LỄ ĐỨC MẸ LÊN TRỜI

NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA

+++

 

          Hôm nay chúng ta hân hoan  mừng lễ Đức Trinh nữ Maria hồn xác lên trời.  Chúng ta chúc tụng những kỳ công mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ : ngay từ giây phút đầu tiên, Mẹ đã ấp ủ giữ gìn, không vương chút tội truyền, xứng đáng với danh hiệu Mẹ Thiên Chúa. Và khi cuộc sống ở trần gian này chấm dứt, Mẹ đã được đem về trời cả hồn lẫn xác để hưởng vinh quang bất diệt.

 

                                       Truyện : Cuộc rước đặc biệt

 

          Trong một vài thành phố nhỏ chung quang Roma, vào ngày lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, người ta có một tục lệ rất dễ thương.  Dân làng kiệu tượng Đức Mẹ theo đường phố chính, tượng trưng việc Đức Mẹ Maria đang trên đường về trời.  Từ hướng đối diện cũng trên đường phố chính đó, một đoàn rước kiệu khác kiệu tượng Chúa Giêsu đang tiến đến gặp Đức Mẹ.

 

          Hai đoàn rước được tính toán sẽ gặp nhau dưới một khung vòm đầy cành lá và hoa tươi rực rỡ.  Hai bức tượng cúi chào nhau 3 lần, rồi người ta kiệu hai bức tượng đi song song vào nhà thờ cử hành Thánh lễ, giống như Chúa Giêsu đang đón Đức Mẹ vào thiên quốc.

 

          Nghi thức đơn giản, ngây thơ, dễ thương nhưng nó diễn tả một cách ấn tượng sâu sắc chân lý cao cả và vinh quang mà Giáo hội cử hành hôm nay : mừng kính Đức Maria được Chúa đưa lên trời cả hồn cả xác.

 

I. MỘT ĐẶC ÂN VÔ TIỀN KHOÁNG HẬU

 

          1. Thánh Kinh nói gì về đặc ân này ?

 

          Dĩ nhiên,  Thánh Kinh không minh nhiên nói về việc Đức Mẹ lên trời cả hồn xác, nhưng cũng nói một cách mặc nhiên.  Chúng ta thấy ngay ở đầu lịch sử nhân loại : sau khi tổ tông phạm tội, Thiên Chúa đã nguyền rủa con rắn và nói tiên tri :”Ta sẽ đặt mối thù giữa mày và người nữ, Người Nữ sẽ đạp giập đầu mày”(St 3,15).

 

          Người Nữ ấy là ai nếu không phải là Mẹ Đấng Cứu Thế, cộng tác trong việc cải tạo loài người, cũng như Evà cộng tác cùng Adong phá hoại nhân loại. Hợp với Ngôi Hai bao giờ Mẹ cũng thắng ma quỉ, không chịu hàng phục chúng trong một giây phút… Nếu Chúa Cứu Thế đã chịu chết, sống lại và lên trời hồn xác thì lẽ gì Mẹ lại không được sống lại và lên trời hồn xác như Chúa Cứu Thế ? Cho nên hồn xác Mẹ phải được lên trời như Chúa thì mới hợp lý !

 

          Chúng ta có một trích đoạn trong sách Diễm ca :”Kìa bà nào xuất hiện như rạng đông, diễm kiều như vầng nguyệt, lộng lẫy tựa thái dương, oai hùng như đạo binh chỉnh tề hàng ngũ” (Dc 6,10).  

 

Hoặc một đoạn khác trong sách Khải huyền :”Có một điềm lớn xuất hiện trên trời : một Phụ nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp vầng trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12,1).Người phụ nữ ấy là ai ?  Giáo hội tin rằng đó là Đức Maria, sau khi qua đời, Chúa cho lên trời cả hồn lẫn xác.

 

          2. Thánh Truyền nói gì về đặc ân ấy ?

 

          Thánh truyền là những điều thật sự đã xẩy ra, nhưng không ghi chép vào sách, mà chỉ truyền khẩu  qua đời nọ sang đời kia.

 

          Theo Thánh truyền thì Đức Mẹ đã được lễ thượng thọ , đến 72 tuổi hoặc 80 tuổi, và Ngài đã chết vì già hơn là vì bệnh. Các thánh Giáo phụ còn nói Ngài chết vì áp lực tình yêu, nghĩa là vì Ngài yêu mến Chúa Giêsu và Chúa Giêsu yêu mến Ngài hết sức nên Ngài ngất đi để về với con Ngài.

 

          Cũng theo Thánh truyền thì sau khi Đức Mẹ tắt thở , các Tông đồ được tin đã tề tựu  về Giêrusalem cả, trừ ông Tôma về muộn.

 

          Vì về trễ nên ông Tôma xin các Tông đồ mở quan tài ra để ông được nhìn thấy mặt Đức Mẹ lần sau cùng.  Nhưng lạ thay, khi mở quan tài ra, thì chỉ thấy khăn liệm với mùi thơm lan tỏa ngạt ngào, đồng thời còn nghe tiếng các thiên thần hát vang trên không trung, nên các ông đều tin Đức Mẹ đã lên trời cả hồn cả xác.

 

          Và từ đấy tin đồn đó đã lan tràn ra khắp nơi, nên từ thế kỷ thứ VI Giáo hội đã mưng lễ Mông triệu vào ngày 15 tháng 8 và còn giữ mãi đến ngày nay.

 

          3. Giáo hội nói gì về đặc ân ấy ?

 

          Suốt  20 thế kỷ, vấn đề Đức Mẹ hồn xác lên trời còn bỏ ngỏ để các nhà thần học nghiên cứu và tranh luận. Cũng có nhà thần học đưa ra các lý lẽ để bác bỏ việc Đức Mẹ lên trời cả hồn xác.

 

          Trong suốt thời gian đó, có nhiều thỉnh nguyện thư từ khắp nơi trên thế giới gửi về Roma xin Đức Giáo hoàng tuyên bố tin điều Đức Mẹ được Chúa cho cả hồn lẫn xác lên trời.

 

          Sau khi đã hỏi ý kiến tất cả các Giám mục trên thế giới và hầu hết các vị đó đều đồng thuận, nên ngày 01/11/1950, Đức Giáo hoàng Piô XII đã long trọng tuyên bố tín điều Đức Maria hồn xác lên trời tại quảng trường thánh Phêrô ở Roma trước toàn thể Hồng y, Giám mục, linh mục, giáodân… Ngài nói :”Để danh Chúa được cả  sáng và thành kính tôn vinh Đức Mẹ đầy ơn phúc.  Ta dùng quyền Thiên Chúa ban, quyền hai vị Tông đồ Phêrô và Phaolô, quyền riêng trong chức vụ Giáo hoàng mà công bố phán quyết : Đức Maria hồn xác lên trời là một tín điều”. Từ đó trong kinh cầu Đức Bà có thêm câu :Nữ vương linh hồn và xác lên trời, cầu cho chúng con.

 

          Đó là tín điều đã được Đức Giáo hoàng Piô XII long trọng công bố.  Giáo hội chỉ nhằm tới điều chính yếu : Đức Maria được vinh quang với cả con người toàn diện. Giáo hội không muốn nói tới những điều phụ thuộc  như Đức Maria lên trời bằng cách nào, nhưng chỉ muốn nói đến Đức Maria là con người đầu tiên được hưởng ơn cứu độ trọn vẹn mà Đức Giêsu đem đến cho nhân loại

 

II. NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA.

 

          1. Lý do Đức Mẹ được vinh quang ấy.

 

          Theo suy tư thần học, tín điều Đức Mẹ lên trời cả hồn xác dựa trên nên tảng Kitô học. Theo đó,  chúng ta nhìn Đức Mẹ trong tương quan với Đức Kitô. Những đặc ân của Mẹ là kết quả cụ thể của ơn cứu độ mà Đức Kitô mang đến cho Mẹ và nhân loại như được nói đến trong bài đọc 2.  Mẹ được vinh hiển là nhờ công nghiệp của Chúa Kitô, Con của Mẹ. Việc Đức trinh Nữ được lên trời hồn xác là sự thông phần cá biệt vào cuộc phục sinh của Con Mẹ, và tiên báo cuộc phục sinh của các tín hữu (GLCG số 966). Chính Chúa Giêsu đã sống lại và lên trời cả hồn cả xác. Mẹ cũng được Chúa Giêsu ban tặng cho khỏi hư nát.

 

          Đức Maria đã gắn bó cuộc sống mình với Đấng Cứu Thế bằng mối dây liên kết chặt chẽ, không thể chia lìa được.  Liên kết khi Đấng Cứu Thế xuống trần, khi giảng dạy, khi chịu nạn chịu chết, sống lại… và hôm nay Đức Mẹ lên trời cả hồn cả xác với Chúa Giêsu trong vinh quang hạnh phúc.

 

          Ngoài ra, Mẹ Maria là Đấng vô nhiễm nguyên tội, là Đấng trọn đời đồng trinh, lẽ nào lại chẳng được gìn giữ khỏi hư nát trong ngày lìa thế. Mẹ đã cung cấp chất liệu cho thân xác Ngôi Hai xuống thế làm người, thì khi Ngôi Hai được tôn vinh lại nỡ để thân mẫu mình bị chôn vùi vì hư hoại sao ?  Mẹ đã cộng tác với Con của Mẹ  để cứu chuộc loài người, nên Mẹ phải là người  được hưởng ơn cứu chuộc  trước bất cứ ai.

 

          Nói cách khác, Mẹ thuộc trọn về Chúa Kitô, nên Mẹ cũng chia sẻ trọn vẹn vinh quang trong thành quả ơn cứu độ :”Mọi người đều phải chết với Adong thế nào thì mọi người  cũng sẽ được tái sinh như vậy. Nhưng ai nấy theo thứ tự mình. Hoa quả đầu mùa là Đức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Chúa Kitô”, mà Đức Mẹ là người thuộc về Đức Kitô trọn vẹn nhất, nên Mẹ phải là người đầu tiên trong thứ tự loài người sẽ được phục sinh.

 

          Mẹ Maria được cao sang vượt trên mọi thần thánh là vì Ngài là Mẹ Thiên Chúa.  Chúng ta có thể suy ra rằng Thiên Chúa ban cho Mẹ được quyền cao chức trọng như vậy theo nguyên tắc thần học :”operatio sequitur esse” : việc làm tùy theo ở người làm.  Người làm càng có uy tín thì việc làm càng có giá trị. Ví dụ : Kiệu Minh Thánh cho ngươi đau yếu, người có đạo quỳ xuống thờ lạy, song không được nói đến và ghi nhớ, nhưng khi vua Giuse nước Áo gặp kiệu Minh thánh, xuống ngựa, quỳ xuống thờ lạy, thì người ta chỉ trỏ, rồi cạy lấy hòn gạch trên phố, nơi vua vừa quì, đem về làm vật kỷ niệm, đoạn làm cái bia có chữ :”Nơi này vua Giuse quỳ gối, khi gặp linh mục kiệu Minh thánh cho bệnh nhân”.

 

          Các thánh cũng làm, Đức Mẹ cũng làm, song việc của Đức Mẹ có giá trị riêng, đặc biệt hơn tất cả những việc giống như vậy, song do địa vị khác : operatio sequitur esse.

 

          Ngày nay trong kinh cầu Đức Bà, Hội thánh đã tung hô thêm một tước vị mới :”Nữ vương hồn xác lên trời, cầu cho chúng con” :

 

                                      Chúa Cả Ba Ngôi thưởng Nữ vương

                                      Ngự trên thần thánh nước thiên đường.

                                      Ban quyền xem sóc loài người thế

                                      Làm Mẹ cầu bầu để Chúa thương.

                                                   (Vãn Mân Côi)

 

          Lễ Đức Mẹ lên trời liên quan chặt chẽ đến chúng ta. Những gì Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ, thì Ngài cũng sẽ thực hiện cho mọi người chúng ta. Bởi vì, Mẹ lên trời là hình ảnh và khởi thủy của Giáo hội về ơn cứu chuộc của Thiên Chúa cho mọi người chúng ta.  Mẹ chiếu sáng như dấu chỉ lòng trông cậy vững vàng và niềm an ủi cho dân Chúa đang lữ hành (L.G số 69). Tất cả chúng ta rồi cũng sẽ được Thiên Chúa cứu độ như Mẹ trong ngày sau hết. Nếu chúng ta yêu mến Mẹ, noi gương Mẹ, sống nhờ Mẹ và cho Mẹ.

 

          2. Noi gương Đức Mẹ.

 

          Đức Mẹ lên trời là nguồn hy vọng của chúng ta. Mẹ lên trời không phải để xa cách, nhưng hơn bao giờ hết, trong hạnh phúc tuyệt vời, Mẹ trở nên gần gũi với mọi thành viên trong gia đình nhân loại. Nhìn vào Mẹ, chúng ta nhận ra vận  mệnh đời sống của mình. Tương lai không còn là điều đáng lo lắng, nhưng phải trở nên điều quan tâm xây dựng.  Mẹ như người đi trước cho chúng ta theo sau. Mẹ bước vào vinh quang thiên quốc, chúng ta cũng sẽ được bước vào nếu như cuộc sống này trở thành những ngày chuẩn bị.

 

          Đức Mẹ đã làm gì để có thể được tôn vinh như vậy ?  Thưa, Mẹ đã cộng tác với công trình cứu chuộc của Chúa.  Mẹ đã  miệt mài loan báo tình thương của Ngài.

 

          Thánh Luca kể với chúng ta về một cuộc “lên đường” của Mẹ. Mẹ lên đường sau khi nhận lãnh sứ điệp từ trời. Mẹ lên đường cách vội vã để kể lại cho gia đình người chị họ là bà Elizabeth biết những điều kỳ diệu Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ. Có thể nói, suốt cuộc đời của Mẹ là một cuộc “lên đường”, luôn sẵn sàng và chu đáo, không so đo tính toán. 

 

          Bài ca tôn vinh  mà Mẹ cảm hứng cất lên tại nhà bà Elizabeth chính là điều Mẹ vẫn tâm niệm. Mẹ đã hòa cuộc đời mình vào niềm mong đợi của Israel.  Mẹ đã cùng với cả dân tộc vui mừng trước biến cố Ngôi Lời nhập thể. Đây không còn là một biến cố dành riêng cho Mẹ, nhưng dành cho cả nhân loại, vì ơn cứu độ của Thiên Chúa được gửi đến cho mọi người và mọi tạo vật.

 

          Chính từ thái độ sẵn sàng lên đường của Đức Mẹ, mà hôm nay, Thiên Chúa đã dùng quyền năng của Ngài mà mời Mẹ tham dự một cuộc “lên đường” khác : Mẹ tiến vào thiên quốc trong tiếng reo vui của các thiên thần, cùng với cả nhân loại tung hô, với cả vũ trụ làm đồ trang sức.

 

          Tuy vậy, cuộc đời của Mẹ không phải lúc nào cũng được êm ả an bình.  Hình ảnh người Phụ nữ trong sách Khải huyền bị Con Mãng xà đe dọa và khủng bố  cho ta thấy một Đức Maria phải đối diện với những thử thách, nhưng Mẹ luôn kiên vững và phó thác, ngay cả giờ phút thương đau dưới chân thập giá. Vâng, đó cũng là hình ảnh  cuộc đời mỗi người tín hữu chúng ta, cần phải noi gương Mẹ mà vươn lên mỗi ngày để trung tín với Chúa trong ơn gọi nên thánh

 

          3. Hãy hân hoan mừng lễ Mẹ.

 

          Chúng ta là con cái Mẹ Maria, tại sao chúng ta không vui mừng khi Mẹ mình được một hồng phúc lớn lao như vậy !  Chỉ có những đứa con bất hiếu mới không vui mừng khi thấy Mẹ mình được vinh phúc như thế.

 

          Hằng năm đến ngày rằm tháng bảy âm lịch, các chùa đều tổ chức lễ Vu Lan để các Phật tử đến cúng dường, cầu nguyện cho các vong linh được siêu sanh tịnh độ,  và cầu cho cha mẹ có được đời sống an lành phước lộc.  Đại Lễ Va Lan là dịp các Phật tử nhớ ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ.  Trong ngày này, nhớ ơn mẹ, ở Nhật có tục lệ cài hoa hồng trên áo. Người nào còn mẹ được cài lên áo hoa hồng đỏ, người nào không còn mẹ thì cài hoa hồng trắng. Một vị thiền sư Việt nam đi du học ở Nhật thấy tập quán này hay và có ý nghĩa, nên du nhập tập quán này vào Việt nam.  Bài hát quen thuộc và phong trào “Bông hồng cài áo” được Phật tử hưởng ứng và phổ biến rộng rãi từ đó.

 

          Hôm nay,  không có ai trong chúng ta phải cài hoa hồng trắng vì Chúa đã ban cho chúng ta một người Mẹ, một người Mẹ tuyệt vời vượt trên mọi thần thánh trên trời, là Mẹ của Thiên Chúa và là Mẹ của chúng ta, hằng luôn săn sóc đến mọi người chúng ta.

 

          Mẹ của chúng ta rất có thần thế nơi Thiên Chúa, Ngài có thể cầu bầu cho chúng ta trước mặt Chúa một cách hữu hiệu như thánh Bênađô nói :”Xưa nay chưa có ai đến kêu cầu cùng Mẹ mà không được nhận lời”. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta hãy chạy đến cùng Mẹ Maria để được cứu giúp.

 

                                      Truyện : Tướng Coriolan và người mẹ

 

          Sau khi cứu được thành Roma, Coriolan lại bị đồng hương trục xuất khỏi thành và bị lưu đầy. Quá tức giận, ông sang đầu thú với phe địch và đem quân về vây thành Roma, quyết tâm trả thù bằng cách giết sạch mọi người và san bình địa.

 

          Chính lúc đó, mẹ ông cùng với nhiều mệnh phụ quỳ gối dưới chân ông khẩn cầu ông tha cho thành Roma.  Không thể cưỡng lại được những giọt nước mắt của người mẹ thân yêu, ông đã xiêu lòng và nói với bà :”Mẹ đã tước hết võ khí của con rồi. Mẹ đã thắng con và thành Roma đã được tha”.

 

          Nếu một lời van xin của một bà mẹ trần gian trước đứa con hung ác mà còn có hiệu quả như vậy thì huống chi  là lời cầu khẩn của Mẹ trên trời trước Người Con yêu quí vô cùng nhân từ của mình là Chúa Giêsu Kitô sẽ còn mạnh thế hơn biết bao.

 

          Lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời hôm nay đem lại cho chúng ta  niềm vui và hy vọng. Bởi lẽ, Đức Mẹ là thành phần nhân loại. Mẹ là một con người, mang nơi mình một thân xác như chúng ta, sống giữa cuộc đời trần thế như chúng ta, mà Mẹ đã được thưởng công và tôn vinh. Nếu chúng ta cố gắng sống như Mẹ, yêu mến và vâng phục như Mẹ, chúng ta cũng sẽ được về trời để cùng Mẹ, với các thánh và toàn thể tạo vật tôn vinh Thiên Chúa đền muôn đời. Hãy vui lên, hãy vui lên mà ca hát rằng :

 

                             Ngày nay Đức Mẹ lên trời

                   Ngày mai đến lượt mỗi người chúng ta.

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt

 

         


Mục Lục