SUY NIỆM VỀ SỰ NGẮN NGỦI CỦA ÐỜI NGƯỜI

Jacques Bénigne Bossuet (1627 -- 1704)*

Phan Minh Thiện (PMT) chuyển dịch

 

Ðời người không đáng là bao, và tất cả những gì có cùng có hạn đều chẳng đáng là bao. Sẽ đến lúc mà một người xem ra rất lớn lao đối với ta sẽ không còn nữa, lúc mà người ấy sẽ như một em bé chưa được sinh ra, lúc mà người ấy không còn nữa. Người ta có sống trên đời này lâu dài bao nhiêu, cho đi một nghìn năm, thì rồi cũng đến ngày hết hạn. Chỉ có thời gian tôi sống mới làm cho tôi khác với những gì chưa xuất hiện bao giờ, nhưng cái khác biết này cũng quá nhỏ nhoi, vì cuối cùng tôi cũng sẽ hòa tan vào cái gì không có, và rồi sẽ đến ngày chẳng những hình như tôi đã có, và tôi có sống được bao lâu đi nữa thì cũng chẳng đáng kể là bao, vì tôi sẽ không còn nữa. Tôi bước vào cuộc đời với định luật là phải ra khỏi đời này, tôi đến đóng vai trò của tôi, tôi đến để trình diễn như mọi người: rồi sau đó, tôi phải biến đi. Tôi đã thấy nhiều người đi qua trước tôi, rồi những người khác sẽ thấy tôi đi qua; rồi chính những người này cũng hiến cho những người đến sau họ một cảnh tượng tương tự; và cuối cùng tất cả mọi người đều sẽ đến hoà mình trong cái hư vô.

Cuộc đời tôi sống được tám mươi tuổi là cùng; cho được một trăm tuổi đi nữa, đã có một lúc tôi chưa có! Và đến một lúc tôi sẽ không còn nữa! và thời gian tôi sống, tôi chiếm một chỗ quá ít ỏi trong vực thẳm vĩ đại của thời gian! tôi chẳng là gì cả; cái khoảng thời gian ngắn ngủi đó không thể làm cho tôi khác biệt nhiều với cái hư vô mà tôi phải đi đến. Tôi đã đến trong cuộc đời để cho thêm một con số, mà rồi người ta cũng chẳng biết làm gì với tôi; và vở hài kịch sẽ được diễn xuất chẳng kém hơn, một khi tôi sẽ trở vào hậu trường sân khấu. Vai trò tôi phải diễn xuất thì quá nhỏ nhoi trên đời này, và quá ít quan trọng đến nỗi, khi tôi nhìn kỹ, tôi có cảm tưởng là một giấc mộng đã thấy tôi có ở đây, và tất cả những gì tôi thấy cũng chỉ là điều hão huyền: “Praeterit figura hujus mundi,” “Bộ mặt thế gian này đang biến đi.” (1 Cor 7, 9).

Ðường đời tôi đi chỉ được tám mươi năm là cùng, và để đi đến đó, tôi phải vượt qua biết bao nhiêu hiểm nguy, biết bao nhiêu bệnh tật, v...v? Vì đâu mà cuộc hành trình ấy đã không ngừng ở mỗi giây phút? Tôi đã không nhận ra bao nhiêu lần tôi phải ngừng sao? Tôi đã thoát chết ở cuộc gặp gỡ này ở cuộc găp gỡ nọ: nói tôi thoát chết là nói sai; tôi tránh được hiểm nguy này, nhưng không phải tránh được cái chết: cái chết đang giăng nhiều cạm bẫy đủ loại trước mặt chúng ta; nếu tránh được cạm bẫy này, chúng ta lại rơi vào cạm bẫy khác; cuối cùng chúng ta phải rơi vào hai cánh tay của thần chết. Giống như tôi trông thấy một cây to bị gió đánh nghiêng ngả, có nhiều lá rụng xuống từng lúc; có những lá cầm cự được lâu hơn, có những lá khác chịu đựng được ít hơn: mà nếu có những lá cầm cự qua được cơn giông tố, thì luôn luôn mùa đông sẽ đến làm cho chúng héo đi và rụng xuống đất, hoặc như trong một cơn bão lớn những người này bất thần bị ngạt thở, những người khác nằm trôi trên mảnh ván chịu buông xuôi theo làn sóng; và lúc mà họ tưởng đã thoát khỏi mọi hiểm nguy, sau khi đã cầm cự được khá lâu, thì một ngọn sóng đẩy họ đập vào một tảng đá ngầm, thế là tan xác. Cũng vậy, một số đông người chạy cùng một con đường đời, chỉ có vài người mới chạy được đến cùng; nhưng sau khi đã tránh được những cuộc tấn công khác nhau của thần chết, đã đến được cuối cuộc hành trình mà họ đã vươn tới giữa biêt bao nhiêu nguy hiểm, họ lại gặp ngay thần chết và rút cục ngã quỵ ở cuối hành trình: đời họ vụt tắt như cây nến đã tiêu hao hết chất đốt của nó.

Cuộc đời tôi sống được tám mươi năm là cùng; và trong tám mươi năm ấy, có bao nhiêu năm được goị là đáng kể trong cuộc sống của tôi? Giấc ngủ thật giống như cái chết; thời thơ ấu là cuộc sống của một con vật. Bao nhiêu thời gian của thời thanh xuân, tôi muốn xoá đi? Và khi tôi có tuổi, tôi còn muốn xoá đi bao nhiêu nữa! Thử tính xem tất cả thời gian ấy thu lại còn được cái gì? Vậy tôi sẽ đếm được những gì? Vì tất cả những thứ ấy sẽ không còn nữa. Thời gian mà tôi cảm thấy thoả thích, thời gian mà tôi có được vài danh vọng chăng ? Nhưng thời gian ấy đã quá thưa thớt trong cuộc sống của tôi biết bao! Nó tựa như những cái đinh được đóng vào một bức tường dài, trong một khoảng tường nào đó: có lẽ bạn nói là những cái đinh đó chiếm nhiều chỗ quá, thu nhặt lại thì chúng chẳng chiếm được cả lòng bàn tay. Nếu tôi loại đi khỏi đời tôi giấc ngủ, các bệnh tật, các nỗi lo âu và bây giờ tôi thử tính tất cả thời gian mà tôi có được vài thoải thích hoặc vài danh vọng, thì cái thời gian đó đưa tới được cái gì? Nhưng các thoả thích ấy, tôi có được cùng một lúc không? Tôi được nó có khác gì hơn là những thoả thích vụn vặt? Nhưng tôi có được những thoả thích ấy mà không vướng một lo âu nào, và nếu có lo âu, tôi sẽ đặt những thoả thích ấy vào thời gian mà tôi quý trọng hay vào thời gian mà tôi không kể đến? Và khi đã không có được thời gian ấy cùng một lúc thì ít ra tôi có được thời gian thoả thích ấy tức khắc không? Chẳng phải nỗi lo âu luôn luôn chia tách hai lần thoả thích ra sao? Chẳng phải nỗi lo âu luôn luôn gieo trở ngại để ngăn cản các lần thỏa thích không nối liền với nhau sao? Nhưng các thoả thích ấy còn để lại gì cho tôi? Những thú vui chính đáng thì chỉ là một kỷ niệm vô ích; những thú vui bất chính thì lại là một mối ân hận, là một sự ràng buộc dẫn tới hỏa ngục hoặc là phải sám hối, v.và

A! Ta rất có lý mà nói rằng ta sống cho qua thời giờ! Thật vậy, ta sống cho qua thời giờ và ta qua đi với nó! Tất cả con người tôi thu gọn trong một giây lát; và đó là điều phân cách tôi khỏi cái hư vô; giây lát ấy trôi qua, tôi bắt lấy giây lát khác; giây lát này trôi qua sau giây lát khác, tôi nối kết giây lát này với giây lát kia, cố gắng làm cho mình an tâm, mà tôi không nhận thấy rằng những giây lát ấy đang từ từ lôi cuốn tôi đi với chúng, và tôi sẽ thiếu thời gian, chứ không phải thời gian thiếu tôi. Cuộc đời tôi là thế đó; và điều đáng ghê sợ là nó trôi qua đi đối với tôi, chứ trước mặt Chúa, nó vẫn tồn tại. Nhưng sự việc này liên quan đến tôi. Cái gì thuộc về tôi, nhưng cái tôi có tùy thuộc vào thời gian,vì chính bản thân tôi cũng tuỳ thuộcvào thời gian; nhưng cái tôi có thì thuộc về Chúa, trước khi tôi xuất hiện; nó tùy thuộc Thiên Chúa trước khi tùy thuộc thời gian; thời gian không thể lôi nó ra từ thế giới của mình, vì thế giới ấy ở trên thời gian; đối với Chúa, những cái đó vẫn tồn tại và được kể vào kho tàng của Người. Ðiều gì tôi sẽ đặt vào trong kho tàng ấy, tôi sẽ tìm thấy lại, điều gì tôi làm trong thời gian, sẽ từ thời gian mà đi vào vĩnh hằng; vì lẽ rằng thời gian nằm trong cái vĩnh hằng và dưới cái vĩnh hằng, cũng dẫn đến vĩnh hằng. Tôi chỉ được hưởng những giây lát của cuộc sống này trong lúc nó trôi qua; khi chúng trôi qua rồi, tôi phải chịu trách nhiệm như thể chúng vẫn còn tồn tại. Nói như vậy chưa đủ  các giây lát ấy đã qua, tôi không còn nghĩ đến nữa. Chúng đã trôi qua, quả thế, đối với tôi, nhưng không phải thế, đối với Thiên Chúa; và Người sẽ đòi tôi phải trả lẽ. Vậy, hỡi linh hồn tôi, cuộc đời này có phải là cái gì đáng kể lắm không? Và nếu cuộc đời này chẳng đáng kể là bao, vì nó sẽ qua đi, thì những thú vui không kéo dài cả đời sống và sẽ qua đi trong chốc lát có nghĩa lý gì? Nó có đáng để ta bị đoạ đày không? Nó có đáng để ta bỏ ra bao nhiêu công lao vất vả, để ta tỏ bày bao sự khoe khoang không? Lạy Chúa, con hết lòng quyết tâm suy nghĩ về cái chết, mỗi ngày, trước mặt Chúa, ít nữa trước khi đi ngủ và lúc mới thức dậy. Với suy tưởng này: “Tôi có ít thời gian, nhưng lại có nhiều điều phải làm, có thể tôi còn có ít thời gian hơn tôi tưởng,” tôi sẽ ngợi ca Chúa đã lôi kéo tôi ra nơi đây để nghĩ đến việc ăn năn thống hối, và tôi sẽ thu xếp công việc của tôi, để nghĩ đến việc xưng tội, đến những việc đạo đức cách nghiêm chỉnh, với nhiều can đảm và cần mẫn; suy nghĩ không phải đến những gì qua đi, mà đến những gì còn tồn tại

Viết tháng 9 năm 1648 {trong dịp tĩnh tâm để lãnh chức Phụ Phó Tế (sous-diacre) vào tuổ 21. Sau đó, làm giám mục giáo phận Meaux, được mệnh danh là L’Aigle de Meaux, về tài hùng biện xuất chúng của ngài. Là một trong hai giám mục được vào danh sách những văn nhân của nước Pháp, có tác phẩm trong chương trình học về văn chương. Giám mục kia là énélon.}

* Tác giả soạn bài này là một chủng sinh viết trong dịp cấm phòng để chuẩn bị chiu chức phụ phó tế (sous-diacre), lúc thầy mới 21 tuổi. Sau này thầy thăng tiến làm linh mục, rồi giám mục, được đặt biệt danh là "Aigle de Meaux" giám mục Jacques-Bénigne Bossuet (1627-1704).

          Trich từ maranatha-vietnam.net


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà