc, người
ta thường chúc nhau gặp may mắn, được hạnh phúc như trong câu đối dịp mừng xuân
mới :
Phúc
mãn đường niên tăng phú quí,
Đức
lưu quang nhật tiến vinh hoa.
(Phúc
đầy nhà năm thêm giầu có,
Đức
ngập tràn, ngày một vinh hoa)
Nhưng
xét cho kỹ, người ta lại thấy đau khổ và gian nan thử thách có ý nghĩa riêng
của nó, và trong một bình diện nào đó, đau khổ lại là một sự cần thiết để giúp
con người nên tốt hơn. Không cần các nhà hiền triết, mà ngay những người bình
dân cũng có thể tìm được ý nghĩa của nó khi người ta bắt các thanh niên đến
tuổi trưởng thành phải vào sống tự lập trong rừng sâu một thời gian, qua những
thử thách cam go, người thanh niên mới được gọi là trưởng thành, và được đi kết
bạn. Đúng là :
Có
gió lung mới biết tùng bá cứng
Có
ngọn lửa hừng biết rõ vàng cao.
b) Những hiền nhân quân tử, các
bậc trượng phu lại càng thấy gian nan
thử thách là cần thiết và mặc cho nó một ý nghĩa trọng đại. Đau khổ
và gian nan thử thách được coi như phương tiện tối hảo và bất khả khuyết để rèn
luyện con người trở nên anh hùng hào
kiệt, bởi vì theo quan niệm nguời đời thì “vô họan nạn bất anh hùng”.
Cụ Phan bội Châu là người hiểu
chân lý đó khi cụ nói :
Nếu
phải đời bằng phẳng hết
Anh
hùng hào kiệt có hơn ai.
Muốn
trở thành những anh hùng hào kiệt, dân thành Spartes đã huấn luyện thanh niên
trong một chương trình dài hạn. Chính nhờ sự huấn luyện đầy cam go mà dân thành
Spartes tuy nhỏ nhoi trở nên hào hùng, bách chiến bách thắng.
Truyện : Thành
Spartes huấn luyện thanh niên
Một
kỷ luật sắt, một sức khỏe dồi dào, một sức chịu đựng bền bỉ, một tinh thần vững
chắc và một lòng dũng cảm là những yếu
tố thành công của người dân xứ Spartes. Lật lại những trang cổ sử, nhìn về quá
khứ xa xưa, chúng ta không khỏi thán phục sự hy sinh tuyệt đối quyền lợi cá
nhân để phụng sự quốc gia của các chiến sĩ thời cổ Hy lạp. Dù nguồn nhân lực
khan hiếm, dù chiến cụ kém cỏi, họ vẫn tương đồng chiến đấu với kẻ thù. Khác
hẳn người Ai cập, vì nhu nhược, yếu kém, thiếu huấn luyện, đã đưa dân tộc họ
vào cảnh xiềng xích, nô lệ qua bao thế kỷ.
Vì
nhận thấy nhân số ít ỏi, vũ khí thua sút hẳn đối phương, nạn xâm lăng luôn luôn
đe dọa, họ đã tự tạo nên một hệ thống huấn luyện quân sự thật khắt khe, chu
đáo, ngõ hầu có một quân đội tuy ít
nhưng rất có giá trị.
Người
ta thường nói : muốn tre thẳng phải uốn nắn từ khi còn măng, muốn nên con người
phải dạy dỗ lúc còn bé. Người dân xứ Spartes đã thực hiện được điều này.
Vì thế, tất cả các em lên 7 tuổi đều
được đưa vào trường huấn luyện quân sự. Ở đây, người ta rèn luyện cho các
em ý chí tranh đấu và quyết thắng, chỉ
dẫn cho các em các chiến pháp, xây dựng tinh thần kỷ luật tự giác, huấn luyện
thể chất để có sức chịu đựng bền bỉ; và tập đọc, tập viết. Nhờ thế, các em đã ý
thức sự quan trọng của chiến thắng và thất bại, biết khép mình vào khuôn khổ kỷ
luật, và chịu kham khổ ngay từ hồi thiếu thời.
Hằng
năm, một số trẻ em Spartes cử hành lễ “CHỊU ĐỰNG”, các em phải chịu đựng cho
roi quất vào mình, máu chảy, thịt rách
nhưng không được thối chí hay khóc la. Châm ngôn của họ là đau không
khóc, đói không than. Ngòai ra, các em phải tự mưu sinh , chiến đấu với thú
rừng để sinh tồn.
Khi
đến tuổi trưởng thành 20, các thanh niên phải gia nhập vào quân ngũ trong thời
gian 10 năm. Suốt thời gian này, nếu có gia đình đến thăm viếng thì sự thăm
viếng chỉ là thầm lén mà thôi. Sau thời gian quân dịch pháp định từ 20 đến 30
tuổi, các chiến sĩ áo giáp mới trở thành
một công dân của xứ Spartres, và khi ấy họ mới có quyền dự vào thành phần đại diện cho dân chúng
(Theo báo Mai và Đa hiệu, 1970).
Nguyễn
công Trứ là con người hào hùng, thơ văn của ông chứa đầy hào khí của người
trai. Cuộc đời lận đận lên voi xuống chó
của ông đã chứng tỏ ý chí sắt đá, muốn đào sông xẻ núi, làm những việc đội đá
vá trời… Đúng là “nam nhi đáo thử thị hào hùng”(Nguyễn công Trứ). Vì thế, gian
nan thử thách không thể thiếu được đối
với người muốn trở thành “Thông minh nhất nam tử, yếu vi thiên hạ kỳ”(Nguyễn
công Trứ), hoặc muốn trở thành anh hùng hào kiệt.
2.
Thái độ của người đời.
Trước
những gian nan thử thách, ta thấy người đời có hai thái độ là chấp nhận hay từ
chối. Trong thái độ chấp nhận, ta thấy có người chấp nhận một cách tự nguyện và
chấp nhận một cách miễn cưỡng. Thái độ chấp nhận là thái độ của kẻ anh hùng,
của người trượng phu, còn thái độ từ chối
là thái độ của những người hèn nhát, tiêu cực, họ sống như cây cỏ vật vờ trước gió , không chịu nổi mưa nắng
giãi dầu.
a)
Người anh hùng, trượng phu chấp nhận.
Hạng
người này không thích sống một kiếp sống tầm thường mà lại thích sống kiếp tung
hòanh dọc ngang, hào hùng, mạo hiểm. Chính những đau khổ phải chịu, những gian
truân phải trải qua làm cho họ tách biệt và vượt trên khối quần chúng tầm
thường, làm cho họ trở nên những con người sắt đá mà không một trở ngại
nào có thể cản bước tiến của họ, do đó
làm cho họ trở nên con người có giá trị.
Nguyễn công Trứ đã thâm hiểu tư tưởng này :
Bốn
mùa ví những xuân đi cả
Góc
núi ai hay sức lão tùng.
Họ
sẵn sàng chấp nhận hòan cảnh khó khăn vì biết rằng trời đất xoay chuyển, hết
cơn bĩ cực tới thời thái lai. Họan nạn là giá anh hùng phải trả cũng như
Champion nói :”Máu là mồ hôi của người anh hùng”.
Nhờ đó thành công của họ mới đáng
kể vì như Corneille nói :“Chiến đấu có gian nan thì khải hòan mới được vinh
hiển”.
Các thánh nhân cũng không thóat
khỏi định luật đó, không có vị thánh nào “ngồi mát ăn bát vàng”(tục ngữ) mà
phải chiến đấu để nên thánh vì “Lửa thử vàng, gian nan thử nhân đức” (Kn 3,6).
Họ vẫn sống hiên ngang và hãnh
diện về thử thách của mình, vì per crucem ad lucem :
Phượng
hòang gặp bước cheo leo,
Sa
chân thất thế phải theo đàn gà.
Bao
giờ mưa thuận gió hòa,
Thay
lông đổi cánh lại ra phượng hòang.
(Ca
dao)
b)
Hạng người tầm thường.
Những
người tầm thường hèn yếu không thể hiểu được ý nghĩa của đau khổ và gian nan
thử thách, họ chỉ biết nhìn gần mà không biết nhìn xa. Vì thế, khi gặp sự gian
nan khốn khó, họ tìm cách chạy trốn. Nhưng trốn thế nào được vì như một nhà
hiền triết nói :”Sự đau khổ ở chốn trần ai này có thể ví như cái bóng của bạn. Khi bạn cố chạy nó, thì nó
đuổi, khi bạn cố bắt nó thì nó chạy”. Vì thế, càng chạy trốn đau khổ bao nhiêu
thì nó càng đuổi theo :
Gánh
cực mà đổ lên non,
Cong
lưng mà chạy cực còn theo sau.
(Ca dao)
Có
người không dám đương đầu với đau khổ, họ chạy trốn không được thì đành chấp
nhận một cách thụ động, bất mãn. Họ không còn lối thóat, chỉ biết than thân
trách phận, than van khóc lóc cho bớt nỗi buồn. Nhưng càng khóc thì càng buồn,
càng đau khổ thêm; nó còn chứng tỏ là con người hèn nhát, không biết cố gắng :
Kêu
van, than khóc là hèn,
Hãy
vì nhiệm vụ đứng lên làm tròn.
(Alfred
de Vigny)
Có
người không chạy trốn nỗi đau khổ, cũng không dám chấp nhận một cách thụ động
thì lại đi tìm cái chết để giải thóat. Nhưng giải quyết bằng cái chết thì không
giải quyết được cái gì, vì tự tử không phải là một giải pháp tốt.
Alfieri nói :”Sự thử thách lòng
can đảm không phải là chết, mà là sống”.
Và triết gia Aristote cũng khẳng định rằng
:”Tự tử thường là một sự hèn nhát”.
3.
Ý nghĩa của đau khổ.
Đau
khổ là một thực tại, một định mệnh chung cho cả lòai người, không ai có thể
trốn thóat đau khổ, không ai được miễn trừ. Từ cổ chí kim trong lịch sử nhân
lọai, chưa thấy nói tới một người nào trong đời sống mà không gặp ít nhiều đau
khổ, nhưng chưa chắc ai cũng tìm ra ý nghĩa của nó.
a) Quan niệm người đời.
Nói chung, người ta sợ đau
khổ nhưng vẫn thấy đau khổ có lợi vì “Có đứt tay mới hay thuốc”(Tục ngữ). Hơn
nữa, đau khổ là cái thông lệ của muôn vật, không gì được miễn trừ, nhất là con
người. Con người từ lúc sinh ra cho đến chết phải trải qua bốn giai đọan
:”Sinh, lão, bệnh, tử”, cho nên thái độ chung của con người là phải chấp nhận.
Ông Tử Lang rất nghèo mà vẫn đàn
hát vì cho rằng nghèo của mình là do số
phận, không cản trời, cũng không trách cha mẹ.
Thi sĩ Nguyễn Du đã diễn tả
tư tưởng này trong truyện Kiều :
Ngẫm hay
muôn sự tại trời
Trời kia
đã bắt làm người có thân
Bắt phong
trần, phải phong trần
Cho thanh
cao mới được phần thanh cao.
Biết như vậy, nhiều người đã
biết tìm cách yên ủi mình để dễ dàng chấp nhận số phận như cô Clairon đã
khuyên: “Muốn tự an ủi những điều thống khổ của mình, thì nên nghĩ đến điều
mình khỏi chịu thống khổ”. Hơn nữa, người anh hùng còn sẵn sàng chấp nhận một
cách tự nguyện vì biết rằng đời anh hùng lúc nhục lúc vinh là lẽ thường :
Nước dưới
sông có khi trong khi đục
Trang anh
hùng có khi nhục khi vinh.
(Tục
ngữ)
+ Họa phúc khôn lường.
Trong đời người, ai cũng gặp
những lúc sung sướng và những lúc đau khổ. Nhưng nhiều lúc trong chính cái mình
cho là hạnh phúc lại trở thành cái bất hạnh, và ngược lại, cái bất hạnh lại trở
thành cái phúc cho mình bởi vì cổ nhân
đã nói :”Họa trung hữu phúc”. Trong câu ca dao dưới đây, ta thấy người bình dân
đã hiểu được cái tư tưởng “Họa phúc khôn lường” :
Vợ đẹp
càng tổ đau lưng,
Chè ngon
tức bụng, điếu thông quyện đờm.
(Ca
dao)
Truyện : Tái ông thất mã.
Một ông lão ở gần cửa ải có
con ngựa tự nhiên đi sang nước Hồ mất. Người quen thuộc đều đến hỏi thăm. Ôâng
lão nói :”Mất ngựa thế mà phúc cho tôi biết đâu”.
Cách mấy tháng, con ngựa về
lại quyến thêm được con ngựa hay nữa. Người quen kẻ thuộc đều đến mừng rỡ. Ôâng
lão nói :”Được ngựa thế mà họa cho tôi đấy biết đâu” ?
Từ khi được ngựa hay, con
trai ông lão thích cưỡi, chẳng may ngã què chân. Người quen kẻ thuộc đều đến
hỏi thăm. Ôâng lão nói :”Con què thế mà phúc cho tôi đấy, biết đâu” ?
Cách một năm, có giặc Hồ. Nhà
vua bắt lính đi đánh giặc. Quân lính mười ngừơi chết đến chín. Chỉ còn con ông
lão, vì què, không phải đi lính, mà cha con vẫn có nhau.
(Nguyễn
văn Ngọc, Cổ học tinh hoa, tập 1, tr 120)
+ Đau khổ là thầy dạy khôn.
Nhờ những đau khổ phải chịu,
con người được thêm kinh nghiệm : “Lần trước bị đau, lần sau phải chừa”(Tục
ngữ); hoặc :”Phải một cái, rái đến già”(Tục ngữ).
Không phải sự sung sướng luôn luôn
là tốt và có thể ngược lại như ông Nicolas Malebranche nói:”Phải nói đúng sự
thật : niềm hoan lạc là một điều tốt, và đau khổ luôn luôn là một điều xấu;
nhưng không phải luôn luôn có lợi được hưởng lạc, và nhiều khi chịu đựng đau
khổ lại có lợi”.
Thi sĩ Alfred de Musset cũng đồng ý như vậy :
Điều
thống khổ là thầy nhân thế
Khổ chưa
từng chưa dễ tự tri.
+ Biện chứng của hoan lạc.
Như trên đã nói, trong đau
khổ đã chứa sẵn cái hoan lạc, và ngược lại, cũng như trong sự sống đã bao hàm
sự chết, và ngược lại. Mùa xuân làm nảy
rộ những mầm tươi vui cho cuộc sống. Nhưng bên chiếc nôi lớn của vạn vật đang nhô ra ánh sáng chào mùa xuân mới,
ta đừng quên trước đó và ngay lúc đó, đã diễn ra sự đau đớn da diết của cuộc
sinh tồn :
Sương như
búa bổ mòn gốc liễu
Tuyết
nhường cưa xẻ héo cành ngô.
Hai câu óan hận xa xưa nghe
sao tóat lạnh tử khí. Vậy mà trong gốc liễu bị sương “bổ mòn” và lòng cây ngô
đồng bị tuyết “xẻ héo” đã xẩy ra một cuộc xung đột giữa mùa đông và mùa xuân. Và
ở đây, phần thắng về đâu sẽ thể hiện như một tất yếu. Từ ngay những gốc cũ cành
xưa, cây liễu sẽ đẹp như thơ… “Lơ thơ tơ liễu buông mành” và cây ngô đồng sẽ
xòe cánh dài trong mùa xuân, mùa hạ. Do
đó :
Ví không
có cảnh đông tàn
Thì đâu
có cảnh huy hòang ngày xuân.
Vẫn rất đúng khi có người
nói : mùa đông là mùa chết. Nhưng vẫn rất đúng khi có người nói lại : mùa đông
là mùa của sự sống sắp chào đời. Hai ý, đúng cả hai. Đây không phải theo thái
độ “hai phải” hay “ba phải” tầm thường, mà là theo cách nhìn biện chứng để thấy
cuộc sống về thực chất…
(Báo Đại
đòan kết, năm 2, số 1, năm 1978, tr 7)
Chúng ta cũng đã từng nghe
biện chứng của đời sống khi Chúa Giêsu nói :”Nếu hạt lúa miến lúc gieo xuống
đất mà chẳng mục đi, nó chỉ trơ trơ thôi. Nó có mục đi, mới sinh được nhiều
lúa. Ai yêu sự sống mình sẽ mất sống; còn ai mất mạng sống mình ở đời này sẽ
giữ linh hồn được sự sống đời sau”(Ga 12,24-25). Như vậy, ta có thể kết luận
được rằng chính sự đau khổ sẽ đem ta đến
niềm hoan lạc, mặc dầu nó chưa đến ngay.
b) Quan niệm của chúng ta.
Chúng ta đã hiểu biện chứng
của sự sống qua sự so sánh với việc hạt
lúa bị mục nát đi, và thấy đau khổ là cần thiết và ích lợi. Hơn nữa, Chúng ta
còn phải tin vào Chúa quan phòng. Chúa đã tạo dựng nên muôn vật một cách khéo
léo thì Ngài cũng an bài mọi vật một cách không kém tài tinh. Sách Thánh đã dạy chân lý đó :”Lạy Chúa, Chúa
an bài xếp đặt mọi sự cách êm ái”(Kn 8,1). Mọi sự xẩy đến đều nằm trong chương
trình an bài không thể sai lầm được của
Thiên Chúa, và mọi sự, mọi biến cố đều nhằm đem lợi ích lại cho con người chúng
ta, mặc dầu ta không biết.
Một tài liệu so sánh rất lý
thú đã viết như sau :”Nếu đem một miếng
sắt thường trị giá 5 Mỹ kim làm thành những cái móng ngựa thì sẽ bán được 10 Mỹ
kim. Nếu đem miếng sắt đó làm thành kim may thì bán được 350 Mỹ kim. Nhưng nếu
đem làm thành dây gió của lọai đồng hồ quí giá thì số tiền bán được lên tới
250.000 Mỹ kim. Giá trị cứ tăng theo tùy theo miếng sắt được tôi luyện, trui
dũa. Càng được tôi luyện thì giá trị lại càng cao, đó là một luật tự nhiên và
tất nhiên.
Đời sống Kitô hữu cần phải
trải qua thử thách, cần phải trải qua khi vui khi buồn, khi mạnh khỏe lúc ốm
đau, khi cô đơn lúc đòan tụ, vì tất cả những sự này hợp lại làm ích cho sự tăng
trưởng cả thể xác lẫn tinh thần. Một câu
danh ngôn đã nói :”Nếu mặt trời mà cứ chiếu sáng mãi trên một khu vực, thì sẽ
khiến khu vực đó thành ra bãi sa mạc hoang vu”. Đời sống Kitô hữu chúng ta cần
những đám mây, cần có những ngày u ám và đen tối, những ngày giông tố, bão bùng
cũng như những ngày quang đãng nắng ráo.
Thánh Giacôbê khuyên chúng
ta :”Hỡi anh em, hãy coi thử thách trăm bề thọat đến cho anh em như là sự vui
mừng trọn vẹn, vì biết rằng sự thử thách đức tin anh em sinh ra nhịn nhục”(Gc
1,1-2).
Còn thánh Phaolô, người đã được đem
lên đến tầng trời thứ ba đã nói :”Và,
tôi tưởng rằng những sự đau đớn bây giờ chẳng đáng so sánh với sự vinh hiển hầu đến, là sự sẽ được bầy ra
cho chúng ta”(Rm 8,18).
(Ms Phạm xuân Hiển,
Báo Rạng đông, sô 77, 1972, tr 40,42)
III. CHÚNG TA VÂNG THEO THÁNH Ý CHÚA.
Trên đây ta đã bàn đến quan
niệm người đời đối với những đau khổ và gian nan thử thách. Đấy mới là đứng
trên bình diện tự nhiên và lối sống ở đời. Ở đây, chúng ta phải tiến lên trên
bình diệân siêu nhiên để chúng ta tin vào sự quan phòng của Chúa, và mặc cho
những đau khổ, gian nan thử thách chúng ta chịu một ý nghĩa thiêng liêng cao cả
hơn.
1. Không có hạnh phúc tuyệt
đối ở đời.
Chúng ta hãy nhìn xem chung
quanh mình, ở đâu cũng thấy khổ, và không gặp được người nào hòan tòan sung
sướng mà không vương chút đau khổ. Mọi
người đang ngưỡng vọng vềà một thứ hạnh phúc tòan hảo, một thứ hạnh phúc không
có trên trần gian này. Tại sao vậy ? Vì nguyên tổ chúng ta đã phạm tội lỗi nghĩa cùng Chúa nên thứ hạnh
phúc đó bị cất đi, đau khổ xuất hiện trên mặt đất (x.St 3,17-18).
Khi xuất hiện trên đời, con
người đã chào đời bằng một tiếng khóc. Rồi trong kiếp sống trần gian, con người
lại phải trải qua bốn giai đọan sinh, lão, bệnh, tử; và khi lìa khỏi cõi đời
này chúng ta lại được người đời đưa tiễn bằng tiếng khóc :
Lọt lòng
nghe khóc oa oa
Đó là
tiếng khóc của ta khóc đời.
Thác đi
nghe khóc ai ơi,
Đó là
tiếng khóc của đời khóc ta.
Càng đi tìm hạnh phúc tuyệt
đối, con người càng thấy chán nản và thất vọng vì trong sự sung sướng nào cũng hàm chứa mầm mống của đau khổ. Nếu sự
sung sướng còn ngầm chứa đau khổ thì làm sao gọi được là hạnh phúc tòan hảo
được, nhất là sung sướng quá lại hóa ra đau khổ vì “Cực lạc sinh bi ai”. Vì
thế, có một thi sĩ nói rất chí lý :
Hoa nở để
mà tàn
Trăng
tròn để mà khuyết
Mây hợp
để mà tan
Nước đầy
để mà vơi…
bởi vì cái gì đi đến chỗ tròn đầy thì lại bị khuyết, không có cái gì vĩnh
viễn tòan hảo.Cái biện chứng của sự sống và niềm hoan lạc ở trên đã chứng tỏ vì
“Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt”
”(Xuân Diệu).
Truyện : Vua Omar đi tìm hạnh phúc.
Trong truyện cổ văn chương
Hy lạp có kể : có một ông vua muốn đi tìm hạnh phúc. Oâng cho vời các triết gia
đến để hỏi ý kiến. Có một triết gia tâu : “Muốn tìm được hạnh phúc, nhà vua hãy
tìm cho bằng được người nào hạnh phúc nhất trên trần gian và xin họ cho cái áo
lót mà mặc”. Ôâng đi tìm khắp cả thiên hạ, đi suốt cả mấy chục năm mà không gặp.
Khi về già gần chết, nhà vua
tình cờ gặp bác nông phu mồ hôi nhễ nhãi, vai vác cầy, vừa đi vừa hát vui vẻ. Nhà
vua bèn hỏi :
- Chắc nhà ngươi được hạnh phúc lắm nhỉ ?
- Thưa, đúng thế, tôi được
hạnh phúc.
- Nhà ngươi cho ta xin cái
áo lót.
- Thưa, tôi chỉ có cái quần
đùi thôi, không có áo lót.
Thế là nhà vua buồn phiền bỏ
đi vì không tìm được hạnh phúc, không có thể kiếm được cái áo lót của anh nông
phu mặc vào cho được hạnh phúc.
Câu truyện này chỉ có tính cách ngụ ngôn và dạy
rằng : người ta không thể tìm được hạnh phúc ở đời này, người ta chỉ có thể tìm
được hạnh phúc tương đối, và hạnh phúc đó không ở trong của cải, chức quyền,
danh vọng nhưng ở ngay trong lòng mình.
2. Hoan lạc và đau khổ đối
với ta.
a) Hoan lạc hay đau
khổ ở trong lòng ta.
Tại
sao có những người ở trong hòan cảnh túng thiếu, họan nạn, rủi ro mà vẫn thấy
vui vẻ; trái lại, có những người sống trong của cải, chức quyền, danh vọng,
được đủ mọi sự mà vẫn cảm thấy đau khổ ? Tại sao lại có sự trái ngược như vậy ?
Cái gì tạo nên đau khổ hay sung sướng ?
Một
triết gia đã nói :”Tư tưởng của ta làm sao thì đời ta như vậy”. Câu nói đó rất
hợp tâm lý vì trong con người có mối
tương quan tâm sinh lý rất chặt chẽ : người khỏe mạnh thì dễ vui tươi, người
bệnh họan sẽ buồn chán. Mình cho là khỏe
mạnh thì sẽ khỏe mạnh, mà cho là bệnh thì tức khắc bị bệnh, không thiếu những
người đã mắc bệnh tưởng mà hóa ra bệnh thật, mặc dầu họ không có bệnh gì.
Ta
có thể đem ra một ví du : Trong một phòng triển lãm, mọi người đang ngắm bức
ảnh “Thác Cam ly”. Đứng trước bức tranh ấy, mỗi người có một ý nghĩ riêng, một
tâm tình riêng : người khen đẹp, người chê xấu, người thấy vui, người thấy
buồn. Tại sao đứng trước cùng một bức ảnh mà mỗi người lại có một tâm tình
riêng tư như vậy ? Đó là vì mỗi người đã mang sẵn một tư tưởng, một tâm trạng
riêng tư, rồi họ phóng chiếu tâm tư của mình lên bức ảnh để mặc cho bức ảnh một
mầu sắc hợp với tâm trạng của mình đang chứa sẵn trong lòng. Về điểm nay, ta
thấy Nguyễn Du nói rất tâm lý :
Cảnh
nào cảnh chẳng đeo sầu
Người
buồn cảnh có vui đâu bao giờ ?
Một
ví dụ khác trong truyện Kiều : Đứng trước mộ Đạm Tiên, ai nấy đang đi hưởng
xuân trong ngày hội Đạp thanh, tâm hồn thanh thóat, hòa mình vào với cỏ cây mây
nước, niềm vui phơi phới nở trong lòng, không để ý đến :
Sè
sè nấm đất bên đàng
Rầu
rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh
Trong khi đó, nàng Kiều cảm thấy
một nỗi buồn man mác trổi dậy trong lòng. Nàng thương khóc cho kiếp đời của Đạm
Tiên đang thời xuân sắc mà “Nửa chừng xuân thoắt gẫy cành thiên hương”, bởi vì
nàng Kiều linh cảm thấy rằng đời mình sẽ không khác gì số phận của Đạm Tiên…
b)
Hãy quên đi những bất hạnh.
Hãy
nghĩ tới những thành công trong đời mình mà quên đi những thất bại, rủi ro. Ai
trong đời đã không có lúc thành công, vui vẻ…? Tại sao trong bài nhạc du dương
ta chỉ chú ý tới mấy cung ngang khó chịu : cái khó chịu của nốt cảm âm là để
chuẩn bị cho cái khoan khóai của nốt chủ âm. Công dụng của cảm âm chỉ có thế,
nó chỉ là cung lướt qua, tại sao ta lại dừng ở cảm âm phụ thuộc ấy mà quên đi
chủ âm là chính ?
Thi sĩ Tú Mỡ là con người vui
tính, lạc quan, yêu đời. Người ta hỏi làm sao mà vui được như vậy ? Ôâng cho
biết : hãy tạm quên tất cả những đau buồn, những thất bại mà chỉ nghĩ đến những
cái hạnh phúc, những may mắn và thành
công của mình đang và đã được hưởng.
c)
Nhìn đời bằng con mắt lạc quan.
Trong
đời sống của mình, ai lại không gặp những cảnh thất bại buồn chán ? Ai không
phải chịu đau khổ ? Nhưng không phải đời
chỉ là bể khổ như nhà Phật chủ trương “Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến
mê”, vì trong một năm có mùa đông ảm đạm
thì cũng có mùa xuân tươi sáng chứ đâu chỉ có một mùa xuân triền miên ! Hãy
nhìn đời bằng đủ mầu sắc mà sự vật có. Nếu không thì nhìn bằng con mắt mầu hồng
hơn là bằng mầu tím : nhìn đời thấy đáng ghét, ai cũng là kẻ thù của mình, ai
cũng chỉ tạo cho mình những sự đau khổ…! Mầu tím chỉ làm cho ta thêm bi quan để
rồi nhìn đời và tự hỏi như thi sĩ Tản Đà Nguyễn khắc Hiếu :
Đời
đáng sống hay không đáng sống
Nhấp
chén quỳnh xin hỏi bạn tri âm.
Hãy
tập nở nụ cười trên môi, nụ cười sẽ giúp con người dễ vui tươi hơn. Người Anh
quốc luôn nhắc nhở câu “Keep smiling”(Hãy giữ nụ cười). Bạn hãy vào rừng và thử
cười vang xem trong rừng có gì ? Chắc cả khu rừng cùng cười với bạn. Nếu bạn
vui cười thì đời cũng cười theo và bạn tạo cho những người khác một niềm vui.
Đừng bao giờ có nét mặc đám tang kẻo mọi người cùng phải khóc với bạn. Đời đâu
phải là một đám tang !
d)
Tự nguyện chấp nhận đau khổ.
Ôâng
Lesseps, giữa bao nhiêu chua cay đau đớn, vẫn giữ được khuôn mặt vui tươi như
hoa nở. Có người lấy làm lạ, ông trả lời :
-
Có chi đâu. Tôi chiến thắng đời sống phức tạp, bằng cách luôn luôn niềm nở
sống.
Bóng
mặt trời, khi ta cong lưng chạy xuôi, nó chạy trước chặn lối ta đi. Nếu ta quay
đầu đi ngược lại phía mặt trời, bóng đen
liền nhường bước cho ta đi trước, và lui về phía đàng sau. Các sự trái ngược
trên đời cũng thế. Nếu ta cong lưng chạy trốn, chúng nó càng chặn lối ta đi.
Nếu ta làm mặt hiền hòa, bình tĩnh đón nhận, chúng nó sẽ mất hết cả sức mạnh mà
làm hại ta.
Ôâng
Herbert Casson nói :”Nếu không cởi mở được phương diện phóng khóang và dễ dãi
của bản tính ta, thì ta sẽ phải rầu rĩ suốt đời”. Trái lại, nếu cởi mở được tâm
hồn, nếu biết giữ cho tính tình được đều hòa, cho quả tim được hô hấp thanh thả
thì các gây cấn trên đời đều phải thay đổi bộ mặt dữ tợn đi.
Trong
cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, chúng ta thấy khi phải cưỡng bách vác thập giá
Chúa, ông SIMON phản kháng ầm ĩ. Nhưng (người ta truyền rằng) khi con mắt của
ông gặp được con mắt hiền từ của Chúa,
là mỗi thấy thập giá nhẹ, nhẹ dần. Không phải vô lý mà thánh Têrêsa Hài đồng nói :”Các khổ giá trên đời, nếu
kéo lê thì thấy nặng, nếu ẵm lên thì thấy nhẹ”.
(Vũ
minh Nghiễm, Dừng, 1967, tr 263-264)
3.
Thánh hóa đau khổ và thử thách.
Đau
khổ ở đâu cũng có, không ai tránh được. Vấn đề đặt ra ở đây không phải là chấp
nhận đau khổ hay không mà là chấp nhận
đau khổ với ý hướng nào ? Vấn đề của chúng ta bàn là hãy tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa,
trao phó cho Ngài tất cả với tâm tình con thơ yêu mến để được sống trong sự
bình an thật của Chúa.
a)
Thánh ý Chúa trên hết.
Chúa
khôn ngoan hơn ta, Ngài xếp đặt mọi sự một cách tài tình vượt trên sự khôn
ngoan của lòai người. Hãy phó dâng cho Chúa tất cả và tin tưởng phó thác cho
Ngài như thánh Têrêsa Hài đồng đã làm.
Truyện
: Con chọn tất cả
Một
ngày kia, chắc là chị Léonie nghĩ mình lớn rồi không tiện chơi em phỗng nữa.
Chị cầm cả cái rổ con của chị đầy những áo, những mụn vải đẹp và nhiều đồ quí
hóa khác, có cả em phỗng đang nằm trơ hơ ở trên, chị đến với hai chúng con mà
bảo rằng :
- Cho em chọn, em nào muốn lấy gì
thì lấy.
-
Chị Céline nhìn, rồi chọn lấy búi chỉ lụa ngũ sắc. Còn con, con nghĩ một giây
rồi nói :
-
Em chọn ráo.
Con
vừa nói, vừa vơ lấy cả rổ, cả em phỗng.
Cử
chỉ thơ ngây này coi như một toát yếu của đời
con. Đến sau, khi con đã biết ái mộ đường nhân đức, con hiểu rằng muốn
nên thánh, cần phải chịu đau khổ nhiều, phải luôn luôn tìm sự trọn hảo nhất,
phải quên mình đi cho hẳn. Đàng trọn lành thánh thiện có nhiều bậc, mỗi linh
hồn được tự do tiến tới theo ơn Chúa,
được tự do hành động nhiều ít tùy sở nguyện; tắt một lời, được tự do chọn trong những cách hy sinh mà Chúa muốn.
Vậy
như hồi thơ ấu, con đã kêu cùng Chúa rằng :
Lạy
Chúa, con chọn ráo, con không muốn làm thánh nửa vời; con chẳng sợ như thế thì
phải chịu đau khổ nhiều vì Chúa đâu, con
chỉ sợ điều này là không bỏ được ý riêng con thôi. Xin Chúa nhận lấy ý riêng
con, bởi vì con chọn tất cả những sự Chúa muốn, con chọn trót ý Chúa (Têrêsa
Hài đồng, Một tâm hồn, Kim Thiếu Dịch, 1960, tr 23).
b)
Tìm sự bình an trong Chúa.
Một
khi đã trao phó hết cả đời mình cho Chúa, chúng ta sẽ cảm thấy tâm hồn mình
được bình an trong những cơn thử thách. Gặp thử thách mà nói là bình an thì kể
là vô lý, nhưng bình an đây không phải là bình an bên ngòai, nhưng là bình an
trong tâm hồn, bình an của Chúa ban. Đang lúc các tông đồ buồn phiền vì phải xa
lìa Chúa, đang lúc họ sợ trước sự dữ sắp xẩy tới thì chính lúc đó Chúa lại nói
:”Thầy để lại sự bình an cho các con… Thầy không ban sự bình an thế gian quen
cho. Lòng các con đừng bối rối sợ hãi nữa”(Ga 14,17)
Người
Kitô hữu, nhất là tu sĩ, đã biết mục đích của đời mình, họ biết những thử thách
là dịp lập công, là dịp để chứng tỏ lòng trung tín. Họ cảm ơn Chúa khi Ngài gửi cơn thử thách tới. Trong cơn thử
thách, họ tin rằng Chúa hằng ban ơn giúp sức để họ chịu đựng cho can trường.
Hiểu
như thế, người Kitô hữu trong cơn thử thách luôn hưởng sự bình an trong tâm
hồn. Bởi vì “Đối với ai phải luận phạt thì cây Thánh giá là cái chi điên
rồ, nhưng đối với anh em là những người
được cứu rỗi, thì cây Thánh giá là sức mạnh”(1Cr 1,18).
Truyện : Nhạc sĩ
Beethoven bị điếc.
Với
ông Beethoven, thế giới mới của ca nhạc đã được xuất hiện. Năm 1822, chính lúc
ông đã leo lên tới đỉnh sự vinh quang, thì bỗng nhiên ông bị điếc đặc. Hôm đó,
muốn thân hành điều khiển cái bài Fidelis của mình đã dọn; thử đi thử lại, cứ
thấy người với đàn làm sao ấy, thì ra ông đã điếc lúc nào rồi. Ôâng kêu lên
:”Tôi điếc rồi” ! Mất ông, thế giới ca nhạc mất to quá, mà sự thật đó không thể
chữa được.
Ai
đáng phàn nàn hơn, có lẽ nhất ông Beethoven, song ông chẳng phàn nàn, không rên
rỉ, chẳng tiếc, ông chỉ nói :”Tôi sẽ nắm lấy số phận ngay ở cổ họng”, nghĩa là
tôi sẽ hòan tòan theo thánh ý Chúa định; và ông đã phải chịu điếc như vậy cho
đến khi qua đời, là năm 1827.
(Trần
công Hóan, Truyện hay 3, 1963, tr 55-56)
c)
Tuân phục thánh ý Chúa trong hết mọi sự.
Hãy
tuân phục thánh ý Chúa trong hết mọi sự và vô điều kiện. Chính vua Đavít đã làm
gương cho chúng ta : Khi Đavít ra khỏi thành Giêrusalem để trốn thóat cuộc bắt
bớ của con là Absalon, thầy cả thượng phẩm Sađốc truyền mang theo ngài hòm bia
để làm vật cấp cứu trong cơn nguy hiểm gần gũi như thế và làm một sự bảo đảm
cho cuộc trở về may mắn cho nhà vua. Nhưng vua thánh xin thầy cả thượng phẩm
truyền đem hòm bia trở về thành vì Chúa sẽ đưa vua về bình an, nếu Chúa muốn.
Đọan vua nói thêm :”Nếu, trái lại, Chúa dạy tôi : ngươi không đẹp lòng Ta, Ta
sẽ rút lòng yêu của Ta khỏi người. Ta không muốn ngươi cai trị dân Ta nữa, Ta
muốn lột khỏi ngươi chiếc áo hồng bào để mặc cho kẻ địch của ngươi, đuổi ngươi
khỏi ngai vàng, để đem đặt kẻ thù của ngươi vào đó, và ban cho nó vinh quang,
thì tôi sẵn sàng, xin hãy làm cho tôi như ý Chúa muốn”.
Chúng
ta cũng phải nói như thế, bất kỳ chúng ta sống trong hòan cảnh nào. Chúng ta ý
tứ đừng bỏ việc thực hành điều đó với cái lý lẽ mơ hồ là chúng ta không thể
nhịn nhục anh hùng như thế được. Vì quả thực chính Chúa hành động trong ta,
miễn là chúng ta không chống lại ân sủng Ngài.
d)
Phải thực hành hằng ngày.
Mỗi
ngày và mỗi lúc, hãy noi gương thánh nữ Gertrude lặp đi lặp lại :”Xin cho thánh
ý Chúa được nên trọn trong con”. Và mỗi khi đọc kinh Lạy Cha, ta hãy ý thức
hơn khi đọc :”Ý Cha thể hiện dưới đất
cũng như trên trời”, nghĩa là không phải ý riêng của ta mà thánh ý của Thiên
Chúa được thực hiện nơi ta. Nên thánh không hệ tại việc đọc kinh nhiều hay làm
nhiều việc hãm mình nhưng là do sự cố gắng tuân phục thánh ý Chúa.
Truyện : Thày dòng
tuân phục ý Chúa.
Có
một thầy dòng làm được rất nhiều phép lạ, song trong đời sống, thầy chẳng có gì
là đặc sắc hơn anh em. Muốn tìm hiểu sự
thánh thiện nơi thầy, Cha Bề trên gọi thầy đến và hỏi thầy có hãm mình hay làm
việc gì khác thường chăng.
Nghe
Bề trên hỏi điều như thế, thầy dòng đứng ngẩn ra một lúc rồi thưa rằng mình chẳng hề hãm mình hay làm sự gì khác
thường; hằng ngày mình chỉ chăm chú đến một điều là muốn sự Chúa muốn, và chẳng
muốn sự gì Chúa không muốn. Và trong thực tế,
tâm trạng của thầy hòan tòan lệ thuộc vào thánh ý của Thiên Chúa. Thầy
nói :
-
Hạnh phúc chẳng làm con hớn hở, gian nan không khiến con buồn sầu, bởi vì con
nhận ra mọi sự đều do ở Chúa. Hết mọi lời con nguyện đều nhằm một mục tiêu là
để xin cho thánh ý Chúa được hòan tòan thực hiện nơi con. Mà cho được như vậy,
tất nhiên phải có sự hy sinh.
Cha
Bề trên hỏi thêm thầy rằng :
-Vừa mới rồi, kẻ nghịch đốt ruộng
nương hoa mầu nhà dòng, làm chết các muông súc, thầy có lấy việc đó làm khó
chịu không ?
- Thưa Cha, không, vì bao giờ con
cũng nghĩ rằng : việc gì Chúa đã làm tức là việc hay, và con nhìn thấy thánh ý
Chúa trong mọi biến cố.
Nghe nói thế, Cha Bề trên liền
nhận ra rằng thầy ấy là người có nhân đức cao, và rất đẹp lòng Chúa (Trần công Hóan, truyện hay 6, 1963, tr
77-78).
KẾT LUẬN
Qua phần trình bầy ở trên chúng
ta đã thấy sự cần thiết và ích lợi của đau khổ và gian nan thử thách cũng như ý
nghĩa thiêng liêng cao quí của nó. Muốn được rỗi, muốn lên thiên đàng, muốn nên
thánh, thiết tưởng không có con đường nào khác ngòai đường thánh giá, con đường
hy sinh, chịu khổ. Phải vất vả lắm mới được.
Truyện vui :
Phương pháp rẻ tiền.
Một
bà đeo đầy nữ trang trên người nhưng
gương mặt thì sần sùi đầy những thẹo, vào một thẩm mỹ viện hỏi bác sĩ :
-
Bác sĩ có thể làm cho da mặt tôi phẳng phiu hơn không ạ ?
-
Được chứ. Tôi sẽ làm cho da mặt bà mịn màng như trước khi thẹo.
-
Thưa bác sĩ, làm như vậy thì tốn chừng bao nhiêu ạ ?
-
Thưa tốn độ 100.000 đồng.
Bà
khách kêu lên :
- Trời ! Sao đắt dữ vậy ? Có cách
nào rẻ hơn không bác sĩ ?
Bác sĩ gật đầu đáp ngay :
- Có chứ ! Bà có thể mua một
miếng vải mỏng về che mặt. Cách đó tốn mấy ngàn thôi.
(Lý
đình dù, Truyện đọc hai người, 1971, tr 20-21)
THÁNH
GIÁ là một cái gì khủng khiếp, man rợ, nhưng nó lại cần thiết vì không có đổ
máu thì không có ơn cứu chuộc. Thánh Phaolô nói:”Đối với ai phải luận phạt thì
cây thánh giá là cái chi điên rồ, nhưng đối với anh em là những người được cứu
rỗi, thì cây thánh giá là sức mạnh”(1Cr 1,18).
Hãy
vui lòng vác Thánh giá thì cây Thánh giá sẽ nhẹ đi vì ta có đủ sức chịu đựng,
vác nổi một cách dễ dàng với ơn Chúa :”Tôi có thể chịu đựng mọi sự nhờ Chúa ban
sức mạnh cho tôi”(Pl 4,13). Ta nên nhắc lại một lần nữa lời của thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu đã nói :”Các khổ
giá trên đời, nếu kéo rê thì thấy nặng, nếu ẵm lên thì thấy nhẹ”.
Hãy theo gương Mẹ Maria mà XIN
VÂNG cho ý thức và thực hiện chữ Vâng đó. Nhờ thực hiện tiếng Vâng đó mà Đức
Maria được gọi là Đấng Đồng Công cứu
chuộc lòai người. Mẹ đã vui lòng đứng kề bên thánh giá Chúa để chia sẻ sự thống
khổ của Chúa Giêsu trên thánh giá. Chúng ta cũng hãy theo gương Mẹ cộng tác vào
công cuộc cứu cứu thế của Chúa bằng
chính sự tuân phục của chúng ta trước những gian nan thử thách của đờøi sống.
Trong khi chịu đau khổ, ta hãy vui lên vì phần thưởng của chúng ta đang chờ đón
:”Anh em hãy vui mừng, tuy rằng có phải sầu khổ vì nhiều thử thách trong ít
lâu. Ngõ hầu đức tin anh em được thử thách trở nên quí hơn vàng (thử lửa) mà
được ca tụng vinh hiển và tôn trọng khi
Chúa Kitô hiện ra”(1Pr 1,6-7).
Ôi
Giêsu ! Trước ngày thuyền về Bến,
Ước
làm sao sóng gió đánh tả tơi,
Con
ước ao được khổ lắm trên đời,
Để
kết lại một tràng hoa Thánh giá.
(Xuân
Ly Băng)
Lm Giuse Đinh lập Liễm
Giáo xứ Kim phát
Lễ Suy tôn Thánh giá
2008