BÀI 1: HÃY LÀ MỘT NGƯỜI MẸ XỨNG ĐÁNG

 

Trước khi bước vào tuần tĩnh tâm các bà mẹ, chúng ta thử nhìn lại dung nhan các bà mẹ qua văn chương Việt Nam để thưởng ngoạn những câu ca dao của người xưa diễn tả thân phận làm vợ, phận làm dâu cũng như vai trò làm mẹ của người phụ nữ Việt Nam, để thấu hiểu, để thương mến, để cảm phục, để chia sẻ ngọt bùi, đắng cay hạnh phúc, khổ sở của những người vợ, nàng dâu, người mẹ Việt Nam cao quý hằng miệt mài cần cù hy sinh tất cả vì chồng, vì con và cho chồng, cho con.

Thân làm vợ:

Sẵn lòng gánh vác việc nhà chồng:

“Có con phải khổ vì con

Có chồng phải gánh giang sơn nhà chồng”

Đôi khi vì chồng mà cam chịu mọi đắng cay

“Có chồng phải luỵ theo chồng

Đắng cay phải chịu, mặn nồng phải theo

Lên non thiếp cũng lên theo

Tay vịn, chân trèo hái trái nuôi nhau”

Sẵn lòng chịu thiệt thòi, nhịn nhục vì chồng:

“Chồng giận thì vợ làm lành

Miệng cười hớn hở rằng anh giận gì?

Thưa anh thưa giận em chi?

Muốn cưới vợ bé em thì cưới cho”

Nét son của người con gái Việt Nam chính là sự thuỷ chung:

“Theo nhau cho trọn đạo đời

Dẫu rằng không chiếu, trải tơi mà nằm”.

Phận làm dâu thì

Nhẫn nhục với mẹ chồng trong mọi trường hợp:

“Từ khi nàng về làm dâu

Anh thì dặn trước bảo sau mọi lời

Mẹ già dữ lắm em ơi!

Nhịn ăn nhịn mặc nhịn lời mẹ cha

Nhịn cho nên cửa nên nhà

Nên kèo nên cột nên xà tầm vông

Sằn sàng lo cho mẹ chồng

Anh ơi phải lính thì đi

Mẹ cha đơn chiếc đã thì có em

Về Tình mẫu tử của người mẹ Việt Nam

Suốt đời không ngừng thương nghĩ về con:

“Miệng ru mắt nhỏ đôi hàng

Nuôi con càng lớn, mẹ càng thêm lo”

Người mẹ sẵn sàng thức suốt năm canh để ru con ngủ

“Gió mùa thu mẹ ru con ngủ

Năm canh dài thức trọn năm canh”

Người mẹ còn chấp nhận hao gầy vì con

“Mẹ là chiếc nón vành tre

Nghiêng nghiêng con đội mẹ che trên đầu

Sớm khuya mưa nằng dãi dầu

Thương con tóc mẹ điểm màu gió sương”

Chính vì thế mà công ơn của mẹ còn cao hơn núi:

“Lên non mới biết non cao

Nuôi con mới biết công lao mẫu từ”.

Tình mẹ cuồn cuộn như nước nguồn và lai láng như đại dương mênh mông;

“Công cha như núi ngất trời

Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển đông”

Thế nên, nếu những ai mất mẹ là mất một bầu trời. Bởi vì:

“Mất cha con đã u ơ

Mất mẹ con cũng bơ vơ một mình”

Lâm vào hoàn cảnh bi đát như vậy, người con mới cám cảnh mà than:

“Gió đưa cây cửu lý hương

Từ xa cha mẹ thất thường bữa ăn

Quê người nương tựa tháng năm

Thương cha, nhớ mẹ trong lòng không nguôi.”

 

Đó là những nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Nhưng liệu rằng những nét đẹp đó còn rạng rỡ trong bầu trời hôm nay? Những người phụ nữ có còn nhịn nhục, hy sinh? Có còn chung thuỷ sắt son tận tuỵ với chồng với con nữa hay không?

Nhìn vào những gì đang diễn ra chung quanh, chúng ta thấy chữ hy sinh đang thiếu dần nơi người phụ nữ, lòng chung thuỷ đang chao đảo, sự từ tâm tận tuỵ với bổn phận đang mờ nhạt.

Nỗi đau của xã hội hôm nay chính là tình mẫu tử xem ra cũng không còn. Nhiều bà mẹ đã không chỉ thiếu trách nhiệm với con cái mà còn sẵn sàng vì một chút danh dự của riêng mình, vì hạnh phúc của mình, họ sẵn sàng giết hại các thai nhi trong cung lòng của mình. Người ta nói rằng mỗi phút qua đi là một thai nhi bị sát hại bởi những người mẹ của mình. Ở cao nguyên người ta đã làm một nghĩa trang dành cho các thai nhi. Ngay cổng nghĩa trang có tấm bảng: “Chúng con tha thứ cho mẹ”. Người ta nói rằng hằng ngày có rất nhiều cô gái còn rất trẻ đứng thẩn thơ nơi nghĩa trang như đang tìm kiếm điều gì đã mất. Có lẽ họ đã mất tính người khi giết con của mình. Họ đã đánh mất thiên chức làm mẹ mà trời đã ban cho họ. Họ muốn tìm lại nhưng bao giờ mới có thể hàn gắn lại vết thương do chính mình gây ra.

Tình mẫu tử từ xưa vẫn coi là tình linh thiêng nhất. Không bao giờ mất. Không bao giờ suy giảm. Thế nhưng những gì đang diễn ra cho chúng ta thấy, tình mẫu tử cũng đang rạn nức bời cả mẹ và lẫn con

Mới đây, Rất nhiều người gần như không tin vào mắt mình khi chứng kiến trên màn hình VTV1 phát cảnh một người đàn ông đánh ngã mẹ mình, tối ngày 19-11. Chuyện xảy ra tại quận Gò Vấp, TP.HCM. Người mẹ đã già lắm rồi, 85 tuổi, và chuyện bà bị đứa con trai đánh đập ấy đã là chuyện thường xuyên, do đó mới được người ở gần nhà canh ghi hình lại dễ dàng.

Đạo đức xã hội đáng được báo động cấp mấy khi nhan nhản trên đường phố, trước cổng trường và trong từng gia đình là cảnh hành hung, bạo lực đầy dẫy? Chỉ cần một ánh mắt ngó thấy ghét, một câu nói nghe không lọt tai, một vụ va quệt nhỏ..., là người ta đã có thể rần rần kéo nhau đi chém giết, cướp đi sinh mạng của người khác dễ dàng như lấy một món đồ trong túi. Cha mẹ hành hạ con như kẻ thù; trò đánh thầy; bảo mẫu tra tấn con trẻ, dán băng keo bịt mồm cho đến chết; đồng môn đồng lớp hở chút là lấy dao đâm...

Dường như con người hôm nay đang đối xử với nhau quá hung hãn, và tình người, lòng nhân ái đã trở thành một thứ hàng hiếm giữa thời buổi này? Những bài giáo dục công dân ở đâu hết rồi?

Nghĩ đến chuyện mẹ tra tấn, cắt gân con, rồi chuyện con đánh mẹ thì thật... quá sức chịu đựng!

Bởi tình mẫu tử vẫn luôn được ngợi ca - và ngợi ca không quá lời - là thứ tình thiêng liêng nhất của trời đất, thứ tình tự nhiên vô tư vô vụ lợi, cho đi không cần lấy lại. Không ai thương yêu mình bằng mẹ của mình. Người duy nhất trên đời có thể gánh chịu tất cả sự thiệt thòi để nhường tất cả những gì tốt đẹp nhất trong phạm vi có thể - thậm chí cả mạng sống, nếu cần - cho ta, chỉ có thể là mẹ ta. Đã có không biết bao nhiêu bài văn, bài thơ, tác phẩm nghệ thuật... được viết ra làm rung động lòng người, đơn giản chỉ về một nhân vật: “Mẹ”. Ấy vậy mà, giờ đây... Một người mẹ cắt gân con, một người con đánh mẹ... Sao mà buồn vậy? Xã hội sẽ đi về đâu?

Bởi nếu những tình cảm thiêng liêng trong gia đình mà cũng mất luôn nữa thì làm sao con người có thể sống được trên đời?

Để có cái nhìn tổng quát về những hình ảnh mù tối của các bà mẹ trong xã hội hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết: “Ác như hiền mẫu” mà Đoàn Dự đã đúc kết qua các sự kiện điển hình như:

+ Bán con lấy tiền trang trải nợ nần

+ Ép con bán dâm để lấy tiền

+ Tức chồng ném con xuống sông

+ Bán con 500.000đ để đánh đề 

+ Cảnh thương tâm lan tràn khắp nơi: “Ba đứa trẻ: hai đứa sống – 1 đứa chết”.

Nhìn vào những sự kiện này, chúng ta tự hỏi: Lỗi tại ai? Tại mẹ hay tại con? Lỗi tại ai có lẽ chúng ta để cho lương tâm trả lời. Chính lương tâm là tiếng nói trung thực nhất là toà án công lý mà mỗi người chúng ta trong mọi công việc đều bị xét xử.

Năm nay với chủ đề giáo dục gia đình theo giáo huấn của thánh Phao-lô, chúng ta hãy xét lại đức ái của chúng ta có còn với gia đình chúng ta hay không? Chúng ta có yêu con, yêu chồng hơn cả bản thân? Hay chúng ta chỉ đòi hỏi chồng con chiều chuộng, chăm sóc mình?

Thánh Phaolo nói rằng: “Trên hết mọi sự anh em hãy có lòng bác ái với nhau. Đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14). Và Ngài còn mời gọi: “hãy từ bỏ tất cả những cái đó: nào là giận dữ, nóng nảy, độc ác, nào là thoá mạ, ăn nói thô tục”.

Thực vậy, nếu gia đình không có lòng bác ái với nhau sẽ không có cảm thông, nâng đỡ, chia sẻ. Cuộc sống gia đình sẽ thật tẻ nhạt, buồn chán. Và nếu gia đình không có sự tha thứ thì gia đình sẽ biến thành hoả ngục mà mỗi thành viên gia đình đang tự biến thành quỷ dữ để đầy đoạ lẫn nhau.

Ước mong năm giáo dục gia đình, các bà mẹ hãy hoạ khắc lại chân dung người mẹ hiền hậu, nhẫn nại và từ bi cho con cái. Hãy sống đoan trang, mực thước vì hạnh phúc gia đình, đừng sống buông thả theo thói đời “chồng chung vợ chạ”. Con cái chẳng biết con ai. Hãy sống để đức lại cho con, cho đời, đừng để lại gương xấu cho con cái đời sau, vì tội lỗi quá khứ của mẹ mà con cái chẳng dám nhìn đời.

Để kết thúc tôi xin hát tặng mọi người bài “Mỗi mùa xuân sang”.

 

Jos Tạ Duy Tuyền


Mục Lục