NỊNH
THẦN
Lm.Anphong
Nguyễn Công Vinh
Nịnh hót, nịnh bợ hay xu nịnh,
tâng bốc, có nghĩa là khen ngợi người khác, thường là người có chức quyền hoặc
giàu có, một cách quá đáng, không đúng sự thật, bằng cách bịa đặt hay thêu dệt
nhưng ưu điểm mà người ấy không có hoặc có ít. Nó phát xuất từ lòng tham muốn
có được những quyền lợi riêng tư về chức vị, tiền bạc từ người mình nịnh bợ. Một
triết gia nói rằng: Trong số những con
thú hoang dã, thì con thú dèm pha là đáng sợ nhất; còn trong số những người
trong nhà, thì đáng sợ nhất là kẻ xu nịnh. Kẻ nịnh hót chỉ tìm kiếm tư lợi
và sống vào những kẻ đã lắng nghe nó; còn lời khen tặng thì phát xuất tự đáy
lòng và hoàn toàn không vụ lợi[1].
Ở đời ai cũng thích được khen
ngợi. Đây là mảnh đất tốt để những kẻ xu nịnh gieo những hạt giống giả dối của
họ. Biết bao kẻ hàm oan, mất danh thơm tiếng tốt, mất địa vị, thậm chí bị tai họa
vì những lời nịnh hót. Những người chân chính ít bị lường gạt bởi những kẻ nịnh
hót; nhưng những bạo chúa, những kẻ độc tài hư hỏng, thì thường bị mê hoặc và sống
bằng những lời nịnh hót. Đúng vậy, những người lãnh đạo, có quyền thường khó chịu
với những kẻ có ý kiến khác mình hoặc thẳng thắn chỉ ra những khiếm khuyết,
nhưng ưa thích những kẻ nịnh bợ. Họ có những con vẹt biết lặp lại những điệp
khúc mà chủ đã dạy nó và mỗi khi chủ xướng lên là chúng lặp lại, chẳng biết
đúng sai. Tiến bộ làm gì có trong những tập thể có nhiều con vẹt thế nầy! Và họ
không biết rằng chính những kẻ nịnh hót sẽ xoá sổ họ.
Nịnh hót thường đi đôi với nói
dối và vu khống cho kẻ khác, và để đạt được thành công, kẻ dối trá sử dụng mọi
phương cách, ở mọi cấp độ. Nhìn vào lịch sử, không ít anh hùng nghĩa sĩ đã để lại
công nghiệp vẻ vang cho đất nước, nhưng cũng có nhiều kẻ lót đường bằng lưỡi của
họ, làm hư vong quốc gia dân tộc. Tầng lớp nịnh thần ở trong các cung đình là
tiêu biểu cho thói xấu nầy và thời nào cũng có! Ở tập thể nào cũng có một đám vây quanh lãnh đạo để làm công việc
nầy và đám nầy là mối nguy hại cho tập thể, xét về mặt xã hội cũng như giáo hội,
chúng cản trở cải cách và tiến bộ. Nịnh hót là thói xấu và không ngừng lan rộn
trong mọi lãnh vực. Nguyên nhân chủ yếu là: những kẻ bất tài, đức kém, khả năng
thấp, nhưng lại muốn bay lên cao, vươn xa, tỏ ra mình hơn kẻ khác.
Nếu bạn có lòng tự trọng thì bạn
sẽ không bao giờ nịnh hót và nghe theo những lời nịnh hót. Nịnh hót là hạ thấp
giá trị của bạn, làm cho bạn thấp hèn. Ngày trước người ta gọi những kẻ nịnh
hót là nâng bi hoặc bợ khu là thế. Nịnh hót kèm theo nói dối,
sẽ làm cho bạn hổ thẹn với chính mình, vì bạn đã xuyên tạc sự thật mà bạn biết
rõ. Nịnh hót thường đưa đến việc làm hại kẻ khác, nó cũng khiến bạn luôn bứt rứt,
hối tiếc về những hậu quả mình gây ra cho kẻ khác. Nịnh hót khiến bạn đạt được
chức vị hay tiền bạc, nhưng bạn sẽ không bao giờ ngẩng cao đầu mà sẽ luôn phải
khòm lưng xuống và luôn tự ti rằng mình là kẻ cướp giật.
Thế nhưng, để ngay thẳng với
chính mình, với sự việc, cũng như với kẻ khác, nhất là với lãnh đạo của mình mà
không nịnh hót, thì bạn phải can đảm lắm và nhiều khi phải chấp nhận bị cho là
kẻ chống đối, sẽ không được tin dùng,
sẽ bị khai trừ. Đó là cái giá bạn phải trả, liệu bạn có dám trả hay không? Chúa
Giêsu đã dạy rằng: “Có thì nói có, không
thì nói không. Thêm bớt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,37); “Sự thật sẽ giải thoát
các ngươi” (Ga 8,32-36). Những người lãnh đạo tài năng, sáng suốt và cương
trực không bao giờ để mình lạc lối trong mê cung của bọn nịnh thần, và phải chọn
chính xác được trung thần cho mình.
Ôi! Khó thay. Giữa bọn nịnh thần, Nguyễn Du đã mượn lời Từ Hải để từ chối quy
phục triều đình thối nát thời đó:
Bó thân
về với triều đình,
Hàng thần
lơ láo phận mình ra đâu!
***
*Khi Càn Long, vua nhà Thanh hứng
chí làm thơ, Hoà Thân hết lời ca ngợi: thơ
Hoàng Thượng tuyệt đỉnh, chữ viết như rồng bay phượng múa. Triều đình ta nghìn
năm chưa có ai làm thơ hay và chữ viết đẹp như thế! Hoà Thân luôn miệng ca
tụng: Công ơn của Hoàng Thượng như trời bể,
tài đức sánh ngang với vua Nghiêu, vua Thuấn; nhờ thế mà Hoà Thân từ một
tên quan thấp hèn đã leo lên đến tể tướng và giàu có tột đỉnh.
*Có một người hay nịnh hót, một
hôm anh ta đến thăm quan huyện, vừa bước vào cổng đã rối rít: Quan lớn nhân đức thật, đến thú dữ cũng phải
lánh đi nơi khác. Hôm qua vừa bước chân đến địa hạt của quan, chính mắt con thấy
từng bầy cọp kéo nhau sang mấy làng bên cạnh. Quan cười híp mắt. Lát sau
lính vào báo đêm qua cọp đã bắt mất ba người. Quay sang tên nhịnh hót, quan trợn
mắt: sao ngươi nói đã tận mắt thấy lũ cọp
bỏ đi? Người kia bí quá đành nói liều: Chắc
quan làng bên cạnh cũng nhân đức không kém ngài quan lớn, nên lũ cọp không có
chỗ trú chân, chúng đành quay trở lại làng ta đấy ạ!
***
Qua sông nên phải lụy đò,
Anh ở đất liền đâu phải lụy ai?
*Xin
chia sẻ cho người khác