Linh Mục, Người Phục Vụ Lời Chúa
Bằng Việc Rao Giảng
Linh mục Anphong Nguyễn Công Vinh
I. Nền tảng Kinh Thánh.
Trong
vùng Trung Đông thời cổ, ở đâu cũng có những người hành nghề ma thuật hay bói
toán (x. Ds 22,5; Đn 2,2; 4, 3t), họ được xem như xứng đáng tiếp nhận một sứ điệp của thần linh. Các s? ngôn
Israel có khi cũng hoàn tất những nhiệm vụ tương tự (1V 22,1-29). Môisen là sứ
giả đích thực của Thiên Chúa (Xh 3-4), ông là nguồn gốc của phong trào sứ ngôn
(Xh 7,1; Ds 11,17-25). Cuối thời các quan án xuất hiện hàng đoàn con cái sứ
ngôn (1Sm 10,5t). Danh từ nabi (người
được kêu gọi) được xử dụng cùng với các tước hiệu cũ như: linh thị nhân (1 Sm 9,9) hay linh
kiến nhân (Am 7,12). Nhưng Người của
Thiên Chúa (1 Sm 9,7t) là tước hiệu chính của Êlia và của Êlisê (2V 4,9).
Vai trò sứ ngôn trở thành như một truyền thống, được tiếp nối mãi mãi. Lời họ
nắm gi? và công b? đều là do Thiên
Chúa. Bổn phận của họ là cho biết hoạt động được dự liệu thực hiện có phải là
do Thiên Chúa muốn không và có hội nhập vào lịch sử cứu rỗi không.
Trong Cựu ước, các sứ ngôn đều được Chúa kêu
gọi: Môisen, Samuel, Amos, Isaia, Giêrêmia, Ezekiel và cả người Tôi Tớ Gia-vê
nữa. Lời mời gọi luôn đưa đến một sứ mệnh mà dụng cụ để chu toàn là miệng của
sứ ngôn nói Lời của Thiên Chúa (Gr 1,9; Is 6,6t; x. Ed 3,1tt). Việc loan báo
bằng cử chỉ, hành động thường đi trước phần trình bày bằng lời nói (Gr 28,10;
51,63; Ed 3,24-5,4), nhiều khi còn gắn liền với cuộc sống của sứ ngôn: đời độc
thân của Giêrêmia (Gr 16,1-9), góa v? của
Êdêkiel (Ed 24,15-27). Sứ điệp không thể
ở ngoài người mang no, đó không phải là ý niệm mà sứ ngôn có thể điều khiển
nhưng là Thiên Chúa hằng sống, Thiên Chúa thánh thiện biểu hiện nơi bản thân
mình.
Trong Tân uớc, lời
của những người rao giảng vẫn là Lời của Thiên Chúa, nhưng Lời này nhập thể
trong Đức Giêsu. Hai động từ thường được dùng để chỉ công việc của người rao giảng
là Kêryssein và euangelizethai. Kêryssein có nghĩa là loan báo hay công bố.
Người rao giảng Lời Chúa là người loan báo sứ
điệp mà Thiên Chúa muốn nói với Dân Người. Thánh Phaolô đã dùng kiểu nói
này: “Chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức
Kitô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy nhân danh Đức
Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa” (2 Cor 5,20).
Đặc tính cốt yếu của việc công bố, loan báo sứ điệp đó là trung thực, đúng y những gì mà Thiên Chúa muốn nói. Thánh Phaolô đã
nói với giáo dân Côrintô: “Thưa anh em,
khi tôi đến với anh em, tôi đã không dùng lời lẽ hùng hồn hoặc triết lý cao
siêu mà loan báo […], nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thánh Thần và
quyền năng Thiên Chúa” (1 Cr 1.4).
Động từ
thứ hai euangelizethai có nghĩa là loan báo tin thắng trận. Từ Evangelium
trong tiếng Latinh mang ý nghĩa này. Tin chiến thắng đó chính là Tin mừng Phục
Sinh của Đức Kitô, Đấng chiến thắng tội lỗi và sự chết. Tân Ước thu gọn trong
động từ Kêrygma: là một sự công bố long
trọng, là tiếng hô của s? ngôn
loan báo chính thức một sự kiện.
II. Nội dung sứ điệp.
Mặc dù
thời gian, không gian và cử tọa khác nhau nhưng nội dung của việc rao giảng của
Đức Giêsu, của các Tông đồ và của Giáo Hội luôn có một định hướng như nhau: mời
gọi hoán cải và loan báo một biến cố.
1/ Mời gọi hoán cải
Đức
Giêsu và vị Tiên Hô của Người đã khởi đầu việc rao giảng bằng việc kêu gọi “hãy hoán cải” (Mt 3,2; 4,17; Cv 2,38;
3,19; 5,31; 10,43; 13,38t). Các sứ đồ đầu tiên cũng kết thúc các bài giảng của
mình bằng lời kêu gọi này. Như thế, sứ điệp được loan báo không giống như những
lý thuyết khác mà người ta có thể tự do đón nhận, nhưng nó đòi hỏi người nghe
một sự dấn thân, một sự thay đổi có tính cách sinh tử (metanoia). Tất cả những
việc rao giảng nào mà không kết thúc bằng lời mời gọi hoán cải, thì sẽ có nguy
cơ không còn là Tin Mừng mà chỉ là một bài thuyết trình suông không có nội
dung.
2/ Loan báo một biến cố
Việc
rao giảng đòi hỏi sự hoán cải không phải vì đó là một bài huấn dụ nặng tính
cách luân lý mà là vì nó hướng đến một biến cố. Các thánh sử, đặc biệt Mátthêu
đã trình bày Đức Giêsu khi rao giảng, đã hướng lời mời gọi của Người đến biến
cố “Nước Trời đã gần kề” (Mt 4,17).
Các môn đệ cũng loan báo cùng một sự kiện: những
lời tiên tri đã hoàn tất (Mt 10,7). Việc rao giảng của Giáo Hội còn tiến xa
hơn trong nội dung là loan báo một thực tại là Thánh Thần đang tác động, một
thực tại có liên quan đến một biến cố vừa quá khứ (cuộc vượt qua của Đức Kitô),
vừa tương lai (ngày quang lâm của Chúa).
3/ Trình bày biến cố
Vì lý
do đó việc rao giảng phải bắt nguồn từ trong Kinh Thánh để trình bày biến cố
cứu chuộc. Trong Kinh Tin kính cổ nhất, sau mỗi đoạn tuyên xưng đã dùng công
thức Theo lời Thánh Kinh (1Cr 15,3t).
Tất cả đều phải quy hướng về Đức Giêsu Kitô, Đấng đã xuống thế, tử nạn và phục
sinh, Người là nguồn sống và ơn cứu độ của nhân loại.
III. Những đòi hỏi nơi người rao giảng Lời Chúa.
1. Tôn trọng sứ điệp của Chúa
Chính
Chúa là chủ của sứ điệp chứ không phải người rao giảng. Người rao giảng chỉ là
người truyền đạt Lời Chúa. Vì thế phải tôn trọng quyền làm chủ sứ điệp của
Người, phải rao giảng cách trung thực
và toàn vẹn. Bổn phận của các linh
mục không phải là trình bày sự thông biết của mình, lấy Lời Chúa để biện bác
cho mình hay cho một lập trường, một lý thuyết nào đó nhưng là rao giảng Lời
Chúa. Lý tưởng của các linh mục phải là lý tưởng của Phaolô khi nói với tín hữu
Thê-xa-lô-ni-ca: “Anh em đã đón nhận Lời
Thiên Chúa của tôi rao giảng cho anh em không như lời con người nhưng đúng như
là Lời Thiên Chúa, vì thật sự là như vậy” (1 Tx 2,13). Người rao giảng cũng
không được tránh né, che đậy hay phản bội Lời Chúa vì sợ hãi, vì sợ mất lòng
người nghe, vì sợ bách hại, sợ bị coi là không hợp thời. Những thái độ nầy đưa
đến việc thay vì công bố Lời Chúa thì chỉ công bố những tư tưởng, giới thiệu
những đề tài về người nầy việc nọ hoặc kể những chuyện không liên hệ gì đến sứ
điệp Tin Mừng. Thánh Phaolô đã thiết tha khuyên nhủ Timôthê, người môn đệ thân
tín của mình: “Trước mặt Thiên Chúa và
Đức Giêsu Kitô, Đấng sẽ phán xét kẻ sống và kẻ chết, Đấng sẽ xuất hiện và nắm
vương quyền, tôi tha thiết khuyên anh: hãy rao giảng Lời Chúa, hãy lên tiếng,
lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện; hãy biện bác, ngăm đe, khuyên nhủ
với tất cả lòng nhẫn nại và chú tâm dạy dỗ […]. Hãy thận trọng trong mọi sự,
hãy chịu đựng đau khổ, làm công việc của người loan báo Tin Mừng và chu toàn
chức vụ của anh” (2 Tm 4,1-5).
Đức
Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, trong Tông Huấn Loan Tin Mừng, đã nhắc nhủ: “Có một điểm nổi bật trong con người chúng
ta mà không một sự nghi hoặc nào có thể làm tổn thương, không một phi bác nào
có thể che khuất: là những mục tử, chúng ta được tuyển chọn do lòng nhân từ của
Vị Mục Tử Tối Cao (1 P 5,4) để mặc dù bất xứng, chúng ta rao truyền Lời Chúa
với uy quyền, để tập họp Dân Chúa đã bị phân tán, để nuôi dưỡng Dân này với
những dấu chỉ về tác động của Đức Kitô là các bí tích, để dẫn dắt họ trên đường
cứu rỗi, để gìn giữ họ trong mối duy nhất mà chúng ta là những dụng cụ sống
động và ở những mức độ khác nhau, không ngừng khích lệ cộng đoàn này tập họp
quanh Chúa Kitô theo ơn gọi thâm sâu nhất của mình. Khi chúng ta hoàn tất điều
đó với các giới hạn của con người và tùy theo sự trợ lực của ơn Chúa, đó là
chúng ta thực hiện công cuộc Phúc âm hóa” (LTM số 68).
Người
viết tiếp: “Tin mừng mà chúng ta có trọng
trách rao giảng cũng là lời chân lý. Chân lý đem lại tự do (Ga 8,32) và chỉ nó
mới ban sự bình an tâm hồn, đó chính là những điều người ta tìm kiếm khi đến
nghe chúng ta rao giảng Tin mừng. Chân lý về Thiên Chúa, chân lý về con người
và số phận huyền nhiệm của con người, chân lý về thế gian. Đó là chân lý mà
chúng ta tìm được trong Lời Chúa và chúng ta không phải là chủ, là người sở hữu
nhưng chỉ là người quản lý, người phát ngôn và đầy tớ phục vụ chân lý đó.
Người ta mong đợi nhà rao giảng Tin mừng phải tôn trọng chân lý,
nhất là cái chân lý mà họ đào sâu và truyền đạt không gì khác hơn là chân lý
mặc khải và vì thế, hơn bất cứ chân lý nào khác, nó chỉ là một phần của chân lý
nguyên thủy là chính Thiên Chúa. Vậy người rao giảng Tin mừng phải là người dám
hy sinh đến độ quên mình và đau khổ để không ngừng tìm kiếm chân lý mà họ phải
truyền đạt cho người khác […]. Người đó không được phép khinh thường việc
nghiên cứu. Người đó phải phục vụ chân lý cách quảng đại mà không kiềm chế chân
lý” (LTM 78).
2. Rao giảng tin vui và hy vọng
Lời
Chúa mà linh mục rao giảng phải là Tin Mừng, phải là lời khuyến khích, đem lại
niềm vui và hy vọng. Đối với người Hi Lạp thì tin mừng có nghĩa là một tin
tốt, tin may mắn, đặc biệt là tin báo chiến thắng. Sự thái bình trong đế
quốc Rôma, những biến cố lớn trong cuộc đời của hoàng đế, người được coi là
thần linh và là cứu chúa, đều được ca tụng như những tin mừng.
Cựu ước:
Từ ngữ
này mang giá trị tôn giáo đặc biệt trong thời Isaia (Is 40-66). Bấy giờ Sứ giả Tin mừng loan báo cùng với sự
chấm dứt cảnh lưu đày là Nước Thiên Chúa sắp đến (Is 52,7): Sứ điệp của ông
nhằm an ủi, tha tội và tiên báo Thiên Chúa trở về với Sion (Is 40,1t.9); Tin
mừng này là một sức mạnh thần linh đang hoạt động (Is 52,1); Tin mừng này liên
hệ đến mọi dân tộc (52,10; Tv 96,2); Tin mừng này vượt trên giới hạn thời gian;
Tin mừng này loan báo chiến thắng và triều đại cuối cùng của Thiên Chúa.
Tân ước:
Chúa
Giêsu là sứ giả loan báo Tin mừng cho
người nghèo (Mt 3,16). Nội dung chính yếu của Tin Mừng Đức Giêsu đem đến
là: Thời gian đã hoàn tất, Nước Thiên
Chúa đã gần kề (Mc 1,15). Nhưng nội dung này đồng hóa với Đức Giêsu vì thế
Tin mừng đích thức chính là Đức Giêsu (Mc 1,1). Với Người, Triều Đại của Thiên
Chúa hiện diện (Mt 12,28).
Đáp lại
Tin mừng là lòng sám hối và lòng tin (Mc
1,15), rồi Thiên Chúa sẽ trao ban ơn tha thứ (Mc 2,10; 2,17), ơn canh tân (Mc
2,21). Đối tượng của Tin Mừng rao giảng là những người nghèo trong tinh thần (Mt 5,3); Mc 10,17-23), những kẻ bé mọn (Mt 11,28; Lc 9,48; 10,21), người tội lỗi (Lc 15,1; 18;9-14; Mt
21,31) và cả dân ngoại (Mt 8,10; 15,21-28).
Sau khi
phục sinh, Đức Giêsu đã truyền cho các sứ đồ của Người “đi khắp thế gian rao giảng tin mừng cho hết mọi tạo vật” (Mc
16,15), “cho muôn dân” (Mc 13,10).
Tin mừng mà các môn đệ rao giảng luôn là Tin mừng về Nước Thiên Chúa (Cv 8,12;
14,21t; 19,8; 20,25; 28,23), nhưng Tin mừng ấy chính là “Tin mừng Giêsu” (8,35; 17,18) và sự kiện phục sinh của Đức Kitô
trở nên trung tâm của Tin mừng, đích điểm của mọi niềm hi vọng.
Đức
Giáo Hoàng Phaolô VI, trong Tông Huấn Loan Tin Mừng đã nêu lên những nét chính
yếu của nội dung Tin mừng cần phải được rao giảng:
- Tình
yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta trong Đức Giêsu Kitô (số 26-27).
- Các
bí tích như dấu chỉ và phương thế để đạt tới hạnh phúc đời sau (số 28).
- Sứ
điệp giải phóng và thăng tiến con người (số 30 và 31).
Vì thế
linh mục trong khi rao giảng phải làm sao đem lại niềm vui, sự phấn khởi và hy
vọng, khiến cho người nghe cảm thấy mình cần phải làm điều gì đó để đáp lại
lòng thương yêu của Chúa, để làm cho niềm hy vọng được khơi dậy trở thành hiện
thực trong đời sống và hành động của mình. Phải tránh những lời nói báo họa,
chửi mắng, đe phạt nhưng phải nói với lòng yêu thương và tha thứ (x. Ga 8,11:
người phụ nữ ngoại tình). Không nên sử dụng Lời Chúa, tòa giảng để bào chữa cho
sai lỗi của mình và chỉ trích, nói xấu người khác, làm cho bầu khí của Thánh lễ
trở nên nặng nề, khó thở hoặc bài giảng chỉ gồm tòan những khuyến cáo có tinh
cách luân lý, dạy đời.
3. Làm cho Lời Chúa đi vào cuộc sống hôm nay
Mục
đích của bài giảng lễ là giúp cho cộng đoàn cử hành phụng vụ và sống phụng vụ
trong đời sống hằng ngày. Vì thế phải giúp người nghe hiểu, suy nghĩ về cuộc
sống của mình, về những biến cố xảy đến trong đời sống của mình cũng như của xã
hội con người qua lăng kính của Lời Chúa, và từ đó đưa ra những quyết định,
thực hành sống thích hợp. Đó chính là việc hiện
tại hóa Lời Chúa, có nghĩa là làm cho mặc khải trong lịch sử trở thành thực
tại của ngày hôm nay, có liên hệ với cuộc sống hôm nay. Vì thế người rao giảng
phải gần với thực tế cuộc sống và hiểu được những nhu cầu, những khát vọng,
những đau khổ cũng như những khó khăn mà người giáo dân đang trải qua, để làm
cho lời rao giảng của mình trở nên gần gũi, có liên hệ với đời sống của họ.
Chúa Giêsu đã áp dụng triệt để điều này trong bài giảng của Người khi dùng
những sự kiện hàng ngày, những dụ ngôn rút ra từ thực tế cuộc sống của người
nghe. Vì thế, lời giảng của Nguời hấp dẫn, đánh động người nghe, đem lại hiệu
quả làm thay đổi cuộc sống.