Thứ Bảy tuần IV mùa Chay

Suy niệm Gio-an 7:40-53

 

Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy.  (Gio-an 7:46)

 

         Trong khi những bậc trí thức tại Giê-ru-sa-lem tranh luận bàn cãi xem Chúa Giê-su là ai, thì các lính canh gác Đền Thờ có lẽ đã có câu trả lời đúng nhất:  “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy” (Gio-an 7:46).  Không như các học giả và các nhà chuyên môn thời ấy, những binh sĩ của khôn ngoan người đời đã tỏ ra rất cởi mở đối với những lời Chúa Giê-su nói về tình yêu Thiên Chúa.

         Điều tương phản này đưa ra một câu hỏi:  làm sao chúng ta phân biệt được đâu là kiến thức có lợi ích và đâu là kiến thức có hại?  Thánh Phao-lô đã cảnh giác các độc giả của ngài rằng kiến thức tự nó “khoa trương”, còn “đức ái thì xây dựng”.  Rồi ngài tiếp tục mạnh dạn nói lên trong một khẳng định rằng:  Ai tưởng mình hiểu biết điều gì, thì chưa hẳn là đã hiểu biết như phải hiểu biết.  Ai yêu mến Thiên Chúa, thì được Người biết đến” (1 Cô-rin-tô 8:2-3).

         Chúa ban cho chúng ta trí khôn tuyệt vời là để chúng ta học hỏi.  Theo nghĩa này, kiến thức là có giá trị.  Tuy nhiên cũng có điều khiến cho kiến thức có thể trở thành một ngẫu tượng khi chúng ta bắt đầu quý trọng những gì chúng ta biết thay vì phải quý trọng Chúa là Đấng đã giúp chúng ta học hỏi.  Tất cả kiến thức đích thực, dù là thực dụng hay thuộc thần học hoặc triết lý, thì mục đích cũng là giúp chúng ta yêu mến Chúa và phục vụ tha nhân.  Kiến thức ấy giúp chúng ta chia sẻ Tin Mừng của Người và xây dựng Nước Người tại trần gian.

         Những người lính canh gác Đền Thờ có lẽ đã biết nhóm Pha-ri-sêu sẽ bác bỏ lời nhận định của họ về Chúa Giê-su.  Có lẽ họ cũng nghi ngờ rằng việc họ quyết định không bắt Chúa Giê-su có thể sẽ gây khó khăn cho họ.  Tuy nhiên họ đã chọn không tuân lệnh những người kia là vì lời Chúa đã làm tâm hồn họ cảm động.  Trái lại, kẻ thù của Chúa Giê-su lại rất hãnh diện với những gì họ nghĩ là họ biết về Thiên Chúa, đến nỗi họ đã nhục mạ Chúa Giê-su và quyết tâm loại trừ Người.

         Sự kiêu căng đem chúng ta tới chỗ yêu chính mình thôi.  Còn sự khiêm nhường giúp chúng ta biết cẩn thận cân nhắc các động lực.  Kiêu căng khiến chúng ta bo bo giữ lấy tư tưởng của mình và tảng lờ khi chân lý thách đố chúng ta.  Còn khiêm nhường giúp chúng ta biết lắng nghe và phán đoán chân lý theo chính giá trị của nó.  Ước gì chúng ta luôn chọn con đường khiêm tốn và đừng để cho mình trở nên huyênh hoang với tính tự ái của mình.

 

         “Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con biết sống khiêm nhường mỗi ngày, để con có thể lắng nghe Chúa.  Chúa phán dạy không giống như bất cứ ai”.