CON LÀ LINH MỤC

+++

 

          Năm Linh mục đã được khai mạc trọng thể trên toàn thế giới vào ngày Lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giêsu vừa qua. Có rất nhiều Linh mục, tu sĩ và giáo dân đến tham dự  Thánh lễ khai mạc này, mọi người đều sốt sắng cầu nguyện xin Chúa hãy thánh hóa các Linh mục của Ngài. Còn bản thân Linh mục, ai cũng ước ao nên thánh, ai cũng muốn trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu để trở nên những vị Mục tử nhân lành theo như lòng Chúa mong muốn.

          Trong năm thánh này, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI muốn giới thiệu một khuôn mặt mục tử tiêu biểu cho các Linh mục, đó là thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars. Ngài là một cha sở bề ngoài coi rất tầm thường nhưng lại có một đời sống gương mẫu và lan tỏa ra một sự thánh thiện sáng ngời có sức thu hút nhiều người trên thế giới đến với mình để đưa họ về với Chúa.

          Nhân dịp này, chúng ta hãy nhìn qua lại khuôn mặt mục tử của mình xem có phản ánh khuôn mặt thực  của Chúa Kitô hay đã bị lu mờ, hay tệ hơn nữa là đã bị méo mó.  Chúng ta hãy đặt câu hỏi cho minh : Linh mục là ai và phải sống thế nào theo gương Chúa Kitô vị Mục Tử nhân lành và qua hình ảnh của vị Linh mục tiêu biểu đó.

I. TÔI LÀ MỤC TỬ TỐT LÀNH.

          Đức Giêsu đã chỉ trích những người biệt phái và luật sĩ vì họ không lo cho các tín hữu của họ, họ chỉ là người làm thuê, không có những đức tính của người mục tử; còn Ngài thì khác, Ngài đã khẳng định :”Tôi là mục tử nhân lành. Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên…Tôi là Mục tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết Tôi”(Ga 10,11.14). Chiêm ngắm vị Mục tử nhân lành đó, chúng ta thấy Ngài có ba đức tính :

          1. Biết các con chiên . Ngài biết đàn chiên, biết từng con một, biết là thông cảm, là chia sẻ, là đối thoại.

          2. Ưu ái với con chiên.  Ngài có lòng ưu ái với tất cả đàn chiên, cách riêng đối với những con lầm đường lạc lối, bỏ 99 con lại để đi tìm con chiên lạc trở về.

          3. Hy sinh vì đàn chiên.  Ngài thí mạng sống vì đàn chiên, xả thân cứu mạng khi muông sói dữ đến :”Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì người yêu”.

          Ngài không ở trần gian này mãi, nên Ngài đã chọn những vị mục tử khác  thay Ngài mà hướng dẫn đàn chiên. Ba lần Ngài đã trao cho Phêrô quyền coi sóc đàn chiên. Do đó, Phêrô là vị chủ chăn tối cao trong Giáo hội, dưới Ngài còn có các Tông đồ là Giám mục, các Linh mục hiệp thông với giám mục trong việc chăn dắt đàn chiên tại từng địa phương.  Linh mục cũng là mục tử và Chúa cho tham dự vào chức Linh mục đời đời của Ngài.

II. CON LÀ LINH MỤC ĐỜI ĐỜI.

          Không ai tự gán cho mình vinh dự làm Thượng tế, nhưng phải được Thiên Chúa gọi. Chính Đức Giêsu đã không tự tôn mình làm Thượng tế, nhưng là Đấng đã nói với Người :”Con là Con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con”, như lời Đấng ấy đã nói chỗ khác :”Muôn thưở, Con là Thượng Tế theo phẩm trất Melchisedech”(Dt 5-6).  Chúa Giêsu cũng chia sẻ chức vụ Thượng tế đó cho các Linh mục để các Ngài thay quyền Chúa mà đem ơn cứu độ đến cho mọi người.

          1. Linh mục là ai ?

          Thưa Linh mục là người của Chúa, của Hội thánh và của mọi người.

          a) Linh mục là người của Chúa.

          Linh mục là người được Chúa Giêsu đặc biệt tuyển chọn. Và từ đó, Linh mục thuộc về Chúa. Chúa Giêsu hôm qua, hôm nay và mãi mãi đến muôn đời, đó là khẩu hiệu sống động của linh mục. Linh mục nói lên cho mọi người biết có Chúa, cho mọi người biết còn Chúa. Người ta không thấy Chúa, nhưng người ta có thể thấy Chúa qua Linh mục. Tuy là một tín hữu như mọi tín hữu, Linh mục được Chúa chọn đặc biệt trong muôn một để phụng sự Thiên Chúa, Giáo hội và đồng loại.

          b) Linh mục là người của Hội thánh.

          Hội thánh cần có Linh mục để hoạt động. Dĩ nhiên Giám mục  là những vị kế nhiệm các thánh Tông đồ mà cai quản Hội thánh tại địa phương, nhưng các ngài cũng cần phải có những cánh tay nối dài để các Linh mục cộngt tác với Ngài mà điều khiển các giáo xứ.

          Lịch sử Hội thánh đã chứng minh : Nơi nào linh mục tan rã thì Hội thánh nơi đó cũng tan rã theo, nơi nào Linh mục lung lay thì nơi đó Hội thánh cũng lung lay, nơi nào Linh mục bị tiêu diệt thì Hội thánh nơi đó cũng không đứng vững. Cho nên vai trò của các Linh mục cũng rất quan trọng cho Hội thánh tại địa phương, và Hội thánh tìm  mọi cách, không cách này thì cách khác, để cho có Linh mục.

          c) Linh mục là người của mọi người.

          Linh mục là người được đặt lên để phục vụ mọi người, nhất là đối với giáo dân. Linh mục là người phục vụ tha nhân trong tinh thần khiêm tốn và vô vị lợi, không dùng quyền lực, không dùng ưu thế. Trái lại, Linh mục phải trở thành mục tử nhân hậu, và trở thành tôi tớ phục vụ mọi người theo gương Chúa Kitô. Chính Ngài đã nói rõ với các Linh mục :”Ta đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ”(Mt 20,27).

          2. Linh mục là người phục vụ.

          Nói về tinh thần phục vụ của Linh mục, chúng ta có hai hình anh rất mộc mạc nhưng cũng rất đẹp, rất thơ mộng : Người phu quét lá và Thùng rác.

a)      Hình ảnh “Người phu quét lá”.

          Đức Cha Nguyễn Khảm có kể lại : Trong ngày lễ phong chức, có người tặng cho ngài một bức tranh “Người phu quét lá”. Hỏi tại sao lại tặng bức tranh này ? Người bạn trả lời :”Người Linh mục được ví von là người phu quét lá”.  Và sau này, chính ngài cũng viết một cuốn sách nhỏ 149 trang cũng với tựa đề “Người phu quét lá” để diễn tả tư tưởng ấy.

          Nhạc sĩ Trịnh công Sơn đã viết nên giai điệu rất dễ thương :

                              Người phu quét lá bên đường

                              Quét cả nắng chiều quét cả mùa thu.

          Thật là thơ mộng một hình tượng nghệ thuật. Người phu quét lá nhọc nhằn mưa nắng nhưng vẻ đẹp lại tỏa lan khi quét cả nắng chiều, quét cả mùa thu.

          Trong thực tế lại chẳng thơ mộng chút nào. Hằng ngày những người phu quét lá bên đường, dù mưa dầm hay nắng hạn, họ luôn có mặt từ sớm tinh mơ trên mọi nẻo đường thành phố để dọn đường sạch sẽ cho ngàn ngàn con người sắp đi qua. Mỗi ngày họ làm việc thầm lặng nhẫn nại với niềm vui làm sạch đường phố.

          Tôi nghĩ đến cuộc đời Linh mục. Đó là những người dọn đường cho con người đến với Thiên Chúa và để Thiên Chúa đến với con người. Hình ảnh Linh mục xem ra cũng thơ mộng. Thơ mộng vì nhẹ nhàng thanh thoát và chẳng mấy lo toan. Nhưng thực tế trong cái thơ mộng ấy lại chất chứa gánh nặng của trách nhiệm. Trách nhiệm làm Kitô hữu với anh em, làm Linh mục cho anh em mình theo kiểu nói của Thánh Augustinô.

          Mỗi buổi sáng khi thức dậy, người Linh mục phải lo nói gì với anh em của mình, chuẩn bị của ăn Lời Chúa cho cộng đoàn. Qua Thánh lễ, qua các bí tích, Linh mục dọn linh hồn các tín hữu gặp gỡ Chúa và Chúa đến gặp gỡ họ. Sứ vụ ấy cao đẹp lắm bởi nhận được từ Chúa Kitô, từ Giáo hội. Sứ vụ ấy nặng nề lắm bởi vừa phải chu toàn trách vụ riêng vừa phải chăm lo phục vụ Dân Chúa. Sứ vụ này càng cao đẹp càng thấy mình bất xứng. Sứ vụ càng phức tạp Linh mục càng thấy mình giới hạn (Theo Internet).

b)      Hình ảnh “Cái thùng rác”.

          Tiếp theo hình ảnh Người phu quét lá của Đức Cha Nguyễn Khảm, chúng tôi liên tưởng đến một hình ảnh có vẻ táo bạo hơn nhưng cũng nói lên chức vụ cao quí của Linh mục. Ta thử bạo mồm mà nói rằng :”Linh mục là cái thùng rác”.

          Người phu quét lá xong thì phải lo đổ rác đi nhưng phải đổ vào đâu ? Thưa phải đổ vào thùng rác ! Rồi thùng rác lại phải tiếp tục đổ vào hố rác. Như vậy Linh mục vừa là phu quét rác vừa là thùng rác.

          Trong năm Linh mục này, Đức thánh Cha Bênêđictô XVI đưa ra cho các Linh mục một hình ảnh tuyệt đẹp để chiêm ngưỡng và bắt chước, đó là thánh Gioan Maria Viaaney, cha sở họ Ars. Và trong dịp mừng lễ Bổn mạng các cha xứ sắp tới, chúng ta cùng nhìn lại tấm gương ngời sáng của cha sở họ Ars, lắng nghe con tim yêu mến của ngài và nhìn kỹ những hoạt động hăng say của ngài, để chúng ta có thể kiên cường hơn trong sứ mạng mục tử của chúng ta.

          Trong cuốn “Linh mục giữa dân Chúa” của linh mục A. Ravier do Giáo hoàng Học viện dịch, cha Ferdinand Lacretelle S.J đã giới thiệu vắn tắt :”Thánh nhân là một Linh mục sống giữa trần gian mà không thuộc về thế gian, nhưng thuộc về Dân Chúa, luôn luôn sẵn sàng phục vụ, biết cảm thông với mọi nỗi đau khổ thể xác và tinh thần của con chiên bổn đạo; ngoài ra còn tìm cách giúp đỡ các giáo xứ lân cận, và hình như không để ý gì đến các lời chỉ trích, lăng mạ, vu oan  do những người khác và cả do ngay  một trong những người cộng tác thân cận nhất. Với trách nhiệm mục vụ nặng trĩu trên vai, nhiều lần Cha Sở Ars cũng bị cám dỗ trốn khỏi nhiệm sở, nhưng ý thức bổn phận của một chủ chăn và lòng nhiệt thành đối với các linh hồn đã kéo cha trở lại vác thập giá hằng ngày trong niềm yêu mến”.

          Nói tới Cha Sở Ars là chúng ta thường nghĩ ngay đến việc ngài chăm chỉ giải tội. Có thể nói tội nhân  đã chiếm đoạt tất cả tâm tư,  lời cầu nguyện, hãm mình và mọi hoạt động của ngài.

          Cha thường ngồi tòa 15 giờ mỗi ngày : bắt đầu từ 1 hay 2 giờ sáng và kết thúc vào lúc đêm khuya… Người ta nối nhau để chờ xưng tội. Có thể nói là Cha Sở Ars ngồi tòa liên tục, bởi vì giáo dân xứ Ars xưng tội thường xuyên, lại có các khách hành hương từ các nơi xa kéo đến (lên tới 80.000 người hằng năm).

          Cha giải tội cả lúc đêm về, bất cứ lúc nào cha cũng sốt sắng với việc giải tội khi có người xin vào những lúc bất thường; trước ngày qua đời 5 hôm, người ta còn thấy các tội nhân chen chúc bên giường bệnh của cha để lãnh nhận ơn tha thứ.

          Cha còn được ơn thấu suốt tâm tư và tâm hồn của người khác, và ngài biết khôn ngoan đưa dẫn họ vào việc xưng tội, cả khi họ không có ý xưng tội khi gặp ngài.

          Đặc biệt cha còn làm việc đền tội với tội nhân.  Cha nói : tôi ra cho họ việc đền tội nhẹ nhàng và tôi làm thay cho họ việc đền tội còn lại.

          Như vậy không những ngài là cái thùng rác và với số người đến xưng tội ngần ấy thì ngài được trở nên một cái hố rác vĩ đại. Bao nhiêu tội lỗi con chiên trong giáo xứ và của các khách hành hương đã đổ vào tai cha đêm ngày, cha đã nhận lấy với tâm tình yêu thương để rồi không còn gì có thể làm ô nhiễm môi trường đạo đức của xứ đạo và của nhiều nơi khác.

          3. Linh mục là con người hy sinh.

          Linh mục không còn là người của mình nữa mà là của Chúa, của Hội thánh và của mọi người. Dây là một sự đau khổ, một sự giằng co vì mình không còn phải là của riêng mình nữa mà là của người khác, của mọi người.

          Đôi khi người ta đề cao con người Linh mục với những dáng vẻ hấp dẫn : có chức vị trong Giáo hội và xã hội, được nhiều người kính trọng và yêu mến, có một đời sống tương đối an nhàn và đầy đủ, không phải lo lắng về đời sống vật chất… Nhưng trong cái vẻ huy hoàng và thơ mộng ấy cũng còn cả một đời đầy gai góc, nói như ai đó từng nói :”An trong cái thơ mộng ấy lại chất chứa gánh nặng của trách nhiệm : trách nhiệâm làm Kitô hữu với anh em và làm Linh mục cho anh em, có mưa dầm nắng gắt, có mồ hôi nhễ nhãi và cũng có cô đơn buốt giá”.

          Nhưng đáp lại những hy sinh đó, Linh mục được Chúa Giêsu yêu thương một cách đặc biệt. Phải chăng “Yêu là cho roi cho vọt” ? Theo tâm lý người đời, yêu ai thì muốn hôn người đó vì cái hôn diễn tả tình yêu, ví dụ mẹ hôn con, trai gái hôn nhau… Cái hôn  đầu đời là rất quan trọng, thánh Chrysostome nói :”Một cô gái mà để cho một người đàn ông hôn lần đầu, tức là như mở đường  cho họ tiến tới. Và cô gái khó mà cưỡng nổi, trừ phi phải ngăn cản từ lúc đầu”.

          Chúa Giêsu đã ôm hôn chúng ta trong ngày được sinh ra trong chức Linh mục,  cái ngày mà chúng ta  được thụ phong linh mục. Cái hôn của Chúa Giêsu được biểu lộ ra  trong cái hôn đầu tiên của Giám mục chủ phong và của anh em Linh mục tham dự.

          Được Chúa Giêsu ôm hôn như vậy có sướng không ? Có thích không ? Thưa, có thích mà cũng không thích !

                                        Truyện : Tượng thánh giá.

          Chúng tôi có dịp đi tắm biển Vũng tầu, trên đường đi chúng tôi tạt qua vào tham quan nhà thờ PT gần Vũng tầu.

          Chúng tôi thấy trên cung thánh có một cây thánh giá lớn trên đó không treo tượng Chúa chịu nạn mà có tượng Chúa Kitô Phục sinh. Chúng tôi bỡ ngỡ, thắc mắc. Cha xứ liền giải thích : “Ở đây chúng tôi có ba tượng Chúa Giêsu :

          * Mùa Chay treo tượng chịu nạn.

          * Mùa Phục sinh treo tượng Chúa Phục sinh.

          * Mùa thường niên treo tượng Chúa Giêsu Linh mục.

          Cứ mỗi mùa lại phải thay tượng cho cây thánh giá.

          Nếu được Chúa Giêsu Linh mục hôn thì có lẽ nụ hôn ấy êm ái lắm, nhưng ta thường thấy Chúa Giêsu chịu nạn với mạo gai trên thánh giá. Nếu Chúa Giêsu chịu nạn hôn Linh mục thì chắc chắn cái hôn ấy vừa êm ái vừa gây đau đớn cho Linh mục, vì mỗi lần hôn thì mạo gai của Ngài sẽ đâm vào trán Linh mục, càng hôn nồng nàn thì gai nhọn đâm càng sâu, càng sâu thì càng đau.

          Theo Phụng vụ, có lẽ hình ảnh Chúa Giêsu Phục sinh và Chúa Giêsu Linh mục trên thánh giá không thích hợp nữa mà chỉ còn Chúa Giêsu chịu nạn trên thánh giá, và như vậy Linh mục chỉ còn Chúa Giêsu chịu nạn với mạo gai trên đầu. Thực tế là như vậy đấy ! Chúng ta có chịu để cho Chúa Giêsu chịu nạn hôn nữa không ? Đã được hôn thì phải chịu đau ! Nhưng nhiều khi đã xẩy ra cảnh bi đát :”Nụ hôn không thành” vì Linh mục không dám hy sinh.

          Có lẽ, cuộc đời Linh mục của chúng ta là nụ hôn dài dài của Chúa Giêsu, dài suốt cuộc đời của chúng ta, vì cuộc đời Linh mục là một cuộc hiến tế, đầy hy sinh gian khổ. Ai trong chúng ta  đã chẳng trải qua những thời kỳ gian khổ trong việc phục vụ con chiên, vì theo gương Chúa Giêsu, Linh mục phải hiến tế vì con chiên.

          Vì đới Linh mục là một đời hy sinh và phục vụ nên linh mục là một con người bị quấy rầy. Đoạn Tin mừng của thánh Luca chương 11,5-8 đã cho chúng ta thấy rõ điều đó. Họ đến với Linh mục  bất cứ lúc nào, trình bầy những vấn đề chẳng liên quan gì đến Linh mục, họ muốn có người để trút đi những nỗi khổ đau trong cuộc đời…

          Suy nghĩ về điều này, cha Antôn Chevrier đã nói Linh mục là “Homme mangé” : Linh mục là con người bị ăn thịt đi. Hay chúng ta có thể nói mạnh hơn : Linh mục là “Homme dévoré” : con người bị ăn nghiến ngấu đi !

          Vì Linh mục là con người được hiến tế, không còn thuộc về mình nữa mà phải dành cho mọi người, phải phục vụ con người mọi nơi mọi lúc khi họ cần đến với nụ cười duyên dáng làm hài lòng họ. Chúng ta có thể thay đổi khẩu hiệu của thanh niên bằng khẩu hiệu của Linh mục :

                                        Ở đầu cần, Linh mục có,

                                        Ở đâu khó, có Linh mục.

          Chính những hy sinh gian khổ ấy lại nâng cao uy tín của Linh mục để lôi kéo người ta đến với chúa. Thánh Gioan Maria Viaaney đã để lại cho chúng ta  một tấm gương sán lạn về một đời Linh mục hy sinh tận tụy như thế.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Mục Lục