KHI NGƯỜI THÂN RA ĐI

(Suy tư tản mạn về cuộc đời và kiếp nhân sinh)

                                   

1.Tôi cùng cha bạn khởi hành lúc 10g00 tại Phan Thiết. Mặc dầu đang covid-19, nhưng dọc đường đói quá và nghĩ rằng mình đã chích hai mũi vắc-xin nên vào quán ăn đại đi. Quán ăn cũng đông người như không có gì. Ở đây họ đang tập sống chung với dịch. Đường đi còn hơn tiếng đồng hồ nữa. Tới nơi vào lúc 14g15. Từ ngoài cửa cho đến chỗ đặt quan tài đầy những vòng hoa phúng điếu, hầu hết là màu trắng và chật ních người. Vinh hoa 61 năm cuộc đời chỉ còn lại bấy nhiêu! Những bông hoa, đẹp đó nhưng ngày mai sẽ tàn úa, như hoa cỏ ngoài đồng. Ai rồi cũng thế. Mùa covid mà người ta không ngại bệnh tật tới viếng xác, trong đó nhiều công nhân, cho thấy ông được quý mến. Tôi và cha bạn vào gặp người vợ đau khổ một chút, chị không khóc, vì mấy ngày nay đã khóc nhiều, còn đâu nước mắt để mà khóc, khuôn mặt tiều tụy, khổ đau, tội quá. Chúng tôi thắp hương, đọc ít kinh, rồi tôi nói ít lời với Chú lần cuối cùng và chia sẻ nỗi đau với tang quyến. Họ cho tôi xem mặt lần cuối cùng. Tôi như không tin vào mắt mình: khuôn mặt sạm đi, gầy ốm, nằm bất động trong chiếc quan tài nắp kính. Đây là đại gia, giám đốc công ty! Đến nay đã gần bốn ngày rồi. Nhờ ướp bằng loại đá đặc biệt nên không nặng mùi. Tôi ứa nước mắt. Tôi vào phía sau thì bốn năm người đang ngồi đó an ủi bà mẹ Chú. Thật oái oăm, bà năm nay hơn 90 tuổi nhưng còn khoẻ, tỉnh táo. Tôi hỏi: bà còn nhớ ai đây không? Ông cha Phan Thiết. Cách đây 8 tháng tôi ghé thăm, bà vẫn còn nhớ. Đau khổ cho mẹ già khi thấy con ra đi. Con ơi, sao Chúa không cho mẹ đi thay con, con ơi, bà luôn miệng như thế.

 

2.Ông Giuse là anh em kết nghĩa với tôi. Chuyện thật hi hữu. Tôi hơn ông 10 tuổi. Cách đây hơn 10 năm. Ông với tôi trùng họ và đệm: cùng Nguyễn Công… chỉ khác tên nên chúng tôi thường giới thiệu với những người khác là anh em họ chú bác, thất lạc lâu ngày, nay tình cờ gặp lại nhau. Nhìn vào tên họ ai cũng tin như vậy. Chúng tôi tự nhiên kết nghĩa anh em. Khi xây dựng ngôi nhà thờ thứ ba ở H.T, tôi gửi một số thư ngỏ cho ít người quen ở B.H xin giúp đỡ. Tình cờ một nữ tu là con bảo trợ của tôi quen gia đình nầy nên chuyển lá thư ngỏ cho vợ chồng ông. Gần 11 giờ trưa ngày hôm đó, một cú điện thoại báo tin là: chúng con nghe nói cha làm nhà thờ, chúng con muốn đến thăm được không? Tôi chẳng biết người gọi là ai. Được chứ, mời anh chị, rất hân hạnh được đón tiếp. Mười phút sau thì một chiếc Ford Everest đời đầu tiên bảy chỗ ghé trước nhà xứ. Ông bà bước xuống, ăn mặc gỉản dị, bình dân, áo ngoài quần, bà vợ chẳng phấn son màu mè. Tôi chào và mời vào nhưng họ bảo trưa rồi nên muốn đi xem ngay nhà nhờ đang xây. Tôi vào thay chiếc áo sơmi rồi lên xe cùng đi. Ngôi nhà thờ lúc ấy mới lên bốn bức tường. Ông hỏi đôi chút về tình hình giáo dân, công việc làm ăn của họ, nhà thờ kinh phí xây dựng hết bao nhiêu, rồi nói với tôi: vợ chồng con sẽ giúp cha, cha cứ việc xây đi. Tôi thắc mắc làm sao ông biết mà đến? Con đọc nhiều Thư Ngỏ lắm, cái nào cũng gần giống nhau, của cha con ấn tượng với câu nầy, nên con đến ngay, “nơi nầy từ tạo thiên lập địa đến nay chưa hề có bóng Thánh Giá”. Câu ngắn đó đáng đồng tiền đó. Cám ơn ông. Chỉ nói thế rồi chúng tôi lên xe ra về, tài xế chở tôi vào nhà xứ, còn hai vợ chồng ông về BH. Ít bữa sau, ông bà gửi qua tài khoản của tôi tiền xây nhà thờ. Cứ thế khi nào tôi báo thiếu tiền là ông bà lại gửi, cho đến khi nhà thờ gần xong, tôi chuẩn bị đổi xứ, ông bà vẫn tiếp tục. Làm việc cho Chúa, Chúa đưa đến những điều bất ngờ. Cứ như thế, chúng tôi quen thân nhau rồi trở thành như anh em. Tôi gọi ông bà là Chú Thím, còn ông bà coi tôi như người anh, nhưng vẫn gọi là cha với lòng kính trọng.

 

3.Tôi không biết rõ Chú Thím khá lên từ lúc nào,  nhưng Chú Thím đã bỏ ra rất nhiều tiền để làm công đức từ thiện từ Nam ra Bắc, miền Tây, Cao Nguyên, miền Trung: xây dựng nhà thờ, nhà mồ côi, nhà dòng, nhà mẫu giáo…nhiều lắm, nhưng chẳng để lộ tiếng tăm hay chờ đợi những lời khen lao, chỉ có Chúa biết. Chú Thím là người giàu, nhưng là người giản dị, tốt lành mà tôi gặp trong đời mình. Chẳng ai biết Chú là giám đốc Công ty, chẳng ai biết Thím là vợ của giám đốc. Nhìn ra thấy họ như là những người quản trị công việc bình thường. Cả  đời tôi có nhiều ân nhân, nhưng chưa có ai như thế. Tôi quý mến Chú Thím vì phong cách đó. Những lần tôi đến thăm, Chú Thím dẫn tôi đi ăn nhà hàng, tôi muốn gọi gì cũng được, nhưng tôi chỉ gọi những món bình thường; Chú Thím dẫn tôi đi siêu thị: cha muốn mua gì thì cứ mua. Tôi chỉ mua vài thứ lặt vặt cho Chú Thím vui, vì tôi không thấy cần gì và không muốn lạm dụng lòng tốt của Chú Thím. Khi có dịp, tôi tâm sự với Chú về đời tu của mình và những khó khăn trong đời tu. Cả đời, tôi chưa ngỏ với ai về đời tư của mình, nhưng với Chú, tôi tin Chú là người có đức tin vững vàng, có lòng yêu mến Giáo Hội, yêu mến các đấng, nên tôi nói hết và nói tự nhiên như nói với mình vậy. Tôi chẳng có gì mặc cảm với Chú, Chú cũng chẳng bao giờ nghĩ ngợi hay xét đoán gì.

 

4.Tình anh em kết nghĩa chúng tôi cứ như thế phát triển. Hai năm trở lại đây khi Chú bệnh, tôi thăm chú nhiều lần. Lần chú nằm bệnh viện để thiết sinh hai cục mụn trong đại tràng, Chú nói với tôi về kết quả khám đi khám lại, bác sĩ nói không có gì. Khi đó tôi đã nghi bệnh Chú không bình thường, nhưng tôi không dám nói. Ung thư đại tràng thường đến với những người trên 50. Tôi không nói ý nghĩ của mình cho Thím. Chú cũng không hề nói gì về bệnh tình của mình cho Thím và người nhà. Nhờ thuốc tốt nên dầu hoá trị tóc không bạc và không rụng nên không ai biết Chú bị ung thư. Rồi lần chú đi BL một tháng chữa bệnh do ai đó giới thiệu, tốn nhiều tiền nhưng không bớt. Chú về lại BH, bệnh trở nặng, nhập lại bệnh viện Việt Pháp. Bệnh cứ nặng thêm, di căn nhiều bộ phận khác, không ăn uống được, kiệt sức không còn hoá trị được, bác sĩ cho về nhà khi nào nguy kịch thì báo tin. Thím báo tin nầy và tôi nghĩ là gần cuối rồi.Tôi cố gắng lần cuối đến thăm Chú nằm ở ngôi nhà mà Chú thường nói với tôi. Con có tạo một khu vườn hơn một mẫu, ở trên đồi mát lắm, trồng dừa, xoài, mít, xây một ngôi nhà lớn có 6 phòng cho khách, đầy đủ tiện nghi, con về hưu ở đó. Con dành cho cha một phòng, khi nào cha muốn thì về, nghỉ bao lâu cũng được, sau nầy con mời cha về hưu với con. Hôm nay tôi đến thăm Chú tại ngôi nhà đó. Chú ốm rất nhiều, khuôn mặt tiều tụy, chân tay còn xương, ăn uống không được, mỗi ngày chuyền 2 bịch thực phẩm đặc biệc để duy trì đời sống thực vật, 80 kg nay chỉ còn non 40 kg, đầu óc thì vẫn còn tỉnh táo. Tôi thấy thương chú thật nhiều. Mới ngày nào đây còn khoẻ mạnh, nhiều dự tính tương lai mà nay đã nằm đó bất lực. Đến lúc nầy chú vẫn nói với tôi: Con tin cuối cùng Chúa sẽ cứu con, cha về đây nghỉ hưu với con cho vui. Tôi cười và nói Chú cố lên để mau lành rồi tôi sẽ hưu ở đây với Chú. Tôi nói để cho Chú an tâm. Con người tính, còn Chúa thì tính khác, dự tính đó chắc chắn không thành rồi. Chúa muốn xây cho Chú một nơi khác mát mẻ, đầy đủ tiện nghi hơn. Tôi ngồi nói chuyện với Chú và gần 17g00, thấy Chú thiu thiu ngủ, tôi lặng lẽ đi ra và chào Thím, nhờ Thím chào Chú rồi trở về xứ kịp làm lễ sáng hôm sau. Tôi về đến nhà là gần 23giờ, còn cha bạn thì gần 1 giờ sáng. Đây là lần gặp cuối cùng.

 

5.Từ khi chú bệnh, mỗi ngày tôi đến trước Chúa Thương Xót, trước Đức Mẹ, trước Thánh Giuse bổn mạng của Chú tha thiết khấn xin. Tôi liên tục làm tuần 9 ngày theo cách Cha Piô dạy. Lạy Chúa, một người tốt lành, suốt đời làm công đức, từ thiện, bao nhiêu trẻ em mồ côi, bao nhiêu nhà thờ còn chờ đợi… chẳng lẽ Chúa không thương cho Chú được chậm thêm ít độ sao? Ngày xưa vua Akháp xin Chúa cho chậm lại, Chúa đã cho chậm 15 độ, nay xin Chúa nhậm lời chúng con. Bệnh tình Chú mỗi ngày cứ trở nặng và nay thì đã đi về cõi khác. Ý Chúa thật khó hiểu và nhiệm mầu: người ác thì khoẻ mạnh sống lâu, người hiền thì chết sớm! Tôi là thợ suốt 47 năm khuyên bảo người ta, nhưng nay như đối diện với một màn đen dày đặc, không biết khuyên mình điều gì, chỉ biết để trong lòng mà suy đi nghĩ lại. À, phải rồi, khi Chúa mặc thân xác loài người, Chúa sống có 33 năm, ít hơn Chú gần 30 năm, chết hưởng dương, chết đau đớn hơn Chú rất nhiều. Đời dương thế của Chúa hoàn toàn làm phúc cho người ta và Chúa chết cũng để làm phúc cho người ta. Chú sống gấp đôi Chúa. Truớc khi chết, lúc hấp hối trong vườn Dầu, Chúa cũng tha thiết xin Chúa Cha cứu mình, nhưng Chúa Cha không trả lời, có nghĩa là Chúa Cha muốn như vậy. Nay mình cầu nguyện hoài và bao nhiêu người khác cũng cầu nguyện, nhưng Chúa không thay đổi thánh ý của Người. Mầu nhiệm.

 

6.Cha Xứ bảo 15g00 ra làm phép tại nhà mà bây giờ vẫn chưa thấy. Cha đang bận khách một chút, sẽ ra. Mười phút sau cha xứ làm phép quan tài rồi đoàn đô tuỳ đưa xác đi ra nhà thờ. Tôi cùng một ít cha đưa Chú ra dự thánh lễ an táng. Kèn tây thổi vang, nhà thờ gần chật. Hơn hai mươi cha đồng tế cùng với Đức Giám Mục Phú Cường. Dưới kia các nữ tu, giáo dân, công nhân của Chú đi đông, có cả đoàn người dân tộc ở Kontum, nơi Chú xây nhà thờ cho họ. Thánh Lễ sốt sắng. Sau gần một tiếng, thánh lễ kết thúc và di quan ra nghĩa trang giáo xứ. Tôi xin lỗi Chú, phải ra xe về để dâng lễ hôm sau tại xứ. Trên xe, tôi chóng mặt, muốn ói và mệt, vì phải ngôi từ sáng trên xe, rồi sau đó đứng trong nhà tang, ngoài nhà thờ cho đến khi về là 19g00. Buồn lắm, nhưng cũng mãn nguyện vì lễ tang cho Chú chu đáo tốt đẹp. Giữa mùa dịch mà được như vậy thật là phúc. Người nhà báo cho tôi là khi hạ huyệt Thím ngất xỉu, tội nghiệp. Tình nghĩa tôi với Chú nay đi vào thiên thu rồi. Còn sống, hàng ngày tôi còn nhớ đến Chú. Chắc Chú cũng nhớ đến tôi. R.I.P

 

Lm. Anphonse Nguyễn Công Vinh


Mục Lục Góp Nhặt Hoa Rơi