HÃY ÐEM NƯỚC

CHO NGƯỜI KHÁT UỐNG

(Sitienti ferte aquam)

 

Những kinh cầu về nước thì rất trang trọng. Chính trong nước rửa tội mà con đã trở nên con cái của Chúa. Chính nơi nước mà Chúa Thánh Thần đã chờ đợi con. Con phải biết tỏ lòng tôn kính đối với yếu tố này mà Chúa đã chọn để làm cho con được tái sinh nơi đó, và còn sẽ là lời tiễn biệt cuối cùng của Hội Thánh Chúa, khi trên ngôi mộ của con mà người ta sẽ rảy những giọt nước thánh cuối cùng với lời chúc lành của Chúa. Chính nước mà Chúa đã rót vào một chậu lớn, vào tối bữa Tiệc Ly, khi lấy chiếc khăn quấn quanh thân mình Chúa, và Chúa bắt đầu nghi thức lạ thường đã làm ông Phêrô chống đối. Chính với nước mà ông Philatô đã bảo đem đến để ông rửa tay trước dân chúng, và tự tuuyên bố là mình vô can trong việc Chúa phải chịu chết ; cũng như chính tại sông Giođan, trong khi ông Gioan làm phép rửa cho Chúa để chu toàn mọi sự công chính, mà Chúa Cha đã tuyên bố Chúa là đấng làm Người hài lòng mọi đàng.

Có lẽ nước đã trở nên một cái gì rất tầm thường, từ khi nền văn minh của chúng con đã thuần hóa nó. Các hệ thống dẫn nước, các ống dẫn nước bằng chì, các vòi nước, các hoa sen trong buồng tắm, các chai lọ của chúng con đã có nguy cơ làm biến mất tính huyền nhiệm của nước. Nước đã mất uy thế của nó trước mắt chúng con, cũng như tất cả những gì đang phục vụ chúng con cách ngoan ngoãn. Nước cũng hết còn là một trong bốn yếu tố đáng quan tâm, từ khi những nhà hóa học chúng con đã đem ra phân tích nó.

Phải sống trong những xứ nóng bỏng ; phải lặn lội xuyên qua các sa mạc bị ánh nắng mặt trời thiêu đốt, để hiểu được một ly nước mát có nghĩa gì, mà chính Chúa đã nói, cho một ly nước thì cũng được trả công, và để đoán được ý nghĩa thâm sâu những lời nói kỳ lạ của Chúa : Ai khát thì hãy đến với tôi mà uống.

Vì chỉ có những ai khát, khát cái khát làm ám ảnh và đau khổ, mới biết một chút nước mát đã hàm chứa câu trả lời đơn giản của nó là thế nào. Ðể có cảm nghiệm nước quý đến mức nào, phải thấy thiếu nó thật sự. Lạy Chúa, phải chăng muốn hiểu Chúa, chúng con cũng phải cảm thấy thiếu Chúa như vậy ? Phải chăng tất cả những kitô hữu nào không chờ Chúa nữa, vì họ nghĩ là đã có Chúa rồi, nên không đem vào trong Giáo Hội Chúa cùng với những nhân đức có thật của họ, một cái gì của lòng thỏa mãn luôn dày cộm thêm hơn, và sự trưởng giả của những kẻ đang có mọi sự đó sao ? Họ nghĩ là họ đã đầy đủ về Chúa, cũng như họ đã đầy đủ về tước vị. Họ có Chúa như một sở hữu như họ sở hữu những bất động sản của họ. Chúa là thuộc tài sản của họ, với ơn thánh trong đời này và thiên đàng ở đời sau. Và trong sự an toàn của họ, họ chẳng còn một chút nào lo âu. Mà thật, chẳng ai sẽ thấy khát trước những bình nước tràn đầy. Người ta uống tùy thích, khi nào thấy khát thì uống, để thấm ướt môi miệng họ một cách uể oải mà không quan tâm gì đến nước.

Lạy Chúa, con biết những kitô hữu cũng có cách hành xử như thế đối với các bí tích của Chúa, đối với mầu nhiệm của Chúa, với Giáo Hội, với những lời hứa của Chúa, và kể cả với chính bản thân của Chúa. Trong cuộc đời đạo hạnh của họ, họ không cảm thấy lo âu, không một lo âu nào nữa. Và con biết là cũng một nguy hiểm ấy đang rình rập con. Không phải là cái nguy hiểm của một cuộc sống dễ dãi - vì những kitô hữu này sống rất đúng giờ đúng giấc, và giữ đạo rất kỹ - nhưng là cái nguy hiểm của một cuộc sống bình thản. Vì để biết Chúa là thế nào, phải chăng người ta phải cảm thấy cần đến Chúa một cách khắc khoải.

Vâng, con trở lại với cảnh tượng của những sa mạc mênh mông này, nơi mà tất cả các lộ trình đều phải đánh dấu bằng những điểm có nước ; nơi mà người ta biết rõ là hễ mất dấu đường mòn là chỉ còn chờ cái chết đến ; và nơi mà một dòng suối phun vọt dưới bóng cây cọ dừa, ở điểm dừng chân trong ốc đảo, còn huy hoàng hơn những cảnh tráng lệ của một cung đình vua chúa. Trong suốt cả cuộc hành trình, chính những nơi ấy thu hút nổ lực của các súc vật và của con người để đạt tới ; trước khi nước được hiến dâng, nó đã lôi kéo... ấy thế nhưng, nó chỉ là nước bình thường, mà cơn khát khô họng của chúng con đã cho nó một giá trị thế ấy.

Lạy Chúa. con sợ rằng niềm hy vọng của con cũng vậy, đáng lẽ là một niềm ao ước vô biên, lại biến thành một thứ bảo đảm tầm thường về an toàn. Con sợ rằng niềm tin của con, đáng lẽ là rạng đông kỳ diệu của một ngày mới tinh sương lại được giản lược thành một chữ ký đồng ý ở dưới cuối một tờ phát biểu. Con sợ rằng lòng trung tín của con chủ yếu ít muốn bước theo Chúa trong những mạo hiểm kỳ quặc của cuộc đời cứu thế của Chúa, mà là giữ Chúa lại cho con, một cách rất thanh thản, như thánh Phêrô muốn dựng lều trên núi Thabor để Chúa ở lại với ông : “ở lại đây quả là điều thật tốt” (bonum est nos hic esse). Ta đừng đi xa hơn nữa. Ông Phêrô không còn thấy khát gì nữa. Lúc ấy không còn muốn di chuyển đi đâu nữa.

Chúa đã kêu gọi những kẻ khát đến với Chúa. Chúa chỉ có thể lôi kéo những ai chưa cảm thấy thỏa mãn. Còn đối với những kẻ khác, Chúa chỉ là một thứ nước vô vị. Có lẽ họ cũng sẽ uống thứ nước ấy vì chỉ là một nghi lễ phải làm ; nhưng họ sẽ không bao giờ biết được tất cả sự kỳ diệu mà nước ấy hàm chứa. Sự xa vắng của Chúa là một bài học. Chính bởi những gì chúng con không có mà chúng con mới hiểu được Chúa là thế nào. Cái khát được tái diễn không ngừng đã cho Chúa, phải cho Chúa, môt sự tươi mát vĩnh hằng. Con sợ con đã quá thỏa mãn về Chúa, lạy Chúa, thỏa mãn, nghĩa là tràn đầy, rồi khép cõi lòng mình lại với những cái gì sắp đến sau này, không còn thèm khát, không còn cần gì, không cảm thấy khó chịu ; nhưng bằng lòng với thực trạng hiện tại của con, và không muốn đánh liều gì nữa trước tương lai đang mở ra cho vô hạn.

Nói cho cùng, nước luôn luôn vẫn thế ấy, chỉ có cơn khát của con phải được luôn cảm nghiệm lại mới đem lại cho nước ấy tính trẻ trung vĩnh hằng của nó. Nước đến mỗi ngày với một sự điệp có tính độc đáo riêng của nó, vì cơn khát của con không lần nào giống lần nào. Chúa là Ðấng không thay đổi, Chúa muốn Chúa không luôn luôn là một chân lý như nhau. Khi con đã chu toàn tất cả lề luật, vẫn còn có một cái gì trong con nói lên rằng : tôi còn thiếu cái gì nữa ? (quid adhuc mihi deest ) ; bởi vì ở phía bên kia những bổn phận con phải chu toàn, con còn khát một sự đại lượng vô giới hạn. Và khi con đã hiến dâng tất cả rồi, con còn tự hỏi không biết có một cái gì đó trong cõi sâu kín lòng con mà con còn có thể hiến dâng thêm nữa chăng ?

Con xin chúc tụng Chúa, vì đã giữ trong tâm hồn chúng con lòng khao khát muốn có thêm nữa (amplius), khao khát những gì còn thiếu cho sự trọn lành của một hiến dâng toàn vẹn ; và vì đã giữ trong lòng chúng con cảm giác nặng nề, khó chịu về những gì có thể là tốt hơn và đã ngưng thực hiện ở nửa chừng, mà con không hiểu vì sao. Trước sự trọn lành vô biên của Chúa, phải tương ứng trong con một ao ước vô hạn ; nếu không, Chúa và con sẽ không bao giờ hoàn toàn đồng ý với nhau.

Lạy Chúa, xin giữ trong con cái cảm giác khó chịu liên tục này, gìn giữ trong con lòng ưu tư vì chưa thực hiện đến cùng lòng yêu mến của con. Dù sao, không có gì cao cả đã được thực hiện trong công trình của Chúa, nếu không bởi những người đã đầu tư trọn vẹn lòng đại độ của họ đến mức không thể vượt qua được nữa. Họ là những người không chỉ muốn tuân giữ những huấn lệnh và sống hợp theo các lề luật. Lề luật của họ là nỗi khao khát của họ. Họ không chịu dừng ở nửa đường. Họ không nghĩ là đã có Chúa làm sở hữu : Chúa là sự đòi hỏi vô biên. Họ không nghĩ tưởng có cách nào để đạt được thế quân bình dứt khoát giữa những ý muốn của Chúa và sự dâng hiến của họ, vì Chúa muốn thu hoạch nhiều hơn những hạt giống Chúa đã gieo vãi, và bởi vì Chúa đã ban tặng nhiều hơn điều lòng chúng con ao ước.

Lạy Chúa, xin cho con cảm thấy khát ; xin cho con biết sợ những ngày con sống chỉ khép lại với chính mình, biết sợ những đức tính tự mãn, và cả sự tự hài lòng đáng ghét của người Pharisêu. Con biết là điều rất cam go mà để mình sống mãi mãi trong nỗi đau khổ vì muốn có điều tốt hơn phải đến : tức là phải luôn luôn mong chờ nước hằng sống, vì cơn khát của con không lần nào giống lần nào, và vì nước đã làm con đả khát hôm qua không có thể làm gì cho cơn đả khát ngày hôm nay. Con muốn bước sát theo chân Chúa, như nai rừng chạy tìm mạch nước trong. Và nếu con có chết giữa đường, lòng ao ước của con sẽ là niềm vinh hạnh cho Chúa, và cũng có thể là phần thưởng cho con.

La Prière de toutes les choses, trg 138-142 Pierre Charles, sj.

(Cầu nguyện từ mọi sự vật)

 

Trích từ maranatha-vietnam.net


Mục Lục
Trở Về Trang Nhà