TRẮNG HAY ĐEN
+++
I. SUY
NIỆM LỜI CHÚA
Chúng ta
đọc : Lc 19,1-10
Đọc
bài Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy ông Giakêu là một người tội lỗi vì ông là
người thu thuế, và còn đứng đầu những người thu thuế nữa; lại còn là một người
giầu có, vì lo tích trữ của cải bằng chính nghề nghiệp đen tối của mình.
Người Do thái đều coi ông là người tội lỗi vì hai lý do :
một là ông tích trữ của cải bằng cách tham nhũng để làm giầu; hai là ông làm
việc cho chính quyền Rôma để bóc lột nhân dân mình, nên ông là người phản quốc.
Do đó, mọi người coi ông như một thứ nhơ nhớp phải tránh xa để khỏi bị ô uế.
Nhưng ông Giakêu lại có sáng kiến đi tìm gặp mặt Chúa Giêsu
bằng cách tiến lên phía trước, trèo lên cây sung để nhìn thấy. Thái độ của ông
nói lên thiện chí muốn cải tà qui chính.
Còn Chúa Giêsu thì nhìn lên ông, gọi ông xuống mau và đề
nghị với ông :”Hôm nay tôi phải ở lại nhà
ông” (Lc 19,5).
Thực ra, sự thay đổi đó được tạo nên bởi hai yếu tố : một là
sự cố gắng của chính ông Giakêu, hai là lòng nhân từ của Chúa Giêsu. Nhờ đó,
ông có dịp thuận tiện để tỏ lòng sám hối và trở nên người công chính.
Qua sự kiện đó, chúng ta nhận thấy sự hiểu biết chính xác về
một sự việc xẩy ra rất là khó. Với con mắt xác thịt, người ta chỉ có thể nắm
bắt được một phần của sự việc, nghĩa là không ai nắm chắc được chân lý, bởi vì
chân lý thì tuyệt đối, không có sai lầm.
Những sự việc xẩy ra ttrước mắt mà người ta không thể nắm bắt được toàn
thể sự việc, phương chi những việc thuộc nội tâm thì còn khó biết bao.
Vì thế, trong những sinh hoạtt thường ngày, trong sự tương
quan với nhau trong xã hội, người ta phải chấp nhận đối thoại để tìm đến chân
lý, phải có lòng bao dung để biết chấp nhận ý kiến của người khác, không vội
lên án, không khăng khăng bảo vệ ý kiến
của mình coi là duy nhất đúng, còn của người khác là sai. Bởi vì không ai có
thể nắm trọn được chân lý.
II. SỰ
HIỂU BIẾT CỦA CON NGƯỜI
1. Khuynh hướng tự nhiên
Con người tự nhiên có khuynh hướng muốn tìm hiểu về sự vật.
Đứa bé khi bắt đầu có trí khôn đã biết thắc mắc về những sự vật chung quanh. Nó
hay hỏi người lớn và nó muốn phải trả lời cho nó. Nhiều khi người lớn phàn nàn
là nó hay hỏi vặt.
Đúng vậy, con người muốn tìm hiểu về những sự việc gần hơn,
chung quanh mình, rồi đến những vật xa hơn.
Khi trưởng thành, người ta còn muốn tìm hiểu những điều cao xa hơn, trừu
tượng hơn, như suy tư về ý nghĩa của cuộc sống, hay suy tư về thân phận con
người trên trần gian này.
Người ta có nhiều phương tiện để tìm hiểu sự vật mà ai cũng
cũng có, đó là ngũ quan của con người. Trong sự tìm hiểu đó, ta thấy có một sự
tương quan mật thiết giữa cái nhìn và lý trí.
Bời người ta thường nói :”Con mắt
là cửa sổ của linh hồn”. Từ cái nhìn người ta biết về sự vật, và từ đó lý
trí đánh giá sự vật theo cái nhìn khách quan hay chủ quan của mình.
Vì vậy, qua cái nhìn của con người, sự vật còn nguyên như nó “đang là” hay là nó phải trở nên cái như mình muốn mặc cho nó. Lúc
ấy, sự vật không còn như “nó là”, mà
đã biến sự vật đổi thay theo cái nhìn của mình, nghĩa là biến cái nó “đang là” thành cái chúng ta “muốn
nó là”.
2 Những đặc tính của sự hiểu biết
a) Có tính cách phiến
diện
Không ai có thể biết được toàn thể sự vật mà chỉ có thể hiểu
biết được một phần, một góc cạnh của sự vật mà thôi. Cũng như chân lý là tuyệt đối, là toàn diện,
không ai có thể nắm chắc được toàn thể chân lý vì trí khôn con người chỉ có
hạn. Qua câu truyện dưới đây chúng ta mới thấy trí khôn con người rất hạn hẹp.
Truyện
: Đen hay trắng
Khi học cấp 1, có lần tôi tranh cãi kịch liệt với một cậu
bạn. Thực tế tôi không nhớ chúng tôi đã cãi nhau về cái gì, nhưng bài học ngày hôm ấy thì tôi vẫn nhớ
mãi. Khi cãi nhau, tôi khăng khăng cho rằng “tao đúng, mày sai”, và bạn tôi cũng nhất quyết “mày sai, tao đúng”.
Cô giáo tôi bắt gặp, bảo cả hai chúng tôi lên phòng giáo
viên. Cô bảo mỗi đứa ngồi một bên cạnh
bàn, chiếc bàn có một quả bóng nhựa rất lớn. Tôi thấy quả bóng mầu đen xì. Thế
mà cô giáo hỏi :
- Em thấy quả bóng mầu gì ?
Thì cậu bạn tôi đáp :
- Thưa cô, mầu trắng.
Tôi không thể hiểu nổi nó đang nói gì. Mắt nó bị mờ hay đầu
óc nó bị điên ? Hay nó muốn trêu tức tôi ?
Thế là tôi bật lên cãi :
- Mầu đen chứ, đồ ngốc.
Chúng tôi lại bắt đầu cãi nhau về mầu sắc của quả bóng.
Đến lúc này thì cô giáo bảo chúng tôi đổi chỗ cho nhau. Lần này thì cô hỏi tôi :
- Quả bóng mầu gì ?
Tôi đành phải trả lời :
- Mầu trắng.
Bởi quả bóng nó được sơn hai mầu khác nhau ở hai phía. Từ chỗ tôi ngồi ban đầu thì nó mầu đen, còn
chỗ bạn tôi thì nó mầu trắng. Vậy mà
chúng tôi đã gân cổ cãi nhau vì một điều
mà cả hai chắc chắn cho là mình đúng mà không biết tại sao người kia nói ngược lại ý kiến của mình.
Đừng bao giờ tự cho mình là hoàn toàn đúng. Bạn phải đặt
mình vào địa vị và hoàn cảnh của người khác để đánh giá sự việc, tình huống
trong cuộc sống theo quan điểm của chính họ thì mới có thể thực sự hiểu họ được
(Internet).
2. Có tính hạn hẹp
Triết gia Platon
nói :”Những gì chúng ta biết chỉ là một
giọt nước, những gì chúng ta chưa biết là cả đại dương”.
Một triết gia thượng thặng của nước cổ Hy lạp xưa và cả thế
giới hôm nay, đã thẳng thắn công nhận sự yếu kém, và sự hạn hẹp của lý trí con
người, thì ai dám nói là mình thông biết mọi sự, chỉ có những người như “ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung” mới dám vỗ ngực cho mình là người
thông thái, người thông kim bác cổ.
Câu chuyện hài hước năm thầy bói mù sờ voi đã chứng minh
điều đó. Mỗi người chỉ sở vào một bộ phận của con voi và cứ khăng khăng cho con
voi là như thế và chỉ là thế, không chịu ai có ý kiến khác. Nhưng thực tế, con
voi đâu chỉ là cái vòi, cái tai, hay cái chân ?
Ngay Đức Khổng Tử, được thiên hạ tôn làm “vạn thế sư biểu”,
muốn tìm hiểu những sự xa xôi trên trời dưới đất mà có những cái gần nhất mà
không biết, khiến ông phải giật mình.
Truyện
: Hậu sinh khả uý
Đức Khổng Tử đang trên
đường đi du lịch thì gặp ba đứa trẻ, trong đó hai đứa đùa nghịch với
nhau rất thỏa thích, còn đứa kia chỉ lặng im đứng xem. Khổng Tử thấy
lạ mới hỏi tại sao lại không cùng chơi với các bạn.
Đứa trẻ điềm nhiên nói: "
Đánh vật nhau quyết liệt rất dễ phương hại đến sinh mạng con người,
còn cứ lôi kéo xô đẩy nhau thì rất dễ bị thương, dù chỉ kéo rách
áo quần thôi, thì cũng chẳng có lợi gì cho cả hai bên, nên cháu không
muốn chơi với chúng nó".
Một lúc sau, đứa trẻ này dùng
đất đắp thành một ngôi thành lũy ngay giữa đường, rồi vào ngồi trong
đó. Xe Khổng Tử không thể đi được mới hỏi tại sao lại không nhường
lối cho xe đi. Đứa trẻ đáp: "Cháu nghe người ta nói xe phải vòng
qua thành mà đi, chứ làm gì có thành lũy lại nhường lối cho xe đi
bao giờ".
Khổng Tử nghe vậy rất kinh ngạc,
cảm thấy đứa trẻ này người tuy còn nhỏ nhưng rất ranh mãnh, mới nói
rằng: " Cháu tuy nhỏ mà hiểu biết thật không ít ".
Đứa trẻ đáp rằng: "Cháu nghe
nói, cá con sinh ra được ba ngày đã biết bơi, thỏ con sinh ra được ba
ngày đã biết chạy, ngựa con sinh ra được ba ngày đã biết đi theo mẹ,
đây là việc rất bình thường chứ có gì lạ đâu ".
Khổng Tử nghe xong bèn than rằng:
"Hậu sinh khả úy, lớp trẻ thời nay thật là ghê
gớm".
c) Có tính chủ quan
Trong cái nhìn và sự hiểu biết, con người không thể tránh được tính chủ quan theo nguyên tắc “ suy bụng ta ra bụng người” (tục ngữ).
Nếu mình tốt thì coi mọi việc đều là tốt và nếu mình xấu thì coi mọi việc là
xấu. Tính chủ quan được ví như cặp kính
mầu, khi đeo kính mầu nào thì sự vật sẽ biến đổi theo mầu ấy, cũng theo nguyên
tắc “Yêu nên tốt, ghét nên xấu” (tục
ngữ).
Truyện
: Hòn đá
Tại sân nhà xứ, tôi có đặt một hòn đá trên chiếc khay lớn,
chung quanh hòn đá có trồng cây mười giờ không hoa, điểm thêm vào hai cây thuỷ
trúc nữa.
Khách vào thăm lấy làm lạ không hiểu tại sao lại đặt hòn đá
ở đấy, có ý nghĩa gì ? Tôi mời khách ngắm nghía hòn đá rồi cho tôi biết hòn đá
đó có hình dáng gì ? Mỗi người trả lời một cách : người thì cho là
hình con chim, người thì cho là con cá, người thì cho là đầu sư tử, người thì
cho là quả núi, có người chỉ coi nó là hòn đá thôi..
Tôi cắt nghĩa theo cái nhìn của tôi : đây là hình Chúa Giêsu
đang quỳ gối cầu nguyện, hai tay để lên đầu gối, đầu cúi sâu xuống dáng điệu
đang suy tư. Tôi mời mọi người đứng xa
ra một chút để ngắm, rồi chỉ cho thấy từng nét, đầu trùm khăn, cúi xuống, tay
để trên đầu gối, dáng quỳ cầu nguyện.
Sau khi xem và nghe cắt nghĩa, một số người cho là đúng và chấp nhận cái
nhìn riêng của tôi.
Chỉ là một hòn đá mà mỗi người nhìn dưới một góc cạnh và một ý nghĩa khác nhau, không
ai giống ai vì cái hình thù này có ý nghĩa quá trừu tượng. Như vậy chứng tỏ
rằng chân lý thì tròn đầy, còn con người chỉ thấy được một góc cạnh của chân
lý, và do đó, mỗi người phải biết tôn trọng ý kiến của ngưới khác.
Hay một thí dụ khác cũng nói lên điều đó :
Có một lần trong cuộc họp của khối học
vụ, hiệu trưởng viết lên bảng đen một số không (0), và hỏi các thầy cô giáo
hiện diện, đây là ký hiệu gì ?
Thầy giáo Anh văn nói: “Là chữ O, chữ cái của Anh văn”.
Thầy
giáo số học nói: “Là số 0 của chữ số Ả Rập”.
Thầy
giáo quốc văn nói: “Là một dấu chấm câu”.
Thầy
giáo hóa học nói: “Là ký hiệu “ô xy” của nguyên tố căn bản”.
Thấy
dạy môn gia chánh nói: “Là giống như cái bánh”.
Thầy
dạy âm nhạc nói: “Là dấu ngừng trong dấu nhạc”.
d) Có mang tính thành
kiến
Tính cách chủ quan và thành kiến không khác nhau bao
nhiêu. Thành kiến là những tư tưởng cố
định của ta về một sự việc nào và chỉ coi đó là đúng, không chấp nhận ý
kiến của người khác. Thành kiến có thể
là của một cộng đồng, một tập thể hay của cá nhân.
Thành kiến bất cứ loại nào thì đều rất khó thay đổi, nhất là
thành kiến cộng đồng vì nó là những tư tưởng cố định từ bao đời của một vùng
hay của một dân tộc.
Truyên
: Nhan Hồi ăn cơm trước
Một hôm thầy trò Khổng Tử dừng chân tạm nghỉ trong một cuộc hành trình xa. Lúc ấy dân
chúng đang lầm than đói khổ, gạo thóc thiếu thốn, người ta quí từng hạt cơm bát
gạo. Nhan Hồi khi nấu cơm, mở nắp xới
cơm, chợt đâu một cơn gió lốc thổi đến, cát bụi mịt trời. Nhan Hồi đậy nắp nồi cơm không kịp, cát bụi bay
vào nồi. Phải gạt bỏ đi một lớp cơm trên mặt thì uổng quá và sẽ thiếu, vì cơm
đã nấu chỉ vừa đủ cho mấy thầy trò. Nhìn quanh không thấy ai, Nhan Hồi nhẹ
tay múc phần cơm đã bị pha bụi cát ăn
cho đỡ lòng. Đến giờ cơm, Nhan Hồi dọn cho thầy mình và các bạn, rồi nói :
- Hôm nay con thấy không đói, mời thầy và các huynh đệ cứ
dùng.
Nhưng có một người đã thấy việc làm của Nhan Hồi, nên mách
bảo Khổng Tử rằng :
- Nhan Hồi đã lén ăn
trước thầy trò để được no nê.
Khổng Tử bảo Nhan Hồi :
- Sao con có thể hành động như vậy ?
Nhan Hồi cúi đầu nhận lỗi, rồi thành thật kể lại những việc
đã xẩy ra.
Nghe xong, Khổng Tử nói :
- Nếu không hỏi ra, chúng ta đã hiểu lầm lòng tốt của Nhan
Hồi rồi đó ! Các con hãy nhớ lấy : đừng vội kết luận những gì chúng ta thấy trước mắt.
III.
PHẢI ĐIỀU CHỈNH LẠI TẦM NHÌN
Mọi kiến thức chúng ta có trên đời này phần lớn được thu tập lại bằng con mắt, bằng
cái nhìn. Sau khi đã có dữ kiện về sự
việc, trí khôn bắt đầu hoạt động, và từ đó mới có cái nhìn đúng sai về sự việc,
nghĩa là lý trí bị ảnh hưởng bởi tính chủ quan hay thành kiến của từng người.
Cái nhìn về sự vật còn có chỗ đúng sai, còn cái nhìn về con
người thì càng khó. Người ta chỉ thấy
việc làm của con người mà không biết được lòng của người ta, ý kiến, tư tưởng
thầm kín của người ta.
Dò sông dò bể dễ dò,
Nào
ai lấy thước mà đo lòng người.
Từ ngàn xưa, cha ông chúng ta đã có kinh nghiệm về vấn đề
này. Các cụ đã để lại kinh nghiệm ấy cho chúng ta bằng câu chữ Hán bất hủ này :
Hoạ hổ, hoạ bì, nan hoạ cốt
Tri
nhân, tri diện, bất tri tâm
Có nghĩa là vẽ cọp thì vẽ được bộ da, chứ khó mà vẽ được bộ
xương. Biết người thì biết được mặt chứ không biết được tấm lòng của họ. Như
vậy “Tri nhân, tri diện, bất tri tâm” : gọi là biết người, nhưng thực ra chỉ
biết mặt biết mũi chứ đâu có biết được
lòng người , biết được những tư tưởng thầm kín trong lòng người !
Sở dĩ lòng con người khó hiểu được vì có những nguyên nhân
nội tại.
Mỗi người chúng ta khi sinh ra đều có rất nhiều điều khác
nhau. Từ trong lòng mẹ, mỗi người đã
mang dòng máu riêng của ông bà cha mẹ mình. Khoa học cho ta biết mỗi người đều
có những “gen” di truyền khác biệt.
Khi lớn lên, mỗi người sống trong những môi trường khác nhau, thụ hưởng nền
giáo dục khác nhau, phong tục, nghề nghiệp khác nhau, theo đuổi mục đích, lý
tưởng khác nhau, sinh sống và tiếp xúc với cuộc đời trong những hoàn cảnh khác
nhau… Tất cả tạo nên cho mỗi người một cá tính riêng biệt, và mỗi người tiến
thân tuỳ mức độ nhân bản mà mình được
giáo dục và tự giáo dục trong suốt hành trình cuộc sống :
Sống mỗi người một nết
Chết mỗi người một tật.
Nếu chúng ta đi xa hơn nữa, phân tích “tâm lý học chiều sâu”, chúng ta sẽ thấy thế giới riêng tư của mỗi
người còn bao la, khác biệt nhau nghìn trùng.
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta đừng xét đoán theo cái
nhìn chủ quan và phiến diện của mình, đừng vội kết án, mà phải đứng trên quan
điểm của người ta thì mới tìm ra được sự thật.
Truyện
: Ông sĩ quan già
Một vị quận công nước Anh tổ chức tiệc tùng khoản đãi các sĩ
quan cấp dưới. Trong bữa tiệc ông khoe với khách một chiếc bật lửa tuyệt đẹp mà
nữ hoàng mới tặng cho ông.
Chiếc bật lửa được chuyển đi cho mọi người xem. Cuối tiệc,
quận công mời khách hút thuốc, nhưng mới khám phá ra chiếc bật lửa đã biến đâu
mất, tìm khắp nơi mà cũng không thấy.
Người ta đề nghị từng sĩ quan phải móc hết mọi vật ở trong túi ra. Ai
cũng làm theo, chỉ có một ông sĩ quan già, nghèo nàn, quần áo rách nát không
chịu thi hành. Mọi người cho là vị sĩ quan này đã ăn cắp.
Vài tuần sau, quận công lại mở tiệc và trong bữa tiệc này
ông mới khám phá ra là cái bật lửa đang ở trong túi áo của mình. Ông vội đến xin lỗi người sĩ quan bị nghi là ăn cắp. Vị sĩ quan nghèo này trả
lời :”Hẳn ngài đã thấy được căn nhà của
tôi đang ở tồi tàn như thế nào. Từ lâu, tôi đã bị thất nghiệp mà vẫn phải nuôi
nhiều miệng ăn trong nhà. Ngài đâu có biết rằng hôm đó tôi đã nhét vào túi tôi
tất cả những đồ ăn thừa trên bàn để mang về cho vợ con tôi...”
Chỉ có Chúa mới biết lòng con người, còn con người chỉ có
thể thấy cái vỏ bề ngoài. Câu chuyện ông
Giakêu đã chứng tỏ điều đó : Chúa thấu suốt tấm lòng tốt lành của ông, mặc dầu
những người khác cho ông là người xấu xa tội lỗi. Đúng như người ta ví von :
Thân em như quả ấu gai,
Bên
trong thì trắng, bên ngoài thì đen.
Ai
ơi, nếm thử mà xem
Nếm
ra mới biết rằng em ngọt bùi.
Câu chuyện “Trắng hay đen” ở trên, thật đơn sơ và dễ hiểu :
chỉ cần đổi vị trí chỗ ngồi, thì chân lý đã hoàn toàn khác. Người xưa cũng đã
từng dạy :”Bên này núi là Chân Lý, bên
kia núi là Sai lâm”.
Thay “chỗ ngồi”, còn có nghĩa là đặt mình vào vị trí người
khác. Vị trí đây không chỉ có nghĩa là
không gian, mà còn là “toàn diện tình
trạng một con người”, những gì tạo nên tâm tư sâu kín của họ.
Có nhiều cuộc tranh cãi kéo dài cho đến gần như vô tận mà
không thể đi đến kết luận ai đúng, ai sai. Vì hai bên lâm vào cảnh “bên này thì đen, mà bên kia thì trắng”.
Trong cuộc sống đời thường, trong tình bạn bè, chòm xóm,
người quen… nhất là trong đời sống hôn nhân, những cuộc tranh cãi kiểu “nửa
trắng nửa đen” diễn ra như cơm bữa !
Chồng ngồi bên chồng, vợ ngồi bên vợ, bên nào cũng có lý của họ ! Không thể đổi vị trí cho nhau, không thể đặt
mình vào vị trí của nhau, nên nhiều đôi hôn nhân tan vỡ. Không tan vỡ, nhiều
gia đình cũng giống như địa ngục, cứ ghìm nhau, nghi kỵ nhau, không còn tin
tưởng vào nhau.
Kinh nghiệm cho hay :tranh cãi dễ dàng đi đến kết án. Kết án mới đàn áp được. Đàn áp bằng những lời
thô tục, hay bôi nhọ, xúc phạm đến người khác, dùng vũ lục… Đàn áp để chiến
thắng. Chiến thắng kiểu đó, thật ra là thua cuộc.
Như thế, tranh cãi phải có tinh thần đối thoại. Đối thoại có sự tìm hiểu, nhã nhặn, kiên
nhẫn, có tình có lý. Đối thoại tuyệt đối
không có lên án. Đối thoại là cùng nhau đi đến chân lý. Cuộc đối thoại phải luôn
đặt trên nền tảng tình yêu.
Để kết luận, chúng ta hãy cùng nhau suy niệm lời Chúa :”Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị
Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án,
thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa
thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Ngài sẽ ban cho anh em đấu đủ lượng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà
đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong
bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6,36-38)
Lm Giuse Đinh lập Liễm
Giáo xứ Kim phát
Đà lạt