Gợi
ý tĩnh tâm mùa chay 2013
CÁC BÀI GỢI Ý
TĨNH TÂM MÙA CHAY
tại các Giáo xứ Giáo phận Xuân Lộc
Kính thưa quý cha, quý tu sĩ nam nữ, quý chủng sinh và anh chị
em, chúng con xin giới thiệu đến quý vị một số đề tài tĩnh tâm mùa chay năm
2013.
Kính chúc quý vị mùa chay thánh thiện và nhiều phúc lành của Chúa.
Ban giáo sư ĐCV thánh Giuse Xuân Lộc
(giaophanxuanloc.net )
Chủ Đề
GIA ĐÌNH và GIÁO XỨ SỐNG ĐỨC TIN
trong HIỆP THÔNG và BÁC ÁI
Bài I
HỒNG ÂN ĐỨC TIN
Lời Chúa trong Sách Công vụ Tông đồ (Cv 14, 24-27)
Ngang qua xứ Pisiđia, các ông tới xứ Pamphylia.Và sau khi giảng Lời
ở Pergê; các ông xuống Attalia. Và từ đó, các ông vượt biển về Antiôkia, tức là
nơi các ông đã được trao phó cho ơn Thiên Chúa mà trẩy đi làm công việc các ông
vừa hoàn thành. Đến nơi, các ông nhóm họp Hội Thánh, và trần thuật lại mọi
điều Thiên Chúa đã làm với các ông, là Người đã mở cửa đức tin cho các dân
ngoại.
Trong Thư Luân lưu Tuần Tĩnh tâm Linh mục năm 2013, Đức Giám mục
Giáo phận viết: “Khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, cánh cửa Đức Tin mở ra, cho
phép chúng ta tiếp nhận sự sống Thiên Chúa Ba Ngôi, bước vào con đường hiệp
thông với Giáo Hội và đến với tha nhân bằng tình yêu Đức Kitô. Chúng tôi mời
gọi anh chị em suy nghĩ về ơn Đức Tin, sự Hiệp Thông và tình Bác Ái, để được
vững mạnh hơn trong hành trình theo Chúa và hân hoan loan báo Tin Mừng cho thế
giới”. Những bài chia sẻ trong dịp Tĩnh tâm Mùa Chay này nhằm thực thi lời dạy
này của Đức Giám mục.
Đức Tin hướng chúng ta tới tương quan với Thiên Chúa, Hiệp Thông
hướng chúng ta đến tương quan với Giáo Hội, và Đức Bác Ai hướng chúng ta về
tương quan với tha nhân. Như vậy, Chủ đề Mục vụ Giáo phận năm nay: “Gia đình và
Giáo xứ Sống Đức Tin trong Hiệp Thông và Bác Ai” như bao trùm và thống nhất
toàn bộ đời sống kitô hữu.
Nền tảng đời sống Kitô được đặt trên Đức Tin. Đức tin giúp định
hướng đời chúng ta. Định hướng cuộc đời đúng hay sai tuyệt đối quan trọng vì nó
làm nên ý nghĩa đời sống tại thế và định đoạt vận mạng đời đời mai sau.
1. Đức Tin là An Ban của Thiên Chúa
Trong đoạn Sách Công vụ Tông đồ vừa nghe, thay vì nói theo lối
thông thường: “Các dân ngoại tin vào Thiên Chúa”, thánh Phaolô dùng cách nói
thật tượng hình: “Người (Thiên Chúa) đã mở cửa đức tin cho các dân ngoại” (Cv
14, 24-28). Chính Chúa Thánh Thần hoạt động nơi các tông đồ để đưa dân ngoại
đến với đức tin (x. Cv 13, 1-52).
Cũng với thuật ngữ “cánh cửa” ấy, thánh Gioan ghi lại lời Đức Kitô:
“Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào… Tôi là cửa. Ai qua
tôi mà vào thì sẽ được cứu… Tôi đến để cho chiên tôi được sống và sống dồi dào”
(Ga 10, 7.9.10).
Vậy chúng ta có thể nói, Đức Kitô chính là “Cửa Đức Tin” mà Thiên
Chúa mở ra cho chúng ta. Nội dung đức tin là chính Đức Kitô Phục Sinh (x. Cv
13, 32tt).
Tác giả thư Do-thái cho thấy Chúa Kitô là Đấng “khai mở và kiện
toàn Đức tin” (Dt 12, 2). Câu chuyện người phụ nữ
Vì thế, Đức Tin là đáp trả lại tình yêu của Thiên Chúa được mạc
khải trong Đức Kitô. Nhờ ơn Chúa, chúng ta tin nhận Đức Kitô là Chúa, và phó
thác trọn bản thân chúng ta cho Người. Gắn kết với Chúa Kitô là khởi đầu của
một tình yêu, một tình yêu lớn lên qua sự hiệp nhất ý muốn của chúng ta với ý
muốn của Chúa. Đó cũng là lúc chúng ta chọn Đức Kitô là cùng đích và giá trị
lớn lao nhất của cuộc đời mình vì xác tin rằng: chỉ mình Đức Kitô là Đấng Cứu
Độ duy nhất dẫn cuộc đời chúng ta đến hoàn thiện (Mt 19, 21), đến sự sống đời
đời (x. Ga 3, 36; 5, 40; 6, 47).
Gắn bó với Chúa Kitô là đi vào sự kết hiệp với Chúa Cha như chính
Chúa Giêsu khẳng định: “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10, 30; x. Ga 14, 6.7.20 ;
Ga 17, 21).
Nhờ sự kết hiệp này, chúng ta chia sẻ và trải nghiệm sự sống của
Thiên Chúa trong chúng ta, điều làm cho chúng ta thấy được chính mình và các
thực tại chung quanh chúng ta qua đôi mắt của Thiên Chúa và dạy chúng ta hành
động trong Chúa. Nhờ đó, cuộc sống của chúng ta được “thần hóa”, được “vĩnh cửu
hóa”.
Đức tin của chúng ta phải nên như trẻ thơ, hoàn toàn tin tưởng và
phó thác cuộc đời cho Chúa như Đức Thánh cha Benêđictô nói: “Đức tin không đơn
thuần là một sự đồng ý của trí tuệ con người với những chân lý cụ thể của Thiên
Chúa. Đó là một hành động mà qua đó, tôi tự do phó thác chính mình cho Thiên
Chúa, Đấng là Cha chúng ta và yêu thương ta. Gắn bó với Ngài là Đấng ban cho ta
niềm Hy Vọng và Tin Tưởng” ĐGH Benêđictô XVI, Bài giảng Khai mạc Năm Đức Tin. .
Tình yêu với Chúa luôn đòi sự triệt để. Tính triệt để theo Tin Mừng là vì Chúa,
chúng ta dám từ bỏ mọi sự tầm thường của ta, và Chúa sẽ ban mọi sự tuyệt hảo
của Ngài cho ta. Khi so sánh với Thiên Chúa là giá trị tuyệt đối, thì xét cho
cùng, mọi sự đều là tro bụi.
Như vậy, “Cửa Đức Tin” mở ra không phải đưa chúng ta đến một nơi
chốn, nhưng đưa ta vào mối liên hệ thân tình với Thiên Chúa trong Đức Giêsu
Kitô, Đấng đã đi vào lịch sử của con người, Đấng đã chết và sống lại và nay
hằng sống.
Chúng ta có thể hiểu hơn điều này khi nhìn vào tương quan nhân loại.
Trong một gia đình, đôi khi vợ với chồng, cha mẹ với con cái sống bên nhau,
nhưng lại không hiện diện trong nhau. Một bức vách vô hình có thể là tội lỗi,
một ác cảm, một thiên kiến... ngăn cản họ đi vào sự hòa hợp tâm hồn. Đó là cuộc
sống nghèo nàn tinh thần và bất hạnh. Trái lại, khi vượt qua mọi ngăn cách để
hòa hợp trong yêu thương, mỗi người và cuộc sống gia đình trở nên phong phú và
đầy tràn niềm vui.
Cũng vậy, nếu đi đạo chỉ để lập công, để được Nước Trời thì cuộc
đời chúng ta vẫn không biến đổi. Chỉ khi chúng ta dám sống đức tin để đạt tới
mối liên hệ thân tình với Chúa, thì đời sống chúng ta mới thực đổi mới.
2. Phương thế củng cố Đức Tin
Đức tin không phải là một kho báu sở hữu một lần nhưng là một liên
hệ tình thương sống động với Chúa Giêsu, một Nhân Vật, nên cần vun đắp mỗi
ngày. Nếu không, đức tin sẽ bị thui chột, xơ cứng hay tiêu tan. Thánh Phaolô đã
nói với Timôthê: “Một số người vứt bỏ lương tâm ngay thẳng đó, nên đức tin của
họ đã bị chết chìm” (1 Tm 1, 19).
Vậy để gìn giữ và vun đắp đức tin vươn đến trưởng thành và sinh hoa
trái chúng ta phải làm gì (x. 1 Tm 6, 11-12)?
a. Trước hết, chúng ta cần đào sâu chân lý đức tin qua việc đọc
Kinh Thánh và học giáo lý. Chúng ta thèm khát một đức tin mạnh mẽ,
sống động, chắc chắn và đơn sơ như con trẻ. Do đó, chúng ta không ngại tìm tòi,
thắc mắc, đặt vấn đề, suy nghĩ với đầu óc phê bình đúng đắn để làm phát sinh
một đức tin mà chúng ta quen thuộc đến độ có thể diễn tả một cách đơn sơ, thi
vị, đầy tin tưởng và mang tính cá nhân. Một đức tin không còn phải do cha mẹ để
lại, mà đã trở nên xác tín của riêng mình. Một đức tin trưởng thành như vậy rất
cần cho mọi tín hữu Việt
b. Tiếp đến, cần đào sâu kinh nghiệm đức tin :
1/ Khởi đi từ việc nhìn lại lịch sử đức tin nơi diễn ra mầu nhiệm
khôn lường giữa sự thánh thiện và tội lỗi. Càng nhận rõ phận người tội lỗi, bất
lực, càng tin tưởng phó thác đời mình cho Chúa. Nhờ việc chiêm ngắm gương các
thánh và những người lành, chúng ta thấy được sức mạnh phi thường của Chúa nơi
các vị tử đạo, ơn Chúa biến đổi lạ lùng cuộc đời các thánh. Vẻ đẹp nhân đức và
niềm vui thánh thiện chiếu tỏa từ cuộc đời tốt lành của các ngài, trong đó có
thể là cha mẹ và bao người xung quanh chúng ta, có sức lôi cuốn chúng ta vững
tin nơi Chúa và thúc đẩy chúng ta tiến bước trên đường trọn lành. Càng nhận
biết sự hiện diện sống động của Chúa nơi cuộc đời các ngài, chúng ta càng xác
tín vào sự hiện diện yêu thương của Chúa trong đời ta.
2/ Kinh nghiệm đức tin được xây đắp bằng đời sống vâng phục thánh ý
Chúa. Gắn bó với Chúa Kitô khởi đi từ tình yêu, một tình yêu lớn lên qua sự
hiệp nhất ý muốn của chúng ta với ý muốn của Chúa Kitô. Đây là khởi đầu của sự
hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa. Sự gắn bó của chúng ta không thể thực
hiện được nếu chúng ta không gỡ mình khỏi sự dính bén với những điều làm cho
chúng ta trở nên nô lệ tạo vật, hoặc những gì không thuộc về Chúa Kitô. Để theo
Chúa Kitô, các tông đồ đã phải từ bỏ mọi sự. Chọn Chúa Kitô là lấy Người làm
kho báu và giá trị lớn nhất của đời mình cũng đòi mỗi Kitô hữu thanh thoát với
mọi cái khác. Nếu chúng ta đi tới được một kinh nghiệm về Chúa, chắc chắn chúng
ta cảm nhận Chúa Giêsu thực quý báu đối với đời ta.
3/ Kinh nghiệm đức tin được làm cho vững mạnh bằng thử thách và khổ
đau được ta đón nhận trong vâng phục ý Chúa. Mỗi một nỗ lực vượt thắng thử
thách với ơn Chúa là một bước dài trong đức tin. Mỗi lúc cô đơn, buồn chán, thử
thách vẫn một mực bám vào Chúa và tìm sức mạnh nơi Người sẽ là một bước dài đưa
chúng ta đến gần Chúa.
4/ Đặc biệt, kinh nghiệm đức tin phải được xây đắp bằng cầu nguyện
vì Kitô giáo không là một hệ thống giáo lý, một bộ lề luật phải giữ, mà là
chính Đức Kitô, Đấng đã chết và sống lại, Đấng hằng muốn ở với chúng ta. Cần
cầu nguyện với cộng đoàn, nhưng cũng rất cần những lúc riêng tư, mình ta với
Chúa. Cần gặp Chúa trong Nhà thờ, nhưng cần lắm một sự liên lỉ kết hiệp với
Chúa trong từng công việc đời thường. Biết làm mọi việc bổn phận theo thánh ý
Chúa và vì yêu Chúa. Điều thật cần là chúng ta biết tập trung ý thức và yêu mến
trong từng cử chỉ đạo đức như dấu Thánh giá, từng lời kinh chúng ta đọc, từng
cử hành phụng vụ chúng ta tham dự. Cứ kiên trì thực hiện như vậy, cầu nguyện sẽ
đưa ta vào sự kết hiệp mật thiết với Chúa, đưa chúng ta đi dần tới đỉnh thánh
thiện.
Hơn nữa, đức tin là ân huệ tình thương vô biên của Chúa. Lời cầu
nguyện khơi lên nỗi khao khát để được Chúa lấp đầy.
5/ Kinh nghiệm đức tin còn được đắc thủ dần nhờ yêu mến tha nhân.
Đức tin là nguồn cội của bác ái và bác ái là hoa trái của đức tin. Khi lòng ta
mở ra với anh em, cũng là lúc chúng ta mở ra để Chúa đến với ta. Tình Chúa là
nguồn cho tình người và tình người vun lớn tình Chúa. Càng nỗ lực rèn luyện để
có được trái tim nhân ái của Chúa, cuộc đời chúng ta càng nên xinh đẹp, đáng
yêu, càng mang nhiều hạnh phúc cho tha nhân. Kiên trì thực thi bác ái, chúng ta
sẽ dần kinh nghiệm rằng: Chúa không bao giờ chịu thua lòng quảng đại của ta ;
và dòng suối yêu thương đã mở ra thì ngày càng tuôn đổ dạt dào hơn mãi. Nhớ
rằng, “Khi Chúa đến, Người không cân đo trí khôn chúng ta thông minh thế nào.
Nhưng Người sẽ cân đo trái tim chúng ta yêu thương ra sao” (Mark Link).
6/ Cuối cùng, để đạt tới thái độ đức tin như thế đòi hỏi phải thực
hiện điều mà Kinh Thánh gọi là “hoán cải”.
Hoán cải không chỉ là cắt đi một vài tội lỗi bên ngoài, mà trước
hết là từ bỏ nguồn mạch sự dữ nơi tâm hồn: thay vì để sa tan làm chủ lòng mình
thì để Chúa làm chủ đời mình, thay vì say đắm tìm kiếm danh lợi thú trần gian
như cùng đích thì nỗ lực hướng mọi sự trong đời về Chúa. Cái tâm mới là gốc rễ
sinh mọi hoa trái bên ngoài, như Chúa nói : “Từ lòng người, phát xuất những ý
định xấu : tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá,
trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng” (Mc 7, 21-22). Sống đạo
không chỉ là chu toàn bổn phận trong nhà thờ mà còn phải làm sao cho đức tin,
tình yêu thấm dần vào trọn đời sống. Sống đạo không chỉ là giữ vài lề luật để
lên trời mà còn là để Chúa được lớn dần trong đời khi biết nhìn mọi sự như
Chúa, mang đuợc cái tâm của Chúa trong cư xử với mọi người.
Chúng ta sẽ không thể vào Nước Trời nếu tội của ta không trở thành
“tội hồng phúc”. Tội hồng phúc khi nhờ đức tin, chúng ta nhận biết Chúa thương
ta, khao khát tha thứ cho ta và ta mở lòng đón nhận. Lịch sử Giáo Hội xảy ra
những biến đổi lạ lùng như nơi Phaolô, Augustinô và nơi cả bao người đang sống
với chúng ta. Chúng ta có tin và khao khát Chúa biến đổi đời mình lúc này
không?
Tình yêu với Chúa luôn đòi sự triệt để. Tính triệt để theo Tin Mừng
là vì Chúa, chúng ta dám từ bỏ mọi sự tầm thường của ta và Chúa sẽ ban mọi sự
tuyệt hảo của Ngài cho ta. Hoán cải mang tính triệt để như vậy, nên hành trình
hoán cải là việc của mọi người và của cả cuộc đời để ngày càng thuộc trọn về
Chúa hơn.
Kết luận
Mục đích của cuộc đời Kitô là để Chúa Kitô lớn lên trong đời mình
và đạt đến tầm mức viên mãn, để một lúc chúng ta có thể hân hoan nói được như
thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi”
(Gl 2, 20). Một nỗ lực để đưa Chúa vào hiện diện trong cuộc đời mình càng lúc
càng sâu thẳm.
Một em bé luôn biết mình thật quý giá đối với mẹ để tin tưởng phó
mình trong vòng tay yêu thương của mẹ. Chúng ta có cảm thấy mình vô cùng quý
giá trong vòng tay Thiên Chúa tình yêu không? Chúng ta có cảm được Chúa luôn
hiện diện trong cuộc đời ta không?
Ai gặp được Chúa chân thực, đời sống họ chắc chắn được biến đổi.
Chúa yêu chúng ta rất đỗi lạ lùng nên luôn mong muốn đưa chúng ta vào sự thông
hiệp với Người để cho đời ta tràn đầy ý nghĩa và niềm vui. Trong lúc này đây,
Người đang ngỏ với chúng ta yêu thương của Người. Chúng ta có sẵn sàng mở lòng
để Chúa dẫn ta vào huyền nhiệm tình yêu với Người chăng?
Suy nghĩ và cầu nguyện
1. Tôi có thấy đức tin quan trọng đối với đời tôi không?
2. Tôi có hãnh diện vì mình là người Công giáo không?
3. Tôi đang làm gì để vun đắp đức tin của mình?
Đề tài 2
SỐNG ĐỨC TIN TRONG HIỆP THÔNG
Lời Chúa trong thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Ephêsô (Ep 1,
17-23).
Tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô,
Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mạc khải cho anh em nhận
biết Người. Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng
anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong
phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh, đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người
đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu. Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy
hiệu lực mà Người đã biểu dương nơi Đức Kitô, khi làm cho Đức Kitô trỗi dậy từ
cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời. Như vậy, Người đã tôn Đức Kitô
lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không
những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai. Thiên Chúa đã
đặt tất cả dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm đầu Hội Thánh là thân thể Đức
Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn.
Trong thế giới tục hóa ngày nay, người ta đang muốn xây dựng một xã
hội hoàn toàn trần thế, với những tiêu chuẩn do từ sự khôn ngoan của nhân loại;
và vì thế, họ muốn loại trừ Thiên Chúa và như một hệ quả, họ cũng muốn loại trừ
Giáo Hội, bởi vì Giáo Hội hay lên tiếng nói khác với họ, nhân danh Thiên Chúa.
1. “Cửa Đức Tin” đưa chúng ta vào trong Giáo Hội
Trong Tông thư “Cửa Đức Tin”, Đức Thánh cha dạy: “Cửa Đức Tin dẫn
vào đời sống hiệp thông với Thiên Chúa và vào Giáo Hội của Ngài vẫn luôn rộng
mở cho chúng ta” (PF, 1).
Như vậy, đức tin không chỉ đưa chúng ta vào sự hiệp thông với Thiên
Chúa, nhưng còn dẫn chúng ta vào trong Giáo Hội. Qua đó, Đức Thánh cha muốn
khẳng định rằng: người ta không thể có được một đức tin đích thực và toàn vẹn
vào Thiên Chúa nếu không có Giáo Hội. Người ta không thể tin vào Thiên Chúa và
sống niềm tin của mình đích thực nếu không ở trong Giáo Hội.
Đức Giám mục Giáo phận viết: “Chính sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba
Ngôi là cội nguồn và nền tảng sự hiệp thông trong Giáo Hội; nghĩa là nhờ kết
hợp với Thiên Chúa, anh chị em được hiệp thông với mọi thành phần Dân Chúa,
tuyên xưng cùng một Đức Tin, có cùng một hy vọng, được chia sẻ cùng một kho
tàng ân phúc của Giáo Hội; nhưng anh chị em cũng có trách nhiệm xây dựng Giáo
Hội và mở mang Nước Chúa trong cuộc sống hằng ngày. Có một số tín hữu nghĩ
rằng: chỉ cần đọc kinh cầu nguyện, giữ các giới răn, không phạm tội trong là
được lên Thiên đàng, mà thiếu quan tâm tham gia đời sống Giáo Hội ngay tại cộng
đoàn Giáo xứ mà họ là thành viên. Quan niệm này trái với ý định cứu độ phổ quát
của Thiên Chúa” Thư Luân lưu Tuần Tĩnh tâm Linh mục Giáo phận Xuân Lộc năm
2013.. Năm Đức Tin là một cơ hội để chúng ta nhìn lại mối tương quan của mình
với Giáo Hội.
2. Đức tin Kitô giáo mang hai chiều kích Cá nhân và Cộng đoàn
Thiên Chúa không muốn cứu độ chúng ta cách riêng rẽ, nhưng muốn quy
tụ chúng ta thành một dân, đó là Giáo Hội (x. LG số 9).
“Đức tin là một hành vi cá nhân: Con người tự nguyện đáp lại lời
mời gọi của Thiên Chúa, Đấng tự mạc khải. Nhưng đức tin không phải là một hành
vi riêng rẽ. Không ai có thể tin một mình, cũng như không ai có thể sống một
mình. Không ai tự ban cho mình đức tin, cũng như không ai tự ban cho mình sự
sống. Người tin nhận được đức tin từ kẻ khác, phải truyền đức tin lại cho kẻ
khác. Tình yêu của chúng ta đối với Đức Giêsu và tha nhân thúc giục chúng ta
nói với người khác về đức tin của chúng ta. Như thế, mỗi tín hữu là một mắt
xích trong dây chuyền rộng lớn các tín hữu. Tôi không thể tin mà không có đức
tin của người khác đỡ nâng, và với đức tin của tôi, tôi góp phần vào việc nâng
đỡ đức tin của kẻ khác” (GLHTCG, số 166).
“Trước tiên, chính Hội Thánh đã tin và như thế, mang lấy, nuôi
dưỡng và nâng đỡ đức tin của tôi… Chính qua Hội Thánh mà chúng ta lãnh nhận đức
tin và đời sống mới trong Đức Kitô nhờ phép Thánh Tẩy…” (GLHTCG, số 168).
Như vậy, chúng ta không thể nhận lãnh, tuyên xưng, cử hành và sống
đức tin một mình. Vì phải trong và nhờ Giáo Hội, mà đức tin của chúng ta mới
được nuôi dưỡng và phát triển, mới đạt tới mức trưởng thành và toàn vẹn đích
thực.
Tuy nhiên, đức tin cũng phải là một hành vi mang tính cá vị. Phải
làm sao cho đức tin được nhận từ cha ông, từ Giáo Hội thành đức tin của tôi,
thành niềm xác tín của tôi. Cụm từ “Chúng tôi tin” phải dần thành xác tín cá
nhân: “Tôi tin” như thánh Tôma sau khi gặp Đấng Phục Sinh: “Lạy Chúa của con,
lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20, 28). Nếu chúng ta không có những gặp gỡ riêng
với Chúa, không liên hệ cá nhân với Người, sẽ không thể có biến đổi nội tâm sâu
xa nơi bản thân mình. Đức Thánh Cha dạy: “Chính việc tuyên xưng đức tin là một
hành vi bản thân và đồng thời cũng có tính chất cộng đoàn. Thực vậy, chính Giáo
Hội là chủ thể đầu tiên của đức tin. Trong đức tin của mỗi cộng đoàn Kitô, mỗi
người lãnh nhận bí tích Rửa tội, là dấu chỉ hữu hiệu về sự gia nhập cộng đoàn
các tín hữu để được ơn cứu độ” (PF, 10).
Như vậy, mỗi người chúng ta cần có cộng đoàn Giáo Hội để nuôi dưỡng
và sống đức tin, không thể sống đức tin mà không có người anh em, đồng thời,
đức tin của mỗi người chúng ta sẽ góp nên sức sống đức tin của Giáo Hội, của
cộng đoàn giáo xứ.
3. Lòng trung thành với Chúa Kitô không thể tách rời khỏi lòng
trung thành với Giáo Hội (x.
Chúa Giêsu đã thiết lập Giáo Hội để tiếp tục công cuộc cứu độ của
Người (x. LG, 9). Vì vậy, “Không ai có thể có Thiên Chúa là Cha, nếu không có
Giáo Hội là Mẹ” (Thánh Cyprianô).
Giáo Hội là Thân Thể Chúa Kitô mà chính Người là Đầu của Thân Thể
(x. Ep 5, 23). “Trong Thân Thể đó, sự sống của Đức Kitô được truyền thông cho
các tín hữu là những kẻ, nhờ các bí tích, đã được kết hợp một cách bí nhiệm và
thật sự với Đức Kitô chịu nạn và tôn vinh” (LG, 7). Nhờ kết hiệp với Chúa Giêsu
là Đầu, mà chúng ta được liên kết với nhau để làm nên một Thân Thể duy nhất.
Hình ảnh này tỏ rõ cho chúng ta thấy mối liên hệ mật thiết của mỗi chúng ta với
Chúa Kitô và Giáo Hội. Một chi thể không thể sống nếu tách rời khỏi thân thể và
mỗi chi thể đều góp phần làm nên sự sống của thân thể.
Vì vậy, chúng ta được mời gọi:
a. Hiệp thông với Giáo xứ
- Hành động hiệp thông cao cả và quan trọng nhất là hiệp thông
trong cử hành các bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể. Nhờ Bí tích Thánh Thể, mà
đời sống của chúng ta dần thấm nhập mầu nhiệm Chúa Kitô, đi vào mối liên hệ
thân tình với Chúa và hiệp nhất với nhau. Phụng vụ là mạch nguồn và tột đỉnh
của đời sống Kitô hữu để giúp ta đạt tới thánh thiện.
Phụng vụ cũng là cách thế ưu việt để nuôi dưỡng sự hiệp thông của
Giáo Hội. Các giáo phụ cho rằng: “Cộng đoàn phụng vụ là hình ảnh dễ nhận thấy
nhất của một Giáo Hội địa phương, của Thân Thể Đức Kitô. Không tham dự phụng vụ
là giảm thiểu Thân Thể ấy. Các kitô hữu được mời gọi tham dự phụng vụ, nơi đó
họ tập họp để kiến tạo nên chỉ một Đền Thờ của Thiên Chúa” J. Chrysostome và
Ignace dAntioche.. Nhà thần học Henry de Lubac (tk 20) thì cho rằng: “Thánh Thể
làm nên Giáo Hội và Giáo Hội làm nên Thánh Thể”.
Ước gì chúng ta biết yêu mến thánh lễ và đừng bao giờ bỏ thánh lễ
Chúa Nhật. Hãy hiệp nhau trong lời kinh, tiếng hát. Nhưng điều quan trọng là
hãy tham dự thánh lễ với “tâm hồn ngay thẳng, hòa hợp tâm trí với lời đọc bên
ngoài, và cộng tác với ơn sủng trên trời, để đừng lãnh nhận ơn Chúa cách vô
ích” (SC, 11). Với cung cách cử hành đầy niềm tin và lòng mến như vậy, thánh lễ
sẽ trở thành trung tâm của đời sống chúng ta và có sức biến đổi cuộc đời chúng
ta dần nên giống Chúa Kitô.
- Việc tham dự những Giờ Chầu Thánh Thể, những Giờ Kinh Phụng Vụ,
hay những giờ lần hạt… không chỉ nhằm tìm ơn ích thiêng liêng cho riêng mình,
nhưng nhằm mưu ích cho Giáo Hội và xây dựng sự hiệp thông trong giáo xứ.
- Nên chọn tham gia một việc tông đồ nào đó trong giáo xứ phù hợp
với hoàn cảnh sống của mình hay của gia đình. Đây cũng là cách thế hữu hiệu để
vun đắp sự hiệp thông với giáo xứ và làm vững đức tin của chúng ta.
b. Hiệp thông với chủ chăn
Chúng ta hãy dành cho các chủ chăn của mình lòng yêu mến, kính
trọng và tinh thần vâng phục đơn sơ trong những điều phù hợp thánh ý Chúa. Ai
cũng có những khiếm khuyết, yếu đuối. Hãy nâng đỡ các ngài bằng lời cầu nguyện
và những chia sẻ chân thành. Đừng chỉ trích phê bình hay lôi kéo phe nhóm gây
chia rẽ cộng đoàn. Chắc chắn, Chúa sẽ chúc phúc cho những người biết hành động
theo đức tin và xây dựng bình an.
c. Hiệp thông với anh chị em
“Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là
anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35). Chúng ta tập vươn từ tình yêu tự
nhiên lên siêu nhiên. Yêu nhau bằng tình yêu của Chúa. Biết yêu tha nhân trong
Chúa và yêu Chúa trong tha nhân. Tình yêu Chúa sẽ là sức mạnh giúp chúng ta
vượt thắng ích kỷ, so đo, tính toán hơn thiệt vật chất, để có thể dành cho nhau
một tình yêu mến chân thành và quảng đại. Sống yêu thương nhau là kiến tạo một
gia đình giáo xứ hiệp nhất. Một đời sống chan hòa yêu thương cũng trở nên một
dấu chỉ đầy thuyết phục những người chưa là kitô hữu nhận ra nét đẹp đích thực
của đạo Công giáo.
Kết luận
“Lòng trung thành với Đức Kitô không thể tách rời khỏi lòng trung
thành với Giáo Hội” (
Suy nghĩ và cầu nguyện:
1. Chúng ta đang làm gì để xây dựng giáo xứ của mình?
2. Chúng ta có hay cầu nguyện cho Giáo Hội không?
3. Chúng ta có đồng cảm với Giáo Hội trong các biến cố vui buồn
không?
Đề tài 3
SỐNG ĐỨC TIN TRONG BÁC ÁI
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu (Mt 22, 24-40).
Một luật sĩ hỏi thử Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, giới răn nào lớn nhất
trong lề luật?” Ngài nói: “Ngươi phải yêu mến Chúa, Thiên Chúa ngươi, hết lòng
ngươi, hết linh hồn ngươi và hết trí khôn ngươi! Đó là giới răn lớn, giới răn
đệ nhất. Thứ đến cũng giống như điều ấy: Ngươi phải yêu mến đồng loại ngươi như
chính mình ngươi. Toàn thể Lề luật cùng các tiên tri đều quy vào hai giới răn
ấy.”
Ba nhân đức đối thần: Tin, Cậy, Mến liên kết mật thiết với nhau và
chính khi có được hài hòa giữa ba nhân đức này thì đời sống kitô hữu mới thực
sự phát triển, thực sự trưởng thành.
1. Mối tương quan giữa đức Tin và đức Mến
Đức Thánh Cha viết: “Đức Tin không có đức Mến sẽ chẳng mang lại kết
quả, còn đức Mến không có đức Tin, sẽ là một tình cảm luôn phó mặc cho ngờ vực.
Đức Tin và đức Mến cần có nhau đến mức nhân đức này giúp cho nhân đức kia thể
hiện chính mình… Nhờ đức Tin, chúng ta có thể nhận ra gương mặt Chúa Phục Sinh
nơi những người đang mong được chúng ta yêu thương… Chính đức Tin giúp nhận ra
Chúa Kitô và chính tình yêu của Chúa thôi thúc chạy đến cứu giúp Chúa mỗi khi
Người trở nên thân cận của chúng ta trên nẻo đường cuộc sống…” (2 Pr 3, 13; x.
Kh 21, 1).
Đức Tin được sinh động bởi Đức Ái. Một “Đức Tin không có việc làm
là Đức Tin chết” (Gc 2, 17). “Bác ái bắt nguồn từ Thiên Chúa vì “Thiên Chúa là
tình yêu” (1 Ga 4, 16). Bác ái là tình yêu bao la, không giới hạn bao trùm mọi
thụ tạo, nhất là những người bé mọn, nghèo hèn cả vật chất lẫn tinh thần và tâm
linh. Các hoạt động bác ái chứng tỏ cường độ đức Tin nơi chúng ta” Thư Luân lưu
Tuần Tĩnh tâm Linh mục năm 2013..
Hơn nữa, “Trong hoàn cảnh xã hội ngày nay, đức tin của người Công
giáo cần được thể hiện qua việc thực thi bác ái… Được Lời Chúa soi sáng và tình
yêu Chúa thấm nhập trong suy nghĩ cũng như hành động, chúng ta sẽ trở nên những
chứng tá đáng tin trong xã hội ngày nay” Thư chung Năm Đức Tin của HĐGMVN,
11.10.2012., bởi lẽ, “Ngày nay, người ta thích chứng nhân hơn là thầy dậy” Đức
Phaolô VI, “Tông huấn Evangelii Nuntiandi”.
2. “Đức Giêsu… rửa chân cho các môn đệ” (Ga 13, 5)
Khi rửa chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu hé mở cho thấy Thiên Chúa
thương yêu con người đến mức nào: nơi Người, chính Thiên Chúa đã muốn phục vụ
loài người. Đồng thời, Người mạc khải ý nghĩa của đời sống Kitô, đó phải là đời
sống yêu thương, một đời sống hiến mình phục vụ cụ thể và quảng đại.
Để giúp ta thực thi đức ái này, Thiên Chúa đổ tràn Thánh Thần trên
chúng ta (x. Rm 5, 5) để thông ban cho chúng ta lòng mến (lagapê) của Thiên
Chúa, tức cách Thiên Chúa yêu mến, và thúc đẩy chúng ta phục vụ người khác
trong sự hiến mình khiêm hạ không tính toán ích kỷ.
Thánh Phaolô dạy: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa,
hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu,
khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong
anh em người này có điều gì trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em,
thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh
em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3, 12-14).
3. “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu” (Ga 15, 12)
Sự thánh thiện của chúng ta là chính Chúa Giêsu, là sự hiện diện
của Chúa trong ta. Kết hợp với Người, chúng ta sẽ biết cách yêu Chúa và yêu tha
nhân. Tình yêu này là sự sống của cuộc đời Kitô. Nó là giới răn mới vì là yêu
anh chị em như Chúa yêu:
a. Yêu thương như Chúa là biết tha thứ. Một tha thứ dám đi bước
trước chứ không chờ đợi người có lỗi đến xin lỗi ; một tha thứ không điều kiện,
không biên giới ; một tha thứ dẫn tới yêu thương.
Sự tha thứ là một trong những yếu tính của ơn cứu độ. Thiên Chúa đã
thực hiện ơn tha thứ để hòa giải con người tội lỗi với Ngài trong Đức Kitô, để
họ có thể gọi Chúa “Abba”, Cha ơi! Đón nhận tình thương tha thứ của Thiên Chúa
dạy ta tha thứ cho anh em.
Sự tha thứ cần thiết để xây đắp mối hiệp thông và tình yêu trong
nhiệm thể Giáo Hội và cộng đoàn nhân loại. Sự tha thứ làm nên vẻ đẹp của thế
giới. Một thế giới bao dung, huynh đệ, mang vẻ đẹp của dung nhan Thiên Chúa.
Gia đình cần sự tha thứ để hiệp nhất. Giáo xứ cần sự tha thứ để trở nên gia
đình của Thiên Chúa.
Nhớ rằng, tha thứ không chỉ là thiện ích ta làm cho tha nhân, mà
trước hết, cho chính ta khi cất khỏi tâm hồn ta gánh nặng oán thù và trả lại
bình an. Thánh Gioan Thánh Giá nói: “Chúng ta sẽ bị xét xử về lòng thương xót,
vì thế, cách tốt nhất trong cuộc đời này là để cho Chúa lôi cuốn ta vào quĩ đạo
của lòng xót thương”. Mỗi khi thấy khó tha thứ, chúng ta hãy quì gối dưới chân
Thánh Giá.
b. Yêu thương như Chúa là biết đón nhận nhau
Mầu nhiệm nhập thể diễn tả sự tự hạ đến cùng của một Thiên Chúa yêu
thương và đón nhận ta (x. Pl 2, 6-11).
Không ai hoàn hảo. Biết yêu thương trọn cả con người với cả tốt
xấu. Ai cũng cần người khác bao dung đón nhận mình như là chính mình. Biết đón
nhận là không bắt buộc người khác phải ăn nói, cư xử… như ý mình. Khác biệt làm
phong phú và bổ túc cho nhau. Cần biết đón nhận nhau để hòa hợp và thăng tiến
lẫn nhau. Điều này rất cần để làm gia đình an vui và giáo xứ hiệp nhất.
c. Yêu thương như Chúa là quên mình phục vụ “đến cùng” (Ga 13, 1)
như Chúa. Nghĩa là yêu thương đến chết và yêu thương không mức nào hơn nữa. Con
Thiên Chúa “… đã yêu tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20). Đó là lý tưởng mà
chúng ta được mời gọi để vươn tới. Sự hiến trao bắt đầu từ cái bên ngoài như
của cải, tiền bạc đến cái bên trong là thời giờ, sức khỏe và chính bản thân.
Điều cốt lõi là sự cho đi ấy luôn phải đầy tròn tình yêu.
d. Yêu thương như Chúa là yêu thương hết mọi người kể cả kẻ thù (Mt
5, 45; Ga 12, 32) .
Yêu “tất cả” những người và từng người mình gặp trong đời. Mẹ
Têrêsa cho ta kinh nghiệm này: “Để yêu mến một người cần phải tiến tới gần người
đó… Tôi không bao giờ săn sóc một đám đông mà chỉ săn sóc những con người cụ
thể thôi”.
Một vài điều chúng ta cần tâm niệm:
- Đi bước trước trong tình yêu cũng là nghệ thuật yêu thương của
Chúa (x. 1 Ga 4, 16.19). Chúng ta hãy sống điều mà thánh Gioan Kim khẩu dạy:
“Bạn đừng chờ đợi người khác yêu, nhưng hãy tiến lên và bắt đầu trước”.
- Để biết yêu tha nhân như Chúa, chúng ta đừng chờ đợi những điều
lớn lao. Những việc nhỏ hằng ngày trở nên dấu chỉ bác ái tuyệt vời nếu được làm
với tình yêu lớn. Hãy bắt đầu với chính người vợ, người chồng, đứa con trong
gia đình, với những nụ cười, sự cảm thông, phụ giúp công việc gia đình…. Rồi
tình yêu từ gia đình lan dần đến mọi người. Những điều bé nhỏ làm nên niềm vui,
làm đẹp tương quan cuộc sống chứ không phải chỉ những cái lớn lao. Không ai
giầu có quá đến độ không cần đến tha nhân, không ai nghèo quá đến độ không có
gì để trao tặng. Mỗi sáng thức dậy, hãy quyết tâm một điều: “Tôi sẽ sống ngày
hôm nay thật yêu thương!” Luôn biểu lộ sự tử tế và lòng tốt với mọi người mình
gặp.
- Nhớ rằng, bản thân mỗi chúng ta mới là quà tặng quý giá nhất cho
nhau, cho con cái và mọi người. Vì vậy, càng nỗ lực nên hoàn thiện, chúng ta sẽ
càng nên quà tặng quý giá cho tha nhân. Càng mang được trái tim yêu thương của
Chúa, chúng ta càng trở nên dấu chỉ tình yêu của Chúa cho mọi người. Yêu thương
không phải cho đi một cái gì, nhưng là cho đi chính bản thân. Kahil Gibram nói
câu chí tình: “Bạn cho đi qúa ít khi chỉ cho đi của cải. Chỉ khi nào cho đi
chính mình, bạn mới thực sự cho đi”. Càng đi tìm bản thân, con người càng đánh
mất chính mình. Càng co cụm trong vỏ ốc ích kỷ của mình, con người càng chết
dần mòn trong nỗi cô đơn. Càng muốn được vinh thân, con người càng vong thân.
Nỗi khao khát hạnh phúc của con người chỉ được lấp đầy khi họ biết
đến gần, cúi xuống phục vụ tha nhân. Con người chỉ thực thành đạt, chỉ thực là
người khi họ dám sống, dám chết vì tha nhân. Chúng ta chỉ thực sự là con Chúa
khi chấp nhận tiêu hao vì người anh em như mẹ Têrêsa nói: “Kitô hữu là người
trao ban chính bản thân mình”.
Lòng mến Chúa như sự sống bên trong và lòng yêu tha nhân như hoa
trái bên ngoài. Tình Chúa nuôi dưỡng tình người và tình người làm sâu đậm tình
Chúa. Một khi lòng của chúng ta đầy Chúa, thì tình yêu tha nhân sẽ hồn nhiên
tuôn chảy.
Con đường yêu thương đưa chúng ta đến đỉnh trọn lành. Yêu thương
làm ta trở nên “chính mình” như Chúa mong đợi ta. Đó là cách chúng ta yêu mến
bản thân đích thực nhất.
Một phóng viên hỏi mẹ Têrêsa: “Mẹ yêu thương đám quần chúng mà
người khác nhìn họ như những đống hoang phế của nhân loại. Đâu là bí quyết mẹ
yêu thương họ như vậy?” Mẹ đáp: “Bí quyết của tôi thật giản dị: Tôi cầu
nguyện.” Tình yêu như vậy là một “nghệ thuật”, một nghệ thuật cao vượt khả năng
yêu thương thuần túy nhân loại. Một nghệ thuật mà đôi khi những người chuyên
môn về tôn giáo lại không am tường bằng một tâm hồn bé nhỏ đơn sơ. Đó là một
nghệ thuật phải học từ thầy Giêsu và phải thực hành mỗi ngày đến thành thạo.
Hãy để cho Chúa Thánh Thần soi sáng, đào tạo, dạy dỗ chúng ta lòng mến Chúa yêu
người. Ngài là người Thầy tuyệt vời nhất dạy ta “Tình Yêu của Đức Kitô Chịu
Đóng Đinh” trong trường học Giêsu.
Kết luận
Cuối cùng, chúng ta không thể không nối kết ba nhân đức Tin, Cậy
Mến với nhau. Một sự hiểu biết sâu xa về những gì mình tin đưa đến một gắn bó
mật thiết với Thiên Chúa Tình Yêu là điều đương nhiên phải đến. Lòng tin mạnh
mẽ vào Thiên Chúa đưa Kitô hữu đến lòng tin tưởng, và đó là niềm hy vọng. Niềm
hy vọng làm cho Kitô hữu không bị bế tắc trong những thử thách của cõi nhân
sinh. Mặc dù đau khổ, cùng khốn, họ vẫn yêu mến và tin tưởng vào tình yêu của
Thiên Chúa. Một đời sống Kitô hữu như vậy không đơn thuần là do sức mạnh của
hiểu biết, của lý trí, cũng không hẳn chỉ do ý chí, quyết tâm, nhưng còn là hệ
quả của những kinh nghiệm sâu xa nơi những cuộc gặp gỡ cá vị với Thiên Chúa và
thâm tín tình yêu của Ngài.
Tiến bước trong đức tin và đức ái như vậy, là tiến bước trong niềm
hy vọng tuyệt đối nơi Thiên Chúa, niềm phó thác trọn vẹn bản thân mình cho
Thiên Chúa, Đấng duy nhất là Chúa, là Đấng Cứu Độ, là Cùng Đích của cuộc đời
chúng ta.
Khổ đau, nghèo khó, bệnh tật và sự chết ... đè nặng trên ta vốn làm
chúng ta khiếp sợ, tuyệt vọng, nhưng chúng ta luôn nghe được tiếng nói đầy uy
lực cứu độ của Đấng Phục Sinh: Hãy vững lòng, Ta đã thắng thế gian (Ga 16, 33).
Tin tưởng vào quyền năng chiến thắng của Chúa khiến chúng ta dám phó thác trọn
cuộc đời để Chúa dẫn ta đến chiến thắng chung cuộc, đến vinh quang đời đời. Một
phó thác mang lại niềm vui, bình an mà không nỗi phiền muộn, sợ hãi nào, kể cả sự
chết, có thể xua tan được. Không mang niềm hy vọng này thì đức tin của chúng ta
trở nên vô nghĩa và đức ái của ta trở nên vô ích. Tin, Cậy, Mến liên kết chặt
chẽ với nhau và nhân đức này thể hiện và hoàn tất nhờ hai nhân đức kia.
Nếu sau Tuần Tĩnh Tâm này, mỗi người đang hiện diện nơi đây bắt đầu
một cuộc sống mới trong niềm tin vững mạnh hơn vào Chúa, trong sự gắn kết mật
thiết hơn với Giáo Hội và trong lòng mến sâu xa hơn với tha nhân thì biết bao
gia đình thêm hạnh phúc, bao con cái được hưởng sự thiện hảo từ cha mẹ, và chắc
chắn, giáo xứ chúng ta sẽ trở nên cộng đoàn chứng nhân yêu thương đầy thuyết
phục cho những ai chưa nhận biết Đức Kitô là Chúa, là Đấng Cứu Độ.
Suy nghĩ và cầu nguyện :
1. Từ nay, tôi có thể làm gì để tỏ ra yêu thương đối với gia đình
tôi và với mọi người?
2. Sau những ngày Tĩnh Tâm này, tôi sẽ sống thế nào để người ta có
thể nhận ra tôi là người Công giáo chân chính?