NGƯỜI GIẢ HÌNH

_________________________________________________

Có thì nói có, không thì nói không (Mt 5,37)

 

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA

 

          Chúa Giêsu đã nhiều lần tranh luận và lên án các luật sĩ, biệt phái về tội giả hình, ưa chuộng hình thức bên ngoài mà tâm hồn thì trống rỗng. Họ nói nhiều mà làm ít, nói tốt mà làm xấu. Họ chỉ lo tô vẽ dáng bề ngoài cho có vẻ đạo đức mẫu mực, nhưng lòng họ thì hám danh, phô trương và tham lam.

 

          Chúa Giêsu cũng nhắc nhở môn đệ Ngài :”Các con hãy coi chừng men biệt phái, tức là thói đạo đức giả (Lc 12,1). Có lúc Chúa Giêsu lên án thói đạo đức giả ấy  bằng những hình ảnh gây ấn tượng :”Khốn cho các ngươi, hỡi các luật sĩ và biệt phái giả hình ! Các ngươi giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp, nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các ngươi cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong là giả hình và gian ác”(Mt 23,27-28; Lc 11,44).

 

          Sống trong một thế giới đầy phức tạp, trong xã hội đầy gian xảo và đảo điên, có lẽ đức tính trung thực là cần thiết trong mối tương quan xã hội và cộng đoàn. Sống phải biết trung thực từ tư tưởng đến lời nói và việc làm.

 

          Chúa Giêsu cũng đòi chúng ta phải sống trung thực khi Ngài nói :”Có thì phải nói là có, không thì phải nói là không”(Mt 5,37). Vì thế, thái độ giả hình của luật sĩ và biệt phái thúc đẩy chúng ta phaûi sống chính trực, công minh hơn trong tương giao với Chúa và với tha nhân. Người ta có thể lừa dối nhau, sống giả hình trước mặt nhau, nhưng không thể giấu được Thiên Chúa.

 

II. CON NGƯỜI GIẢ HÌNH

 

          1. Giả hình là gì ?

 

          Chúng ta có hai chữ “thật” và “giả”. Thật (thực, thiệt) là cái có như nó là, không là gì khác, không thêm bớt. Còn giả là cái không thật, là nhái (nhại) mà được làm ra với vẻ bề ngoài giống như cái thật để gạt người khác. Giả là làm như thật để người khác tưởng là thật. Đúng là hữu danh vô thực, ví dụ :

                                      Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh chọe

                                      Tưởng rằng đồ thật hóa đồi chơi.

                                                   (Nguyễn Khuyến)

 

          Giả là không thật. Tiếng ở đàng sau một tiếng khác, thường là động từ hay tĩnh từ để làm cho tiếng ấy thành một danh từ chỉ về người như tác giả, dịch giả, diễn giả…

 

          Nói đến chữ giả thì có rất nhiều chữ kép mang nhiều ý nghĩa khác nhau, ở đây chúng ta chỉ đưa ra mấy chữ thôi :

          - Giả hình hay giả dạng là làm ra dáng người khác.

          - Giả danh : mượn tên, mượn tiếng người khác.

          - Giả mạo : mang danh khác, hiệu khác để gạt người.

          - Giả trang : ăn mặc khác để qua mặt người.

          - Giá dối hay giả trá : làm cho người khác lầm.

          Nói chung, giả hình là không thật như chính bản chất của nó mà đã bị làm cho sai lệch, méo mó đi. Cũng thế, con người giả hình là con người ảo, không có thật như nó có.

 

          Như vậy, theo Chúa Giêsu, biệt phái là con người hư  ảo, không thật. Họ không có thật những cái họ phô ra bên ngoài để đánh lừa người khác. Cái họ phô bầy ra bên ngoài chỉ là ảo ảnh. Vì thế người ta mới nói :           

                                        Khác nào quạ mượn lông công

                                 Ngoài hình xinh đẹp trong lòng xấu xa.

                                                  (Ca dao)

 

          2. Tâm lý người giả hình.

 

          Chúng ta có thể dựa vào lời Chúa mà vạch ra một số đặc tính của những kẻ giả hình, trong cuộc sống xã hội cũng như tôn giáo :

 

          a) Ngôn hành bất nhất.

 

          Nếu lời nói và việc làm đi đôi với nhau thì người ta gọi là ngôn hành đồng nhất, còn nói một đàng mà làm một nẻo thì người ta gọi là ngôn haønh bất nhất.

 

          Chúa Giêsu nói với các môn đệ :”Các luật sĩ và biệt phái ngồi trên tòa ông Maisen mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, các con hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo”(Mt 23,1-3).  Họ dạy người ta làm nhiều, còn bản thân họ thì không làm gì cả, không thi hành điều họ giảng dạy mà nhiều khi còn làm ngược lại những điều họ giảng dạy.

 

Truyện : Anh chàng Aristogiton

 

          Aristogiton hồi ấy lúc thanh bình, là một nhà ái quốc thượng thặng. Thở ra lửa trận, nói ra sấm sét. Chàng lợi dụng mọi hoàn cảnh để cổ võ những đức tính anh dũng kiêu hùng của người chiến sĩ yêu nước. Nghe chàng nói, thính giả có ấn tượng như chàng đang tuyên chiến với tất cả mọi cường quốc trên thế giới.

 

          Nhưng đến khi phải thi hành nhiệm vụ quân sự, người ta thấy chàng đột nhiên bước đi khập khiễng, tay chống gậy, chân thì băng bó, trông thảm não vô cùng.

 

          Biết rõ những bí mật của chàng, ông Photion trợn mắt nói :”Aristogiton đã làm một người què lại còn hè nhát”.

 

          Chúa Giêsu còn nói tiếp :”Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì  lại không buồn động ngón tay vào”(Mt 23,4). Họ thuộc vào loại người “Mồm miệng đỡ chân tay” hoặc thuộc vào hạng những người :

                                       Ăn như rồng cuốn,

                                       Nói như rồng leo,

                                       Làm như mèo mửa

                                             (Tục ngữ)

          Có nghĩa là ăn nhanh, đến đâu hết đến đấy, nói năng khôn khéo, làm thì uể oải bôi ra mỗi chỗ một ít, nhếch nhác bẩn thỉu.

 

          b) Khoe khoang.

 

          Họ sống theo đúng nguyên tắc :”Đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại” (Tục ngữ). Họ làm mọi việc cốt cho thiên hạ thấy. Tuy họ chẳng có cái gì tốt trong lòng để phô bầy ra , nhưng họ dùng những hình thức bên ngoài để lòe thiên hạ :”Họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài (Mt 23,5) Họ còn làm bộ đọc kinh lâu giờ cho người ta thấy mà khen. Đó, họ chỉ có cái mã bên ngoài còn trong lòng thì rỗng tuếch, chẳng có giá trị gì trước mặt Thiên Chúa. Họ đáng được người ta tặng cho cái danh hiệu là “Tốt mã dẻ cùi”.

 

Truyện : Tốt mã dẻ cùi.

 

          “Tốt mã dẻ cùi”(Giẻ cùi tốt mã hay Có vỏ mà nõ có ruột) là câu tục ngữ người ta thường dùng. Giẻ cùi còn gọi là phượng hoàng nam hay phượng hoàng đất, một giống chim đẹp, mỏ đỏ, đuôi dài, lông sặc sỡ, tiếng hót không hay. Câu tục ngữ này có nghĩa hình thức bên ngoài thì bảnh bao sáng sủa mà đầu óc thì tối tăm, rỗng tuếch, không ra gì, không làm được gì có ích. Người ta nói

 

                                      Giẻ cùi tốt mã dài lông

                             Bên ngoài hào nhoáng bên trong ra gì.

                                              (Ca dao)

          Nhưng chim dẻ cùi phải cái tật hay ăn cứt chó, cứt lợn. nên người ta khinh chê :

                                      Giẻ cùi tốt mà dài đuôi,

                                Hay ăn cứt chó, ai nuôi dẻ cùi ?

 

          c) Kiêu ngạo.

 

          Chúa Giêsu còn cho biết thêm :”Họ ưa ngồi chỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được chào bái những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là rabbi”(Mt 23,6-7).

          Người biệt phái tự tôn mình lên làm bậc thầy của thiên hạ nên muốn cho người ta trân trọng mình, dành cho mình những cái ưu tiên, muốn được ăn trên ngồi trước, được dành cho mình danh hiệu cao quí mà người Trung hoa tặng cho Đức Khổng Tử là “Vạn thế sư biểu”.

 

          Chúng ta có thể ví người biệt phái như củ hành. Nếu chúng ta tiếp tục bóc hết lớp này đến lớp khác mà không thấy ruột đâu mà chỉ thấy toàn vỏ là vỏ. Con người thật của họ là rỗng tuếch mà cứ tưởng là mình thông suốt mọi sự, cầm cân nảy mực cho thiên hạ.

 

                             Truyện : Tại sao cái tai không vẫy ?

          Có một diễn giả tự cho mình là thông kim bác cổ, có thể giải đáp được mọi điều, ai muốn hỏi gì cứ hỏi, ông sẵn sàng giải đáp.

          Tình cờ, một thằng nhaõi con đặt câu hỏi :

          - Thưa ông, tại sao ông có thể khua chân múa tay được ?

          Diễn giả giải đáp dễ dàng :

          - Vì ta muốn, thế thôi.

          Thằng nhỏ chưa chịu, hỏi tiếp :

          - Thưa ông, ông có thể vẫy được hai cái tai của ông không ?

          Đến đây, diễn giả đỏ mặt tía tai, quát lớn :

          - Thằng nhỏ này lắm chuyện, để cho người lớn nói chuyện cao siêu hơn !

 

          d) Tham lam và ích kỷ.

 

          Chúa Giêsu nói tiếp :”Các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ mà lại sao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa”(Mc 11,42).  Theo luật thì họ chỉ phải đóng thuế thập phân cho Đền thờ, chứ không buộc phải nộp thuế các thứ rau thơm, nhưng họ đã tỏ ra rộng rãi với Chúa, họ đóng hết ! Nhưng trớ trêu thay, họ đã làm việc bác ái mà vi phạm đức công bình vì họ dám “Nuốt trửng tài sản của các bà góa” (Mc 4,7), những ngưới cô thế cô thân, không biết cậy nhờ ai, chỉ tin tưởng vào các biệt phải, giao cho họ giữ của hồi môn cho mình ! Thế mà họ đã nhẫn tâm nuốt trửng tài sản của các bà góa mà vẫn yên tâm !

 

          Họ trở nên tham lam và ích kỷ, chỉ làm sao cho mình được nhiều tiền nhiều của, làm cho mình được vinh thân phì gia, còn đối với người khác thì không quan tâm, sống chết mặc bay. Họ sẵn sàng vi phạm đức công bình, miễn làm sao có lợi cho họ.

 

          Ngày nay trên thế giới, chúng ta thấy tràn lan những hàng giả. Những hàng giả này có hại cho người tiêu dùng, nhưng những người làm hàng giả chỉ vì tham lam và ích kỷ, đã bán rẻ lương tâm, lao đầu vào làm những việc đáng khiển trách.

 

Truyện : Lưu Cơ đi mua cam.

 

          Ngày xưa, ở Hàng Châu, có một người đi buôn cam. Anh ta khéo để dành cam lâu ngày mà không ủng. Lâu ngày mà vỏ vẫn đỏ hồng, trông tốt đẹp như vàng ngọc.

          Đem ra chợ bán, thiên hạ tranh nhau mua. Ai thấy cam như vậy mà chẳng thèm ? Lưu Cơ tôi cũng mua một quả. Đem về nhà bóc ra, thì ôi, hơi thối xông lên mặt, múi thì xác xơ như bông nát. Tôi liền ra chợ lại, tìm gặp người bán cam trách móc :

          - Anh bán cam cho người ta  để làm của cúng lễ, đãi tân khách, hay là chỉ để làm cho choáng mắt bên ngoài, đánh lừa thiên hạ ? Tệ thật ! Anh giả dối lắm .

          Người buôn cam mỉm cười nói :

          - Tôi làm nghề này đã lâu lắm để kiếm tiền nuôi thân. Tôi bán thì người ta mua. Chẳng ai nói năng gì cả. Chỉ có ông là kêu ca thôi. Thiên hạ giả dối nhiều, chẳng phải riêng gì một mình tôi. Ông thật không nghĩ cho đến nơi. Này thử xem, người đeo hổ phù, ngồi da hổ, hùng dũng, trông ra dáng quan lắm. Kỳ thực họ có giỏi được như Ngô Khởi, Tô Tẫn không ?  Người đội mũ cao, đóng đai dài, trông ra dáng quan văn lắm. Kỳ thực họ có được giỏi như Cao Dao, Y Doãn không ? Giặc nổi lên không biết dẹp, dân khổ không biết cứu. Quan lại tham nhũng không biết trừng trị. Pháp độ hỏng không biết sửa đổi. Ngồi không ăn lương, chẳng biết xấu hổ… Thế mà lúc ra ngoài công đường, đi xe ngựa, uống rượu ngon, ăn của lạ, oai vệ, hách dịch vô cùng !...

          Đó, bề ngoài họ chẳng như vàng ngọc, mà bề trong lại chẳng hôi thối, và xác xơ, như bông nát là gì ? Sao ông không chịu xét những hạng người như thế, mà lại đi xét quả cam tôi ?

 

          e) Giấu đầu hở đuôi.

 

          Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ :”Cái gì có phải nói là có, cái gì không phải nói là không”(Mt 5,37) bởi vì Chúa nói tiếp :”Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết”(Lc 12,2). Tất cả những gì chúng ta nói hay làm trong nơi bí ẩn Chúa đều biết cả, và đến ngày sau cùng sẽ bị phanh phui ra ánh sáng, giữa thanh thiên bạch nhật.

 

          Chưa phải nói đến việc Chúa sẽ phanh phui ra trong ngày sau hết, có những việc chúng ta tưởng còn trong vòng bí mật, người đời cũng biêt cả, đây là một ví du :

 

Truyện : Câu chuyện bà Marjorie

 

          Trong một cuốn sách ngoại ngữ có một câu chuyện buồn cười : Người ta nịnh bợ bà Marjorie. Mỗi khi mời là người ta đến tấp nập vì nhà bà sang và tiếp đón niềm nở. Mỗi lần khách đến là người ta tán tụng bà đủ cách.  Bà Marjorie không phải là người tầm thường. Bà muốn biết những người khách của bà  thành thật hay giả dối. Bà ñaët hai máy ghi âm, một dưới bàn trang sức của bà thường để tô điểm môi cho đỏ thắm, sửa lại mái tóc cho thật bảnh, vừa trang sức vừa nói chuyện. Còn máy khác để bên phía các ông ngồi.

          Bà chủ nhà vui tươi, đứng giữa quan khách, tuyên bố :”Hôm nay tôi xin hiến quí vị một câu chuyện được ghi âm vô cùng lý thú”.

 

          Mọi người đều vỗ tay tán thành. Tất cả đều chăm chú nghe ! A, tiếng ai quen quen thế !  Thì ra những mảnh tâm sự của các ông, các bà lần lượt được vang lên trong căn phòng im lặng. Ôi , kinh khủng… Cái bà chủ mà người ta đang nịnh hót đã bị công kích không còn chỗ nói… Họ nói xấu đến những cử chỉ của bà, đời sống gia đình của bà, mái tóc, chiếc áo, thứ giải khát.  Và những chi bà Marjorie là nạn nhân  mà tất cả các bà khác cũng vậy. Bà này nói xấu bà kia. Máy càng mở, mặt các bà caøng tái, mồ hôi lạnh toát ra, một đôi bà đã té xỉu.

 

          Máy ghi âm của các ông cũng không kém, thốt ra những lời công kích và phê bình ông chủ, bà chủ, họ còn nói lên những phaûn bội của gia đình họ. Máy ghi âm đã ghi và đã phát ra tất cả sự thật, thẳng thắn, vô tư, không kiêng dè.

 

          Không nói, chúng ta cũng có thể kết luận : buổi tiệc ấy là  buổi tiệc khoản đãi cuối cùng của bà chủ… Người ta đã ra về vaø không bao giờ trở lại. Có lẽ, người ta sẽ gặp nhau, nhưng mà “ngó nhau không sửa” như người ta thường nói.

 

III. HÃY SỐNG TRUNG THỰC.

 

          Một lần nữa, chúng ta hãy nhắc lại Lời Chúa đã căn dặn :”Hễ có thì phải nói có, không thì phải nói là không” (Mt 5,37), và thánh Giacobê cũng khuyên nhủ :”Đừng có thề, dù là lấy trời, lấy đất, hay lấy cái gì khác mà thề. Nhưng hễ “có” thì phải nói là “có”, “không thì phải nói là “không”, như thế, anh em sẽ không bị xét xử”(Gc 5,12).

 

          Nếu không sống theo lời Chúa, họ chỉ giống những đào kép nơi sân khấu, họ cũng ăn nói hò hét như thật nhưng họ chỉ là những con người ảo chẳng có giá trị gì, mà thi sĩ Tuù Xương gọi họ là :

 

                                      Nào có ra chi lũ hát tuồng

                                      Cũng hò cũng hét cũng y uông.

                                      Dẫu rằng dối được đàn con trẻ

                                      Cái mặt bôi vôi nghĩ cũng buồn.

 

          Chúa Giêsu đã có lần lên án gay gắt những bọn giả hình bằng những hình ảnh rất mạnh :”Hỗi những kẻ giả hình, các người không khác chi những nấm mồ bôi vôi, vỏ ngoài thì xinh xắn lắm, nhưng bên trong là thây ma và mọi thứ xú uế. Bên ngoaøi các ngươi có vẻ công chính đối với người ta nhưng bên trong thì đầy giả dối và vô đạo”(Mt 23,27-28).

 

          Phải tập sống trung thực với lòng mình, đừng đóng kịch như người người biệt phái giả hình để rồi sẽ bị phanh phui ra. Phải sống làm sao để “Hữu ư trung xuất hình ư ngoại” : có bên trong mới giàn ra bên ngoài, để làm sao cho lời ăn tiếng nói phải ăn khớp với nhau :”Ngôn hành đồng nhất”.

 

          Nếu mình đã tốt thì ở đâu cũng tốt, lúc nào cũng tốt rồi người ta sẽ đánh giá đúng con người của mình, bởi vì :

                                      Trúc xinh trúc mọc bờ ao,

                             Em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh.

                                      Trúc xinh trúc mọc đầu đình,

                             Em xinh em đứng một mình cũng xinh.

                                                (Ca dao)

 

          Thái Công Vọng, một người từng trải trong khoa xem tướng mão con người, đã đưa ra nhận xét như sau :

          - Ai phô trương là kẻ tâm địa tầm thường.

          - Ai nói năng hay làm ra vẻ hoa mỹ, là kẻ ít trung trực.

          - Ai hay nói quá sự thực, là kẻ không nên giao phú cho công việc quan trọng.

          - Ai hay tự phụ. Khoe mình và chê bai người khác, là kẻ nên xa lánh.

          Trái lại :

          - Kẻ đa mưu túc trí, mà bao giờ cũng thấy như khờ khạo, đó mới là người đáng sợ.

 

          Chúng ta đừng sợ người đánh giá mà phải đóng kịch, hãy sống trung thực với hiện trạng của mình, làm sao Chúa phải khen thưởng chúng ta  như khi vừa trông thấy Nathanael đứng đàng xa Ngài đã cất tiếng khen :”Đây là một người Israel chân chính không biết đến gian dối”(Ga 1,47).

 

          Nathanael thì vậy, chúng chúng ta đây thì làm sao ?  Hãy giữ đúng lập trường :

 

                                      Tốt gỗ hơn tốt nước sơn,

                             Xấu người đẹp nết còn hơn đẹp người.

                                                (Ca dao)

 

          Đây nói về đồ gỗ sơn. Gỗ  tốt và nước sơn cùng tốt thì đồ vừa đẹp vừa bền. Gỗ xấu mà nước sơn tốt thì đồ có đẹp nhưng mau mối mọt. Cho nên tốt gỗ bao giỡ cũng hơn tốt nước sơn.

 

          Nước sơn là cái vỏ bên ngoài, cái bên ngoài đẹp đến đâu thì đẹp, nếu cái bên trong mối mọt xấu xa thì cũng là đồ bỏ đi. Cái thực chất bên trong tốt mà cái vỏ beân ngoài có xấu một chút thì đồ gỗ cũng dùng được bền lâu.

 

          Câu này lấy gỗ và nước sơn ví với đức hạnh và phục sức; diện mạo con người, ý nghĩa cũng na ná như ý nghĩa câu :”Đẹp nết hơn đẹp người”. (Văn Hòe, Tục ngữ lược giải, 1952, tr 198-199)

 

Truyện : giấc mơ kinh hoàng

 

          Trong sách “Món quà Giáng sinh” trang 137 có kể lại giấc mơ khủng khiếp như sau : Tôi thấy mình đứng trước một biệt thự nguy nga. Bước vào trong tôi thấy hai hành lang với hai hàng chữ “Bên phải dành cho người Công giáo, bên trái dành cho kẻ ngoại”.

          Tôi đi theo hành lang bên phải. Đi được một lúc tôi tới ngã rẽ khác, lần này tôi đọc thấy bảng chỉ dẫn như sau “Bên phải dành cho người có đức tin mạnh, bên trái dành cho kẻ có đức tin yếu kém”.

          Tôi lại đi theo bên phải. Đến một ngã rẽ khác, tôi lại thấy bảng chỉ dẫn “Bên phải dành cho những người có đức bác ái, bên trái dành cho những kẻ ích kỷ”.

          Tôi lại chạy qua bên phải. Cuối cùng tôi gaëp bảng chỉ dẫn “Bên phải daønh cho những người có đời sống thánh thiện, bên trái dành cho những người tội lỗi”.

          Một lần nữa, tôi chọn bên phải. Tôi đang hân hoan rảo bước thì bỗng một cảnh tượng hãi hùng khủng khiếp hiện ra  ở cuối hành lang ấy : cảnh hỏa ngục với muôn vàn hình khổ không lời nào tả xiết.

          Tôi hoảng hốt kêu rú lên và giật mình thức dậy. Sau một phút, tôi tự hỏi “Phải chăng cuộc sống đạo của tôi toàn là giả hình như giấc mơ hãi hùng ấy” ?

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Mục Lục