MẸ
ƠI, CON NHỚ MẸ
Lm.Anphong
Nguyễn công Vinh
Sáng nay tôi dâng lễ cầu nguyện
cho mẹ tôi, tên thánh là Maria, kỷ niệm 25 năm mẹ qua đời
(26.11.1996-26.11.2021). Tôi hái một bông hồng tôi trồng phía sau nhà, cắm vào
bình bông nhỏ và đặt lên bàn để di ảnh mẹ trong phòng riêng của tôi. Nếu bình
yên thì cũng có vài đứa em ở xa đến cầu nguyện cho mẹ, nhưng covid đã chia cắt
anh em tôi! Mẹ đã qua 25 năm rồi và con của mẹ năm nay đã gần 75 tuổi đời, thế
mà tôi vẫn cứ tưởng là mẹ mới mất đây. Mỗi khi nhìn di ảnh mẹ, nét mặt hiền từ,
đầu chít khăn kiểu các mẹ quê ngày xưa, khuôn mặt đầy nét nhăn nheo, tôi lại thấy
thương mẹ, nước mắt cứ dần rơi y như đứa trẻ mới lớn. Tôi cũng nhớ thương thầy tôi[1],
nhưng với mẹ, tôi vẫn thấy gần gũi, êm đềm hơn.
Gia đình tôi di cư vào Nam năm
1954, bỏ lại tất cả ở miền Bắc. Khi di cư tôi mới 6 tuổi và đứa em gái 4 tuổi,
vào Nam mới sinh thêm. Mẹ kể lại là mẹ phải để tôi vào thúng, đậy mẹt lại và đầu
kia đứa em gái cũng vậy;trong thúng có tượng Chúa Giêsu chịu nạn, hai bức ảnh
Trái Tim Chúa Giêsu và Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp cuộn lại, phủ dây khoai lang rồi
gánh tôi từ Yên Lưu đến Tân Yên[2],
một vùng ven biển, từ đó đón tàu há mồm của Tây ra Hòn Mê, rồi lên tàu lớn chở
vào miền Nam. Mẹ phải làm vậy mới qua mắt công an và đi lọt. Tôi không còn nhớ
là khi đó có ngột ngạt không, nhưng chắc là thích thú vì được mẹ gánh một quãng
đường xa. Hành trang mang đi chỉ có tượng Chúa, Đức Mẹ và một ít bộ quần áo nhà
quê.
Vào miền Nam tay trắng, rồi vất
vả khó nhọc, dần dà gây dựng nên sự nghiệp, có tiền cho các con ăn học. Thầy mẹ
tôi rất quý những người đi tu nên mấy cậu con trai đều cho đi tu, nhưng chỉ
mình tôi là đi tới. Tôi đi tu từ lúc 11 tuổi, học xong lớp nhất[3].
Những tháng đầu nhớ mẹ, cứ ban đêm là khóc, ban ngày khóc sợ thầy giám luật bắt
gặp la rầy, nhiều lần có thể bị loại. Ngày vào chủng viện, mẹ đưa cho tôi tiền
tiêu, một bình dầu cù là, một chai dầu Nhị Thiên Đường và mấy cục xà phòng, mẹ
dặn tôi: con nhớ khi ra gió phải bôi dầu, tối đi ngủ phải bôi dầu lên hai mũi,
bôi dầu trên bụng cho khỏi bị trúng gió. Tôi nghe mẹ dặn và bôi dầu mỗi ngày.
Từ khi đi vào chủng viện cho đến
khi làm linh mục, tôi được thầy mẹ coi trọng và cưng chiều hơn mọi anh em khác.
Khi còn chủng sinh, mọi người trong nhà gọi tôi là thầy, khi làm linh mục họ gọi
là “cha”.Đặc biệt mẹ chăm sóc tôi: chén bát xiên muỗng tôi ăn mẹ mua đồ tốt và
để riêng, đồ rửa mặt để riêng, khi nào tôi về nghỉ thì lấy ra dùng, đi thì cất.
Thức ăn mẹ cũng mua những thứ mẹ biết tôi thích. Khi tôi Phó tế, mỗi lần đọc
kinh nhật tụng, mẹ bảo các em: đi chỗ khác cho thầy đọc kinh. Thầy mẹ mua cho
tôi một chiếc Mobylette của Pháp loại tay ga tự động để sẵn đó, khi nào thầy về
thầy đi, không ai trong nhà được sử dụng. Mấy đứa em bảo: anh Ba[4]
sướng, được thầy mẹ chiều, tụi em ở nhà lo làm ăn, khổ. Tôi yên ủi mấy đứa: mẹ
thấy anh không lập gia đình, một mình một thân nên mẹ mới thương vậy để yên ủi,
chứ nếu anh có gia đình thì cũng như các em thôi. Nói thế chúng mới chịu. Khi
tôi làm linh mục, thầy mẹ tôi mừng lắm, chỉ tội trùng vào tháng 4/75, đất nước
lộn xộn, nên không mừng rỡ gì được, thầy mẹ anh em tôi tiếc lắm.
Khi tôi đã làm Cha Xứ được ít
năm thì thầy tôi mất. Mẹ tôi thỉnh thoảng đến xứ thăm tôi và ở lại ít ngày. Mỗi
lần thăm thì mua những thứ trái cây tôi thích, nhất là trái măng cụt và làm món
chả trứng băm thịt mà mỗi lần nghỉ hè mẹ thường làm. Món trứng ngon tuyệt, về
sau thỉnh thoảng có dịp đi ăn tiệm, tôi kêu món nầy, nhưng họ làm không đạt. Những
ngày ở lại chơi, mẹ thường để ý khi có phái nữ vào nhà xứ. Tôi biết mẹ thương
tôi và quý chức linh mục, mẹ sợ mấy cô “cám dỗ” hư con của mẹ nên mẹ làm thế,
nhưng họ đến vì công việc nên đôi khi tôi cũng hơi khó chịu với mẹ. Mẹ nói mẹ
luôn cầu khấn để con mẹ trở nên một linh mục thánh thiện. Chính nhờ thế mà tôi
được động viên trong đời linh mục. Tôi nghĩ mẹ của linh mục nào cũng thương con
làm linh mục giống như mẹ tôi.
Sau khi thầy tôi mất, mẹ tôi mỗi
năm già đi. Tôi cũng già đi và vào thời buổi khó khăn, công việc nhiều, nên
cũng ít có dịp về thăm mẹ và các em. Rồi khi các anh em có gia đình, mỗi người
một nơi, ai lo phận nấy. Mấy năm sau mẹ qua đời. Lúc nầy tương đối đi lại được,
tôi về làm lễ và lo hậu sự cho mẹ tươm tất, nhưng không kịp gặp mẹ lúc hấp hối.
Hàng năm đôi lần về với mẹ bên mộ, thắp nhang, đơm bông hoa và cầu xin mẹ giúp
cho trọn đường tu. Sau nầy cô em gái tôi kể lại rằng: trước khi lâm bệnh nặng mẹ
dặn rằng thỉnh thoảng ra thăm cha, yên ủi cha, chăm sóc cha, mua măng cụt cho
cha.Vì thế sau nầy mỗi khi thăm tôi, cô em không quên trái măng cụt.
Nhắc đến nhiều kỷ niệm và nhìn ảnh
mẹ, tôi lại càng nhớ và thương mẹ. Từ khi làm linh mục cho đến khi thầy tôi ra
đi, rồi mẹ tôi,tôi chưa hề giúp đỡ gì cho thầy mẹ. Mẹ tôi thường nói khi tôi
đưa ít tiền cho mẹ uống thuốc: mẹ không
nhận đâu, tiền của con là tiền bàn thờ, con giữ mà làm những việc tốt, mẹ có
tiêu pha gì thì đã có mấy đứa em rồi. Tôi năn nỉ, nhưng mẹ không nhận. Người
xưa đơn sơ và tốt như vậy. Sau khi mất mẹ, tôi lại có người mẹ thứ hai mà từ nhỏ
tôi đã chọn. Mỗi khi buồn phiền, khó khăn tôi lại chạy đến với Mẹ và mọi chuyện
êm đẹp, đó là Mẹ Maria, mẹ của các linh mục. Dịp lễ kỷ niệm 45 năm linh mục,
tôi viết một bài hát nhớ đến Hai Người Mẹ: Mẹ ruột và Mẹ Maria. Bài được hát cuối
lễ, tựa đề là Yêu Mẹ Ngàn Đời:
1.Lúc bé thơ còn măng sữa, ai
nuôi con đến ngày lớn khôn,
Dạy cho con sớm nên người, và dìu dắt con
trên đường đời.
2.Biết lấy chi mà báo hiếu, bao
nhiêu công khó mẹ dấu yêu,
Giờ con xin cám ơn Người, bằng giọng hát câu
ca tuyệt vời.
ĐK. Hỡi Mẹ yêu dấu, đẹp như ánh
trăng dọi bên thềm,
Mắt hiền dịu êm tựa sao sáng
trong màn đêm.
Tiếng Mẹ êm ái lời ru luôn thiết
tha êm đềm,
Bóng Mẹ tình thương ru con say
giấc ngủ yên.
Dẫu có xa mẹ ngày mai, con luôn
yêu mến thiết tha,
Từ đây qua hết những cô liêu,
Mẹ hằng sống bên con ngàn đời,
một hình bóng yêu thương tuyệt vời.
***
Xin từ giã mẹ, năm nay 75 tuổi,
con cũng sắp sửa về gặp mẹ rồi.
(Thân tặng những linh mục đã mất mẹ)
[1] Chỗ tôi gọi ba là thầy, thầy mẹ.
[2] Nơi thầy mẹ có người quen.
[3] Bây giờ là lớp năm.
[4] Tôi thứ hai, theo kiểu trong Nam gọi là ba.