Thứ Bảy
tuần IV Phục Sinh
Suy niệm
Công Vụ Tông Đồ 13:44-52
Thì đây chúng tôi quay về phía Dân ngoại. (Công Vụ Tông Đồ 13:46)
Nếu chúng ta khắc phục được một số hiểu lầm,
thì phản ứng của những “người Do-thái” được mô tả trong bài đọc thứ nhất hôm
nay có thể cho chúng ta chất liệu để suy nghĩ (Công Vụ Tông Đồ 13:45).
Một hiểu lầm chắc chắn liên quan đến những
gì đã thực sự xảy ra. Trước hết, dường như thánh Phao-lô đã quyết định sẽ không rao giảng
Tin Mừng cho người Do-thái nữa (Công Vụ Tông Đồ 13:46-47). Nhưng nếu nhìn kỹ, người ta
thấy ý của ngài là chỉ không rao giảng cho người Do-thái tại An-ti-ô-ki-a mà
thôi. Đoạn kế tiếp cho thấy điều
này rất rõ: tại thành phố I-cô-ni-um,
Phao-lô lại một lần nữa tiếp tục sứ vụ bằng cách rao giảng trong hội đường (14:1). Thực ra qua những hành trình truyền giáo,
Phao-lô đã tiếp tục rao giảng cho cả người Do-thái lẫn Dân ngoại, và trong cả
hai nhóm đều có những người lãnh nhận và những người từ chối sứ điệp của ngài.
Hiểu lầm thứ hai là về từ “người Do-thái”
trong đoạn này có ý nghĩa gì đối với chúng ta. Dễ dàng để chúng ta viết xuống
rằng toàn dân Do-thái đều là kẻ thù của Chúa Ki-tô. Nhưng nếu viết như thế,
chúng ta sẽ đánh mất bài học quý giá Chúa muốn dạy chúng ta. Qua thánh Phao-lô, Chúa đã
gửi cho dân tuyển chọn của Người một thông điệp cứu độ, nhưng nhiều người thấy
khó mà chấp nhận điều ấy. Có lẽ họ đã không hiểu sứ điệp. Có lẽ sứ điệp ấy đòi một
thay đổi trong cuộc sống của họ nên họ không muốn chấp nhận thay đổi. Cũng có thể họ đã cảm nhận
là họ sẽ phải bắt đầu giao tiếp với cả một cộng đồng mới mẻ là Dân ngoại và việc
ấy quá sức họ (Công Vụ Tông Đồ 13:45).
Có thể là cả ba lý do kể trên. Dù thế nào thì nhiều người Do-thái quyết định không đón nhận ơn cứu
độ thánh Phao-lô công bố cho họ.
Mỗi người chúng ta đều có thể nhớ lại tình
huống khi chúng ta làm một điều gì đó tương tự như vậy. Một người cha hay người mẹ, một thầy giáo, một
người cùng sở làm, một người bạn, thậm chí ngay một người xa lạ, đều có thể đã
nói cho chúng ta biết một điều gì đó làm chúng ta không thoải mái, nên chúng ta
bịt tai lại. Nhưng đoạn
Tân Ước này dạy chúng ta rằng Thiên Chúa sử dụng nhiều phương tiện mà nói với
chúng ta, để chúng ta có thể bước thêm bước kế tiếp trong hành trình đến với
Người.
Vậy hôm nay bạn hãy mở mắt mà nhìn. Chúa sẽ dùng ai để nói với bạn
đây? Bạn có muốn
đón nhận lời Người một cách khiêm nhường và với tất cả tâm hồn rộng mở không?
“Lạy Chúa Thánh Thần, xin Chúa giúp con biết mở mắt và tâm
hồn. Con muốn đón nhận lời Chúa phán hôm
nay, bất kể sứ giả Chúa sai đến là người nào”.