LỄ NGƯỜI CAO TUỔI (bài 3)

AN PHẬN TRONG TUỔI GIÀ

+++

 

I. MỪNG LỄ QUAN THẦY

 

          Hôm nay Hội Người Cao Tuổi của giáo xứ chúng ta mừng lễ thánh Gioakim và thánh Anna là quan thầy cũa Hội hằng năm vào ngày 26/07.

 

          Chúng ta cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta hai vị thánh gương mẫu đã sinh ra Đức Maria là Mẹ Đấng Cứu Thế. Chúng ta không có tài liệu nói về cuộc đời của hai thánh, nhưng chúng ta cứ theo nguyên lý nhân quả mà suy biết : “Xem quả thì biết cây”.  Nhìn vào Đức Maria thì chúng ta có thể biết được hai thánh phải có đời sống thánh thiện như thế nào.

 

          Qua truyền thống, chúng ta chỉ biết hai thánh là những người kính sợ Chúa nhưng lại hiếm muộn. Thiên Chúa chỉ ban cho hai thánh một người con trong tuổi già, sau bao năm tháng cầu nguyện và chờ đợi trong kiên nhẫn. Chúng ta cũng cám ơn hai thánh đã tặng ban cho chúng ta một người con để trở thành Mẹ Đức Giêsu và mẹ của chúng ta.

 

          Nhân dịp mừng lễ quan thầy, chúng ta cùng tìm hiểu về tuổi già để tìm một hướng đi cho thích hợp, bởi vì tâm lý tuổi già và tuổi trẻ khác biệt nhau, trái ngược nhau, nhiều khi làm cho người cao tuổi phải đau khổ :

 

                                      Tính tuổi thọ trong ngoài bảy chục,

                                      Mạnh giỏi chăng là được tám mươi,

                                      Mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ,

                                      Cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi.

                                                   (Tv 90,10)

 

          Nếu hiểu biết số phận của mình, người già sẽ bớt cảm thấy cô đơn và tủi nhục. Trái lại, còn biết sống tích cực, làm cho tuổi già của mình trờ thành tuổi vàng son của cuộc đời.

 

II. BÀN VỀ CHỮ THỌ.

 

          Mỗi con người sinh ra đều mong có được “ngũ phúc” (5 phúc), đó là Phú, Quí, Thọ, Khang, Ninh. Song điều mà ai cũng mong ước là được trường thọ.

 

          Thời phong kiến các quan trong triều và nhân dân đều chúc nhà vua “Vạn thọ vô cương” (thọ không biên giới), người người chúc nhau “Sống lâu trăm tuổi” hoặc “Trường sinh bất tử”, hoặc “Bách niên giai lão”.

 

          Chính vì vậy mà người ta hay tổ chức mừng thọ các cụ.  Sáng hôm nay, giáo xứ chúng ta nói chung và con cháu nói riêng rất vui mừng được dâng  Thánh lễ tạ ơn,cầu nguyện và mừng thọ các cụ.

 

          Còn về chữ “THỌ” trong ngũ  phúc thì chữ “thọ” đứng vị trí chủ, nghĩa là chữ thọ phải đứng đầu.  Người Á đông chúng ta từ xưa đã chú ý đến điều này khi nói :

 

                                      “Tuế hữu tứ thời xuân tại thủ

                                      Nhân sinh ngũ phúc thọ vi tiên.

                                      (Năm có bốn mùa thì xuân đứng đầu,

                                      Người có ngũ phúc thì thọ ưu tiên).

 

          Trong Hán tự thì chữ “thọ” nằm giữa, một bên là chữ “Phú Quí”, một bên là chữ “Khang Ninh” phò tá.  “Khang” là biểu hiệu thân xác khỏe mạnh cường tráng. “Quí” là chỉ tâm thanh cao. “Ninh” là môi trường bình yên. Còn “Phú” chỉ vật chất tinh thần được dồi dào.

 

          Từ ngàn xưa, chữ “Thọ” được các bậc thánh nhân răn dạy  không những chỉ dạy ở nghĩa sống lâu mà phải sống tốt, sống đẹp, sống tích cực, sống có ý nghĩa.

 

          Nếu sống lâu mà lòng dạ lại đen tối, ác độc như loài thú thì quả là “đa thọ đa nhục”. Như vậy, chữ Thọ vừa đóng vai trò chủ soái vừa liên kết xâu chuỗi mang nghĩa thống nhất cả 5 phúc.

 

          Rõ ràng, sống thọ bằng danh thơm, danh quí hơn nhiều sống lâu bằng thể xác.  Trong dân gian còn lưu truyền :”Thọ hình bất nhược thọ danh”, nghĩa là  sống không may đoản thọ mà có tiếng thơm còn hơn là trường thọ mà sống nhục (Cf Thi Ngọc, báo Người cao tuổi, xuân 2010, trang 35).

 

III. TÂM LÝ TUỔI GIÀ.

 

          Theo tâm lý, người cao niên sống với ký ức và hoài niệm của mình.  Với tuổi đời chồng chất, trải qua bao thăng trầm, vinh nhục, cả một khung trời đầy kỷ niệm ấy, tuổi già là thời gian để người cao niên sống lại với những kỷ niệm ấy trong sinh hoạt thường ngày của họ.  Đây là những gì  mà họ cho là rất gần gũi và thực tế đối với họ.  Chính ở điểm này mà sinh một mâu thuẫn giữa quá khứ và hiện tại.  Lý trí cho họ biết sức đào thải của thời gian, nhưng thực tế nhiều khi không cho phép họ chấp nhận thực tế này.

 

          Cũng từ tâm lý nhìn lại quá khứ tạo nên một quan niệm và lối sống nhiều khi không kịp với hiện tại.  Cái mà tuổi trẻ thường gán cho tuổi già là “cổ hủ”, là “quê mùa”, chính là sự khác biệt  về quan niệm và ảnh hưởng của tâm lý này.

 

          Bám lấy quá khứ, lo sợ tương lai khiến sự thay đổi lối sống và khả năng hội nhập trở nên khó lòng đối với người già. Điều này đã dẫn đến thái độ tham quyền cố vị nơi những người có chút quyền lực hay địa vị.

 

          Đối với người Việt nam, do ảnh hưởng Nho giáo, nhiều cha mẹ còn dành quyền giáo dục con cháu, tạo nên nhiều khó khăn trong lãnh vực giáo dục, đặc biệt, đối với lớp người trẻ lớn lên hoặc sinh đẻ ở các quốc gia Âu Mỹ.  Sự bất đồng về ngôn ngữ, sự khác biệt về văn hóa, quãng cách tuổi tác là những chướng ngại đang làm cản trở nhiều cho việc hội nhập của con cháu vào dòng chính nơi đang sống.

 

IV. CA TỤNG TUỔI GIÀ

 

          Tuổi già không phải là một tai họa mà là “ân huệ của Chúa”, là “Phúc lành của Chúa” ban cho một số người.

 

          Tuổi già có thể trở thành một giai đoạn quí nhất của cuộc đời.

          Khi bàn về tuổi già, có người nói :”Chúa đã định cho sức mạnh và vẻ đẹp của tuổi trẻ là ở thể chất. Nhưng sức mạnh và vẻ đẹp của tuổi già là trong tâm linh.  Dần dần chúng ta mất sức mạnh và vẻ đẹp tạm thời để ta tập trung vào sức mạnh và vẻ đẹp tồn tại mãi mãi.

 

          Ta nên sống thế nào để đến khi thân xác ta không còn tươi trẻ nữa, ta có thể nói rằng những năm già yếu là những năm vàng son của cuộc đời”.

 

          Chính vì thế, Đức Giám mục Beaunard mới nói :”Tuổi già đối với kẻ thượng lưu, không phải là suy vận, nhưng là tiến phát, không phải là bước đi xuống, nhưng là một sức vươn lên”.

 

          Kinh thánh cũng ca tụng tuổi già :”Đầu bạc là một triếu thiên vinh dự” (Cn 16,31).

 

          Các thi nhân ca tụng rạng đông. Họ cũng say sưa hát mừng buổi hoàng hôn. Vẻ đẹp của hoàng hôn là vẻ đẹp của một ngày lam lũ mệt mỏi đã qua đi, và một công việc đã được hoàn thành.

 

          Vẻ đẹp của tuổi già là vẻ đẹp của tuổi thanh xuân, được thành đạt, được kết tinh, như quả cây, dưới ánh nắng mùa xuân ấm,  đã đến ngày đỏ thơm ngon vậy.

 

          Hoàng hôn đẹp tại chỗ là buổi “nghỉ ngơi” để ngày mai tiếp tục lên đường.  Nếu đêm không bao giờ hết, rạng đông không bao giờ trở lại, thì hoàng hôn sẽ là một khối thất vọng không biên giới. Tuổi già đẹp ở chỗ là giờ “chờ đợi” một buổi sáng mới, buổi sáng được gặp gỡ Thiên Chúa.

 

V. AN PHẬN TRONG TUỔI GIÀ

 

          Ta thường được nghe người ta than :”Lão lai tài tận” (già rồi, cạn sức), nhưng nay chúng ta lại được nghe người ta ca tụng tuổi già :”Lão lai khả hỉ” (đáng vui thay khi đã về già). Già là một qui luật tự nhiên của cuộc sống. Ai không già đi có lẽ là con quái vật hay một bức tượng đài vô tư. Biết mình già và sống với cảnh già thì sẽ có hạnh phúc. Bất mãn với tuổi già là cuộc đời bất hạnh.

 

          Tuổi già không phải là một tai họa mà là một giai đoạn kết thúc bình thường.  Phải biết rằng mình không thể làm việc được như thời còn trẻ, đây là thời giờ nghỉ ngơi. Do đó, ít được ai quan tâm đến mình.  Phần lớn người già không hài lòng với cuộc sống của mình vì tuổi già thường thấy cô đơn, không ai để ý đến, thấy mình trở nên vô dụng.  Nhưng đừng buồn, đừng đòi hỏi, hãy biết an phận, được đến đâu hay đến đó như người xưa đã khuyên :

 

                             Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc,

                             Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn.

                                                (Cổ ngạn)

                             Biết đủ coi là đủ, đợi đủ bao giờ mới đủ,

                             Biết nhàn coi là nhàn, đợi nhàn bao giờ mới nhàn.

 

          Lão Tử trong Đạo đức kinh cũng nói :”Tri túc giả phú” : biết đủ đã là giầu.

 

          Vậy bí quyết tìm hạnh phúc ở tuổi già là gì ? Thưa là :

 

 

                   1. Hài lòng với cuộc sống, hài lòng với mình.

                   2. Biết khai thác những niềm vui nhỏ trong mình và quanh mình .

 

                             Truyện : Văn hào Chương Khắc Tiêu.

 

          Văn hào Chương Khắc Tiêu, sư phụ của nhà văn Kim Dung, lúc 101 tuổi, có cho Kim Dung biết bí quyết sống lâu và hạnh phúc, đó là :

                             Ăn không quá no

                             Làm không bao giờ quá sức mình

                             Sống lạc quan vô điều kiện.

          Chương Khắc Tiêu cho biết : khi ông 70 tuổi, ông đã quyết định chỉ ăn cháo, không ăn cơm, thức ăn chính là củ cải muối, đậu phụ kho, lâu lâu ăn cháo cá, tuyệt đối không ăn thịt, bận đến đâu cũng tập thái cực quyền và không ngày nào mà không cầm cuốc làm vườn, trong vườn nơi căn hộ ông thuê, ông trồng nhiêu khoai lang và các thứ rau (Kiến thức gia đình, số 159, tr 28).

 

          Người ta thường nói :”Nhân lão, tâm bất lão”.  Tuổi già mà tâm không già, thế là già mà không già.  Tuổi không già mà tâm già, thế là không già mà già.  Sống phải hoạt động nhưng đừng quá mức. Ăn uống quá thanh đạm thì không đủ chất bổ. Quá nhiều thịt cá thì không hấp thụ được. Quá nhàn rỗi thì buồn tẻ, quá ồn ào thì khó chịu… Mọi thừ đều nên “vừa phải”.

 

          Sau cùng, trước khi từ biệt con cháu, người già phải có cái gì để lại cho con cháu , không lẽ “Đi không lại về không” (Nguyễn Công Trứ). Vì thế người ta nói :

 

                             Hổ tử lưu bì, nhân tử lưu danh

                             Cọp chết để da, người ta chết để tiếng.

 

          Danh đây chính là đời sống gương mẫu, các gương lành còn truyền lại cho con cháu, chẳng lẽ ra đi với hai bàn tay trắng !

 

          Người Ấn độ nói :”Trước khi chết, anh trồng được một cây để lại cho hậu thế thì cuộc đời anh kể là có ích” . Cây mà các cụ để lại đây chính là “cây phúc đức”.

 

          Có lần người ta hỏi mục sư Martin Luter King :”Nếu giả như ngày tận cùng của thế giới này sắp xẩy đến trong nay mai, ông sẽ làm gì” ?  Martin Luther King đáp :”Tôi sẽ lấy cuốc đào đất để trồng cây”.

 

          Câu trả lời của ông xem ra vô nghĩa lý, nhưng xét cho cùng lại là triết lý khôn ngoan. Thật thế, ai có thể biết được khi nào ngày tận thế sẽ đến, khi nào trái đất sẽ qua đi, nếu không phải chỉ có một mình Thiên Chúa, như lời Chúa Giêsu  đã quả quyết với dân Do Thái.

 

          Quá khư đã qua không thể kéo nó trở lại được; tương lai chưa tới, nó ở trong tay Chúa, chỉ có giây phút hiện tại là chắc chắn và ở trong tầm tay chúng ta mà thôi. Thiên Chúa đã tạo dựng con người, tuy yếu hèn, nhưng đã được trao cho sứ mệnh bá chủ muôn loài.

 

          Chúng ta có thể tiếp tục trồng cây để thế hệ sau được ăn trái, hoặc có thể chọn sống ỷ lại, chỉ lười biếng ngồi ăn trái, để rồi thế hệ sau chỉ còn lại những gốc cây già cỗi, không chút nhựa sống.  Thiên Chúa không đòi chúng ta phải giao nộp hoa trái sẽ trổ sinh ngày mai, nhưng trong giây phút cuối đời, mỗi người chúng ta sẽ phải tính sổ với Chúa về những giây phút hiện tại mà Ngài đã ban tặng cho chúng ta hôm nay.

 

          Sinh lão bệnh tử là quy luật ở đời, không ai chống lại được. Khi thần chết gọi  thì thanh thản mà đi. Cốt sao sống ngay thẳng không hổ thẹn với lương tâm và cuối cùng đạt cho mình một dấu chấm hết thật tròn.

 

          Chớ gì sau một thời gian dài sống trên trần gian, trước ngày ra đi, các cụ có thể nói một cách dí dỏm và tự hào  với con cháu như thi sĩ Tú Mỡ đã nói :

 

                   Rồi vùn vụt đến ngày tuổi tác,

                   Đến khi ta tóc bạc da mồi,

                   Vuốt râu ôn lại sự đời,

                   Đời ta đầy đủ, thảnh thơi tự hào.

                      (Tú Mỡ, Giòng nước ngược)

 

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt

 


Mục Lục