LỘT XÁC
+++
I. THEO LỜI CHÚA DẠY : Ep
4,22-24.
Trong tiếng La tinh, mùa Chay là QUADRAGESIMA, từ này có
nghĩa là “40”. Trong Mùa Chay, chúng ta cùng sống với Đức Kitô 40 ngày trong sa
mạc, để trải qua cuộc hành trình 40 năm của dân Israel tiến về Đất Hứa. Trong suốt thời gian dài đằng đẵng này, đoàn
dân ông Maisen lãnh đạo thường phải đói khát, đôi khi nản chí và lắm lần quị
ngã bất trung. Nhưng đặc biệt, chính
trong cuộc hành trình đầy gian khổ này, họ đã có được cái kinh nghiệm độc nhất
vô nhị về sự dạy bảo và lòng ưu ái thiết tha của Thiên Chúa dành cho họ.
Cuộc trải nghiệm đó cũng chính là kinh nghiệm thân mật với
Chúa mà tất cả cộng đoàn Dân Mới, những người đã chịu phép rửa, cũng như Dự
Tòng, muốn sống một lần nữa trong lúc lên đường chuẩn bị mừng đại lễ Phục Sinh,
và để tìm được trong đó niềm vui của tâm hồn được thanh luyện, khi thông hiệp với Đức Kitô Đấng đã hoàn tất
cuộc Vượt Qua bằng cái chết và sự sống lại của mình.
Mùa Chay là thời gian thanh luyện con người, để mọi người
biết lột bỏ con người cũ mà mặc lấy con người mới. Con người cũ là con người
xấu xa với những thói hư tật xấu; còn con người mới là con người xinh đẹp với
những đức tính tốt lành.
Tư tưởng này đã được thánh Phaolô nhắn nhủ trong thư gửi cho
tín hữu Philipphê :”Anh em phải cởi bỏ
con người cũ với nếp sống xưa, là con người hư nát vì bị những ham muốn lừa
dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người
mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thực sự sống
công chính và thánh thiện” (Ep 4,22-24).
Viết đến đây, chẳng hiểu tại sao tôi liền nghĩ đến việc làm
mấy món mà chúng ta thường hay nhậu :
Chẳng hạn như làm món thịt chuột : có người thì lột da và vứt
đi, có người thì làm lông, rồi thui chứ không lột da, như vậy mới ngon.
Chẳng hạn như làm món lươn rút xương : người ta lột da lươn,
lấy thịt lươn băm nhuyễn với thịt heo và mộc nhĩ, rồi dồn vào bộ da lươn, như
khi làm dồi heo hay dồi chó. Sau đó đem chưng với nước cốt dừa hay chiên dòn.
Nhưng khi nói tới lột da, thì người ta thường nhớ tới loài
rắn.
Truyện :
Rắn già rắn lột.
Thuở trời đất vừa được dựng nên, Tạo Hoá muốn cho loài người
được bất tử, bằng cách lột xác, còn loài
rắn thì tới già phải chết. Tạo Hoá liền
sai sứ giả là vị Thiên Lôi xuống trần nói ý định đó cho loài người : Tạo Hoá
truyền Thiên Lôi, khi gặp con người thì nói mệnh lệnh này . Một lệnh có phép
mầu :
“Người
già, người lột, rắn già chui tuột vô săng”.
Thiên Lôi xuống trần, vừa đi vừa lẩm nhẩm mệnh lệnh của Trời,
nhưng vì Thiên Lôi lơ đãng, đọc đi đọc lại thế nào, mà khi xuống trần vừa gặp
con người, Thiên Lôi lại đọc :
“Rắn già
rắn lột, người già chui tuột vô săng”
Vì thế mà con rắn được
lột xác, còn con người sinh ra, lớn lên, già, chết, rồi phải đi vào săng, đem
chôn.
Khi còn nhỏ, nghe câu truyện cổ tích trên, chúng ta phàn nàn,
nuối tiếc vì tính lơ đãng của Thiên Lôi mà con rắn đã dành được quyền lột xác;
còn con người khi già phải chết, chứ không được lột xác.
Nghe như vậy, chúng ta thất vọng vì con người không bao giờ
được lột xác ? Không hẳn ! Đứng về một
phương diện nào đó, con người cũng có thể lột xác cả về thân xác, cả về tâm
linh.
II. BÀN VỀ SỰ LỘT XÁC
Lột bỏ là làm cho cái gì đó mất đi, không còn dấu tích. Trong nghĩa của sự lột bỏ có cả sự lột xác và
lột bỏ tâm linh.
1. Lột bỏ phần xác hay lột xác
Chuyện rắn lột là như vậy, còn con người chúng ta thì sao?
Các nhà khoa học ngày xưa cho biết cứ 7 năm, cơ thể chúng ta
lại được trùng tu một lần. Còn các nhà khoa học thời nay lại còn xác quyết mạnh
mẽ hơn thế nữa, đó là cứ mỗi năm các bộ
phận trong cơ thể đều được “đại tu”, nghĩa là lần lượt được gỡ bỏ,
những tế bào cũ được thay thế đi hết bằng những tế bào mới, còn hơn gấp ngàn
vạn lần các chú thợ sửa xe.
Tuy nhiên, việc thay da đổi thịt lại âm thầm diễn ra trong cơ
thể mỗi người, không gây nên đau đớn, khiến chúng ta chẳng hề hay biết và nhiều
người lại còn coi đó là cái lý đương nhiên : Đã sinh ra thì phải lớn lên, bằng
không thì cơ thể ấy đang có vấn đề, cần phải được xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân
bệnh tật.
Thế nhưng, việc cắt bỏ một chi thể hay mổ xẻ một khối u nơi
thân xác thường làm cho bệnh nhân rất đau đớn. Đúng vậy, những gì thừa thãi, vô
ích hay sinh nguy hại thì người ta sẵn sàng loại bỏ như cắt tóc, cắt móng tay
móng chân, cắt ruột thừa, cắt bỏ một bộ phận ung thư…
2. Lột bỏ những gì trong tâm hôn
Xét về mặt tinh thần, chúng ta cũng nhận thấy có một việc lột
xác, hay nói đúng hơn, có một việc cắt bỏ thật quan trọng, mà mỗi người chúng
ta cần phải thực hiện, đó là việc cởi bỏ
con người cũ để mặc lấy con người mới.
Theo thánh Phaolô, con người cũ và con người mới trong chúng
ta luôn xung khắc nhau, không thể đội trời chung. Dùng chữ “cũ” và “mới” đây có
dụng ý nói lên cái cũ xấu xa và cái mới tốt đẹp của con người tâm linh chứ
không có ý nói cái cũ và mới theo quan niệm thông thường như “phi
cổ bất thành kim” hoặc “Ôn cố tri tân”.
Vậy thế nào là con người cũ và thế nào là con người mới ?
a) Con người cũ xấu xa
Theo thánh Phaolô, con người cũ là con người hành động theo
xác thịt không theo luật lương tri, sống buông thả cho mọi khuynh hướng sống.
Chính ra “Không ai sống cho mình” (Rm
14,7), nhưng biết bao người chỉ sống cho mình họ, cho thoả nguyện của họ,
cho hạnh phúc riêng của họ, bởi vì “Tất
cả những người lấy cái bụng làm Chúa, những người đặt vinh quang của họ trong
những việc chỉ làm cho họ xấu hổ vì chỉ thích những cái gì phàm tục” (Pl 3,19).
Chương trình nên thánh của chúng ta là làm mất con người cũ
với tất cả khuynh hướng xấu, làm chủ được nó, bắt nó tùng phục linh hồn. Kẻ nào sai khiến được mình sẽ sai khiến được
kẻ khác. Ai ai cũng có khuynh hướng này :
Có mới thì nới cũ ra
Mới
để trong nhà, cũ để ngoài sân.
b) Con người mới tốt
đẹp
Con người mới là một con người xinh đẹp với những đức tính
tốt, biết sống theo tiếng nói của lương tri, biết hãm dẹp các tính hư nết xấu
và biết làm chủ được con người của mình.
Ông Francis Bacon
nói :”Thời thượng cổ trong lịch sử là
thời thanh xuân của thế giới , chính chúng ta mới là cổ nhân”. Thời kỳ con người mới được dựng nên là thời
kỳ thanh xuân vì con người lúc ấy giống như Đức Chúa Trời trong sự công bình và
trong sạch. Mặc dầu thời kỳ hiện nay là
thời kỳ nguyên tử vệ tinh, con người cũng không thể đem chính họ trở lại thời
kỳ “thanh xuân được.
Cho nên, con người muốn trở nên con Trời, tức là trở lại thời
thanh xuân, thì phải được tái sinh theo phương cách mà Chúa Giêsu đã tuyên bố :”Quả thật, Ta nói cùng các ông, nếu một
người chẳng sinh lại thì không thể thấy Nước Đức Chúa Trời” (Ga 3,3) (Ms Huỳnh Tiên, Thánh kinh nguyệt san, số 362,
tr 14).
III. THỰC HÀNH CUỘC LỘT BỎ
1. Một cuộc chiến trường kỳ và gay go
Cuộc chiến đấu giữa hai con người cũ mới luôn diễn ra trong
con người chúng ta, đó là một cuộc chiến trường kỳ, gay go và khó khăn.
Ai cũng muốn khử trừ con người cũ và phát triển con người
mới, nhưng thực tế lại chẳng được như vậy, vì sự thiện chúng ta muốn thì lại
chẳng chịu làm, còn điều ác chúng ta rất ghét, thì lại hăng hái thực hiện.
Có những lúc chúng ta quyết tâm từ bỏ con người cũ, nhưng
quyết tâm này chẳng kéo dài được bao lâu, để rồi chúng ta lại xẹp xuống như quả
bóng xì hơi. Chúng ta giống như một anh chàng tay nâng chén rượu nồng :
Hai
tay bưng chén rượ đào
Đổ
đi thì tiếc, uống vào thì say.
Chúng ta giống như cô gái đỏng đảnh, giận hờn với anh
chàng, muốn bỏ đi cho bõ ghét, nhưng vẫn
cứ chần chừ :
Nửa
về, nửa muốn ở đây,
Nửa
thơm như mít, nửa cay như gừng
Cuối cùng, chúng ta vẫn chứng nào tật ấy, mèo vẫn hoàn mèo và
chó đen thì vẫn giữ mực. Chúng ta cúi đầu nhượng bộ cho sự dữ, cho điều ác.
Thành thử, cuộc chiến chống lại con người cũ vẫn là một cuộc chiến cam go, đến
nỗi hoàng đế Napoléon đã thú nhận :”Thắng được cả Âu châu còn dễ hơn là thắng
được chính bản thân mình”.
Sở dĩ như vậy, vì nó đòi buộc chúng ta phải đấu tranh một
cách kiên trì và không được nghỉ ngơi và buông xuôi, như một câu danh ngôn đã
bảo :”Sống là bơi ngược dòng nước. Nếu không cố gắng, thì sẽ bị dòng nước cuốn trôi”
(theo Gã Siêu).
Thánh Phaolô đã có kinh nghiệm về cuộc chiến nội tâm gay go khi
ngài viết thư cho tín hữu Rôma :”Thật
vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu : vì điều tôi muốn, thì tôi không làm,
nhưng điều tôi ghét, thì tôi cứ làm” (Rm 7,5). Ngài còn nói lên sự giằng co giữa thiện và ác
trong con người của ngài và ngài đã bị thua :”Sự
thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm”
(Rm 7,19).
2. Mẫu gương của sự lột xác
Muốn trở nên con người mới, cần có sự canh tân. Canh tân là
làm cho tình trạng xấu thành tình trạng tốt.
Canh tân con người nội tâm không phải chỉ thay đổi những cái phụ tuỳ bên ngoài, nhưng là thay
đổi hẳn tình trạng, phải có một sự chuyển biến từ nội tâm.
Người ta nói :”Người
tốt về lụa, lúa tốt về phân” (Tục ngữ). Ta đồng ý là lúa tốt về phân vì
trong công cuộc trồng cấy thì “Nhất nước,
nhì phân, tam cần, tứ giống”,
nhưng thay đổi con người xấu thành tốt không phải chỉ dựa vào những cái trang điểm
bên ngoài như lụa là, gấm vóc…
Chúng ta có biết con bướm bởi đâu mà ra không ? Nó bởi con sâu mà ra. Đây không phải là sự thay đổi mầu sắc hay
hình dáng mà là sự biến thể từ con sâu sang con bướm. Chúng ta phải lột xác, hay nói đúng hơn,
chúng ta phải biến hình đổi dạng như Chúa Giêsu trên nói Tabor (x. Mt 17,1-9;
Mc 9,2-13; Lc 9,28-36).
Nhờ cố gắng cải thiện con người của mình, chúng ta sẽ được
Chúa thay đổi con người cũ của ta bằng con người mới tốt lành hơn như tiên tri
Ezéchiel đã nói
“Ta sẽ rảy nước trong sạch trên ngươi, và các
ngươi sẽ được tẩy sạch. Ta sẽ tẩy các ngươi sạch mọi ô uế và mọi tà thần. Ta sẽ
ban các ngươi một trái tim mới, đặt trong các ngươi một thần trí mới. Ta sẽ lấy
khỏi mình các ngươi trái tim bằng đá và ban cho các ngươi trái tim bằng thịt.
Ta sẽ đặt thần trí Ta trong các ngươi, sẽ làm cho các ngươi sống theo các điều
luật, tuân giữ và thi hành các mệnh lệnh của Ta” (Ez 36,25-27).
Chúng ta muốn trở nên con người mới, một con người hoàn hảo,
một con người thánh thiện. Nhưng chúng ta phải lấy ai làm khuôn mẫu cho sự thay
đổi của mình ? Hay nói cách khác, chúng ta phải chọn một thần tượng để bắt
chước vì người ta nói :
Muốn
tròn phải có khuôn
Muốn
vuông phải có thước
Thần tượng chúng ta chọn chính là Chúa Giêsu vì Ngài là Ngôi
Hai Thiên Chúa nhập thể (Ga 1,14), vì Ngài
là Đường, là chân lý và là sự sống” (Ga 14,6).
Trong hiến chế tín ý về Giáo hội, công đồng Vatican II đã dạy
:
“Chúa Giêsu, Thầy dạy và là mẫu mực
thần linh của mọi sự trọn lành, đã giảng dạy cho tất cả và cho mỗi một môn đệ,
bất luận thuộc cảnh vực nào, một đời sống thánh thiện mà chính Ngài vừa là Đấng
ban phát, vừa là Đấng hoàn tất :”Vậy các con hãy trở nên trọn lành như Cha các
con ở trên trời” (Mt 5,48)… Cho nên, với ơn Chúa, họ phải luôn gìn giữ và hoàn
thành trong đời sống sự thánh thiện mà họ đã lãnh nhận. Họ được thánh Tông đồ khuyên “Sống xứng đáng
những vị thánh” (Lumen gentium, số 40).
3. Thực tập việc lột xác
Công việc lột xác không phải là công việc của giai đoạn,
nhưng là một công việc trường kỳ không được ngơi nghỉ. Đời người giống như dòng nước chảy, phải chèo
chống để tiến lên hay ít ra cũng đứng được một chỗ, nếu không sẽ bị trôi
đi. Nếu đời sống ta không được tập luyện
thì không bao giờ trở thành con người mới được, vì con người cũ xấu xa vẫn còn
làm chủ và đẩy ta đến chỗ hư hỏng.
Người ta kể rằng hoạ sĩ Apeles, trọn đời dù bận rộn đến đâu,
không ngày nào ông bỏ tập vẽ. Giả hoặc ngày nào vì công việc bề bộn, không thể
thực hiện ý định, ông thường phàn nàn :”Hôm nay, tôi không vẽ được nét nào
cả”. Câu này đã trở nên câu ngạn ngữ
miêu tả sự thiếu sót tập luyện trong nghề mình mong muốn. Sở dĩ Apeles đã trở
nên hoạ sĩ thời danh là do sự luyện tập liên tục.
Truyện : Bỏ
tật nghiện rượu
Có một anh chàng mắc tật nghiện rượu. Bị vợ cằn nhằn, anh
quyết tâm bỏ rượu, chứ không như đám bạn nhậu, kẻ “bỏ rượu”, người “bỏ
mồi”. Ngày ngày anh vẫn ngồi uống, anh
nhỏ vào chiếc ly một giọt nến. Phải, chỉ một giọt mà thôi. Và thời gian êm đềm
trôi qua, cho đế khi chiếc ly đầy nến và anh cũng thôi không còn nghiện rượu
nữa.
Một anh chàng khác, sau khi tham dự khoá tĩnh tâm, cũng đã
dốc quyết làm lại cuộc đời, vì anh thấy mình quá khô khan, quá nguội lạnh. Anh đã thực hiện điều dốc quyết của mình như
sau :
Mỗi khi làm được một việc tốt, anh bỏ một hạt đậu trắng vào
trong chiếc lọ. Còn mỗi khi làm một việc xấu hay sai phạm một tội nào đó, anh
liền bỏ một hạt đậu đen cũng vào trong chiếc lọ ấy. Ban tối trước khi đi ngủ, anh ngồi đổ ra và
đếm.
Ban đầu, chỉ toàn đậu đen, chứng tỏ anh là một kẻ bê bối. Sau
đó, những hạt đậu trắng lác đác xuất hiện, rồi mỗi ngày một gia tăng. Đậu trắng cứ thêm lên, còn đậu đen cứ giảm
xuống. Cho tới một lúc chỉ còn toàn đậu trắng và anh đã trở nên một con người
mới, tốt lành và thánh thiện.
Một lần nữa thánh tông đồ Phaolô nhắc nhở chúng ta :”Hãy lột bỏ con người cũ và mặc lấy con người
mới. Hãy để Thần Khí Thiên Chúa canh tân
tận tâm linh của anh em” (Ep 4,22.24).
Lm Giuse Đinh lập Liễm
Giáo xứ Kim phát
Đà lạt