Thứ Năm tuần II mùa Vọng

Suy niệm Da-ca-ri-a 3:14-17

Lễ kính Đức Mẹ Guadalupe

 

Ngày ấy, nhiều dân tộc sẽ gắn bó cùng Đức Chúa.  (Da-ca-ri-a 2:15)

 

         Hôm nay chúng ta mừng việc Chúa đã thực hiện lời hứa theo một cách nào đó.  Vào tháng 12 năm 1531, Chúa đã sai một vị sứ giả đặc biệt, Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, đến với dân bản địa tại nơi mà ngày nay là Mê-khi-cô, cũng như đến với những người Tây-ban-nha đã dễ dàng lợi dụng những người bản xứ này.  Đức Mẹ đã hiện ra dưới một hình thức quen thuộc như là một phụ nữ bản xứ đang mang thai, khoác tấm áo choàng của người dân vẫn mặc hằng ngày.  Rồi vì vẻ bề ngoài của Mẹ và những phép lạ tiếp theo đó, nên những dân tộc của quốc gia khác và những nền văn hóa khác đã trở lại với Chúa.  Nhưng ngoài những cuộc trở lại kỳ lạ, còn có những điều hơn thế nữa trong câu chuyện Guadalupe.  Các vị thừa sai từ Âu châu nhiều khi muốn đem văn hóa của họ áp đặt trên dân chúng bằng nhiều cách.  Dĩ nhiên đón nhận Tin Mừng có nghĩa là thay đổi cuộc sống.  Thí dụ bạn không thể trở thành một Ki-tô hữu mà vẫn tiếp tục chế độ đa thê hoặc tham dự những cuộc đánh đấm nhau sau khi đã say sưa.  Nhưng bạn không cần phải hát nhạc bình ca hoặc cử hành Thánh lễ trong một nhà thờ chính tòa đồ sộ.  Chúa Giê-su đến để giải phóng người ta khỏi tội lỗi, nhưng Người cũng đến đem lại cho họ tự do, để họ có thể biểu lộ việc thờ phượng theo cách thức riêng, sao cho phù hợp với văn hóa của họ.

         Có khi nào bạn đi dự Thánh lễ với những người thuộc một văn hóa khác với văn hóa của bạn không?  Đây có thể là một cảm nghiệm rất mạnh mẽ chứng tỏ Giáo Hội chúng ta vừa là địa phương vừa là phổ quát.  Có thể bạn không hiểu ngôn ngữ.  Nhưng bạn vẫn có thể theo mọi người ở đó, như họ là anh chị em của bạn.

         Bạn hãy ráng nắm lấy những cơ hội như thế mỗi khi có.  Đó có thể là một Thánh lễ được phát hình trên đài truyền hình.  Có thể là trong dịp bạn đi du lịch.  Có lẽ ở trong thị xã của bạn có một nhà thờ ở đó Thánh lễ được cử hành bằg ngôn ngữ khác hoặc bằng tiếng La-tinh, hoặc theo lễ điển Byzantin hay Coptic.  Hoặc bạn có thể mở rộng chân trời của bạn qua lãnh vực âm nhạc hay nghệ thuật.  Thí dụ bạn có thể nghiên cứu những cách Đức Mẹ được diễn tả như thế nào trong các bức họa và điêu khắc, từ Nairobi đến Nagasaki, từ Tiệp-khắc đến Chechnya.

         Thiên Chúa lớn lao hơn chúng ta tưởng.  Rồi Người đã kêu gọi chúng ta vào một gia đình đang bành trướng trên thế giới.

 

         “Lạy Mẹ Ma-ri-a, xin giúp con học hỏi từ các con cái Mẹ, để con biết phải làm sao ngợi khen Chúa”.