Linh Mục, Người Của Thiên Chúa

Lm. Anphong Nguyễn Công Vinh

 

 

Linh mục là người của Thiên Chúa, người được lựa chọn và thánh hiến cho Chúa. Thánh Phaolô đã dùng danh từ này để chỉ các giám mục và các linh mục, ngài viết cho Timôthê “Kinh Thánh tất cả đã được thần hứng và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, cải thiện và đào tạo trong đàng công chính, ngõ hầu người của Thiên Chúa được hoàn bị sẵn sàng cho mọi việc lành thánh” (2 Tm 3,16-17).

Công Đồng Vaticanô II trong Sắc Lệnh về Đời sống Và Sứ vụ Linh mục đã nhắc nhớ nghĩa vụ của linh mục là phải nên thánh thiện vì các ngài là người của Thiên Chúa: “Các linh mục còn có lý do đặc biệt phải đạt tới sự trọn lành, vì khi lãnh nhận chức thánh, các ngài được thánh hiến cho Thiên Chúa theo một cách thức mới: các ngài trở nên những khí cụ sống động của Chúa Kitô linh mục đời đời, để qua các thời đại, các ngài có thể tiếp tục công việc kỳ diệu của Đấng đã lấy quyền năng cao cả mà tái lập toàn thể xã hội loài người”(số 12).

Giáo luật 1983 điều 276§1 diễn lại ý của Công Đồng như một sự minh xác về căn tính của linh mục: “Trong đời sống, các giáo sĩ phải lo theo đuổi sự thánh thiện vì lý do riêng này là: do việc lãnh nhận chức thánh, họ được thánh hiến cho Thiên Chúa với tước hiệu mới là những người phân phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa hầu phục vụ cho dân Người” và điều 277§1 nhắc đến việc giữ đức khiết tịnh như là biểu lộ tình yêu và sự gắn bó thuộc về Chúa: “Các giáo sĩ buộc phải giữ sự khiết tịnh hoàn toàn và trọn đời vì Nước Trời, vì vậy họ phải ở độc thân, là một ơn đặc biệt của Thiên Chúa, nhờ đó các tác viên thánh có thể gắn bó với Đức Kitô dễ dàng hơn với một con tim không chia sẻ và được tự do hơn để hiến thân phục vụ Thiên Chúa và nhân loại”.

Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II trong Thư gửi các anh em linh mục ngày thứ năm tuần thánh 17.3.1996, đã viết: “Hãy ngắm xem ơn gọi của anh em (1 Cr 1,26). Chức linh mục là một ơn gọi, một ơn gọi đặc biệt. Không ai được gán cho mình vinh dự ấy, nhưng phải được Thiên Chúa gọi […]. Cũng vậy không phải Đức Kitô đã tự tôn mình làm thượng tế, nhưng là Đấng đã nói với Người : Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra Con” (Dt 5,4-6).

Sách Chỉ Nam linh mục, viết : “Vì nó làm phát sinh một mối giây hữu thể đặc thù, nối kết mật thiết linh mục với Chúa Kitô […] làm cho linh mục trở nên hình ảnh chân thật, sống động và trong suốt của Người […]. Sự đồng nhất có tính bí tích này đưa linh mục vào trong mầu nhiệm Ba Ngôi một cách đặc thù và qua mầu nhiệm Chúa Kitô, vào sự hiệp thông có tính cách thừa tác với Giáo Hội để phục vụ Dân Chúa” (số 2).

Qua các đoạn văn trên, Giáo Hội diễn tả sự cao cả của ơn gọi linh mục và xác định linh mục không những là người của Thiên Chúa, mà còn đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, thuộc về Chúa Kitô trong bản chất cũng như trong hành động. Như vậy, ơn gọi duy nhất là của Chúa Giêsu, chức tư tế chung là của mọi tín hữu và chức tư tế thừa tác là của những người được tuyển chọn để phục vụ Dân Chúa.

 

I. Ơn gọi duy nhất của Chúa Kitô linh mục.

Chức linh mục của Chúa Kitô xuất phát từ Thiên Chúa Ba Ngôi : Chúa Giêsu vẫn xưng mình là người được Chúa Cha sai đến (Ga 7,29). “Chúa Kitô, người con đồng bản tính với Chúa Cha, đã được đặt làm linh mục của giao ước mới theo phẩm trật Menkixêđê. Vì vậy, Người cũng được gọi lãnh nhận chức tư tế. Chính Chúa Cha gọi Chúa Con, người con mà Người đã sinh ra do một hành động yêu thương muôn thuở, để Chúa Con vào trong thế gian (Dt 10,5) và trở nên người phàm. Chúa Cha muốn Con duy nhất của Người, khi nhập thể, trở nên linh mục vĩnh viễn, linh mục duy nhất của giao ước mới và vĩnh cửu. Tại Hội Đường Nazareth, Người đã áp dụng cho mình lời sấm của Isaia : “Thánh Thần Chúa ở trên tôi, Người đã xức dầu tấn phong tôi…” (Lc 4,18).

Bởi đó, mầu nhiệm chức tư tế khơi nguồn từ trong Thiên Chúa Ba Ngôi và là hiệu quả của việc nhập thể và chức tư tế của Đức Kitô được liên kết với hy Lễ Thập Giá : “Chúa Kitô đã đến làm Thượng Tế đem phúc lộc cho thế giới tương lai […]. Người đã vào cung thánh với chính máu của mình, Người chỉ vào một lần mà thôi và đã lãnh được ơn cứu chuộc vĩnh viễn cho chúng ta” (Dt 9,11-12). Như vậy, Chức Tư tế của Giao ước mới mà chúng ta được mời gọi thông phần trong Giáo Hội, là tham dự vào chính Chức Tư tế duy nhất của Chúa Kitô.

 

II. Chức tư tế chung và chức tư tế thừa tác.

1. Chức tư tế chung.

 Lời mời gọi của Thiên Chúa mang chiều kích toàn bộ, nghĩa là Thiên Chúa mời gọi tất cả mọi người, nhưng mỗi người đáp lại lời mời gọi ấy bằng cách thế và điều kiện riêng của mình.

Trong Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, Công Đồng Vaticanô II dạy rằng : “ Chỉ có một Dân Thiên Chúa được Người tuyển chọn (Ep 4,5), cùng chung một phẩm giá của những chi thể, vì đã được tái sinh trong Chúa Kitô, cùng một ơn huệ được làm con cái, một ơn gọi trở nên trọn lành, một ơn cứu độ và một niềm hy vọng duy nhất và một đức ái không phân chia. Vì thế trong Chúa Kitô và trong Giáo Hội, không có sự hơn kém vì nguồn gốc hay dân tộc, vì địa vị xã hội hoặc vì nam vì nữ”. (Gl 3,28 ; Cl 3,11).

Giáo luật đ.208 nhắc đến sự bình đẳng về phẩm giá và ơn gọi của mọi tín hữu, đặt trên nguyên lý cơ bản là Bí Tích Rửa Tội :

“Giữa các tín hữu, nhờ việc tái sinh trong Đức Kitô, mọi người đều bình đẳng với nhau về phẩm giá và hành động. Nhờ sự bình đẳng này, các tín hữu cộng tác với nhau xây dựng thân thể Đức Kitô, tùy theo điều kiện và chức vụ riêng của mỗi người”

Công Đồng dạy rằng tất cả mọi người tín hữu đều tham dự vào chức tư tế của Chúa Kitô, nhưng đồng thời cũng phân biệt rõ ràng chức tư tế chung của Dân Chúa với chức tư tế thừa tác theo phẩm trật.

 

Về chức tư tế chung, Công Đồng minh định : “Chúa Kitô, linh mục Thượng Phẩm được chọn nơi loài người (Dt 5,1-5) để biến dân tộc mới thành một vương quốc, thành những tư tế cho Thiên Chúa, Cha của Người (Kh 1,6; 5,9-10). Thực vậy, những người đã lãnh nhận phép rửa, nhờ sự tái sinh và xức dầu của Thánh Thần, được thánh hiến để trở thành chổ ở thiêng liêng và nhận chức tư tế thánh, hầu qua mọi hoạt động của người Kitô hữu, dâng hy tế thiêng liêng và rao truyền những kỳ công của Đấng đã gọi họ từ bóng tối đến ánh sáng kỳ diệu của Người (1P 2,4-10). Vì thế, tất cả các môn đệ của Chúa Kitô, trong khi kiên tâm cầu nguyện và cùng nhau ca tụng Thiên Chúa (Cv 2,42-47), họ phải dâng mình làm lễ vật sống động, thánh thiện, đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rm 12,1), phải làm chứng về Chúa Kitô trên khắp mặt đất và trình bày niềm hy vọng về cuộc sống vĩnh cửu mà họ ôm ấp cho những ai đang khao khát (1P 3,15)”.

 

2. Chức tư tế thừa tác.

Để thực hiện cách hoàn mỹ điều này, Đức Kitô đã thiết lập chức tư tế thừa tác hay cũng gọi là chức tư tế phẩm trật. Chức tư tế chung của các tín hữu và chức tư tế thừa tác tuy khác nhau về phẩm trật (cấp độ) và yếu tính, nhưng cả hai bổ túc cho nhau và mỗi bên thi hành theo đặc sủng của mình (GL. đ. 208).

Chức tư tế thừa tác, nhờ có quyền do chức thánh, có nhiệm vụ huấn luyện và hướng dẫn dân tộc tư tế, đóng vai trò Chúa Kitô cử hành hy tế tạ ơn và dâng của lễ lên Thiên Chúa, nhân danh toàn thể Dân Chúa. Như thế chức tư tế thừa tác nhằm phục vụ chức tư chung của các tín hữu.

Do đó, trong chiều kích rộng lớn của ơn gọi Kitô giáo, ơn gọi vào chức tư tế thừa tác là một ơn gọi đặc trưng. Ơn gọi này có nét riêng biệt cho từng người. Khi mời gọi các tông đồ, Chúa Giêsu đã bảo từng người hãy theo Ta (Mt 4,19 ; 9,9; Mc 1,17; 2,14; Lc 5,27; Ga 1,43; 21,19), nhưng mỗi người ở trong những điều kiện và hoàn cảnh khác nhau: Có những người làm nghề đánh cá như ông Phêrô hay hai anh em con ông Dê-bê-đê (Mt 4,19, 22), nhưng cũng có Lêvi, một người thu thuế (Mt 9,9). Đặc biệt hơn, Chúa kêu gọi Saolô quê ở Tác-xô, từng nổi danh là kẻ bắt đạo (Cv 9,1-19).

Là linh mục, mỗi người chúng ta, được Chúa kêu gọi trong những hoàn cảnh và điều kiện khác nhau, nhưng tất cả đều phục vụ cho Chúa và Dân Thánh Người. Phục vụ trong chức tư tế, tiên tri và vương giả. Chức Tư tế như nghĩa vụ ca tụng Thiên Chúa, chức Tiên tri để loan báo Tin mừng và làm chứng cho Chúa, chức Vương đế để cùng chia sẻ hiệp thông với vinh quang của Người.

Mẹ Têrêxa Calcutta trong bài nói chuyện với 6.000 linh mục quốc tế tham dự tuần tĩnh tâm tại Roma năm 1986 đã đọc lại lời kinh của Hồng Y Newman[1]. Theo mẹ, chỉ cần sống trọn lời kinh này cũng đủ để linh mục thực sự trở thành là người của Thiên Chúa, linh mục thánh thiện. Lời kinh đó như sau :

 

“Lạy Chúa Giêsu yêu dấu,

xin giúp con làm lan tỏa hương thơm của Chúa ở bất cứ nơi nào con tới.

Xin đổ tràn tâm hồn con tinh thần và sức sống của Chúa.

Xin xâm nhập và chiếm hữu tòan thể bản thân con,

đến độ trọn cuộc sống của con chỉ là phản ảnh cuộc sống của Chúa.

Xin chiếu tỏa qua con và ở lại trong con tòan diện

đến độ tất cả những ai có dịp tiếp xúc với con

đều có thể cảm thấy sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn con.

Xin làm cho họ không còn thấy con nữa, nhưng chỉ thấy Chúa mà thôi.

Xin ở lại với con và nhờ đó con sẽ bắt đầu chiếu sáng như Chúa chiếu sáng,

để trở thành ánh sáng cho tha nhân,

ánh sáng nầy hòan tòan từ Chúa mà đến và không có phần nào là của con.

Vì vậy, xin để con chúc tụng Chúa,

làm sao để Chúa càng  thương con hơn khi soi sáng cho những người chung quanh con

Xin làm cho con rao giảng Chúa mà không phải chỉ nói suông,

nhưng bằng gương sống với sức thu hút xuất phát từ những điều con làm,

và với tình yêu thương sung mãn mà trái tim con đang cảm thấy hôm nay. Amen

 

        Mong ước mỗi linh mục nhớ rằng mình là người của Thiên Chúa để không sống theo kiểu thế gian và làm việc phục vụ thế gian, nhưng sống theo gương vị Mục tử tối cao là Đức Giêsu và phụng sự một mình Người.

 

 



[1] Newman là một nhà tu đức nổi tiếng của Anh Giáo đã trở lại công giáo và sau đó được phong Hồng y. Ngài qua đời năm 1890. Bộ phong thánh đã nhìn nhận các nhân đức anh hùng của ngài và hiện đang xem xét để tiến tới việc phong chân phước cho ngài.


Mục Lục Góp Nhặt Hoa Rơi