COVID-19 & KHỦNG HOẢNG TÂM LINH

 

Lm. Anphong Nguyễn Công Vinh

 

1.Thế Chiến thứ hai bắt đầu từ 1/9/1939 và chấm dứt vào  ngày 2/9/1945 , gây nên cái chết của từ 70 triệu đến 80 triệu người. Hàng chục triệu người đã phải bỏ mạng trong các vụ thảm sát, trong các trại tập trung, chết vì thiếu lương thực, vì bệnh tật thể chất, tinh thần. Thế  Chiến thứ 1 và thứ 2, để lại những khủng hoảng nghiêm trọng: Các chủ thuyết Hiện sinh[1], chủ nghĩa Tự nhiên[2], Duy vật sử quan, phong trào Thế tục hoá và phi Giáo Hội[3]…ảnh hưởng đến tư tưởng, lối sống, văn hoá, nghệ thuật, thời trang, tôn giáo…Các giáo phái[4] xuất hiện như nấm, bằng những hứa hẹn không tưởng, để thoả mãn khủng khoảng niềm tin vào tôn giáo và lấp đầy những bấp bênh, đổ vỡ trong cuộc sống, khiến Giáo Hội giật mình và mãi đến Công Đồng Chung Vatican II năm 1963 mới định hình rõ rệt. Ở nước Pháp, khủng hoảng tôn giáo đầu thế kỷ 20 khá trầm trọng: năm 1980, số tín đồ thực hành đạo 12%; mỗi năm chỉ có chừng hơn một trăm tân linh mục, thay vì hàng ngàn vào những năm 1950; năm 1963, muời đôi hốn phối thì có một đôi ly dị, năm 1985, ba đôi thì có một đôi ly dị; những đôi trẻ sống chung không hôn phối[5], số trẻ sinh ngoại hôn, các gia đình cha mẹ đơn thân càng ngày càng nhiều[6]. Những ảnh hưởng tiêu cực của thời kỳ ấy vẫn còn kéo dài đến hôm nay.

2. Từ sau Thế Chiến Thứ Hai, cuộc khủng hoảng do thảm hoạ Covid-19 gây ra cho cả thế giới, tuy chưa có thống kê, nhưng có thể còn nghiêm trọng, tồi tệ hơn và cũng toàn diện hơn. Tính đến ngày 9/10/2021, thế giới có 238 triệu ca bệnh, trong đó có 4,85 triệu không qua khỏi; sau gần 2 năm, lây lan  221 quốc gia và vùng lãnh thổ[7], đến nay vẫn chưa chấm dứt. Riêng tại Việt Nam, từ ngày 27/4/2021 đến nay có 971.711 ca nhiễm, tổng số ca tử vong là 22.598 ca[8]. Về trẻ em, riêng Tp.HCM có 10.000 ca, 1.500 em mồ côi[9]. Trên thế giới, với các hình thức phong toả và cách ly xã hội, hàng triệu cơ sở kinh doanh hộ gia đình đang bị đình trệ, hàng nghìn doanh nghiệp lớn nhỏ phải dừng hoạt động… đưa đến khủng hoảng kinh tế, ảnh hưởng đến hàng triệu công nhân bị thất nghiệp đưa đến khủng hoảng về mặt xã hội, tâm linh. Cuộc khủng hoảng về y tế cũng trầm trọng chưa từng có, đang đe dọa nhiều quốc gia. Đất nước chúng ta cũng phải chịu những khủng hoảng đó ở mọi phương diện theo mức độ tỷ lệ.

3. Cách ly, phong toả còn tác động đến tâm lý, tinh thần của mọi người, nhất là giới trẻ: bị tù túng trong nhà: không có việc làm; không được giải trí thay đổi môi trường, khung cảnh; không có những niềm vui nơi trường học, tôn giáo, gây nên mệt mỏi, chán nản, bực bội, bất an, né tránh, nghi ngờ, hoảng loạn, stress. Số người tử vong mỗi ngày và có khi ở sát cạnh nhà, gây lo lắng và mất niềm tin, mất hi vọng, cảm thấy đời sống bấp bênh. Tình trạng nầy, kèm theo sự thiếu thốn về vật chất khi bệnh hoạn, cũng khiến giới trẻ bị khủng hoảng tâm linh, tìm đến những niềm tin không phù hợp, các cách chữa trị dân gian mê tín. Theo Thống Kê của tổ chức OECD[10] tháng 6/2020: 188 quốc gia phải đóng cửa trường học, 1,7 tỷ học sinh trên thế giới bị gián đoạn việc học hành. Ở VN cũng trong tình trạng đó, vì thế, Nhà Nước nỗ lực cho dịch bệnh mau giảm bớt, để khi nào thấy có thể là mở lại các trường học.

4.Thời gian dịch bệnh là thời gian giới trẻ nhàn hạ. Đa số chăm chú vào chiếc điện thoại với đủ món ăn: game show đủ loại, phim truyện, phim xã hội đen, phim khiêu dâm…Ngày nầy sang ngày khác cứ như thế, đầu óc nặng nề căng thẳng, không phát triển, chứa đầy rác rến. Cả ngày không tiếp xúc với ai nên coi người khác như xa lạ, lây nhiễm, phải đề phòng. Việc học online là giải pháp tranh thủ cần thiết trong thời gian giãn cách, nhưng cũng có những nhược điểm. Mới đầu các em còn thấy hứng thú vì mới lạ, sau rồi chán; nhưng chúng phải rán học vì điểm số và lên lớp với bạn bè; chưa nói đến việc nhiều em không có điều kiện để học như Tivi, điện thoại, không gian trong gia đình; không người kiểm soát nên học mệt thì ngủ, bấm máy sang kênh khác để giải trí…Đến trường vẫn là điều các em mong đợi. Mỗi ngày đến trường là một niềm vui: ngoài việc trau dồi kiến thức, được ra ngoài xã hội, có bạn bè, có cơ hội giao tiếp, giải toả tinh thần, phát triển nhân bản.

5.Về mặt tôn giáo cũng thế. Thánh lễ online là chuyện chẳng đặng đừng và thời gian dịch bệnh được coi như cách giải quyết chấp nhận. Nhưng cũng có nhiều bất cập: đa số các gia đình nhà cửa chật hẹp, thời gian không gian không thuận tiện; ở gần những nhà không xem lễ, nhạc mở ồ ào; đang xem lễ thì mất sóng, chương trình quảng cáo xen vào; những cuộc gọi, nhắn tin. Thánh lễ dở dang phải đi lễ ở những địa phận khác, đến nơi thì lễ gần hết rồi! Đối với người trẻ, lễ online riết rồi thành quen, không còn muốn đến nhà thờ nữa, nhất là những khi xa nhà thờ, hơi mưa gió. Chúa nhật bình thường xem lễ còn ngồi ngoài nhà thờ, hút thuốc, xem điện thoại, tán dóc với nhau nữa là lễ online.Với các em thiếu nhi, chúng vẫn thích đi đến nhà thờ tham dự phụng vụ, vì chúng được cầu nguyện với  bạn bè, sinh hoạt vui chơi với nhau, được giáo huấn những điều tốt đẹp. Nhà thờ tạo cho chúng ấn tượng về việc thờ phượng và sự hiện diện của Chúa.

Nhiều vấn đề phức tạp xảy ra trong và sau đại dịch, đã có những phương án nào để đối phó, đặc biệt nơi giới trẻ đây?

6.Thời gian dịch bệnh, các cơ sở đồ sộ, tiện nghi trở nên vô dụng; truyền tải thông tin bằng gặp gỡ, bằng văn bản là bất khả, không qua mặt được con virút. Bây giờ là thời đại kỹ thuật số, di động,facebook, youtube, livestream…Những phương tiện nầy ai cũng sử dụng được và có khả năng thông tin nhanh chóng mà con virút không làm gì được. Ở nước ta, theo thống kê[11], có tới 73% dân số dùng smartphone, đứng trong số 10 quôc gia dùng nhiều nhất trên thế giới, xét theo tỷ lệ %, nghĩa là gần 70 triệu dân trên gần 100 triệu. Con số to lớn nầy có nghĩa là chỉ trừ người già kém mắt và các bé chưa phân biệt được tay phải hay tay trái. Người trẻ ngồi đâu cũng chăm chú vào điện thoại, vượt số người xem Tivi. Thị Trường Ứng Dụng Di Động ngày 12.5.2020 công bố[12]: người Việt sử dụng điện thoại mỗi ngày trung bình 5,1 giờ, trong thời gian giãn cách thì nhiều hơn. Các clips của Tiktok, Video, Livestream đầy trên mạng, đa số nội dung không lành mạnh, hướng về tình dục, trai gái. Cũng có một ít clip dạy những bài học về hiếu thảo, lịch sự, lương thiện thời lượng ngắn một hai phút, nhưng sống động, hài hước, có ấn tượng, rất hữu ích. Giới trẻ rất thích các clips ngắn nầy. Lý do nhiều người sử dụng smartphone vì giá cước rẻ, gọn gàng mang đi mọi nơi, giải quyết nhiều nhu cầu như thông tin, xem phim, nhắn tin thay cho email và dễ tiếp cận. Chúng ta vô tình quên mất lượng người khổng lồ nầy, quên mất truyền thông là một trong những phương cách truyền giáo hữu hiệu hiện nay. Người ta thích xem chứ không thích đọc.

7. Chúng ta có cơ sở, có phương tiện, có nhiều nhà chuyên môn về Kinh Thánh, Thần học, Giáo lý, Phụng vụ…được đào tạo bài bản; có nhiều người tham gia vào những địa hạt khác như giáo dục, có bằng sư phạm và mỗi năm đều được gởi học bồi dưỡng nghiệp vụ, nhưng thiếu những người được đào tạo để làm mục vụ, truyền bá Tin mừng bằng truyền thông, như: viết kịch bản, đạo diễn, lên sóng…Giới trẻ hôm nay thích những món ăn tinh thần, nhưng phải nấu nướng sao cho hợp khẩu vị. Chúng ta có nhiều ứng viên có khả năng về kiến thức thần học, đủ điều kiện để trở thành mục tử sau nầy, nhưng thiếu tinh thần mạo hiểm, sáng kiến, xông pha và dám hi sinh khi phải đương đầu với những thử thách, khó khăn. Trong đại dịch vừa qua, tôi rất nể phục sự buông bỏ và mạo hiểm hi sinh của một ít linh mục, tu sĩ: dám ngưng việc xây dựng nhà thờ, dùng hàng trăm triệu để mua thực phẩm giúp những người nghèo! Dám bỏ tiền mua lò điện làm bánh mì, đi từng ngõ ngách xóm trọ phát cho những người túng đói; một số nữ tu không sợ dịch bệnh gom lương thực và đi đến tận nơi trao tặng; các linh mục, tu sĩ, giáo dân hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ Chăn, xung phong đi giúp đỡ những người bị dịch bệnh trong các trung tâm cách ly. Nhưng còn quá khiêm tốn nhỏ lẻ và đơn độc, chưa có người đạo diễn chung cho toàn kịch bản như năng lực của chúng ta.

8.Những ngày gần đây, khi có thời gian rảnh rỗi, qua chiếc điện thoại, tôi theo những người làm từ thiện đi xuống miền Tây, đi ra miền Trung, nhiều khi quên cả ăn. Qua những đoạn phim ngắn, được thấy những hình ảnh và được nghe những đoạn ghi âm về việc làm từ thiện giúp những người nghèo trên đường về quê, của những cá nhân, của những nhóm nhỏ tự phát mà cảm động và mắc cỡ. Qua những cuộc đối thoại của họ với những người về quê, thì đoán biết những người làm từ thiện nầy là lương dân, họ làm một cách thân tình, gần gũi, chân thành và minh bạch, có ít phát ít, có nhiều phát nhiều, ngày nào xong ngày đó; không ngại vất vả nắng mưa, không sợ lây bệnh, trực tiếp trao tận tay những món quà không nhiều, nhưng đầy ắp tình người khiến ai cũng cảm động, khiến mỗi ngày càng có thêm nhiều ân nhân giúp đỡ…Tôi tiếp tục đi về miền Trung trên quôc lộ IA. Dừng lại ở trước nhà thờ Hà Nội Biên Hoà, nhà thờ Lộc Hoà Xuân Lộc, các cha và tu sĩ, giáo dân đang trao quà đi đường. Bất ngờ đến Hàm Tân, giáo phận Phan Thiết, tôi thấy có một chỗ quen quen nên dừng lại. Thì ra là trước nhà của Tu Đoàn Bác Ái Chúa Kitô Tôi Tớ Cây số 42. Hai tháng trước, các thầy tu đoàn nấu cơm tiếp sức cho những người về Trung. Hôm nay lại đang trao quà, tiền và 2 xe máy cho 4 người ở Đồng Nai về Hà Giang miền Bắc. Họ đi bộ tới đây thì gặp trạm tiếp tế của các thầy và ghé lại, không ngờ lại có được niềm vui lớn như vậy. Tôi bận việc nên không đi tiếp được.

***

Mẹ giáo Hội sinh được nhiều con cái nam nữ mạnh khoẻ, tốt đẹp, nuôi dưỡng dạy dỗ cẩn thận; nhưng khi chúng lớn lên và trưởng thành, thì lại bỏ cha mẹ, đi làm những công việc không phải cha mẹ đã dạy, mà làm công việc của thế gian. Thật là buồn và uổng phí công lao sinh thành dưỡng dục. Mẹ Têrêxa Calcutta mến Chúa yêu người bằng hành động và hi sinh, nên dầu là một nữ tu bé nhỏ, nghèo hèn, ảnh hưởng của mẹ rộng khắp thế giới. Nếu như có được 10 mẹ Têrêxa như thế thì thế giới đã được biến đổi. Ngày nay Giáo Hội cần nhiều những tông đồ nam nữ dấn thân hi sinh như thế.

 

*Xin chia sẻ cho người khác.

 

 

 



[1] Jean-Paul Satre (1905-1980), tác phẩm nổi bật: Buồn nôn (1938), Tồn tại và hư vô (1943); Albert Camus (1913-1960), tác phẩm: Người xa lạ (1942), Dịch hạch (1947); Simon de Beauvoir…

[2] Naturalisme, giải phóng bản thân…

[3] Sécularisation, laicisme.

[4] Sectes. Truớc: 1.900, sang đầu thế kỷ 20 là từ 20-30.000 giáo phái.

[5] Pacs.

[6] Théo, La crise religieuse en France.

[7] X.baotintuc.vn

[8] X.Bản tin Bộ Y Tế ngày 8/11/2021.

[9] X.Tin từ Bộ Giáo Dục Đào Tạo

[10] Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế.

[11] Khảo sát của Statista

[12] Appota.