SỬA TRỊ
NẾT XẤU
+++
Chúng
ta đang ở trong Mùa Chay, xem ra có nhiều việc phải làm trong thời gian này.
Người ta thường nói : Mùa Chay là thời gian rất căng thẳng vì người ta phải vật
lộn với ba thù là ma quỉ, thế gian và xác thịt. Hôm nay chúng ta chỉ chú trọng
vào việc vật lộn với chính con người của mình, vật lộn với các tình tư dục, bắt
nó phải tùng phục linh hồn.
Hay
nói cách khác, chúng ta cùng chia sẻ với nhau về việc sửa trị các nết xấu đang
tiềm ẩn trong lòng chúng ta, đặc biệt là nết xấu làm đầu để chúng ta có thể trở
nên con người mới tốt lành thánh thiện hơn, đặc biệt chúng ta có một tâm hồn
trong sạch xứng đáng mừng ngày lễ Phục sinh sắp tới.
I. SUY NIỆM LỜI CHÚA
Trong
dịp Lễ Tro vừa qua, chúng ta đã được xức tro trên đầu với lời khuyên nhủ :”Hãy nhớ mình là tro bụi và sẽ trở về cùng
bụi tro” (St 3,19), hoặc câu khác :”Hãy
sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15).
Giáo
hội khai mạc Mùa Chay thánh bằng việc xức tro trên đầu để nhắc nhở tín hữu phải
có lòng khiêm nhường trước mặt Chúa, hãy thú nhận mình là thân phận tội lỗi ,
cần phải ăn năn sám hối để được ơn tha thứ.
Nhân
dịp khai mạc mùa chay, Giáo hội nhắc lại lời Chúa Giêsu khi đi rao giảng Tin
mừng :”Hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin
mừng” (Mc 1,15). Đây cũng là lời rao
giảng của thánh Gioan Tẩy giả mà Chúa Giêsu đã nhắc lại. Ngày nay Giáo hội cũng
nhắc nhở chúng ta phải có tin thần sám hối trong Mùa Chay này.
Sám
hối có nghĩa là trở về. Phải trở về vì đã đi lạc đường như trường hợp đứa con
phung phá trong Tin mừng của thánh Luca. Lạc đường vì đã đi ra ngoài con đường
Thiên Chúa muốn cho con người phải đi :”Các
người phải nên thánh, vì Ta là Đấng thánh”
(Lv 20,26). Hay nói cách khác, con người đã phạm tội, đã phản nghịch cùng
Chúa nên phải trở lại làm hòa để được ơn tha thứ.
Trong
thực tế, không ai là không có tội. Chính thánh Gioan Tông đồ đã khẳng định điều
đó khi ngài nói :”Ai nói mình không có
tội, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở trong họ” (1Ga 1,10).
Thánh
Phaolô tông đồ cũng phải bộc bạch :” Tôi
ăn ở như một người ngu, còn sự lầm lạc của tôi thì vô kể’ (Ep 4,11).
Chính
vì vậy, trong mùa chay này chúng ta cần
phải diệt trừ các mầm mống tội lỗi đã làm cho chúng ta phạm tội phản nghịch
cùng Chúa. Hay nói khác đi, chúng ta phải diệt trừ tính mê nết xấu, là những kể
nội thù đang xúi giục chúng ta phạm tội.
II. NÓI VỀ CÁC NẾT XẤU
1.
Nết xấu là gì ?
Nết
xấu là những khuynh hướng xấu tiềm ẩn trong con người, khiến người ta hướng
chiều về sự tội. Từ nguyên thủy, bản tính con người là tốt lành, hướng về sự
thiện, vì Thiên Chúa đã dựng nên như thế.
Do đó, ông Mạnh Tử trong việc
giáo dục đã chủ trương :” Nhân chi sơ
tính bản thiện”. Nhưng sau khi con người đã phạm tội không vâng lời Thiên
Chúa, bản tính con người đã trở nên yếu đuối và hướng về sự tội. Có lẽ vì vậy
mà ông Mặc Tử đã chủ trương ngược
lại là “nhân chi sơ tính bản ác”.
Tuy
bản tính con người hướng về sự tội, nhưng nhờ ơn Chúa cứu chuộc, con người có
thể thắng được bản tính ấy và hướng nó tới sự thiện.
Do
đó, con người có thể làm chủ được mình và có thể vươn tới sự thánh thiện do sự
cố gắng của mình như Chúa Giêsu đã khuyến khích :”Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn
lành” (Mt 5,48).
Thánh Phaolô thu tóm lại trong câu vắn
tắt này :”Thánh ý Chúa là muốn cho anh em nên thánh” (Ep 1,4); và ngài còn thêm :”Anh em phải sống xứng đáng là các vị thánh”
(Ep 5,3).
2
Quan niệm chung của người đời
Người
đời thường nói :”Nhân vô thập toàn”. Người ta thường dủng câu tục ngữ này mà nói
về thân phận con người trong cuộc sống trần gian này.
Ông
Văn Hòe giải thích câu tục ngữ này
như sau : Người ta không ai hoàn toàn cả mười phần. Ý nói : người ta ai cũng có
nết tốt nết xấu, ai cũng có ưu điểm và nhược điểm.
Ta
không nên dựa vào câu này để tự tha thứ cho những lỗi lầm, những khuyết điểm
mình con mắc. Trái lại, nên công nhận câu này là đúng, để tự nhận rằng dù thông
minh, tài trí đến bực nào ta cũng chưa thế hoàn toàn được, ta vẫn con phải sửa
chữa những lỗi lầm, những khuyết điểm của ta, ta vẫn cần nghe những lời phê
bình hay răn bảo của người khác.
Cổ
nhân nêu câu này là nhằm mục đích sửa
chữa cho người ta đến chỗ hoàn toàn, chớ không cốt để cho người ta ngày một xấu
thêm, một ngày một thêm khuyết điểm (Văn Hòe, Tục ngữ lược giải, 1957, tr
160-161).
Ông
Elbert Hubbard nói :”Người nào cũng là kẻ chí ngu ít ra trong 5
phút mỗi ngày. Bậc thánh là kẻ cố gắng và thành công trong sự không để cái ngu
của mình vượt quá thời gian ấy”.
Ông
Lénine lại nói một cách dí dỏm về chân
lý ấy :”Chỉ có hai hạng người sau đây
không có lỗi lầm : những người còn trong
bụng mẹ - chưa sinh ra và những người đã bỏ vào quan tài chờ ngày mang đi
chôn”.
Truyện : Câu nói của Tôn Ngộ Không
Chắc
ai trong chúng ta cũng đã có dịp xem bộ phim Tây Du Ký. Tôn Ngô Không là một
nhân vật nổi tiếng. Chính nhân vật này đã góp phần xây dựng vào câu tục ngữ
“Nhân vô thập toàn”, đó là, khi Tôn Ngộ Không phơi sách kinh cho khô, lỡ tay
làm rách một trang. Đường Tăng tỏ vẻ đau khổ, vì bộ kinh không còn được hoàn
toàn đẹp đẽ như lúc đầu. Tôn Ngộ Không nói :”Thầy coi, trên đời này, có gì là hoàn toàn đâu : cái gì mà chả có
khuyết điểm” ?
Như
vậy, trên đời này, không có gì là hoàn toàn cả, cũng không có ai hoàn hảo được
mười phân vẹn mười cả.
2. Giáo hội dạy chúng ta
Giáo
hội đã dạy chúng ta về 7 mối tội đầu, đó là những khunh hướng xấu làm cho chúng
ta dễ phạm tội. Dĩ nhiên, con người có nhiều khuynh hướng xấu dẫn đến tội,
nhưng có những khuynh hướng mạnh hơn cả.
Trong
các ngày Chúa nhật, chúng ta thường đọc
kinh “Cải tội bảy mối có bảy đức’ trước thánh lễ :
Thứ
nhất, khiêm nhường chớ kiệu ngạo
Thứ
hai, rộng rãi chớ hà tiện
Thứ
ba, giữ mình sạch sẽ chớ mên dâm dục
Thứ
bốn, hay nhịn chớ hờn giận
Thứ
năm, kiêng bớt chớ mê ăn uống
Thứ
sáu, yêu người chớ ghen ghét
Thứ
bảy, siêng năng việc Đức Chúa Trời chớ
làm biếng.
Muốn
nên thánh, nên trọn lành, phải làm chủ được mình, nghĩa là phải thắng được
chính mình , tức là thắng được các tình tư dục. Nên thánh thì phải biết những
nết xấu để sửa, biết những cái hay để dinh dưỡng.
Theo
ý thánh Phaolô, chúng ta phải gột bỏ con người cũ tội lỗi để mặc lấy con người
mới thánh thiện (x. Ep 22.24). Vậy phải lột bỏ con người cũ là lột bỏ cái gì ?
Đây là lột bỏ các tính hư nết xấu đang chi phối con người ta, làm cản bước tiến
của ta trên con đường thánh thiện.
Những
người muốn nên thánh đừng bao giờ tha thứ cho tật xấu của mình mà nói rằng :
không phải làm gỉ cả, tôi được sinh ra như thế, đó là sự tự nhiên của tôi. Nhưng muốn cố gắng làm cho linh hồn trong
sạch thì phải trả lời lại ngay rằng : nếu linh hôn tôi chứa đầy mãnh thú tôi
phải trừng trị nó. Tôi sẽ không để như
tôi đã sinh ra, tôi phải trở nên con người mà tôi muốn.
Truyện : Thầy dòng dạy mãnh thú
Một
buổi chiều, Bề trên nhà dòng kia hỏi một tu sĩ :
-
Hôm nay con đã làm gì ?
Cũng
như những ngày khác, tu sĩ trả lời :
-
Thưa cha, con rất bận bịu mà nguyên sức
con không thể nào làm nổi, ngoài sự giúp
đỡ của Chúa. Ngày nào con cũng phải coi
hai con chim ưng, giữ hai con nai, kìm hãm hai con diều hâu để rèn ý chí, thắng
một con sấu, trị được con gấu và săn sóc cho một bệnh nhân.
Bề
trên cười hỏi lại :
-
Con nói gì thế ? Những việc như thế làm gì có trong nhà Dòng ?
-
Thưa cha, thật đúng như thế. Hai con
chim ưng tức là hai mắt của con, mà con phải giữ gìn luôn để khỏi nhìn những
vật cấm. Hai con nai tức là hai chân mà con phải trông coi từ bước đi để nó
khỏi đi vào con đường xấu. Hai con diều hâu tức là hai bàn tay, con phải luôn
luôn bắt nó làm điều phải. Con sấu tức là cái lưỡi, con phải kìm hãm hằng ngày
để khỏi nói những lời vô ích và thô bỉ. Con gấu tức là trái tim con, con phải
trừng trị, để khỏi ích kỷ và khoe khoang. Còn bệnh nhân là chính thân thể con,
con phải canh phòng ráo riết để cho nhục dục khỏi xâm nhập vào (Tihamer Toth,
Chí khí người thanh niên, 1957, tr 53).
III. PHẢI SỬA TRỊ NẾT XẤU
1.
Phải sửa trị ngay từ đầu
Sách
Gương Chúa Giêsu đã trưng ra hai câu thơ của Ovide, một thi sĩ La mã đã sống
cách chúng ta hơn 2000 năm, nhắc nhở chúng ta phải chữa trị nết xấu ngay từ ban
đầu, để lâu nết xấu mỗi ngay thêm mạnh
(Liber I,c.XIII, 5) :
Hãy đề phòng ngay từ ban đầu
Tìm phương thế trị
liệu cho sớm
Vì càng để lâu
Sự dữ càng tăng
thêm.
(Ovid, de remed
II,91)
Nếu
không sửa trị ngay từ đầu thì nết xấu này sẽ dẫn tới nết xấu khác, tội này đến
tội khác, từ tội nhẹ đến tội nằng. Người
đời đã có kinh nghiệm về điếu đó khi nói
Bé ăn trộm gà
Cả ăn trộm trâu
Lâu lâu làm giặc.
Một
trong những ích lợi của việc xét mình (tự kiểm điểm) là giúp chúng ta đề phòng
những cái xấu vừa chớm nở, để việc sửa những cái xấu đó đạt được kết quả một cách dễ dàng. Một khuyết điểm , tái diễn nhiều lần, sẽ
thành một tập quán, và tập quán đó chính là nết xấu nơi con người chúng ta. Ai
cũng có lỗi lầm. Điều quan trọng, không phải là không có lỗi lầm, nhưng chính
là nhận ra khuyết điểm để quyết tâm sửa đổi.
Truyện : Biển Thước xem bệnh
Biển
Thước là thầy thuốc hay có tiếng thời Xuân Thu. Ông đến yết kiến Hoàn Hầu, đứng
ngắm một lát, ông tâu rằng :”Vua có bệnh trong bì phu, không chữa sợ đau nặng”.
Hoàn
Hầu bảo :”Ta vô bệnh”. Biển Thước đi ra. Hoàn Hầu nói : “Thầy thuốc này lý tài
lắm. Muốn chữa người khỏe để lấy công”.
Mười
hôm sau, Biển Thước vào yết kiến Hoàn Hầu và nói :”Vua có bệnh ở gan ruột,
không chữa mau, sau khó lòng”. Hoàn Hầu không trả lời còn lấy làm không bằng lòng.
Biển Thước đi ra. Cách mười hôm sau, Biển Thước lại vào yết kiến Hoàn Hầu, vừa
thấy liền chạy ra ngay. Hoàn Hầu cho người gọi lại, và hỏi Biển Thước vì cớ gì
ra ngay ?
Biển
Thước tâu :”Bệnh ở bì phu con châm trích được, bệnh ở gan ruột còn thuốc thang
được, chứ bệnh đã vào xương tủy, thì không tài nào chữa được nữa. Bây giờ bệnh
nhà vua đã vào tới xương tủy, cho nên tôi không giám nói, mà phải ra ngay”.
Năm
hôm sau, Hoàn Hầu phát bệnh, cho người tìm Biển Thước, thì Biển Thước đã sang
nước Tần rồi. Quả nhiên bệnh Hoàn Hầu
không thầy nào chữa được. Hoàn Hầu mất.
Phàm
bất cứ căn bệnh nào, thân xác hay tinh thần, lúc đầu cũng dễ chữa trị, nhưng
nếu bệnh để lâu, thì việc chữa trị rất khó khăn, và hầu như thất vọng.
2.
Đừng vơ đũa cả nắm
Mỗi
người có nhiều nết xấu cần phải chữa trị. Nhưng không nên ôm đồm, muốn sửa trị
ngay một lúc, mà phải từ từ, chữa trị
từng nết xấu một. Nếu vơ cả một nắm đũa liền lại với nhau thì không bẻ được.
Con nếu tách ra từng cái một thì có thể bẻ gẫy dễ dàng.
Tuy
có nhiều nết xấu, nhưng mỗi người có một nết xấu làm đầu, nó làm cho ta dễ sa
ngã, hay phạm tội, hoặc phạm đi phạm lai. Cần phải dồn nỗ lực lại để sửa trị
nết xấu đó cho bằng được, ví dụ tính kiêu căng mà nhà Phật gọi là “sân”
(tự ái, kiêu ngạo). Nết xấu này rất khó sửa, đến nỗi thánh Phanxicô Salêsiô phải
nói :”Nết xấu này chỉ chấm dứt 15 phút
sau khi người ta chết” !
3.
Phải kiên trì
Người
ta thường nói :”Dục tốc bất đạt” :
vội vàng sẽ không đến nơi. Sửa trị nết
xấu là một cuộc chiến trường kỳ, không chấm dứt. Cuộc chiến ngoài trận địa thì
có giới hạn về không gian và thời gian, còn cuộc chiến này là cuộc chiến nội
tâm rất gay go, không có giới hạn, có khi phải kéo dài suốt cuộc đời, nên phải
đề cao cảnh giác vì kẻ thù ở ngay trong ta, lúc nào cũng rình dập. Nó là kẻ nội
thù nguy hiểm.
Sửa
được một nết xấu không phải là chuyện dễ, có khi suốt đời cũng chưa sửa trị
được một nết xấu. Nhưng đừng lo. Đức giám mục Freppel đã bảo đảm cho chúng ta : “Thiên Chúa không đòi hỏi ta
chiến thắng, nhưng muốn ta chiến đấu”
Phải
tránh mộng tưởng này : cuộc đời tôi phải là một chiến thắng, tôi phải thắng
trong bất cứ một cuộc tranh đấu nào. Tranh đấu chống sự tàn ác của bọn cướp bóc lột
thì dễ, còn chiến đấu chống lại những lỗi lầm của tôi thì thật khó.
Sống
là chiến đấu. Hão huyền thay Nước Trời của những kẻ không tưởng. Chiến thắng
trong mọi sự là không tưởng ! Hãy chấp
nhận cuộc sống như thế và cho Thiên Chúa những cuộc chiến đấu sắp tới, thì tôi
sẽ không thất bại.
Trong
một lời kinh xin ơn quảng đại, thánh Inhaxiô Loyola đã khuyên chúng ta hãy
chiến đấu không ngừng, chiến đấu mà không sợ thương tích. Và đây là một tư
tưởng lạc quan giúp chúng ta chiến đấu không ngừng:”Thiên Chúa không tìm những huy chương hay bằng cấp chúng ta đạt được,
nhưng ngài đếm những vết sẹo trong cuộc đời chúng ta” (Elbert Hubbard).
Lm Giuse Đinh lập Liễm
Giáo xứ
Kim phát
Đà lạt