CHIẾN ĐẤU KHÔNG NGỪNG
+++
Người ta thường nói :”Đời
là một cuộc chiến đấu” hay “Đời là
một đấu trường”, nó xẩy ra cuộc chiến toàn diện : từ tinh thần đến vật
chất, từ xã hội đến gia đình và đến từng ca nhân.
Hôm nay chúng ta muốn nói đến cuộc chiến của từng người tức
là cuộc chiến xẩy ra từ nội tâm của con người
mà không ai có thể tránh được.
Qua cuộc chiến này, mỗi người mới có thể được đánh giá là
anh hùng chiến thắng hay là kẻ chiến bại.
Vì Chúa Giêsu đã nói :”Nước Trời
chỉ có thể chiếm được bằng sức mạnh”
(Mt 11,12) và “Chỉ những ai kiên nhẫn
đến cùng mới được cứu độ” (Mt 10,22).
I. CUỘC CHIẾN TOÀN DIỆN
1. Cuộc chiến ngoài xã hội
Theo sự khám phá của một sử gia thì trong khoảng 5700 năm
(tức từ năm 3600 trước TC đến năm 1970) thế giớ chỉ hưỡng thái bình có 292 năm,
còn lại 5278 năm phải chịu 14.531 cuộc chiến lớn nhỏ, sát hại 3,5 người.
Đặc biệt loài người phải trải qua hai cuộc thế chiến kinh
khủng : thế chiến thứ nhất xẩy ra từ năm 1914 đến năm 1918 mới kết thúc. Và cuộc thế chiến thứ hai càng kinh khủng hơn,
bắt đầu từ năm 1937 và kết thúc vào năm 1945 với hai quả bom nguyên tử thả
xuống Hiroshima và Nazasaki Nhật bản. Và
người ta còn chờ đợi cuộc thế chiến thứ ba còn kinh khủng hơn nữa : chiến tranh
nguyên tử.
Ngoài ra, cuộc chiến tranh khủng bố đã nổ ra khắp nơi làm
cho mọi người áy náy lo sợ, vì không biết cuộc khủng bố sẽ xẩy ra ở đâu, lúc
nào và bằng cách nào, cũng không biết những ai là đối tượng của cuộc khủng bố.
2. Cuộc chiến trong tâm hồn
Cuộc chiến này xẩy ra nơi nội tâm của con người. Cuộc chiến này do ba mũi giáp công, gây ra
cho người ta phải vất vả lao đao. Và
cuộc chiến này làm cho người ta phải quyết định đi đến một mất một còn. : hoặc
chiến thắng hoặc chiến bại.
a) Chiến đấu chống
lại ma quỉ
Ma quỉ là kẻ đã cám dỗ nguyên tổ Adong-Evà, làm cho ông bà
sa ngã để hậu quả tai hại lại cho con cháu.
Ngày nay ma quỉ vẫn còn tiếp tục cám dỗ chúng ta phạm tội để phá vỡ hạnh
phúc của chúng ta.
Vì thế, chúng ta phải đề cao cảnh giác, tránh mọi mưu ma
chước quỉ của chúng để có thể đứng vững, hoặc trực chiến với chúng để tỏ lòng
trung thành với Chúa như lời thánh Phêrô đã khuyên :”Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỉ, thù địch của anh em,
như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức
tin mà chống cự” (1Pr 5,8-9a)
Trong chiều hướng đó, thành Phaolô cũng khuyên nhủ tín hứu
Êphêsô :”Anh em hãy nhận lấy toàn bộ binh guiáp vũ khí của Thiên Chúa; như thế,
anh em có thể vận dụng toàn lức để đối phó và đứng vững trong ngày đen tối” (Ep
6,13).
b) Cuộc chiến chống
lại thế gian
Chúng ta phải chiến đấu chống lại sự quyến rũ của thế
gian. Sự quyến rũ của thế gian thường
thể hiện dưới ba hình thức : “Sự mê tham
của xác thịt, mê tham của mắt và sự kiêu ngạo của đời” (Ga 2,16)
Theo John White, “mê
tham của xác thịt” tức là chúng ta để cho sự ham thích về thể chất cai trị
hoặc làm chủ. “Mê tham của mắt” là để cho vẻ đẹp của vật chất cai trị đời sống. Và
“Sự kiêu ngạo của đời” chủ yếu liên
quan đến tham vọng.
Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta : “Đừng rập theo đời này” (Rm 12,2). Kẻ thù thế gian đang cám dỗ chúng ta yêu mến
nó, làm bạn với nó, hoà nhập với nó. Vì
thế, chúng ta phải cảnh giác để chống lại kẻ thù này.
c) Chiến đấu chống
lại kẻ thù nội tâm
Có một trận chiến đang diễn ra trong mỗi người chúng ta được
gọi là trận chiến chống lại bản tính xác thịt.
Thánh Phaolô thường dùng từ “Xác thịt” để nói về
những thói quen, bản năng, và khuynh hướng của tâm trí cũng như của thân xác mà
chúng ta có, khi chưa biết Chúa. Sau khi tin Chúa, bản tính xác thịt vẫn còn
hiện diện trong đời sống chúng ta.
Đó là lý do thánh Phaolô nói :”Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa; nhưng
trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác : luật này chiến đấu
chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm
sẵn trong các chi thể tôi” (Rm 7,23).
Vì thế, chúng ta “chớ để cho dục
vọng xác thịt lôi cuốn vì nó chống nghịch với linh hồn anh em” (1Cr 2,11).
II. CUỘC CHIẾN
1. Cuộc chiến đấu với bản thân
Đời là một cuộc chiến đấu, nhất là cuộc chiến nội tâm, một
cuộc chiến không có giới hạn cả về không gian lẫn thời gian. Cuộc chiến này là
cuộc chiến đấu với bản thân, với xác thịt cùng các đam mê của nó.
Cuộc chiến này xẩy ra trong tâm hồn, không còn là một trận
địa chiến mà là cuộc chiến tranh du kích tương đương với chiến tranh khủng bố ngày
nay.
Cuộc chiến này không có chiến tuyến, không có ranh giới rõ
ràng, không có thời gian, mà có tính cách đột xuất và bất ngờ vì kẻ địch lại ở
trong chính mình. Kẻ địch này là những
kẻ nội thù rất nguy hiểm.
Trong cuộc chiến này, sự đề cao cảnh giác là một yếu tố quan
trọng, bởi vì kẻ địch luôn rình rập, nếu sơ hở là bị tấn công, làm chúng ta
không kịp trở tay. Chớ bao giờ khinh địch :
Chớ thấy hùm ngủ vuốt râu
Hùm mà thức dậy đầu lâu chẳng còn.
2. Thánh Phaolô cảnh giác chúng ta
Thánh Phaolô đã có kinh nghiệm về cuộc chiến này. Ngài đã
trải qua một cuộc chiến cực kỳ gay go chống lại những khuynh hướng xấu trong
con người của Ngài.
Ngài đã mô tả cuộc chiến ấy như thế này :”Muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm
thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn thì tôi lại làm… Bởi đó tôi
khám phá ra luật này : Khi tôi muốn làm sự thiện, thì tôi lại thấy sự ác xuất
hiện ngay. Theo con người nội tâm, tôi vui thích luật của Thiên Chúa. Nhưng
trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác. Luật này chiến đấu chống
lại luật của lý trí và giam cầm tôi trong luật tội lỗi là luật vẫn nằm sẵn
trong các chi thể tôi” (Rm 7,18-23).
Trên đây thánh Phaolô nói trống về sự thiện và ác. Nhưng sự
thiện là cả một chuỗi dài, sự ác là cả một khối lớn. Hai thế giới kình địch
nhau. Thánh Phaolô kể tên một số thành
phần của hai bên. Bên tiêu cực được gọi là bên
xác thịt. Bên tích cực được gọi là bên
Thần Khí :
“Những việc do tính
xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là dâm dục, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép,
hận thù, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa,
chè chén, và những điều giống như vậy.
Còn hoa quả
của Thần Khí là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung
tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5,19-23).
Phải chống lại những
kẻ thù nào ?
Cuộc chiến của chúng ta chống lại kẻ thù thật là nặng nề và
đòi hỏi phải kiên trì vì kẻ thù của chúng ta quá đông, chúng đồng loạt tấn công
chúng ta từ đủ mọi phía. Và cuộc chiến này không bao giờ chấm dứt.
Truyên : Thuần hoá thú hoang
Một buổi chiều, Bề trên nhà Dòng kia hỏi một tu sĩ :
- Hôm nay con đã làm gì ?
Cũng như những ngày khác, tu sĩ trả lời :
- Thưa cha, con rất bận bịu mà nguyên sức con không thể nào làm nổi, ngoài sự giúp đỡ của
Chúa. Ngày nào con cũng phải coi hai con
chim ưng, giữ hai con nai, kìm hãm hai con diều hâu để rèn ý chí, thắng một con
sấu, trị được con gấu và săn sóc cho một bệnh nhân.
Bề trên cười hỏi lại :
- Con nói gì thế ? Những việc như thế làm gì có trong nhà
Dòng ?
- Thưa cha, thật đúng như thế. Hai con chim ưng là hai mắt
của con, mà con phải giữ gìn luôn để khỏi nhìn những vật cấm. Hai con nai tức
là hai chân mà con phải trông coi từ bước đi để nó khỏi đi vào con đường xấu.
Hai con diều hâu tức là hai bàn tay, con phải luôn luôn bắt nó làm điều
phải. Con sấu tức là cái lưỡi, con phải
kìm hãm hằng ngày để khỏi nói những lời vô ích và thô bỉ. Con gấu tức là trái
tim con, con phải trừng trị, để khỏi ích kỷ và khoe khoang. Còn bệnh nhân là chính thân thể con, con phải
canh phòng ráo riết để cho nhục dục khỏi xâm nhập vào .
Cha Bề trên mỉm cười hiền hậu, và hỏi tiếp :
- Hay lắm ! Thế thì bệnh nhân cũng chính là con à ?
- Thưa cha, đúng vậy ạ ! Con giống như người bệnh yếu ớt,
lúc nào cũng có thể bị tà khí là dục vọng thấp hèn dễ dàng xâm nhập, sai khiến
con suy nghĩ, hành động xa lìa nhân đức; nên con phải ráng giữ gìn sức khoẻ,
luôn luôn phòng ngự ráo riết để bảo vệ
thân con (Theo Tihamer Toth, Chí khí người thanh niên, 1957, tr 53).
III. CUỘC CHIẾN CHỐNG LẠI”
THÓI TRỘM CẮP”
Trong dịp thống hối Mùa Vọng này, chúng ta không sửa trị mọi nết xấu mà chỉ nên sửa trị một nết xấu mà cả người lớn cũng như trẻ con
đều mắc phải, đó là thói trộm cắp.
Ngày nay nạn tham nhũng đã lan tràn khắp nơi, một vấn đề
thời sự, một tai hoạ lớn cho xã hội đến độ đáng báo động đỏ. Người ta ngang nhiên lấy của người khác mà
không thấy áy náy lương tâm, vì lương tâm đã trở nên bệnh hoạn, hoặc có thể nói
mạnh hơn, là lương tâm đã chết rồi. Ngay những người Công giáo cũng bị rơi vào
trong tình trạng bi đát này.
Kinh nghiệm cho hay, người lớn làm thế nào thì trẻ con cũng
bắt chước làm như vậy, thậm chí ngay ở trường học, một cách nào đó, người ta
cũng dạy cho các em học sinh nói dối, rồi từ thói xấu này đến thói xấu khác đến
độ ăn trộm, ăn cắp cũng coi là thường, không quan trọng.
Hôm nay chúng ta chỉ nói đến “thói trộm cắp” mà cả người lớn lẫn trẻ em đều mắc phải và cần phải
sửa trị ngay.
Chúng ta không nói đến trộm
cướp mà chỉ nó tới trộm cắp. Trộm
cắp thường là các hành vi lén lút, bí mật để chiếm đoạt tài sản mà chủ nhân
không biết. Còn trộm cướp hay ăn cướp là hành vi dùng sức mạnh mà
chiếm đoạt tài sản của người khác một cách công khai.
Ăn trộm hay ăn cắp là những hành vi phổ biến, ai cũng có thể
làm được, không những người lớn mà cả trẻ con, lớn ăn cắp lớn, nhỏ ăn cắp nhỏ.
Trộm cắp là những việc làm phạm đến điều răn thứ bảy của Chúa.
Chúng ta sẽ đặt ra 7 câu hỏi và 7 câu trả lời :
H. Điều răn thứ bảy dạy ta những gì ?
T. Điều răn thứ bảy dạy ta
sống công bằng, nghĩa là phải tôn
trọng của cải người khác, vì mỗi người được quyền có của cải riêng để đảm bảo
nhân phẩm và nhu cầu cuộc sống, gọi là quyền tư hữu.
H. Tôn trọng của cải
người khác là thế nào ?
T. Là không được lấy hay giữ của người khác cách bất công, và
không được làm hư hại của người khác.
H. Tội lấy của người
khác cách bất công là những tội nào ?
T. Là những tội này :
- Một là trộm cướp.
- Hai là gian lận.
- Ba là cho vay ăn lời quá đáng.
- Bốn là nhận của hối lộ hoặc thâm lạm của công.
- Năm là đầu cơ tích trữ hoặc bắt chẹt người tiêu dùng.
H. Tội giữ của người
khác cách bất công là những tội nào ?
T. Là những tội này :
- Một là không trả nợ.
- Hai là không hoàn lại của đã mượn hay lượm được.
- Ba là không trả tiền công xứng đáng.
- Bốn là trốn thuế.
- Năm là oa trữ của gian.
H. Tội làm hư hại của
người khác là những tội nào ?
T. Là những tội này :
- Một là trực tiếp hoặc gián tiếp làm hư hại tài sản người
khác.
- Hai là vu cáo hoặc nói xấu khiến người ta làm ăn thất bại.
- Ba là lỗi các hợp đồng đã được thoả thuận cách công bằng.
H. Người đã lỗi đức
công bằng thì phải làm thế nào ?
T. Phải hoàn trả lại những tài sản đã chiếm đoạt và bồi
thường cân xứng những thiệt hại đã gây ra.
H. Phải đền trả cho ai
?
T. Phải đền trả cho chủ. Nếu người ấy đã chết hoặc không tìm
được thì phải đền trả cho con cháu hoặc người thừa kế. Nếu không biết đền trả
cho ai thì phải dùng của ấy vào công việc bác ái.
Người ta thường nói :”Cha
nào con ấy”. Nếu người cha có thói ăn trộm vặt thì đứa con cũng dễ rơi vào
tình trạng đó vì hai lý do : một là đứa trẻ có cái “gen” di truyền ăn trộm của
bố, hai là học đòi bắt chước việc là của
người bố. Có những người bố còn làm
gương mù gương xấu cho con cái :
Con ơi học lấy nghề cha,
Một
năm ăn trộm bằng ba năm làm.
Còn nếu chẳng may đứa con mắc trội trộm cắp vì bị ảnh hưởng
chúng bạn thì phải sửa trị ngay, nếu không đứa trẻ có thể trở nên kẻ cướp. Riêng thói trộm cắp là một nết xấu rất khó
sửa . Uốn cây thì phải uốn từ lúc còn non.
Truyện : Bốn cây
Ngày kia một giáo sư già đi chơi qua khu rừng, bên cạnh có
cậu học trò cùng đi. Thình lình ông dừng chân chỉ vào bốn cây gần đó; cây thứ
nhất mới ló lên khỏi mặt đất, cây thứ hai khá hơn, cây thứ ba lớn hơn, cây thứ
bốn đã khá to rồi. Thầy khuyên học trò
hãy nhổ cây thứ nhất.
Chỉ với hai ngón tay, cậu đã nhổ dễ dàng.
Bây giờ hãy nhổ cây thứ hai – cậu phải dùng cả cánh tay.
Nhổ cây thứ ba – cậu phải dùng hết sức lực hai cánh tay lay
mãi mới nhổ được.
Bây giờ nhổ cây thứ tư – hai cánh tay ôm ghì lấy thân cây,
cậu cố sức lay nhưng lá nó cũng chẳng rung rinh.
Đó con thấy không ? Về các tính hư, tật xấu của ta cũng vậy,
khi mới nhiễm thì dễ khử trừ nhưng nếu để chúng đâm rễ sâu trong tâm khảm,
trong thân xác các con sẽ khó mà khử trừ.
KẾT LUẬN
NgườI ta thường nói :”Dục
tốc bất đạt” : vội vàng sẽ không đi đến nơi. Sửa trị nết xấu là một cuộc
chiến trường kỳ, không bao giờ chấm dứt. Cuộc chiến này là một cuộc chiến nội
tâm chống lại các tình tư dục của con người nên rất gay go, không có giới hạn,
có khi phải kéo dài suốt đời. Cho nên phải đề cao cảnh giác vì kẻ thù ở ngay
trong ta, lúc nào cùng rình rập như Chúa Giêsu đã bảo thánh Phêrô :”Ma quỉ nó sàng con như sàng gạo ấy”.
Sửa trị được một nết xấu không phải là chuyện dễ, có khi
suốt đời cũng chưa sửa trị được một nết xấu. Nhưng đừng lo. Đức Giám mục Freppel đã đem lại cho chúng ta một tia hy vọng rất đáng khích lệ.
Ngài nói :”Thiên Chúa không đòi hỏi ta chiến thắng, nhưng muốn ta chiến đấu”.
Trong cuộc chiến đấu này, Chúa luôn nâng đỡ chúng ta, chỉ
cần chúng ta cộng tác với ơn Chúa. Thánh Phaolô đã có kinh nghiệm về cuộc chiến
này. Ngài thấy vất vả quá nên đã xin chúa
cất cái “dằm” ra khỏi thân xác ngài (x.2Cr 12,7), nhưng Chúa đã trả lời :”Ơn ta đã đủ cho con” (2Cr 2,6;12,6).
Trong một kinh xin ơn quảng đại, thành Inhaxiô Loyola đã
khuyên chúng ta hãy chiến đấu can trường, chiến đấu mà không sợ thương tích :
Lạy Chúa Giêsu,
Xin dạy cho con biết quảng đại,
Biết phụng sự Chúa cho xứng đáng,
Biết cho mà không cần tính toán,
Biết chiến đấu mà không sợ thương tích,
Biết làm việc mà không tìm an nghỉ,
Biết tận lực mà không chờ một phần
thưởng nào khác,
Ngoài sự nhận biết con đã làm theo
thánh ý Chúa thôi. Amen.
Và đây là một tư tưởng lạc quan giúp chúng ta chiến đấu
không ngừng :”Thiên Chúa không tìm những huy chương hay bằng cấp chúng ta đạt được,
nhưng Ngài đếm những vết sẹo trong cuộc đời chúng ta” (Elbert Hubbard).
Lm Giuse Đinh lập Liễm
Giáo xứ Kim Phát
Đà lạt