Học Giáo Lý Chuẩn Bị Hôn Nhân

 

Thưa cha, việc học giáo lý hôn nhân để tiến hành thủ tục kết hôn nhiều nơi đòi hỏi gắt gao và thời gian kéo dài lâu quá, có khi cha xứ giao cho một cuốn giáo lý mang về học thuộc để trả bài. Giáo luật quy định thế nào về vấn đề này, hay để mỗi cha xứ tuỳ nghi định liệu?

 

***

 

Giáo luật quy định các vị mục tử có bổn phận phải lo liệu để những người sắp kết hôn hiểu biết về giáo lý cũng như những trách nhiệm của đời sống hôn nhân. Đây là điều không thể dễ dàng chuẩn chước, nhất là trong thời đại hôm nay, tình trạng hôn nhân đổ vỡ khá nhiều, mà một phần là do không được chuẩn bị và thiếu hiểu biết về giáo lý nói chung, đặc biệt về giáo lý hôn nhân.

Trong Tông Huấn Về Gia Đình (Familiaris consortio), Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã hướng dẫn về việc chuẩn bị hôn nhân: “Việc chuẩn bị liền trước cuộc cử hành bí tích phải diễn ra trong những tháng cuối và nhất là trong những tuần cuối trước lễ cưới để mang lại một ý nghĩa mới, một nội dung mới và một hình thức mới cho việc quen gọi là điều tra hôn phối mà Giáo luật đòi buộc. Một việc chuẩn bị như thế vốn cần thiết cho tất cả mọi trường hợp, lại càng khẩn cấp hơn cho những đôi hôn phối còn gặp nhiều thiếu sót và khó khăn về mặt giáo lý và thực hành Ki-tô giáo […]. Các HĐGM sẽ xả thân làm việc để sớm công bố được Tập Chỉ Nam Mục Vụ Gia Đình. Trong cuốn Chỉ Nam này, sẽ phải xác định những yếu tố cần thiết không thể thiếu được về nội dung, về thời lượng, và về phương pháp (số 66).

Hội Đồng Giáo Hoàng Về Gia Đình, vào năm 1996, đã ra Tập Chỉ Dẫn Chuẩn Bị Lãnh Nhận Bí Tích Hôn Nhân. Trong Tập Chỉ Dẫn đó, ngoài việc cho thấy tầm quan trọng của hoạt động mục vụ này, đã đề cập đến những giai đoạn chuẩn bị, nội dung và những người có trách nhiệm hướng dẫn cho những đôi bạn sắp kết hôn:

“Việc chuẩn bị để kết hôn, để sống đời sống lứa đôi và đời sống gia đình có tầm mức rất quan trọng đối với lợi ích của Giáo hội. Thực tế, bí tích Hôn Phối có giá trị rất lớn đối với toàn thể cộng đồng Ki-tô Giáo, và trước nhất, đối với các người phối ngẫu là những người phải quyết định những điều quan yếu đến độ không thể tuỳ tiện ứng biến hoặc đưa ra một cách hấp tấp được” (số 1).

Theo Tập Chỉ Dẫn, các giai đoạn chuẩn bị gồm có:

-Chuẩn bị xa: lúc còn thơ ấu, thiếu nhi và thiếu niên, thực hiện nơi gia đình, học đường, các nhóm đào luyện tại giáo xứ như các lớp giáo lý khai tâm… (Sđd. số 22-31).

- Chuẩn bị gần: thời kỳ đính hôn, bằng các khóa giảng chuyên biệt, các buổi gặp gỡ với các người phụ trách mục vụ trước khi cử hành bí tích (Sđd. số 32-49).

- Chuẩn bị kế cận bao gồm: -Tổng hợp giai đoạn chuẩn bị trước, đó là nội dung học thuyết, luân lý và thiêng liêng – Các kinh nghiệm cầu nguyện: cấm phòng, linh thao -Chuẩn bị phụng vụ và các bí tích, nhất là bí tích Hoà Giải- Tổ chức các buổi nói chuyện theo giáo luật (Sđd. số 50 - 59).

Xét như thế, những người sắp sửa bước vào đời sống gia đình phải coi thời gian chuẩn bị này như ơn huệ Chúa ban giúp mình ý thức củng cố và phát triển đời sống lứa đôi sau này, để thu xếp tham dự đầy đủ. Không nên nóng vội hoặc cho đây là cửa ải khó khăn do những người có trách nhiệm đặt ra. Hy vọng thời gian sắp tới sẽ có chương trình chung cho các giáo phận Việt Nam và như thế sẽ tránh được những tuỳ tiện hoặc bất hợp lý, nếu có, về nội dung học và cách học ở một số nơi.


Lm. Anphongsô Nguyễn Công Vinh


Mục Lục Góp Nhặt Hoa Rơi