MỒNG MỘT TẾT GIÁP NGỌ

CHẬU MAI NGÀY TẾT

+++

 

           Hoa mai tượng trưng cho phẩm tiết cao quí, khí phách của người quân tử, là niềm cảm hứng rất kinh điển trong thi ca.  Đã hơn một nghìn năm trôi qua nhưng những câu kết trong bài thơ chữ Hán của Mãn Giác Thiền Sư vẫn còn vang mãi :

 

                           Mạc vi xuân tàn hoa lạc tận

                                Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

                           Nghĩa là :

                           Đừng tưởng (chớ bảo) xuân tàn hoa rụng hết

                           Đêm qua sân trước một cành mai.

 

I. XUÂN KHỨ XUÂN LAI.

 

         Người ta nói :”Xuân khứ, xuân lai, xuân bất tận” : xuân đến xuân đi rồi xuân lại về. Thời tiết bốn màu thay đổi, hết xuân sang hạ, hết hạ sang thu, hết thu sang đông rồi hết đông lại sang xuân. Cứ sau 365 ngày xuân lại trở về với mọi người, và chúng ta lại có một ngày Tết.

 

         Hôm nay là ngày đầu xuân, bắt đầu một năm mới. Người người vui tươi phấn khởi chúc nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Cảnh vật cũng như tươi sáng hơn. Hoa nở rộ khắp nơi, tô điểm cho ngày xuân tưng bừng rực rỡ. Cảnh sắc tươi thắm của mùa xuân càng làm cho lòng người thêm phấn khởi và hy vọng.

 

         Xuân về Tết đến, nhà nào cũng muốn có một chậu hoa ngày Tết. Vì thế, hoa được bầy bán khắp nơi, đủ mầu sắc, đủ kiểu dáng, mỗi loài hoa có một dáng vẻ và một ý nghĩa riêng.  Trong muôn loài hoa, hoa mai nổi bật với sắc vàng tươi thắm. Mầu vàng tượng trưng cho sự cao thượng. Với người Việt chúng ta, mầu vàng còn tượng trưng cho vua, cho sự cao sang. Mầu vàng thuộc hành Thổ trong ngũ hành.

 

         Từ ngàn xưa người Việt đã xếp mai  vào loại hoa quí nhất trong các loài hoa.  Hoa mai đem đến nhiều may mắn. Hoa mai nở rộ vào dịp xuân về Tết đến. Đặc biệt, hoa mai nở đúng vào ngày người chủ đã ước định,  khi khéo canh ngày tỉa lá trước thời gian, bết chăm sóc cho hoa nở đúng hạn kỳ.

 

         Trong nhiều bức tranh cổ xưa, có tranh Tứ Bình vẽ bốn loại hoa quí là  Mai, Lan, Cúc, Trúc.  Bức tranh Tứ Thời cũng vẽ bốn loại hoa cảnh nổi tiếng nữa là Tùng, Cúc, Trúc, Mai hay Lan.

 

         Nhìn chậu mai phơi sắc vàng tươi thắm trong ngày đầu xuân, người ta không ngại ngùng vịnh ngay một câu thơ để chúc nhau :

 

                                   Mai vàng nở khắp quê nhà

                           An khang thịnh vượng món quà đầu năm.

 

II. TẢN MẠN VỀ CÂY MAI

 

         1. Chung quanh cây mai.

 

         Mai vàng là loại hoa mai có mầu vàng. Trên thế giới có ít nhất là 50 loài hoa  mầu vàng phân bố rải rác ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, song chủ yếu tập trung nhiều nhất  ở Đông Nam Á và châu Phi.

 

         Ở Việt nam, mai vàng là một loại cây cảnh rất phổ biến từ miền Trung trở vào. Nó được trồng rộng rãi trong vườn nhà, làm cây cảnh trong chậu (bonsai).  Nhưng sử dụng nhiều nhất là vào dịp Tết Nguyên đán cổ truyền vì đây là một loài hoa  chưng Tết chủ đạo.

 

         Cây mai ngày Tết được xem như là vật mang lại may mắn cho năm mới, nên người ta rất kỵ  nếu chưng cành mai mà đúng mùng một không nở hoặc héo rũ.

 

         Tại Việt nam, loài mai vàng phổ biến nhất là mai vàng  5 cánh. Loài này phân bố nhiều nhất tại những khu rừng thuộc dẫy Trường Sơn và các tỉnh Quảng Nam, Đà Nẵng cho tới Khánh Hòa. Các vùng núi ở đồng bằng sông Cửu Long cũng có rất nhiều loại hoa này, ở cao nguyên cũng có, song số lượng ít hơn.

 

         Loại mai vàng mọc hoang dã trong rừng có từ 5 đến 9 cánh, song đôi khi lên đến 12-18 cánh, gọi là “mai múi”.

 

         Ở Việt nam chúng ta có một số cây mai đặc biệt như :

 

         - Mai tứ quí : là một loại hoa vàng nhưng sau khi rụng cánh hoa, còn lại đài hoa đỏ và hạt xanh (sau chuyển thành mầu đen). Chính vì vậy, loài mai này  còn có tên là “nhị độ mai” tức “mai nở hai lần”.

 

         - Mai vàng nhiều cánh :  là loài mai vàng có nhiều cánh do lai tạo hoặc chọn lọc tự nhiên. Mai nhiều cánh có ở nhiều nơi, có từ 12 đến 48 cánh. Ở Bến Tre có mai 120-150 cánh (rất nhiều tầng cánh) giống như cúc mâm xôi, nở tròn to đẹp.

 

         - Mai chiếu thủy : là loài mai có hoa rất nhỏ, mầu trắng, thường mọc ở các vách đá chỗ nước hoặc đem trông ở hòn non bộ. Hoa có mùi thơm nhẹ, cây và cành được uốn theo nhiều kiểu dáng đẹp mắt.

 

         - Bạch mai : hay còn gọi là hoa mai trắng. Hoa thường có 5 cánh  nhưng khác với họ hoàng mai ở chỗ  khi hoa mới nở có mầu đỏ hồng, sau chuyển sang mầu trắng, có mùi thơm nhẹ. Loài hoa này có nhiều ở miền Trung nước ta.

 

         2. Ý nghĩa của cây mai.

 

         Hoa mai biểu tượng cho người có chí anh hùng, cho đấng trượng phu. Vì mai chịu đựng được các thời tiết đổi thay dù ấm áp hay giá buốt.  Xuân về Tết đến, mai luôn nở hoa chào đón mùa xuân. Bởi đó mai hấp dẫn lôi cuốn nhiều người.  Mai là hiện thân của kẻ sĩ, của đấng trượng phu, có sức chịu đựng thử thách dâu biển của cuộc đời, coi thường danh lợi.

 

         Người ta có thể tạo dáng cây mai bằng cách uốn cành mai bằng các thế, chi mang nhiều ý nghĩa khác nhau như về tín ngưỡng, tôn giáo, đạo đức, triết lý sống của người quân tử hay những cảnh vật tự nhiên như thác đổ, rồng leo…

 

         Hoa mai còn là đề tài tạo hứng cho các tâm hồn văn nhân, thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, nghệ nhân sáng tạo những tác phẩm để đời.  Người ta đã đem triển lãm cây mai  vàng quí hiếm 200 tuổi đã trải qua bốn đời, được tạo dáng Phúc, Lộc, Thọ, là giống mai xù quí hiếm, gốc mai chổ to nhất có đường kính 1,2 mét, cao 1,8 mét.

 

         Hoa mai cũng được các văn nhân thi sĩ dùng làm cảm hứng  để diễn tả nét đài trang,  thanh nhã  của những người phụ nữ đẹp  qua các thời đại tân cổ.  Thi hào Nguyễn Du đã tả về sắc đẹp của hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân trong tác phẩm “Đoạn trường tân thanh” như sau :

 

                                   Mai cốt cách, tuyết tinh thần

                           Một người một vẻ, mười phân vẹn mười.

                                            (Nguyễn Du)

 

III. MAI BIỂU TƯỢNG CHO “PER CRUCEM AD LUCEM”.

 

1. Hành trình từ “đau khổ tới vinh quang”.

 

         Theo dõi diễn tiến việc cây mai nở hoa vào ngày Tết, chúng ta liên tưởng đến hành trình từ “đau khổ đến vinh quang”, như lời Chúa Giêsu đã dạy :”Nếu hạt giống gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12,24).

 

         Theo kinh nghiệm của một số người trồng mai, muốn cho hoa nở vào ngày Tết thì trước Tết 28 ngày phải vặt sạch lá, không để lại lá nào. Cây mai thành trơ trụi khẳng khiu, giống như một cây chết giữa trời nắng gắt. Trong thời gian này phải giữ cây cho khô, không được tưới nước, chờ gần đến ngày mới tưới cho cây đâm nụ rồi nở hoa vào ngày Tết.

 

         Qua quá trình vặt lá và hãm nước tưới cho cây mai, chúng ta thấy cây mai thật là đau khổ, giống như con gà bị vặt lông, cây mai cảm thấy đau đớn, lại còn bị khát nước nữa.  Tình cảnh cây mai thật đáng thương. Cây mai tưởng như mình sẽ bị chết đứng vì đau đớn và khát bỏng.

 

         Nhưng sau một tháng, khi xuân đến, cây mai khẳng khiu bây giờ bừng dậy sức sống mới với những lá non tươi mơn mởn, với những chồi nụ xinh, với những hoa vàng rực rỡ khoe sắc thắm. Mọi người, mọi vật, mọi cây cối chung quanh nhìn ngắm mai nõn nà lá non, hoa vàng, phải hết lời trầm trồ khen ngợi.

 

         Cây mai bây giờ mới cảm thấy dâng đầy hãnh diện và tràn trề hạnh phúc. Cây mai cảm nhận được hành trình “phải đau khổ mới tơi vinh quang”, phải chịu đau đớn khi trụi lá mới có được những bông hoa tuyệt vời, góp phần cho mùa xuân đẹp hơn, ấm áp hơn, hạnh phúc hơn.

 

         2. Cây mai đời ta.

 

         Chúng ta có thể ví đời ta như cây mai. Muốn được nở hoa rực rỡ làm vui mắt cho bao người, cây mai cần phải được cắt tỉa, và vặt trụi lá.  Việc vặt trụi lá là điều kiện ắt có cho cây nở hoa. Cây mai đang xanh tươi mơn mởn mà chịu cho người ta vặt trụi lá là một sự hy sinh đau khổ tạm thời nhưng đầy hy vọng vì qua mùa đông ảm đạm sẽ tới mùa xuân tươi sáng.

 

         Cây mai cũng nhắc cho chúng ta tinh thần “tự hủy” (kenosis) của Chúa Kitô. Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa mà không đòi ngang hàng với Thiên Chúa, đã tự hủy mình đi, xuống làm người tôi tớ hèn mọn để phục vụ cho ơn cứu rỗi loài người (x. Pl 2,6-11).

 

         Con người cũng thế, phải qua đau khổ mới tới vinh quang được. Hạt giống sẽ không sinh hoa kết quả nếu không chịu mục nát ra. Mục nát ra, chết đi cũng là điều kiện “sine qua non”, không có không được để sinh hoa kết quả.

 

         Chúa Giêsu đã sống lại vinh quang sau khi đã chết đi. Nếu Ngài không chết đi thì làm sao có thể sống lại được. Cho nên, chết đi cũng là điều kiện thiết yếu để sống lại, không có không được. Chúng ta thấy có một tương quang biện chứng giữa sống và chết, giữa mất và còn, bởi vì trong cái chết đã hàm chứa sự sống, trong cái mất đã có cái còn, cái được.

 

         Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ :”Ai muốn thao Thầy, hãy từ bỏ mình, vác thập giá hằng ngày mà theo” (Mt 16,24; Mc 8,34; Lc 9,23). Theo Chúa là phải từ bỏ mình, mà từ bỏ mình là một sự mất mát : trước mắt là sự mất mát ở đời này nhưng sẽ được ở đời sau vì :”Ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy” (Mt 16,25), nghĩa là sẽ được sự sống đời đời trên thiên đàng.

 

         Cây mai là biểu tượng của kẻ sĩ, của người có chí khí anh hùng. Mà anh hùng là gì ?  Theo Vương Thông thì anh là tự biết mình, mà hùng là tự thắng minh. Vậy anh hùng là người  biết sáng suốt làm chủ được mình, thắng được con người tội lỗi của mình để tiến tới đời sống thánh thiện. Anh hùng là con người dám mạo hiểm, dám nhận lấy cả cái chết trong danh dự :

 

                           Đông qua tiết lại thì xuân tới,

                           Khổ trảm mai sau hưởng phúc an,

                           Làm kẻ anh hùng chi quản khó,

                           Nguyện xin cùng gặp chốn thiên đàng.

                                   (thánh Anrê Dũng Lạc)

 

         Nhưng còn cái gì sẽ xẩy ra cho cây mai sau mấy ngày Tết ?  Thưa hoa mai sẽ héo rũ và tàn lụi dần, sẽ bị thu dọn và cho vào lửa hay đổ ra vườn làm phân bón. Tuy thế, hoa mai đã làm tròn nhiệm vụ mình là nở hoa để làm đẹp cho mùa xuân, làm vui mắt cho những người xem.

 

         Đời người cũng có mùa xuan, tuổi trẻ với niềm vui tươi thắm, sức sống dồi dào, khối óc và trái tim mở ra với muôn tình ý cao đẹp. Đó chính là mùa xuân của cuộc đời. Nhưng sau đó rồi sẽ ra sao ?

 

         Nói đến đây, Lời Chúa sẽ nẩy ra trong trí óc chúng ta :

 

                           Xin nhớ rằng : đời con là một kiếp phù du

                           Loài người Chúa dựng nên thật mỏng manh quá đỗi,

                           Sống làm người ai không phải chết

                           Ai cứu nổi mình thoát quyền lực âm ty.

                                            (Tv 88,48-49)

 

         Trong vườn hoa Giáo hội có đủ mọi thứ hoa, muôn mầu muôn sắc hương, đa dạng về hình dáng, mỗi hoa mang một ý nghĩa đặc thù. Mỗi người chúng ta là bông hoa đẹp dâng tiến Chúa. Ngài có thể ngắt đi bông hoa nào tùy ý Ngài hoặc sớm hoặc muộn.

 

         Ngày xuân nhắc nhở chúng ta rằng cuộc đời con người một ngày kia sẽ chấm dứt, mỗi người sẽ ra đi về đời sau và phải mang theo hành trang, và hành trang chúng ta có những gì. Đây là câu hỏi mà bài ca “Những gì tôi mang theo về cõi chết” của nhạc sĩ Phạm Duy, tuy là người ngoài công giáo, nhưng đã có những tư tưởng giống như chúng ta, để nhắc nhở mọi người :

 

                           Rồi mai đây tôi sẽ chết

                           Trên đường về nơi cõi hết

                           Tôi sẽ mang theo với tôi những gì dây ?

                           Rồi mai đây tôi hóa kiếp

                           Trong lòng còn bao luyến tiếc,

                           Tôi sẽ đem theo với tôi những gì đây ?

                                       (Phạm Duy)

 

         Đời người cũng có mùa xuân. Để giữ mãi mùa xuân cuộc đời cần hướng lòng về Thiên Chúa. Ngài tạo dựng mùa xuân đất trời cũng như mùa xuân cuộc đời. Ngài làm cho tuổi thanh xuân con người hân hoan. Ngài cũng chính là mùa xuân miên viễn. Chúng ta hãy kết hợp với Ngài để được hưởng mùa xuân vĩnh cửu.

 

                                 CHÚA XUÂN TẠO DỰNG ĐẤT TRỜI

                           MÙA XUÂN HẠNH PHÚC TUYỆT VỜI AN VUI

 

                                                                       Lm Giuse Đinh lập Liễm

                                                                       Giáo xứ Kim Phát

                                                                       Đà Lạt        


Gợi Ý Giảng Lễ Tĩnh Tâm