MỒNG
BA TẾT GIÁP NGỌ
CON KIẾN CẦN CÙ
+++
Hôm nay Mồng Ba tết Giáp Ngọ, Giáo hội Việt nam muốn dành
riêng để xin ơn thánh hóa công việc làm ăn trong năm mới, đồng thời xin Chúa
chúc lành cho mọi công việc làm ăn chủa chúng ta trong suốt năm mới, biết lao
động cho thích hợp để mưu cầu hạnh phúc cho mọi người, cũng như góp phần vào
việc làm sáng danh Chúa trong mỗi công việc của chúng ta.
Chúng ta có một gương đặc biệt về sự cần cù làm việc, đó là
con kiến. Khi nói đến con kiến, tự nhiên trong đầu óc chúng ta nảy ra ý tưởng
là sự cần cù làm việc, nhất là qua bài thơ ngụ ngôn “Con ve và con kiến” của
thi sĩ La Fontaine.
Chúng ta cùng tìm hiểu về loài kiến với các nét đặc trưng
của chúng và rút ra một bài học thực hành cho cuộc sống chúng ta.
I.
TÌM HIỂU LOÀI KIẾN
1. Một loại côn trùng đặc biệt
Các nhà sinh học vừa khẳng định : kiến, loại côn trùng “cổ”
nhất, thay đổi ít nhất trong quá trình tiến hóa và nhiều triệu năm sau vẫn tồn
tại trên hành tinh này lại là một loài thường hay gặp nhất.
Kiến là loài con trùng sống hầu như ở khắp mọi nơi trên trái
đất, trừ vùng băng giá và đại dương.
Kiến cũng có nhiều loại với nhiều mầu sắc khác nhau như kiến
đen, kiến lửa, kiến càng, kiến gió… và mỗi loại có một lãnh thổ riêng, một phạm
vi sinh sống riêng của mình.
Chúng sống thành bầy đàn, phân chia nhiệm vụ rõ ràng, có tôn
tri trật tự, biết bảo vệ lẫn nhau và cũng đi xâm lăng, cướp bóc, bắt nô lệ, chăn nuôi sâu bọ lấy “sữa”…
Số lượng loài kiến trong một tổ có thể từ vài chục cho đến
hàng ngàn con… nhưng đứng đầu luôn là kiến chúa, còn lại hầu như là các nữ kiến
thợ với những nhiệm vụ như tìm kiếm thức ăn, nuôi nấng kiến con và đánh nhau
khi có chiến tranh. Có rất ít kiến đực
và chúng chỉ xuất hiện trong một thời gian ngắn với phận sự duy nhất là giao
phối với kiến Chúa để duy trì nòi giống, sau đó chết. Như vậy, có thể nói tổ
kiến gồm toàn là các nữ kiến.
2. Cấu trúc xã hội loài kiến
Hầu hết mọi xã hội loài kiến được chia ra làm ba thành phần,
đó là kiến chúa, kiến thợ và kiến đực.
Sau khi giao phối với một trong những chàng kiến đực, kiến chúa bắt đầu
làm tổ và chỉ đẻ trứng trong suốt cuộc
đời còn lại của mình… Kiến chúa không cai trị tổ kiến nhưng các kiến thợ luôn mang thức ăn lại nuôi
như chúng nuôi lẫn nhau. Có tổ chỉ có một kiến chúa nhưng có tổ lại có
nhiều kiến chúa cùng lúc.
Ngoài nhiệm vụ chăm sóc và nuôi nấng kiến chúa, đàn kiến thợ
còn có nhiệm vụ xây tổ, mở mang tổ rộng hơn, sửa chữa tổ khi bị hư hại, chăm
sóc ấu trùng hay trứng kiến, tìm kiếm thức ăn và chiến đấu với kẻ thù. Một nữ
kiến thợ có thể chỉ làm một công việc suốt đời, nhưng cũng có thể thay đổi từ
việc này qua việc khác.
Trong tổ kiến, lười nhất là những chàng kiến đực, chẳng làm
việc gì khác ngoài nhiệm vụ giao phối với nàng kiến chúa và có cuộc đời ngắn
ngủi nhất. Nói cách khác, trong một bầy kiến, có tới 80% kiến tham gia vào những việc như ta thường gọi là lao động
công ích cho xã hội, chỉ có 20% còn lại là có thể tạm gọi là “lao động gián
tiếp”, nói đúng ra chỉ rong chơi, ăn sẵn, chờ làm cái việc duy trì nòi giống.
Hình dáng kiến thợ to nhỏ khác nhau. Thường thì kiến lính to nhất, với đầu và hàm
to nhất. Ở một số loài kiến, kiến lính
chỉ có nhiệm vụ chiến đấu và bảo vệ. Nhưng ở số loài kiến khác, kiến lính chẳng
có nhiệm vụ gì đặc biệt cả (theo Internet).
3. Đặc tính của loài kiến
Kiến là loài vật nhỏ bé, xinh xắn nhưng cần cù và chăm chỉ
này có một cái gì đó rất giống với xã hội loài người của chúng ta, một xã hội
chứa đựng trong đó biết bao nhiêu câu chuyện,
biết bao nhiêu vấn đề phát sinh cần phải giải quyết. Có thể nói : xã hội loài kiến chính là xã hội thu nhỏ của xã hội loài người.
Chúng cũng có những ranh giới và những qui định riêng cần phải được tôn trong.
Nếu có dịp đọc tác phẩm “Dế
mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô
Hoài, một tác phẩm nổi tiếng và đầy chất nhân văn về xã hội loài vật : khi
chú dế mèn với cương vị là sứ giả hòa bình đến thăm vương quốc loài kiến, điều mà chú dễ dàng nhận thấy đó là loài
kiến cũng có những cấp bậc thứ tự khác
nhau. Cao nhất là kiến chúa, rồi đến các loài kiến khác như kiến chỉ huy, kiến
thợ…
Loài kiến muốn tồn tại và phát triển thì cần phải có sự đoàn
kết và hợp tác bởi vì :”Hợp quần gây sức
mạnh”. Chúng ta hãy xem : một con
sâu to thì một con kiến nhỏ bé như thế làm sao có thể khiêng về tổ được ? Vậy mà 100 con kiến có thể khiêng nổi con sâu
mà đem về tổ đấy.
II. GƯƠNG LAO ĐỘNG CỦA LOÀI KIẾN.
Những ngày ở bậc tiểu học, thập niên 50, mỗi học sinh đều
phải thuộc lòng câu chuyện ngụ ngôn của La Fontaine về “Con ve và con kiến”. Chuyện kể là con ve chỉ thích ca hát suốt các
ngày hè tươi đẹp, còn đàn kiến thì cần cù lo chuyên chở dự trữ lương thực và
xây tổ đề phòng cho những ngày đông giá lạnh.
Con ve thực sự tỉnh ngộ và cay đắng khi phải đến tổ kiến để xin ăn và chỗ ở…
Chuyện này là một mô hình luân lý của tính khôn ngoan, ham
làm việc và biết lo xa của đàn kiến so với những thói hư tật xấu của loài ve
ham chơi.
Hoặc nếu có dịp đọc thơ ngụ ngôn của Esope, một thi sĩ cổ Hy
Lạp, chúng ta cũng thấy có một bài thơ ngụ ngôn tương tự :
Vào một ngày mùa đông đẹp trời, vài con kiến đang bận việc
sấy khô ngô đã bị uót sau một trận mưa
dài. Lúc đó, một con ve từ đâu bay tới xin kiến cho ít hạt
ngô vì nó nói :
- Tôi sắp chết đói mất.
Lũ kiên ngưng làm việc một lúc mặc dù trái với qui định của
chúng. Chúng nói :
- Chúng tôi có thể hỏi
: anh đã làm gì suốt cả mùa hè qua ? Tại sao anh không đi tìm thức ăn để
dự trữ cho mùa đông ?
Ve trả lời :
- Tôi quá bận rộn với việc ca hát nên không có thời giờ nữa.
Lũ kiến trả lời :
- Nếu anh dùng mùa hè để hát thì không gì tốt hơn là hãy dùng
mùa đông để nhảy múa.
Nói xong, chúng mỉm cười và lại tiếp tục công việc của mình.
Đọc xong hai câu truyện trên, bạn nghĩ gì về những chú kiến
? Chắc hẳn những từ ngữ xuất hiện trong
đầu bạn là loài kiến luôn làm việc,
siêng năng, cần mẫn. Đúng thế, kiến là
biểu tượng cho sự làm việc không biết mỏi mệt, luôn làm hết sức mình. Như chúng ta biết, thân hình nhỏ bé là thế
nhưng chú luôn cố gắng tha tất cả những gì kiếm được về tổ của mình, vì đó là
công việc của chú, nhiều khi trọng lượng của con mồi gấp đến 50 lần cơ thể của
chúng.
Còn một hình ảnh đẹp nữa của các chú kiến ấy : đó là đàn kiến. Chẳng bao giờ kiến đi làm việc riêng rẽ
cả. Chúng biết phân công rất tốt, cứ mỗi
khi phát hiện ra con mồi, thức ăn, chúng sẽ cử ngay vài thành viên về báo tin,
và sau đó, đàn đàn lũ lũ kiến sẽ kéo đến
cùng làm việc. Chính vì sự hợp tác làm việc rất tốt này mà chúng ta sẽ thấy công việc của chúng hoàn
thành thật mau lẹ.
Từ ngàn xưa các cụ đã
có một lời khuyên rất khôn ngoan :”Tích
cốc phòng cơ”, có nghĩa là phải dự
trữ lương thực phòng lúc đói kém, mất mùa.
Có người cho rằng :
người sống ở thành thị không có “cốc”
thì lấy gì mà “tích” ?
Thực ra, câu này phải hiểu theo ý mở rộng một chút, không
nên hiểu theo nghĩa hẹp là để dành lương thực khi có dư để gặp lúc giáp hạt như
này xưa. “Tích cốc” ở đây nên hiểu là sự dành dụm tiền bạc để đầu tư cho tương
lai, sự chuẩn bị về học vấn, nghề nghiệp để phòng lúc khó khăn, công ăn việc
làm lúc thiếu thốn.
Câu tục ngữ này muốn cho hoàn chỉnh thì phải nói là :”Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn”, có nghĩa là tích trữ lương
thực phòng khi đói kém, trữ quần áo phòng khi trời giá rét.
Con kiến là bài học cho chúng ta suy nghĩ để biết cách sống
cho có hiệu quả tốt. Quá khứ đã qua đi, hiện tại còn đó, nhưng còn phải nghĩ
đến tương lai vì tương lai lệ thuộc vào hiện tại theo nguyên lý nhân quả : “nguyên nhân tốt thì hậu quả tốt”.
Nếu con người không biết lo xa thì phải rước lấy hậu quả xấu
như bài thơ ngụ ngôn “Con ve và con kiến”, đúng như lời các cụ xưa đã nói :”Nhân vô viễn lự, tắc hữu cận ưu” : người
không biết lo xa, ắt phải buồn gần.
III. VÀI SUY NGHĨ TỪ LOÀI KIẾN
1. Mọi người phải làm việc
Chúa Giêsu phán :”Cha
Ta làm việc luôn, và Ta cũng làm như vậy” (Ga 5,17). Chính Chúa Giêsu đã khẳn
định Ngài cũng phải làm việc như Cha Ngài.
Như vậy, lao động được coi như một việc thánh thiêng.
Do đó, chúng ta cũng phải khẳng định rằng lao động không phải là hình phạt của tội lỗi.
Trước khi nguyên tổ loài người du nhập tội lỗi lịch sử vào thế giới, nhân loại
đã có lao động rồi vì con người được Thiên Chúa dựng nên và đặt vào Vườn Đại
đàng, không phải để ngồi chơi xơi nước, nhưng là để họ “trồng tỉa và coi sóc vườn” (St 2,15).
Trước sau, lao động đều có mục đích chính yếu là thăng hoa
đời sống con người. Tuy nhiên, từ giây
phút con người đa mang tội lỗi, lao động vướng mắc và bao chứa thêm hậu quả nặng nề của tội lỗi, đó là gian
truân và đau khổ (x. St 3,16-19). Chính
cái vướng mắc và bao chứa này khiến cho lao động chiếm đoạt thêm nhiều giá trị
nhân bản và siêu nhiên.
Ta nhìn vào vũ trụ thì nhận thấy đây là bộ máy khổng lồ mà
các bộ phận hoạt động không bao giờ ngừng, từ con người, thú vật, cây cối đến
đất đá. Vì bao lâu các vật ngưng hoạt
động thì lúc đó vũ trụ hết sức sống và không thể tồn tại được.
Loài kiến lao động thật cần cù, nhưng chỉ hành động theo bản
năng, không làm theo ý thức và tự do. Ngược lại, con người được hành động trong
ý thức và tự do, khiến cho lao động mang một ý nghĩa cao quí là theo gương Chúa
và cộng tác với Chúa mà làm việc.
2. Lao động và nghỉ ngơi
Lao động phải có sự nghỉ ngơi. Theo sách Sáng thế, chúng ta
thấy Thiên Chúa dụng nên trời đất trong sáu ngày và ngày thứ bảy Ngài
nghỉ. Sau này người Do thái đã giữ luật
nghỉ ngày sabat rất ngặt (x. Xh 34,21).
Sức con người có hạn, không thể làm việc kéo dài đến vô tận. Một chiếc máy được dùng trong một thời gian
cũng phải cho nghỉ chứ không phải dùng
mãi được. Chúng ta tưởng quả tim làm
việc liên tục ngày này qua ngày khác mà
không nghỉ sao ?
Dale Carnegie cho biết : nhiều người tưởng quả tim làm việc
không ngừng. Kỳ thực mỗi lúc bóp vào là nó nghỉ. Nếu đập đến 70 cái trong một
phút thì trong 24 giờ, nó nghỉ đến 9 giờ, cộng chung các khoản nghỉ lại thì mỗi
ngày nó nghỉ 15 giờ. Đó ! nhờ cách nghỉ lai rai như vậy thì tim ít khi ngã lăn ra đòi nghỉ dài hạn vì mệt ngất !
Sách Giảng viên cũng nói :”Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời : một thời
để chào đời, một thời để lìa thế, một thời để trồng, một thời để nhổ cây” Gv
3,1-2),
Như vậy, con người chúng ta cũng có thời giờ để làm việc,
cũng có thời giờ để nghỉ ngơi theo như chương trình Thiên Chúa đã an bài. Làm việc nhiều quá không tốt, nghỉ ngơi nhiều
quá cũng không tốt, luôn phải ở mức trung bình, giờ nào việc ấy theo nguyên tắc
thần học :”Virtus in medio stat” :
nhân đức nằm ở chỗ trung dung, nghĩa là không thái quá, cũng không bất cập.
Mối tương quan giữa cầu nguyện và làm việc cũng vậy, phải ở
mức trung dung, không phải cả ngày cứ cầu nguyện, cũng không phải cả ngày chỉ
làm việc. Mỗi ngày phải có thời giờ làm việc, cũng phải có thời giờ nghỉ ngơi,
thời giờ cầu nguyện. Nhưng trong thực tế, thời giờ làm việc nhiều khi lấn át
thời giờ cầu nguyện, thậm chí có người cả một ngày không có lấy một phút để cầu
nguyện.
3. Thần học về lao động
Nhiều người coi lao động là một hình phạt khổ sai, còn “thư nhàn” mới là đáng quí. Ngược lại,
chúng ta chủ trương rằng :”Lao động là
vinh quang”, sở dĩ chúng ta dám quả quyết như vậy là vì chúng ta được tham
gia vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
Đọc chương đầu của sách Sáng thế, chúng thấy Thiên Chúa đã dựng
nên con người “giống hình ảnh Ngài” (St
1,26). Các nhà chú giải Thánh Kinh
cho rằng loài người giống Thiên Chúa nhờ sự thông minh và tự do, giống Thiên
Chúa ở điểm loài người có uy quyền bá chủ vạn vật :”Ta hãy dựng nên con người giống hình ảnh Ta để họ làm chủ cá biển,
chim trời, muôn thú vật trên đất và mọi côn trùng sống động trên địa cầu”: (St
1,26). Như vậy, theo nghĩa chung, lao động tinh thần
hay vật chất đều mang ý nghĩa trọng đại là “cộng tác vào việc sáng tạo của
Thiên Chúa”.
E. Krebs đã không
ngần ngại tuyên bố :”Khái niệm căn bản về
giá trị tuyệt đối của tất cả hoạt động nhân sinh đã được phú ban cho loài người
nhờ lòng tin vào Thiên Chúa sáng tạo.
Ngài là Đấng tự do và khôn ngoan, sau khi dựng nên loài người đã nghỉ
ngơi ngày thứ bảy để giao phó cho họ tiếp tục thực hiện chương trình sáng tạo
của Ngài có từ đời đời (Le Travail, Paris, 1933, tr 350).
Mọi sự trên thế gian này là của Chúa nhưng Ngài muốn cho con
người quản trị, đổi mới và làm cho phong phú thêm. Chúng ta có thể nói Thiên Chúa là nguyên nhân
đệ nhất, còn chúng ta là nguyên nhân đệ nhị của vũ trụ. Ngay sự quan phòng hằng ngày cũng là một cuộc
sáng tạo không ngừng. Chúng ta là nguyên
nhân đệ nhị và chỉ có thể góp phần vào
với nguyên nhân đệ nhất.
Chính công đồng
“Thực vậy, trong khi mưu sinh cho mình và cho
gia đình, tất cả những người nam cũng như nữ hoạt động để phục vụ xã hội một cách
hữu hiệu đều có lý do để tin rằng nhờ lao công của mình họ tiếp nối công trình
của Tạo hóa, phụng sự anh em, đóng góp công lao mình vào việc hoàn thành ý định
của Thiên Chúa trong lịch sử” (Gaudium et spes).
Chúng ta hãy phó thác mọi công việc cho Chúa trong năm mới
này. Hãy nỗ lực làm việc không ngừng.
Nhưng muốn cho mọi công việc lao động của ta có ý nghĩa hơn, ta hãy làm
với tinh thần vui tươi, với ý thức rằng ta làm việc để cho Chúa hài lòng, để danh Chúa được cả
sáng và Nước Chúa trị đến nơi ta đang
làm việc.
Truyện : Ba người thợ xây thánh đường
Một nhà văn Pháp có kể chuyện ba anh đẽo đá, đại khái như
sau :
Hôm nọ, có người khách đến viếng ngôi thánh đường vừa khởi công.
Ba người thợ đang làm đá. Người khách hỏi một người :
- Anh làm gì đó ?
Người thứ nhất trả lời với giọng uể oải :
- Tôi đang dũa đá, thật khốn cho cái đôi tay chai đít phỗng
của tôi.
Người thứ hai lễ độ hơn, trả lời :
- Tôi đang kiếm tiền nuôi vợ con tôi.
Còn người thứ ba hiên ngang trả lời :
- Còn tôi, tôi đang xây ngôi thánh đường…
Và người ấy rang rang cất tiếng hát.
Lm
Giuse Đinh lập Liễm
Giáo
xứ Kim phát
Đà
lạt