NGÔI HAI GIÁNG TRẦN

+++

 

          Nhân dịp lễ Chúa Giáng sinh, chúng ta hãy suy niệm về tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta qua việc Ngôi Hai giáng trần. Từ đó chúng ta rút ra được bài học yêu thương vô vị lợi của Thiên Chúa để chúng ta biết yêu thương nhau bằng chính tình yêu  mà Ngài đã dành cho chúng ta.

 

I. CÂU CHUYỆN HI HỮU.

 

          Chúng ta hãy mở đầu bài suy niệm bằng một câu chuyện “Phải chăng là một người điên”?

          Có một vở kịch làm cho chúng ta phải suy nghĩ, nhan đề là “Hai mươi phút với một Thiên Thần”. Nội dung câu truyện : nhân một chuyến đi công tác xa, hai người đàn ông đã say sưa nhậu hẹt hết nhẵn cả tiền. Túng thì phải tính. Hai ông bèn phân công nhau đi mượn hàng xóm vài ngàn làm lộ phí, nhưng ai cũng từ chối. Bỗng có một người lạ mặt, sau khi nghe biết tình cảnh của họ, bèn cho  họ hẳn 200.000 đồng.

 

          Điều gì đã xẩy ra ? Kỹ sư nông học là người cho tiền đã bị gọi là lão điên, là thằng ngu, kẻ ăn cắp, tên lưu manh, gã bụi đời… Thế là ông kỹ sư bị hai người say sưa đó hành hạ đủ kiểu, nhục mạ đủ điều suốt trong 20 phút chỉ vì họ muốn biết mục đích, hay ý đồ của hành động cho không một số tiền lớn như thế !

 

          Câu chuyện này làm cho chúng ta phải suy nghĩ  để  tìm ra ý nghĩa của vở kịch đó, tìm ra ý nghĩa của một nghĩa cử tốt đẹp đóù. Bình thường ra, ít người muốn cho vay mượn, đặc biệt với một người xa lạ, không biết danh tính của họ. Không cho vay cũng là chuyện bình thường, mà cho không một món tiền lớn là chuyện không bình thường.

 

          Tại sao vậy ? Bởi vì theo quan điểm thời nay là không ai bỏ tiền ra, nhất là món tiền lớn, mà lại không muốn thu về cho mình mối lợi lớn hơn. Cái nguyên tắc lợi nhuận này cộng thêm lòng vị kỷ đã trơ ûnên một động cơ thúc đẩy mạnh mẽ, một định luật hướng dẫn đời sống con người đến nỗi nó có thể đảo ngược luân thường đạo lý dễ dàng, biến đổi tiếng nói lương tri từ trắng ra đen một cách mau lẹ.

 

          Câu chuyện này làm cho chúng ta liên tưởng đến việc Thiên Chúa Giáng trần. Việc giáng trần của Ngôi Hai Thiên Chúa trở nên một việc không bình thường đối với lối suy nghĩ  của loài người.  Loài người bất cư ùlàm việc gì cũng có ý tìm cái lợi cho mình một cách trực tiếp hay gián tiếp. Có khi còn lợi dụng người khác để tìm lợi ích cho mình mặc dầu xét theo bề ngoài đó là việc bác ái đáng khen ngợi.

 

Tại sao Thiên Chúa lại hành động như vậy ? Lý do nào thúc đẩy Thiên Chúa sai Con Một của Ngài xuống thế làm người để cứu chuộc nhân lọai qua cái chết đau thương trên thập giá ? Thật khó lòng tưởng tượng nổi !

 

 

II. Ý NGHĨA VIỆC NGÔI HAI GIÁNG TRẦN.

 

          1. Ngược dòng lịch sử.

 

          Theo Thánh Kinh, Thiên Chúa đã dựng nên Adong-Evà, đặt họ vào trong Vườn Địa đàng và ban cho ông bà đầy ơn tự nhiên và siêu nhân, không phải chịu đau khổ, không phải chết, được làm con Chúa và được sống đời đời. Tuy thế, ông bà phải chịu thử thách về lòng trung thành của mình : Thiên Chúa cho ông bà hưởng mọi thứ trong vườn, chỉ trừ cây biết lành biết dữ, nếu ăn vào sẽ phải chết. Nhưng ông bà đã hành động ra sao ? Thưa, chỉ vì nghe lời phỉnh nịnh của con rắn -  tượng trưng cho ma quỉ -  bà Evà đã bứt quả cấm mà ăn, lại còn trao cho ông Adong ăn nữa. Tức thì ông bà cảm thấy mình trần truồng, xấu hổ không dám trình diện trước mặt Chúa nữa.

 

          Kết quả ra sao ?  Thiên Chúa đã lên án con rắn vì đã cám dỗ ông bà (St 3,14-15). Thiên Chúa cũng lên án cho bà Evà phải mang nặng đẻ đau, phải tùng phục chồng mình(St 3,16). Còn đối với Adong, vì đã nghe lời vợ,Thiên Chúa cũng bắt ông phải đổ mồ hôi sôi nước mắt ra mới có của ăn, đất đai sẽ trổ sinh gai góc. Và sau cùng, tất cả đều phải chết vì được sinh ra bởi bùn đất và sẽ phải tở về cung đất bùn (St 3,17-19).

 

          Chết đây không có nghĩa chỉ là chết về thể xác mà nhất là chết về phần linh hồn. Ôâng bà coi như đã chết trước mặt Chúa và phải sống dưới quyền lực của tội lỗi và ma qủi. Ôâng bà đã mất quyền làm con Chúa và mất sự sống đời đời.

 

          Tuy thế, Thiên Chúa không bỏ rơi con người. Ngài hứa sẽ ban Đấng Cứu thế đến để giải thóat con người khỏi quyền lực của tội lỗi và ma quỉ, để đem con người được trở lại làm con Chúa và được hưởng sự sống đời đời :”Ta sẽ đặt mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng dõi mi và dòng dõi người ấy; dòng dõi đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó”(St 3,15).

 

          2. Ngôi Hai thực hiện ơn cứu chuộc.

 

          Khi thời gian đã mãn, Thiên Chúa sai Con Một của Ngài xuống thế, nhập thể trong lòng trinh nữ Maria và đã thành người phàm. Đức Maria đã cưu mang Đấng Cứu thế 9 tháng, và khi đến ngày mãn nguyệt khai hoa, Ngài đã sinh Con trong hang đá Be lem.  Ngôi Hai Thiên Chúa làm người đã được sinh ra trong hang đá Be lem lạnh lẽo hôi tanh, không ai biết tới, chỉ có thiên  thần ca hát trên không trung :

 

                                      Vinh danh Thiên Chúa trên trời

                             Bình an  dưới thế cho lòai người Chúa thương.

 

          Đức Giêsu đã qua thời trai trẻ tại Nazareth, sống phục tùng cha mẹ, cộng tác với thánh Giuse trong nghề thợ mộc để nuôi sống gia đình. Đây là thời gian Đức Giêsu được huấn luyện để trở thành người trưởng thành “tam thập nhi lập”.

 

          Quãng 30 tuổi Ngài đi rao giảng Tin  mừng Nước Trời, đi khắp nơi rao giảng kèm theo việc chữa bệnh, trừ quỉ và làm cho kẻ chết sống lại. Tuy thếâ, công việc rao giảng của Ngài không được người ta chấp nhận. Ngài bị chống đối và còn bị người ta ám hại nữa. Và sau cùng, Ngài bị người ta bắt nộp cho nhà cầm quyền, bị đánh đập và bị giết chết trên thập giá. Ngài đã chết, xuống ngục tổ tông, sống lại và lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha và được phong làm Vua vũ trụ.

 

          3. Lý do việc Ngôi Hai giáng trần.

 

          Nếu hỏi lý do tại sao Thiên Chúa lại sai Con Một của Ngài giáng trần để chịu chết chuộc tội cho nhân lọai, chúng ta không thấy có lý do nào khác ngoài tình yêu.

 

          Thánh Gioan Tông đồ đã tiết lộ cho chúng ta lý do của chương trình đó khi Ngài nói :”Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ”(Ga 3,16-17).

 

          Thánh Gioan còn nói tiếp :”Thiên Chúa là Tình yêu”(1Ga 4,10). Thiên Chúa là Tình yêu và là nguồn mạch mọi tình yêu nên Thiên Chúa luôn hành động vì tình yêu.  Tình yêu đã thúc đẩy Ngài hành động mà những hành động của Ngài quá cao siêu đến nỗi con người không thể hiểu được.  Và với trí hiểu hạn hẹp và nông cạn của con người thì người ta chỉ có thể coi những hành động ấy là điên khùng. Tại sao người ta không muốn được cứu độ, lại còn chống đối, còn hành hạ, còn giết đi mà cứ yêu thương, muốn cứu họ ?  Tình yêu vô biên của Thiên Chúa đã khiến Ngài hành động như thế đấy.

 

          Thiên Chúa luôn hành động vì tình yêu.  Tình yêu vượt qua mọi ngăn cách. Tình yêu thắng vượt được tất cả. Thiên Chúa muốn đến với con người :

 

                                      Yêu nhau

                                      Tam tứ núi cũng trèo

                                      Thất bát sông cũng lội,

                                      Tứ cửu tam thập lục đèo cũng qua.

                                                (Ca dao)

 

III. BÀI HỌC CỦA LỄ GIÁNG SINH.

 

          1. Yêu thương nhau chân thành.

 

          Như trên đã nói : Ngôi Hai giáng trần chỉ vì yêu thương nhân loại đang đau khổ lầm than. Ngài đã tự nguyện xuống thế cứu chuộc loài người.  Thánh Phaolô trong bài thánh ca  đã vinh tụng tình yêu đó :”Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập giá”(Pl 2,6-8).

 

          Chúa Giêsu đã trút bỏ mọi vinh quang của Ngôi vị Thiên Chúa, mặc lấy thân xác loài người, chịu đau khổ và chết trên cây thập giá vì chúng ta. Đáp lại tình yêu đó, chúng ta cũng phải làm gì để tỏ lòng biết ơn Ngài ?  Có lẽ chỉ có tình yêu mới đáp lại được tình yêu, nên chúng ta phải yêu Ngài và yêu thương nhau như Ngài đã dạy trong Bữa Tiệc ly :”Đây là giới răn của Thầy : các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”(Ga 15,12).

 

          Thiên Chúa là Đấng chúng ta không trông thấy, còn anh em là những người chúng ta có thể tiếp  xúc một cách cụ thể hằng ngày. Thay vì yêu Chúa một cách trừu tượng, chúng ta hãy yêu thương nhau một cách cụ thể vì Chúa đã đồng hóa anh em chúng ta với Ngài. Có thể nói : Anh em là hiện thân của Chúa Kitô.

 

Truyện : thánh Martinô thành Tours.

 

          Ôâng là một quân nhân La mã và là một Kitô hữu. Một ngày mùa đông lạnh lẽo, khi ông đi vào một thành phố, có người hành khất chặn ông lại xin bố thí. Martinô không có tiền, nhưng ông thấy người hành khất xanh xao và run rẩy vì lạnh, Martinô đã cho những gì ông có : ông cởi chiếc áo nhà binh đã sờn rách và xé một nửa cho người hành khất.

 

          Tối hôm ấy ông nằm mơ thấy thiên đàng có các thiên sứ đang bao quanh Chúa Giêsu và Ngài đang mặc nửa chiếc áo lạnh nhà binh của ông.

 

          Một thiên sứ hỏi Ngài :

- Tại sao Ngài mặc chiếc áo sờn rách đó ? Ai đã cho Ngài áo đó ?

          Chúa Giêsu trả lời :

- Martinô, tôi tớ của Ta đã cho Ta đó.

 

2. Yêu thương vô vị lợi.

 

Thiên Chúa yêu thương chúng ta không phải để được chúng ta yêu lại vì “Ngài là Tình yêu “(1Ga 4,10) mà chỉ nhằm tạo hạnh phúc cho chúng ta. Nếu chúng ta yêu Ngài thì Ngài cũng chẳng được thêm gì, và nếu chúng ta không yêu Ngài thì Ngài cũng chẳng mất gì. Ngược lại, nếu chúng ta yêu Ngài thì chúng ta sẽ được rất nhiều, chúng ta được Ngài yêu thương và đổ tràn đầy ơn phúc cho chúng ta.

 

          Tình yêu đối với tha nhân phải là tình yêu vô vị lợi. Tình yêu đó đòi chúng ta phải quên mình để phục vụ. Phục vụ không phải để đem lợi ích đến cho chúng ta nhưng đem lại cho tha nhân.  Có thể nói “Yêu là cho đi”.  

 

          Người Việt nam chúng ta cũng có kinh nghiệm về vấn đề này.  Kinh nghiệm ngàn đời còn được cô đọng trong những câu ca dao mà bất cứ ai cũng thuộc lòng và thích ngâm nga trong những lúc nhàn rỗi :

                                      Yêu nhau cởi áo cho nhau,

                                     Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay.

                                                (Ca dao)

 

          Hơn nữa, Yêu  không phải chỉ là cho đi cái gì, mà là cho đi chính bản thân mình , bởi vì

 

                   Cái chuông mà bạn không lắc thì nó chẳng là cái chuông,

                   Bài hát mà bạn không hát thì nó chẳng là bài hát,

                   Tình yêu trong trái tim bạn không phải chỉ để nó ở đó,

                   Tình yêu mà bạn không cho đi thì nó chẳng phải là tình yêu”                                                                 (Baroness de Hueck)

                  

          Tình yêu vô vị lợi này đã được nhiều người thực hiện một cách triệt để, ví dụ Cha Damien, tông đồ người hủi ở Molokai, Cha Maximilianô Kolbê, người đã chết thay cho một anh trung úy ở trại tập trung Đức quốc xã, Mẹ Têrêsa Calcutta lập dòng Bác ái ở Aán độ, và mới đây, soeur Emmanuelle của Pháp mới qua đời…. Tình yêu đã không làm cho họ mệt mỏi, trái lại họ thấy được hạnh phúc trong khi phục vu :

 

                                      Yêu nhau vô giá quá chừng

                             Trèo non quên mệt, ngậm gừng quên cay.

                                                (Ca dao)

 

          Tình yêu vô vị lợi là tình yêu hướng tha, hướng về người khác chứ không phải là hướng kỷ. Nhưng trong thực tế con người dễ rơi vào khuynh hướng vị kỷ, nghĩa là yêu người để tìm lợi ích cho mình chứ không phải để tìm lợi ích cho tha nhân.  Tình yêu vị kỷ là một tình yêu trá hình đáng chê trách :”Phải chăng Ích Kỷ là một thứ “Ma cà rồng” nuôi sống mình bằng máu thịt của các sinh vật khác” (Ballanche) ?

 

          Tính vị kỷ làm mất hết tình người, làm mất đi ý thức đạo đức mà chỉ đem đau khổ đến cho người khác. Mà thực ra chính bản thân người ích kỷ cũng chẳng được hạnh phúc gì. Câu chuyện ngụ ngôn dưới đây đã nói lên thực tại đó.

 

Truyện : Một cọng hành.

 

          Bà lão xấu tính qua đời. Suốt cuộc sống, bà chẳng làm được việc lành nào. Vì vậy, Satan túm lấy bà lôi thẳng xuống biển lửa. Nhưng thiên thần bản mệnh không bỏ rơi bà, ngài suy nghĩ rất lâu và tự nhủ :”Tôi không thể nhớ được một việc lành nào bà ấy đã làm sao”? Thế rồi cũng nhớ ra, ngài hớn hở đến thưa với Chúa :

- Lạy Chúa, con nhớ rõ có lần bà ấy  bứt một cọng hành trong vườn nhà bà mà cho người ăn mày,

          Chúa đáp :

- Được, hãy lấy cọng hành ấy kéo bà ta ra khỏi biển lửa, nếu ngươi thành công thì bà ấy được cứu.

          Thiên thần bắt đầu kéo bà ấy lên thật cẩn thận. Nhưng khi những người khác thấy bà đang được kéo lên, họ thi nhau bám vào bà. Bà lão vốn chua ngoa và ích kỷ nên đạp lung tung và hét toáng lên :

          - Chỉ một mình tôi được cứu, cọng hành là của tôi, không phải của các người.

          Vừa lúc ấy cọng hành đứt làm đôi, bà ta lại rơi vào biển lửa và ở đó mãi mãi. Thiên thần quẹt nước mắt bay đi  (Dostoyewski).

 

          3. Yêu thương trong phục vụ.

 

          Người ta thường nói :”Có đi có lại mới toại lòng nhau”(Tục ngữ) Nếu  không có đi thì làm gì có lại. Nếu không có cái gì cho đi thì làm gì có cái gì cho lại vì phải theo qui luật “Bánh ít trao đi, bánh qui trao lại” hoặc “Ông đưa chân giò, bà thò chai rượu” mà ! Chúa ban muôn vàn ơn cho chúng ta, vậy chúng ta có gì dâng cho Chúa không.

          Người đàn ông nọ kêu ca :

- Cho đi, cho đi, cho đi… chẳng có cái gì khác để nói ngoài cái cho đi sao ?

          Thiên thần đáp :

- Thế à ? Vậy chúng ta giao kèo nhé : bây giờ ông ngừng cho một giây, Thiên Chúa cũng ngừng ban cho ông, được chứ ?

 

          Nếu hiểu đúng câu tục ngữ “Có đi có lại mới thoại lòng nhau” thì chúng ta thấy cái gì cho đi thì không mất vì cái cho đi đã nẵm sẵn trong cái cho lại rồi. Chúng ta thử nghĩ xem : chúng ta cho đất một hạt giống thì đất sau khi đã làm cho hạt giống mục nát ra  sẽ đem lại cho chúng ta một bông lúa. Như thế, cái cho lại đã năm sẵn trong cái cho đi.

 

          Ở nhà thờ Westminter Abbey có dòng chữ khắc trên bia mộ của Christopher Chapman năm 1860 như sau :

                             Những gì tôi cho đi là tôi có,

                             Những gì tôi tiêu xài là tôi đã có,

                             Những gì tôi gửi lại là tôi mất.

                                     (Christopher Notes)

 

          Thiên Chúa ở gần chúng ta. Ngay bên cạnh mà chúng ta không thấy. Nếu chúng ta muốn trực tiếp dâng cho Chúa lễ vật thì cũng không được, nhưng chúng ta có thể dâng cho Chúa một cách gián tiếp qua tha nhân vì tha nhân là hiện thân của Chúa .  Và vì vậy, phần thưởng bội hậu của chúng ta sẽ được dành sẵn ở trên trời.

 

Truyện : Một hạt gạo.

 

          Truyền thuyết Aán độ kể về một nông dân đeo bị gạo trên vai và bất chợt gặp vị thần. Vị thần nói :”Cho ta xin ít gạo”. Anh nông dân thò tay vào bị, lấy ra một hạt gạo nhỏ nhất trao cho vị thần.

          Vị thần biến hạt gạo ấy thành hạt vàng rồi đưa lại cho anh nông dân. Bấy giờ anh tiếc ngẩn tiếc ngơ vì đã không trao cả bị gạo cho thần (Willi Hoffsuemmmer).

 

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt

 

 

 

 


Mục Lục