LỄ THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG

________________________________

Con đường thơ ấu thiêng liêng

 

I. TIỂU SỬ THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG

 

          Têrêsa sinh ngày 02/01/1873 tại Alencon (Pháp). Con ông Louis Martin và bà Maria Guerin. Ông bà có tất cả 9 người con, nhưng chỉ sống có 5 và cả 5 cô đều dâng mình cho Chúa trong đời sống tu trì. Năm lên 3 tuổi, Têrêsa mồ côi mẹ, sống dưới sự nâng niu che chở của ông Martin.

 

          Năm 15 tuổi, Têrêsa xin vào dòng Carmêlô (thường gọi là dòng Kín) ở Lisieux, nhưng vì chưa đủ 18 tuổi, nên người cha phải dẫn Têrêsa sang tận Rôma để xin Đức Giáo hoàng chuẩn cho.

 

          Vào tháng 04 năm 1888 Têrêsa vào đan viện Carmêlô ở Lisieux lúc mới 15 tuổi.  Lúc ấy chị có cảm nghiệm phong phú về đời sống đạo đức. Chính chị xem đêm Giáng Sinh 1886 như là một sự kiện quyết định trong đời sống của chị. Chị cảm nhận hồng ân của một cuộc chuyển đổi hoàn toàn; từ đấy, chị hiểu ơn gọi của cuộc đời mình là yêu Chúa Kitô và yêu con người.

 

          Cuộc đời tu trì chỉ kéo dài có 9 năm với đầy hy sinh và yêu mến. Ngày 30/09/1897 chị qua đời, hưởng thọ 24 tuổi. Và 28 năm sau khi chết, tức năm 1925, Têrêsa được phong thánh. Năm sau, 1926, Têrêsa được Hội thánh  đặt làm quan thầy hội Truyền giáo thánh Phêrô, và năm 1927, được đặt làm quan thầy các xứ truyền giáo.  Ngày 19/10/1997, Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong làm Tiến sĩ Hội thánh.

 

II. CON ĐƯỜNG THƠ ẤU THIÊNG LIÊNG.

 

          Trong suốt thời gian 9 năm trong bốn bức tường của dòng Kín, Têrêsa đã làm được những gì ? Có đi đâu không ? Có để lại cho hậu thế được những gì lớn lao không ? Mà sao lại được tôn phong làm Quan thầy các xứ truyền giáo và Tiến sĩ Hội thánh, một tước hiệu cao quí và hiếm có như vậy ?

 

          Nhìn vào cuộc đời của chị Têrêsa, chúng ta không thấy có gì là lớn lao đang kể, không có gì làm cho người ta phải lưu ý, đến nỗi khi chị sắp qua đời, có một chị dòng khác đã phải thành thực thốt lên :”Không biết Têrêsa chết rồi thì người ta sẽ phải nói thế nào”!  Nhưng cái mà người ta phải để ý là bí quyết độc đáo riêng của chị  để nên thánh, đó là “Đường thơ ấu thiêng liêng” và từ đó chị đã trở nên vĩ đại từ những cái nhỏ mọn trong cuộc sống !

 

          1. Nhiệm vụ phải nên thánh.

 

          Ngày xưa, Thiên Chúa đã nói với dân Israel :”Các ngươi hãy nên thánh vì Ta là Đấng thánh”. Ngày nay chúng ta là dân Israel mới, chúng ta cũng phải nên thánh. Đây là một điều đòi buộc mọi người phải thi hành.

 

          Trong Giáo hội, mỗi người được Chúa gọi vào ở một bậc hay một địa vị nhất định,  nhưng mỗi người có chung một ơn kêu gọi là “Phải nên thánh” (x. Mt 5,48; Ep 1,4; 5,3).

 

          Chúng ta phải công nhận rằng: nên thánh là một nhiệm vụ chung, nhưng bản chất của sự thánh thiện hệ tại sự gì ? Phải chăng ở sự cầu nguyện, sự ăn chay hãm mình, đánh tội, làm việc bác ái ? Tất cả những cái đó chỉ là phụ thuộc, còn yêu tố chinh của sự thánh thiện phải là “Tình yêu Chúa”. Thiếu tinh yêu này mọi sự sẽ trở nên vô ích.

 

          Thánh nữ thâm tín điều này khi nói :”Trót đời con chỉ dâng hiến cho Chúa duy có tình yêu thôi”.  Thánh nữ coi Tình yêu là khuôn vàng thước ngọc cho mọi hành động của mình.  Chẳng thế mà chị đã viết thư  trả lời cho người em họ thế này :”Em muốn xin chị chỉ cho một phương thế để trở nên trọn lành ư ? Chỉ có một phương thế duy nhất, đó là “Tình yêu”.

 

          2. Nên thánh bằng đường thơ ấu thiêng liêng

 

          Từ trước tới nay, chúng ta cho việc nên thánh là khó  và chỉ có những linh hồn đặc biệt mới nên thánh được, vì các thánh đã nên thánh bằng những cách thức khác nhau, nhưng cách nào cũng khó khăn, vượt trên khả năng của chúng ta. Vậy mà thánh nữ đã vạch ra cho chúng ta một con đường mới để nên thánh, một con đường tuyệt vời thích hợp với hết mọi người, đó là “Đường thơ ấu thiêng liêng”.

 

          a) Đây là con đường mới.

 

          Chúng ta gọi nó là con đường mới vì con đường nên thánh này khác hẳn với lối nên thánh cổ truyền mà chúng ta đã biết. Con đường này có những đặc tính tiêu cực và tích cực như chúng ta sẽ thấy dưới đây. Dù tích cực hay tiêu cực, nó cũng khác với đường lối xưa và thích hợp cho hết mọi người thời nay  Chúng ta có thể nói đây là con đường nên thánh của thời đại mới, của thế kỷ 21.

 

          Chúng ta thấy “Con đường thơ ấu thiêng liêng” này có những đặc điểm sau đây :

 

          * Không có những việc hãm mình kỳ lạ.

 

          Nhiều người tưởng nên thánh là phải làm những việc anh hùng như không ăn, không uống, không ngủ, kiệt sức vì thức khuya, vì đánh tội đủ mọi cách, và hủy diệt hay hành hạ thân xác trong những công việc nặng nhọc để chỉ lo nguyên đến việc rỗi linh hồn.

 

          Nhưng thánh nữ đã gạt bỏ mọi điều mà thánh nữ quen gọi là “những khổ hạnh của các thánh”, con đường thơ ấu thiêng liêng  không chấp nhận  những lối quá khổ hạnh của các thánh.

 

* Không có những ơn thần bí.

 

          Trái ngược với đa số tiểu sử các thánh, chỉ dựa trên những ơn thần bí thuộc đủ mọi loại : xuất thần, thị kiến, mạc khải, thần thuật trừ quỉ, có thiên thần hiện ra, hiểu biết mọi tâm hồn. Ơn gọi tiên tri và phép lạ.

 

          Trái lại, Têrêsa Hài Đồng hoàn toàn không có xuất thần, dấu thánh, thị kiến, trừ quỉ hay phép lạ. Như vậy chúng ta thấy con người cần phải trở nên nhà pháp thuật kỳ tài nhất của “thế hệ tận hiến” lại không thực thi một dấu lạ nào trong đời sống.

 

          *  Không có phương pháp cầu nguyện. 

 

          Thánh nữ Têrêsa Avila đã viết cuốn “Lâu đài linh hồn” để nói về cách cầu nguyện : cầu nguyện bằng lời , cầu nguyện bằng trí, cầu nguyện bằng tâm niệm, cầu nguyện bằng tĩnh niệm, cầu nguyện bằng kết hợp… nói lên 7 bậc thang của sự cầu nguyện.

 

          Nơi Têrêsa Hài đồng không có dấu vết của một cấp bậc nào, bậc thang nào. Phúc âm là linh hồn đời sống cầu nguyện của chị. Đối với chị, tìm về với Chúa bằng con đường thông thường, đó là một “đà tiến của trái tim”, một cái nhìn ngây thơ hướng về trời, một tiếng gọi tri ân và yêu mến, thốt ra trong cơn thử thách cũng như giữa lúc an vui (cf Philippon OP, Sứ điệp của thánh Têrêsa Lisieux,1967, tr 73).

 

          *  Không có những hành động hiển hách

 

          Trong cuộc sống âm thầm của chị dòng kín Lisieux không có lấy một hoạt động hiển hách hay một công trình bên ngoài nào.  Ngay ở tòa án phong thánh, chỉ vỏn vẹn một trang kể lại những việc làm nhỏ mọn của chị suốt đời dòng Kín : Lần lượt chị đảm nhận chu đáo những việc nhà giặt, phòng ăn, phòng khách và giữ cửa.  Nhiệm vụ đáng chú ý nhất của chị là – chức vụ không được chỉ định – làm phụ tá coi sóc 3 hoặc 4 chị đệ tử và tập sinh khó tính. Sống với các chị này, chị phải luôn luôn cố gắng tận tụy và giữ thái độ cởi mở vui tươi.

 

          b) Đặc tính của con đường mới

 

          Trong các đặc tính của con đường thơ ấu thiêng liêng của thánh nữ, chúng ta thấy có mấy điểm trổi vượt, đó là trở nên bé nhỏ, biết từ bỏ mình và chấp nhận trong vui tươi.

 

          *  Trở nên bé nhỏ, đơn sơ, khiêm nhường. 

 

          Thánh nữ luôn suy niệm lời Chúa với câu :”Các con hãy học cùng Thầy vì Thầy hiền lành và khiêm nhường trong lòng”.  Với một trực giác kỳ lạ về địa vị thiết yếu của đức khiêm nhường trong đời sống thiêng liêng,  thánh nữ đã nhấn mạnh về sự thực hành nhân đức này :”Hãy luôn sống như trẻ thơ” theo ý muốn của Chúa Giêsu trong Phúc âm, Ngài chẳng muốn nói với chúng ta rằng :”Nước Trời thuộc về những người giống như trẻ thơ” sao ?

 

          Chiếm hữu được chân lý nền tảng này, thánh nữ đã lấy “TRẺ THƠ” làm mẫu mực cho cuộc đời

 

          *  Từ bỏ bản thân mình.

 

          Suy niệm lời Chúa :”Nếu ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thập giá  mình hằng ngày mà theo”, thánh nữ đã quên mình đi, coi mình là hèn mọn hư vô và đặt tất cả tin tưởng của mình vào tình thương vô biên của Chúa.  Chị muốn sống đẹp lòng Chúa và làm cho người ta yêu mến Chúa. Chị muốn làm hài lòng Chúa hơn làm hài lòng mình. Nhưng muốn được thế, chỉ đã sống hết sức quảng đại đối với Chúa, đã từ bỏ mình đi để sống với Chúa và sống với chị em. Chị ví mình như bông hoa hồng  được dâng tiến  Chúa, và theo chị , hoa hồng nào cũng có gai. Chị viết :

 

                                      Chúa ơi, này đóa hoa hồng

                             Trên bàn thờ Chúa hương nồng sắc tươi.

                                      Con đây mơ ước này thôi :

                             Tách từng cánh một, Chúa trời, hiến dâng.

 

          *  Chấp nhận trong vui tươi  

 

          Đường lối nên thánh của thánh nữ gạt bỏ tất cả những việc hãm mình lớn lao mà mình tự tạo ra, trái lại, chị chỉ cố gắng chấp nhận tất cả mọi sự việc trong hiện tại, dù muốn hay không.  Thái độ đó là thái độ “CHẤP NHẬN”. Nhưng chấp nhận có thể là thái độ chấp nhận miễn cưỡng hay tự ý, vui tươi hay rầu rĩ !  Đối với chị, việc gì xẩy đến cũng là do thánh ý Chúa, cho nên chị đã nhận lấy một cách thực tình và vui tươi.  Tinh thần vui tươi  trước những hy sinh còn được ghi lại trong mấy vần thơ :

 

                                      Nếu Chúa chẳng đoái hoài ve vuốt

                                      Con vẫn tươi cười trước khổ đau.

                             Hoặc :

                                      Mỉm cười với Chúa tôi thờ

                                      Đó là thiên quốc thỏa mơ ước rồi.

 

          Thánh nữ Têrêsa Hài đồng chỉ là một chị nữ tu dòng Kín, âm thầm giam mình trong bốn bức tường của nhà dòng, một chị nữ tu nhỏ bé không ai biết tới, không làm được một việc gì hiển hách, mà ngày nay đã trở nên vị thánh vĩ đại : quan thầy các xứ truyền giáo và Tiến sĩ Hội thánh !  Bí quyết độc đáo của thánh nữ là “Trở nên vĩ đại từ những cái nhỏ bé”. Con đường thơ ấu thiêng liêng đã giúp thánh nữ trở thành một vị thánh vĩ đại.

 

          Hôm nay mừng lễ thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, Giáo hội cũng muốn giới thiệu cho chúng ta Con đường thơ ấu thiêng liêng ấy vì nó phù hợp với hết mọi người, nó giúp mọi người nên thánh một cách dễ dàng.  Đi vào con đường đó là có một chỗ đứng ở giữa trái tim của Giáo hội để muốn làm mọi sự ở trong Giáo hội của Chúa.

 

          Và cho được như vậy, hãy dâng mình cho Chúa, hãy chấp nhận đau khổ hy sinh vì yêu Chúa, hãy chia sẻ tâm tình với Chúa Cứu Thế đang đau đớn trong các chi thể của Giáo hội, để cứu độ trần gian với Chúa Kitô.

 

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt

         

 

         


Mục Lục