TRIẾT LÝ CÀ CHUA
+++
I.
SUY NIỆM LỜI CHÚA.
Khi ấy Chúa Giêsu phán :”Anh em còn nghe
Luật dạy người xưa rằng : Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa.
Con Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân
Người. Đừng chỉ Giêrusalem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả. Đừng
chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hóa trắng hay đen
được. Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không thì phải nói “không”. Thêm thắt
điều gì là do ác quỷ” (Mt 5, 33-37). Đó là Lời Chúa .
Khi Đức Giêsu đi rao giảng Tin Mừng,
Ngài đua ra một giáo lý mới, chứ không chỉ lặp lại những lời người xưa dạy một
cách máy móc. Vì thế, người ta cho rằng Ngài phá bỏ Lề Luật và các tiên tri,
nhưng Ngài khẳng định rằng :”Anh em đừng
tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Maisen hoặc lời các tiên tri, Thầy đến không phải
là để bãi bỏ nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời
đất qua đi, thì một chấm một phẩy Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi
sự được hoàn thành” (Mt 5,17-18).
Ngày xưa dân Do Thái đã nhận Giavê là
Thiên Chúa của mình và chỉ tôn thờ một mình Ngài. Nhưng rồi dân Chúa lại thay
lòng đổi dạ, lìa bỏ Chúa mà đi theo tà thần dân ngoại. Vì thế sách Luật dạy người xưa rằng :”Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức
Chúa”(Đnl 23,22; Xh 20,7).
Còn Đức Giêsu thì dạy rằng :”Đừng thề chi cả” (Mt 5,34). Tại sao lại
đừng thề ? Vì không có sự trung thực trong lời nói hay việc làm.
Điều răn thứ 8 dạy ta phải tôn trọng sự thật. Nếu nói và làm đúng với sự
thật thì không việc gì phải thề. Sở dĩ phải thề là vì có sự gian dối trong đó.
Và Đức Giêsu kết luận rằng :”Hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải
nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,37).
Câu kết luận của Đức Giêsu có thể hiểu
là
1) Nói đúng sự thật khách quan.
2) Bụng nghĩ sao, miệng nói vậy –
thành thật.
3) Nhắc lại tiếng “có” hoặc tiếng
“không” để quả quyết hoặc phủ nhận điều
mình nói một cách trịnh trọng (kiểu Do thái). Nếu là trường hợp thứ ba này, thì
Đức Giêsu có ý nói : không cần thề thốt, tức là nại đến điều linh thánh, chỉ
cần quả quyết một cách nghiêm chỉnh là đủ.
Khi suy niệm câu kết của Đức Giêsu, tự
nhiên chúng tôi liên tưởng đến quả cà chua và quả dưa hấu để minh họa cho Lời
Chúa :”Hễ có thì nói là có, không thì nói là không”. Và chúng tôi thử đặt cho
bài chia sẻ này là “Triết lý cà chua”
II.
THỨC ĂN TRONG CUỘC SỐNG HẰNG NGÀY.
1. Quả cà chua.
Cà chua có tên là Solanum lycopersicum
được vận chuyển đến Mexico, nơi nó được trồng và được tiêu thụ bởi dân cư Trung
Mỹ. Loại cà chua được thuần hóa và nay được trồng loại cây hàng năm ở vùng khí
hậu ôn đới. Hiện nay cà chua được dùng rất nhiều ở miền đấtthành phố Đà Lạt và huyện
Đơn dương của nước ta.
Cà chua là một loại rau quả làm thực
phẩm. Quả cà chua ban đầu có mầu xanh, chín thì ngả từ màu vàng sang mầu đỏ. Cà chua có vị hơi
chua và là loại thực phẩm bổ dưỡng giầu vitamin C và A.
2. Quả dưa hấu.
Rộn ràng đón xuân bên cành mai vàng,
bên cành đào thắm, bên mâm ngũ quả, còn hiện diện loại trái cây không thể thiếu
: dưa hấu.
Dưa hấu thích hợp với Á châu, đặc biệt
là vùng nam và Đông nam Á, nơi mà nắng gió gần như quanh năm. Quả dưa hấu thường có vỏ mầu xanh và ruột đỏ.
Có người tin rằng, ngày đầu xuân, trái
dưa hấu bổ đôi, mầu đỏ ngọt ngào như lời chúc một năm mới đầy may mắn và hạnh
phúc. Mầu sắc dưa hấu cũng nói lên sự hưng thịnh ít nhiều của gia chủ trong
năm. Và ngưới ta cũng tin rằng, nếu trái
dưa hấu đầu năm mà ruột đặc, mầu đỏ tươi, mọng nước, ngọt lịm thì đó là báo
hiệu một năm may mắn tuyệt vời.
3. So sánh giữa cà chua và dưa hấu.
Cà chua có vỏ và ruột giống nhau : vỏ
mà xanh thì ruột cũng xanh, vỏ đỏ thì ruột cũng đỏ. Trái lại, dưa hấu có vỏ
xanh mà ruột lại đỏ, vỏ và ruột không cùng một mầu. Vì thế, mua dưa hấu bầy cho
ngày Tết phải rất thận trọng... vì nhiều người coi như đó là quẻ bói đầu năm.
Đọc bài “Triết lý cà chua” của tác giả
Phương Hoa trên Internet, chúng tôi dựa theo đó để bàn thêm một số điều để
hướng dẫn cho Nghệ thuật sống của mỗi người.
III.
CÀ CHUA VÀ DƯA HẤU TRONG TƯƠNG QUAN XÃ HỘI.
Chắc chúng ta băn khoăn thắc mắc giũa
hai lối sống, đó là lối sống thẳng thắn, có sao nói vậy, giống như quả cà chua
“ruột đỏ, vỏ đỏ” và lối sống khéo léo, tinh tế hoặc lượn lẹo như quả dưa hấu
“ruột đỏ, vỏ xanh”.
Cà chua là giống quả tròn mọng, đỏ. Cà
chua biểu hiện cho lớp người thẳng thắn, bộc trực, dám nói lên những suy nghĩ
của bản thân mình. Cà chua không thích lượn lẹo. Cà chua thích sống thẳng thắn
và muốn được đối xử như mình đối xử với mọi người.
Dưa hấu là cách sống khôn khéo, là
cách sống vừa lòng mọi người. Dưa hấu không dối trá. Dưa hấu thích và muốn
khoác cho sự thật tấm áo ngọt ngào. Để chúng ta đối diện với đắng cay bằng vẻ
đẹp trước. Rồi chấp nhận cái vẻ đẹp bên trong bất ngờ, đôi lúc phũ phàng gây
sốc.
Nhưng trong thực tế, con người ta
không phải lúc nào cũng sống được như cà chua, sống thật đúng với cái “TÔI” bên
trong của mình. Có khi muốn sống như thế nhưng lại không thể được. Và cái câu
tục ngữ “Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với
ma mặc áo giấy” lại được áp dụng triệt để như một lời biện minh hữu ích.
Người ta bảo đấy là sự kết hợp Cà Chua
với Dưa Hấu để cho ra thế hệ F1 hoàn hảo, biết biến hóa linh hoạt trong từng
hoàn cảnh (theo Internet).
Có nên cho rằng Cà Chua mới là chính
nghĩa, còn Dưa Hấu chỉ là bọn lượn lẹo. Nhưng thực tế thì lại khác. Dưa Hấu là
cách sống vẫn tôn trọng sự thật nhưng chỉ khéo léo và tinh tế hơn. Chắc ai
trong chúng ta cũng không ít lần “Dưa Hấu” dù luôn miệng nhận mình là “Cà Chua
nguyên chất”.
Người ta cho đây là câu chuyện muôn
thuở về lối sống. Chưa có lời giải thỏa đáng , bởi vì Cà Chua luôn luôn giữ cho
mình quan điểm : thuốc đắng đã tặt. Cà
Chua đến với mỗi người bằng sự chân thành. Dưa Hấu – luôn chắp thêm đôi cánh
ngọt ngào cho sự thật.
Đã có rất nhiều cuộc tranh luận về vấn
đề này là nên là Cà Chua hay Dưa Hấu. Và mỗi bên đều có những lý do riêng của mình.
IV.
CÀ CHUA VÀ DƯA HẤU TRONG ĐỜI SỐNG TÂM LINH.
Từ tên gọi đến đặc tính của mình, Cà
Chua không bao giờ phản ánh sai bản chất của nó, xanh thì tất cả cùng xanh, mà
đỏ thì trong ngoài đều đỏ. Thế nên để nhận biết phần ruột của Ca Chua ra sao
thì chỉ cần nhìn vào lớp vỏ bên ngoài .
Còn Dưa Hấu thì khác hẳn : ngoài xanh
trong đỏ, nhạt ngọt tùy lúc khó ai ngờ. Có người cho rằng phải được như Dưa Hấu
thì mới là khôn ngoan vì như ông bà ta có câu “Đi với Bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy” và cái gọi là
“Nghệ thuật sống” cần lắm sự ứng biến, đổi mầu, sao cho ích lợi luôn ở bên
mình.
1. Thái độ của Đức Giêsu.
Chúng ta thử hỏi xem: Đức Giêsu có
thái độ nào ? Ngài thích lối sống Cà
Chua hay Dưa Hấu hay cả hai ? Chúng ta
hãy đọc lại câu Tin Mừng ở trên : Đức
Giêsu nói :”Hễ cái gì “có” thì nói “có”,
cái gì “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,37).
Như vậy chúng ta có thể kết luận Đức
Giêsu thích cách sống theo triết lý Cà Chua. Vì thế hãy sống trung thực với
lòng mình. Đừng giả hình. Đức Giêsu đã nhiều lần lên án thói giả hình của biệt
phái và luật sĩ trong cuộc sống. Ngài đã quở trách họ nặng lời :”Khốn cho các người, hỡi những luật sĩ và
biệt phái giả hình ! Các người giống như mồ mả tô vôi, bên ngoài có vẻ đẹp,
nhưng bên trong thì đầy xương người chết và đủ mọi thứ ô uế. Các người cũng vậy, bên ngoài thì có vẻ công
chính trước mặt thiên hạ, nhưng bên trong toàn là giả hình và gian ác” (Mt 23,27).
Đức Giêsu luôn tỏ ra yêu thương những người yếu đuối, hèn mọn, tội
lỗi biết thành thực sám hối, đón tiếp họ với lòng ưu ái, tận tình, tạo mọi điều
kiện cho họ nên tốt hơn. Nhưng Ngài lạ thẳng thừng vạch mặt chỉ tên những kẻ
giả hình tự cho mình là người công chính không chịu sám hối lại còn vênh vang
trước mặt thiên hạ.
Truyện :Trên một kênh truyền hình
Trong một chương trình buổi tối trên
một kênh truyền hình Hoa Kỳ, một cô gái
điếm đã được mời đến phát biểu ý kiến
dựa theo một số câu hỏi của những phóng viên. Cô trang điểm diêm dúa và
mặc chiếc váy cực ngắn. Cô đã tỏ ra
không những bình tình, mà còn khiêu khích trước những câu hỏi của phóng viên.
Chợt có một phóng viên nhìn thấy trên
cổ của cô có đeo một dây chuyền vàng với một cây Thánh giá thật đẹp, anh ta
liền thay đổi một đề tài. Anh ta hỏi cô :“Tôi thấy cô đeo Thánh giá trên cô,
hẳn cô là người có tôn giáo” ?
Khản giả thấy rõ sự bối rối xuất hiện
trên khuôn mặt cô, vì đây là một vấn đề
mà cô chưa bao giờ nghĩ tới. Sau một hồi do dự, cô trả lời:”Tôi không theo đạo
nào cả”.
Người phóng viên hỏi dồn :”Vậy tại sao
cô lại mang Thánh giá trên người” ?
Cô thinh lặng cúi xuống sàn nhà một
hồi lâu, rồi trả lời :”Lúc nhỏ tôi có đạo, nhưng đó là chuyện xưa rồi”.
Một con người không còn tin Chúa nhưng
vẫn đeo Thánh giá của Chúa. Rõ ràng đó là việc không hợp lý tí nào. Cuộc sống như thế đáng cho mọi người gọi là
cuộc sống giả hình. Và cuộc sống với những phẩm chất giả tạo như thế nhất định
sẽ chẳng đem lại niềm vui nào cho những người sống cuộc sống đó.
Đức Giêsu cực lực lên án thói giả
hình, đúng như lời tiên tri Isaia đã nói về những người đạo đức giả :”Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng,
còn lòng chúng thì xa Ta” (Is 29,13).
Và Đức Giêsu còn khẳng định :”Hễ có thì nói là có, không thì phải nói
không” (Mt 5,37).
2. Thái độ của người đời.
a)
Người ta lên án thói giả hình.
Đối với những người lòng dạ không ăn
khớp với nhau thì người ta tặng cho những người
ấy câu tục ngữ :”Khẩu Phật, tâm
xà”.
Người Phật giáo cũng lên án cái thói
giả hình giả bộ, nội ngoại bất nhất, bằng câu khác :
Lỗ miệng thì nói nam mô
Mà lòng thì chứa một bồ dao găm.
Ai đọc truyện Kiều thì thấy Hoạn Thư
là một người đàn bà cực kỳ thâm độc. Bề ngoài có vẻ nhân ái, dễ thương đáng cho
mọi người quí mến, mà trong lòng có những mưu mô quỷ quệt làm cho nàng Kiều có
thể chết đi được. Vì thế, thi sĩ Nguyễn Du mới mô tả nàng bằng ngòi bút châm
biếm :
Bề ngoài thơn thớt nói cười
Mà trong nham hiểm giết người không dao.
Trong công việc làm ăn buôn bán, người
ta dùng đủ mọi mánh khóe để kiếm lợi bằng cách đánh lừa người khác, miễn là thu
được nhiều tiền, còn hậu quả thì không thèm để ý tới. Họ trở nên thờ ơ và vô cảm
trước những đau khổ của người khác phải chịu vì họ. Họ chỉ bàng quan số theo phương châm :”Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” (tục
ngữ).
Tuy biết thế, nhưng nhiều người vẫn
muốn sống và thích cái vỏ bề ngoài, không cần đến cái bên trong là điều cần
thiết cho con người. Họ chỉ đánh giá hoàn toàn theo cái vỏ bên ngoài :
Chuyện kể răng : một người được mời
đến dự buổi tiệc lớn. Ông vui vẻ nhận lời và khoác bộ áo xấu nhất. Đến nơi,
không ai thèm cười và để ý đến ông. Ông quay về khoác bộ áo đẹp có đính kim
cương và các hạt nút bằng vàng. Trong khi ấy yến tiệc vẫn tiếp tục. Ông quay
trở lại, lập tức bao lời mời đẹp nhất, danh dự nhất đều dành cho ông. Thịt béo
rượu thơm lúc này được bầy ra trước mắt ông và ông ngồi chỗ nhất.
Ông liền đứng lên, cởi áo khoác lên
ghế, đoạn lấy thức ăn đưa cho cái áo và nói :”Mày ăn uống đi, người ta mời mày
đó” ! Mọi người hết sức ngạc nhiên,
nhưng đều hiểu ý ông này. Ông muốn nói
cho mọi người rằng giá trị của con người không ở bộ áo xúng xính hay cái mã bên
ngoài nhưng đó là tấm lòng bên trong, không ở những cái mình có nhưng ở cái
mình là.
b)
Ca tụng tính trung thực
Ai học tiếng La tinh thì thấy có
chữ SINCERA, us, um, có nghĩa là chân
thành, thành thật, thật thà. Sincera có
một lịch sử. Ngày xưa, người La Mã thấy cột đá cẩm thạch nào không được nhẵn,
có lỗ, sứt mẻ, thì họ lấy sáp ong nhào vào những lỗ đó, rồi đánh cho thật trơn
bóng. Cũng giống như phụ nữ lấy phấn sáp thoa vào mặt để che những vết nhăn.
Những cột cẩm thạch nào không có sáp ong, thì là dấu tuyền vẹn, và gọi là sine
cera. Sine : không; cera : sáp ong. Qua các thời đại, hai tiếng này dính lại
với nhau là “Sincera”, có nghĩa là không phấn sáp, không giả tạo, nhưng thành
thực, chân thành, trung thực.
Trong cuộc sống hằng ngày giữa con
người với nhau cần phải sincera : không phấn sáp, không giả tạo nhưng tự nhiên
và chân thành. Người ta thích sống theo triết lý cà chua.
Truyện : Người tiều phu và thần Hermes.
Một hôm, người tiều phu ra bờ sông
chặt củi. Bỗng anh ta bị tuột tay, làm chiếc rìu rơi tòm xuống sông. Nước sông
chảy siết nên chiếc rìu bị cuốn đi.
Người tiều phu ngồi trên bờ khóc.
Tiếng khóc của anh ta làm kinh động đến thần Hermes, vị thần của những người
chăn thú trong rừng. Thần Hermes hiện ra hỏi :
-
Sao ngươi lại thảm thiết thương tâm như thế ?
Người
tiều phu đáp :
-Thưa
thần tôn kính, chiếc rìu của con bị rơi xuống sông mất rồi.
Thần
Hermes bước xuống sông, một lát sau trở lên, tay cầm một chiếc rìu bằng vàng,
đưa cho người tiều phu, hỏi :
-
Đây có phải là chiếc rìu của nhà ngươi không ?
Người
tiều phu nhìn chiếc rìu đáp :
-
Không phải ạ, chiếc rìu của con khác cơ.
Thần
Hermes lại lặn xuống và trở lên với chiếc rìu bằng bạc trong tay. Ngài hỏi
người tiều phu :
-
Chiếc rìu này có phải của ngươi không ?
Người
tiều phu đáp :
-
Cũng không phải ạ.
Thần
Hermes lại lặn xuống một lần nữa, và vớt lên chiếc rìu bằng sắt của người tiều
phu. Người tiều phu nhìn thấy chiếc rìu của mình thì mừng rỡ nói :
-
Đội ơn thần, đây mới chính là chiếc rìu của con.
Thần
Hermes thấy người tiều phu tính tình chất phác, liền tặng cho anh ta chiếc rìu
vàng và bạc.
Người tiều phu đem ba chiếc rìu về nhà
và đem chuyện kể cho bà con trong thôn. Có một người nghe xong chuyện, bèn
quyết định đi thử vận may. Anh ta đi ra bờ sông và ném rìu của mình xuống nước
để dòng nước xiết cuốn đi. Rồi anh ta ngồi bên bờ sông khóc lóc ầm ĩ.
Nghe thấy tiếng khóc, thần Hermes đến
trước mặt ông ta hỏi :
-
Sao ngươi lại khóc ?
-
Thưa thần ! – Anh đáp, - Chiếc rìu của con bị rơi xuống sông mất rồi ạ. Xin
người giúp con vớt nó lên.
Thần
Hermes vớt lên một chiếc rìu vàng, hỏi đó có phải là của anh ta không. Anh mừng
rỡ đáp :
-
Vâng, đúng là chiếc rìu của con đấy ạ !
Thần
Hermes nghe vậy, không những không thưởng cho anh ta chiếc rìu vàng đó, mà ngay
cả chiếc rìu sắt của anh ta ngài cũng không vớt cho nữa.
Thật
thà là một đức tính tốt. Một người thật thà sẽ được người khác tin tưởng và tôn
trọng.
Mỗi người có thể theo một nghệ thuật
sống, một kỹ năng sống với nhiều lý do khác nhau, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh
nào chúng ta không bao giờ được quên lời Đức Giêsu đã phán :”Hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải
nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5, 37).
Lm
Giuse Đinh Lập Liễm
Giáo xứ Kim Phát
Đà Lạt