ĐẠO NÀO CŨNG NHƯ ĐẠO
NÀO ?
Lm.Anphong Nguyễn Công Vinh
CÔNG GIÁO CŨNG GIỐNG NHƯ CÁC ĐẠO KHÁC
ĐỀU DẠY ĂN NGAY Ở LÀNH?
1.Con người là tạo vật đã được Thiên Chúa sáng tạo[1]
để được hạnh phúc với Người. Vì thế trong lịch sử của mình, con người luôn bày
tỏ khát vọng tìm kiếm Thiên Chúa bằng nhiều hình thức diễn tả niềm tin của
mình. Mặc dầu còn nhiều thiếu sót, các hình thức bày tỏ nầy đã hết sức phổ biến,
đến nỗi chúng ta có thể gọi con người là một hữu thể tôn giáo[2].
Trong Diễn Từ trước Hội Đồng Arê-ô-pa-gô, thánh Phaolô đã nói: “Từ một người duy nhất, Thiên Chúa đã tạo
thành toàn thể nhân loại, để họ ở trên khắp mặt đất; Người đã vạch ra những thời
kỳ nhất định và những ranh giới cho nơi ở của họ. Như vậy là để họ tìm kiếm
Thiên Chúa; may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Người, tuy rằng thật sự người không ở
xa mỗi người chúng ta”[3].
2.Những hình thức tỏ bày niềm khát vọng đó, có thể là có tính
cách cá nhân, riêng lẻ mà ta gọi là tín ngưỡng hoặc có tính cách tập thể, có
người sáng lập[4],
có giáo lý, có quy luật hướng dẫn và có nhiều người gia nhập mà ta gọi là Tôn
Giáo. Tín ngưỡng hoặc Tôn giáo đều nhằm mục đích cố gắng giải đáp những bí ẩn về
thân phận con người và những khát vọng của họ bằng những diễn tả riêng, và đồng
thời đưa ra những giáo thuyết, quy luật giúp họ sống tốt đẹp hơn[5].
Trong các tôn giáo nầy, thực ra có nhiều người, qua nếp sống tốt lành của họ, một
cách tiềm ẩn, mặc nhiên đã đón nhận Chúa Kitô và thực hiện giáo huấn của Người[6].
Thánh Phaolô trong thư gửi Do Thái : “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên
Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ”[7].
Thánh Phaolô nói với người Do Thái, nhưng khi ấy họ chưa có niềm tin vào Đức
Kitô, nên phát biểu nầy cũng được hiểu cho lương dân. Nhiều lần nhiều cách,
nhưng là những lần còn chưa trọn vẹn[8].
3.Tuy nhiên, những cách bày tỏ về niềm tin vào thần thánh của
con người bằng nhiều hình thức, mặc dầu có nhiều điều khác biệt với giáo huấn của
Giáo Hội, nhưng cũng có thể đem lại ánh sáng cho chân lý, chân lý chiếu soi cho
hết mọi người[9].
Dầu vậy, đó cũng chỉ là những chuẩn bị
nào đó cho Tin Mừng Đức Kitô mà thôi[10].
Những chuẩn bị nầy còn có nhiều hạn chế, thiếu sót, nên cũng có thể làm méo mó
hình ảnh của Thiên Chúa nơi con người. Vì thế, để tập họp các con cái mình bị tội
lỗi đưa vào con đường lầm lạc và tản mác, Thiên Chúa đã muốn triệu tập tất cả
nhân loại trong Giáo Hội của Con Chúa là Đức Giêsu Kitô. Chỉ nơi Người mới có “Con Đường, Sự Thật và Sự Sống”[11].
Đây là chân lý mà Giáo Hội có bổn phận phải kiên trì rao giảng. Do đó, mà Chúa
Quan Phòng để cho có nhiều tôn giáo, và có những tôn giáo phát triển mạnh mẽ ở
những thời điểm nào đó trong lịch sử. Đến lúc nào đó, khi Chúa muốn thì sẽ “chỉ có một đàn chiên và một Chủ chăn”[12].
Hãy nhớ rằng nơi Thiên Chúa không có
thời gian, nên phải kiên nhẫn xác quyết vào niềm tin của mình, nỗ lực cầu nguyện
và truyền bá Tin Mừng để “Tất cả mọi người
được ơn cứu độ và đạt tới sự nhận biết chân lý”[13].
4. Khi nói Đạo nào cũng
như Đạo nào thì chỉ đúng được một phần nhỏ thôi. Công Giáo chủ yếu giúp con
người thiết lập mối tương giao mật thiết với Đấng Tối Cao, là Thượng Đế, là
Thiên Chúa toàn năng, nhưng cũng giàu lòng yêu thương, tình thương giữa người
cha đối với con cái. Mối tương giao nầy có được, chủ yếu nhờ Ngôi Hai Thiên
Chúa làm người đó là Chúa Giêsu Kitô: “Không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con
và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho”[14];
“Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Con của Người”[15];
“Chúa Cha đã sai Con của Người đến làm Đấng cứu độ thế gian”[16];
“Thật vậy, nhờ Người…chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến
cùng Chúa Cha”[17].
Chúa Ngôi Con đến cứu độ thế gian bằng cái chết và phục sinh của Người, đồng thời
nhắc nhở mọi người, về phần mình, phải nỗ lực tuân giữ những giáo huấn của Chúa
Giêsu để có điều kiện tạo mối tương giao mật thiết với Thiên Chúa Cha. Những
giáo huấn của Chúa Giêsu gồm tóm trong Tin Mừng, trong Mười Giới răn và Tám Mối
Phúc Thật, nói đến bổn phận kính tin thờ phượng Thiên Chúa và nghĩa vụ yêu
thương tha nhân. Nghĩa vụ yêu thương tha nhân được coi như phần nào giống với phần luân lý, khuyến thiện của tín ngưỡng
tự nhiên và các tôn giáo là ăn ngay ở
lành, làm điều tốt.
5. Công giáo, như vậy, không chỉ nhằm khuyến thiện, mà cốt yếu
là chiều kích thần linh. Riêng phần luân lý hay khuyến thiện của Công giáo cũng
không hoàn toàn giống như chủ trương của các tôn giáo khác. Những giáo huấn về
luân lý nầy do Thiên Chúa truyền dạy, có tính cách tích cực[18]
và siêu nhiên vì quy về Thiên Chúa mọi hành động của mình, chứ không chỉ nằm ở
bình diện con người tự nhiên. Sự giải thoát cũng không đạt được do nỗ lực tự
nhiên của mình, mà cần đến ân sủng và lòng tin vào Thiên Chúa. Ân sủng ấy tràn
đầy nhờ việc Nhập Thể, Giáng Sinh và Cuộc Tử Nạn Phục sinh của Chúa Giêsu Kitô:
“Biến cố ấy thiết định một sự can thiệp của Thiên Chúa vào lịch
sử, biến đổi kiếp người và cấu thành một sự mới lạ tuyệt đối. Đó là điểm làm
cho Kitô giáo khác biệt hẳn các tôn giáo khác”[19].
*Xin chia sẻ cho người khác.
[1] X.St.
[2] X.GLCG số 28.
[3] Cv 17,26-28.
[4] Gọi là giáo chủ.
[5] X. CĐ Vaticanô II, NK 2 (Nostra Aetate, Tuyên Ngôn về Liên Lạc Của Giáo Hội Với Các Tôn Giáo Ngoài Kitô giáo).
[6] X. Bước Vào Hi Vọng (BVHV) tr 83.
[7] X.Dt 1,1-2.
[8] Bản dịch tiếng Việt chưa làm rõ được tính cách chưa trọn vẹn của những lần tỏ bày nầy.
[9] CĐ Vat.II, NK 2.
[10] CĐ Vat. II, GH 6 (Lumen Gentium, Hiến Chế Tín Lý Về Giáo Hội).
[11] Ga 14,6 – GLCG số 843-846.
[12] Ga 10,16 –x.BVHV tr, 77-83.
[13] 1Tm 2,4.
[14] Mt 11,27.
[15] Dt 1,2.
[16] 1Ga 4,14.
[17] Ep. 2,18.
[18] Khổng giáo: Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân. Công giáo: điều gì các con muốn người ta làm cho mình thì hãy làm cho người ta như thế. X. Mt 7,12; Lc 6,31; Hãy yêu người khác như chính mình, Mt 22,39; 19,19; Hãy yêu kẻ thù…Mt 5,44-47.
[19] X. Danielou, Transcendance du Christianisme.