TẢN MẠN NHÂN ĐỌC HAI CHỮ “HIỆP HÀNH”

 

Lm.Anphong Nguyễn Công Vinh

 

Thú thực khi đọc hai chữ Hiệp Hành trên mạng, tôi cũng không hiểu hết ý nghĩa của nó. Sau khi thấy chữ Synodo trên logo và đọc tài liệu Vademecum, mới hiểu rõ ý nghĩa của việc dùng từ Hiệp Hành để diễn tả nội dung : Hiệp thông, Tham gia và Sứ Vụ của Thượng Hội Đồng Giám Mục 2023.

Chữ Synodus có nghĩa là công nghị, là cuộc họp của Giáo Hội. Không thấy có tĩnh từ Thượng trong nguyên ngữ, nhưng vì đây là công nghị gồm các giám mục là cấp cao, nên bản dịch tiếng việt thêm chữ Thượng để nhấn mạnh nét đặc biệt nầy cũng hợp lý, giúp dễ hiểu hơn. Còn chữ Synodalité hoặc Synodality trong tiếng Pháp và tiếng Anh là từ mới của Giáo hội, không có trong tự điển.

Bộ Giáo luật 1983,

-Điều 342: định nghĩa và xác định nội dung từ latinh Synodus Episcoporum: “Thượng Hội Đồng Giám Mục là hội nghị các Giám mục được tuyển chọn từ các miền khác nhau trên thế giới, nhóm họp định kỳ để cổ vũ sự hiệp nhất mật thiết giữa Đức Giáo Hoàng Rôma và các Giám Mục, để góp ý kiến giúp Đức Giáo Hoàng trong việc bảo toàn và thăng tiến đức tin và phong hoá, cũng như trong việc duy trì và củng cố kỷ luật Giáo Hội, và cũng để nghiên cứu các vấn đề liên quan tới hoạt động của Giáo Hội trong thế giới” (bản dịch của HĐGM/VN 2007). Thượng Hội đồng Giám mục không phải là một cơ quan ngang quyền với Đức Giáo Hoàng trong việc điều hành Giáo Hội nhưng là một hình thức biểu lộ tính hiệp thông và tính tập đoàn giữa các giám mục với nhau và với Đức Giáo Hoàng Rôma. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI trong tự sắc Apostolica sollicitudo ban hành ngày 15.9.1965 đã thiết lập cơ chế Thượng Hội Đồng Giám Mục và hơn một tháng sau đã đưa vào Bộ Giáo luật 1983.

-Điều 460 cũng đề cập đến Synodus diaecesana dịch là Công Nghị Giáo Phận: “Công nghị giáo phận là cuộc hội họp các đại biểu linh mục và các Kitô hữu khác nhau của Giáo Hội địa phương nhằm mục đích giúp đỡ Gám mục giáo phận trong việc mưu ích cho toàn thể cộng đồng giáo phận…” (Bản dịch của HĐGM/VN 2007). Công Nghị Giáo Phận lần nầy có mục đích đặc biệt là góp ý kiến với Thượng Hội Đồng Giám mục có tài liệu và dữ kiện cụ thể để làm việc có hiệu quả. Dẫu là như vậy thì dùng từ Thượng Hội Đồng Giám Mục cấp Giáo Phận nghe có vẻ không chuẩn, vì thành phần tham dự không phải là các giám mục, mà chỉ có Giám Mục Giáo Phận là người triệu tập, còn các thành phần khác là đại diện giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân. Vì thế nên bỏ từ Giám Mục. Từ Thượng có thể giữ lại, vì thành phần tham dự là cấp đại diện trong giáo phận, đề nghị gọi là: “Thượng Hội Đồng Giáo Phận” hoặc “Công Nghị Giáo Phận, hướng về Thượng Hội Đồng Giám Mục 2023”

Về hai chữ Hiệp Hành dùng dịch chữ Synodality hay tĩnh từ Synodal thì chúng tôi không phân tích về cách ghép chữ theo chữ Hán, hay chữ Việt, đúng hay sai. Theo từng thời, người ta có thể tạo ra những từ ngữ mới. Nhưng từ ngữ là để diễn đạt ý tưởng, vì thế từ ngữ ấy phải làm sao giúp người đọc hoặc người nghe nắm bắt ngay được một phần nội dung chính yếu. Hai từ Hiệp Hành vắn gọn, súc tích nhưng khá mới lạ, đa số Dân Chúa, cũng như những người thuộc các tôn giáo bạn khó lòng hiểu nội dung của nó, nếu không được những người chuyên môn giải thích.

Tiêu đề của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới năm 2023 là: Hiệp Thông, Tham Gia và Sứ Vụ. Chúng ta có thể dùng từ ghép kép : “Hiệp Thông và Đồng Hành” là những từ đã quen thuộc mà ai cũng có thể hiểu được phần nào nội dung muốn nói. Từ Hiệp Hành cũng là từ ghép đơn giản của hai từ Hiệp Thông và Đồng Hành mà thôi! Hiệp Thông  nói lên cùng ý tưởng, ước muốn, cùng tham gia,chia sẻ, cùng mục đích, Còn Đồng Hành là cùng đi trên một con đường Sứ Vụ. Giáo Hội Đồng Hành không phải Giáo Hội tách biệt đi một bên Dân Chúa, hoặc Dân Chúa là đối tượng Giáo Hội cùng đi. Nhưng Giáo Hội chính là Dân Chúa và Dân Chúa là Giáo Hội; mọi người trong Giáo Hội Lữ Hành cùng hiệp thông một chí hướng và cùng đi với nhau để thực hiện Sứ Vụ Chứng tá cho đức tin[1]. Công đồng Vaticanô II trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội xác định: “Thiên Chúa không muốn thánh hoá và cứu rỗi loài người cách riêng rẽ, thiếu liên kết, nhưng Người muốn quy tụ họ thành một dân tộc, để họ nhận biết Người trong chân lý và phụng sự Người trong thánh thiện” (LG số 8). Dân tộc mà Chúa quy tụ là Hội Thánh, là Dân Chúa.

 

Bản dịch của Nhóm Dịch Thuật HĐGM chắc chắn đã được phê duyệt và lên văn bản chính thức của HĐGM/VN, chúng tôi vẫn tôn trọng cách dùng nầy, nhưng trong tinh thần Hiệp Thông, Tham Gia và Sứ Vụ, chúng tôi góp ý tản mạn như vậy.

 

 

 

 



[1] X.LG số 12.


Mục Lục Góp Nhặt Hoa Rơi