HOA NỞ KHÔNG MÀU
Lm.Anphong Nguyễn Công Vinh
1.Tôi có một người bạn làm linh mục được 30
năm thì anh bị đột quỵ và sau đó thì phải nghỉ việc vì không chữa lành được,
hai chân bị teo lại, không cử động. Biến cố đó đến với anh thật kinh hoàng, khi
tuổi đời và tuổi làm việc còn đang lên. Thỉnh thoảng tôi đến thăm anh và tâm sự
hàn huyên để anh vơi bớt nỗi buồn. Anh nói với tôi: Bác biết, em làm linh mục
nay đã được 30 năm. Đời linh mục em thành công trong mục vụ, xây cất nhà thờ,
nhà giáo lý, tượng đài Đức Mẹ, các phong trào đoàn hội em đều hoạt động hăng
hái thành công, em chẳng nghĩ đến bản thân mình, chỉ biết hi sinh nhiệt thành
phục vụ với chí hướng của một người đã hiến thân cho Chúa. Thời gian ấy em được
giáo dân thương mến, ân cần chăm nom. Thế rồi em bị đột qụy, có lẽ do làm việc
quá mức, và bây giờ thì ngồi một chỗ trên xe lăn, ở trong phòng hưu dưỡng nầy.
Thời gian đầu, kẻ lui người tới thăm hỏi, mang theo nào là cam táo, bánh kẹo, sữa,
nước sâm…Nhưng rồi khách thăm thưa dần, cả những đồng nghiệp với em cũng thế…Bây
giờ thì chỉ còn một ít người thân. Họ mau quên và vô ơn quá! Nhiều khi nghĩ đến
những người mình đã giúp đỡ, phục vụ, mà nay khi em bệnh tật không thấy họ đâu,
em buồn quá!
2.Vô ơn là bản chất của cuộc đời mà! Tôi đáp lại. Nghe ra thì chua
cay tàn nhẫn nhưng thực đúng vậy. Tôi làm linh mục 46 năm, phụ trách ít nhất là
6 xứ, nay lớn tuổi và chỉ còn ít thời gian nữa thì cũng tìm một chỗ nào đó
trong Nhà Hưu. Đầu đời linh mục của tôi từ 1975-1988 là những năm đầy khó khăn,
vất vả. Một mình gánh vác việc mục vụ nặng nề, khó khăn bên ngoài, khó khăn bên
trong, một chốn đôi quê. Lấy hết sức trẻ, chẳng quản ngại điều gì, luôn tin cậy
vào Chúa để duy trì sự tồn tại của giáo xứ và tinh thần hiệp nhất của giáo dân.
Nhưng sau khi rời xứ chừng một ít thời gian thì người ta quên ngay những hi
sinh vất vả đó. Chú biết không, những người đại diện lên trình với giám mục là
suốt thời gian ấy tôi chẳng làm được việc gì cho giáo xứ. Tôi rất buồn vì nhận
xét vô ơn ấy và tự hỏi không biết đầu óc họ có bình thường và công bình khi đưa
ra kết luận đó không. Theo họ thì khi xây được những cơ sở vật chất thì khi ấy
mới làm được việc và làm đúng việc của linh mục. Họ cũng chẳng hiểu hoàn cảnh của
từng giai đoạn. Buồn đó, nhưng sau ít thời gian, tôi quyết tâm không còn nhớ đến
nó nữa! Khi coi xứ lớn, có chức vụ thì giáo dân tấp nập đến thăm,vì thương mến
cũng có, nhưng vì công việc và nhờ vả thì nhiều. Sau khi chuyển xứ khác, năm đầu
còn đến thăm, nhưng khi hết tang rồi[1] thì không còn ma
nào nữa. Cuộc đời các linh mục đều giống nhau, dầu có xây dựng nhiều công trình
đi chăng nữa. Mỗi năm, tôi thấy chỉ có một hai giáo dân xin lễ cho các linh mục
đã coi sóc mình qua đời mà thôi. Chú coi, tôi cũng đâu hơn chú, cũng gặp những
người vô ơn. Chú đừng chấp nhất làm gì những hạng người ấy cho bận tâm và bệnh
thêm nặng. Hãy quên đi và tha thứ cho đầu óc thảnh thơi, để Chúa cho sống thêm
ngày nào thì luôn cảm thấy nhẹ nhàng bình an hạnh phúc.
3.Trước nhà xứ, tôi trồng mấy chậu hoa nguyệt quế. Loại hoa nầy
lá không có gì đặc biệt, hoa thì 5 cánh, không màu hồng ướt át, không màu vàng
quyền lực, không màu tím u buồn, mà chì có trắng. Trắng thì coi như không màu.
Người ta không chưng hoa nguyệt quế, vì nó chẳng đẹp. Tuy nhiên, hơn các loài
hoa khác, mỗi sáng nó toả mùi hương thơm nhẹ nhàng rất dễ chịu. Hơn một ngày
thì hoa tàn rồi, vài ba ngày sau lại ra tiếp. Cứ thế liên tục. Những cánh hoa tàn
nhưng vẫn còn mùi hương và làm đậm đà khi nhấp từng ngụm trà ứơp nguyệt quế.
Đơn sơ, không màu sắc loè loẹt, rụng rồi lại cứ nở, nhưng cây nguyệt quế lại tượng
trưng cho chiến thắng, vinh quang. Hoa ướp trà uống giúp tăng tuổi thọ. Tôi thường
gọi nó là loài hoa nở không màu.Chúng
mình, những người chọn đời dâng hiến làm linh mục hay tu sĩ là loài hoa nở
không màu. Chẳng màu sắc hào nhoáng lôi kéo sự chú ý của người đời, chẳng cần
ai đem chưng; chỉ cần mỗi ngày âm thầm toả mùi hương nhẹ nhàng của hi sinh, phục
vụ, trong trắng, làm mọi người hạnh phúc là đủ rồi. Cần chi ai biết ơn. Chúa biết
là đuợc. Đó chính là sự chiến thắng vinh quang của vòng nguyệt quế. Chú cứ nhớ
như vậy, đừng buồn nhá và bỏ qua cho những kẻ vô ơn.
***
“Lạy
Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” ( Lc 23,34).
-“Một
con ếch ngồi chơi bên bờ suối. Một con bọ cạp đến gần và nói:”Anh ếch à, tôi
muốn đi qua con suối nhưng tôi là bọ cạp nên không thể bơi được. Anh vui lòng
chở tôi trên lưng anh qua suối được không ?”
Con ếch
trả lời: “Nhưng anh là bọ cạp mà bọ cạp thường chích ếch!”
Con bọ
cạp nói:”Tại sao tôi lại chích anh. Tôi chỉ muốn qua bờ bên kia thôi!”
“Thôi
được, hãy leo lên lưng tôi để tôi cõng anh sang”.
Mới đi
được nửa đường thì con bọ cạp chích con ếch. Con ếch đau đớn oằn xuống và trước
khi thở hơi cuối cùng, nó nói:”Tại sao anh làm thế ? Bây giờ thì cả hai đều
chết đuối!”
Con bọ
cạp nói: “Bởi vì ta là bọ cạp mà bọ cạp thường chích ếch!”
***
Hãy coi chừng những con
bọ cạp vô ơn. Bọ cạp trứơc sau
vẫn là bọ cạp! Nhưng tha thứ thì lúc nào cũng tha thứ và phải cố gắng 70 lần 7.
*Xin
chia sẻ cho người khác