T R Ở V Ề
***
Chúng ta đã bước vào Mùa Chay thánh. Đây
là thời gian mà thánh Phaolô gọi là “thời
gian thuận tiện, thời gian cứu độ” (2Cr 6,2b). Mùa Chay là thời gian thuận
lợi để chúng ta rà xét lại con người của mình để biết chúng ta đang thế nào, có
đi đúng đường hướng mà Chúa đã chỉ cho
hay không ? Nếu đi lệch hướng thì phải điều chỉnh lại, phải ăn năn sám hối để
trở về con đường lành. Sám hối tức là trở về (metanoia).
I. ƯỚC MUỐN RA ĐI
Nói tới trở về, tất nhiên phải công nhận
là đã ra đi. Có người ra đi vì chí lớn nghĩa cả. Có người ra đi vì công danh sự
nghiệp. Có trăm ngàn chuyến ra đi, hay có dở có, theo hàng trăm lý tưởng, theo đuổi
ngàn vạn mục đích, có khi chống đối nhau, có khi liên kết với nhau.
1. Cuộc ra đi của nguyên tổ.
Cuộc ra đi chúng ta muốn nói đây chính
là cuộc ra đi tiên khởi của hai nguyên tổ nhân loại là Adong và Evà. Đó là cuộc
ra đi vô cùng bi đát, được ghi lại ngay đầu trang sử nhân loại, mang theo những
hậu quả vô cùng thê thảm cho chính hai thủ phạm, đồng thời cũng truyền hậu quả ấy
cho con cháu. Đúng là :”Đời cha ăn mặn, đời
con khát nước” (Tục ngữ). Tây phương cũng có câu tương tự :”Cha ăn nho xanh, con chịu xún răng”. Nguyên do cuộc ra đi ấy là do hai ông bà đã thất trung bất hiếu dám
giơ tay hái trái cấm bất tuân giới lệnh của Thiên Chúa đã ngăm đe (Sáng thế, chương
3).
Hậu quả cuộc ra đi ấy là cắt đứt mối tình phụ tử thắm thiết giữa
cha con, bỏ mất cuộc sống an vui hạnh phúc nơi Địa đàng, phá gẫy nhịp cầu bắc nối
giữa Thiên Chúa và nhân loại. Do đó, nhân loại trở thành thù địch của Thiên Chúa,
đến nỗi sau này phải nhờ Con Chúa nhập thể giáng trần mới bắc lại nhịp cầu đã bẻ
gẫy, trả lại cho nhân loại địa vị làm con Thiên Chúa.
2. Cuộc ra đi của các tâm hồn
Chúng ta là con cháu Adong Evà, chúng
ta phải gánh chịu hậu quả tai hại do các ngài đã gây ra. Cuộc ra đi tiên khởi của
các ngài mở màn cho biết bao cuộc ra đi khác nơi mỗi tâm hồn đã, đang và sẽ còn tiếp diễn mãi cho sự yếu đuối
và phản bội của con người mang sẵn bản tính sa đọa vì nguyên tội. Dụ ngôn người
con hoang đàng (Lc 15,11-32) chính là hình ảnh tượng trưng bao cuộc ra đi âm thầm
nơi các tâm hồn làm ngơ trước sức thúc giục của ân thánh nơi lòng mỗi người.
Cuộc ra đi nào thường cũng mang theo một
ý nghĩa thiệt thòi mất mát về tình cảm hay về vật chất :
“Ra đi là chết trong lòng một ít”
(Xuân
Diệu)
Hoặc :
Partir, c’est mourir un peu,
C’est mourir à ce que l’on aime.
On
laisse un peu de soi-même,
À
toute heure et tout lieu.
(Anatole
France)
Mỗi lần
ra đi, chết đi một chút,
Chết cho
cái gì mình yêu
Ở tại mỗi
chỗ và trong mỗi giờ.
Người con hoang đàng trong
Phúc âm (Lc 15,11-32) khi còn chung sống với người cha, được ấp ủ trong tình phụ
tử, toàn gia nghiệp của thân phụ là của anh ta (Lc 15,31). Nhưng đâu anh có ý
thức lúc đó anh phú túc và hạnh phúc nhất đời anh. Khi anh nhận gia tài cha chia cho rồi trẩy đi
phương xa ngao du chơi bời, chính là lúc anh nghèo đi mà chẳng biết mình nghèo. Mãi tới khi anh phung phí hết của cải, mang
thân đi làm mướn chăn heo, rồi ăn cả cám heo, anh mới sáng mắt nhân chân mình cùng
cực khốn nạn.
Cuộc ra đi của nguyên tổ và
cuộc ra đi của từng tâm hồn phụ bạc ơn
thánh là khốn nạn vì họ đã xa lìa Thiên Chúa là nguồn hạnh phúc, nguồn sống vô
tận. Cuộc sống của họ sẽ khô héo dần không sinh hoa kết quả được.
II. NHU CẦU TRỞ VỀ
Đã ra đi tất phải trở về, chỉ
trừ những ai “Ra đi không về, âm vàng lời
thề” như những chiến sĩ du kích thoát ly ra đi là nắm chắc phần thân tan thịt
nát; còn bất cứ ai ra đi cũng mong ngày trở về,
không bằng hình thức này thì bằng hình thức khác, không ỡ cõi trần thế
thì ở nơi vĩnh phúc.
1. Trở về là gì ?
Trở về là gì nếu không phải là đổi chiều
một cuộc hành trình để đi về chính hướng. Trở về là cải tà qui chính, bỏ phe tả
về phe hữu, là đầu hàng và khước từ một nếp sống không thể kéo dài được để quay
về với chân lý nguyên sơ đảm bảo cho đời sống hạnh phúc của mình.
Trở về,
Trở về là nói mình đang ở xa. Xa nhà,
nay tôi trở về. Khoảng cách không gian
cho ta cảm tưởng rõ ràng một sự cách biệt.
Khi định nghĩa trở về trong ý nghĩa
thiêng liêng, ta thấy khó hơn. Thí dụ, nói tôi trở về với Chúa. Cái khoảng cách
giữa tôi và Chúa không biết ngắn hay dài. Lấy gì để mà đo. Nếu xét rằng tôi không
phạm tội nặng, tôi vẫn đi lễ, thì dường như tôi không xa Chúa. Tôi không cần đặt
vấn đề trở về.
Đọc dụ ngôn con chiên lạc, ta thấy
ngay là con chiên đó xa đàn. Hình ảnh Chúa đi tìm làm ta thấy con chiên này cần
trở về. So sánh mình với người khác, ta thấy có người bỏ nhà thờ, có người có đời
sống tội lỗi công khai. Như thế, họ cần trở về hơn mình. Tuy nhiên, đọc kỹ đoạn
Phúc âm trên, ta thấy sự trở về có thể là cần thiết cho những con chiên không bỏ
đàn đi, không bỏ nhà thờ, vẫn ở trong nhà thờ.
Do đó, chúng ta đừng nghĩ rằng : chỉ
những người không tin Chúa hay đã chối bỏ Chúa mới cần trở về; còn chúng ta là
những Kitô hữu đích danh, hằng ngày vẫn đi lễ, xưng tội, rước lễ, làm các việc
lành phúc đức thì chẳng cần phải trở về, vì chúng ta đang ở trong đạo, trong Giáo
hội mà !
Nhưng rất có thể chúng ta đã trở nên vô
đạo hoặc tệ hơn nữa là vô thần lúc nào không biết; tuy mang danh là Kitô hữu mà
đời sống còn tệ hơn người vô đạo. Họ tuy ở ngoài đạo, ngoài Giáo hội mà lòng họ
vẫn liên kết với đạo, vẫn có lòng tin,
muốn sống vươn lên trong tâm tình ước muốn :
Lạy Chúa, con là người ngoại đạo
Nhưng
tin có Chúa ngự trên cao.
Cũng như bây giờ, có người ở trong nhà
thờ mà lòng trí họ đang ở ngoài nhà thờ, trong khi đó có nhiều người đang ở ngoài
nhà thờ mà lòng trí họ đang ở trong nhà thờ.
2. Ai ai cũng phải trở về.
Chỉ những ai không bao giờ phạm tội
thì mới không cần trở về. Nhưng ai dám nói mình không phạm tội ? Những người luật sĩ và biệt phái dẫn đến cho
Chúa Giêsu một người phụ nữ bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình, họ muốn
Ngài kết án chị phải bị ném đá theo luật, nhưng Chúa Giêsu đã dội cho họ một gáo
nước lạnh :”Ai trong các ông không phạm tội
thì hãy ném đá trước đi” (Ga 8,7).
Thánh Gioan Tông đồ cũng khẳng định với
chúng ta là ai cũng có tội, khi ngài nói :”Nếu
chúng ta nói là chúng ta không phạm tội,
thì chúng ta coi Người là kẻ nói dối, và lời của Người không ở trong chúng
ta”(1Ga 1,10).
Truyện : Hạt táo
Tại một xứ Hồi giáo nọ, có một người đàn
ông bị vua truyền lệnh treo cổ vì đã ăn cắp thức ăn của một người khác. Như thường
lệ, trước khi bị treo cổ, tội nhân được nhà vua cho phép xin một ân huệ. Kẻ tử tội bèn xin với nhà vua như sau : “Tâu
bệ hạ, xin cho thần được trồng một cây táo. Chỉ trong một đêm thôi, hạt giống sẽ
nảy mầm, thành cây và có trái ăn ngay tức khắc. Đây là một bí quyết mà cha thần
đã truyền lại cho thần. Thần tiếc là bí quyết này không được truyền lại cho hậu
thế.
Nhà vua truyền lệnh cho chuẩn bị mọi sự
sẵn sàng để sáng hôm sau người tử tội sẽ biểu diễn cách trồng táo. Đúng giờ hẹn,
trước mặt nhà vua và các quan văn võ trong triều đình, tên trộm đào một cái lỗ
nhỏ và nói :”Chỉ có người nào chưa hề ăn cắp hoặc lấy của người khác, người đó
mới có thể trồng được hạt giống này. Vì đã từng ăn trộm nên tôi không thể trồng
được hạt giống này”.
Nhà vua tin người tử tội, nên mới quay
sang nhìn vị tể tướng có ý nhờ ông ta làm công tác ấy. Nhưng sau một hồi do dự,
vị tể tướng mới thưa :”Tâu bệ hạ, thần nhớ lại lúc thời niên thiếu, thần cũng đã
có lần lấy của người khác… Thần cảm thấy mình không đủ điều kiện để trồng hạt táo
này”. Nhà vua đảo mắt nhìn quanh các
quan văn võ đang có mặt, ông nghĩ bụng
may ra quan thủ kho trong triều đình là
người nổi tiếng trong sạch có thể hội đủ điều kiện. Nhưng cũng giống như vị tể tướng, quan thủ kho
cũng lắc đầu từ chối và tuyên bố trước mặt mọi người rằng, ông cũng đã có một lần
gian lận trong chuyện tiền bạc. Không còn
tìm được người nào có thể thực hiện được bí quyết trồng cây ấy, nhà vua định cầm hạt giống đến cho vào lỗ đã đào
sẵn. Nhưng ông cũng chợt nhớ rằng lúc còn
niên thiếu, ông cũng đã có lần đánh cắp một báu vật của vua cha…
Lúc bấy giờ, người tử tội chỉ vì ăn cắp
thức ăn, mới chua xót thốt lên :”Các ngài là những kẻ quyền thế cao sang. Các
ngài không hề thiếu thốn điều gì. Vậy mà các ngài cũng không thể trồng được hạt
giống này, chỉ vì các ngài cũng đã hơn một lần lấy của người khác. Còn tôi, một
con người khốn khó, chỉ lỡ lấy thức ăn của người khác để ăn cho đỡ đói qua ngày,
thì lại bị các ngài nghị án treo cổ…” Nhà vua và cả triều thần nghe như xốn xao
trong lương tâm. Ôâng ra lệnh phóng thích cho người ăn trộm.
Có những người tưởng mình sống đạo đức
thánh thiện rồi thì không cần trở về. Họ
tưởng rằng sự trở về chỉ cần cho những người tội lỗi. Những người biệt phái và
luật sĩ rơi vào trong tình trạng này, họ tự mãn coi mình là những người giữ luật một cách cặn kẽ hơn hết mọi người, đã đi đúng
hướng rồi, không cần phải trở về. Nhưng thực ra họ là những người cứng lòng, khó
lòng mà sửa đổi được.
Trong cuốn “Ơn trở về”, Đức Cha JB Bùi
Tuần đã trích dẫn cuốn sách của cha André Louf, tựa đề “Au gré De Sa Grâce”, ngài đề cập đến không
“những kẻ tội lỗi cứng lòng” mà còn “những
người ngay chính cứng lòng” nữa.
Tôi tự nghĩ người con hoang đàng là hình ảnh những người tội lỗi, còn người
anh có thể là hình ảnh của những người ngay chính cứng lòng. Người tự coi mình
là công chính, đạo đức mà cứng lòng và tự mãn thì thật khó trở về.
Đức Cha JB Bùi Tuần đã kể lại câu chuyện
như sau :”Trong một phòng khách của Đức Giáo hoàng, tôi thấy có một tượng thánh
Phêrô bằng đồng đen, đặt trên bệ cao. Có lần tôi tò mò lại gần xem, thì thấy
tay ông thánh Phêrô cầm một chùm hai chìa khóa. Tôi tự hỏi : mở cửa thiên đàng
thì một chìa đã đủ, sao phải hai chìa ? Và, đột nhiên, một ý tưởng thoáng qua
trả lời tôi rằng : Chùm này là để mở lòng người. Kẻ tội lỗi cứng lòng thì một chìa đủ mở. Còn
người công chính cứng lòng thì hai chìa chưa chắc đã mở ra được”(Ơn Trở Về, tr
81).
III. TRỞ VỀ TRONG ƠN
THA THỨ
Chúng ta thường hát câu thánh vịnh
trong lễ cầu hồn :”Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu, Người đại lượng và chan chứa
tình thương, Người không xử với ta như ta đáng tội, và không trả cho ta theo lỗi
của ta”. Trong lịch sử dân Do thái, chúng
ta thấy đã bao lần họ cứng lòng lìa bỏ Chúa, đi theo những tà thần dân ngoại, khi ở trong sa mạc cũng như khi đã về Đất Hứa,
nhưng khi họ hối lỗi thì Chúa lại tha thứ.
Ngày nay, con người chúng ta vẫn đi vào
vết xe cũ của người Do thái xưa, nhưng Thiên vẫn trung tín thi hành lời đã hứa.
Thiên Chúa đã sai Con Một Người đến trần
gian chịu chết trên thập giá chuộc tội cho thiên hạ để ký kết giao ước với loài
người, tuy con người phản bội nhưng Ngài vẫn trung thành, Ngài vẫn thương yêu và
tha thứ, kêu gọi con người trở lại với tình thương bao la của Ngài.
Thánh Luca luôn nói về lòng thương yêu
tha thứ của Thiên Chúa như qua dụ ngôn con chiên lạc, đồng bạc bị mất và đứa
con hoang đàng. Tất cả đều thúc giục con
người hãy tin tưởng vào lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa đối với sự vô
ân tệ bạc của con người : dụ ngôn đứa con hoang đàng đã chứùng tỏ điều đó (Lc
15).
Đức Hồng y FX Nguyễn văn Thuận trong bài
giảng tĩnh tâm cho Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II và giáo triều Rôma đã trình bầy
đề tài “các khuyết điểm của Chúa Giêsu” để nói lên lòng thương xót của Ngài. Tôi xin trích nguyên văn để chúng ta cùng suy
niệm.
1. Đức Giêsu không có trí nhớ tốt.
Trên thập giá, trong lúc hấp hối, Đức
Giêsu nghe tên trộm bên phải nói :”Thưa ông
Giêsu,
xin hãy nhớ đến tôi, khi ông vào nước của ông (Lc 23,42). Giả sử đó
là tôi, thì có lẽ tôi đã trả lời :”Tôi sẽ không quên anh, nhưng anh phải đền bù các tội ác của mình ít là khoảng 20 năm trong
luyện ngục”. Trái lại, Chúa trả lời anh
ta :”Ngày hôm nay, ngươi sẽ được ở cùng
Ta trên thiên đàng”(Lc 23,43).
Điều tương tự cũng đã xẩy ra với người
đàn bà tội lỗi đã xức thuốc thơm cho chân Chúa : Chúa Giêsu chẳng hỏi gì về quá
khứ xấu xa của bà nhưng chỉ nói :”… Tội
con tuy nhiều, nhưng chúng đều được tha hết vì con đã yêu nhiều”(Lc 7,47).
Cũng tương tự đứa con hoang đàng (Lc
15), Chúa Giêsu không có một trí nhớ như trí nhớ của tôi, không những Ngài tha
thứ, và tha thứ cho mỗi người, nhưng Ngài còn quên là Ngài đã tha thứ.
2. Chúa Giêsu đi thi toán chắc rớt.
Giả sử Chúa Giêsu đi thi toán, chắc Ngài
bị đánh rớt. Dụ ngôn người mục tử nhân lành chứng tỏ điều đó. Người mục tử có
100 con chiên. Một con chiên bị lạc và không chần chờ gì, ông ta đi tìm chiên ấy,
bỏ 99 con khác nơi hoang địa. Khi tìm được chiên lạc, ông vác chiên lên vai.
Đối với Chúa Giêsu, một có giá trị bằng
99…và có lẽ còn hơn thế nữa ! Có ai chấp nhận được điều đó không ? Nhưng lòng
thương xót của Ngài trải rộng từ đời này sang đời khác…
3. Chúa Giêsu chả biết gì về triết học.
Ngài không hiểu gì về luận lý học khi đưa
ra dụ ngôn : một người đàn bà có 10 đồng bạc, rủi rớt mất một đồng, bèn thắp đèn
mà tìm. Khi bà tìm được thì hớn hở gọi hàng xóm láng giềng :”Bà con ơi, hãy chia vui với tôi vì tôi đã
tìm thấy đồng bạc bị mất”(Lc 15,8-10) Thật chẳng hợp lý tí nào khi mời hàng
xóm như vậy bà phải chi phí còn hơn đồng bạc tìm được. Nhưng, đó lại chính là cách
mà Chúa đã dùng để chỉ sự vui mừng của Thiên Chúa khi một người ăn năn trở lại.
Ở đây chúng ta có thể nói như Blaise
Pascal :”Con tim có những lý lẽ của nó mà
lý trí không biết được”.
4. Chúa Giêsu không biết về tài chính và kinh tế.
Ngài chả có ý tưởng gì về kinh tế và tài
chính. Trong dụ ngôn những kẻ làm vườn nho, ông chủ trả cùng một số tiền cho những
kẻ làm đầu tắt mặt tối từ sáng tinh mơ cho đến chiều tối, và những kẻ gần chiều
mới bắt tay vào việc. Không biết Ngài có tính toán sai không ? Không ! Ngài chủ
ý làm như vậy vì Ngài không thương chúng ta vì công trạng của chúng ta. Tình yêu
của Ngài là hoàn toàn miễn phí và vượt xa trí hiểu của chúng ta. Ngài đã có những “khuyết điểm” vì Ngài yêu thương
chúng ta. Tình yêu thực sự không có tính toán so đo, không biên giới, không điều
kiện, không ngăn cách và không nhớ những sai phạm (x. Mt 20,1-16).
5. Chúa Giêsu là một người phiêu lưu.
Chúa Giêsu là người mua lấy rủi ro về
phần mình. Người ta muốn chiêu dụ nhiều
người theo mình thì hứa cho thật nhiều những điều tốt lành, trong khi Ngài lại
hứa những gian lao thử thách, bắt bớ và giam cầm cho những ai theo Ngài. Trong
2000 năm qua, chúng ta đã chứng kiến bao rủi ro, thiệt thòi cho những kẻ muốn
theo Ngài, nhưng số người theo Ngài càng ngày càng đông, họ dám hy sinh cả mạng
sống cho Ngài (x. Mt 8,20; Lc 9,23).
Để kết luận, chúng ta tự hỏi : tại sao
Chúa Giêsu có những khuyết điểm như thế ?
- Vì
Ngài là Tình yêu (x. 1Ga 4,16). Tình yêu đích thực không lý luận, không đo
lường, không dựng lên những hàng rào, không so đo tính toán, không đặt điều kiện.
(H.Y FX Nguyễn văn Thuận, Chứng
nhân hy vọng, tr 39-44)
IV. NHỮNG NẺO ĐƯỜNG
VÊ
Đã xác nhận ra đi và cần thiết phải trở
về, nhưng trở về bằng cách nào, theo đường lối nào ? Có phải mọi người cùng
theo một đường hướng như nhau cả không ?
Cuộc trở về nói đây rất hệ trọng, nhưng hệ tại ở tâm hồn nhiều hơn nếp sống
bên ngoài.
Nói trở về, hẳn nhiều người nghĩ ngay đến
phải bỏ đời đi tu, bởi vì : Tu là cõi phúc,
tình là giây oan (Sư Tam Hợp). Chọn
một nếp số tu trì chưa hẳn là đã trở về thực thụ : “Áo dòng không làm nên thầy
tu”. Mặc dầu người ta thường nói :”Nhân
hiền tại mạo, có trắng gạo thì mới ngon cơm”.
Cuộc trở về nói đây mỗi người phải tùy
địa vị cảnh ngộ và môi trường sinh sống mà chọn lựa, không nhất thiết ai ai cũng
phải giống ai vì “Đường nào cũng về La mã”.
Trở về chính là trở về với lòng mình,
nghĩa là trở về với chính tâm hồn trong
trắng trong ngày chịu phép Rửa tội. Lúc ấy chúng ta đã trở nên đền thờ sống động
đẹp đẽ của Thiên Chúa, hãy trở về với con người nguyên thủy của chúng ta. Nói cách
khác, con người chúng ta ngày nay đã biến chất, hãy sửa đổi chính mình để trở nên
con người mới dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.
Linh mục Anthony de Mello kể lại tâm sự
một nhà hiền triết như sau : Nhìn lại cuộc sống đã qua nhà hiền triết thú nhận
: Lúc thiếu thời tôi là một kẻ hiếu động. Trong sự hăng hái của tuổi trẻ tôi thường
xin Chúa cho tôi sức mạnh biến đổi trái đất này trở nên tốt hơn.
Khi được nửa đời người, tôi ý thức là mình chưa
làm được gì cả, chưa thay đổi được bất cứ người nào. Tôi liền đổi lại lời cầu
nguyện cho thiết thực hơn :” Lạy Chúa, giờ đây con chỉ xin Chúa cho con khả năng thay đổi cuộc sống của những người con tiếp xúc hằêng ngày thôi”
Nhưng rồi khi tuổi đời sắp hết, tôi thấy
rằng mình quá cao vọng và ảo tưởng, tôi lại thay đổi lời cầu nguyện như sau :”Lạy
Chúa, xin ban ơn cho con thay đổi chính đời sống của con”. Nếu từ tuổi thanh xuân tôi đã cầu nguyện như
thế, thì có lẽ tôi không phải hối tiếc vì đã sống một cuộc đời vô ích.
Sự suy nghĩ của nhà hiền triết trên rất
đúng : mọi thay đổi phải bắt nguồn từ mình trước. Tư tưởng giáo dục này đã được
Đức Khổng Tử nói đến từ xưa. Công trình
giáo dục phải được thực hiện từ gần đến xa, từ nhỏ đến lớn, tức là :”Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”.
Theo đó, muốn cho thế giới này nên tốt hơn tức“bình thiên hạ” thì trước tiên phải
“Tu thân”, phải sửa mình, mình có tốt thì mới có sức làm cho thiên hạ tốt hơn.
Lời Chúa trong đầu Mùa Chay này cũng
nhắc nhở cho mọi người chúng ta, là những con cái yêu thương của Ngài :”Anh em hãy sám hối và tin vào Tin mừng”(Mc
4,15). Sám hối ở đây theo tiên tri Giêrêmia là thay đổi hướng đi, thực tình
quay về với Thiên Chúa của Giáo ước và dấn bước vào một cuộc sống mới.
Trong sứ điệp gửi giới trẻ thế giới Mùa
Chay năm 2001, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã lấy đề tài :”Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình vác thập
giá hằng ngày mà theo”(Lc 9,23). Theo ý Ngài, Chúa Giêsu đã chọn con đường
thập giá để đi tới vinh quang. Ngài đã vạch ra cho chúng ta con đường phải đi
theo. Chỉ còn một con đường duy nhất do
Chúa đã đi, người môn đệ phải đi theo con đường đó mà không được vạch ra con đường
khác. Nếu chẳng may đã đi trệch đường thì phải có can đảm trở lại, không ngại khó
khăn. Chúa sẽ sẵn lòng tha thứ nếu chúng ta biết hối lỗi trở về với Chúa. Phải can đảm lên.
Truyện : Ông Mahatma Gandhi thú lỗi.
Mahatma Gandhi có kể về cuộc đời ông
như sau : Hồi tôi mười lăm tuổi, tôi mắc một tật rất xấu, là tội ăn trộm. Khi đó
tôi mắc nợ người bạn một số tiền khá lớn, thế rồi tôi đã về lấy của cha tôi một vòng đeo tay bằng vàng để
bán lấy số tiền trả nợ.
Nhưng sau đó, tôi luôn luôn bị lương tâm
cắt rứt, không cho tôi được giây phút bình an. Tôi không thể sống trong tình trạng
này nữa. Tôi nhất quyết phải đến thú tội
với ba tôi càng sớm càng tốt. Nhưng khi đến
trước ngài, vì xấu hổ và sợ hãi nên tôi không thể thốt ra lời. Sau đó tôi liền
nghĩ ra một cách thú tội bằng giấy mực. Tôi đã cầm tờ giấy đó đến trước mặt cha
tôi, toàn thân tôi run rẩy và trao tờ giấy đó cho cha tôi. Ông đã đọc tờ thú lỗi
của tôi, sau đó ông nhắm mắt lại trong giây lát và đã xé tờ giấy thành nhiều mảnh,
rồi nói với tôi :”Biết mình là điều rất tốt”, và đến ôm chầm lấy tôi trong vòng
tay tràn đầy yêu thương, tha thứ của người. Từ giây phút đó tôi hiểu và thương
mến cha tôi hơn.
KẾT LUẬN
Để kết luận, chúng ta hãy suy niệm lời
tiên tri Ezéchiel mà Giáo hội dùng để khuyến khích chúng ta thực hiện trong Mùa
Chay này :”Hãy trở lại, hãy từ bỏ mọi tội
phản nghịch của các ngươi, không còn được chướng ngại nào làm các ngươi phạm tội
nữa. Hãy quăng khỏi các ngươi mọi tội phản nghịch các ngươi đã phạm. Hãy tạo
cho mình một trái tim mới và một thần khí mới. Hỡi nhà Israel, tại sao các ngươi lại muốn chết ? Quả thật, Ta không thích gì về cái chết của kẻ phải chết
– sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng. Vậy, hãy TRỞ LẠI và hãy sống (Ed 18,30b-32)
Mùa Chay là thời gian thuận tiện giúp
chúng ta sám hối (2Cr 6,2b). Chúa vẫn chờ đợi chúng ta trở về trong tình yêu thương
của Ngài. Chúa vẫn kiên nhẫn chờ đợi cho đến giây phút
chót giống như trường hợp một ông vua chờ đợi cho những kẻ nghịch phải qui thuận : Sau khi đánh tan một
cuộc nổi loạn, nhà vua bắt những kẻ phản loạn về. Ông ra lệnh thắp lên một cây
nến, rồi nói với họ :”Ai chịu đầu hàng và thề trung thành với ta thì sẽ được
tha, bằng không sẽ bị giết . Các ngươi hãy
suy nghĩ. Khi cây nến tắt thì cuộc hành quyết sẽ bắt đầu”.
Thiên Chúa cũng đối xử với các tội nhân
như vậy : Ngài cho họ một thời gian gia hạn. Tuy nhiên có một khác biệt quan trọng
: không ai biết cây nến của đời mình còn dài hay ngắn
(Arthur J. Tonne).
“Sám hối”. Vâng, tôi đã hơn một lần sám
hối, thế mà cuộc đời tôi vẫn thế. Và hôm nay Chúa lại mời gọi tôi sám hối, mời
gọi tôi hãy làm một cuộc cách mạng tận căn mà lấy lời Chúa làm chuẩn mực, một
cuộc cách mạng dựa trên nền tảng của tình yêu thương, không đố kỵ, không ghen
ghét, để nơi con có được tình yêu mà Chúa đã đem đến nơi thế gian này.
Lạy Chúa, xin giúp con sám hối, xin biến
đổi tâm hồn con, để mọi việc con làm, mọi điều con suy nghĩ dựa trên tình yêu
(Hosanna).
Lm Giuse Đinh lập Liễm
Giáo xứ Kim phát
Đà lạt