Chúa
Nhật lễ Hiển Linh
Suy
niệm I-sai-a 60:1-6
Con trai ngươi từ phương xa tới. (I-sai-a 60:4)
Lễ hôm nay kết thúc Mùa Giáng Sinh với tưng bừng ánh sáng,
tựa như những chùm pháo bông ngoạn mục sau một lễ hội lớn. Hiển linh là cuộc biểu lộ huy hoàng Chúa
Giê-su là Ánh sáng và Đấng cứu độ trần gian.
Khi nhận ra ánh sáng của Người, các nhà chiêm tinh là những người đầu
tiên trong dân gian đến với Người “từ các miền đông tây” để làm thành một dân
mới của Thiên Chúa (Mát-thêu 8:11).
Trước thời các nhà chiêm tinh đã lâu, một ngôn sứ tên là
I-sai-a đã nói ngài nhìn thấy đám đông dân chúng tụ họp lại để ca tụng Thiên
Chúa. Thị kiến của ngài bảo đảm rằng
Thiên Chúa sẽ làm cho dân Người thành ánh sáng chiếu soi cho muôn dân. Nhưng làm sao thể hiện được chức phận vẻ vang
ấy, đó là điều không thể đối với những người đầu tiên đón nhận lời ngôn sứ! Bởi vì họ là những kẻ bị lưu đày nay trở về
Giê-ru-sa-lem để tái thiết thánh đô điêu tàn và Đền Thờ. Cho nên họ vui mừng và rạng rỡ sao được, vì
cuộc mạo hiểm này sẽ không thuận lợi đâu.
Trời hạn hán nên mùa màng của họ thất bại. Tái thiết Đền Thờ là điều thất vọng, một công
trình nghèo nàn so với kiến trúc huy hoàng của vua Sa-lô-môn. Các nước lân bang thì thù nghịch. Có lẽ cay đắng nhất, đó là chính dân Chúa lại
chia rẽ. Tương đối ít người chịu trở về
để tái thiết xứ sở, rồi ngay những người bắt tay vào việc tái thiết lại cãi cọ
tranh giành nhau. Cho nên thật là tương
phản với bức tranh của vị ngôn sứ là hàng hàng lớp lớp người lưu đày đổ về
Giê-ru-sa-lem, cùng với đoàn lạc đà từ mọi quốc gia, để làm thành một dân cùng
nhau ca tụng Chúa!
Có lẽ bức tranh này cũng không khác với chúng ta bao
nhiêu. Đúng vậy, chúng ta cũng chia
rẽ. Chúng ta khó lòng làm thành một gia
đình như Chúa Giê-su kêu gọi. Nhưng vị
ngôn sứ bảo chúng ta: Đừng ủ rũ nữa, “hãy
đưa mắt nhìn tứ phía mà xem” những điều Thiên Chúa đang thực hiện (I-sai-a
60:4)! Thánh Thần Người đang hoạt động
để chữa lành và đoàn kết lại (như chính thức đối thoại giữa các thần học gia
Công giáo và Tin lành, gặp gỡ hội thoại giữa các Ki-tô hữu thuộc mọi truyền
thống và còn nhiều cách thức khác nữa).
Chúng ta hãy ủng hộ và cầu nguyện cho những công việc này. Không chối bỏ những khác biệt, chúng ta hãy
tôn trọng những gì mình đồng thuận với tất cả những anh chị em trong Chúa
Ki-tô. Vậy chúng ta hãy sốt sắng cầu
nguyện: Lạy Chúa, xin làm cho chúng con
nên một!
“Lạy Cha, con mong có ngày mọi con cái Cha
sẽ “từ nơi xa trở về” để tất cả thờ phượng Cha.
Xin Cha tăng thêm lòng mong ước của con về ngày ấy và cho con thấy con
có thể làm gì để giúp ngày ấy tới chóng hơn”.