LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

+++

 

          Theo  truyền thống lâu đời trong Giáo hội, tháng Sáu lá tháng đặc biệt kính Thánh Tâm Chúa, ngày thứ Sáu đầu tháng  cũng đặc biệt dâng kính Thánh Tâm Chúa.  Nhiều vị thánh, nhất là thánh Gioan Euđê và thánh Margarita Maria Alacoque đã hăng hái cổ động lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa.  Ngoài ra dòng Thánh Tâm và Hội Liên minh Thánh Tâm cũng giúp nhiều vào việc cổ động sự tôn sùng Thánh Tâm Chúa ở khắp nơi. Nhiều gia đình có tượng hoặc ảnh kính Thánh Tâm Chúa.

 

I. LỄ KÍNH THÁNH TÂM CHÚA.

 

          Về việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa, nhiều tài liệu cho biết Thánh Tâm Chúa Giêsu đã được nói đến từ núi Canvê khi môn đệ hạ xác Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá, tỏ cho thấy “vết giáo đâm vào cạnh sườn Người thấu đến trái tim” mà thánh Gioan kể rõ :”Tức thì máu cùng nước chảy ra” (Ga 19,34).

 

          Nhưng từ thế kỷ 11-12, lòng tôn sùng Thánh Tâm mới được phát triển nhờ các dòng Biển Đức và Xitô. Và, vào thế kỷ 16-17, lòng tôn sùng ấy được thịnh hành nhờ các dòng Phan Sinh, Đa Minh và nhất là Hội Liên minh Thánh Tâm Chúa Giêsu…

 

          Một cách đặc biệt, lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu đã được thánh Gioan Euđê (1680) cổ võ từ thế kỷ 17 và nhất là qua thị kiến mà thánh nữ Margarita Maria Alacoque (1690) đã nhận được từ tu viện thăm viếng ở Paray-le-Monial vào năm 1673 và 1675. Trong các thị kiến đó, chị Margarita được Chúa Giêsu chỉ cho thấy Trái tìm Ngài “đã yêu thương nhân loại thế nào mà chỉ nhận được sự đáp trả bạc bẽo vô ơn” !  Thánh nữ còn được Chúa Giêsu ủy thác việc xin giáo quyền thiết lập một ngày lễ kính Thánh Tâm Chúa.  Nhưng, lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa tuy được cổ võ từ 2 thế kỷ trước – với lể kính Thánh Tâm được tổ chức lần đầu tiên vào 31/08/1670 tại thành phố Rennes, Pháp – sau khi thánh nữ qua đời, Đức Giáo hoàng Piô IX (1846-1878) mới chính thức thiết lập lễ kính Thánh Tâm vào tháng 06 năm 1856, ngày thứ Sáu sau lễ kính Mình Thánh Chúa.

 

II. NỀN TẢNG VIỆC TÔN SÙNG THÁNH TÂM.

 

Trong Tin mừng chỉ có vài câu có liên hệ gián tiếp đến Trái tim của Chúa Giêsu, như trong Matthêu 11,29 :“ …Vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Latinh là “quia mitis sum et humilis corde”) hoặc trong Gioan 20,27 :”…Hãy đặt vào cạnh sườn Ta” (Mitte in latus meum”) trong đó hai từ cordelatus đều ám chỉ trái tim của Chúa Giêsu.  Ngoài ra Chúa Giêsu không đả động gì đến trái tim Ngài. Không bao giờ Ngài bảo phải yêu mến và tôn sùng trái tim Ngài.

 

          Cha William G. Most, chuyên gia thần học, giảng giải : Tôn sùng Thánh Tâm là một phần của nền tảng đức tin căn cứ vào lòng Chúa yêu thương, được biểu hiện nơi Trái Tim Chúa Giêsu, nhờ đó chúng ta mới hiện hữu và được cứu rỗi.

 

          Phát biểu của Đức Giáo hoàng Piô XI trong tông thư Miserentissimus Redemptor (Đấng Cứu chuộc rất yêu thương), được Đức Giáo hoàng Piô XI trích lại trong tông thư Haurietis Aquas :”Phải chăng sự tôn sùng Thánh Tâm tóm lược tất cả đạo giáo của chúng ta và hướng dẫn mọi người đến một cuộc sống hoàn toàn hơn ?  Đó là những gì dẫn dắt tâm trí chúng ta  hiểu biết Chúa Kitô một cách mật thiết, làm cho tâm hồn chúng ta  yêu mến Chúa cách nhiệt tình hơn và noi gương Ngài cách trọn vẹn hơn” (Haurietis Aquas, số 36).

 

          Có lẽ việc tôn sùng Thánh tâm Chúa Giêsu phát xuất từ đoạn Tin mừng theo thánh Gioan 19,31-37 kể lại rằng  sau khi Chúa Giêsu tắt thở trên thập giá, thì một người lính lấy ngọn giáo đâm vào cạnh sườn Ngài, tức thì máu cùng nước chảy ra.  Chính Chúa Giêsu lúc còn sống, Ngài phán :”Hết thảy những ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các người. Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,25-30).

 

          Chiêm ngắm cạnh sườn bị đâm thâu của Đấng Cứu Thế, chúng ta sẽ hiểu biết Ngài cách sâu rộng hơn, kinh nghiệm về tình yêu của Ngài cách đầy đủ hơn, khiến chúng ta có thể sống chan hòa với tình yêu của Ngài và sẵn sàng làm chứng về tình yêu ấy cho những người khác.

 

          Đức Gioan Phaolô II đã quả quyết :”Kề bên Trái Tim Chúa Giêsu, trái tim chúng ta sẽ biết được ý nghĩa chân thực và duy nhất của đời người cũng như định mệnh của nó, sẽ hiểu được giá trị của cuộc sống chính thống Kitô giáo, sẽ giữ mình thoát khỏi  một số những đồi trụy của con tim để luôn liên kết tình yêu thảo hiếu của chúng ta  dành cho Thiên Chúa lại với tình yêu ta nhân.  Và như vậy, chúng ta sẽ thực hiện được  sự phạt tạ Chúa đòi hỏi, bù lại những đổ vỡ do ghen ghét và bạo lục gây nên, để xây dựng một nền văn minh xứng với Trái Tin Chúa Kitô” (Insegnamenti, vol  IX/2, 1986, tr 843).

 

          Trái tim thường được coi là “trụ sở của Tình yêu”. Chúng ta tôn thờ Thánh Tâm Chúa, để nhớ đến tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại, đối với mọi người chúng ta.  Giáo hội thiết lập lễ Thánh Tâm là để đề cao lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại nơi Ngôi Hai Thiên Chúa làm người là Đức Giêsu Kitô.

 

Suy ngắm về tình yêu vô biên của Thiên Chúa đối với nhân loại, chúng ta mới hiểu được định nghĩa của thánh Gioan :”Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4,8), và thánh Gioan còn viết một cách cụ thể hơn :”Tình Yêu của Thiên Chúa cốt ở điều này là : không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Ngài đến để làm Của Lễ đến tội chúng ta” (1Ga 4,10);

 

          Tình yêu còn đặc biệt được biểu lộ qua việc Ngài thương xót những kẻ tội lỗi :”Ta đến không phải để tìm người công chính, nhưng để tìm người tội lỗi biết ăn năn hối cải” (Lc 5,32).  Chúa Giêsu đã nói đến tình yêu đó qua nhiều dụ ngôn, như dụ ngôn đồng tiền bị đánh mất (Lc 15,8-10), người  cha nhân hậu (Lc 15,11-32), dụ ngôn con chiên lạc (Lc 15,4-7) . Dụ ngôn “Con chiên lạc” trong bài đọc 1 hôm nay, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến việc Thiên Chúa vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn hối cải hơn chín mươi chín người công chính không cần hối cải.

 

III. ĐỀN ĐÁP THÁNH TÂM CHÚA

 

          Tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu không phải là bằng những tình cảm ướt át, ủy mị, những lời kinh đền tạ tha thiết, những câu hát than van rên rỉ … nhưng là đi vào tâm tình của Ngài, hòa vào mạch sống yêu thương của Ngài, là chấp nhận sự hy sinh, sự mất mát, sự chết cho anh em đồng loại được sống, được hạnh phúc.

 

          Suy ngắm tình Chúa yêu, chẳng những giúp chúng ta thêm lòng yêu mến Chúa, mà còn giúp chúng ta  thêm lòng yêu thương tha thứ cho nhau.  Thánh Gioan viết :”Nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta, chúng ta cũng phải yêu thương nhau… Như Chúa đã tha thứ cho chúng ta, chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau và giúp đỡ lẫn nhau…” (1Ga 11-21).

 

          Con người có hai nhu cầu cần được thỏa mãn đó là muốn yêu và được yêu. Là người, ai cũng muốn yêu : cha mẹ thương con cái, con cái yêu mến cha mẹ ;  vợ chông yêu nhau, bạn bè thương mến nhau. Ai không còn khả năng để yêu người khác  thì tuy đang sống  nhưng cũng kể như đã chết. Chúa Giêsu là Thiên Chúa làm người, Ngài yêu thương mọi người và Ngài cũng muốn được con người đáp lại tình yêu của Ngài.  Chúng ta hãy xin Chúa cho mỗi người chúng ta  cảm nghiệm được tình yêu Chúa thương mình và cố gắng đáp trả phần nào tình yêu của Chúa.

 

Truyện : Mẫu ảnh Thánh Tâm Chúa.

 

          Năm 1597 lệnh bắt đạo trên đất Nhật thật gắt gao. Chỉ trong một tuần lễ mọi cơ sở Công giáo đều bị triệt hạ, giáo sĩ bị bắt gần hết, giáo dân bị phân tán và bị khủng bố tồi tệ. Tại vùng Odawakura, người ta bắt được hai Linh mục cùng nhiều ảnh tượng.  Quan đại thần Tsukamoto nhặt trong đống ảnh tượng một mẫu ảnh thật kỳ cục :  người gì mà để trái tim ra bên ngoài ! Tsukamoto là một nhà nho uyên thâm có óc thực tế, thích tìm hiểu.  Ông cầm mẫu ảnh Trái Tim Chúa Giêsu coi qua rồi vất vào sọt rác.  Nhưng đến tối ông nhớ lại và ngẫm nghĩ chắc hẳn mẫu ảnh này phải có ý nghĩa nào đó.  Ông lượm lại để trên bàn và suy nghĩ.

 

          Trời đã về khuya mà quan ngồi bất động một mình với mẫu ảnh trước mặt.  Mãi đến một giờ sáng, vị đại thần mới thở ra nhẹ nhõm, khoan khoái, tay câm bút lông ghi dưới tấm ảnh mấy chữ :”Đối ngoại hữu kỳ tâm, đối nội vô tâm giả”. Rồi ông đặt mẫu ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu trên bàn làm việc cách kính cẩn.

 

          Một hôm, một người bạn đến chơi thấy vậy hỏi :”Thế nào, ông bạn lại thích ảnh tượng  của bọn tà đạo rồi sao” ?  Vị quan trả lời :”Đứng về mặt chính trị của triều đình thì tôi không dám phản kháng, nhưng về mặt văn hóa và nhân đạo thì tôi rất thích mẫu ảnh này. Phải chăng đây là bức ảnh nói lên chương trình và hành động cùng lối xử thế tổng quát của Kitô giáo ?  Ông bạn thử nghĩ coi : đối với thiên hạ, tha nhân bên ngoài thì hữu tâm, còn đối với bản thân mình thì vô tâm.  Cho nên họ mới vẽ trái tim lộ ra bên ngoài.  Nghĩa là phải đem hết trái tim của mình  mà phục vụ xã hội, giúp ích cho đời.  Còn về phần mình thì hy sinh xả kỷ, đừng bao giờ lo riêng cho mình, phải diệt cái ngã vị kỷ.  Đem hết trái tim ra  để giúp đời giúp người. Nội dung bức ảnh này tôi thấy đầy đủ hơn cả bài học từ bi của Phật, khoan dung hơn đức nhân của Khổng Tử, cao siêu hơn cái vô ngã của Lão, mạnh hơn cái dũng của thần đạo Nhật bản.  Một tôn giáo dạy phụng sự nhân loại, yêu thương mọi người, còn bản thân mình thì không màng tới, không quan tâm tới tư lợi, thì quả là điều ngay chính của thiên hạ”.

 

          Chúa Giêsu đã yêu thương nhân loại hết tình như vậy, nhưng con người càng ngày càng xa Chúa, phủ nhận Chúa  và xúc phạm đến tình thương của Ngài.

 

          Qua lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu hôm nay, chúng ta hãy thêm lòng tôn sùng yêu mến Thánh Tâm Chúa. Một cách cụ thể, tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu là cố gắng đổi mới chính con tim của chúng ta, sao cho nó hiền hậu khiêm nhường như Trái Tim Chúa Giêsu theo lời Ngài phán :”Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Ga 20,27).  Chúng ta phải làm sao cho con tim chúng ta  biết yêu thương loài người, nhất là yêu thương những người nghèo khổ, bị bỏ rơi và yêu thương như trái tim yêu thương rộng mở của Chúa Giêsu vẫn luôn luôn yêu thương.

 

          Đồng thời, hôm nay cũng là ngày thánh hóa các Linh mục của Chúa.  Đức Thánh Cha kêu gọi cộng đồng dân Chúa hãy nâng đỡ các Linh mục trong ơn gọi nên thánh của các ngài, bằng lời cầu nguyện vã những việc hy sinh, cộng tác với các ngài trong việc mục vụ tông đồ và truyền giáo. Xin cho các Linh mục mỗi ngày sống thánh thiện để trở thành những mục tử theo gương Chúa Kitô.

 

          Chúng ta hãy hợp lời cầu nguyện cho các ngài như các ngài vẫn cầu nguyện cho mình hằng ngày :”O bone Jesu, fac ut sim sacerdos secundum cor tuum” : Lạy Chúa Giêsu nhân lành, xin cho con trở thành Linh mục như lòng Chúa mong muốn.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Mục Lục