TUỔI TRẺ VÀ ƯỚC 

Chia sẻ Mùa Chay cho giới trẻ

 

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA.

 

          Sau 33 năm tại thế  và cách riêng sau ba năm đi truyền giáo để chuẩn bị cho ngày kết thúc sứ mạng trên thập giá để cứu chuộc nhân loại, Chúa Giêsu cùng các môn đệ ăn mừng lễ Vượt Qua theo truyền thống Do thái.  Trong tình thân mật của thầy trò trong những giờ phút cuối đời, Chúa Giêsu nói với các môn đệ :”Thầy ước ao được ăn lễ Vượt Qua này với các con trước khi Thầy chịu khổ nạn”(Lc 22,15).

 

          Sở dĩ Chúa Giêsu nói Ngài ao ước ăn lễ Vượt Qua này là vì Ngài đã chuẩn bị từ lâu và mong mỏi cho ngày đó mau đến. Lễ Vượt Qua của người Do thái  chỉ là kỷ niệm một biến cố lịch sử, còn Chúa Giêsu thiết lập lễ Vượt Qua mới thay thế cho lễ Vượt Qua cũ bằng cái chết của Ngài trên thập giá.

 

          Điều Chúa Giêsu ao ước là điều Ngài hằng ấp ủ trong lòng, và chính ao ước ấy đã chi phối và hướng dẫn Ngài hành động tới đích. Ngài tiến tới cái điều đã ao ước và cái ao ước nồng nhiệt của Ngài là thi hành trọn vẹn thánh ý Cha trên trời :”Xin hãy theo ý Cha, đừng theo ý Con”. Và thánh ý Cha là Ngài nhận lấy cái chết ô nhục trên thánh giá để đem lại ơn cứu rỗi cho nhân loại.

 

          Chúng ta có thể gọi Chúa Giêsu là người trẻ chứ không phải người già, tuy đã là “tam thập nhi lập” bởi vì Ngài đã có những ước ao mãnh liệt làm đảo lộn cả thế giới. Tuổi trẻ của các bạn sấp sỉ bằng tuổi Chúa Giêsu : quãng 30 tuổi. Với 33 năm tại thế, Chúa Giêsu đã ôm ấp mộng ước là cứu thế, chuộc tội cho thiên hạ bằng cái chết, mà chỉ dành có ba năm cuối  đời để thực hiện. Thế mà Đức Giêsu đã hoàn tất được một công trình vĩ đại đến nỗi đã dám nói :”Mọi sự đã hoàn tất”(Ga 19,20).

 

          Sở dĩ, Đức Giêsu đã hoàn tất lý tưởng ấy là vì trong 30 năm Ngài đã ôm ấp lý tưởng ấy và chỉ chờ đến ngày thực hiện.  Vậy anh chị em cũng phải biết ước mơ, không có ước mơ thì không còn là tuổi trẻ nữa mà đã già cả rồi.

 

          Người ta nói : người già hướng về quá khứ, trẻ con hướng vào hiện tại, còn tuổi trẻ thì hướng về tương lai. Tương lai là cái chưa có, nó mới chỉ là ước mơ mà có ước mơ thì mới có đi tới được :

                                      Tuổi xuân xanh giữa đôi đời

                             Tim hồng nhắm thẳng phương trời xa xăm.

 

II. ƯỚC MƠ VƯƠN TỚI.

 

          1. Tuổi của ước mơ.

 

          Tuổi trẻ là tuổi của những ước mơ, của những khát vọng. Tuổi trẻ cũng là tuổi của những dự phóng và sáng tạo. Tuổi trẻ cũng là tuổi nhiệt thành năng nổ, dám dấn thân và chấp nhận gian khổ. Và tuổi trẻ chưa có, hay là thiếu kinh nghiệm, nhưng chính vì thiếu kinh nghiệm nên tuổi trẻ dễ liều mạng, ít chần chừ tính hơn thiệt.

 

          Người lớn nhìn xa thấy rộng, dễ tương đối hóa mọi sự, trái lại người trẻ chưa hiểu biết nhiều, nên thường đơn giản hóa mọi sự việc, cộng thêm với tính hiếu thắng, khiến họ muốn thực hiện cho kỳ được  những dự phóng của mình.

 

a)   Ước mơ thông thường.

 

Bất cứ một người trẻ nào cũng có một ước mơ tốt đẹp cho tương lai. Đối tượng của ước mơ đó rất khác nhau, tùy từng người.  Có người muốn trở thành một giáo sư, một bác sĩ, một cầu thủ bóng đá, một diễn viên điện ảnh, một ca sĩ, một nhà chính trị nổi tiếng… Chắc chắn không ai muốn cho mình có một tương lai đen tối, trái lại phải muốn có một tương lay huy hoàng. Chính những ước mơ tốt đẹp đó hướng dẫn cuộc đời của mình, dồn mọi nỗ lực để đi tới mục đích tốt đẹp đó.

 

b)   Ước mơ nên người.

 

          Dự phóng của tuổi trẻ thì có nhiều, nhưng chung qui phải là “nên người”. Nên người phải là mẫu số chung cho mọi dự phóng, cho mọi ước mơ của tuổi trẻ. Chúa ban cho con người có linh hồn và thể xác, có lý trí và tự do, cho nên con người phải vượt lên trên mọi tạo vật. Tuy sinh ra chúng ta đã là con người, nhưng là con người yếu đuối như cây sậy, cần phải được uốn nắn, cần phải được giáo dục cho nên người. Nếu không, con người cũng chỉ như con vật.

 

 Đức Khổng Tử nói :”Vi nhân nan” : làm người khó lắm ! Người trẻ phải có dự phóng làm một con người thực thụ xứng đáng là “linh ư vạn vật” chứ không phải là con người để người ta gán cho cái danh hiệu là “nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi”.

 

c)    Ước mơ nên thánh.

 

          Là một Kitô hữu, người trẻ không chỉ dừng lại ở cái mốc là con người tốt lành bình thường mà còn phải là một “thánh nhân”.  Nên thánh là một điều có thể và phải nên thánh.

Khi dân Israel được Thiên Chúa nhận làm dân riêng của Ngài thì Ngài đã truyền cho họ : “Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh”(Lv 11,44; 1Ga 3,3; 1Pr 1,16).

 

Thực ra, thánh nhân đây không phải là một cái gì ghê gớm, một cái gì siêu đẳng dành cho một số người, mà chỉ là một Kitô hữu biết cố gắng vươn lên theo sự hướng dẫn của Chúa Kitô :”Các con hãy nên hoàn thiện như Cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện”(Mt 5,48).

 

Tuổi trẻ không những ước ao nên thánh mà còn phải “muốn” nên thánh. Muốn nên thánh là phải dồn mọi nỗ lực vào trong việc nên thánh,  phải tiến tới hành động cụ thể., nhất định thành công mới thôi. Thánh Francois de Sales nghe tin phong thánh cho Francois Xavier liền nói :”Đó là thánh Francois thứ ba, tôi sẽ là Francois thứ bốn. Quả thực bây giờ trong hạnh các thánh Công giáo, ngài là Francois thứ bốn.

 

          2. Ước mơ và hành động.

 

          Người ta có thể không thực hiện được ước mơ, nhưng bất cứ một điều gì người ta thực hiện được thì trước đó  họ đã phải xây dựng trên ước mơ. Ước mơ rồi bảo mình đi tới. Bởi đó, nơi nào có ước mơ thì có hy vọng. Nơi nào có hy vọng thì có khơi mầm sáng tạo. Lý tưởng nào cũng được ôm ấp bằng ước mơ. Sống không ước mơ là một cách bèo trôi dạt buồn tênh.

 

          Tuổi trẻ phải biết sống vươn lên, vươn lên tới lý tưởng cao vời, không được sống u lỳ hay là đà trên mặt đất, trên ngọc cỏ. Sống không biết vươn lên là sống vong thân. Người nào chỉ biết sống tà tà như thế thì , theo nhà triết học hiện sinh Jean Paul Sartre,  chỉ là hạng người đáng “nôn mửa”(La Nausée).

 

          3. Ước mơ và con người.

 

          Người ta nói :” Anh hãy cho tôi biết anh chơi với ai, tôi sẽ cho anh biết anh là người thế nào”, như chữ Nho có câu :

                                      Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã.

                             Hoặc :

                                      Đồng thanh tương ứng

                                      Đồng khí tương cầu.

 

                   Thì tôi cũng có thể nói :”Ước mơ xác định tôi là ai”.

 

          Tôi mơ ước điều gì là tôi muốn có điều đó. Điều tôi muốn có ấy nói cho tôi biết tôi thế nào, bởi vì :”Kẻ gian ác thì muốn điều dữ”(Cn 21,10).  Vì thế tôi có thể hướng dẫn đời tôi bằng cách hỏi xem mình đang mơ ước gì ? Nếu dân tộc tôi mơ ước đoàn kết là dấu hiệu chúng tôi đang chia rẽ. Nếu tôi ước mơ đi về đấy là tôi thầm nói tôi đang ở xa, nếu tôi ước mơ sống thánh thiện, đó là dấu tôi còn xa đường lành…

          Xem vậy, những điều tôi đang mơ ước là những điều tôi đang thiếu vắng, hoặc có mà còn đang ít ỏi. Nhưng chính cái thiếu vắng này nói cho tôi biết tình trạng hiện tại con người của tôi ra sao và tôi muốn trở nên như thế nào.

 

          Mơ ước là đi tìm cái thiếu vắng, nhưng cũng có nghĩa là đang bắt gặp. Mơ ước nên thánh thiện là tôi đã bắt đầu băn khoăn về tội lỗi của mình. Mơ ước hòa thuận là khởi điểm đi đến tha thứ.  Vì thế cái thiếu vắng của mơ ước có gieo mầm gặp gỡ.

 

III. THỰC HIỆN ƯỚC MƠ.

 

1. Phải tranh đấu không ngừng.

 

Đời là mộ cuộc tranh đấu không ngừng giữa ba thù là ma quỉ, thế gian và xác thịt.  Trong ba kẻ thù ấy thì  xác thịt là kẻ thù nguy hiểm và khó tiêu diệt nhất vì nó là kẻ nội thù. Chống lại kẻ nội thù là một cuộc trường kỳ kháng chiến  và chỉ “ai bền đỗ đến cùng mới được cứu rỗi”(Mt 10,22; Mc 13,13).

 

          Chúng ta đã bước sang năm Kỷ Sửu, năm “Con Trâu”. Trâu là con vật lao động tốt, chịu thương chịu khó, nên năm con trâu nhắc nhở chúng ta phải kiên cường trong nỗ lực chiến đấu với con người của mình.  Giới trẻ hay chơi chữ, thay vì nói phải “Tranh đấu” thì lại nói phải “Trâu đánh”. Chữ trâu đánh nhắc cho chúng ta một câu tục ngữ mà ai cũng biết, nhất là năm Kỷ Sửu  này :”Có ăn có chọi mới gọi là trâu”.

 

          Người ta dùng câu tục ngữ này có ý nói lên rằng con trâu tốt là con trâu ăn khỏe, làm khỏe và chọi khỏe (Vùng Đồ Sơn có hội chọi trâu, trâu tốt phải là trâu biết chọi). Vì vậy, câu tục ngữ này mượn chuyện con trâu để ngụ ý khuyên ta : đã biết ăn thì phải biết vật lộn tranh đấu với đời (Văn Hòe, Tục ngữ lược giải, 1957, tr 47-48).

 

          Cuộc  đối chọi với con người xác thịt của mình là một điều cần thiết vì đó là một cuộc chiến căng thẳng nội tâm như thánh Phaolô đã nói :”Sự lành  tôi muốn, tôi lại không làm; còn sự dữ không muốn, tôi lại thi hành”(Rm 7,19).

 

          Trong cuộc chọi này phải có kẻ thắng người thua chứ không có huề : hoặc là chúng ta lột bỏ được con người cũ xấu xa tội lỗi, để mặc lấy con người mới tốt lành thánh thiện; hoặc là chúng ta phải làm nô lệ cho con ngưởi cũ, đầy đam me thấp hènâ, lôi kéo chúng ta vào con đường tội lỗi; đúng là “khỏe vào yếu ra”.

 

2. Tranh đấu mặt tiêu cực.

 

Phải tránh những ước mơ thấp hèn, không lành mạnh, kẻo nó kéo chúng ta xuống bởi vì một cách mặc nhiên những mơ  sẽ hướng dẫn  những hành động của chúng ta. Nếu chúng ta có những ước mơ đục ngàu thì chắc chắn đời ta không thể là dòng suối trong. Khô cằn không thể sinh hoa lá xanh tươi, và chẳng có sự sống nào đến từ tro than.

 

          Truyện Thánh Kinh kể : “Một buổi chiều nọ, Đavít dậy khỏi giường và đi tản bộ trên sân thượng đền vua. Từ sân thượng, ông thấy một phụ nữ đang tắm, người phụ nữ dáng vẻ rất xinh đẹp”(2 Sm 11,2).  Rồi Đavít mơ chiếm lấy nàng làm vợ. Ước mơ ấy đã đưa Đavít đến chỗ âm mưu giết Uria, chồng người phụ nữ :”Hãy để Uria ở chỗ mặt trận ác liệt nhất, đoạn bỏ nó mà rút lui, cho nó bị đánh mà chết đi” (2 Sm 11,15). Mỉa mai thay, Uria lại là một sĩ quan cương trực, tài ba và trung thành của vua.

 

          Nếu tôi chỉ ước mơ uống rượu, uống cho thật nhiều, uống cho say sưa tít cung mây, thì trí khôn chỉ hướng về rượu, không còn biết đến cái gì cao thượng hơn.  Vì thế, Anacharsis nói :

 

                             Hớp rượu thứ nhất phục vụ sức khỏe,

                             Hớp rượu thứ hai cho khoái cảm,

                             Hớp rượu thứ ba cho nhục nhã,

                             Hớp rượu thứ tư cho điên rồ.

 

          Đã điên rồ rồi thì còn mơ ước cái gì là cao thượng, là thanh cao, tốt đẹp nữa !

 

          Nếu tôi chỉ ước mơ cờ bạc, hút sách, trai gái, chôm chỉa… thì tâm trí tôi chỉ hướng về những thứ đó, không thể đi xa hơn vì “Kho tàng ngươi ở đâu, thì lòng ngươi ở đó” (Mt 6,21; Lc 12,34). Những ước mơ đó đã hạ thấp con người xuống ngang hàng với con vật.

.

3. Tranh đấu mặt tích cực.

 

Cứ hỏi lòng mình xem và xem điều mình mơ ước để xác định mình đang đi về đâu, lý tưởng cuộc sống là gì . Không có lý tưởng nào thoát khỏi vòng cưu mang của mơ ước. Tội lỗi nào cũng đã được thai nghén từ những tư tưởng thầm kín.

 

Ước mơ đúng cũng có thể hành động sai.  Nhưng đã ước mơ sai thì không bao giờ hành động đúng. Vậy bạn đã có ước mơ chưa ? Ước mơ đó đúng hay sai, đáng khen hay đáng chê ?

 

          Tôi chỉ ước mơ những gì tôi không có. Bởi vậy, tự nó, ước mơ là điều không có trong hiện tại. Chính thế, tự nó, ước mơ cũng không là kết quả. Nếu tôi chỉ mơ ước để sống trong mơ ước thì đời là giấc ngủ buồn vì tôi hoài hoài sống trong những điều không có thực. Bấy giờ, ước vọng chỉ là ảo mộng. Sống trong mộng ảo là lừa dối mình cho dù lừa dối ấy có đẹp đến đâu thì cũng là lừa dối mà thôi.

 

          Điều quan trọng là có đem ước mơ ấy ra thực hành không ? Đây là một thách đố.  Nói đến đây, tôi nhớ lại câu truyện người thanh niên giầu có trong Tin Mừng :”Bấy giờ có một người đến thưa Chúa Giêsu rằng :”Thưa Thầy, tôi phải làm điều gì tốt để được hưởng sự sống đời đời” ?  Đức Giêsu trả lời :”Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người  nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo Tôi”. Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải” (Mt 19, 21-22).

 

          Anh chàng này thật tốt, anh muốn có một cuộc sống hoàn thiện và muốn có được sự sống đời đời. Ước mơ của anh thật cao đẹp, trong sáng. Nhưng có một điều đáng buồn là anh không dám dũng cảm thi hành cái ước mơ tốt đẹp đó, bởi vì anh là người giầu có.  Vì thế, mộng của anh không thành, ước mơ của anh héo úa với dòng đời.

 

          Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu là một nữ tu suốt đời dệt mộng và là vị thánh của ước mơ.  Giáo hội gọi thánh trẻ là một nhà truyền giáo và là quan thầy các xứ truyền giáo, mặc dầu Ngài không đi truyền giáo, chỉ ước mơ thôi.  Thực ra, ngài ước ao được thực hiện ước mơ đó, nhưng vì hoàn cảnh không cho phép, và ý Chúa cũng muốn như vậy nên ngài phải vâng theo. Nếu có hoàn cảnh thuận lợi thì chắc chắn ngài đã thực hiện trọn vẹn ước mơ ấy rồi.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Mục Lục