IM LẶNG LÀ VÀNG !
Lm.Anphong Nguyễn công Vinh
1.Khi tranh luận hay tranh cãi với ai, ta thường có khuynh hướng
áp đảo, thắng thế, nhất là đối với những người ít tuổi hơn mình. Đó là tính hiếu
thắng của con người. Nhưng cho dầu muốn bảo vệ quan điểm của mình đến đâu đi nữa
hoặc thấy người ta hoàn toàn sai, thì cũng cần học cách tôn trọng ý kiến của những
người khác. Đây cũng là điều cẩn trọng khôn ngoan, bởi lẽ có những trường hợp những
điều ta cứ tưởng là đúng, nhưng là sai, vì ngộ nhận của bản thân. Sự tôn trọng
nầy tránh được nhiều tranh cãi đối với những người cố chấp bảo thủ. Những người
cao tuổi, đừng bao giờ tranh cãi với đám trẻ chưa kinh nghiệm nhiều về thời sự,
cuộc sống mà người già đã trải qua. Ví dụ: nói với họ những chuyện của thời,
trước khi họ sinh ra, hay lúc ấy họ còn nhỏ, chưa nhận thức được gì, rồi tranh
cãi thuyết phục họ, thì chỉ làm công việc vô ích, mất giờ. Họ chỉ chú tâm và bảo
vệ những nguyên tắc, lý thuyết mà họ vừa mới học được trong sách vở, trên ghế nhà
trường. Những sách vở ấy nhiều khi không phải là tất cả thực tế và thầy dạy của
họ, có khi trước đây, là học trò của bạn, mà có khi học trò kém nữa!
2.Khi gặp người cố chấp hãy giữ im lặng. Trong thiên Thu Thuỷ,
Trang Tử viết: “Không thể nói chuyện băng
tuyết với côn trùng mùa hạ”. Hàm ý của câu nói ấy là tranh luận vấn đề với
loại người cố chấp, không chịu hiểu vấn đề hoặc không thể hiểu vấn đề, là một
điều vô bổ và lãng phí. Khổng Tử cũng từng khuyên các học trò rằng: chớ nói với châu chấu về bốn mùa, bởi châu
chấu chỉ sinh trưởng trong ba mùa Xuân-Hạ-Thu. Người khác không đồng tình với
quan điểm của bạn, đơn giản là vì họ chưa từng đi qua những nơi bạn đã đến,
chưa từng đọc qua cuốn sách bạn đã đọc, chưa từng quen biết những người bạn đã
biết, chưa trải qua hoàn cảnh khó khăn bạn đã trải nghiệm. Nếu người đó không
thể lắng nghe để tìm hiểu, để dung hoà sự khác biệt của cả hai, thì tốt nhất bạn
nên giữ im lặng và ngừng tranh cãi với họ mà phí sức. Lúc ấy im lặng là vàng
đó!
3.Tranh cãi với người không cùng chí hướng với bạn cũng là vô
ích, phí sức, phí thời gian! Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận
phải trái, đúng sai với người khác. Một hôm, người học trò nầy đến thăm Khổng Tử
thì gặp một người khách đang đứng trước cổng nhà. Ông ta gọi người học trò kia
lại và hỏi: Nghe nói thầy dạy của anh là
Khổng Tử thánh nhân, như vậy thì học vấn của anh chắc phải cao siêu lắm. Anh
cho ta hỏi một năm có mấy mùa? Nếu anh mà trả lời đúng, ta sẽ đập đầu quỳ lạy,
còn nếu trả lời sai thì phải bái lạy ta. Người học trò kia nổi máu anh
hùng, háo thắng, suy nghĩ một lát bèn trả lời: Xuân, Hạ, Thu, Đông, có bốn mùa, dễ ợt! Người khách kia cãi lại: Sai, có ba mùa!. Người học trò cảm thấy
những điều vị khách kia nói thật là kỳ quái, anh phản đối lại ông ta: Rõ ràng là một năm có bốn mùa, sao ông lại
nói là có ba mùa ? Đúng lúc hai người đang tranh luận dữ dội, mãi không
phân thắng thua thì Khổng Tử đi ra mở cửa. Vị khách vội vàng hỏi: Thánh nhân! Xin ngài hãy phân giải giúp
chúng tôi, một năm rốt cuộc là có mấy mùa?
Khổng Tử nhìn vị khách rồi nói: Ba mùa! Vị khách nọ tỏ ra vô cùng đắc chí, quay sang cậu học trò: Ngươi đã nghe rõ chưa, còn không bái ta một
lạy tạ lỗi sao ? Nói rồi ông ta dương dương tự đắc, cười ha hả và quay lưng
bỏ đi.
Cậu học trò không hiểu ý trong câu nói của Khổng Tử, liền hỏi lại:
Thưa thầy! một năm rõ ràng là có bốn mùa,
sao vừa rồi thầy lại nói là có ba mùa ? Khổng Tử trả lời: Con không thấy người kia sao? Đó cũng giống
như trường hợp của loài châu chấu vậy. Một năm, châu chấu chỉ sống có ba mùa là
Xuân, Hạ, Thu, nó đâu có biết mùa Đông là gì. Con tranh luận với nó chẳng phải
là không bao giờ đi đến hồi kết hay sao ?
***
Trong cuộc đời, bạn sẽ gặp
gỡ rất nhiều loại người, trong đó có những người có quan điểm sống, lối suy
nghĩ, hay cách hành xử vô cùng ngang ngược, sai trái. Dù đó có là bạn bè, người
thân hay đồng nghiệp, người già hay người trẻ, thì có những người chỉ biết
khăng khăng tự cho mình là đúng, không biết tiếp thu ý kiến của người khác, khiến
cho người chung quanh họ cảm thấy thật sự căng thẳng và mỏi mệt. Với bất cứ vấn
đề nào, họ cũng coi mình là chuyên gia và khoe khoang sự hiểu biết của mình với
tất cả mọi người. Để đối phó với những người bảo thủ như vậy, cách giải quyết
đúng đắn nhất, đơn giản chính là im lặng và cho qua, bởi vì:
*“ Dù người mù không nhìn thấy ánh sáng thì mặt trời vẫn cứ chiếu sáng”
( R. Southwell).
*Chúa
Giêsu đã giữ thái độ im lặng không trả lời quan quyền thối nát, cũng không tranh
cãi với bọn Pharisiêu cố chấp, vì Chúa biết dã tâm của họ:
-Trước
Thượng Hội Đồng: “Bấy giờ vị thượng tế đứng lên hỏi Chúa Giêsu: Ông không nói lại
được một lời sao? Mấy người nầy tố cáo Ông gì đó? Nhưng Đức Giêsu vẫn làm
thinh…” (Mt 26,62-63).
-Trước
vua Hê-rô-đê: “Nhà vua hỏi Người nhiếu điều, nhưng Người không trả lời gì cả”
(Lc 23,9).
-Trước
toà tổng trấn Phi-la-tô: “Khi các thượng tế và kỳ mục tố cáo Người, thì Người
không trả lời một tiếng…Đức Giêsu không trả lời quan tổng trấn về một điều nào,
khiến ông rất đỗi ngạc nhiên” ( Mt 27, 12.14).
*Xin chia sẻ cho người khác.