VUI TẾT TRUNG THU

ĐƠN SƠ NHƯ BỒ CÂU

 

I. BÀI TIN MỪNG HÔM NAY

 

          Khi ấy, người ta dẫn trẻ em đến với Đức Giêsu, để Người đặt tay trên chúng. Nhưng các môn đệ la rầy chúng. Thấy vậy, Người bực mình nói với các ông :”Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những ai giống như chúng. Thầy bảo thật anh em : Ai không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào”. Rồi Người ôm lấy các trẻ em và đặt tay chúc lành cho chúng (Mc 13-16).

          Đó là lời Chúa.

 

          Các con thân yêu,

          Các con biết không, ngày xưa, người Do thái có thói quen dẫn trẻ em đến với những người có uy tín để được chúc lành.  Chúa Giêsu là người đã nổi tiếng, lại dễ mến, dễ thương, dễ đến gần, nên người ta đem trẻ em đến cho Chúa chúc lành.

 

          Nhưng, như chúng con biết, trẻ em hay bắng nhắng, quấy rầy, làm mất thời giờ của người lớn, nên các môn đệ xua đuổi chúng đi.  Thấy vậy, Chúa Giêsu tỏ ý không bằng lòng và khuyên các ông đừng ngăn cản chúng. Ngài nói :”Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng” (Mc 10,14). Rồi Ngài ôm lấy các em vào lòng và đặt tay chúc lành cho chúng.

 

          Các con có hiểu tại sao Chúa Giêsu lại nói :”Vì Nước Trời là của những người giống như trẻ nhỏ “ không ? Thưa, bởi vì trẻ nhỏ hoàn toàn tin tưởng và phó thác nơi cha mẹ.  Trẻ nhỏ biết vâng lời cha mẹ, không cần lý luận xem tại sao cha mẹ bảo làm thế, trẻ nhỏ không so đo tính toán lời lỗ, hơn thiệt…  Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ là thần tượng, cha mẹ làm gì  cũng đúng, nói gì cũng hay…

 

          Ngoài ra,  trẻ nhỏ thì đơn sơ thật thà, có sao nói vậy, không thêm bớt, không hằn thù, không mưu mô, không làm hại ai.  Các em đã thực hiện lời Chúa nói :”Hãy khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10,16).  Vì thế, người ta thường nói về sự đơn sơ thật thà của trẻ em qua kinh nghiệm hằng ngày :”Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ” (Tục ngữ)

 

          Có một em nhỏ nói với Chúa Giêsu một cách đơn sơ tự nhiên không đắn đo, nghĩ sao nói vậy.  Em đã nói với Chúa :”Chúa ơi, chúng con đọc trong sách rằng ông Thomas Edison đã thắp sáng.  Nhưng trong lớp giáo lý, chúng con học rằng Chúa đã dựng nên ánh sáng. Vì vậy, con nghĩ rằng ông ấy đã ăn cắp sáng kiến của Chúa đấy” !

 

          Nhưng chắc Chúa Giêsu sẽ trả lời cho em :”Ông ta không ăn cắp sáng kiến của Ta đâu.  Ta đã vui lòng tặng cho ông ấy cái sáng kiến đó, và ông ấy đã chế ra bóng đèn để giúp ích cho nhân loại.  Có nhiều điều Ta cũng ban cho con… mà càng lớn lên con càng thấy rõ.  Hãy phát huy chúng  vì ích lợi của mọi người. Con nhé “ .

 

II. BÀI HỌC TRONG NGÀY TẾT TRUNG THU.

 

Hôm nay, nhìn lên bầu trời, các con thấy  trời đẹp với trăng thanh gió mát.  Các con đi múa lân trong khắp giáo xứ , tay cầm đèn ông sao, con cá con tôm, chân nhảy múa tưng bừng,  miệng ca vang bài :”Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già, ôm một mối lo. Cuội ơi, ta nói Cuội nghe : Ở cung trăng mãi làm chi” !

 

Tại sao các con lại nhìn lên ông trăng mà gọi thằng Cuội ? Thằng Cuội là ai ? Tại sao Cuội phải ngồi ôm gốc cây ? Ở mãi cung trăng để làm gì ? Hôm nay, cha sẽ kể cho các con nghe sự tích thằng Cuội ngồi ôm gốc cây đa nhé !

 

          Trong  kho tàng ca dao tục ngữ, cha thấy có một câu thơ lục bát :

 

                             Thằng Cuội ngồi gốc cây đa,

                             Bỏ trâu ăn lúa, gọi cha ời ời.

                             Cha còn cắt cỏ trên đồi

                             Mẹ còn cưỡi ngựa đi mời quan viên.

 

          Thằng Cuội, theo truyền thuyết, đó là một kẻ đi nói dối cha, về nhà nói dối chú. Suốt đời, đánh lừa mọi người. Hồi còn nhỏ, ngày kia vì cha mẹ đi vắng, nó phải coi nhà. Buồn tình, nó bỗng nghĩ ra một trò chơi, nên vội kêu la thất thanh :”Bớ làng nước ơi, cháy nhà, cháy nhà. Cứu tôi với”.  Mọi người hối hả mang chậu, xách thùng tới tiếp cứu. Thấy vậy, nó bèn cười ngặt nghẽo đến vãi cả nước mắt ra.

 

Lần khác, nó ngồi thổi cơm, chẳng may để lửa bén vào đống rơm và căn nhà bốc cháy. Nó cũng kêu la thất thanh :”Bớ làng nước ơi, cháy nhà, cháy nhà. Cứu tôi với”.  Thế nhưng, lần này chẳng mà nào đến tiếp cứu. Vì thế, dân gian mới bảo :

 

                             Bắc thang lên đến tận mây

                             Hỏi sao Cuội phải ấp cây cả ngày ?

                             Cuội nghe hỏi thế, Cuội cười :

                             Bởi hay nói dối nên ngồi ấp cây.

 

          Cũng bởi hay cái tính táy máy này, mà thằng Cuội trở thành hình ảnh  tượng trưng cho những kẻ chuyên môn lừa gạt, nói dối.  Do đó, thiên hạ mới có câu tục ngữ rất quen :”Nói dối như Cuội”.

 

          Hay nói một đàng mà làm một nẻo thì người ta gọi là “Hứa Cuội”, có nghĩa là hứa thì rất nhiều mà chẳng làm được gì cả. Do đó, đưa đến một câu tục ngữ khác :”Nói ba voi không được một bát nước xáo”, có nghĩa là nói bậy bạ khuếch khoác, lời nói ấy cũng giống như làm thịt ba con voi mà chẳng được bát nước xáo. Lời nói vô bổ, không thể tin được.

 

          Nhân ngày Tết Trung thu, cha muốn nói với các con về sự tích thằng Cuội và có lẽ các con sẽ thắc mắc rằng chúng con học được cái gì ở nơi thằng Cuội? Cha muốn nói với các con  rằng trong kho tàng truyện cổ tích, truyện thần thoại hay ngụ ngôn, tác giả luôn nhằm mục đích giáo dục, muốn con người hướng thiện, muốn vươn lên theo khía cạnh tích cực hay tiêu cực, nghĩa là có những việc cần phải bắt chước, cũng có việc nên tránh. Trong trường hợp này là đừng nên giống thằng Cuội.

 

          Như vậy, bài học mà các con có thể rút ra từ câu truyện thằng Cuội hôm nay đó là đừng bao giờ nói dối. Hay nói một cách tích cực là hãy sống đơn sơ thật thà, đơn sơ chất phác, đừng thêm thắt gì, có sao nói vậy, như Chúa Giêsu đã dạy :”Hễ có thì nói có, không thì nói không” (Mt 5,37; Gc 5,12).

 

 

 

III. LỜI CẦU XIN HÔM NAY

 

          Chắc các con không muốn hôm nay trời mưa hay bầu trời nhiều mây vẩn đục, như thế làm cho buổi múa lân hôm nay mất vui. Trái lại,  các con muốn cho trời tạnh ráo, trời trong thanh để các con có thể ngắm trăng sáng vằng vặc trên bầu trời, ngắm thằng Cuội, vừa ngắm trăng vừa nhâm nhi vài miếng bánh ngọt, xen lẫn tiếng cười dòn vang như pháo nổ. Như thế thì tuyệt cú mèo rồi !!!

 

          Các con muốn cho trăng rằm tháng 8 năm nay phải rực rỡ trên bầu trời, phải có trăng thanh gió mát để các con được hưởng trọn vẹn một Tết Trung thu dành cho các con.  Đó là điều ai cũng mong muốn. Nhưng cha nghĩ rằng, bầu trời trong thanh không một gợn mây, đó là dấu chỉ các con phải có một tâm hồn trong sạch, đơn sơ, thật thà, dễ thương.

 

          Thật vậy, trẻ thơ cần phải luôn đơn sơ, thật thà, không ăn gian nói dối như thằng Cuội… Thế nhưng ngày nay, nhiều trẻ thơ đã nhiễm thói đời hay nói dối, nói quanh co, không dám nói sự thật. Điều đó đã làm cho các em đánh mất tuổi thơ của mình. Nếu một em bé đã nhiễm thói ăn gian nói dối, là tự mình đánh mật tuổi thơ, đánh mất vẻ hồn nhiên tươi vui sẽ làm cho con người ra già cỗi, và tự đầy đọa mình như thằng Cuội, suốt đời ôm một mối lo !

 

Truyện  : Xin được trở lại chuồng ngựa

 

          Ngày xưa bên Trung hoa có một ông vua văn chương rất dở mà lại thích làm thơ.  Thỉnh thoảng vua hội các quan lại, rồi trao cho các ông đọc những bài thơ bát cú, tứ tuyệt, song thất lục bát mình đã sáng tác và hỏi ý kiến :  ông mong được các quan ca tụng hơn là phê bình. Dĩ nhiên, quan nào cũng khen hay, tuyệt bút, hấp dẫn…

 

          Một hôm, có một ông quan ở tỉnh xa về kinh có việc, được vua mời đến dự. Hôm đó, vua làm một bài thơ tả cảnh ngày xuân trong nước.  Cũng như mọi lần, các quan triều tấm tắc khen ngợi, còn ông quan khách ngồi mà chẳng nói gì.  Vua quay nhìn và hỏi ý kiến. Vị quan khách nhìn vua vừa đưa mắt trông các quan rồi mạnh bạo tâu rằng :”Theo thiển ý riêng của mình, thì bài thơ đó không có gì đáng kể”.  Nghe câu nói táo bạo đó, các quan đều khiếp sợ và vua cũng xấu hổ và bực tức, liền dạy trói lại và đem để dưới chuồng ngựa.

 

          Cách mấy hôm vua rán làm bài thơ khác khéo léo hơn, rồi trước mặt đông đủ các quan, ngài ngâm nga các bài thơ đặc sắc mới làm và tin chắc rằng bài thơ có một cái gì phi thường. Bài thơ được hết các quan vỗ tay khen ngợi.

 

          Tưởng rằng lần này vị khách kia không thể không khen, và mình sẽ nhờ dịp đó trả lại tự do cho ông.  Vua cho vời quan đó đến và trao cho xem bài thơ mới này.  Cầm lấy đọc đi đọc lại mấy lần, quan đó đưa lên trả lại cho vua, và xin cho mình  ngồi ở chuồng ngựa như trước.

 

          Hiểu rằng ông quan này chê bài thơ của mình, song cũng nhận thấy ông là người chân thật, can đảm, mạnh bạo; không phỉnh phờ tơ tóc lấy lòng, mà cũng không sợ tù tội hay bị cất chức, một mến yêu sự thật, nói sự thật và bênh sự thật, cho nên  thay vì bảo ông trở lại chuồng ngựa, vua kính phục khen ngợi, và phong ông lên làm cố vấn tối cao trong đền.  Còn các quan kia vua tỏ ra khinh dể, không tin cẩn, và lần lượt đầy họ ra bên rìa.

 

          Hôm nay, Tết Trung thu, ngày Tết của tuổi thơ, chúng ta cùng cảm tạ Chúa đã ban cho các em có dịp thuận tiện để vui cái Tết của mình. Chúng ta cũng hãy sốt sắng hiệp dâng Thánh lễ để xin Chúa ban cho các em thiếu nhi trong giáo xứ chúng ta biết giữ gìn nét đẹp tuổi thơ của mình bằng cách luôn sống đơn sơ ngoan hiền, luôn vâng lời cha mẹ và sống chân thật  để được Chúa luôn yêu thương và chúc lành.

 

          Một lần nữa, cha mong các con thực hiện lời Chúa đã dạy ở trên và thực hiện lời thánh Giacôbê dạy :”Đừng có thề, dù là lấy trời, lấy đất, hay lấy cái gì khác mà thề.  Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”, như thế, anh em sẽ không bị xét xử” (Gc  5,12).

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Mục Lục